Ta Là Cái Đó: Chương 66. Kinh Nghiệm Thì Không Thật

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 66. KINH NGHIỆM THÌ KHÔNG THẬT

Maharaj: Người tìm kiếm là kẻ đi tìm chính mình. Người đó sẽ sớm nhận ra mình không phải là thân xác. Một khi sự tin tưởng “Ta không phải là thân xác” trở nên kiên cố thì người đó không còn cảm thọ, tư duy và hành động cho thân xác, và nhân danh thân xác, người đó sẽ dễ dàng nhận ra rằng mình là sự hiện hữu vũ trụ, biết và hành động mang tính vũ trụ, rằng toàn thể vũ trụ là thật, hữu thức và năng động trong người đó và thông qua người đó. Đây là trọng tâm của vấn đề. Hoặc là ông chỉ biết thân xác và là kẻ nô lệ của hoàn cảnh; hoặc ông chính là ý thức vũ trụ và hoàn toàn chủ động đối với từng sự kiện.

Tuy nhiên, ý thức - dù cá nhân hay vũ trụ - không phải trú xứ đích thực của Ta. Ta không ở trong ý thức, ý thức không phải của Ta, không có “Ta” trong ý thức. Ta ở ngoài, mặc dù rất khó giải thích làm sao một người không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức, mà ở ngoài. Ta không thể nói Ta ở trong Thượng đế, hoặc Ta là Thượng đế. Thượng đế là ánh sáng vũ trụ và tình yêu, là nhân chứng vũ trụ. Ta thậm chí còn ở ngoài cả vũ trụ.

H: Như thế ông không có danh xưng và hình tướng. Vậy sự

hiện hữu của ông là gì?

M: Ta là cái Ta là, chẳng phải có hình tướng hay không có hình tướng, chẳng phải hữu thức mà cũng không phải vô thức. Ta ở ngoài tất cả các phạm trù như thế.

H: Ông sử dụng luận pháp Neti-Neti - không phải cái này, không phải cái này?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Ông không thể tìm thấy Ta bằng đơn thuần phủ định. Ta vừa là tất cả vừa không là gì cả. Không phải cả hai mà cũng chẳng phải cái này hay cái kia. Tất cả những định nghĩa như thế áp dụng cho Chủ tể của vũ trụ, nhưng không thể dùng cho Ta.

H: Ông muốn nói rằng ông chỉ là không gì cả?

M: Ồ, không! Ta viên mãn và toàn hảo. Ta là tính hiện hữu của hiện hữu, tánh biết của biết, tính viên mãn của hạnh phúc. Ông không thể rút Ta xuống thành hư không!

H: Nếu ông ở ngoài ngôn từ, thì chúng ta có thể nói về cái gì? Đứng về phương diện siêu hình, luận pháp của ông rất gắn bó, không có mâu thuẫn nội tại. Nhưng những gì ông nói chẳng thiết thực đối với tôi, và ở ngoài những nhu cầu bức thiết của tôi. Tôi xin bánh mì, ông lại cho châu báu. Rõ ràng châu báu quí và đẹp, nhưng tôi đói.

M: Không phải thế. Ta chỉ cho ông đúng cái ông cần - sự tỉnh thức. Ông không đói và ông cũng chẳng cần bánh mì. Ông cần dừng lại, ông cần buông bỏ và tháo gỡ. Cái ông nghĩ ông cần thì không phải là cái ông cần. Cái thực sự cần thiết của ông thì Ta biết, nhưng ông không biết. Ông cần trở về với trạng thái Ta - trạng thái tự nhiên của ông. Bất cứ gì ông có thể nghĩ đến đào là ảo tưởng và chướng ngại. Cứ tin Ta đi, ông chẳng cần gì cả ngoài cái mà ông là. Ông tưởng tượng sẽ tăng thêm giá trị của mình bằng sự thụ đắc. Cũng giống như vàng tưởng nó sẽ tinh hảo hơn bằng cách gia thêm đồng. Loại trừ, thanh tẩy và không nhận bất cứ gì không phải là bản chất của ông là đủ. Tất cả những cái khác chỉ là hư giả.

H: Nói thì dễ hơn làm. Một người bị đau bụng đến gặp ông

nhờ giúp và ông bảo người đó nôn ra những gì đã ăn vào. Dĩ nhiên, nếu không có tâm thì chẳng có phiền não. Nhưng tâm có đó - một cách minh thị nhất.

M: Chính tâm bảo ông là tâm có đó. Đừng để tâm đánh lừa. Tất cả những lập luận bất tận về tâm là do chính tâm tạo ra để bảo vệ nó, duy trì sự tiếp tục của chính nó và bành trướng chính nó. Chỉ có dứt khoát từ chối suy nghĩ về những uẩn khúc và biến dịch của tâm mới có thể đưa ông ra khỏi nó.

H: Thưa ông, tôi là kẻ tầm thường đi tìm chân lý, còn ông chính là Thực tại Tối thượng. Tôi đến với cái Tối thượng để cầu giác ngộ. Cái Tối thượng sẽ làm gì?

M: Lắng nghe cái mà Ta nói đi nói lại với ông và đừng xa lìa nó. Luôn luôn nghĩ tưởng đến nó mà không có cái gì khác xen vào. Khi đã đi xa đến mức đó, hãy buông bỏ mọi ý nghĩ không những về thế giới mà còn cả về chính ông. Hãy ở ngoài mọi ý nghĩ và trong tánh biết hiện hữu im lặng. Đó không phải là tiến bộ, vì cái mà ông đạt đến vốn có sẵn trong ông, và chờ ông.

H: Theo ông tôi phải chấm dứt suy nghĩ và an trú trong ý tưởng “Ta hiện hữu”?

M: Đúng thế. Loại bỏ mọi ý nghĩa của bất cứ ý nghĩ nào đến với ông, liên quan với cái “Ta hiện hữu,” đừng để ý đến chúng.

H: Tôi tình cờ gặp nhiều người trẻ đến từ phương Tây, và nhận thấy có một sự khác biệt rất căn bản khi so sánh họ với người Ấn. Có vẻ như cái Psyche của họ khác hẳn. Cái tâm Ấn Độ nắm bắt dễ dàng những khái niệm như Ngã, Thực Tại, chơn thâm thuần tịnh, ý thức vũ trụ. Những tiếng đó nghe rất thân quen và hương vị rất ngọt ngào. Cái tâm Tây phương không cảm ứng với, hoặc bác bỏ những quan niệm như thế. Cái tâm Tây phương cụ thể hóa và muốn hưởng dụng ngay những giá trị được chấp nhận. Những giá trị này thường có tính cách cá nhân: sức khỏe, an sinh, sự sung túc; hoặc có khi mang tính xã hội như một xã hội tốt đẹp hơn, một cuộc sống hạnh phúc hơn cho mọi người; tất cả đều liên quan đến những vấn đề trần tục, dù là cá nhân hay phi cá nhân. Một trở ngại nữa thường xảy ra khi nói chuyện với người phương Tây là đối với họ tất cả đều là kinh nghiệm - cũng như muốn nếm qua thức ăn, thức uống, đàn bà, nghệ thuật và du lịch, họ muốn có kinh nghiệm về Yoga, về giác ngộ và giải thoát. Đối với họ những thứ này cũng là kinh nghiệm và có thể có được với một cái giá nào đó. Họ tưởng tượng những kinh nghiệm như thế có thể mua được nên mặc cả về giá bán. Khi một Đạo sư đưa ra một cái giá quá cao - về thời gian và sự cố gắng - họ bỏ đi tìm người khác. Các Đạo sư mới đưa ra những phương án từng phần, rõ ràng là rất dễ nhưng đầy những điều kiện không thể thực hiện được. Một cổ tích bảo rằng khi chữa bệnh thì đừng suy nghĩ lăng xăng. Ở đây là đừng nghĩ đến thế giới, “từ bỏ mọi tướng trạng của cái ta,” “đoạn trừ mọi tham ái,” “trở thành những người tu toàn hảo,” và vân vân. Dĩ nhiên là sự lừa gạt xảy ra trong tất cả các trình độ, và kết quả là chẳng có gì. Một số Đạo sư trong cơn tuyệt vọng hoàn toàn bỏ cả cách tu tập, không đặt ra điều kiện nào, và cổ xúy cho sự bất dụng công, sự tự nhiên, và đơn thuần sống trong sự tỉnh thức vô phản ứng, không hề có bất cứ mô thức “phải” hay “không phải” nào. Cũng có rất nhiều môn đồ chán ghét bản thân đến độ không còn muốn nhìn chính mình chỉ vì những kinh nghiệm đó trong quá khứ. Nếu không ghê tởm thì họ cũng nhàm chán. Họ chán ngấy sự thấy biết chính mình và muốn cái gì khác.

M: Cứ để họ không nghĩ đến chính mình nếu họ thích thế. Cứ để họ thân cận với Đạo sư, quan sát Đạo sư và nghĩ đến Đạo sư. Họ sẽ sớm kinh nghiệm một sự an lạc rất mới lạ mà chưa bao giờ họ đã trải qua trước kia - ngoại trừ trong thời thơ ấu. Kinh nghiệm này mới lạ một cách không thể lầm lẫn, sẽ thu hút sự chú ý của họ, và tạo ra sự thích thú; một khi sự thích thú được khơi dậy thì sự chuyên tâm sẽ tuần tự theo sau.

H: Những người này hay chỉ trích và rất đa nghi. Dù đã trải qua nhiều bài học và thất vọng, nhưng họ vẫn không thể là gì khác hơn. Họ muốn kinh nghiệm, nhưng lại hoài nghi kinh nghiệm. Làm sao đến với họ thì chỉ có Thượng đế mới biết.

M: Sự hiểu biết chơn thật và tình yêu sẽ đến với họ.

H: Khi họ có đôi chút kinh nghiệm tâm linh thì một khó khăn khác nổi lên. Họ kêu ca rằng kinh nghiệm không lâu dài, mà chỉ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên. Có được cây kẹo que trong tay, họ muốn lúc nào cũng mút nó.

M: Kinh nghiệm, dù siêu phàm đến đâu, đều không phải cái thật. Do bản chất của nó, kinh nghiệm đến rồi đi. Giác ngộ chính mình không phải là một sự thụ đắc. Đúng ra nó thuộc về bản chất của hiểu. Một khi đã đạt được thì nó không thể bị mất đi. Trái lại, ý thức thì thay đổi, trôi nổi và biến dịch từ lúc này sang lúc khác. Đừng bám víu vào ý thức cũng như nội dung của nó. Khi bị lưu giữ thì ý thức ngừng lại. Tìm cách lưu giữ vĩnh viễn một thoáng sáng suốt, hay sự xuất hiện bất ngờ của hạnh phúc là hủy diệt cái muốn được lưu giữ. Cái gì đến thì phải đi. Cái thường hằng ở ngoài tất cả những gì đến và đi. Hãy đến tận gốc rễ của tất cả kinh nghiệm, của ý thức hiện hữu. Bên ngoài hiện hữu và phi hiện hữu là sự bao la của cái chơn thật. Hãy thường tinh tấn.

H: Muốn tinh tấn một người cần tín tâm.

M: Trước tiên phải có ước muốn. Khi ước muốn đủ mãnh liệt thì sự sẵn sàng tinh tấn sẽ đến. Khi ước muốn mãnh liệt, ông không cần chắc chắn phải thành công. Ông sẵn sàng mạo hiểm.

H: Ước muốn mãnh liệt thì cũng như tín tâm mãnh liệt. Những người này không những đã chẳng tin tưởng vào gia đình hay xã hội, mà còn không tin cả chính họ. Bất cứ gì họ đụng đến đều tiêu tan. Hãy cho họ một kinh nghiệm hoàn toàn đích thực, bất khả nghi hoặc, và ở ngoài mọi biện luận của tâm thì họ sẽ theo ông đến tận cùng thế giới.

M: Ta có làm gì khác thế đâu! Một cách không mệt mỏi, Ta hướng sự chú ý của họ vào yếu tố bất khả tranh luận duy nhất - đó là hiện hữu. Hiện hữu chẳng bao giờ cần đến bằng chứng - nó chứng minh tất cả những cái khác. Nếu họ có thể đi sâu vào thực tế hiện hữu, và khám phá được sự bao la cùng hạnh phúc tuyệt vời mà cái “Ta hiện hữu” là cánh cửa - rồi bước qua cánh cửa đó sang bên kia - thì cuộc đời của họ sẽ chan hòa hạnh phúc và tràn đầy ánh sáng. Cứ tin Ta đi, sự tinh tấn phải bỏ ra chẳng là gì cả khi so với những gì được tìm ra.

H: Những gì ông nói đều đúng. Nhưng những người này không có tín tâm mà cũng chẳng kiên nhẫn. Thậm chí một cố gắng ngắn ngủi cũng đủ làm cho họ mệt mỏi. Thật đau lòng khi nhìn họ mò mẫm trong mê mờ nhưng không thể nắm bắt bàn tay cứu giúp. Tận căn bản, họ là những con người tốt nhưng hoàn toàn bối rối. Tôi bảo họ: Các anh không thể có được chân lý theo phương cách riêng của các anh. Các anh phải chấp nhận các điều kiện. Họ chỉ trả lời: Có người chấp nhận điều kiện và cũng có người không. Chấp nhận hay không chấp nhận đều nông cạn và tình cờ; thực tại ở trong tất cả; chắc chắn có một con đường cho tất cả đi theo - mà không kèm theo một điều kiện nào.

M: Có một con đường như thế, mở ra cho tất cả, cho mọi trình độ, và cho mọi tầng lớp. Mỗi người đều biết rõ chính mình. Đào sâu, khơi rộng sự thấy biết chính mình là con đường huy hoàng. Gọi đó là chú tâm, là hành vi nhân chứng, hay thuần chú ý - con đường này dành cho tất cả. Không ai là không chín mùi và không ai có thể thất bại trên con đường này.

Nhưng dĩ nhiên, ông không được tỉnh thức suông. Sự chú tâm của ông phải dung nhiếp cả tâm. Hành vi nhân chứng là sự thấy biết ý thức trước tiên và mọi động thái của nó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh