Ta Là Cái Đó: Chương 58. Tham Ái Và Lo Sợ Là Các Trạng Thái Hướng Ngã

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 58. THAM ÁI VÀ LO SỢ LÀ CÁC TRẠNG THÁI HƯỚNG NGÃ

Hỏi: Tôi muốn trở lại với câu hỏi về sự thích thú và đau đớn,

tham ái và lo sợ. Tôi hiểu rằng lo sợ có nghĩa là ghi nhớ và tiên liệu về sự đau đớn thì cần thiết cho sự duy trì cơ thể và mô thức sống của nó. Mọi nhu cầu khi cần đến thì đầy đau đớn, và tiên liệu về những nhu cầu đó thì đầy lo sợ; con người có lý do chính đáng để lo sợ không đáp ứng được những nhu cầu căn bản. Người ta cảm thấy nhẹ nhõm khi một nhu cầu nào đó được thỏa mãn, hoặc lo âu giảm đi hoàn toàn là do sự đau đớn chấm dứt. Chúng ta có thể đặt cho trạng thái đó những cái tên mang tính tích cực như sự thích thú, hoặc vui sướng, hay hạnh phúc, nhưng thực chất là thoát khỏi đau đớn. Chính sự sợ đau này đã liên kết tất cả các định chế xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta.

Điều làm tôi bối rối là chúng ta tìm kiếm lạc thú trong sự vật và các trạng thái của tâm - là những thứ hoàn toàn không có liên quan gì với sự sinh tồn. Trái lại, những lạc thú của con người thường mang tính hủy diệt. Chúng gây thiệt hại hay hủy diệt đối tượng, công cụ và ngay cả chủ thể của sự thích thú. Nếu không phải như thế thì lạc thú và sự theo đuổi lạc thú chẳng tạo ra vấn đề. Cốt lõi câu hỏi của tôi là: Tại sao lạc thú lại có tính cách hủy diệt? Tại sao người ta vẫn cần đến lạc thú bất kể tính hủy diệt của nó?

Có thể nói thêm là tôi không có trong tâm cái mô thức “lạc thú đau đớn” mà thiên nhiên buộc chúng ta đi theo con đường của nó. Tôi nghĩ đến những lạc thú do con người tạo ra, từ thỏa mãn các giác quan đến vi tế, từ thô thiển nhất như ăn uống no say đến thanh tao. Thói đam mê lạc thú bằng mọi giá thì chung nhất cho mọi người, như thế phải có một cái gì có ý nghĩa tại nguồn gốc của nó.

Dĩ nhiên, không phải mọi sinh hoạt của con người đều vụ lợi, nhằm thỏa mãn một sự cần cầu. Chẳng hạn như vui chơi thì rất tự nhiên, và con người là sinh vật ham vui nhất trong sự tồn tại. Sự vui chơi thỏa mãn nhu cầu khám phá chính mình và phát triển chính mình. Nhưng ngay cả khi vui chơi, con người vẫn tìm cách hủy diệt thiên nhiên, hủy diệt người khác, và hủy diệt chính mình.

Maharaj: Nói tóm lại, ông không phản đối lạc thú, mà chỉ chống lại cái giá của nó là đau đớn và đau khổ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Nếu tự thân thực tại là an lạc thì lạc thú, một cách nào đó, phải có liên quan với thực tại.

M: Không nên tiếp tục bằng lý lẽ của ngôn từ. An lạc của thực tại không loại trừ đau khổ. Ông chỉ biết lạc thú, chứ ông không biết được sự an lạc của sự hiện hữu thuần túy. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu lạc thú trên bình diện của nó.

Nếu quan sát chính mình vào những lúc kích thích hay đau đớn, chắc chắn ông sẽ nhận ra rằng tự thân sự kiện không gây thích thú hay đau đớn, mà là tình huống trong đó sự kiện chỉ là một phần. Sự thích thú ở trong quan hệ giữa người thụ hưởng và cái được thụ hưởng. Và điều chính yếu trong quan hệ đó là sự chấp nhận. Dù tình huống là thế nào đi nữa, nếu được chấp nhận thì nó đem lại thích thú. Nếu không được chấp nhận thì nó gây đau đớn. Điều gì làm cho tình huống được chấp nhận thì không quan trọng; nguyên nhân có thể là vật lý, hay tâm lý, hoặc không thể biết được, nhưng chấp nhận là yếu tố quyết định. Một cách tương ứng, đau khổ là do không chấp nhận.

H: Đau đớn thì không thể chấp nhận được.

M: Tại sao không? Ông có bao giờ thử chưa? Cứ thử đi và ông sẽ nhận thấy rằng trong đau đớn có một sự vui sướng mà sự thích thú không thể đem lại; lý do thật đơn giản: Chấp nhận đau đớn sẽ khiến ông cảm nhận sâu sắc hơn là sự thích thú. Cái Ta cá nhân, do bản chất của nó, không ngừng theo đuổi lạc thú và né tránh đau đớn. Chấm dứt được mô thức này là đoạn trừ được cái Ta. Đoạn trừ được cái Ta với những tham ái và lo sợ của nó sẽ tạo cơ hội cho ông trở về với bản tính chơn thật của ông, cội nguồn của mọi an lạc. Nỗi khao khát lạc thú triền miên là phản ảnh của sự hài hòa nội tại phi thời. Sự thật hiển nhiên là một người chỉ biết về chính mình khi ở vào một tình huống xung đột giữa lạc thú và đau khổ, đòi hỏi phải có một sự chọn lựa hay quyết định. Chính sự va chạm giữa tham ái và lo sợ này gây nên sân hận, một công cụ hủy diệt mãnh liệt nhất đối với sự thanh thản của cuộc sống. Khi đau đớn được chấp nhận như nó là - một bài học và cũng là một cảnh báo - được tìm hiểu đến nơi đến chốn và được chú ý đến, thì sự phân biệt giữa đau đớn và thích thú không còn nữa, cả hai đều trở thành kinh nghiệm - đau đớn khi cưỡng lại, thích thú khi chấp nhận.

H: Ông không dạy trốn tránh lạc thú và theo đuổi đau đớn?

M: Không, chẳng theo đuổi lạc thú mà cũng không trốn tránh đau đớn. Chấp nhận cả hai khi chúng đến, vui thích với cả hai khi chúng có đó, và để chúng ra đi vì chúng phải ra đi.

H: Làm sao tôi có thể vui thích với đau đớn? Những đau đớn vật lý kêu gọi phải có hành động.

M: Tất nhiên, những đau khổ tâm lý cũng vậy. An lạc ở trong sự biết rõ đau khổ, chứ không ở trong sự co lại thủ thế, hay bằng mọi cách quay đi. Mọi hạnh phúc đều khởi sinh từ biết. Chúng ta càng biết nhiều thì niềm vui sướng càng sâu đậm. Chấp nhận đau đớn, không đề kháng, dũng cảm và chịu đựng là chìa khóa khai mở cội nguồn sâu thẳm và vĩnh cửu của hạnh phúc chơn thật, và an lạc đích thực.

H: Vì sao đau đớn được cảm nhận sâu sắc hơn thích thú?

M: Thích thú luôn luôn được chấp nhận, trong khi cái Ta dồn tất cả sức lực của nó để cưỡng lại đau đớn. Vậy chấp nhận đau đớn là phủ nhận cái Ta, mà cái Ta thì ngăn trở hạnh phúc chơn thật; do đó, thực tâm chấp nhận đau đớn là khai phóng những giòng suối của hạnh phúc.

H: Chấp nhận đau khổ cũng thế sao?

M: Thực tế của sự đau đớn có thể được đưa vào tiêu điểm của tánh biết một cách dễ dàng. Đau khổ thì không đơn giản như thế. Chú ý đến đau khổ vẫn chưa đủ, vì cuộc sống tâm lý - như chúng ta biết - là một giòng đau khổ liên tục. Để đạt đến những tầng lớp sâu hơn của đau khổ, ông phải tìm ra những gốc rễ của nó và phát hiện cái mạng lưới bao la ở bên dưới, nơi mà lo sợ và tham ái đan kết với nhau một cách chặt chẽ, và những giòng sinh lực đối kháng, ngăn trở và hủy diệt lẫn nhau.

H: Làm sao tôi có thể chấn chỉnh một tình trạng rối ren, hoàn toàn ở dưới bình diện của ý thức?

M: Bằng cách ở với chính ông - cái “Ta hiện hữu”; bằng cách quan sát chính ông trong cuộc sống hàng ngày với sự chú tâm tỉnh thức để hiểu, thay vì để phán xét, trong sự chấp nhận hoàn toàn bất cứ gì xuất hiện bởi vì nó có đó thì ông khuyến khích những gì tận sâu kín nổi lên trên mặt, và làm cho cuộc sống cũng như ý thức của ông trở nên phong phú với những nguồn năng lực mà trước kia đã từng bị giam hãm. Đây là một việc làm vĩ đại của tánh biết, nó tháo gỡ các chướng ngại và giải tỏa các nguồn năng lượng bằng sự hiểu rõ bản chất của cuộc sống và tâm. Trí tuệ là cánh cửa đi đến tự do, và sự chú ý tỉnh thức là mẹ của trí tuệ.

H: Còn một câu hỏi nữa. Tại sao lạc thú chấm dứt trong đau khổ?

M: Mọi cái đều có sự khởi đầu và sự chấm dứt, lạc thú cũng vậy. Đừng trông mong và cũng đừng nuối tiếc thì sẽ không có đau khổ. Chính ký ức và trí tưởng tượng tạo ra đau khổ.

Đau khổ đến sau lạc thú có thể là do sử dụng tâm hay thân một cách sai lầm. Thân biết rõ giới hạn của nó, nhưng tâm thì không. Những khao khát của tâm thì vô số và vô hạn. Hãy chuyên chú quan sát tâm ông, vì trong đó đầy những ràng buộc nhưng cũng có cả chìa khóa mở cánh cửa tự do.

H: Câu hỏi của tôi vẫn chưa được trả lời trọn vẹn: Tại sao lạc thú của con người mang tính hủy diệt? Tại sao con người cảm thấy vô cùng thích thú trong sự hủy diệt? Mối bận tâm của cuộc sống là bảo vệ chính nó, làm cho chính nó trở nên vĩnh cửu, và bành trướng chính nó. Trong điều kiện như thế cuộc sống bị sai sử bởi đau khổ và lạc thú. Tại điểm nào thì chúng trở nên hủy diệt?

M: Khi tâm thao túng, ghi nhớ và dự tính, nó phóng đại, xuyên tạc và lơ đễnh. Quá khứ được tâm phóng chiếu vào tương lai, và tương lai không xảy ra như mong đợi. Các công cụ của cảm giác và hành động bị kích thích quá khả năng và chắc chắn trở nên suy nhược. Các đối tượng của lạc thú không thể đem lại những gì mong đợi, sẽ trở nên hư hao, hay bị hủy hoại bởi sự sử dụng sai lầm. Kết quả là đau khổ chồng chất ở những nơi nào lạc thú được tìm kiếm.

H: Chúng ta không những hủy diệt chính mình, mà còn hủy diệt cả người khác!

M: Tự nhiên là như thế, lòng ích kỷ luôn luôn mang tính hủy diệt. Tham ái và lo sợ, cả hai đều là những trạng thái hướng ngã. Ở giữa tham ái và lo sợ, sân sinh khởi, cùng đến với sân là hận, cùng đến với hận là thói say mê hủy diệt. Chiến tranh là hận thù trong hành động, được tổ chức và trang bị với tất cả công cụ của cái chết. H: Có cách nào chấm dứt tất cả những mối kinh hoàng này?

M: Khi nào có thêm nhiều người biết rõ bản tánh chơn thật của chính mình, lúc đó ảnh hưởng của họ, dù vi tế đến đâu, sẽ chiếm ưu thế, và không khí xúc cảm của thế giới sẽ trở nên hòa dịu. Người ta luôn luôn tuân theo các lãnh tụ của họ; và nếu trong số các lãnh tụ đó xuất hiện những người có trái tim, tâm trí vĩ đại, và hoàn toàn vô tư lợi thì ảnh hưởng của họ sẽ đủ để hóa giải những thô bạo và tội ác của thời đại hiện nay. Một thời đại hoàng kim sẽ xuất hiện, tồn tại một thời gian, rồi suy tàn khi đạt đến sự toàn hảo của nó. Vì, thủy triều bắt đầu xuống ngay khi đạt đến đỉnh cao nhất.

H: Thế không có gì là sự toàn hảo vĩnh hằng?

M: Có chứ, nhưng nó bao gồm tất cả những cái không toàn hảo. Chính sự toàn hảo thuộc bản tính chơn thật của cái Ta làm cho mọi cái khả hữu, có thể nhận thức được và lý thú. Cái Ta không hề biết đến đau khổ, vì nó không ưa thích mà cũng chẳng chán ghét, không chấp nhận mà cũng chẳng xua đuổi. Sáng tạo và hủy diệt là hai cực, và ở giữa hai cực đó nó đan dệt cái mô thức vô thường.

Khi thoát ra khỏi mọi thiên kiến và sở thích, thì tâm cùng với gánh nặng phiền não của nó chấm dứt.

H: Nhưng tôi không phải là kẻ duy nhất đau khổ. Còn nhiều người khác nữa.

M: Khi đến với họ và đem theo những tham ái và lo sợ của ông thì ông chỉ góp thêm vào nỗi đau khổ của họ. Trước tiên chính ông hãy thoát ra khỏi đau khổ, rồi lúc đó mới hy vọng cứu giúp tha nhân. Mà thậm chí ông cũng chẳng cần hy vọng, vì cuộc sống của ông chính là sự cứu giúp vĩ đại nhất mà một người có thể cống hiến cho tha nhân.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh