Ta Là Cái Đó: Chương 28. Sống Là Mục Đích Duy Nhất Của Cuộc Đời

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 28. SỐNG LÀ MỤC ĐÍCH DUY NHẤT CỦA CUỘC ĐỜI

Hỏi: Thất bại trong Yoga nghĩa là gì? Ai là kẻ thất bại trong Yoga?

Maharaj: Đây chỉ là một câu hỏi không hoàn chỉnh. Người nào không hoàn tất Yoga vì một lý do nào đó thì được coi là thất bại trong Yoga. Một sự thất bại như thế chỉ có tính cách nhất thời, vì trong Yoga không có chiến bại. Yoga là một cuộc chiến luôn luôn thắng, vì đây là một cuộc chiến giữa cái thật và cái giả. Cái giả không có cơ hội thắng thế.

H: Ai thất bại? Con người - Vyakti - hay cái Ta - Vyakta?

M: Câu hỏi được đặt sai. Không có vấn đề thất bại, dù là trước mắt hay lâu dài. Cũng giống như đi trên một con đường dài và gian khổ trong một đất nước xa lạ. Trong vô số bước đi thì chỉ bước cuối cùng đưa ông đến đích. Nhưng ông không thể cho rằng những bước trước đó là thất bại. Mỗi bước đưa ông đến gần đích, ngay cả khi ông phải quay trở lại để vòng qua một trở ngại. Trong thực tế mỗi bước đều đưa ông đến đích, vì luôn luôn di chuyển, học hỏi, khám phá, khai mở là định mệnh muôn đời của ông. Sống là mục đích duy nhất của cuộc đời. Cái Ta không đồng hóa chính nó với thành công hay thất bại - ngay cả ý tưởng trở thành cái này hay cái kia cũng không thể có. Cái Ta hiểu rằng thành công hay thất bại chỉ là tương đối và tùy thuộc, chúng chỉ là những sợi chỉ ngang, dọc của cuộc đời. Học từ cả thành công lẫn thất bại và đi xa hơn. Nếu ông chưa học được thì làm lại.

H: Tôi phải học cái gì?

M: Sống mà không băn khoăn, lo lắng về chính mình. Muốn thế ông phải biết sự hiện hữu chơn thật của ông - Swarupa - là bất khuất, vô úy, và luôn luôn chiến thắng. Một khi biết chắc rằng không gì có thể quấy nhiễu được ông mà chỉ có sự tưởng tượng của chính ông thì ông không còn bận tâm với tham ái và lo sợ, khái niệm và ý tưởng, mà chỉ sống theo chân lý duy nhất.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Điều gì có thể là lý do vì sao có người thành công và có người thất bại trong Yoga? Có phải đó là định mệnh, hay cá tính, hay chỉ là sự tình cờ?

M: Chưa có ai thất bại trong Yoga bao giờ. Tất cả chỉ là nhịp độ tiến bộ mà thôi. Khởi đầu thì chậm chạp nhưng kết thúc thì nhanh. Khi hành giả thực sự thuần thục thì sự giác ngộ nổ bùng. Nó xảy ra một cách tự phát, hoặc chỉ do một gợi ý nhỏ. Nhanh không hẳn đã hay hơn chậm. Chậm chạp chín mùi và nhanh chóng khai hoa xen kẽ nhau. Cả hai đều tự nhiên và đúng.

M: Tuy nhiên, tất cả những điều như vậy chỉ ở trong tâm mà thôi. Còn theo Ta thấy thì không có gì như thế. Trong tấm gương vĩ đại của ý thức mọi hình ảnh xuất hiện rồi biến mất, chỉ có ký ức tạo cho chúng sự tiếp tục. Mà ký ức là vật chất - có thể bị phá hủy, có thể bị hư hoại, và biến dịch vô thường. Trên những nền tảng mong manh như thế chúng ta xây dựng ý thức về sự tồn tại của con người - mơ hồ, lúc có lúc không, như mộng huyễn. Sự tin tưởng mơ hồ “Ta là thế này, thế nọ” ngăn che trạng thái bất biến của tánh biết thuần túy, và làm cho chúng ta tin rằng mình được sinh ra để chịu đau khổ và chết đi.

H: Cũng như một đứa trẻ không thể không lớn lên, thì một người, do bản chất thúc ép, phải tiến bộ. Việc gì cần phải gắng sức? Sự cần thiết của Yoga ở chỗ nào?

M: Tiến bộ luôn luôn có trong mọi lúc. Tất cả mọi thứ đều góp phần cho sự tiến bộ. Nhưng đây là sự tiến bộ của vô minh. Vòng vô minh có thể luôn luôn mở rộng, nhưng vô minh lúc nào cũng trói buộc. Vào đúng thời điểm một Đạo sư sẽ xuất hiện để giáo hóa và khuyến khích chúng ta thực hành Yoga, và một sự chín mùi xảy ra mà hậu quả của nó là màn đêm vô lượng kiếp của vô minh tan biến trước bình minh của mặt trời trí tuệ. Nhưng trong thực tế chẳng có gì đã xảy ra. Mặt trời luôn luôn có đó, không hề có đêm tối đối với mặt trời. Tâm bị mê mờ vì ý tưởng “Ta là thân xác” không ngừng tuôn ra sợi chỉ ảo hóa của nó.

H: Nếu tất cả là một phần của sự tiến bộ tự nhiên, việc gì cần phải cố gắng?

M: Ngay cả cố gắng cũng là một phần của sự tiến bộ. Khi vô minh trở nên cố đế, chai lì, cá tính trở nên dung tục thì chắc chắn phải cần đến cố gắng và nỗi vất vả của sự cố gắng là điều không tránh khỏi. Còn hoàn toàn thuận theo tự nhiên thì chẳng cần đến cố gắng. Hạt sống của đời sống tâm linh phát triển trong im lặng và trong bóng tối cho đến đúng giờ đã định.

H: Chúng tôi tình cờ tiếp xúc với một số người đã từng là những vật có tiếng tăm, nhưng về già thì trở nên trẻ con, tầm thường, hay sinh sự và hằn học. Làm sao họ lại thoái hóa nhiều đến như thế?

M: Họ là những hành giả Yogi không toàn hảo, không hoàn toàn điều ngự được thân xác. Hoặc, có thể họ chẳng cần bận tâm giữ gìn thân xác trước sự thoái hóa tự nhiên. Một người không nên đi đến kết luận trước khi hiểu rõ tất yếu mọi yếu tố liên quan. Quan trọng hơn cả, một người không nên đưa ra những phán xét về sự hèn kém hay ưu việt. Sự trẻ trung thì thiên về sinh khí - Prana - hơn là về trí tuệ - Gnana.

H: Người ta có thể trở nên già đi, nhưng vì sao lại mất đi tất cả sự bén nhạy và sáng suốt?

M: Ý thức và vô thức khi còn ở trong thân thì tùy thuộc vào điều kiện của não bộ. Nhưng cái Ta ở ngoài cả hai, ở ngoài não bộ, và ở ngoài tâm. Khuyết tật của dụng cụ không phản ánh người sử dụng nó.

H: Tôi nghe nói bậc giác ngộ chẳng bao giờ hành hoạt thiếu trang nghiêm. Vị ấy luôn luôn cư xử theo khuôn mẫu.

M: Ai đặt ra khuôn mẫu? Vì sao một người đã giải thoát lại cần thiết tuân theo những quy ước? Ngay khi trở nên có thể đoán biết được thì người ấy không thể nào tự do. Tự do của người ấy là ở trong sự tự do hoàn tất cái gì cần thiết vào lúc đó, hoặc tuân theo sự đòi hỏi của tình huống. Tự do làm cái mình thích thì vẫn bị ràng buộc, còn tự do làm cái mình phải làm, cái gì đúng thì mới là tự do thực sự.

H: Tuy nhiên, phải có một cách nào đó để phân biệt ai là người giác ngộ và ai chưa. Một người giác ngộ vẫn giống như người khác thì người ấy có gì hữu ích?

M: Người nào biết rõ chính mình thì không nghi hoặc về chính mình. Người đó cũng chẳng cần người khác công nhận trạng thái của mình hay không. Chẳng mấy khi người giác ngộ tiết lộ sự giác ngộ của mình; phước báu cho những ai gặp được người giác ngộ, vì người đó tiết lộ sự giác ngộ cho lợi lạc lâu dài của họ.

H: Khi nhìn quanh, một người cảm thấy kinh hoàng trước mức độ đau khổ không cần thiết đang xảy ra. Những người cần được cứu giúp thì không được cứu giúp. Thử tưởng tượng một phòng bệnh đầy những bệnh nhân không thể cứu chữa đang lăn lộn và rên la. Nếu có quyền giết hết họ để chấm dứt sự đau đớn mà họ đang chịu đựng, liệu ông có làm không?

M: Ta sẽ để tự họ quyết định.

H: Nhưng nếu định mệnh của họ là phải chịu đau khổ? Làm sao ông có thể can thiệp vào định mệnh?

M: Định mệnh của họ là cái đang xảy ra. Không thể ngăn cản định mệnh. Ông muốn nói rằng cuộc đời của mỗi người hoàn toàn được định đoạt vào lúc sinh ra? Thật là một ý tưởng lạ lùng! Nếu quả thật như thế thì ai đó có quyền năng quyết định sẽ bảo đảm chắc chắn rằng không có người nào chịu đau khổ.

H: Thế còn nhân quả?

M: Mỗi một khoảnh khắc chứa đựng toàn thể quá khứ và tạo ra toàn thể tương lai.

H: Nhưng liệu quá khứ và tương lai tồn tại?

M: Chỉ trong tâm mà thôi. Thời gian ở trong tâm, không gian ở trong tâm. Luật nhân quả cũng là một lối suy nghĩ. Trong thực tại tất cả ở đây và bây giờ, và tất cả là một. Tính nhiều và đa dạng chỉ có trong tâm.

H: Tuy nhiên, ông vẫn hậu thuẫn cho sự làm dịu bớt đau khổ, dù bằng cách phải hủy diệt những thân xác mắc bệnh trầm kha vô phương cứu chữa?

M: Một lần nữa, ông nhìn từ bên ngoài vào còn Ta nhìn từ bên trong ra. Ta không thấy một người đau khổ, Ta là người đau khổ. Ta biết người đó từ bên trong, và làm cái gì đúng một cách tùy nghi và chẳng cần dụng sức. Ta không tuân theo một luật lệ nào và cũng chẳng đặt ra luật lệ. Ta trôi chảy với cuộc sống - một cách thủy chung, không cưỡng lại.

H: Tuy nhiên ông vẫn có vẻ là một người rất thực tế, hoàn toàn chủ động đối với những gì quanh ông.

M: Ông muốn Ta là một cái gì khác? Một kẻ không thích hợp?

H: Nhưng ông không thể giúp ích nhiều cho người khác.

M: Dĩ nhiên, Ta có thể giúp ích. Cả ông cũng có thể giúp ích. Mọi người đều có thể giúp ích. Nhưng sự đau khổ luôn luôn tái diễn. Chỉ con người mới có thể đoạn trừ nguồn gốc của đau khổ trong chính mình. Người khác có thể giúp làm dịu đi nỗi đau khổ nhưng không thể làm gì được với nguyên nhân của sự đau khổ:

sự vô minh cùng cực của nhân loại.

H: Liệu sự vô minh đó có bao giờ chấm dứt?

M: Trong con người - dĩ nhiên, vào bất cứ lúc nào. Trong nhân loại, như chúng ta biết, phải sau rất nhiều năm. Trong tạo dựng - không bao giờ, vì tự thân tạo dựng bắt nguồn từ vô minh; tự thân vật là vô minh. Không biết, và không biết mình không biết là nguồn gốc của đau khổ triền miên.

H: Chúng tôi có nghe nói về các Avatars, tức là các đấng cứu thế vĩ đại.

M: Thế họ có cứu được thế gian này không? Họ đến rồi đi - và thế giới vẫn lăn trôi trong trần lao. Dĩ nhiên là họ đã làm rất nhiều và mở ra nhiều chiều hướng mới trong tâm thức của nhân loại. Nhưng bảo là cứu thế thì phóng đại.

H: Không có sự cứu vớt nào cho thế giới sao?

M: Thế giới nào mà ông muốn cứu vớt? Cái thế giới được chính ông phóng chiếu ra? Chính ông hãy cứu nó. Còn thế giới của Ta? Hãy chỉ cho Ta thế giới của Ta và Ta sẽ lo liệu nó. Ta không biết bất cứ thế giới nào tách biệt với chính Ta, dù Ta hoàn toàn tự do cứu vớt hay không cứu vớt. Việc gì mà ông muốn cứu vớt thế giới, trong khi điều mà thế giới cần là được cứu vớt khỏi ông? Cứ bước ra khỏi bức tranh và xem liệu có gì còn lại để cứu vớt?

H: Hình như điều mà ông muốn nhấn mạnh là nếu không có

ông thì thế giới của ông đã không tồn tại, và do đó điều duy nhất mà ông có thể làm cho thế giới là: kéo màn chấm dứt vở tuồng. Đó không phải là lối thoát. Cho dù thế giới là sự tạo dựng của riêng tôi thì sự hiểu biết này chẳng cứu giúp gì được nó. Sự hiểu biết chỉ có thể giải thích. Câu hỏi vẫn là: Tại sao tôi đã tạo ra một thế giới khốn khổ như thế, và tôi có thể làm gì để thay đổi nó? Ông có vẻ như bảo rằng: Quên nó đi và chiêm ngưỡng hạnh phúc trên thiên đường của chính ông. Chắc chắn là ông không hàm ý như thế. Sự mô tả một căn bệnh và nguyên nhân của căn bệnh không chữa khỏi căn bệnh. Cái mà chúng tôi cần là phương thuốc đúng.

M: Sự mô tả và nguyên nhân là phương cách trị liệu cho một căn bệnh được gây ra bởi u mê và ngu dốt. Cũng như bệnh thiếu vitamine được chữa khỏi bằng cách cung cấp những chất bị thiếu thì mọi căn bệnh của cuộc đời đều được chữa khỏi bằng một liều thuốc đúng của sự vô tư trí tuệ - Viveka-Vairagya.

H: Ông không thể cứu vớt thế gian bằng cách rao giảng những giáo điều về sự toàn hảo. Con người là như thế. Họ có bắt buộc phải chịu đau khổ không?

M: Bao giờ con người vẫn là như thế thì không có một lối thoát nào ra khỏi sự đau khổ. Hãy dẹp bỏ cái ý thức về sự riêng biệt thì xung đột sẽ không còn.

H: Một thông điệp được in ra có thể chỉ là giấy và mực. Chính bản văn mới là quan trọng. Khi phân tích thế giới thành những thành phần và tính chất chúng ta bỏ qua một điều quan trọng nhất ý nghĩa của nó. Việc ông thu gọn tất cả mọi thứ thành chiêm bao đã không tính đến sự khác biệt giữa giấc mơ của một con côn trùng và giấc mơ của một thi sĩ. Tất cả đều là chiêm bao, cứ cho là như thế. Nhưng không phải tất cả đều như nhau.

M: Các giấc chiêm bao thì không đồng hành như nhau, nhưng người chiêm bao là một. Ta là con côn trùng, Ta là nhà thơ - trong chiêm bao. Nhưng trong hiện thực Ta không phải cả hai. Ta ở ngoài tất cả những giấc chiêm bao. Ta là ánh sáng mà trong đó tất cả các giấc chiêm bao xuất hiện và biến mất. Ta vừa ở trong vừa ở ngoài giấc chiêm bao. Giống như một người bị nhức đầu biết cơn đau và cũng biết rằng mình không phải là cơn đau thì Ta biết giấc chiêm bao, chính Ta đang chiêm bao và chính Ta không chiêm bao - tất cả cùng một lúc. Ta là Ta, trước, trong khi và sau giấc chiêm bao. Nhưng cái Ta thấy trong chiêm bao thì không phải là Ta.

H: Tất cả chỉ là tưởng tượng. Một người tưởng tượng rằng mình đang chiêm bao, một người khác tưởng tượng mình không chiêm bao. Không phải cả hai đồng như nhau?

M: Đồng và không đồng. Không chiêm bao - như là một khoảng xen vào giữa hai giấc chiêm bao - dĩ nhiên là một phần của giấc chiêm bao. Còn không chiêm bao - như là một sự liên tục không gián đoạn, tồn tại phi thời trong thực tại - thì chẳng có liên quan gì với chiêm bao. Theo nghĩa này thì Ta chưa bao giờ chiêm bao, và sẽ chẳng bao giờ chiêm bao.

H: Nếu cả chiêm bao và ra khỏi chiêm bao đều là tưởng tượng, vậy lối thoát là gì?

M: Chẳng cần lối thoát! Ông không thấy rằng lối thoát cũng là một phần của giấc chiêm bao? Tất cả những gì ông cần làm: thấy chiêm bao là chiêm bao.

H: Nếu tôi khởi sự thực hành gạt bỏ tất cả mọi thứ, xem chúng như một giấc chiêm bao thì nó sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Dù có đưa ông đến bất cứ đâu thì nó vẫn là một giấc chiêm bao. Cái ý tưởng thoát ra khỏi giấc chiêm bao chỉ là một ảo tưởng. Việc gì phải đi đâu? Chỉ cần nhận ra rằng ông đang chiêm bao một giấc chiêm bao mà ông gọi nó là thế giới, và chấm dứt tìm cách thoát ra. Giấc chiêm bao không phải là vấn đề của ông. Vấn đề của ông là ông thích đoạn này, nhưng lại không thích đoạn khác của giấc chiêm bao. Hoặc yêu thích tất cả, hoặc không tất cả, và đừng than van nữa. Một khi đã thấy chiêm bao là chiêm bao thì ông vừa làm xong tất cả những gì cần làm.

H: Có phải chiêm bao do suy nghĩ mà có?

M: Mọi thứ đều là trò chơi của tư tưởng. Trong trạng thái vô tưởng - Nirvikalpa Samadhi - không có gì được nhận thức. Ý tưởng căn nguyên vẫn là: “Ta hiện hữu”. Nó phá vỡ trạng thái ý thức thuần túy và theo sau là vô số cảm giác và nhận thức, cảm thọ và ý tưởng - mà tổng thể của chúng tạo ra Thượng đế và thế giới của Ngài. Cái “Ta hiện hữu” vẫn là nhận chứng, chính ý chí của Thượng đế mà mọi chuyện xảy ra.

H: Tại sao lại không do ý chí của tôi?

M: Một lần nữa, ông lại phân chia chính ông thành Thượng đế và nhân chứng. Cả hai là một.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh