Ta Là Cái Đó: Chương 64. Tất Cả Những Gì Ông Cần Là Một Cái Tâm Tĩnh Lặng

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 64. TẤT CẢ NHỮNG GÌ ÔNG CẦN LÀ MỘT CÁI TÂM TĨNH LẶNG

Hỏi: Tôi không khỏe. Tôi cảm thấy rất yếu. Tôi phải làm gì?

Maharaj: Ai không khỏe, ông hay thân xác?

H: Dĩ nhiên là thân xác.

M: Hôm qua ông cảm thấy khỏe. Cái gì cảm thấy khỏe?

H: Thân xác.

M: Ông vui khi thân xác khỏe, ông buồn khi thân xác yếu. Ai là kẻ vui hôm nay buồn hôm sau?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Tâm.

M: Ai là người biết cái tâm biến đổi?

H: Tâm.

M: Tâm là người biết. Ai biết người biết?

H: Thế không phải người biết biết chính mình?

M: Tâm không liên tục. Nó thường ở trong trạng thái vô ký, như khi ngủ hay bất tỉnh hoặc đãng trí. Phải có một cái gì liên tục để ghi nhận sự không liên tục.

H: Tâm nhớ. Điều này có nghĩa là sự liên tục.

M: Ký ức bao giờ cũng phiến diện, không xác thực và chóng phai. Ký ức không giải thích được ý thức mãnh liệt về chính mình, bao trùm khắp ý thức - ý thức “Ta hiện hữu.” Hãy tìm ra cái gì nằm ở gốc rễ của nó.

H: Dù có quan sát sâu xa đến đâu, tôi cũng chỉ thấy tâm. Tôi hoàn toàn không hiểu câu ông nói “ở ngoài tâm.”

M: Khi quan sát bằng tâm, ông không thể vượt ra ngoài tâm.

Muốn vượt ra ngoài, ông phải quay đi với tâm và nội dung của nó.

H: Thế thì tôi phải nhìn hướng nào?

M: Tất cả mọi hướng đều ở trong tâm! Ta không bảo ông nhìn về một hướng nhất định nào. Chỉ quay đi với tất cả những gì xảy ra trong tâm và hướng tâm về cảm giác “Ta hiện hữu.” Cái “Ta hiện hữu” không phải là một phương hướng. Tối hậu thì ngay cả cái “Ta hiện hữu” cũng sẽ phải ra đi, vì ông không cần phải tiếp tục khẳng định một điều hiển nhiên. Hướng tâm về cảm giác “Ta hiện hữu” chỉ giúp tâm quay đi với mọi cái khác.

H: Làm như thế sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Khi không hướng về những gì làm cho nó bận rộn thì tâm trở nên tĩnh lặng. Nếu không khuấy động sự tĩnh lặng này và ở trong đó, ông sẽ thấy nó thấm nhuần một thứ ánh sáng và tình yêu mà ông chưa hề biết bao giờ, nhưng ông nhận ra ngay đó chính là bản tánh của ông. Một khi đã trải qua kinh nghiệm này, ông không còn là con người trước kia; cái tâm bất kham có thể phá vỡ sự an lạc và xóa nhòa hình ảnh của nó; nhưng chắc chắn nó sẽ trở lại, nếu ông vẫn kiên trì tinh tấn. Rồi sẽ đến ngày mọi trói buộc bị phá vỡ, ảo tưởng và ràng buộc chấm dứt và sự sống hoàn toàn tập trung vào hiện tại.

H: Điều đó có gì quan trọng?

M: Sẽ không còn tâm nữa, chỉ có tình yêu hoạt động.

H: Làm sao tôi nhận ra trạng thái này khi đạt đến nó?

M: Ông trở nên vô úy.

H: Ở giữa một thế giới đầy những bí ẩn và nguy hiểm, làm sao tôi có thể vô úy?

M: Cái thân xác bé nhỏ của ông cũng đầy những bí ẩn và nguy hiểm, nhưng ông không sợ nó vì ông xem nó như chính ông. Điều ông không biết là toàn thể vũ trụ là thân ông và ông không cần phải sợ nó. Ông có thể cho rằng ông có hai thân; thân con người và thân vũ trụ. Thân con người đến rồi đi, nhưng thân vũ trụ luôn luôn ở với ông. Toàn thể những gì được tạo ra là thân vũ trụ của ông. Những gì thuộc về con người làm cho ông mê mờ đến nỗi ông không thấy được thân vũ trụ. Sự mê mờ này sẽ không tự chấm dứt mà phải được giải trừ một cách khéo léo và thận trọng. Khi tất cả ảo ảnh được hiểu rõ và từ bỏ, ông sẽ đạt đến trạng thái không còn sai lầm và toàn hảo, trong đó mọi phân biệt giữa con người và vũ trụ chấm dứt.

H: Tôi là một con người nên giới hạn trong không gian và thời gian. Tôi chiếm một khoảng không gian nhỏ hẹp và tồn tại trong vài khoảnh khắc; tôi không thể nào tưởng tượng được chính tôi là vĩnh cửu và bao trùm tất cả.

M: Ấy vậy mà ông . Khi lặn sâu vào chính ông để tìm ra bản tánh chơn thật của ông, ông sẽ khám phá ra rằng chỉ có thân ông là bé nhỏ và chỉ ký ức ông là ngắn, còn đại dương bao la của sự sống là của chính ông.

H: Chính các từ ngữ “Ta” và “Vũ trụ” mâu thuẫn lẫn nhau. Cái này loại trừ cái kia.

M: Không phải thế. Ý thức về chính mình bao trùm khắp vũ trụ. Hãy tìm và ông sẽ phát hiện Con Người Vũ Trụ, tức là chính ông và còn vô biên nữa.

Dù sao, hãy bắt đầu bằng cách nhận ra rằng thế giới ở trong ông, chứ ông không ở trong thế giới.

H: Làm sao có thể như thế? Tôi chỉ là một phần của thế giới. Làm sao toàn thể thế giới lại có thể được dung nhiếp trong cái một phần, ngoại trừ ảnh phản chiếu của nó, giống như trong gương?

M: Những gì ông nói là đúng thật. Thân con người của ông là một phần mà trong đó cái toàn thể phản chiếu một cách kỳ lạ. Nhưng ông còn có một thân vũ trụ. Ông không thể nói ông không biết thân vũ trụ của ông vì ông luôn luôn thấy và kinh nghiệm nó. Chỉ có điều ông gọi nó là “thế giới” và ông sợ nó.

H: Tôi cảm nhận rằng tôi biết thân xác nhỏ bé của tôi nhưng tôi không biết người khác, ngoại trừ qua khoa học.

M: Thân xác nhỏ bé của ông đầy những điều kỳ bí và lạ lùng mà ông không biết. Người hướng dẫn duy nhất của ông là khoa học. Khoa cơ thể học và thiên văn học đều mô tả ông.

H: Dù tôi chấp nhận học thuyết của ông về thân vũ trụ là một lý thuyết hữu lý, tôi trắc nghiệm nó bằng cách nào và nó có ích lợi gì cho tôi?

M: Biết được chính ông là người ở trong cả hai thân thì ông chẳng từ bỏ gì cả. Cả vũ trụ sẽ là mối quan tâm của ông, ông sẽ yêu thương và cứu giúp từng sinh vật một cách trìu mến nhất và khôn ngoan nhất. Không hề có va chạm quyền lợi giữa ông và tha nhân. Mọi bóc lột sẽ hoàn toàn chấm dứt. Mọi hành động của ông đều đem lại lợi lạc, mỗi khoảnh khắc là một phước báu.

H: Nghe thì rất hấp dẫn, nhưng làm sao giác ngộ sự hiện hữu mang tính vũ trụ của chính tôi?

M: Có hai cách, một là ông dành tất cả trái tim và tâm trí cho sự khám phá chính ông, hai là ông chấp nhận, tin và làm theo lời Ta. Nói cách khác, hoặc là ông trở nên hoàn toàn quan tâm đến chính mình, hoặc là ông hoàn toàn không quan tâm đến chính mình. Chính từ ngữ “hoàn toàn” là quan trọng. Ông phải triệt để thì mới đạt đến cái Tối thượng.

H: Tầm thường và nhỏ bé như tôi làm sao hoài bão những điều quá cao siêu như thế?

M: Hãy nhận ra chính ông là đại dương bao la của ý thức mà tất cả mọi thứ xảy ra trong đó. Điều này không mấy khó khăn, chỉ cần một chút chú ý, một chút quan sát kỹ chính mình, ông sẽ thấy rằng không một sự kiện nào xảy ra bên ngoài ý thức của ông.

H: Thế giới đầy những sự kiện không xảy ra trong ý thức của tôi.

M: Ngay cả thân ông cũng đầy những sự kiện không xuất hiện trong ý thức của ông. Điều này không ngăn cản ông nhận thân xác là của chính ông. Ông biết thế giới cũng như ông biết thân xác của ông - qua các giác quan. Chính tâm phân chia thế giới bên ngoài lớp da với thế giới bên trong lớp da của ông, và đặt chúng vào thế đối nghịch. Điều đó gây nên sợ hãi, thù hận và tất cả những bất hạnh của đời sống.

H: Tôi không theo kịp điều ông nói về “vượt ra ngoài ý thức.” Tôi hiểu phần ngôn từ nhưng không thể hình dung được kinh nghiệm. Xét cho cùng, chính ông bảo rằng tất cả kinh nghiệm đều xảy ra trong ý thức.

M: Đúng thế. Không thể có kinh nghiệm ở ngoài ý thức. Nhưng vẫn có kinh nghiệm chỉ hiện hữu thuần túy. Có một trạng thái bên ngoài ý thức, nhưng không phải vô thức. Có người gọi đó là siêu thức, là thuần ý thức, hoặc Ý thức Tối thượng. Nó là tánh biết thuần túy, hoàn toàn không có quan hệ chủ thể - đối tượng.

H: Tôi từng nghiên cứu Thông thiên học nhưng không thấy có gì giống như ông nói. Đồng ý rằng Thông thiên học chỉ nói đến sự thể hiện, nhưng mô tả rất chi tiết về vũ trụ và các loại chúng sinh trong đó. Thông thiên học nhìn nhận rằng có nhiều giai tầng vật chất tương ứng với nhiều giai tầng kinh nghiệm, nhưng hình như không có gì vượt ra ngoài. Cái ông nói thì vượt ra ngoài mọi kinh nghiệm. Nếu cái gì đó không thể kinh nghiệm được thì nói về nó để làm gì.

M: Ý thức thì gián đoạn, đầy những khoảng trống. Nhưng ý thức về chính mình thì liên tục. Ý thức về chính mình này do đâu mà có, nếu không phải là do một cái gì đó bên ngoài ý thức?

H: Nếu tôi ở ngoài tâm thì làm sao tôi thay đổi được chính mình?

M: Việc gì lại cần thay đổi? Thế không phải tâm luôn luôn thay đổi hay sao? Chỉ cần thản nhiên quan sát tâm là đủ làm cho tâm tĩnh lặng. Khi tâm tĩnh lặng ông có thể vượt ra ngoài nó. Đừng để tâm lúc nào cũng bận rộn. Hãy ngưng lại - và chỉ hiện hữu. Nếu để tâm nghỉ, nó sẽ an định và khôi phục sự thanh tịnh và sức mạnh của nó. Thường xuyên tư lự làm cho tâm thoái hóa.

H: Nếu sự hiện hữu chơn thật luôn luôn ở với tôi thì tại sao tôi không biết?

M: Bởi vì nó rất vi tế còn tâm ông thì thô lậu, đầy những ý nghĩ và cảm thọ. Hãy lắng tâm yên tĩnh và trong sáng ông sẽ biết chính ông như ông là.

H: Tôi có cần đến tâm để biết chính tôi?

M: Ông ở ngoài tâm, nhưng ông biết bằng tâm của ông. Hiển nhiên sự sâu rộng và tính cách của sự biết tùy thuộc vào công cụ mà ông sử dụng. Hãy cải thiện công cụ thì sự biết của ông sẽ cải thiện.

H: Để biết một cách toàn hảo, tôi cần một cái tâm toàn hảo.

M: Một cái tâm tĩnh lặng là tất cả những gì ông cần. Một khi tâm đã tĩnh lặng thì tất cả những cái khác sẽ xảy ra một cách đúng mức. Cũng như khi mặt trời lên sẽ làm cho thế giới hoạt động, thì sự biết rõ chính mình sẽ tác động vào những thay đổi trong tâm. Với ánh sáng của sự biết rõ chính mình trong an định các năng lực nội tại trỗi dậy và hoạt động một cách kỳ diệu mà không có sự cố gắng nào của ông.

H: Ông muốn nói rằng công việc vĩ đại nhất được thực hiện bằng cách không làm gì cả?

M: Đúng thế. Hãy hiểu rằng sự giác ngộ của ông đã được định trước. Hãy tương thuận với định mệnh của ông, đừng cưỡng lại và cũng đừng ngăn trở nó. Hãy để nó tự hoàn mãn. Tất cả những gì ông cần là dành tất cả chú ý vào những chướng ngại mà cái tâm ngu ngốc đã tạo ra.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh