Ta Là Cái Đó: Chương 62. Quan Niệm Về Người Hành Động Là Ràng Buộc

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 62. QUAN NIỆM VỀ NGƯỜI HÀNH ĐỘNG LÀ RÀNG BUỘC

Hỏi: Chúng tôi ở tịnh xá Satya Sai Baba một thời gian. Chúng tôi cũng ở Sri Ramanashram, Tiruvanamalai hai tháng. Bây giờ chúng tôi trên đường trở về Mỹ.

Maharaj: Ấn Độ có đem lại thay đổi nào trong các ông?

H: Chúng tôi có cảm tưởng là đã trút được gánh nặng. Sri Satya Sai Baba thường bảo chúng tôi để lại tất cả mọi thứ cho ngài, và chỉ cần sống một cách chính trực từ ngày này sang ngày khác. “Hãy tốt lành còn để lại tất cả cho Ta,” Ngài thường bảo chúng tôi như thế.

M: Các ông đã sinh hoạt ra sao ở Sri Ramanashram?

H: Chúng tôi niệm chú - Mantra - của Đạo sư cho. Chúng tôi cũng thực hành thiền quán. Chúng tôi không suy nghĩ hay học gì nhiều, mà chỉ tìm cách giữ im lặng. Chúng tôi theo con đường tín tâm - Bhakti - và khá thô thiển về triết lý. Chúng tôi không có gì nhiều để suy nghĩ, mà chỉ đặt tín tâm vào Đạo sư rồi sống cuộc sống của chúng tôi.

M: Hầu hết các hành giả Bhakta tin tưởng Đạo sư của mình khi nào mọi chuyện xảy ra tốt lành với họ. Khi phiền não xảy đến, họ cảm thấy thất vọng và đi tìm Đạo sư khác.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Vâng, chúng tôi đã được cảnh báo về mối nguy hiểm này. Chúng tôi tìm cách chấp nhận cả cái khó khăn cùng với cái dễ dàng. Nhận thức: “Tất cả đều là Phước báu” phải rất mãnh liệt. Một hành giả đang đi về hướng đông bất chợt gió bắt đầu thổi mạnh. Người hành giả chỉ việc quay lại và đi về hướng tây. Chúng tôi hy vọng sống như thế - tìm cách thích ứng với các hoàn cảnh do Đạo sư gởi đến cho chúng tôi.

M: Chỉ có sự sống. Không có người nào sống cuộc sống.

H: Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng chúng tôi luôn luôn tìm cách sống cuộc sống của chúng tôi, thay vì chỉ sống. Dự tính cho tương lai có vẻ như là một thói quen thâm căn cố đế đối với chúng tôi.

M: Dù các ông có dự tính hay không thì cuộc sống vẫn diễn ra. Nhưng một vòng xoắn ốc hình thành trong tâm, ngay trong sự sống, tự cho phép thỏa mãn với những điều hoang tưởng, và tưởng tượng chính nó cai quản và chế ngự cuộc sống.

Tự thân cuộc sống thì vô tham ái. Nhưng cái Ta hư giả muốn tiếp tục - một cách thỏa thích. Vì thế nó luôn luôn tìm sự chắc chắn tiếp tục của một người. Cuộc sống thì vô úy và tự do. Bao giờ ông còn ý định tác động đến các sự kiện thì sự giải thoát không dành cho ông. Ngay chính quan niệm về người làm, về một nguyên nhân, là ràng buộc.

H: Làm sao chúng tôi có thể vượt ra khỏi tính cách nhị nguyên - người làm và cái được làm?

M: Hãy quán sát sự sống là vô biên, nguyên vẹn, luôn luôn hiện tại, luôn luôn năng động cho đến khi ông nhận ra chính mình là một với nó. Điều này không quá khó khăn vì ông chỉ trở về với điều kiện tự nhiên của chính ông.

Một khi ông nhận ra rằng tất cả đều sinh khởi từ bên trong và thế giới mà trong đó ông sống không phóng chiếu lên ông mà chính ông phóng chiếu ra nó thì mọi sợ hãi của ông chấm dứt. Nếu không có được sự giác ngộ này, ông đồng hóa chính mình với những cái bên ngoài như thân, tâm, xã hội, quốc gia, nhân loại, ngay cả Thượng đế hay cái Tuyệt Đối. Nhưng tất cả đều là những sự trốn tránh sợ hãi. Chỉ khi nào ông chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm của ông đối với cái thế giới bé nhỏ mà trong đó ông sống, và quan sát tiến trình sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt của nó thì lúc đó ông mới thoát ra khỏi những ràng buộc tưởng tượng của chính ông.

H: Tại sao tôi lại tưởng tượng mình khốn khổ đến thế?

M: Ông tưởng tượng như thế là vì thói quen. Hãy thay đổi cách cảm nhận và tư duy, hãy chú ý và tìm hiểu chúng một cách sâu xa. Vì không chú ý nên ông bị ràng buộc. Sự chú ý sẽ giải thoát ông. Ông cho nhiều cái là đương nhiên. Hãy bắt đầu tra vấn. Cái hiển nhiên nhất là cái đáng nghi hoặc nhất. Hãy hỏi ông các câu hỏi như: “Có thật Ta đã được sinh ra?” “Có thật Ta là thế này thế nọ?”, “Làm sao Ta biết Ta tồn tại?”, “Ai là cha mẹ Ta?”, “Cha mẹ tạo ra Ta, hay, Ta đã tạo ra cha mẹ?”, “Ta có buộc phải tin những gì người khác nói về Ta?”, “Bằng mọi cách, Ta là ai?”. Ông đã tốn rất nhiều công sức để dựng lên một nhà tù cho chính ông; bây giờ ông hãy bỏ ra cũng nhiêu công sức như thế để phá hủy nó. Thật ra, phá hủy thì rất dễ vì cái hư giả sẽ biến mất ngay khi được phát hiện. Tất cả đều đeo bám vào ý tưởng “Ta hiện hữu”. Hãy tìm hiểu nó thật rốt ráo. Nó nằm ngay gốc rễ của mọi phiền trược. Nó cũng như lớp da phân cách ông với thực tại. Cái thật ở bên trong lẫn bên ngoài lớp da, nhưng tự thân lớp da thì không thật. Ý tưởng “Ta hiện hữu” này đã không được sinh ra cùng với ông. Lẽ ra ông đã có thể sống một cách tốt lành nếu không có nó. Mãi sau này nó mới đến vì ông đồng hóa chính mình với thân xác. Nó tạo ra một ảo tưởng về sự phân cách mà thật ra là không có. Nó biến ông thành khách lạ trong thế giới của chính ông, và làm cho thế giới trở nên xa lạ và thù địch. Nếu không có ý thức “Ta hiện hữu” thì cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra. Có rất nhiều lúc chúng ta an nhiên và hạnh phúc mà không có ý thức “Ta hiện hữu”. Khi cái “Ta hiện hữu” trở lại thì phiền não khởi sinh.

H: Làm sao một người thoát ra khỏi ý thức “Ta”?

M: Ông phải giải quyết ý thức “Ta” nếu ông muốn thoát khỏi nó. Hãy quan sát nó trong lúc động cũng như trong lúc tịnh, nó sinh khởi như thế nào và khi nào nó chấm dứt, nó muốn cái gì và làm sao nó đạt được cái đó, cho đến khi ông thấy nó rõ ràng và hiểu nó trọn vẹn. Xét cho cùng, tất cả pháp môn Yoga, dù nguồn gốc và phương cách có khác nhau thì cũng chỉ có một mục đích duy nhất: cứu ông ra khỏi tai họa của sự tồn tại phân cách, khỏi là một cái đốm vô nghĩa trong một bức tranh tuyệt mỹ vĩ đại.

Ông đau khổ vì ông tự cách ly chính mình với thực tại và bây giờ ông tìm cách thoát khỏi sự cách ly này. Ông không thể thoát khỏi những ám ảnh của chính ông. Ông chỉ có thể chấm dứt nuôi dưỡng chúng.

Vì cái “Ta hiện hữu” là hư giả nên nó muốn tiếp tục. Thực tại không cần tiếp tục - vì biết chính nó bất hoại nên thực tại không bận tâm đến sự hủy hoại của mọi hình tướng và thể hiện. Để củng cố và làm cho cái “Ta hiện hữu” an ổn chúng ta làm đủ mọi chuyện, một cách vô ích, vì cái “Ta hiện hữu” không ngừng được tái lập từ lúc này đến lúc khác. Đây là một công việc bất tận, và giải pháp rốt ráo duy nhất là dứt khoát từ bỏ ý thức tách biệt “Ta là một con người như thế.” Hiện hữu còn lại, nhưng không phải sự hiện hữu của cái ta.

H: Tôi có những tham vọng tâm linh nhất định. Tôi không được thực hiện những tham vọng đó?

M: Chẳng có tham vọng nào là tâm linh. Tất cả tham vọng đều vì cái “Ta hiện hữu.” Nếu muốn tiến bộ thực sự, ông phải từ bỏ mọi ý tưởng về chứng đắc cá nhân. Tự nhận là Yogi mà còn tham vọng là nghịch lý. Lòng ham muốn phụ nữ của một người đàn ông bình thường thì vô tội khi so với dục vọng về một cảnh giới cực lạc miên viễn có tính cách cá nhân. Tâm chỉ là tên lừa đảo. Càng tỏ vẻ thiện ý thì nó càng phản bội một cách tệ hại.

H: Người ta thường đến tìm ông với những phiền trược thế gian và xin được cứu giúp. Làm sao ông biết phải nói gì với họ?

M: Ta chỉ nói với họ những gì xuất hiện trong tâm Ta vào lúc đó. Ta không có một thủ tục được tiêu chuẩn hóa trong giao tiếp với mọi người.

H: Ông biết rất rõ về chính ông. Còn tôi, khi có ai đến gặp để tham vấn, làm sao tôi biết chắc sự chỉ dẫn của tôi là đúng?

M: Hãy quan sát xem ông ở trạng thái nào, và ông nói ra từ bình diện nào. Nếu ông nói từ bình diện của tâm thì ông có thể sai lầm. Nếu ông nói từ sự thấy biết toàn diện về tình huống không theo những thói quen của tâm thì sự chỉ dẫn của ông là một đáp án đúng. Điểm chính yếu là hoàn toàn biết rõ rằng không phải ông hay người đối diện ông chỉ là những thân xác; nếu sự thấy biết của ông trong sáng và rốt ráo thì nhầm lẫn khó có thể xảy ra.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh