Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 12: Thấu Hiểu Về Con Người, Nuôi Dưỡng Con Thuận Tự Nhiên

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 12: THẤU HIỂU VỀ CON NGƯỜI, NUÔI DƯỠNG CON THUẬN TỰ NHIÊN

Nỗi sợ là một loại thử thách, cũng có thể xem đó là nguyên nhân bào mòn tinh thần, ý chí, ngăn cản con người thể hiện bản lĩnh thực sự của mình khi đứng trước nỗi sợ và không thể vượt qua được chúng. Có bao giờ bạn tự chất vấn bản thân mình rằng: Tại sao bạn lại sợ? Nỗi sợ đến từ đâu? Điều tệ hại gì xảy ra khi đứng trước nỗi sợ? Liệu nó có thật sự đáng sợ như bạn vẫn nghĩ? Có cách nào để thoát khỏi nó không? Đã rất nhiều lần tôi nghĩ đến điều đó, tìm hiểu gốc rễ xem nó xuất phát từ đâu, cố gắng lý giải nó và tìm phương pháp cũng như cách thức để khắc phục. Có những nỗi sợ không thành hình, cũng không biết nó có thật sự ghê như vậy không, nhưng bạn vẫn sợ. Khi lớn lên, bạn đã phần nào nhận thức được chuyện này, bạn dần hiểu thực chất nỗi sợ là một loại ám ảnh tâm lý và nếu bạn cũng đang đặt ra câu hỏi như trên, thì câu trả lời sẽ đến ngay sau đây.

I. XÓA ĐI NỖI SỢ, TRẢ LẠI SỰ CAN ĐẢM CHO CON

Để hiểu nỗi sợ thâm nhập vào bạn như thế nào, hãy thử xem một trường hợp cụ thể. Mọi người có cảm giác như thế nào nếu tôi nhắc đến từ “ma”? Nếu tôi nhắc đến từ này ở Mỹ, có lẽ bạn sẽ không thể ngờ được phản ứng của nhiều trẻ em ở đây, đáng yêu vô cùng. Tại sao vậy?! Ở nước Mỹ, khi trẻ em còn nhỏ người ta hóa trang thành những con ma thân thiện, hiền lành, dễ mến sau đó họ xuất hiện và chơi đùa với những đứa trẻ, những con ma này ngay lập tức để lại dấu ấn tốt trong tâm hồn các em. Chính vì thế trong tiềm thức của các em về bóng tối chẳng có gì đáng sợ cả, nó gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào, cùng người thân vui đùa và “ma” xuất hiện như người bạn tuyệt vời và trẻ tin như vậy. Được giáo dục như thế nên trẻ em Mỹ nói riêng và trẻ phương Tây nói chung ít có khái niệm về nỗi sợ này.

Đối lập hoàn toàn, khi lặp lại nguyên câu hỏi trên với một số trẻ em Việt Nam thì quả là đáng thương. Bởi lẽ, trẻ em ở đây được tiếp nhận khái niệm này theo một cách hoàn toàn khác. Khi trẻ còn nhỏ, chúng thường bị hù dọa bằng những cách mà bạn nhận thấy có vẻ hiệu quả nhất: Ngoài kia có con ma; Ra ngoài bị ông kẹ bắt đấy; Ui! con gì ngoài kia vậy. Thậm chí nhiều người còn đi xa hơn, họ thêu dệt nên những câu chuyện kinh dị phía sau màn đêm và lan truyền nó như một bí kíp nhằm mục đích hù dọa đứa trẻ để chúng sợ và trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn trong một số trường hợp như: Chúng có thể ở yên trên giường, ngủ sớm hơn, khỏi ồn ào, chạy nhảy, đi chơi lung tung ngoài đường vào đêm khuya hay trưa nắng.

Khi trẻ tiếp nhận điều này từ người lớn, đứa trẻ tin như vậy, nỗi sợ dần hình thành, những niềm tin tiêu cực này sẽ khắc sâu vào trong tiềm thức các em. Còn người lớn thành công trong việc hù dọa và cấy nỗi sợ vào tâm trí trẻ, như một giải pháp đắc lực mỗi khi trẻ nghịch ngợm.

Thực ra, trong những lần đầu tiên được nghe nói ma quỷ đứa bé cũng không hề biết đó là gì, ban đầu chúng cũng chẳng sợ đâu, cho đến khi nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể của bạn, cách bạn phát ra âm lượng, thái độ, sắc thái biểu cảm ghê rợn trên khuôn mặt để hù dọa trẻ. Vì trẻ em rất giỏi quan sát, tiếp thu bằng hình ảnh và ghi nhớ dễ dàng qua ngữ cảnh, cảm xúc từ đó đứa trẻ bắt đầu cảm thấy lo lắng, hoang mang.

Lúc này với sự phát triển mạnh mẽ bán cầu não phải, chúng nhìn vào bóng tối và ấn tượng đầu tiên nảy ra trong tâm trí trẻ là những thứ kinh dị, đáng sợ. Trẻ sẽ có cảm giác rằng những thứ sắp xuất hiện sau màn đêm là một thứ gì đó xấu xa, gớm ghiếc, tiếp theo chúng tự tưởng tượng ra khung cảnh này và sợ hãi khi phải đối mặt. Điều đó sẽ được ghi nhớ trong ý thức của trẻ, cho đến một lúc nhận định này ăn sâu vào tiềm thức, hoạt động vô thức trong đứa trẻ. Thế là nỗi sợ hãi được hình thành, lấn át tâm trí, luồn lách vào từng sợi cơ, tế bào trong cơ thể. Cứ như vậy, nỗi sợ này được gieo rắc khiến con trẻ mang theo suốt cuộc đời.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Cho đến ngày hôm nay nhiều người sợ hãi những thứ mà mình đã bị chính người thân cấy vào tâm trí. Chắc chắn họ chưa hiểu được hậu quả mà mình gây ra, cũng như tính chất nghiêm trọng của vấn đề, rằng họ đã tạo thêm vô số cái khổ cho người khác. Nhiều người có thể tự nói với mình: “Chẳng có gì sau màn đêm”, hoặc “Ma ư! Nó chẳng có thật”, nhưng họ vẫn cứ sợ, tâm trí họ không ngừng tưởng tượng những khung cảnh hãi hùng khi đối mặt với bóng tối. Tiềm thức luôn mạnh hơn ý thức, nỗi sợ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và hoạt động một cách vô thức. Vì vậy dù đã lớn, nhưng nhiều người vẫn cứ sợ thứ mà họ chưa bao giờ trải nghiệm, thậm chí suốt cuộc đời cũng không có lấy một lần để đối mặt.

Do đó, tốt hơn hết đối với trẻ nhỏ, muốn trẻ không có những nỗi sợ như thế, bạn không nên thêu dệt hay hù dọa các em. Hãy để cho trẻ tự trải nghiệm với môi trường xung quanh, thế giới nhỏ của trẻ trước khi bước ra cuộc đời rộng lớn của chính mình.

Trong trường hợp bạn đã gieo cho trẻ hạt mầm của nỗi sợ hãi, thì cần nhìn nhận lại vấn đề, thông qua học hỏi những cách xử lý tốt hơn. Như cách của người Hoa Kỳ chẳng hạn, hãy cùng trẻ trải nghiệm bóng tối vui vẻ, có như vậy các em sẽ dần quen với màn đêm, nỗi sợ sẽ biến mất.

Nỗi sợ hãi là không có thật. Nơi duy nhất lo sợ có thể tồn tại là trong suy nghĩ của bạn về tương lai. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng, làm cho bạn sợ những thứ không có thật và có thể chúng chưa bao giờ tồn tại.

II. ĐỂ TRẺ PHÁT TRIỂN THUẬN TỰ NHIÊN

Lúc nhìn thấy những chú voi bị thuần hóa một cách dễ dàng không phải bởi những sợi xích khổng lồ mà chỉ bằng một sợi dây thừng bé nhỏ. Nhiều người đã đặt câu hỏi và được người quản tượng giải thích như sau:

Khi những con voi còn nhỏ, người ta giữ nó bằng cách dùng sợi thép cứng buộc chân vào thanh sắt. Thấy mình bị trói, voi sẽ vùng vẫy để thoát ra. Tuy nhiên, vì sức quá yếu so với lực giữ của sợi dây nên voi không sao thoát được. Một thời gian sau, khi voi thôi không tìm cách thoát nữa, họ thay sợi thép cứng bằng sợi dây thừng. Voi lại tiếp tục vùng vẫy, nhưng lại thất bại. Chán nản, nó bằng lòng với việc bị trói và thôi không tìm cách thoát. Lúc này, họ thay sợi dây thừng bằng sợi dây bình thường và thanh sắt cũng được thay thế bằng cọc gỗ. Bây giờ, voi đã lớn, sợi dây không có ý nghĩa gì trong việc trói buộc, chỉ cần một lực nhỏ là con voi trưởng thành có thể làm đứt. Nhưng sau vô số lần thử và thất bại trước đó, nó đã thôi việc cố gắng để được thoát ra. Giờ đây, không phải sợi dây dưới chân mà là sợi dây trong tư tưởng đang trói chặt voi, ngăn nó bước về phía tự do.

Thực ra nhiều người cũng có sợi dây trói buộc chính mình như thế, mà không ai khác là chính bố mẹ và những người thân thương của họ xiềng xích ngay từ tấm bé. Sau đây là quá trình hình thành sợi dây vô hình trói buộc trong tâm trí và cách để cởi bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mỗi người.

Giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi, trẻ bắt đầu đương đầu với những khó khăn do ngoại cảnh, tập tranh đấu và tìm hành động theo cách riêng của mình, là giai đoạn trẻ làm quen, thích nghi và hòa mình vào thế giới. Bởi thế đứa trẻ trong thời gian này rất năng động, sáng tạo, tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh bằng nhiều con đường khác nhau, cụ thể là thông qua trải nghiệm vận động. Tuy nhiên, cũng vào lúc này các em lại bị chính những người thân thương, trước hết là bố mẹ các em vì thiếu hiểu biết về thế giới trẻ thơ, các giai đoạn phát triển của con người mà đã ra sức ngăn cấm các em làm cái này làm cái kia.

  • Con không được chạy nhanh, vì họ sợ con ngã.
  • Mẹ cấm con cầm cái gậy đó chơi, vì sợ gậy đâm vào mắt.
  • Con không được leo lên cây, trèo lên bàn, vì sợ con ngã.
  • Không được trèo lên cầu thang, vì sợ nguy hiểm.
  • Không được chạy xe đạp quá nhanh, vì sợ tai nạn.
  • Bố cấm con không được đi tắm sông, vì sợ đuối nước.
  • Con không được chơi trò kia nữa, vì sợ bẩn đồ.
  • Cấm con không được tắm mưa, không được ra ngoài trời nắng, vì sợ đau ốm.
  • Mẹ cấm con không được lại chỗ đó chơi, không được sờ vào cái này, không được làm như thế, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến con.

Tóm lại, với những bố mẹ như vậy, trong mắt họ bất kỳ việc gì đứa trẻ muốn làm đều nguy hiểm và mang tính rủi ro cao, nên họ luôn tìm cách ngăn cấm con mình trải nghiệm. Việc họ cấm đoán như vậy có khác gì sợi dây xiềng xích vào chân voi con? Nếu chỉ xét ở một khía cạnh đơn lẻ, chỉ nhìn cái lợi trước mắt thì dễ dàng nhận thấy mặt tích cực. Lý luận của họ là ngay lập tức có thể hạn chế tối đa tai nạn, bất trắc xảy đến với trẻ em. Nhưng khi xét tổng quan, mở rộng tầm nhìn, chúng ta lại thấy mặt trái của lý luận và hành động ngăn cấm thuần túy như vậy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.

Đứa trẻ không nghe lời bạn được, làm sao những đứa trẻ thông minh, cá tính, tràn đầy năng lượng lại có thể dễ dàng nghe theo mệnh lệnh vô lý đến từ người khác. Các em đã nói với tôi: “Con sẽ nổi loạn, sẽ chống lại bố mẹ mình, sẽ không nghe lời”. Bởi vì đó là một cơ chế rất bản năng đã được lập trình sẵn để giúp trẻ có khả năng tự học hỏi, khám phá thế giới, là quá trình phát triển tự nhiên của đứa trẻ. Bây giờ, bạn lại can thiệp vào quá trình đó, từ góc nhìn của mình, từ lý luận của bản thân, bạn cho đó là nguy hiểm và muốn ngăn cấm quá trình phát triển của đứa trẻ, điều này trái với lẽ tự nhiên. Vậy nên dù bạn có quát, la mắng, giải thích bao nhiêu lần đi nữa cũng chỉ là sự ngăn cấm tạm thời, làm trẻ sợ nhất thời và một cách bản năng đứa trẻ sẽ lại lặp lại những hành vi của mình. Giống như voi con vậy, ban đầu dẫu có bị xiềng xích chúng vẫn cố vùng vẫy.

Cấm đoán trẻ thường xuyên cùng một chuyện mà trẻ vẫn không nghe lời, nhiều người không hiểu thì cho rằng trẻ lì lợm, cứng đầu, gán cho trẻ những cái mác ám thị tiêu cực. Và đến ngay cả con khỉ cũng có lúc rơi từ cành cây xuống, nên đôi khi trẻ phạm phải sai lầm, vấp ngã, gặp phải rủi ro cũng là một chuyện bình thường. Nhưng khi trẻ ngã xuống, đó cũng chính là lúc bạn phạm phải sai lầm tai hại nhất trong cách xử lý tình huống. Hầu hết mọi người sẽ làm như thế này: họ hốt hoảng chạy lại trách con: “Thấy chưa, mẹ đã bảo rồi mà, ngã đau sợ chưa”, hoặc “Trẻ mà ngã có người thậm chí lại đánh thêm, vì tức giận khi trẻ không nghe lời”, đó cũng là lúc mà ám thị tiêu cực phát huy đỉnh điểm sức tàn phá của mình.

Cảnh tượng này diễn ra không chỉ một vài lần mà còn thường xuyên lặp đi lặp lại, tác động mạnh mẽ khiến vô thức làm trẻ tin và chấp nhận rằng thất bại là một bài học đau đớn, mạo hiểm là rủi ro. Những biểu hiện tiêu cực của người lớn như xát muối vào nỗi đau của trẻ, mặc dù chính bạn cũng không biết được điều đó. Bạn chỉ nghĩ đơn giản làm như vậy trẻ sẽ không nghịch nữa, trẻ sẽ được an toàn.

Khi đứa trẻ không được trải nghiệm thứ mà nó thích, nó cũng không biết sự nguy hiểm của các trò chơi và đương nhiên nó cũng không đặt ra được giới hạn cho bản thân khi thực sự rơi vào tình huống đó. Ngoài ra bởi vì ngăn cấm, đứa trẻ sẽ quy định luôn trò nguy hiểm không nên chơi và con bạn sẽ thàn đứa trẻ tất cả (đứa trẻ đó là nhiều người trong số chúng ta ngày nay vô thức sợ mọi thứ), những cô cậu bé nhút nhát, lúc nào cũng muốn sống trong phạm vi an toàn, từ đó cũng không muốn khám phá thế giới hơn nữa, dần dần mất đi ý chí sáng tạo. Chưa hết, bởi vì mọi ham muốn bị dồn nén nên nó trở thành một sự ức chế, cảm xúc chôn sâu vào trong lòng, chờ tới ngày bùng phát (tổn thương tâm hồn).

Vì cơ thể vật lý và sức sống gắn chặt với nhau không tách rời, nên khi cơ thể vật lý lười nhác vận động sẽ trở nên ốm yếu, từ đó sức sống cũng què quặt. Đồng thời cũng chính sự nhút nhát bên trong, làm tư duy thiếu sự dũng cảm bứt ra khỏi lối mòn. Đến lúc này đứa trẻ đã lớn, thật giống như con voi đã được thuần hóa phải không nào, dù nhìn một sợi dây nhỏ ràng buộc nhưng chú lại nghĩ đó là sợi xích sắt không thể phá vỡ. Còn bạn đã vô thức thành công trong việc thuần hóa, biến một cơ thể vật lý đang trên đà phát triển khỏe mạnh thành một cơ thể yếu đuối, biến một đứa trẻ đầy tiềm năng trở nên nhu nhược.

Con người có thể làm những điều phi thường, nhưng phần lớn đang sống dưới mức năng lực bản thân có thể làm được, chỉ vì đang trói buộc khả năng của mình bằng sợi dây mang tên “không thể”. Đừng để mình bị trói buộc mãi như chú voi kia. Vậy phản ứng, tương tác thế nào với trẻ trong tình huống ở trên thì tốt, để “voi con” lớn lên có thể được tự do và thể hiện tất cả tiềm năng mà nó? Rõ ràng cách chúng ta nhìn nhận, giải quyết vấn đề còn quá đơn giản và chưa thật sự hiệu quả. Mỗi khi bạn la mắng, đánh đập và ngăn cấm trẻ là bạn đã tố cáo sự bất lực của chính mình trong việc tìm phương pháp hiệu quả để nuôi dạy con cái. Cho nên mỗi khi gặp những trường hợp như vậy, bạn nên thực hiện theo cách sau đây:

Chủ động tạo cái “khuôn” cho trẻ tự do vui chơi, sáng tạo, trải nghiệm trong đó.

Tại sao gọi là khuôn (ranh giới)? Khuôn, có nghĩa là không gian vô hình được bạn thiết lập, tạo nên và quy định để đứa trẻ tự do hoạt động trong đó. Cái khuôn là trang bị cần thiết để bảo vệ cho trẻ. Vì khi trẻ em vượt qua khỏi cái khuôn, rất có thể trẻ sẽ gặp tai nạn, nguy hiểm nằm ngoài tầm kiểm soát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, trẻ trèo lên một nhành cây thấp (trong cái khuôn), nhưng trẻ tự ý trèo lên một ngọn cây thật cao (vượt ra ngoài cái khuôn), khi còn quá nhỏ, thiếu kinh nghiệm và sức lực chưa đủ sẽ ra sao khi gặp rủi ro?

Hỏi: “Tại sao cần thiết lập khuôn, điều đó có giới hạn tự do của đứa trẻ hay không?”

Trả lời: “Một đứa trẻ nếu để tự do theo kiểu muốn làm gì làm nấy thì rất dễ hình thành nên tính tự cao, ngạo mạn, ngang ngược, phá phách dần dần xa rời những điều chân thực, lẽ phải. Hơn nữa, đứa trẻ chưa có nhận thức đúng đắn về thế giới xung quanh, hiểu biết còn hạn chế nếu để tự do hoàn toàn rất dễ gây nguy hiểm cho những người khác lẫn bản thân. Nên cần thiết tạo ra cái khuôn vô hình, để các em có thể tự do và phát triển trong đó.”

Hỏi: “Vậy trong cái khuôn vô hình này đứa trẻ sẽ được những gì?”

Trả lời: “Trẻ sẽ được tự do vui chơi, sáng tạo, quậy phá, trải nghiệm nguy hiểm, chịu va đập và việc của bạn là đứng từ xa quan sát trẻ, không nên tự ý tác động hay can thiệp vào. Thậm chí bạn có thể chủ động tạo cơ hội cho các em được va đập, được trải nghiệm tổn thương, nếm trải sự đau khổ (tất nhiên trong giới hạn của trẻ) để trẻ có thể rèn luyện được ý chí, khả năng thích nghi và bản lĩnh để vượt qua những trở ngại trong cuộc đời. Có như thế đứa trẻ lớn lên mới có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh, niềm tin vào chính mình. Vì chúng ý thức được rằng những bài học này mình đã được nếm trải một phần nào đó, nên trẻ sẽ biết cách tiếp cận.”

Tóm lại, cái khuôn là khoảng không vô hình được bạn tạo ra để trẻ tự do vui chơi, trải nghiệm trong đó mà chúng không hề hay biết.

Chẳng hạn, khi bé một tuổi đang cố trèo lên cái ghế, rủi ro không cao, thậm chí trong trường hợp ngã nếu có bị thương cũng không đáng kể. Hãy để cho bé thoải mái trải nghiệm khám phá thử thách của bản thân, đừng can thiệp vào tiến trình phát triển tự nhiên đó (tự do trong cái khuôn). Cũng đứa bé đó, nhưng khi em leo ra ban công của tòa nhà thì cần bế em vào, vì đã vượt ra khỏi cái khuôn vô hình nên cần can thiệp.

Tuy nhiên trong một tình huống cũng mang tính rủi ro cao và có vẻ như đã vượt ra khỏi cái khuôn vô hình, chẳng hạn khi bé ba tuổi leo lên cái thang cao năm mét dựng sau nhà. Nếu trèo lên và ngã xuống từ độ cao bốn mét, năm mét thì tai nạn không còn trong tầm kiểm soát nữa. Với lập luận như vậy bạn dễ dàng cắt đứt trải nghiệm của đứa trẻ bằng cách ra lệnh, ngăn cấm, hoặc bế trẻ xuống khỏi thang. Nhưng bạn cũng có thể chọn một giải pháp khác đó là ở phía sau hỗ trợ, khi quan sát thấy con thực sự cần giúp đỡ (trẻ vẫn tự do trong cái khuôn mà bạn tạo nên). Tuy nhiên sự hỗ trợ của bạn nên ở mức tối thiểu, làm sao cho trẻ tự cảm nhận được cảm giác có thể chinh phục bằng quyết tâm của bản thân. Để trẻ tự trải nghiệm được trạng thái giác ngộ, chứ không phải là được người khác giác ngộ giùm.

Ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, người ta đề cao việc học Toán và giải Toán một cách thái quá, nhưng nó đã thực sự mang lại được gì? Những bài toán của cuộc đời hoàn toàn khác. Bài toán đời sống không chỉ cần tư duy logic mà còn cần năng lực cảm nhận và rất nhiều phẩm chất khác như ý chí, tự giác, quyết đoán, lòng từ bi, dũng cảm, mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo… Việc học Toán nói riêng và các môn học khác trên ghế nhà trường hiện nay, không khiến các em được trang bị đầy đủ những điều kiện này để có thể vững vàng trước những vấn đề của cuộc sống. Những đứa trẻ, nếu chỉ dành phần lớn thời gian của mình để giải Toán mà không được trao cơ hội giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống theo khả năng nhận thức của mình, sẽ không thể trưởng thành nổi. Do đó, tôi cho rằng bạn cần giúp đứa trẻ tập trung để đối mặt và giải quyết các “bài toán có trong cuộc sống”, đó mới là những bài học cần đầu tư nhiều thời gian.

Như việc nhiều người ngăn cấm trẻ chơi ở sông, suối vì sợ trẻ bị đuối nước, tôi cho rằng đó là cách trốn tránh nỗi sợ hãi để có được chút cảm giác an toàn giả tạm. Đây không phải là một dạng bài toán trong cuộc sống hay sao, thay vì tránh né bạn cần trang bị những kiến thức nhất định để đứa trẻ có trải nghiệm phù hợp. Trước hết, cần phân tích cho trẻ hiểu rằng đâu là chỗ nước sâu, nước có dòng chảy mạnh, chỗ nào tắm được, chơi được và chỗ nào không được.

Sau đó nếu có một số em vẫn không hiểu được nguy hiểm của việc bị đuối nước, có thể chủ động cho em đó trải nghiệm, bằng cách để nước cuốn trôi một chút và hãy chắc chắn rằng bạn là người làm chủ tình hình, như thế trẻ sẽ hiểu được vấn đề mà bạn đã đề cập đến. Tiếp theo, hãy đặt ra những tình huống giả định như: Nếu dép trôi thì có nên chạy theo lấy không, nếu có thì tại vì sao, còn nếu không thì vì sao? Trường hợp có bạn bị nước cuốn trôi, các em sẽ phải làm thế nào? Rồi để các em tự đưa ra nhận định riêng, sau đó bạn mới giải thích: “Đúng vậy, nếu bạn bị nước cuốn trôi các em nên ra tay giúp đỡ, nhưng không nên chạy ra kéo bạn vào, vì các em chưa biết bơi. Mà nên chạy đi tìm những người gần nhất xung quanh hoặc la lớn gọi cứu trợ, hay tìm một nhánh cây gần bên để kéo bạn vào”. Rồi diễn tập lại phương án cứu hộ vài lần, sau đó cho trẻ vui chơi tự do. Thời gian đầu hãy đứng ở xa quan sát, nếu không có điều gì đi quá giới hạn, thì bạn không nên can thiệp vào cuộc vui của trẻ.

Làm được như vậy không những trẻ được tự do vui chơi, thân thể khỏe mạnh, mà còn phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện cho các em. Cách làm của tôi luôn là như vậy và hy vọng mọi người có thể tiếp cận được như cách tôi đã làm, dạy dỗ và giáo dục trẻ thông qua các hình thức vui chơi, hoạt động. Trẻ chơi mà học khi nào không hay, đấy là một điều diễn ra rất tự nhiên.

Thân vận động. Tâm tĩnh tại. Trí phát triển.

Con người càng trưởng thành, thất bại càng nhiều, nếu không có đủ ý chí để đương đầu rất dễ làm cho bản thân gục ngã. Từ đó, những suy nghĩ như, điều đó ngoài khả năng của mình; mình mãi mãi không thể làm được; đáng lẽ mình không nên làm thế, mình nên nghe lời bố mẹ. Những suy nghĩ tiêu cực thế này mới thật sự là thất bại. Vì thế, việc giáo dục để trẻ có đủ sức mạnh đương đầu với thử thách và ý chí đứng lên sau thất bại là vô cùng quan trọng.

Người làm bố mẹ nào cũng hy vọng con mình lớn lên trưởng thành và đạt được thành tựu, hoặc chí ít cũng có chút bản lĩnh đứng giữa đất trời. Nhưng họ lại không xây dựng nền tảng vững chắc cho các em, họ không để trẻ làm tốt những “việc nhỏ” ngay từ bé mà họ muốn giáo dục con mình theo kiểu một bước lên tận trời cao.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Thành công lớn đều bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ. Vũ Trụ khổng lồ được cấu thành từ những hạt photon ánh sáng tí hon. Đối với đứa trẻ, mỗi lần chinh phục được dù chỉ là một thử thách nhỏ nhưng đó là lời khẳng định bản thân. Làm trẻ tràn đầy tự tin, vô thức phá tan sự nghi ngờ, áp lực, do dự, vượt lên chính mình và chiến thắng nỗi sợ hãi. Tạo nên ý chí vững vàng, cảm xúc mạnh mẽ, làm hành trang để các em dấn thân và là tiền đề để chinh phục những điều vĩ đại phía trước. Cứ như vậy thông qua việc thực hành tiếp nối, chinh phục hết thử thách này đến thử thách khác, lòng can đảm dần được hình thành.

Đặc điểm của người có tính can đảm và liều lĩnh không giống nhau. Những người liều lĩnh thường bốc đồng, bất cẩn, họ hay đánh giá thấp thử thách mình phải đối mặt và mù quáng lao vào mọi thứ mà thậm chí không lường đến hậu quả. Họ thường thiếu kiên nhẫn, nên người liều lĩnh khó mà chịu đựng được gian truân, sự trì hoãn, họ mang nặng tâm lý tốc chiến tốc thắng và họ thường chỉ đặt ra hai lựa chọn chiến thắng hoặc cái chết. Mặt khác, một người can đảm thực sự là người có kỹ năng, họ trầm tĩnh, vững lòng, nên tâm thái ổn định, bền bỉ, họ có khả năng chịu đựng trong thời gian dài. Lòng can đảm mang tính chất đồng đội và cộng hưởng, trong khi liều lĩnh lại mang tính vị kỷ cá nhân. Lòng can đảm thì khôn ngoan và có tính chuẩn bị trước.

Theo sự quan sát của tôi, đa phần bố mẹ Việt xử lý bằng cách thứ nhất, họ ngăn cấm trải nghiệm của đứa trẻ ngay từ nhỏ nên lớn lên các em thiếu đi bản lĩnh, nhưng có thừa sự liều lĩnh. Có lẽ cũng chính vì thế những môn thể thao mạo hiểm hầu như bị người phương Tây chiếm hoàn toàn ưu thế. Phải chăng họ sinh ra đã ưu việt, có sẵn lòng can đảm, trẻ em ở họ có bản lĩnh hơn con em chúng ta? Không hề, sự khác biệt lớn nhất tạo ra một thế hệ chênh lệch rất xa nhau về đẳng cấp như thế là do bố mẹ phương Tây đã xử lý vấn đề theo cách thứ hai. Họ dám buông tay, họ có niềm tin ở con mình và họ luôn khuyến khích, động viên, thậm chí tạo mọi điều kiện để đứa trẻ trải nghiệm, va đập. Còn ở Việt Nam nhiều người vẫn còn quanh quẩn trong các cung bậc cảm xúc của những ông bố bà mẹ nuôi con bằng bản năng, bao bọc con quá mức, khiến chúng không thể phát triển.

Cho nên khi đã xác nhận qua hai bước: “Tạo lập môi trường và xây dựng cái khuôn vô hình”, hãy để trẻ tự do đối mặt, rồi va đập và chịu tổn thương, để học các bài học trong cái khuôn. Đặc biệt đối với những đứa trẻ nuôi dưỡng trong môi trường quá được bao bọc hoặc ít tác nhân kích thích, bạn đừng dễ dàng và tùy tiện nói ra những cụm từ: “Con không được…, con không thể…, cấm con… ”, khi chưa suy nghĩ thật kỹ, thật thấu đáo. Hay bắt con phải làm thế này, con phải làm thế kia, bố mẹ đừng nên tự ý can thiệp vào bài học và quá trình nhận thức tự nhiên của trẻ. Có như vậy con bạn mới có được thể lực tốt, ý chí mạnh mẽ, có đủ can đảm và bản lĩnh để đối đầu trước những thách thức thời đại.

Chúng ta cần thành thật nhìn nhận lại bản thân nhằm xử lý tất cả những nỗi sợ có trong người, để không lây truyền bất kỳ nỗi sợ hãi nào cho đứa trẻ.

III. ĐỨA TRẺ CẦN ĐƯỢC MẸ THIÊN NHIÊN NUÔI DƯỠNG

“Lục địa Nam Cực” bộ phim đắt giá nhất lịch sử phim truyền hình của TBS, được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật kể về một dự án tầm cỡ quốc gia nhằm gây dựng lại niềm tự hào dân tộc. Đội thám hiểm mùa đông Nam Cực đầu tiên của Nhật Bản đã khởi hành từ Nhật trên chiếc tàu do thám ‘Soya’ vào năm 1956, trong phim có đoạn đối thoại như sau:

Giáo sư Hoshino nói: “Giống như Amundsen của NaUy và Scott của Anh, rất nhiều nhà thám hiểm đã bỏ mạng tại Nam Cực này”. Mọi người nghĩ xem tại sao thế? Rồi ông nói tiếp: “Đó là vì họ đã cố gắng chế ngự Nam Cực.”

Kuramochi, nhân vật chính trong phim trả lời: “Vì vậy thay vì chế ngự nó, nếu chúng ta nghĩ rằng Nam Cực giúp chúng ta sống sót, thì chúng ta có thể tiếp tục.

Khi đó, mỗi trở ngại có thể sẽ biến thành một cuộc phiêu lưu.”

Có thể xem đó là chuẩn mực trong cách sống, kim chỉ nam hiệu quả để định hình việc nuôi dưỡng trẻ em hòa hợp và thuận theo thiên nhiên. Vì hiểu được lẽ đó mà thời xưa, các chiến binh tộc Sparta được xem là một trong những đội quân hùng mạnh nhất lịch sử cổ đại. Để có được danh hiệu như vậy, ngay từ nhỏ những đứa trẻ ở xứ Sparta đã phải trải qua một quá trình huấn luyện khắc nghiệt mà ở đây cái đói, việc đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên, việc chịu đựng và những chấn thương là một phần rất nhỏ trong quá trình huấn luyện.

Mông Cổ do ở trên cao nguyên có vị trí cao hơn nhiều so với mực nước biển, nên khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt. Để giúp trẻ sinh tồn trong môi trường này, khi các em bé mới ra đời bố mẹ thường nhúng chúng xuống các dòng sông lạnh như băng để tập cách thích nghi.

Nhật Bản có bốn mùa rõ rệt, khí hậu cũng không đến nỗi khắc nghiệt nhưng họ cũng rất chú trọng việc rèn luyện thể chất cho trẻ nhỏ. Bằng chứng là khi mùa Đông đến, thỉnh thoảng các trường mầm non ở Nhật lại cho các em bé trai lẫn gái cởi hết đồ chỉ mặc một chiếc quần ngắn và vui chơi dưới trời lạnh giá.

Đất nước chúng ta, trên các vùng cao có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Cơm canh giản đơn, áo quần không đủ mặc, vào trời nắng các em phải phơi mình trên sườn núi, vào lúc khí lạnh tràn vào, nhìn cảnh các em mặc bộ quần áo rách và mỏng manh, đã khiến không biết bao người ngậm ngùi trước hoàn cảnh ấy.

Nhưng điểm chung ở tất cả những đứa trẻ này là dù cố tình hay vô ý, trẻ đều được hòa hợp với thiên nhiên, sống thuận với tự nhiên, quen chịu đựng với đủ loại hình khí hậu. Nên các em lớn lên đều có cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, khả năng chịu đựng, sức đề kháng và thích nghi với môi trường rất tốt.

Còn trẻ con Việt Nam thời gian gần đây được nuôi dưỡng và lớn lên như thế nào?

Dâu tây người ta thường trồng chúng trong nhà kính và luôn luôn đảm bảo một nhiệt độ cụ thể, ổn định, để hạn chế tối đa sự tác động của môi trường bên ngoài. Trái dâu tây có vẻ ngoài rất bắt mắt, ăn ngon, nhưng nhược điểm thì nhiều vô cùng. Chúng khó bảo quản, dễ bầm dập và không thể tự tồn tại trong môi trường tự nhiên với nhiều biến đổi. Tóm lại, sự sinh trưởng của dâu tây phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh.

Ngày nay, có vẻ như nhiều người đang nuôi trẻ đúng với phương pháp đó, cách ly môi trường sống của trẻ. Hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với mẹ thiên nhiên, như đón nhận ánh nắng mặt trời hoặc những cơn mưa mát lành. Trời nắng không cho ra ngoài sợ đen da, tia cực tím, trời mưa lại sợ lạnh, trời râm râm cho rằng thời tiết xấu có điều chẳng lành. Lên rừng sợ nguy hiểm, ra sông xuống biển lại sợ đuối nước, ngăn cấm đứa trẻ ra ngoài, gần gũi với thiên nhiên. Cứ thích con trẻ ở nhà cho an toàn, nóng một chút là liền bật quạt, có điều kiện hơn dùng máy lạnh, thời tiết nóng bức dùng nước mát, trời lạnh dùng nước ấm, chăn dày, máy sưởi, đi ra ngoài có xe đưa đón. Khiến những đứa trẻ này lớn lên cũng không khác dâu tây được trồng trong nhà kính, cuộc sống bị phụ thuộc và chi phối bởi các điều kiện bên ngoài.

Ai cũng muốn tốt cho con, nhưng hai phương pháp ở trên thể hiện hai cách yêu thương và quan tâm con hoàn toàn khác nhau. Một bên chủ động buông tay, tạo điều kiện cho trẻ thích nghi, đối mặt, va đập, tự bảo vệ bản thân. Một bên yêu thương con bằng cách thiết lập môi trường quá an toàn, cho trẻ sống trong không gian giới hạn và chủ động bao bọc các em. Đối với cách thứ nhất có vẻ hơi tàn nhẫn, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh lý và kết cấu của cơ thể.

Bộ não con người thật kỳ diệu, nó xử lý và hoạt động khi có thông tin vào, còn thông tin ở đây lại đi qua nhiều con đường khác nhau như thính giác, thị giác, cảm giác, xúc giác,… Nếu xử lý một thông tin lặp đi lặp lại, lâu dần sẽ định hình một phần thế giới quan của trẻ. Lúc trẻ còn nhỏ, hầu như thế giới quan chưa được định hình rõ ràng, thông tin đi vào bao nhiêu, não bộ sẽ xử lý bấy nhiêu. Thông tin càng vào, não bộ càng hoạt động, thế giới quan lại mở rộng. Sau đó sẽ được thể hiện ra bên ngoài thông qua các phản ứng của cơ thể.

Nếu bạn để ý sẽ thấy người Việt Nam đi xe khách hay đi xe dịch vụ đường xa thường có dấu hiệu bị say xe, dẫn đến các triệu chứng như ói mửa, chóng mặt, kiệt sức. Vì lúc nhỏ, trải nghiệm của những người này trong những chuyến đi trên xe, đi tàu gần như không có. Não bộ của họ chưa bao giờ xử lý những thông tin kể trên, nên bây giờ cơ thể phản ứng gay gắt. Ngược lại, người phương Tây không sao cả, đó là vì ngay từ nhỏ họ đã được bố mẹ dẫn đi chơi xa nhiều lần, não bộ đã được tiếp nhận và xử lý thông tin này. Hoặc khi người phương Tây sang Việt Nam ăn trái sầu riêng, hột vịt lộn, tiết canh, họ phản ứng dữ dội, còn chúng ta thì ăn một cách khoái khẩu. Tại sao vậy? Vì bên đó không có những món này, não bộ chưa bao giờ xử lý những thông tin như vậy trước đó. Não con người rất kỳ diệu, khiến con người thật kỳ diệu.

Tương tự như vậy nếu ngay từ nhỏ bạn nuôi trẻ trong sự bao bọc, chúng vẫn lớn lên, nhưng não bộ của chúng chỉ xử lý được những thông tin rất hạn chế, ví dụ nhiệt độ thích hợp để cơ thể chúng ổn định là 27oC. Ngoài ra những tác nhân khác chúng không chịu được, bởi vì não bộ của chúng chưa bao giờ xử lý thông tin đó, chúng sẽ khổ. Còn những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách thứ nhất lại khác, chúng có thể sẵn sàng đối mặt trước mọi thời tiết và loại hình khí hậu, nhưng có thể thích nghi dễ dàng. Vì trước đó những thông tin này đã được xử lý, nên bây giờ các em có thể tiếp nhận một cách bình thường. Còn một khi con bạn đã lớn, thế giới quan đã hình thành rõ ràng. Lúc này muốn mở rộng, đưa thông tin vào là việc làm khó khăn, cơ thể vật lý sẽ có những phản ứng quyết liệt.

Não và cơ thể của con người hội đủ tất cả tiềm năng để tiếp nhận bất kỳ một tác nhân kích thích nào đến từ thế giới bên ngoài, dù tốt hay xấu. Đứa trẻ nào cũng đều có đủ khả năng để thích nghi và tiếp nhận mọi thứ. Vậy thì tại sao bạn lại giới hạn thế giới quan, môi trường trải nghiệm của các em.

Do đó hãy cho con trẻ có cuộc sống gần gũi với Mẹ Thiên Nhiên. Hãy để những thông tin có trong tự nhiên đi vào trẻ. Cho các em được đội nắng, được tắm mưa, chơi với bùn và lăn lộn trên những bãi cát. Thỉnh thoảng được ngủ ngoài trời, được nhặt lá cây, dựng trại bằng cành cây, ăn cơm trong rừng, tắm dưới sông, suối. Đừng vội mang mũ, mặc áo khoác khi trẻ ra nắng, đừng vội mặc áo ấm, đội mũ len khi trời lạnh, để chúng chịu đựng cái nóng, cái lạnh một chút cũng tốt. Đừng chở chúng đến trường bằng xe máy hay ô tô, đừng cho con trẻ ngủ máy lạnh, bạn làm vậy cũng được nhưng dưới dạng trải nghiệm thì không sao. Nên giới hạn việc sử dụng quạt điện và dùng nước ấm để tắm, khi đó con không bị phụ thuộc vào những sản phẩm do con người tạo ra.

Bạn nuôi dưỡng làm sao để khi không được bố mẹ đưa đón, đứa trẻ vẫn tự tin đi trên đôi chân của mình đến trường. Thời tiết lạnh giá hay nóng, con bạn vẫn có thể vui vẻ chơi ngoài trời, mùa Đông không có nước ấm, chúng vẫn tắm được. Trời nóng không có máy quạt, điều hòa các em vẫn ngủ mà không hề kêu ca,… đứa trẻ như thế mới thực sự có tự chủ, không hề bị phụ thuộc bởi ngoại cảnh và có được sự cân bằng.

Nuôi dưỡng thuận tự nhiên thì khả năng thích ứng với môi trường xung quanh của trẻ em sẽ nhanh chóng tăng lên. Nhưng đó chỉ mới nói đến sự tác động lên cơ thể vật lý. Còn một chiều hướng khác cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm thức và nhận thức của các em qua hai cách nuôi dạy trên.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những thành tựu khoa học, công nghệ có mặt khắp mọi nơi và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục. Ở trường học ngày càng nhiều máy chiếu, máy tính được đưa vào các hoạt động giảng dạy. Thậm chí trong tương lai gần robot sẽ thay thế giáo viên đứng lớp. Ở nhà đứa trẻ uống một ly nước cũng có máy lọc, học có máy tính, điện thoại hỗ trợ, muốn giải trí thì có máy nghe nhạc, tivi, đồ chơi điện tử. Nhà ở, trường học, nơi công cộng được thiết kế được bao chế tạo ra, bị tách biệt khỏi thiên nhiên, đặc biệt là những đứa trẻ ở thành phố.

Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ có xu hướng nghĩ rằng thiên nhiên và vũ trụ chỉ là một tập hợp, được kết cấu một cách ngẫu nhiên, mọi thứ không có gì hơn ngoài những tạo vật do con người sáng tạo ra. Dễ dàng trở thành con người duy vật thuần túy, gây nên những hiểu biết thiên lệch và khiếm khuyết, làm cho con người ngày càng trở nên ngạo mạn về chính mình. Những đứa trẻ như vậy lớn lên thường có xu hướng đi ngược lại với những gì hoang sơ, thậm chí chống lại thiên nhiên.

Ngược lại, nếu bạn hướng dẫn cho trẻ em cách tiếp xúc, làm chủ và sử dụng những sản phẩm do con người tạo ra một cách hợp lý. Cho trẻ được gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, rồi dần dần gợi mở, đặt ra những câu hỏi để đứa trẻ có thể quan sát vạn vật một cách có ý thức. Muôn loài lục súc, tôm cá sung túc, cây cối um tùm, động vật đầy ắp khắp núi rừng đều có sự cân bằng tuyệt đối. Không dư, không thiếu, không thừa, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Vạn vật từ đâu và ai đã thiết lập trật tự đó? Điều kiện cần thiết để sinh vật hay con người sống tồn tại là nước ở trạng thái lỏng. Cơ thể con người 70% là nước và 70% diện tích trên bề mặt Trái Đất cũng được bao phủ bởi nước. Đây là sự trùng hợp hay phải chăng con người là một Trái Đất thu nhỏ? Khoảng cách để nước trên Trái Đất có thể tồn tại ở thể lỏng là khoảng cách thích hợp giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nếu gần hơn một chút nước sẽ bốc hơi hết, Trái Đất sẽ như Sao Kim, nếu xa ra một chút tất cả sẽ đóng băng, khắc nghiệt như Sao Hỏa. Tại sao Trái Đất lại nằm ở điều kiện thuận lợi như vậy? Mặt Trăng là một hệ tinh quay quanh Trái Đất, điều khiển thủy triều biển cả. Nếu nó không cách xa Trái Đất 380.000 cây số mà xích lại gần hơn một chút, một cuộc đại hồng thủy sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên do lực hấp dẫn của Mặt Trăng và nhấn chìm tất cả các lục địa. Sự kết nối này đến từ đâu?

Tất cả những điều đó phải chăng là ngẫu nhiên để hình thành nên hành tinh tuyệt vời này? Hay do một bàn tay vô hình, thế lực siêu nhiên nào đó sáng tạo và nếu có, ý nghĩa của sự tạo lập ra con người, thiên nhiên và vũ trụ là gì?

Qua sự gần gũi, chiêm nghiệm, quan sát thiên nhiên và cách bạn dẫn dắt như vậy, những câu hỏi mơ hồ về ý nghĩa ẩn đằng sau vạn vật sẽ dần dần xuất hiện. Đó cũng là cách để nuôi dưỡng hạt mầm tâm linh có thể nảy nở trong tâm hồn đứa trẻ, là con đường dẫn đến sự kết nối với cội nguồn.

Trẻ em là đứa con của Vũ Trụ, tinh hoa của Đất Trời, đến với thế giới này thông qua thân thể con người. Ở đây chúng có một người mẹ tuyệt vời là Mặt Đất, người cha vĩ đại là Bầu Trời, đã chuẩn bị sẵn một chương trình học công phu và hoàn hảo nhằm nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa trẻ, hơn hết thảy những phương tiện, trang thiết bị, phòng học, giáo trình mà con người có thể nghĩ ra để giam cầm đứa trẻ trong bốn bức tường. Vì thế đối với trẻ từ 0 đến 10 tuổi, phương pháp giáo dục cao nhất là cần cho các em ra ngoài thiên nhiên khoảng năm tiếng mỗi ngày, lang thang cùng vạn vật, hòa theo gió mây trời, để học hỏi, trải nghiệm và phát triển. Như vậy, trí tuệ Đất Trời sẽ dần dần thấm sâu vào trong người các em một cách tự nhiên nhưng vô cùng nhiệm màu.

Đỉnh cao của giáo dục thuận tự nhiên, là bạn biết cách tối giản phương pháp giáo dục nhưng mang hiệu quả tối đa.

Tổng quan bảy năm đầu đời, điều gì là quan trọng đối với đứa trẻ?

Khi em bé còn nằm trong bụng, cơ thể vật lý của bé gắn bó mật thiết với cơ thể mẹ. Sức khỏe của bé ở giai đoạn này, với sự hình thành bình thường những nền tảng của bộ phận trong cơ thể, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng nhiều nhất và trực tiếp bởi sức khỏe của người mẹ. Trong thời gian này, muốn hỗ trợ quá trình ấy của bé, bạn chỉ có cách là tác động gián tiếp, thông qua cơ thể của người mẹ. Cho nên muốn bào thai khỏe mạnh và phát triển tốt, mẹ bầu cần ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tinh thần ổn định, nên tránh xa các chất kích thích, tâm lý tiêu cực, hay còn gọi là quá trình - thai giáo.

Khi bé chào đời, cơ thể của bé tách rời cơ thể của mẹ, thế nhưng cơ thể vật lý ấy nào đã phát triển xong. Nên giờ đây, trong tình hình mới bé đã tách rời, độc lập với cơ thể mẹ. Bạn cần tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của bé, bằng cách tác động trực tiếp vào môi trường vật lý nơi bé đang ở. Chất dinh dưỡng bé tiếp nhận, không khí bé hít thở, âm thanh đi vào tai bé, những vật liệu mà da thịt bé tiếp xúc, các hoạt động tác động lên cơ thể, leo núi, thời gian ngủ nghỉ,... Trong giai đoạn này, cơ thể vật lý của bé sẽ phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng mà lúc bé còn ở trong bụng mẹ, và những tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như vừa nêu.

Cho nên từ lúc sinh ra đến năm lên bảy tuổi có một nhiệm vụ cần thực thi. Trong thời kỳ này các cơ quan vật lý phải tự định hình những hình dạng nhất định (đặc biệt là nội tạng). Trong thời kỳ sau này cơ thể vật lý vẫn tiếp tục phát triển, thế nhưng sự phát triển trong suốt phần đời còn lại là dựa trên hình thể đã được hình thành trong giai đoạn đầu đời. Hình thể đúng đắn được hình thành, hình thể đúng đắn sẽ phát triển. Hình thể khiếm khuyết được hình thành, hình thể khiếm khuyết sẽ phát triển.

Bạn không thể sửa chữa được những gì mà trên cương vị người làm giáo dục đã bỏ mặc đứa trẻ trong bảy năm đầu đời, cũng như hậu quả trong việc không mang lại môi trường thích hợp cho cơ thể vật lý trước lúc em bé được sinh ra và sau khi trẻ chào đời. Lev Nikolayevich Tolstoy nói: “Tất cả những gì mà đứa trẻ sẽ có sau này khi trở thành người lớn đều thu nhận được trong thời thơ ấu. Trong quãng đời còn lại, những cái mà nó thu nhận được chỉ đáng một phần trăm những cái đó mà thôi.”

Vì vậy, chương trình giáo dục và phương pháp đào tạo trẻ nhỏ từ 0 đến 7 tuổi cần theo sát với các hoạt động vui chơi, thể thao để các em rèn luyện tinh thần, thể chất, được hòa mình với thiên nhiên, với năng lượng đất trời. Khi đó những bài học về lương tâm, đạo đức và tình yêu thương sẽ được người làm giáo dục lồng ghép khéo léo, tự nhiên, vào trong những hoạt động - chơi thật vui mà học lúc nào không biết.

Ngôi trường tốt nhất là thiên nhiên, người thầy tuyệt vời nhất là bầu trời.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh