Ta Là Cái Đó: Chương 71. Cái Thuần Khiết, Không Pha Tạp, Không Bị Ràng Buộc Là Cái Thật

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 71. CÁI THUẦN KHIẾT, KHÔNG PHA TẠP, KHÔNG BỊ RÀNG BUỘC LÀ CÁI THẬT

Maharaj: Ông trở lại Ấn Độ! Thời gian vừa qua ông ở đâu, và đã thấy được những gì?

Hỏi: Tôi vừa ở Thụy Sĩ sang. Tôi ở đó với một người rất khác thường, tự nhận là đã giác ngộ. Người này trước kia đã hành rất nhiều pháp môn Yoga, và đã trải qua đủ loại kinh nghiệm. Hiện nay ông ta tự nhận là không có khả năng hay kiến thức nào đặc biệt, nhưng điều khác thường đối với ông ta liên quan đến các cảm giác: ông ta không thể nào tách người thấy ra khỏi cái bị thấy. Chẳng hạn như khi thấy chiếc xe hơi lao về phía mình, ông ta không biết là chiếc xa hơi lao vào ông ta, hay ông ta lao vào chiếc xe hơi. Cùng một lúc, ông ta như cả hai - người thấy và cái bị thấy. Hai cái trở thành một. Bất cứ gì ông ta thấy, ông ta thấy chính mình. Khi tôi hỏi một số câu hỏi về pháp môn Vedanta, ông ta bảo: “Tôi không thể trả lời. Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là sự đồng hóa kỳ lạ này với bất cứ gì tôi nhận thức. Ông biết không, tôi không hề mong đợi một điều như thế này.”

Nhìn chung ông ta là một người khiêm tốn, không thu nhận môn đồ và không hề có ý định tự đặt mình lên bệ thờ. Ông ta sẵn sàng nói về tình trạng kỳ lạ của mình, nhưng chỉ thế thôi.

M: Bây giờ ông ta biết cái mình biết. Tất cả những cái khác đã

qua. Ít ra là ông ta còn nói. Chẳng bao lâu nữa ông ta sẽ tịnh khẩu.

H: Lúc đó ông ta sẽ làm gì?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Bất động và im lặng không có nghĩa là không hành động. Bông hoa tỏa hương thơm trong không gian, và ngọn nến tỏa ra ánh sáng. Chúng chẳng làm gì cả nhưng thay đổi tất cả chỉ bằng sự hiện diện của chúng. Ông có thể chụp ảnh ngọn nến, nhưng ông không thể chụp ảnh được ánh sáng của nó. Ông có thể biết con người, danh xưng và hình tướng, nhưng ông không biết được ảnh hưởng của người đó. Sự có mặt của người đó chính là hành động.

H: Thế không phải hành động là tự nhiên hay sao?

M: Mọi người đều muốn hành động, nhưng hành động sinh khởi từ đâu? Không hề có một trung điểm, mỗi hành động tạo ra một hành động khác, hoàn toàn vô nghĩa và đầy đau đớn trong một chuỗi diễn tiến bất tận. Không có sự xen kẽ giữa hành động và dừng lại. Trước tiên hãy tìm ra cái trung tâm bất biến mà từ đó mọi chuyển động khởi sinh. Như một bánh xe xoay quanh trục của nó, ông luôn luôn phải ở ngay trục của trung tâm, chứ không phải xoay vòng ở ngoại vi.

H: Tôi thực hành như thế nào?

Mua đá năng lượng:

M: Bất cứ khi nào một ý nghĩ hay cảm xúc tham ái hoặc lo sợ xuất hiện trong tâm, ông chỉ việc quay đi.

H: Bằng cách ức chế ý nghĩ và cảm thọ, tôi sẽ kích động một phản ứng.

M: Ta không bảo phải ức chế. Chỉ đừng chú ý.

H: Tôi không thể cố gắng dừng lại các chuyển động của tâm hay sao?

M: Nó chẳng liên quan gì đến cố gắng. Chỉ quay đi, nhìn vào giữa hai ý nghĩ, thay vì vào ý nghĩ. Khi tình cờ đi giữa một đám đông, ông không đánh nhau với từng người ông gặp - ông chỉ tìm cách len qua giữa những người ông gặp.

H: Nếu dùng ý chí để khống chế tâm thì chỉ làm cho cái tôi thêm kiên cố.

M: Dĩ nhiên. Khi cưỡng lại, ông khiêu khích một cuộc đánh nhau. Nhưng nếu không đề kháng, ông không gặp sự đề kháng.

Nếu không nhập cuộc chơi, ông là người ngoại cuộc.

H: Phải mất bao lâu tôi mới loại bỏ được tâm?

M: Có thể đến cả ngàn năm, nhưng thật ra không cần đến thời gian. Tất cả những gì ông cần là sự thành khẩn. Ở đây ý chí là hành động. Nếu thành khẩn thì ông sẽ có nó. Xét cho cùng, chính thái độ mới quan trọng. Không gì có thể ngăn cản ông làm một người giác ngộ ở đây và ngay bây giờ, ngoại trừ sự sợ hãi. Ông sợ thành cái phi nhân cách, ông sợ thành sự hiện hữu phi nhân cách. Mọi chuyện rất đơn giản. Chỉ việc quay đi đối với tham ái và lo sợ, cũng như mọi ý nghĩ do chúng tạo ra, thì ngay lập tức ông ở trong trạng thái tự nhiên của ông.

H: Không cần tái điều kiện hóa, thay đổi, hay loại bỏ tâm?

M: Hoàn toàn không cần. Cứ mặc kệ tâm, chỉ thế thôi. Đừng đi theo tâm. Xét cho cùng, không hề có cái như là tâm tách lìa khỏi ý nghĩ, ý nghĩ đến và đi theo luật riêng của chúng, mà không phải của ông. Chúng khống chế ông chỉ vì ông quan tâm đến chúng. Đúng như Đấng Chirst đã nói: “Đừng cưỡng lại điều ác.” Cưỡng lại điều ác chỉ làm cho điều ác thêm kiên cố.

H: Bây giờ thì tôi hiểu. Tất cả những gì tôi phải làm là phủ nhận sự tồn tại của điều ác, rồi nó sẽ tan biến dần. Nhưng liệu một sự phủ nhận như vậy có thu hẹp lại thành một hình thức tự kỷ ám thị nào đó (auto-suggestion)?

M: Khi ông nghĩ chính ông là một con người, bị câu thúc giữa thiện và ác thì tự ám thị bây giờ ở vào trạng thái sôi nổi nhất. Điều Ta bảo ông làm là chấm dứt tình trạng đó, tỉnh thức và thấy sự vật như chúng là.

Về thời gian lưu lại Thụy Sĩ với người bạn khác thường của ông, ông được lợi lạc gì trong khi thân cận với người này?

H: Hoàn toàn không. Kinh nghiệm của ông ta chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi đã hiểu ra một điều: chẳng có gì để tìm kiếm.

Dù đi bất cứ đâu, tôi sẽ chẳng gặp gì ở cuối đường. Sự khám phá không phải là kết quả của bôn ba đây đó.

M: Đúng thế, ông không phải là bất cứ gì có thể đạt được hay mất đi.

H: Ông gọi đó là Vairagya - từ bỏ, buông bỏ?

M: Chẳng có gì để từ bỏ. Chỉ ngưng thu nhận là đủ. Muốn cho ông phải có, muốn có ông phải nhận. Tốt hơn hết là đừng nhận. Đừng nhận thì dễ thực hành hơn là từ bỏ, vì từ bỏ đưa đến một hình thức nguy hiểm của “ngã mạn tâm linh.”

Tất cả những cân nhắc, chọn lọc, lựa chọn, và trao đổi - đều là hành vi mua sắm ở chợ “tâm linh”. Ông có gì buôn bán ở đó? Ông tìm cái gì ở đó? Khi ông không theo đuổi chuyện làm ăn buôn bán thì những ưu tư bất tận về lựa chọn có ích lợi gì? Bồn chồn, nôn nóng chẳng đưa ông đến đâu. Có cái gì đó ngăn che không cho ông thấy được rằng ông chẳng cần bất cứ gì. Hãy tìm ra nó và nhận ra tính hư giả của nó. Cũng như nuốt nhầm chất độc và vô cùng khát nước. Thay vì uống thật nhiều nước, tại sao không loại trừ chất độc, và thoát khỏi cơn khát khủng khiếp đó?

H: Tôi phải loại trừ cái ta!

M: Ý thức “Ta là một con người trong thời gian và không gian” là chất độc. Về một phương diện, chính thời gian là chất độc. Trong thời gian, tất cả đều đi đến sự chấm dứt, cái mới được sinh ra và rồi sẽ bị hủy diệt khi đến lượt. Đừng đồng hóa chính mình với thời gian, đừng nôn nóng hỏi “cái gì tiếp theo, cái gì kế tiếp?” Hãy bước ra khỏi thời gian và quan sát nó hủy diệt thế giới. Hãy nói: “À, chính bản chất của thời gian là kết liễu tất cả. Cứ mặc kệ thời gian. Nó chẳng hề làm cho Ta bận tâm. Ta không thể bị hủy diệt,

và Ta cũng chẳng cần tích lũy nhiên liệu.”

H: Liệu có thể có nhân chứng mà không có gì để chứng kiến?

M: Luôn luôn có một cái gì đó để chứng kiến. Nếu không phải là vật, thì cũng là sự vắng thiếu của vật. Hành vi nhân chứng thì tự nhiên và chẳng có gì là không đúng. Điều không đúng là quan tâm thái quá, đưa đến sự đồng hóa chính mình. Bất cứ gì thu hút ông, ông đều cho là thật.

H: Thế cái “Ta hiện hữu” thật hay không thật? Cái “Ta hiện hữu” có phải là nhân chứng? Nhân chứng là thật hay không thật?

M: Cái gì thuần khiết, không pha tạp, không bị ràng buộc, là thật. Cái gì cấu nhiễm, pha tạp, tùy thuộc và vô thường, là không thật. Đừng để bị ngôn từ lừa dối - một chữ có thể mang nhiều ý nghĩa và các ý nghĩa thậm chí mâu thuẫn với nhau. Cái “Ta hiện hữu” theo đuổi lạc thú và tránh né đau khổ là giả; cái “Ta hiện hữu” thấy lạc thú và đau khổ không tách rời nhau, là thấy đúng. Người thấy bị vướng mắc với những gì mình nhận thức là con người. Người thấy đứng xa lìa, bất động và không bị tác động, là người thấy cái thật, là điểm mà tại đó tánh biết - sẵn có trong cái bất thị hiện - giao tiếp với cái thị hiện. Không thể có vũ trụ nếu không có nhân chứng, không thể có nhân chứng nếu không có vũ trụ.

H: Thời gian hủy diệt vũ trụ. Ai là người chứng kiến thời gian?

M: Người ở ngoài thời gian - Kẻ không thể đặt tên. Một đốm lửa, xoay nhanh theo vòng tròn, tạo ra hình ảnh một vòng sáng. Khi chuyển động ngừng thì đốm sáng còn lại. Tương tự như thế, cái “Ta hiện hữu” lúc động tạo nên thế giới. Cái “Ta hiện hữu” lúc tịnh trở thành Cái Tuyệt đối. Ông như một kẻ đi trong đường hầm với cái đèn pin. Ông chỉ có thể thấy những gì trong tầm sáng của đèn. Những gì còn lại đều ở trong bóng tối.

H: Nếu tôi phóng chiếu ra thế giới thì tôi có thể thay đổi thế giới.

M: Dĩ nhiên, ông có thể thay đổi thế giới. Nhưng ông phải chấm dứt nhận dạng ông với nó và vượt ra ngoài. Lúc đó ông có đầy quyền năng hủy diệt và tái tạo thế giới.

H: Tôi chỉ muốn giải thoát.

M: Có hai điều ông phải biết: Ông muốn giải thoát khỏi cái gì

và cái gì trói buộc ông?

H: Vì sao ông muốn hủy diệt vũ trụ?

M: Ta chẳng quan tâm đến vũ trụ. Mặc kệ nó hiện hữu hay không hiện hữu. Ta chỉ cần biết Ta là đủ.

H: Nếu ở ngoài thế giới, ông có lợi lạc gì cho thế giới?

M: Nếu trắc ẩn thì trắc ẩn cái Ta, chứ đừng trắc ẩn cho thế giới! Bị phủ kín trong chiêm bao ông quên mất cái Ta chơn thật của chính ông.

H: Không có thế giới thì không có chỗ cho tình yêu.

M: Đúng thế. Tất cả các thuộc tính: hiện hữu, ý thức, tình yêu và cái đẹp đều là ảnh phản chiếu của thực tại lên thế giới. Không có cái thật thì không có ảnh phản chiếu.

H: Thế giới đầy những điều đáng ham muốn và con người. Làm sao tôi tưởng tượng nó không hiện hữu?

M: Cứ để những điều đáng ham muốn cho những ai ham muốn. Hãy đổi chiều ham muốn của ông từ nhận sang cho. Lòng tha thiết bố thí, và chia sẻ, tự nhiên sẽ gột sạch ý nghĩ về một thế giới bên ngoài tâm, cũng như ý tưởng bố thí. Chỉ còn lại sự chói lọi thuần khiết của tình yêu, ở ngoài cho và nhận.

H: Trong tình yêu phải có hai, người yêu và kẻ được yêu.

M: Trong tình yêu một còn không có, làm sao có hai? Tình yêu là sự phủ nhận mọi phân chia và phân biệt. Trước khi có thể nghĩ về cái duy nhất thì trước tiên ông phải tạo ra nhị nguyên. Khi thực sự yêu, ông không nói: “Tôi yêu em.” Còn tiến trình tâm lý thì còn nhị nguyên.

H: Điều gì đã đem tôi trở lại Ấn Độ nhiều lần? Chắc chắn không phải giá sinh hoạt ở đây tương đối rẻ. Mà cũng không phải tính đa dạng và màu sắc của các ấn tượng. Chắc chắn phải là một yếu tố nào đó quan trọng hơn.

M: Còn phải kể đến khía cạnh tâm linh. Ở Ấn Độ sự phân biệt giữa bên ngoài và bên trong ít hơn; việc bầy tỏ cái bên trong ra bên ngoài dễ hơn; sự hợp nhất dễ hơn và xã hội không quá áp bức.

H: Đúng, ở phương Tây chỉ có TamasRajas. Ở Ấn Độ có nhiều Sattva hơn, hài hòa và cân đối hơn.

M: Ông không thể vượt ra ngoài Gunas? Tại sao lại chọn Sattva? Hãy là cái ông là dù ở bất cứ đâu, và đừng quan tâm đến Gunas.

H: Tôi không có sức mạnh.

M: Điều này cho thấy ông chẳng thu hoạch gì nhiều ở Ấn Độ. Cái mà ông thật sự có thì ông không thể mất. Nếu ông thực sự an trú trong chính ông thì mọi thay đổi nơi chỗ không hề có ảnh hưởng.

H: Ở Ấn Độ đời sống tâm linh thật đơn giản. Ở phương Tây thì không thế. Con người phải thích ứng với môi trường trong một mức độ lớn hơn.

M: Tại sao ông không tạo ra môi trường của chính ông? Thế giới chỉ có thể khống chế được ông trong chừng mực mà ông cho phép. Hãy nổi loạn. Hãy vượt ra khỏi nhị nguyên, đừng phân biệt Đông và Tây.

H: Một người có thể làm gì khi biết mình ở trong một môi trường phi tâm linh?

M: Chẳng làm gì cả. Cứ là chính ông. Đứng ngoài. Nhìn xa ra.

H: Có thể có những va chạm trong gia đình. Cha mẹ không chịu hiểu.

M: Khi biết được sự hiện hữu chơn thật của ông thì chẳng có gì là vấn đề đối với ông. Ông có thể làm vui lòng cha mẹ hay không, lập gia đình hay không, làm ra nhiều tiền hay không - thì chẳng có gì khác biệt đối với ông. Cứ hành động thuận theo hoàn cảnh, nhưng luôn luôn kề cận với sự thật, với thực tại trong mọi tình huống.

H: Thế đó không phải là một trạng thái thật cao siêu?

M: Ồ, không. Đó chỉ là trạng thái bình thường. Ông gọi nó là cao siêu vì ông sợ nó. Khi di chuyển trên một con đường đông người, ông chỉ vượt qua người khác. Có người ông nhìn, có người ông chỉ liếc qua, nhưng ông không dừng lại. Chính khi dừng lại ông tạo ra sự tắc nghẽn. Cứ di chuyển! Đừng để tâm đến danh xưng và hình tướng, đừng vướng mắc vào chúng; sự vướng mắc chính là sự ràng buộc ông.

H: Tôi phải làm gì nếu bị ai đó tát vào mặt?

M: Ông sẽ phản ứng theo cá tính của ông, bẩm sinh hay thụ đắc.

H: Liệu tôi, và thế giới có bị bắt buộc phải như hiện nay? Có phải đó là tất yếu?

M: Một người thợ kim hoàn muốn làm lại một món đồ trang sức thì trước tiên phải nấu chảy món trang sức đó thành vàng không còn hình dáng riêng biệt. Tương tự như thế, một người phải trở về trạng thái bổn lai trước khi một danh xưng mới và một hình tướng mới xuất hiện. Chết là cần thiết cho sự tân tạo.

H: Ông luôn luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt ra ngoài, phải xa lìa, phải độc cư. Hầu như ông không dùng đến các từ ngữ như “đúng” và “sai”. Vì sao vậy?

M: Là chính mình thì đúng, không là chính mình thì sai. Tất cả những cái khác chỉ là điều kiện. Ông muốn phân biệt đúng và sai, vì ông cần một cơ sở nào đó cho hành động. Ông luôn luôn theo đuổi phải làm cái này hay cái khác. Nhưng hành động - được thúc giục bởi động cơ có tính cách cá nhân, dựa trên một nấc thang giá trị nào đó, nhắm vào một kết quả nào đó - thì tồi tệ hơn là đừng làm gì cả, vì quả của nó luôn luôn cay đắng.

H: Tánh biết và tình yêu là một và như nhau?

M: Dĩ nhiên. Tánh biết thì năng động, tình yêu là hiện hữu. Tánh biết là tình yêu trong hành động. Tâm tự nó có thể hiện thực hóa bất cứ số lượng nào về khả năng, nhưng nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu thì những khả năng đó vô giá trị. Tình yêu đi trước sáng tạo. Nếu không có tình yêu thì chỉ có hỗn loạn.

H: Hành động ở đâu trong tánh biết?

M: Ông hành hoạt thật sai lầm làm sao! Nếu không có chuyển động, động đậy, náo loạn thì ông không thấy hành động. Hỗn loạn chỉ là chuyển động vì chuyển động. Hành động thật sự thì không thay đổi vị trí và chỉ chuyển hóa. Thay đổi vị trí chỉ là chuyển dịch; thay đổi tâm trí là hành động. Phải nhớ rằng không gì có thể nhận thức được là thật. Hoạt động thì không phải hành động. Hành động thì tàng ẩn, không biết và không thể biết. Ông chỉ có thể biết được kết quả.

H: Thế không phải Thượng đế là người làm ra tất cả?

M: Tại sao ông lại đem một tạo hóa ở bên ngoài vào? Thế giới tái tạo chính nó từ chính nó. Đây là một tiến trình bất tận, cái vô thường tạo ra cái vô thường. Chính cái Ta của ông làm cho ông tưởng rằng phải có một tạo hóa. Ông tạo ra một Thượng đế cho hình ảnh của chính ông, dù hình ảnh đó có ảm đạm đến đâu. Dùng cuốn phim của chính tâm ông, ông phóng chiếu ra một thế giới và một Thượng đế để cho thế giới đó nguyên nhân và mục đích. Tất cả đều là tưởng tượng. Hãy bước ra ngoài nó.

H: Thật khó để thấy được rằng thế giới thuần túy chỉ là các trạng thái của tâm! Thực tế hữu hình của thế giới vô cùng thuyết phục.

M: Đó chính là điều bí ẩn của tưởng tượng, vì nó có vẻ như rất thật. Dù ông sống độc thân hay lấy vợ, là tu sĩ hay người có gia đình thì đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ông có phải, hay là tên nô lệ của tưởng tượng? Bất cứ quyết định nào ông lựa chọn, bất cứ công việc nào ông làm đều luôn luôn dựa trên tưởng tượng, trên những giả định được phô diễn như thật.

H: Tôi đang ngồi đây trước mặt ông, phần nào của sự kiện là tưởng tượng?

M: Toàn thể sự kiện là tưởng tượng. Ngay cả không gian và thời gian cũng được tưởng tượng ra.

H: Điều đó có nghĩa là tôi không tồn tại?

M: Cả Ta cũng không tồn tại. Tất cả tồn tại đều là tưởng tượng.

H: Thế hiện hữu cũng là tưởng tượng?

M: Hiện hữu thuần túy - bao trùm tất cả và ở ngoài tất cả - thì không phải là tồn tại, vì tồn tại tức là hữu hạn. Tất cả mọi hữu hạn đều là tưởng tượng, chỉ cái vô hạn mới là chơn thật.

H: Khi nhìn tôi, ông thấy gì?

M: Ta thấy ông tưởng tượng ông là.

H: Có rất nhiều người như tôi. Nhưng mọi người đều khác nhau.

M: Tổng thể của tất cả các phóng chiếu là cái gọi là MahaMaya - ảo ảnh vĩ đại.

H: Khi ông nhìn chính ông, ông thấy gì?

M: Còn tùy cách nhìn. Khi nhìn qua tâm Ta thấy vô số chúng sinh. Khi nhìn vượt ra tâm, Ta thấy nhân chứng. Bên ngoài nhân chứng là cường độ vô biên của sự rỗng rang và im lặng.

H: Hành xử đối với con người nên như thế nào?

M: Tại sao lại đặt ra kế hoạch, và để làm gì? Những câu hỏi như thế chứng tỏ sự ưu tư lo lắng. Quan hệ là một cái gì đó sống động. An lạc với chính cái Ta bên trong của ông, ông sẽ an lạc với mọi người.

Hãy nhận ra rằng ông không phải là chủ nhân của những gì xảy ra, ông không thể kiểm soát tương lai, ngoại trừ những vấn đề thuần túy kỹ thuật. Không thể nào hoạch định được quan hệ nhân sinh, vì nó quá phong phú và biến dịch. Chỉ cần thông cảm, từ bi, và vô cầu lợi ích riêng tư.

H: Hiển nhiên tôi không phải là chủ nhân - mà đúng ra là tên nô lệ - của những gì xảy ra.

M: Đừng làm chủ, mà cũng đừng làm nô lệ. Đứng tách ra.

H: Điều này hàm ý trốn tránh hành động?

M: Ông không thể trốn tránh hành động. Hành động xảy ra, như mọi thứ khác.

H: Hành động của tôi, dĩ nhiên là tôi có thể kiểm soát.

M: Cứ thử đi. Ông sẽ sớm nhận ra rằng ông làm điều ông phải làm.

H: Tôi có thể hành động theo ý chí của tôi.

M: Ông chỉ biết được ý chí của ông sau khi đã hành động.

H: Tôi nhớ đến các ham muốn của tôi, những sự lựa chọn của tôi, những quyết định của tôi và theo đó tôi hành động.

M: Thế thì ký ức của ông quyết định, không phải ông.

H: Vậy “tôi” từ đâu xuất hiện?

M: Ông làm cho tôi xuất hiện bằng cách chú ý đến nó.

H: Không có gì như là ý chí tự do? Tôi không tự do để ước muốn sao?

M: Không đâu, ông bị bắt buộc phải ước muốn. Trong Ấn giáo ý tưởng về ý chí tự do không tồn tại, nên không có từ ngữ cho nó. Ý chí là cam kết, là cố định, là ràng buộc.

H: Tôi hoàn toàn tự do lựa chọn những gì hữu hạn của tôi.

M: Ông phải tự do trước. Muốn tự do trong thế giới, ông phải tự do đối với thế giới. Nếu không quá khứ sẽ quyết định cho ông và tương lai của ông. Ông bị câu thúc giữa cái đã xảy ra và cái phải xảy ra. Gọi đó là định mệnh hay Karma, nhưng không bao giờ là tự do. Trước tiên hãy trở về với sự hiện hữu chơn thật của ông rồi hành động từ trái tim của tình yêu.

H: Trong nội vi cái thị hiện, cái gì là dấu ấn của cái bất thị hiện?

M: Không hề có. Ngay khi ông khởi sự tìm kiếm dấu ấn của cái bất thị hiện thì cái thị hiện biến mất. Nếu tìm cách hiểu cái bất thị hiện bằng tâm, ngay lập tức ông ra khỏi tâm; cũng như khi khơi lửa bằng một que củi, ông đốt cây củi. Hãy dùng tâm để tìm hiểu cái thị hiện. Như một con gà con mổ vỏ trứng. Suy diễn về cuộc sống ở bên ngoài lớp vỏ chẳng ích lợi gì, nhưng hành động mổ vào vỏ trứng, và phá vỡ vỏ trứng từ bên trong sẽ giải thoát con gà con. Tương tự như thế, phá vỡ tâm từ bên trong bằng sự tìm hiểu và vạch trần những mâu thuẫn và vô lý của nó.

H: Ước muốn phá vỡ vỏ trừng từ đâu mà có?

M: Từ cái bất thị hiện.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh