Ta Là Cái Đó: Chương 31. Cuộc Sống Là Đạo Sư Tối Thượng

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 31. CUỘC SỐNG LÀ ĐẠO SƯ TỐI THƯỢNG

Hỏi: Hai người chúng tôi từ những xứ sở xa xôi đến, một là người Anh, và một là người Mỹ. Thế giới mà trong đó chúng tôi sinh ra đang băng hoại, và vì còn trẻ nên chúng tôi rất lo lắng. Những người lớn tuổi hy vọng họ sẽ chết bằng cái chết của họ, còn bọn trẻ chúng tôi không có hy vọng đó. Một số người trong chúng tôi có thể không chấp nhận giết, nhưng không ai có thể chấp nhận để bị giết. Liệu chúng tôi có hy vọng chấn chỉnh thế giới nội trong đời chúng tôi.

Maharaj: Vì sao các cậu lại nghĩ rằng thế giới sắp diệt vong?

H: Các phương tiện hủy diệt đã trở nên vô cùng khốc liệt. Không những thế, ngay cả các hoạt động sản xuất vẫn không ngừng tàn phá thiên nhiên, cũng như các giá trị văn hóa và xã hội của chúng tôi.

M: Cậu nói về thời đại hiện nay. Từ trước đến nay điều này vẫn luôn như thế ở mọi nơi. Nhưng tình thế đáng lo ngại này có thể là nhất thời và có tính cách địa phương. Rồi mọi chuyện sẽ qua đi, và người ta sẽ quên đi.

H: Thảm họa sắp xảy ra có một quy mô rộng lớn không thể tưởng tượng. Chúng ta đang sống giữa một vụ nổ dữ dội.

M: Mỗi con người đau khổ riêng và chết riêng. Con số thì chẳng quan trọng. Hàng triệu người chết thì cũng nhiều như một người bị sát hại.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Thiên nhiên có thể tiêu diệt hàng triệu người, nhưng điều

đó không làm tôi kinh sợ. Những biến cố như thế có thể là một thảm kịch hay một điều kỳ bí, nhưng không tàn bạo. Điều làm tôi kinh hoàng là những đau khổ mang tính hủy diệt và tàn phá do con người tạo ra. Thiên nhiên luôn luôn hùng vĩ trong sự tạo dựng và phá hủy. Nhưng hành vi của con người thì độc ác và điên cuồng.

M: Đúng. Như vậy, vấn đề cậu quan tâm không phải là đau khổ và cái chết, mà là sự độc ác và điên cuồng tại nguồn gốc của chúng. Thế không phải độc ác cũng là một hình thức điên cuồng? Và không phải điên cuồng là một sự dụng tâm sai lầm? Vấn nạn của nhận loại là ở trong sự dụng tâm sai lầm. Toàn thể kho báu của thiên nhiên và tinh thần luôn luôn rộng mở đối với ai dụng tâm đúng đắn.

H: Thế nào là dụng tâm đúng đắn?

M: Lo sợ và tham ái tạo nên sự dụng tâm sai lầm. Dụng tâm đúng đắn là phụng sự tình yêu, cuộc sống, chân lý và cái đẹp.

H: Nói thì dễ hơn làm. Yêu chân lý, yêu người, thiện ý - toàn là những thứ hiếm quý! Chúng ta cần rất nhiều những thứ đó để chấn chỉnh thế giới, nhưng ai là người ban phát?

M: Cậu có thể muôn đời tìm kiếm chân lý và tình yêu, trí tuệ và thiện ý ở bất cứ đâu; van xin Thượng đế và con người - tất cả đều vô ích. Cậu phải bắt đầu trong chính mình, với chính mình - đây là định luật bất di bất dịch. Cậu không thể sửa đổi hình ảnh trong gương mà không sửa đổi bộ mặt. Trước tiên, hãy nhận ra rằng thế giới chỉ là ảnh phản chiếu của chính cậu, và ngừng tìm kiếm sai lầm trong ảnh phản chiếu. Hãy chú ý đến chính cậu, chấn chỉnh chính cậu - về tâm lý cũng như cảm xúc. Thân xác vật lý sẽ tự động theo sau. Cậu nói nhiều về những cải tổ: kinh tế, xã hội, chính trị. Cứ mặc kệ những cải tổ mà hãy quan tâm đến người cải tổ. Một kẻ vô minh, tham lam và tàn ác tạo ra một thế giới như thế nào?

H: Nếu phải chờ một sự thay tâm đổi ý thì chúng ta chờ đến muôn đời. Những gì ông nói chỉ là giáo điều về sự toàn hảo, và cũng là giáo điều của sự tuyệt vọng. Khi tất cả toàn hảo, thế giới sẽ toàn hảo. Thật là một lập luận hiển nhiên vô tích sự!

M: Ta có bảo thế đâu. Ta chỉ nói: Cậu không thể sửa đổi thế giới trước khi sửa đổi chính cậu; Ta không bảo trước khi sửa đổi mọi người. Sửa đổi người khác là chuyện không cần thiết và không thể được. Nhưng nếu cậu có thể sửa đổi chính mình thì cậu sẽ nhận ra rằng không có sửa đổi nào khác là cần thiết. Muốn sửa đổi hình ảnh thì chỉ cần sửa đổi cuốn phim, cậu chẳng cần phải công kích màn ảnh!

H: Làm sao ông chắc chắn về ông đến như thế? Làm sao ông biết được điều ông nói ra là đúng thật?

M: Ta không chắc chắn về chính Ta, mà Ta chắc chắn về cậu. Tất cả những gì cậu cần là chấm dứt tìm kiếm bên ngoài cái mà cậu chỉ có thể tìm thấy bên trong. Hãy đặt lại cho đúng cách nhìn của cậu trước khi hoạt động. Cậu đau khổ vì sự hiểu lầm nghiêm trọng. Hãy làm cho tâm cậu trong sáng, tim cậu trong sạch, đời cậu thánh thiện - đó là phương cách nhanh chóng nhất để sửa đổi thế giới của cậu.

H: Vô số thánh nhân và các bậc thần bí đã từng xuất hiện và ra đi. Chẳng ai sửa đổi thế giới của tôi.

M: Làm sao họ có thể sửa đổi? Thế giới của cậu không phải là của họ, và thế giới của họ không phải là của cậu.

H: Chắc chắn là có một thế giới thực tế chung cho mọi người.

M: Thế giới của sự vật, năng lượng và vật chất? Cho dù có một thế giới chung gồm các sự vật và động lực vật lý thì đó cũng không phải là thế giới mà trong đó chúng ta đang sống. Thế giới của chúng ta là thế giới của cảm thọ và ý nghĩ, của những thu hút và xô đẩy, của những nấc thang giá trị, của các động cơ và khuyến khích - một thế giới hoàn toàn tâm lý. Về phương diện sinh học, chúng ta cần rất ít; tất cả vấn đề của chúng ta đều thuộc về một giai tầng khác. Những vấn đề do tham ái, lo sợ, và tà kiến tạo ra chỉ có thể giải quyết trên bình diện của tâm. Cậu phải điều ngự tâm cậu, mà muốn thế thì cậu phải vượt ra khỏi nó.

H: Vượt ra khỏi tâm nghĩa là thế nào?

M: Cậu đã vượt ra khỏi thân xác, có phải thế không? Cậu có theo dõi một cách chi tiết sự tiêu hóa, tuần hoàn hay bài tiết của cậu đâu. Những sinh hoạt đó đều trở thành tự động. Tương tự như thế, tâm phải hành hoạt một cách tự động, mà không cần phải kêu gọi sự chú ý. Điều này chỉ có thể xảy ra khi nào tâm cậu hoạt động hoàn chỉnh. Chúng ta thường xuyên ý thức về tâm và thân, bởi vì chúng luôn luôn kêu gọi giúp đỡ. Đau đớn và đau khổ chỉ là những tiếng la của thân và tâm kêu gọi sự chú ý. Để vượt ra khỏi thân, cậu phải khỏe mạnh; để vượt ra khỏi tâm cậu phải đặt tâm trong một trật tự hoàn toàn. Cậu không thể để lại phía sau một đống bầy hầy và đi ra ngoài. Đống bầy hầy đó sẽ làm cậu vướng chân. “Dọn rác của mình bầy ra” là một luật chung. Và đó cũng là luật công bằng.

H: Xin phép hỏi ông đã vượt ra khỏi tâm như thế nào?

M: Nhờ công đức của Tôn sư.

H: Công đức ấy là gì?

M: Ngài nói với Ta cái gì là chân lý.

H: Ông ấy đã nói gì với ông?

M: Ngài bảo Ta là Thực thể Tối thượng.

H: Ông đã làm gì với điều đó?

M: Ta tin tưởng Tôn sư và ghi nhớ lời dạy.

H: Chỉ có thế thôi sao?

M: Phải, Ta nhớ Tôn sư, Ta nhớ lời ngài dạy.

H: Ông muốn nói rằng chỉ có thế là đủ?

M: Còn phải làm gì nữa? Nhớ đến Tôn sư và lời ngài dạy là đã quá nhiều. Lời khuyên của Ta cho cậu còn dễ hơn thế - chỉ cần nhớ chính mình. “Ta hiện hữu” là đủ chữa lành bệnh của tâm và đưa cậu ra khỏi tâm. Chỉ cần chút tín tâm. Ta không lừa dối cậu đâu. Việc gì Ta phải làm như thế? Ta mong cầu nơi cậu điều chi? Ta mong cậu an lành - đó là bản chất của Ta. Việc gì Ta phải lừa dối cậu?

Lý lẽ thường tình cũng có thể cho cậu biết rằng muốn thực hiện một ước muốn cậu phải để tâm vào nó. Nếu muốn biết bản chất chơn thật của chính mình, cậu phải để tâm đến chính mình trong mọi lúc, cho đến khi bí mật hiện hữu của cậu phô bày.

H: Vì sao nhớ chính mình lại đưa đến sự giác ngộ chính mình?

M: Bởi vì chúng là hai phương diện của cùng một trạng thái. Nhớ chính mình là ở trong tâm, còn giác ngộ chính mình là ở ngoài tâm. Hình ảnh trong gương là của bộ mặt ở bên ngoài gương.

H: Khá đúng. Nhưng mục đích là gì?

M: Muốn giúp người khác, một người phải vượt ra khỏi sự cần giúp.

H: Tất cả những gì tôi muốn là hạnh phúc. M: Hãy hạnh phúc để tạo hạnh phúc.

H: Và mặc kệ người khác lo cho chính họ.

M: Này cậu, cậu không tách biệt với tha nhân đâu. Hạnh phúc mà cậu không thể chia sẻ được là hạnh phúc giả tạm. Chỉ cái gì có thể chia sẻ được thì mới thực sự đáng mong cầu.

H: Đúng. Nhưng tôi có cần một Đạo sư không? Những gì ông nói với tôi rất đơn giản và rất thuyết phục. Tôi sẽ nhớ lời ông, nhưng không có nghĩa ông là Đạo sư của tôi.

M: Điều quan trọng không phải là kính ngưỡng một ai đó, mà là sự kiên trì và chiều sâu của sự cống hiến cho công cuộc. Tự thân cuộc sống là vị Đạo sư Tối thượng; hãy chú ý đến những bài học và tuân theo các mệnh lệnh của cuộc sống. Khi nhân cách hóa nguồn gốc của những bài học, cậu có một Đạo sư ở bên ngoài; khi tiếp nhận các bài học trực tiếp từ cuộc sống thì vị Đạo sư ở bên trong. Ghi nhớ lời dạy của Đạo sư - bên ngoài hay bên trong - thắc mắc, tư duy, sống với nó, yêu quí nó, trở thành nó, trưởng thành với nó, biến nó thành của riêng mình. Cứ bỏ vào đó tất cả và cậu sẽ có tất cả. Ta đã làm như thế. Ta đã cống hiến tất cả thời gian của Ta cho Tôn sư và những gì ngài chỉ dạy.

H: Tôi sống bằng nghề viết văn. Ông có thể cho tôi một lời khuyên nào đó, riêng biệt cho tôi?

M: Viết văn là một tài năng và cũng là một kỹ năng. Trưởng thành với tài năng và phát triển với kỹ năng. Hãy ham muốn cái gì đáng ham muốn, và ham muốn nó một cách tốt đẹp. Muốn tìm lối ra giữa đám đông thì phải lách qua nhiều người, tương tự như thế cậu tìm đường ra giữa các sự kiện mà không để mất hướng. Điều này rất dễ, nếu cậu thành khẩn.

H: Rất nhiều lần ông đề cập đến sự cần thiết phải thành khẩn. Nhưng chúng tôi không phải là những người thuần ý chí. Chúng tôi là những mớ ham muốn và cần cầu, đòi hỏi bản năng và thôi thúc. Chúng bò lúc nhúc lên nhau, lúc cái này, lúc cái khác ngoi lên trên, nhưng chẳng bao giờ được lâu.

M: Chẳng có cần cầu, mà chỉ có ham muốn.

H: Ăn, uống, có chỗ nương thân: có phải đó là sống?

M: Ước muốn sinh tồn là một ước muốn căn bản nhất. Tất cả những thứ khác đều tùy thuộc vào nó.

H: Chúng ta sống vì chúng ta phải sống.

M: Chúng ta sống vì chúng ta khao khát sự tồn tại mang tính cảm giác.

H: Một điều mang tính chung nhất như thế thì không thể sai trái.

M: Dĩ nhiên là không sai. Vào đúng chỗ và đúng thời thì chẳng có gì sai. Nhưng khi quan tâm đến chân lý, đến thực tại thì cậu phải đặt câu hỏi về mọi thứ, ngay cả chính cuộc đời của cậu. Bằng cách khẳng định sự cần thiết của kinh nghiệm thuộc cảm giác và tri thức, cậu thu hẹp sự tìm hiểu trong phạm vi tìm kiếm sự thỏa mãn.

H: Tôi tìm kiếm hạnh phúc, chứ không phải sự thỏa mãn.

M: Ngoài sự thỏa mãn của tâm và thân, cậu còn biết hạnh phúc nào khác?

H: Liệu còn có hạnh phúc khác?

M: Hãy tìm ra cho chính cậu. Đặt câu hỏi về từng sự thôi thúc, đừng cho bất cứ ham muốn nào cũng là chính đáng. Hãy từ bỏ tất cả mọi sở hữu, vật lý cũng như tâm lý, hoàn toàn không còn bận tâm đến chính mình, hãy cởi mở để khám phá.

H: Theo truyền thống tâm linh Ấn Độ, chỉ cần sống thân cận với một vị thánh nhân hay một bậc hiền triết thì cũng đủ để đạt đến giải thoát mà chẳng cần đến phương tiện nào khác. Vì sao ông không lập một tịnh xá - Ashram - để nhiều người có thể sống gần ông.

M: Ngay khi lập ra một tổ chức nào đó thì Ta trở thành tù nhân của nó. Thật ra, ai cũng có thể gặp Ta. Ăn ở chung nhà không làm cho người ta cảm thấy được tiếp đãi ân cần hơn. “Sống gần” không có nghĩa là hít thở cùng không khí. “Sống gần” có nghĩa là tin tưởng và quy thuận, không để những thiện ý của Đạo sư trở nên uổng phí. Luôn luôn để Đạo sư trong tim và ghi nhớ những lời ngài dạy - đó mới chính là thật sự ăn ở cùng với chân lý. Sự thân cận có tính cách vật lý thì không mấy quan trọng. Hãy biến tất cả đời cậu thành sự thể hiện tín tâm và lòng yêu quí đối với Đạo sư - đó mới chính là sống thân cận với Đạo sư.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh