Chân Dung Khổng Tử: Lời Mở Đầu

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: LỜI MỞ ĐẦU

Phác họa lại chân dung, chân tướng Đức Khổng chẳng phải là một công trình mới mẻ gì. Từ mấy nghìn năm nay, người ta đã đổ không biết cơ man nào là mực, đã tốn mất không biết cơ man nào là giấy để làm công chuyện này.

Phác họa lại chân dung, chân tướng đức Khổng không phải là chuyện dễ dàng, vì phải tìm cho ra những nét đặc thù, những điểm độc đáo, những điều kỳ bí, mà từ trước đến nay người ta chưa tìm thấy.

Phác họa lại chân dung, chân tướng đức Khổng lúc này cũng không phải là một công chuyện lỗi thời, vì các bậc vĩ nhân siêu không gian và thời gian, cũng như chân lý chẳng hề có niên canh cùng tuế nguyệt.

Hơn thế nữa, phác họa lại chân dung, chân tướng đức Khổng nói riêng, và khảo sát các học thuyết Á Đông nói chung, có thể nói được là cần yếu và hữu ích trong giai đoạn này, giai đoạn mà con người chỉ sống hời hợt, phù phiếm ngoài bì phu, bám víu vào tha nhân và ngoại cảnh, lấy thành công và hưởng thụ tạm bợ, nhất thời làm cứu cánh cuộc đời, xây dựng hạnh phúc mình trên đau khổ kẻ khác, mà không còn biết thế nào là đời sống nội tâm, đời sống nhân nghĩa, đạo đức thật sự.

Phác họa lại chân dung, chân tướng, khảo sát về tinh hoa Khổng giáo lúc này càng cần thiết, nhất là vì các chủ nghĩa, các nền văn minh hiện thời với tất cả nghệ thuật hóa trang, son phấn của các đào kép chính trị, và lý thuyết gia già dặn, lõi đời, cũng không giấu nổi được bộ mặt thực quái gở của nó với những sự mua bán nô lệ công khai ngay ở những nước nổi tiếng là văn minh, đạo đức cách đây không đầy một trăm năm, với sự kỳ thị chủng tộc, với sự cướp bóc, được tổ chức đại qui mô với chiêu bài đạo đức và nhân nghĩa, đã được diễn ra khắp năm châu trong vòng vài thế kỷ nay, với những trận đại chiến, những số thương vong khổng lồ, những lò sát sinh tàn khốc, những trại tập trung man rợ, với những kinh thành hoa lệ và những ánh đèn màu rực rỡ như muôn vì sao lấp lánh ban đêm, để cho muôn vạn con «thiêu thân người» say sưa và trác táng tuổi xuân xanh…

Phác họa chân dung, chân tướng đức Khổng là dựa vào các văn liệu, sử liệu, các tác phẩm đức Khổng để tìm hiểu tâm tư, hoài bão, nguyện vọng đức Khổng, lý tưởng và đạo lý của ngài.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phác họa chân dung, chân tướng đức Khổng nhằm vào nhiều mục đích:

1- Mục đích thứ nhất là giúp ta hiểu rõ hơn về đức Khổng.

2- Công trình khảo sát của chúng ta sẽ là sự dẫn nhập vào Tứ Thư, Ngũ Kinh, vào cửa Khổng, sân Trình, cho ta thấy những nét đặc thù, chính yếu của Khổng giáo, trước khi đi sâu vào chi tiết sau này.

3- Sự hiểu biết về đức Khổng chẳng những sẽ làm cho học thuyết Khổng Tử trở nên trong sáng, mạch lạc, mà cũng sẽ giúp chúng ta hiểu biết về các tầng lớp thâm sâu của tâm hồn con người, hiểu biết về con người muôn thuở, về thân thế và định mệnh con người, để nhân sự tìm hiểu chân dung, chân tướng đức Khổng, chúng ta sẽ tìm thấy chân dung, chân tướng chúng ta.

Chúng ta chẳng phải là những kẻ cổ hủ, nhất thiết bám vào những đường xưa lối cũ. Chúng ta cũng chẳng phải là những kẻ ngu muội có thiên kiến, đến nỗi chẳng nhận định ra được những cái hay của nền văn minh khoa học, vật chất hiện thời. Chúng ta không phải là những kẻ «không tưởng» sống trên mây xanh, mà chúng ta sẽ hết sức thực tế. Chúng ta sẽ hết sức vô tư trong công trình khảo sát của chúng ta, sẽ hết sức thực tế, hết sức khoa học.

Phương pháp của chúng ta là phương pháp khoa học. Nó đòi hõi một sự nhận xét tinh tế, một sự phân tách rõ ràng, một sự phán đoán vô tư, thẳng thắn, và một công trình tổng hợp.

Đồng thời đường lối của chúng ta là đường lối giản dị. Chúng ta sẽ tránh mọi điều viển vông, mơ hồ, mù mịt rắc rối, tần phiền. Như vậy công trình khảo sát của chúng ta đòi nhiều công phu, nhiều tìm tòi, nhưng cũng sẽ hết sức hồn nhiên, sống động, thoát sáo, tự nhiên.

Tóm lại, chúng ta không làm một công chuyện tắc trách, lấy lệ, mà chúng ta thành khẩn, tha thiết muốn khơi sâu về thân thế và chân dung Khổng Phu Tử, muốn khơi sâu về thân thế và định mệnh con người muôn thuở, cũng như học hỏi cách tiếp nhân, xử thế cho hay cho khéo, cách sử dụng hoàn cảnh và thời gian để khai tâm, khai trí, khai thần, luyện tình, luyện tính để tiến mãi trên con đường hoàn thiện.

Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát:

1- Bối cảnh địa dư.

2- Bối cảnh lịch sử.

3- Sơ lược về thân thế và sự nghiệp đức Khổng.

4- Môn đệ đức Khổng.

5- Đức Khổng dưới mắt ít nhiều phê bình gia và đệ tử.

6- Đức Khổng, con người nhiệt thành đi tìm chân lý

7- Đức Khổng, con người rất cũ và rất mới.

8- Đức Khổng, con người có niềm tin vững mạnh về thân thế và sứ mạng mình.

9- Đức Khổng, con người đã được đạo thống Trung Dung.

10- Đức Khổng, con người vụ bản.

11- Đức Khổng, con người biết thuận theo các định luật của trời đất (Lễ).

12- Đức Khổng, con người linh động và uyển chuyển (Dịch).

13- Đức Khổng, một thi sĩ (Kinh Thi).

14- Đức Khổng, con người nghệ sĩ (Nhạc).

15- Đức Khổng, một vị giáo sư gương mẫu.

16- Đức Khổng, một sử gia (Kinh Thư và Xuân Thu).

17- Đức Khổng, một chính trị gia (Luận Ngữ, Đại Học).

18- Đức Khổng, vị thánh nhân chân thực (Trung Dung).

19- Đức Khổng với ít nhiều thánh nhân kim cổ.

20- Tổng luận: Đức Khổng có ích lợi gì cho chúng ta?

Saigon 16/10/1969

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh