Ta Là Cái Đó: Chương 72. Cái Chết Của Tâm Là Sự Khai Sinh Của Trí Tuệ

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 72. CÁI CHẾT CỦA TÂM LÀ SỰ KHAI SINH CỦA TRÍ TUỆ

Hỏi: Trước khi giác ngộ bản tánh chơn thật của mình, có cần phải là một con người không? Cái Ta không có giá trị của nó hay sao?

Maharaj: Con người chẳng ích lợi gì nhiều. Con người mê đắm trong các vấn đề riêng tư, và hoàn toàn không biết đến sự hiện hữu chơn thật của nó. Chỉ khi nào ý thức nhân chứng bắt đầu tác động đến con người, và ý thức nhân chứng trở thành đối tượng - thay vì chủ thể - của sự quan sát thì mới có thể nói đến giác ngộ. Chính nhân chứng làm cho sự giác ngộ được khao khát và có thể đạt đến.

H: Có thời điểm nào trong đời, con người trở thành nhân chứng?

M: Ồ, không. Con người sẽ không thể tự trở thành nhân chứng. Cũng giống như mong đợi một cây nến lạnh tự cháy sáng trên giòng thời gian. Con người có thể mãi mãi ở trong bóng tối của vô minh, cho đến khi nào ngọn lửa của sự tỉnh thức chạm vào nó.

H: Ai thắp sáng ngọn nến?

M: Đạo sư. Lời dạy của Đạo sư, sự hiện diện của Đạo sư. Ở Ấn Độ thường là thần chú - Mantra. Một khi cây nến được thắp lên, ngọn lửa sẽ tiêu thụ cây nến.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Vì sao thần chú lại linh nghiệm như vậy?

M: Thường xuyên niệm chú là một điều mà người niệm không làm cho chính mình. Người được hưởng không phải là con người.

Cũng như cây nến không dài ra bằng sự cháy sáng.

H: Liệu con người có thể tự biết chính mình?

M: Có. Đôi khi điều này xảy ra sau không biết bao nhiêu đau khổ. Đạo sư muốn giảm bớt những đau khổ vô tận của ông. Ân đức của Đạo sư là như thế. Thậm chí khi không tìm được Đạo sư bên ngoài, luôn luôn vẫn có Sadguru - Đạo sư bên trong - là người chỉ dẫn và cứu giúp từ bên trong. Các từ ngữ như “bên ngoài” và “bên trong” chỉ liên quan đến thân xác; trong thực tế tất cả là một, cái bên ngoài chỉ là sự phóng chiếu của cái bên trong. Tánh biết xuất hiện như thể từ một phương vị cao hơn.

H: Trước và sau khi tia sáng được thắp lên, cái gì là sự khác biệt?

M: Trước khi tia sáng được thắp lên không có nhân chứng để nhận thức sự khác biệt. Con người có thể có ý thức, nhưng không biết mình có ý thức. Con người hoàn toàn đồng hóa chính mình với những gì nó nghĩ, cảm thọ và kinh nghiệm. Con người ở trong bóng tối do chính mình tạo ra. Khi bóng tối bị chất vấn nó liền biến mất. Ý muốn chất vấn được Đạo sư truyền thụ. Nói một cách khác, sự khác biệt giữa con người và nhân chứng là ở chỗ biết chính mình và không biết chính mình. Khi có sự hòa hợp, thế giới được thấy trong ý thức là thuộc về bản chất của ý thức; nhưng khi hoạt động và quán tính, tức Rajas và Tamas xuất hiện, chúng ngăn che và vo tròn bóp méo khiến ông thấy cái giả như thật.

H: Con người có thể làm gì để chuẩn bị chính mình tiếp đón Đạo sư?

M: Ngay chính ước muốn sẵn sàng có nghĩa là Đạo sư đã đến và ngọn lửa đã được thắp sáng. Đó có thể là một tiếng bâng quơ hay một trang kinh; ân đức của Đạo sư tác động rất bí ẩn.

H: Như thế không có chuyện như là chuẩn bị chính mình? Chúng tôi nghe nói rất nhiều về tu tập Yoga.

M: Không phải con người thực hành pháp tu. Con người luôn luôn bất an và chống lại cho đến cùng. Chính nhân chứng tác động đến con người, đến toàn thể các ảo tưởng của con người - quá khứ, hiện tại và tương lai.

H: Làm sao chúng tôi biết những gì ông nói là đúng thật? Mặc dù những điều ông nói là tự đầy đủ và hoàn toàn không có những mâu thuẫn nội tại, nhưng làm sao chúng tôi biết được rằng chúng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng dồi giào, được bồi dưỡng và làm cho phong phú bằng cách thường xuyên lập đi lập lại?

M: Bằng chứng của sự thật ở trong ảnh hưởng của nó đối với người nghe.

H: Ngôn từ có thể có những hiệu năng rất mãnh liệt. Bằng cách nghe, hay tụng niệm một số tiếng nào đó một người có thể trải qua những trạng thái xuất thần khác nhau. Kinh nghiệm của người nghe có thể được tạo nên, nhưng không thể được xem là bằng chứng.

M: Công năng không nhất thiết phải là một sự chứng nghiệm. Nó có thể là một sự thay đổi trong cá tính, trong nguyên do hành động, trong quan hệ với tha nhân, và trong chính cái Ta của mình. Những trạng thái xuất thần, những linh ảnh hiển hiện nhờ ngôn ngữ hay ma túy, hoặc bất cứ phương tiện giác quan hay tâm lý đều giả tạm và không đem lại kết quả tối hậu. Sự thật của những gì được nói ra ở đây là bất biến và trường cửu. Bằng chứng của nó là ở trong người nghe, qua những thay đổi sâu xa và vĩnh viễn trong toàn thể sự hiện hữu của người đó. Bằng chứng đó không thể là điều người đó có thể nghi hoặc, trừ khi người đó hoài nghi về sự tồn tại của chính mình, mà đó lại là điều không thể có. Khi kinh nghiệm của Ta trở thành kinh nghiệm cũng của chính ông, ông còn muốn bằng chứng nào hiển nhiên hơn thế?

H: Người kinh nghiệm là bằng chứng kinh nghiệm của người đó.

M: Khá đúng, nhưng người kinh nghiệm không cần đến bằng chứng. “Ta biết và Ta biết Ta biết.” Ông không thể đòi hỏi thêm bằng chứng nào nữa.

H: Có thể có cái biết chơn thật về vạn hữu?

M: Tương đối thì có. Tuyệt đối thì chẳng có vật gì. Biết được không có gì hiện hữu là cái biết chân thật.

H: Cái gì liên kết cái tương đối và cái tuyệt đối?

M: Chúng đồng với nhau.

H: Theo cách nhìn nào thì chúng đồng với nhau?

M: Khi ngôn từ được nói ra, sự im lặng vẫn có đó. Khi cái tương đối chấm dứt, cái tuyệt đối còn lại. Sự im lặng trước khi ngôn từ được nói ra có khác với sự im lặng sau đó? Sự im lặng chỉ là một, và nếu không có nó thì ngôn từ không thể được nghe. Sự im lặng luôn luôn có đó - ở phía sau ngôn từ. Chuyển sự chú ý của ông từ ngôn từ sang im lặng, ông sẽ nghe thấy nó. Tâm khao khát kinh nghiệm, và ký ức về kinh nghiệm được tâm cho là cái biết. Người giác ngộ ở ngoài mọi kinh nghiệm và ký ức của người đó hoàn toàn rỗng rang không có quá khứ. Người giác ngộ hoàn toàn không liên quan đến bất cứ gì riêng biệt. Vì khao khát công thức và định nghĩa, tâm luôn luôn tìm cách nhào nặn thực tại thành hình tướng hữu ngôn. Tâm luôn luôn muốn có một ý tưởng về bất cứ gì, vì nếu không có ý tưởng thì không có tâm. Thực tại - về bản chất - thì đơn độc, nhưng tâm không để cho thực tại đơn độc; và thay vì giao tiếp với thực tại tâm chỉ giao tiếp với cái không thật. Tất cả những gì tâm có thể làm: phát hiện cái không thật là không thật.

H: Và thấy cái thật là thật?

M: Không hề có trạng thái như là thấy cái thật. Ai thấy cái gì? Ông chỉ có thể là cái thật - là cái mà ông là, dù thế nào đi nữa. Vấn đề chỉ là tâm. Từ bỏ những ý nghĩ không đúng, có thế thôi. Không cần thiết phải có ý nghĩ đúng. Không có ý nghĩ đúng.

H: Thế tại sao chúng tôi được khuyến khích tìm kiếm cái thật?

M: Tâm phải có một mục đích. Khuyến khích tâm giải thoát chính nó ra khỏi cái không thật có nghĩa là tâm được hứa hẹn một cái gì đó để bù lại. Trong thực tế, không cần phải có mục đích. Tự thân sự thoát ra khỏi cái hư giả là điều tốt, chẳng cần đến phần thưởng. Cũng giống như sạch sẽ - chính nó là phần thường của nó.

H: Thế hiểu biết chính mình có phải là phần thưởng?

M: Phần thưởng của hiểu biết chính mình là thoát ra khỏi cái Ta cá nhân. Ông không thể biết người biết, vì ông là người biết. Thực tế của hành vi biết chứng minh người biết. Ông chẳng cần bằng chứng nào khác. Không thể biết được người biết của cái biết. Cũng như ánh sáng chỉ được biết ở trong mầu sắc, thì người biết được biết trong sự biết.

H: Như thế người biết chỉ là một sự suy diễn?

M: Ông biết thân, tâm và cảm thọ của ông. Liệu có phải ông chỉ là một sự suy diễn?

H: Tôi là một sự suy diễn đối với người khác, nhưng không phải với chính tôi.

M: Ta cũng thế, là một sự suy diễn đối với ông, nhưng không đối với chính Ta. Ta biết chính Ta bằng cách là chính Ta. Cũng như ông biết chính ông là một con người bằng cách là một con người. Ông không thường xuyên nhắc nhở chính ông là một con người. Chỉ khi nào tính người của ông bị chất vấn thì ông mới khẳng định ông là một con người. Tương tự như thế, Ta biết Ta là tất cả. Ta không cần tiếp tục lải nhải: “Ta là tất cả, Ta là tất cả.” Chỉ khi nào ông cho Ta là một cái gì đó riêng biệt, một con người, thì Ta mới phản đối. Cũng như ông luôn luôn là một con người, thì Ta là cái Ta là - luôn luôn là như thế. Bất cứ gì ông là và là một cách bất biến, thì ông là cái đó - không còn gì nghi hoặc.

H: Khi tôi hỏi ông làm sao biết ông là một người giác ngộ, ông bảo: “Ta không còn tìm thấy tham ái trong Ta.” Đó không phải là một bằng chứng?

M: Dù nếu Ta đầy tham ái, Ta cũng vẫn là cái Ta là.

H: Tôi, đầy những tham ái, và ông, cũng đầy những tham ái. Cái gì có thể là sự khác biệt?

M: Ông đồng hóa chính mình với những tham ái của ông và trở thành nô lệ của chúng. Đối với Ta tham ái chỉ là vật trong số những vật khác; chúng chỉ là những đám mây trên bầu trời tâm, Ta không cảm thấy bị bắt buộc làm theo chúng.

H: Người biết và cái biết của người đó, là hai hay một?

M: Là cả hai. Người biết là cái bất thị hiện, cái bị biết là cái thị hiện. Cái bị biết luôn luôn động, thay đổi, không có hình tướng của riêng nó, không có trú xứ. Người biết là nơi nương tựa bất biến của tất cả cái biết. Cái này cần đến cái kia, nhưng thực tại ở bên ngoài. Người giác ngộ không thể được biết, vì không có ai để biết. Khi có một người, ông có thể nói một cái gì về người đó, nhưng khi không có sự nhận dạng cái Ta với bất cứ gì riêng biệt, thì liệu có gì để nói? Ông có thể nói người giác ngộ là bất cứ gì thì câu hỏi của người đó luôn luôn là: “Ông đang nói về ai? Không hề có người nào như thế.” Cũng như ông không thể nói bất cứ gì về vũ trụ vì nó bao gồm tất cả, thì không gì có thể nói về người giác ngộ, vì người giác ngộ là tất cả nhưng không có gì riêng biệt. Ông cần cái móc để treo một bức tranh; nếu không có cái móc, bức tranh treo vào cái gì? Để xác định vị trí của một vật ông cần không gian; để sắp xếp một diễn tiến ông cần thời gian, nhưng cái phi thời gian phi không gian thách thức tất cả mọi cách xử lý. Nó làm cho mọi cái có thể nhận thức được, nhưng tự thân nó thì ở ngoài sự nhận thức. Tâm không thể biết cái ở ngoài tâm, nhưng cái ở ngoài tâm biết tâm. Người giác ngộ không biết đến sinh hay tử; đối với người đó hiện hữu cũng như phi hiện hữu đồng như nhau.

H: Khi thân xác chết đi, liệu ông vẫn tồn tại?

M: Chẳng có gì chết đi. Thân xác chỉ được tưởng tượng ra. Không hề có cái gì như thân xác.

H: Trước khi một thế kỷ nữa trôi qua, ông sẽ chết đối với tất cả những gì quanh ông. Thân xác ông sẽ được phủ hoa, rồi được hỏa tang và tro tàn rải rác đó đây. Kinh nghiệm của chúng tôi sẽ là như thế, còn kinh nghiệm của ông ra sao?

M: Thời gian sẽ chấm dứt. Sự kiện này được gọi là Cái Chết Lớn - Mahamrityu - The Great Death, tức là cái chết của thời gian.

H: Điều này có nghĩa là vũ trụ cùng với nội dung của nó sẽ chấm dứt.

M: Vũ trụ là kinh nghiệm cá nhân của ông. Làm sao nó bị ảnh hưởng? Giả sử như ông thuyết giảng hai tiếng đồng hồ, cuộc thuyết giảng đã đi đâu sau khi nó chấm dứt? Nó đã nhập vào sự im lặng, trong đó tất cả khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối của bài thuyết giảng được dung chứa. Thời gian đã đi đến một sự chấm dứt, cuộc thuyết giảng đã xảy ra, nhưng không còn nữa. Sự im lặng sau một cuộc đời thuyết giảng, và sự im lặng sau một cuộc đời im lặng chỉ là cùng một sự im lặng. Bất tử là sự tự do thoát ra khỏi cảm giác “Ta hiện hữu.” Nhưng không phải là đoạn diệt. Trái lại, đó là một trạng thái vô cùng thật, vô cùng tỉnh thức và vô cùng hạnh phúc so với những gì ông có thể nghĩ ra. Chỉ ý thức về chính mình không còn nữa.

H: Vì sao Cái Chết Lớn của tâm lại trùng hợp với “cái chết nhỏ” của thân?

M: Sự trùng hợp không xảy ra! Ông có thể chết hàng trăm cái chết mà không hề thay đổi cái tâm nhiễu loạn. Hoặc, ông có thể giữ lại thân xác và chỉ chết đi cái tâm. Cái chết của tâm là sự khai sinh của trí tuệ.

H: Con người gia đi và chỉ có nhân chứng ở lại.

M: Ai ở lại để nói: “Ta là nhân chứng.” Khi không còn cái “Ta hiện hữu” nhân chứng ở đâu? Trong trạng thái vô thời, không hề có cái Ta nào để nương tựa.

Một kẻ mang theo một cái gói lúc nào cũng lo sợ mất cái gói - hắn ý thức về cái gói. Người yêu quí cảm giác “Ta hiện hữu” luôn luôn ý thức về chính mình. Người giác ngộ không bám víu vào bất cứ gì nên không thể được cho là hữu thức, nhưng người đó cũng chẳng phải vô thức. Người ấy chính là trái tim của tánh biết. Chúng ta gọi người đó là Digambara - kẻ khoác áo không gian, Kẻ Trần Truồng - ở ngoài mọi hình tướng. Không một danh xưng hay hình tướng nào mà qua đó người giác ngộ được cho là tồn tại, nhưng người giác ngộ là người duy nhất thực sự hiện hữu.

H: Tôi không nắm bắt được cái ông nói.

M: Ai có thể nắm bắt nó? Tâm thì hữu hạn. Đưa ông đến tận biên cương cuối cùng của cái biết để ông đối diện với sự vô biên của cái không biết - thế là đủ. Có lao vào cái vô biên hay không thì tùy ông.

H: Thế còn nhân chứng? Nhân chứng là thật hay không thật?

M: Nhân chứng là cả hai. Nhân chứng là tàn dư cuối cùng của cái hư giả và là sự va chạm đầu tiên của cái thật. Nếu nói: “Ta là nhân chứng mà thôi” thì vừa sai và vừa đúng. Sai: vì “Ta là.” Đúng: vì là nhân chứng. Đúng ra phải nói là: “Có hành vi nhân chứng.” Ngay khi ông nói: “Ta là” thì toàn thể vũ trụ xuất hiện cùng với người tạo ra nó.

H: Một câu hỏi khác: Liệu chúng tôi có thể hình dung con người và cái Ta như hai anh em. Đứa em thì tinh nghịch và ích kỷ, thô lỗ và hiếu động; còn người anh thì thông minh và tốt bụng, biết suy nghĩ và biết điều, không còn ý thức về thân xác cùng với những tham ái và lo sợ của nó. Người anh biết đứa em, nhưng đứa em không biết người anh và cho rằng nó chỉ có một mình. Vị Đạo sư xuất hiện và bảo đứa em: “Cậu không phải chỉ có một mình, cậu xuất thân từ một gia đình rất lương hảo, anh của cậu là một người rất khả kính, rất thông thái và rất tử tế, anh của cậu rất yêu thương cậu. Hãy nhớ anh của cậu, nghĩ đến anh của cậu, tìm anh của cậu, phục vụ anh của cậu, rồi cậu sẽ trở nên là một với anh của cậu.” Bây giờ, câu hỏi là: Liệu có hai trong chúng tôi - con người và cá nhân, cái Ta hư giả và cái Ta chơn thật, hay, đó chỉ là một cách ví von?

M: Cả hai. Chúng có vẻ như là hai, nhưng khi được tìm hiểu thì chỉ là một. Nhị nguyên chỉ tồn tại khi nào không được tìm hiểu. Bộ ba: tâm, cái Ta và tinh thần (Vyakti-Vyakta-Avyakta) khi được tìm hiểu, trở thành duy nhất. Chúng chỉ là các tướng trạng của kinh nghiệm về sự ràng buộc, sự buông bỏ, và sự siêu thoát.

H: Ông luôn luôn cho rằng chúng tôi ở trong trạng thái chiêm bao, và điều này làm cho luận điểm của ông bất khả công kích. Bất cứ phản bác nào chúng tôi nêu lên đều bị ông phủ nhận tính xác thực của nó. Không ai có thể bàn luận với ông!

M: Ước muốn bàn luận cũng chỉ là một ước muốn suông. Ước muốn để biết, để có uy quyền, ngay cả ước muốn tồn tại cũng chỉ là ước muốn. Mọi người đều ước muốn hiện hữu, sinh tồn, và tiếp tục mãi mãi, vì không ai biết rõ về chính mình. Thật ra mọi người đều bất tử. Ông biến ông thành hữu tử vì ông cho ông là thân xác.

H: Ông đã tìm thấy tự do của ông, ông không thể chia sẻ với tôi đôi chút hay sao?

M: Tại sao lại đôi chút? Hãy lấy tất cả. Lấy đi, tự do luôn luôn có đó để ông lấy. Nhưng ông sợ tự do!

H: Đạo sư Ramdas có lần cũng được yêu cầu như thế. Một hôm các đệ tử quay quần bên Đạo sư và xin được giải thoát. Ramdas mỉm cười lắng nghe, rồi bất chợt trở nên nghiêm túc và bảo: “Các ông có thể có nó, ngay đây và bây giờ, tự do tuyệt đối và thường hằng. Ai muốn nó, tiến lên.” Chẳng có ai động đậy. Ramdas lập lại ba lần. Không ai giám nhận. Sau đó vị Đạo sư bảo:

“Sự ban phát được thu hồi.”

M: Ràng buộc giết chết can đảm. Người cho luôn luôn sẵn sàng cho. Người nhận thì không có. Tự do có nghĩa là buông bỏ. Người ta không giám buông bỏ bất cứ gì. Họ không biết được rằng hữu hạn là cái giá của vô hạn, chết là cái giá của bất tử. Trưởng thành tâm linh ở trong sự sẵn sàng buông bỏ tất cả. Buông bỏ là bước đầu tiên. Nhưng buông bỏ thật sự thì ở trong sự giác ngộ rằng chẳng có gì để buông bỏ, vì chẳng có gì là của ông. Cũng giống như trong khi ngủ say ông không cho đi cái giường, ông chỉ quên nó đi.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

TỦ SÁCH TINH HOA:

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh