Ta Là Cái Đó: Chương 38. Không Có Gì Tự Tồn Tại

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 38. KHÔNG CÓ GÌ TỰ TỒN TẠI

Hỏi: Khi nghe ông nói, tôi nhận thấy có hỏi ông cũng vô ích. Dù tôi đặt câu hỏi theo cách nào thì cũng bị ông bẻ ngược trở lại, và đưa tôi đến một thực tế căn bản là tôi sống với ảo tưởng của chính tôi tạo ra, và thực tại thì không thể diễn tả bằng ngôn từ. Ngôn từ chỉ gây thêm rắc rối, và cách không ngoan nhất là im lặng tìm kiếm bên trong.

Maharaj: Xét cho cùng, chính tâm tạo ra ảo tưởng và cũng chính tâm hóa giải nó. Ngôn từ có thể làm cho ảo tưởng thêm kiên cố, nhưng ngôn từ cũng có thể làm cho ảo tưởng tan biến. Chẳng có gì là không đúng trong sự lập đi lập lại cùng một sự thật cho đến khi nó trở thành thực tại. Việc làm mẹ đâu phải đã xong sau khi sinh con ra. Bà còn phải nuôi nấng cho đến khi nó không còn cần đến bà nữa. Người ta cần nghe ngôn từ, cho đến khi các sự kiện thực tế nói với họ còn to hơn cả ngôn từ.

H: Như thế chúng tôi là trẻ con được nuôi sống bằng ngôn từ?

M: Bao giờ còn cho ngôn từ là quan trọng thì ông còn là trẻ con.

H: Được, vậy hãy làm mẹ chúng tôi.

M: Đứa trẻ ở đâu trước khi nó được sinh ra? Thế không phải nó đã có sẵn trong bà mẹ? Vì đã có sẵn trong bà mẹ nên nó mới được sinh ra.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Chắc chắn bà mẹ đã không mang đứa con khi chính bà ấy còn là một đứa trẻ.

M: Tiềm năng thì bà ấy đã là mẹ. Hãy vượt ra khỏi ảo tưởng về thời gian.

H: Câu trả lời của ông lúc nào cũng giống nhau. Một cái đồng hồ điểm giờ lập đi lập lại.

M: Còn cách nào khác. Giống như một mặt trời được phản chiếu trong hàng triệu giọt sương, cái phi thời cũng được lập lại một cách vô tận như thế. Khi lập đi lập lại: “Ta hiện hữu, Ta hiện hữu” thì Ta chỉ khẳng định và tái khẳng định một thực tế thường tại (ever-present). Ông nhàm chán ngôn từ của Ta vì ông không thấy được chân lý sống động đằng sau chúng. Tiếp xúc với cái chân lý sống động đó thì ông sẽ nhận ra đầy đủ ý nghĩa của cả ngôn từ và của sự im lặng.

H: Ông bảo rằng đứa bé gái đã là mẹ của đứa trẻ tương lai. Tiềm năng thì đúng. Hiện thực thì không.

M: Tiềm năng trở thành hiện thực bởi tư duy. Thân xác và những hệ lụy của nó chỉ tồn tại trong tâm.

H: Và tâm là ý thức khi động, và ý thức là một phương diện đã bị điều kiện hóa - Saguna - của cái Ta. Cái không bị điều kiện hóa - Nirguna - là một phương diện khác. Bên ngoài là sự bao la của cái tuyệt đối - Paramartha.

M: Đúng thế - ông diễn tả một cách tuyệt vời.

H: Nhưng với tôi đó chỉ là ngôn từ suông. Nghe và lập lại suông chưa đủ, cần phải chứng nghiệm chúng.

M: Chẳng có gì ngăn cản được ông, nhưng vì mải mê với bên ngoài nên ông mất đi sự chú ý với bên trong. Không có cách nào khác, ông không thể bỏ qua sự tu tập. Ông phải quay lưng lại với thế giới và đi vào trong, cho đến khi bên ngoài và bên trong nhập làm một; lúc đó ông có thể vượt ra khỏi cái bị điều kiện hóa, dù bên trong hay bên ngoài.

H: Chắc chắn cái không bị điều kiện hóa cũng chỉ là một ý nghĩ trong cái tâm bị điều kiện hóa. Tự thân cái không bị điều kiện hóa không tồn tại.

M: Không có gì tự tồn tại. Mọi cái đều cần cái chính nó không có. Hiện hữu, có nghĩa là hiện hữu một cách minh thị, hiện hữu ở đây chứ không phải ở kia, hiện hữu ngay bây giờ chứ không phải vào lúc đó, hiện hữu như thế chứ không thể nào khác. Cũng như nước có hình thể của vật chứa nó, thì mọi cái đều được quyết định bởi nhiều điều kiện khác nhau. Cũng như nước vẫn là nước dù vật chứa nó có hình dáng ra sao, ánh sáng vẫn là ánh sáng dù cho màu sắc được nó làm cho hiển lộ là màu gì, thì cái thật vẫn là thật bất kể những điều kiện mà qua đó nó được phản ảnh. Tại sao chỉ giữ ảnh phản chiếu trong tiêu điểm của ý thức? Mà không phải chính cái thật?

H: Tự thân ý thức là ảnh phản chiếu. Làm sao nó giữ được cái thật?

M: Biết được ý thức và nội dung của nó chỉ là những ảnh phản chiếu, biến dịch và vô thường - là thấy rõ cài thật. Không thấy con rắn trong sợi dây thừng là điều kiện ắt có để thấy sợi dây thừng.

H: Chỉ ắt có, hay còn và đủ?

M: Một người cần phải thấy sợi dây thừng và sợi dây thừng đó trông giống một con rắn. Tương tự như thế, một người phải biết rằng cái thật tồn tại và cái thật đó thuộc về bản thể của ý thức nhân chứng. Dĩ nhiên là nó ở bên ngoài nhân chứng, nhưng muốn thể nhập nó thì trước tiên cần phải nhận ra trạng thái nhân chứng thuần túy. Khi biết rõ các điều kiện, người ta biết được cái không bị điều kiện hóa.

H: Liệu cái không bị điều kiện hóa có thể được chứng nghiệm?

M: Biết cái bị điều kiện hóa là bị điều kiện hóa - là tất cả những gì có thể nói về cái không bị điều kiện hóa. Một ngôn từ khẳng định chỉ là những gợi ý và gây ngộ nhận.

H: Liệu chúng ta có thể nói về nhân chứng cái thật?

M: Làm sao được? Chúng ta chỉ có thể nói về cái không thật, cái hư giả, cái vô thường, cái bị điều kiện hóa. Muốn vượt ra ngoài, chúng ta phải trải qua một tiến trình phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại độc lập của mọi vật. Tất cả mọi thứ đều tùy thuộc.

H: Chúng tùy thuộc vào cái gì?

M: Vào ý thức. Và ý thức lại tùy thuộc vào nhân chứng.

H: Và nhân chứng tùy thuộc vào cái thật?

M: Nhân chứng là sự phản chiếu của cái thật trong trạng thái thuần nhất của nó. Nhân chứng còn tùy thuộc vào điều kiện của tâm. Khi nào sự trong sáng và tính vô tư chiếm ưu thế thì ý thức nhân chứng xuất hiện. Cũng như khi nói chỗ nào nước trong và lặng thì hình ảnh của mặt trăng xuất hiện. Hay, cũng như ánh sáng lấp lánh trong kim cương.

H: Liệu có thể có ý thức mà không có nhân chứng?

M: Không có nhân chứng thì ý thức trở thành vô thức, chỉ có sự sống. Nhân chứng tàng ẩn trong mọi trạng thái của ý thức, cũng như ánh sáng tàng ẩn trong mọi màu sắc. Không thể nào có sự biết mà không có người biết, và không có người biết nếu không có nhân chứng. Không những ông biết, mà ông còn biết ông biết.

H: Nếu cái không bị điều kiện hóa không thể kinh nghiệm được, vì tất cả kinh nghiệm đều bị điều kiện hóa, vậy thì nói về nó để làm gì?

M: Làm sao ông có thể biết được cái bị điều kiện hóa nếu không có cái không bị điều kiện hóa? Phải có một cội nguồn mà từ đó tất cả mọi thứ chảy ra, một nền tảng mà tất cả đều đứng trên đó.

Nhận ra chính mình là trước tiên biết rõ sự điều kiện hóa của chính mình, và biết rõ rằng vô số trạng thái khác nhau của các điều kiện đều tùy thuộc vào khả năng vô biên của chúng ta để được điều kiện hóa và tạo ra những trạng thái khác nhau. Đối với cái tâm bị điều kiện hóa thì cái không bị điều kiện hóa xuất hiện như là cái tất cả, và cũng là cái không gì cả. Cả hai đều không thể được kinh nghiệm trực tiếp, nhưng không có nghĩa là không tồn tại.

H: Không phải nó là một cảm thọ?

M: Cảm thọ cũng là một trạng thái của tâm. Giống như một thân thể khỏe mạnh không kêu gọi sự chú ý thì cái không bị điều kiện hóa không có trong kinh nghiệm. Lấy kinh nghiệm cái chết làm ví dụ. Người thường rất sợ chết, vì họ sợ sự thay đổi. Người giác ngộ không sợ chết vì tâm của người giác ngộ đã chết. Người giác ngộ không nghĩ: “Ta sống.” Người giác ngộ biết: “Có sự sống.” Trong đó không có sự thay đổi và không có sự chết. Cái chết xuất hiện như một sự thay đổi trong thời gian và không gian. Nếu không có thời gian và không gian, làm sao có cái chết? Người giác ngộ đã chết đi đối với tất cả danh xưng và hình tướng. Vậy sự mất đi của hình tướng và danh xưng làm sao có thể ảnh hưởng đến người giác ngộ? Người ở trên tàu di chuyển từ nơi này đến nơi khác, người ở ngoài con tàu thì chẳng đi đâu, vì người đó không bị ràng buộc bởi một nơi đến. Người đó không có chỗ nào để đi đến, không có gì để làm, và không có gì để trở thành. Những ai đặt ra kế hoạch, dự tính thì được sinh ra để thực hiện kế hoạch, dự tính. Những ai không đặt ra kế hoạch, dự tính thì không cần thiết phải được sinh ra.

H: Mục đích của đau khổ và lạc thú là gì?

M: Thế chúng tự tồn tại, hay chỉ ở trong tâm.

H: Nhưng chúng vẫn tồn tại. Đừng bận tâm đến tâm.

M: Đau khổ và lạc thú chỉ là những hiện tướng, là kết quả của hiểu biết sai lầm và cảm thọ sai lầm. Một kết quả thì không thể có mục đích của chính nó.

H: Trong sự cai quản của Thượng đế, mọi thứ đều có một mục đích riêng.

M: Ông có biết Thượng đế không mà sao ông lại nói về Thượng đế một cách tùy tiện như thế? Theo ông Thượng đế là gì? Một âm thanh, một chữ viết trên giấy, hay là một ý tưởng trong tâm?

H: Chính nhờ quyền năng của Thượng đế, tôi mới được sinh ra và được duy trì sự sống.

M: Và đau khổ, và chết đi. Ông vui chứ?

H: Tôi đã được tạo ra cho cuộc sống vĩnh cửu. Có thể là do lỗi lầm của tôi mà tôi đau khổ và chết đi.

M: Tại sao vĩnh cửu lại ở trong tương lai, mà không phải trong quá khứ. Cái gì có sự bắt đầu thì phải có sự chấm dứt. Chỉ cái vô thủy mới vô chung.

H: Có thể Thượng đế đơn thuần chỉ là một quan niệm, một lý thuyết có thể chấp nhận được. Một quan niệm rất hữu ích thì cũng tốt vậy!

M: Muốn vậy thì quan niệm đó phải hoàn toàn không còn những mâu thuẫn nội tại, nhưng nó không phải là trường hợp ở đây. Tại sao không thử tư duy lý thuyết: Ông vừa là người sáng tạo vừa là vật được sáng tạo. Theo đó thì ít ra là chẳng có Thượng đế nào ở bên ngoài để ông đấu tranh với.

H: Thế giới thì quá phong phú và phức tạp - làm sao tôi có thể tạo ra nó?

M: Ông có thật sự biết rõ chính ông, để biết ông có thể và không thể làm được những gì? Ông không hay biết gì về những quyền năng của chính ông. Ông chẳng bao giờ tìm hiểu điều đó.

Hãy bắt đầu với chính ông ngay bây giờ.

H: Mọi người đều tin vào Thượng đế.

M: Theo Ta ông là Thượng đế của chính ông. Nhưng nếu ông nghĩ khác thì hãy nghĩ cho đến cùng. Nếu có Thượng đế, thì tất cả đều là của Thượng đế và tất cả đều vì mục đích tốt lành nhất. Hãy đón nhận tất cả những gì đến với ông bằng một tấm lòng vui vẻ và biết ơn. Hãy yêu thương tất cả mọi loài. Bằng cách này ông cũng có thể đến được với cái Ta của chính ông.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh