Ta Là Cái Đó: Chương 47. Biết Là Tự Do

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 47. BIẾT LÀ TỰ DO

Hỏi: Tôi ở tịnh xá Sri Ramanashram đến. Tôi tu tập ở đó bảy tháng nay.

Maharaj: Lúc ở tịnh xá, ông đã thực hành những gì? H: Tôi cố gắng tập trung vào câu “Ta là ai?” M: Ông thực hành như thế nào? Niệm thành tiếng?

H: Vào những lúc rảnh rỗi trong ngày. Có khi tôi niệm thành

tiếng “Ta là ai?” “Ta là, nhưng Ta là ai?” hoặc có khi tôi niệm thầm trong tâm. Thỉnh thoảng tôi vẫn có những cảm xúc dễ chịu, hoặc thể nhập vào những trạng thái an lạc trong tĩnh lặng. Về tổng thể, tôi tìm cách im lặng và cảm nhận, thay vì cố tìm kiếm kinh nghiệm.

M: Ông đã thật sự chứng nghiệm những gì khi ở trong chánh định?

H: Một cảm giác tĩnh lặng bên trong, an ổn và im lặng.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Thế ông có để ý thấy ông trở nên vô thức?

H: Có, thỉnh thoảng và tình trạng vô thức chỉ xảy ra rất ngắn. Ngoài ra, tôi ở trong trạng thái tĩnh lặng, bên ngoài lẫn bên trong.

M: Đó là loại tĩnh lặng gì? Một trạng thái giống như ngủ sâu những luôn biết, trạng thái ngủ tỉnh thức?

H: Vâng, ngủ tỉnh thức - Jagrit-Sushypti.

M: Điều chính yếu là không còn những cảm xúc tiêu cực - tham ái, lo sợ, vân vân, “sáu kẻ thù” của tâm. Một khi tâm không còn những cảm xúc như thế, những gì còn lại sẽ đến một cách dễ dàng. Cũng như quần áo ngâm trong nước xà phòng sẽ trở nên sạch thì tâm sẽ được thanh tẩy trong giòng cảm xúc thanh tịnh.

Khi ngồi tĩnh lặng và quan sát chính ông, đủ mọi thứ sẽ nổi lên trên bề mặt. Đừng động đến chúng, đừng phản ứng lại chúng; chúng tự đến và tự đi. Điều quan trọng nhất vẫn là sự tỉnh thức, hoàn toàn biết rõ chính Ta, hay đúng hơn là tâm ta.

H: Ông nói “chính ta” có nghĩa là cái ta hằng ngày?

M: Phải, con người, chỉ con người mới có thể quan sát được từ bên ngoài. Người quan sát ở bên ngoài sự quan sát. Cái có thể quan sát được thì không phải là cái Ta thật.

H: Bằng cách lùi lại liên tục, tôi luôn luôn có thể quan sát người quan sát.

M: Ông chỉ có thể quan sát sự quan sát, nhưng ông không thể quan sát người quan sát. Ông biết ông là người quan sát tối hậu bằng trực giác, chứ không phải thông qua một tiến trình lý luận dựa vào sự quan sát. Ông là cái ông là, nhưng ông chỉ biết cái mà ông không là. Cái Ta được biết như sự hiện hữu, cái không phải là Ta được biết như cái nhất thời. Nhưng trong thực tế tất cả đều ở trong tâm. Cái được quan sát, sự quan sát và người quan sát đều là những cơ cấu của tâm. Chỉ riêng cái Ta hiện hữu.

H: Tại sao tâm lại tạo ra những phân chia này?

M: Phân chia và phân biệt hóa đều thuộc về bản chất của tâm. Chẳng có gì tai hại trong sự phân chia. Nhưng sự tách biệt đi ngược lại với thực tế. Sự vật và con người khác nhau, nhưng không tách biệt nhau. Thiên nhiên là một, thực tại là một. Có những sự trái ngược nhưng không có sự chống đối.

H: Tôi nhận thấy về bản chất, tôi rất hiếu động. Ở đây tôi được khuyên là tránh hoạt động. Càng tìm cách bất động thì sự thôi thúc phải làm một cái gì đó lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Điều này không những làm tôi hiếu động bên ngoài, mà còn khiến tôi giằng co xung đột bên trong để là cái, mà theo bản chất, không phải là tôi. Có phương cách nào đối trị sự thôi thúc phải làm một việc gì đó?

M: Giữa làm việc và thuần hoạt động có một sự khác biệt. Toàn thể giới tự nhiên làm việc. Làm việc là tự nhiên, tự nhiên là làm việc. Trái lại, hoạt động dựa vào ước muốn và lo sợ, dựa vào sự mong muốn chiếm hữu và hưởng thụ, dựa vào nỗi lo sợ bị đau đớn và diệt vong. Làm việc là bởi tất cả cho tất cả, còn hoạt động là bởi chính mình và cho chính mình.

H: Có sự đối trị nào cho hoạt động?

M: Chỉ cần quan sát nó, và nó sẽ tự chấm dứt. Hãy vận dụng mọi cơ hội để tự nhắc nhớ rằng ông đang bị ràng buộc, rằng bất cứ gì xảy ra cho ông là vì có sự tồn tại thân xác của ông. Ước muốn, sợ hãi, phiền trược, sự vui sướng không thể xảy ra nếu không có ông để chúng xảy ra. Do đó, bất cứ gì xảy ra đều nhắm (point) vào sự tồn tại của ông như là một trung tâm nhận thức. Đừng bận tâm đến những vật nhắm (pointers), mà biết rõ chúng nhắm vào cái gì. Điều này rất đơn giản, nhưng cần phải thực hành. Điều quan trọng là sự kiên trì mà ông cần phải có để tiếp tục quay lại với chính ông.

H: Tôi vẫn thường rơi vào những trạng thái kỳ lạ của sự mất hút sâu thẳm trong chính mình, nhưng rất bất chợt và thoáng qua. Tôi không cho rằng mình có thể kiểm soát được những trạng thái như thế.

M: Thân là một vật thể và cần thời gian để thay đổi. Tâm chỉ là một tập hợp những thói quen tâm lý, cung cách tư duy và cảm thọ. Muốn thay đổi chúng thì phải đem chúng lên trên mặt và tìm hiểu. Điều này cũng cần đến thời gian. Chỉ cần cương quyết và kiên trì, những gì còn lại sẽ tự giải quyết.

H: Tôi hầu như biết rất rõ những gì cần phải làm, nhưng lại cảm thấy buồn chán rồi đi tìm sự bầu bạn với người khác, mà như thế thì uổng phí thời gian đáng lẽ ra phải dành cho sự độc cư và thiền định.

M: Cứ làm bất cứ gì ông thích. Đừng hành hạ chính ông! Bạo lực sẽ làm ông tàn nhẫn và chai đá. Đừng chống lại những gì ông cho là chướng ngại trên đường ông đi. Chỉ chú ý đến chúng, quan sát và tìm hiểu. Cứ để mọi chuyện xảy ra, dù tốt hay xấu. Nhưng đừng để những gì xảy ra nhận chìm ông.

H: Mục đích của sự thường xuyên nhắc nhớ chính mình là người quan sát là gì?

M: Tâm phải biết rằng bên ngoài cái tâm biến đổi là hậu cảnh của tánh biết bất biến. Tâm phải biết cái Ta thật, tôn trọng cái Ta thật, và chấm dứt che lấp cái Ta thật, như mặt trăng che lấp mặt trời trong thời gian nhật thực. Chỉ cần nhận ra rằng cái có thể quan sát được, kinh nghiệm được thì không thể là ông, hay ràng buộc được ông. Đừng để ý đến những gì không phải là ông.

H: Muốn làm những gì ông nói tôi phải thường xuyên biết.

M: Biết là tỉnh thức. Không biết có nghĩa là ngủ. Dù sao thì ông vẫn biết mà không cần phải cố gắng để biết. Điều ông cần là biết ông biết. Biết một cách chủ động và có ý thức, hãy mở rộng và đào sâu phạm trù của tánh biết. Ông luôn luôn có ý thức về tâm, nhưng ông không biết chính ông đang ý thức.

H: Theo chỗ tôi hiểu, ông minh định những ý nghĩa riêng biệt cho các từ ngữ “tâm”, “ý thức”, và “tánh biết”.

M: Hãy nhìn sự việc như thế này. Tâm không ngừng tạo ra ý nghĩ, ngay cả những khi ông không để ý đến chúng. Khi ông biết những gì đang diễn ra trong tâm, ông gọi đó là ý thức. Đây là trạng thái thức của ông - ý thức của ông di chuyển từ cảm thọ này sang cảm thọ khác, từ nhận thức này sang nhận thức khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác trong một chuỗi diễn biến bất tận. Rồi đến tánh biết, tức là trực giác về toàn thể ý thức, tổng thể của tâm. Tâm cũng giống như một giòng sông, chảy không ngừng trong lòng thân xác; ông đồng hóa chính mình, trong một khoảnh khắc, với một gợn sóng riêng biệt nào đó, và gọi nó là: “ý nghĩ của tôi”. Tất cả những gì ông ý thức chính là tâm ông; tánh biết là sự biết rõ ý thức như một tổng thể.

H: Mọi người đều có ý thức, nhưng không phải ai cũng biết.

M: Đừng nói: “Mọi người đều có ý thức,” mà nói: “Có ý thức,” trong đó mọi cái xuất hiện và biến mất. Tâm của chúng ta chỉ là những đợt sóng trong đại dương ý thức. Là sóng thì chúng đến và đi. Là đại dương thì chúng bao là và vĩnh cửu. Hãy biết rõ chính ông là đại dương bao la và vĩnh cửu, cội nguồn của mọi sự sống. Dĩ nhiên những gì Ta nói chỉ là ẩn dụ. Thực tại ở ngoài mọi mô tả. Ông chỉ có thể biết nó bằng cách nó.

H: Liệu sự tìm kiếm thực tại có đáng để chuốc lấy phiền trược?

M: Không có thực tại thì tất cả đều là phiền trược. Nếu muốn sống một cách lành mạnh, sáng tạo vui sướng, và giầu có vô tận để chia sẻ thì hãy tìm cái ông là.

Trong khi tâm ở trong thân, và ý thức ở trong tâm, thì tánh biết hoàn toàn tự do. Thân có những đòi hỏi của thân, tâm có những đau khổ và lạc thú của tâm. Tánh biết thì vô tư và bất di bất dịch. Tánh biết thì linh hoạt, tĩnh lặng, an lạc, tỉnh thức và vô ưu, vô tham ái và vô úy. Hãy quán nó là chính sự hiện hữu đích thực của ông, và tìm cách là nó trong cuộc sống hàng ngày, rồi ông sẽ nhận ra tánh biết trong sự viên mãn của nó.

Tâm chú ý đến những gì xảy ra, còn tánh biết chú ý đến tâm. Đứa trẻ mải mê với món đồ chơi, bà mẹ chăm chú nhìn đứa con, mà không nhìn món đồ chơi.

Bằng cách quan sát không mệt mỏi, Ta trở nên hoàn toàn rỗng rang, và với sự rỗng rang đó tất cả đã trở lại với Ta, ngoại trừ tâm. Ta nhận ra mình đã đánh mất tâm vĩnh viễn.

H: Trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi như bây giờ, ông vô thức?

M: Ta không ý thức mà cũng chẳng vô thức. Ta ở ngoài tâm cùng với vô số những trạng thái và điều kiện của nó. Mọi khác biệt đều do tâm tạo ra và chỉ áp dụng cho tâm. Ta là tự thân của Ý thức thuần túy, tánh biết nguyên vẹn của tất cả những gì hiện hữu. Ta ở trong trạng thái thật hơn trạng thái của ông. Ta không hề bị rối trí bởi những khác biệt và phân chia mà những khác biệt và phân chia đó cấu thành một con người. Bao giờ thân xác này còn thì nó vẫn có những nhu cầu như mọi thân xác khác, nhưng diễn tiến tâm lý của Ta đã chấm dứt.

H: Nhưng ông hành sử như một người suy nghĩ.

M: Tại sao lại không? Nhưng sự suy nghĩ của Ta, cũng như sự tiêu hóa, thì vô thức và có chủ đích.

H: Nếu sự suy nghĩ của ông là vô thức, làm sao ông biết điều ông suy nghĩ là đúng?

M: Khi không còn bị tham ái hay lo sợ ngăn trở thì cái gì có thể làm cho suy nghĩ sai lầm? Một khi đã biết rõ chính Ta và Ta có nghĩa là gì thì Ta không cần phải luôn luôn kiểm soát lại mình. Một khi biết rõ đồng hồ của ông luôn luôn chính xác, ông có do dự mỗi lần nhìn nó xem giờ.

H: Như ngay lúc này, ai nói nếu không phải là tâm?

M: Cái nghe câu hỏi, trả lời câu hỏi.

H: Nhưng là ai?

M: Không phải ai, mà cái. Dù Ta có vẻ là một người theo cái nhìn của ông, nhưng Ta không phải là con người theo nghĩa ông hiểu từ ngữ này. Ta là đại dương bao la của ý thức trong đó mọi cái xảy ra. Ta ở ngoài mọi sự tồn tại và nhận thức, Ta là sự an lạc thuần túy của hiện hữu. Ta không cảm thấy tách biệt với bất cứ gì, do đó Ta là tất cả. Không cái gì là Ta, vì vậy Ta không là cái gì cả.

Năng lượng duy nhất - làm cho lửa cháy, nước chảy, hạt giống nảy mầm và cây mọc - làm cho Ta trả lời các câu hỏi. Không có gì thuộc về con người là Ta dù cho ngôn ngữ và cách nói có vẻ như thuộc về con người. Con người là một tập hợp những mô thức của tham ái, ý nghĩ và hành động đưa đến hậu quả. Không có một mô thức như thế trong trường hợp của Ta. Ta không còn tham ái hay lo sợ thì làm sao có thể có một mô thức?

H: Nhưng ông không thể tránh khỏi cái chết?

M: Sự sống sẽ thoát ra, thân xác sẽ chết, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến Ta. Ta siêu vượt không gian và thời gian, không do tạo tác mà có và cũng không tạo tác, nhưng lại là chính cội nguồn của sự tồn tại.

H: Tôi xin phép hỏi ông đã đạt đến điều kiện hiện nay của ông như thế nào?

M: Tôn sư bảo Ta luôn luôn bám chặt vào ý thức “Ta hiện hữu” không được lơi lỏng dù chỉ trong giây lát. Ta cố gắng làm theo lời Tôn sư, và trong một thời gian tương đối ngắn Ta nhận ra trong chính Ta chân lý của sự chỉ giáo. Tất cả những gì Ta làm là thường xuyên nhớ nghĩ đến sự chỉ giáo, vẻ mặt và lời nói của Tôn sư. Quá trình này đã đoạn diệt tâm; trong sự tĩnh lặng của tâm, Ta đã thấy chính Ta như Ta - giải thoát.

H: Sự giác ngộ của ông là hốt nhiên hay lâu dần mà có?

M: Không phải cả hai. Ông là cái ông , không do thời gian mà có. Chính tâm nhận ra cái đó khi nó đã loại trừ tất cả tham ái và lo sợ.

H: Ngay cả ước muốn giải thoát?

M: Ước muốn đoạn trừ tất cả ước muốn là một ước muốn lạ lùng nhất, cũng như sự sợ hãi lo sợ là sự sợ hãi kỳ lạ nhất. Một cái không cho ông nắm bắt, và một cái không cho ông bỏ chạy. Ông có thể sử dụng cùng ngôn từ, nhưng trạng thái thì không giống nhau. Người đi tìm sự giải thoát thì không còn vướng mắc trong ước muốn, người ấy đi ngược với ước muốn, mà không đi cùng. Một sự mong muốn giải thoát chung chung mới chỉ là bước đầu, tìm ra phương pháp thích hợp và sử dụng là bước kế tiếp. Người đi tìm chỉ có một mục đích duy nhất trong tầm nhìn: tìm ra sự hiện hữu chân thật của chính mình. Trước các muốn đó là ước muốn đầy tham vọng nhất, vì không gì và không ai có thể thỏa mãn nó; người đi tìm và cái được tìm là một, chỉ riêng sự tìm kiếm mới quan trọng.

H: Sự tìm kiếm rồi sẽ kết thúc nhưng người tìm kiếm vẫn còn.

M: Không phải, người tìm kiếm sẽ biến mất, sự tìm kiếm vẫn còn. Sự tìm kiếm chính là thực tại tối hậu và phi thời.

H: Tìm kiếm có nghĩa là vắng thiếu, mong cầu, không trọn vẹn, và không toàn hảo.

M: Không phải, nó có nghĩa là phủ nhận và từ khước cái không trọn vẹn và cái không toàn hảo. Sự tìm kiếm thực tại chính nó là động thái của thực tại. Về một phương diện, tất cả mọi sự tìm kiếm đều vì hạnh phúc chơn thật, hay hạnh phúc của cái chơn thật. Nhưng ở đây chúng ta muốn nói tìm kiếm là tìm kiếm chính mình, nguồn gốc của ý thức, ánh sáng bên ngoài tâm. Sự tìm kiếm không bao giờ ngừng, vì vậy sự khao khát những cái khác phải chấm dứt thì sự tiến bộ thực sự mới có thể xảy ra.

Một người cần phải hiểu rằng sự tìm kiếm thực tại, hay Thượng đế, hay Đạo sư, và sự tìm kiếm cái Ta là một; khi một cái được tìm ra thì tất cả đều được tìm ra. Khi “Ta hiện hữu”, và “Thượng đế hiện hữu” không còn phân biệt được trong tâm ông thì một cái gì đó sẽ xảy ra và ông sẽ biết - không chút nghi hoặc - rằng Thượng đế hiện hữu vì ông hiện hữu, ông hiện hữu vì Thượng đế hiện hữu. Hai là một.

H: Tất cả đều do tiền định, vậy sự tự giác ngộ chính mình có do tiền định? Hay ít ra chúng ta cũng được tự do?

M: Định mệnh chỉ áp dụng cho danh xưng và hình tướng. Nếu ông không phải thân hay tâm thì định mệnh không thể khống chế được ông. Ông hoàn toàn tự do. Cái ly bị điều kiện hóa bởi hình dáng, vật liệu, sự sử dụng, vân vân, nhưng khoảng không trong cái ly thì hoàn toàn tự do. Khoảng không ngẫu nhiên ở trong cái ly chỉ khi nào nó được nhìn trong sự tương quan với cái ly, ngoài ra nó chỉ là khoảng không. Chừng nào còn có thân xác thì ông có vẻ là ở trong thân xác. Nếu không có thân xác thì không phải ông lìa khỏi thân xác, mà ông chỉ hiện hữu.

Ngay cả định mệnh cũng chỉ là một ý tưởng. Ngôn từ có thể được sắp xếp với nhau bằng rất nhiều cách. Những phát biểu thì khác nhau, nhưng liệu chúng có tạo rat hay đổi nào trong thực tế? Không biết bao lý thuyết đã được nghĩ ra để giải thích vạn vật - tất cả đều có vẻ hợp lý, nhưng chẳng lý thuyết nào là đúng thật. Khi lái một chiếc xe, ông bị chi phối bởi các định luật cơ học và hóa học, bước ra khỏi xe ông ở trong ảnh hưởng của các định luật sinh lý và sinh hóa.

H: Thiền là gì và những công năng của nó?

M: Đối với kẻ sơ cơ thì một số hình thức thiền nào đó, hoặc cầu nguyện đều có thể thích hợp. Còn đối với người đi tìm thực tại thì chỉ có một pháp thiền - quyết liệt từ chối chứa chấp ý nghĩ. Vô niệm chính là thiền.

H: Làm thế nào để thực hành?

M: Ông bắt đầu bằng cách để cho các ý nghĩ tuôn chảy và quan sát chúng. Chính sự quan sát làm cho giòng tâm chảy chậm dần rồi hoàn toàn dừng lại. Một khi tâm yên tịnh, hãy duy trì sự yên tịnh đó. Đừng cảm thấy nhàm chán sự an ổn, hãy ở trong nó, và đi sâu hơn vào trong nó.

H: Tôi nghe nói về việc bám giữ vào một ý nghĩ để xua đuổi những ý nghĩ khác. Nhưng làm sao có thể xua đuổi tất cả ý nghĩ? Ý tưởng bám giữ vào một ý nghĩ chính nó cũng là một ý nghĩ.

M: Hãy thử nghiệm cách mới, đừng theo kinh nghiệm quá khứ. Quan sát các ý nghĩ của ông, và quan sát chính ông đang quan sát các ý nghĩ. Trạng thái vô niệm sẽ xảy ra một cách bất ngờ, và ông sẽ nhận ra nó nhờ sự an lạc của nó.

H: Ông không hề bận tâm đến tình hình hiện nay của thế giới? Hãy nhìn những cảnh kinh hoàng ở Đông Hồi . Những cảnh đó không làm ông xúc động hay sao?

M: Ta đọc báo và biết chuyện gì đang xảy ra! Nhưng phản ứng của Ta không giống với phản ứng của ông. Ông tìm kiếm phương cách chữa trị, trong khi Ta quan tâm đến sự ngăn ngừa. Bao giờ còn có nguyên nhân thì chắc chắn phải có hậu quả. Bao giờ con người còn có khuynh hướng phân chia và tách biệt, bao giờ con người còn ích kỷ và gây hấn thì những cảnh như thế sẽ xảy ra. Nếu muốn hòa bình và hòa hợp trên thế giới thì con người phải có hòa bình và hòa hợp trong tâm thức và trái tim. Một sự thay đổi như thế không thể áp đặt, mà phải đến từ bên trong. Những ai ghê tởm chiến tranh thì phải loại trừ chiến tranh ra khỏi thể chế của mình. Nếu không có con người hiếu hòa làm sao ông có thể có một thế giới hòa bình? Bao giờ con người còn như họ là thì thế giới phải như nó là. Ta đang làm phần mình để tìm cách giúp con người hiểu rằng chính họ là nguyên nhân duy nhất của mọi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Theo nghĩa đó, Ta là một kẻ hữu ích. Nhưng cái Ta là trong chính Ta, trạng thái bình thường của Ta thì không thể được diễn tả theo ý thức và sự hữu ích có tính cách xã hội.

Ta có thể nói về nó, dùng đến các ẩn dụ hay ẩn ngôn, nhưng Ta biết rất rõ nó không phải là như thế. Không phải là nó không thể được kinh nghiệm. Nó chính là cái đang kinh nghiệm! Nhưng nó không thể được mô tả theo cách của tâm, nghĩa là phải phân chia và đối đãi để biết.

Thế giới cũng như một tờ giấy, và có một điều gì đó được đánh máy lên đó. Đọc và hiểu ý nghĩa của những gì được đánh máy thay đổi tùy theo từng người đọc; tờ giấy là yếu tố chung, luôn luôn hiện diện, nhưng hầu như không được biết đến. Khi lấy băng mực ra khỏi máy, hành vi đánh máy không để lại dấu vết nào trên mặt giấy. Tâm của Ta cũng thế - những cảm tưởng vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng không để lại dấu vết.

H: Vì sao ông ngồi đây tiếp chuyện những người đến gặp ông? Điều gì thúc đẩy ông?

M: Chẳng có gì thúc đẩy. Ông cho rằng Ta phải có một lý do nào đó. Ta không ngồi đây, mà cũng không nói chuyện, chẳng cần phải tìm kiếm nguyên do. Đừng lầm Ta với thân xác. Ta chẳng có việc gì để làm, nhiệm vụ nào để thi hành. Phần đó của Ta - ông có thể gọi là Thượng đế - chăm lo cho thế giới. Thế giới này của ông - cái thế giới rất cần được chăm sóc - đang sống và chuyển động trong tâm ông. Hãy vào sâu trong nó, ông sẽ tìm ra những câu trả lời, và chỉ ở trong đó mà thôi. Ông chờ mong những câu trả lời từ nơi nào khác đến? Liệu có gì tồn tại bên ngoài ý thức của ông?

H: Có thể có cái tồn tại mà chẳng cần tôi biết hay không biết.

M: Sự tồn tại đó là sự tồn tại gì? Liệu hiện hữu có thể tách rời khỏi biết? Tất cả hiện hữu, cũng như tất cả cái biết đều liên quan đến ông. Một vật hiện hữu bởi vì ông biết nó, hoặc trong kinh nghiệm của ông hoặc trong sự hiện hữu của ông. Thân và tâm ông tồn tại chừng nào mà ông còn tin như thế. Ngừng nghĩ rằng chúng là của ông thì chúng biến mất. Bằng mọi cách cứ để thân và tâm ông hành hoạt, nhưng đừng để chúng hạn chế ông. Nếu nhận ra những cái không toàn hảo, cứ tiếp tục chú ý đến chúng; chính sự chú ý của ông đối với chúng sẽ đặt trái tim và tâm thức của ông vào đúng chỗ.

H: Liệu tôi có thể chữa khỏi một căn bệnh hiểm nghèo chỉ bằng cách nhận biết nó?

M: Hãy nhận biết tổng thể của nó, chứ không phải là những triệu chứng bên ngoài. Mọi bệnh tật đều sinh khởi từ tâm. Điều trị tâm trước bằng cách nhận dạng và loại trừ tất cả những ý nghĩ và cảm xúc sai lầm. Tiếp tục sống và làm việc bất kể bệnh tật, đừng bận tâm đến nó. Một khi đã loại trừ được nguyên nhân thì hậu quả chắc chắn sẽ ra đi.

Người ta trở thành cái mà họ tin rằng họ là. Hãy từ bỏ tất cả ý nghĩ về chính ông, và ông sẽ nhận ra ông chính là nhân chứng thuần túy, ở bên ngoài tất cả những gì có thể xảy ra với thân hay tâm.

H: Nếu tôi trở thành bất cứ gì tôi nghĩ chính tôi là, và tôi nghĩ rằng tôi là Thực tại Tối thượng, như thế không phải Thực tại Tối thượng của tôi cũng chỉ là một ý tưởng?

M: Cứ đạt đến trạng thái đó đi, rồi hãy đặt câu hỏi.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh