Ta Là Cái Đó: Chương 22. Sự Sáng Suốt Đưa Đến Tính Vô Tư

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 22. SỰ SÁNG SUỐT ĐƯA ĐẾN TÍNH VÔ TƯ

Maharaj: Trời mưa to quá làm ông ướt sũng hết cả người. Trong thế giới của Ta thời tiết luôn luôn tốt đẹp. Không có ngày và cũng chẳng có đêm, không nóng và cũng không lạnh. Trong đó chẳng có lo âu hay nuối tiếc nào câu thúc Ta. Tâm Ta hoàn toàn vô niệm, vì chẳng còn tham ái nào bắt Ta làm nô lệ.

Hỏi: Có đến hai thế giới sao?

M: Thế giới của ông thì vô thường và biến dịch. Thế giới của Ta thì toàn hảo và bất biến. Ông có thể kể cho Ta điều ông thích về thế giới của ông, Ta sẽ lắng nghe chăm chú, và thậm chí còn thích thú nữa, nhưng lúc nào Ta cũng biết rõ là thế giới của ông không có, và ông đang chiêm bao.

H: Cái gì làm cho thế giới của ông khác biệt với thế giới của tôi?

M: Thế giới của Ta không có một đặc tính nào để có thể được nhận dạng. Ông không thể nói gì về thế giới của Ta. Ta là thế giới của Ta. Thế giới của Ta là chính Ta. Nó trọn vẹn và hoàn hảo. Mọi vết tích đều bị xóa sạch, mọi kinh nghiệm đều bị khước từ. Ta chẳng cần gì, ngay cả chính Ta, vì Ta không thể đánh mất chính Ta.

H: Ông cũng chẳng cần đến Thượng đế?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Tất cả những ý tưởng và sai biệt như thế chỉ tồn tại trong thế giới của ông; trong thế giới của Ta không có cái gì như thế. Thế giới của Ta đơn độc và rất đơn sơ.

H: Không có cái gì xảy ra trong thế giới của ông?

M: Bất cứ gì xảy ra trong thế giới của ông thì chỉ có giá trị trong thế giới của ông, và chỉ kích thích những phản ứng trong thế giới của ông. Trong thế giới của Ta chẳng có gì xảy ra,

H: Ngay sự kiện ông kinh nghiệm thế giới của ông đã hàm ý nhị nguyên có sẵn trong mọi kinh nghiệm.

M: Về ngôn từ thì đúng. Nhưng lời lẽ của ông không đến được với Ta. Thế giới của Ta là thế giới vô ngôn. Trong thế giới của ông cái không được nói ra thì không tồn tại. Trong thế giới của Ta - ngôn từ và nội dung của nó không có sự hiện hữu. Trong thế giới của ông không có gì ở lại, trong thế giới của Ta chẳng có gì đổi thay. Thế giới của Ta là thật, còn thế giới của ông dấy khởi từ chiêm bao.

H: Nhưng ông và tôi đang cùng trò chuyện.

M: Cuộc trò chuyện xảy ra trong thế giới của ông. Trong thế giới của Ta chỉ có sự im lặng vĩnh cửu. Sự im lặng của Ta ca hát, sự rỗng rang của Ta thì viên mãn, Ta chẳng thiếu một cái gì. Ông không thể biết được thế giới của Ta cho đến khi nào ông đến đó.

H: Như thế thì hình như chỉ có một mình ông trong thế giới của ông.

M: Làm sao ông có thể nói một mình hay không một mình khi ngôn từ không có chỗ áp dụng? Dĩ nhiên là Ta một mình vì Ta là tất cả.

H: Có bao giờ ông đến thế giới của chúng tôi?

M: Có gì đến và đi đối với Ta? Một lần nữa lại là ngôn từ.

Hiện hữu - từ đó mà Ta đến và từ đó mà Ta đi.

H: Thế giới của ông có ích gì đối với tôi?

M: Hãy quan sát kỹ hơn thế giới của ông, tìm hiểu nó thật nghiêm túc, rồi bất chợt một ngày nào đó ông sẽ tìm thấy ông trong thế giới của Ta.

H: Như thế thì được gì?

M: Ông chẳng được gì cả. Ông chỉ bỏ lại phía sau những gì không phải của ông, và tìm ra cái mà ông chưa bao giờ mất - sự hiện hữu của chính ông.

H: Ai là người cai trị thế giới của ông?

M: Trong thế giới của Ta không có người cai trị và kẻ bị trị. Không hề có bất cứ hình thức nhị nguyên nào. Ông chỉ phóng chiếu ra những ý nghĩ của chính ông. Kinh điển và thần linh của ông hoàn toàn vô nghĩa ở đây.

H: Nhưng ông vẫn còn có một danh xưng và hình tướng, ông còn biểu lộ ý thức và hành động.

M:Trong thế giới của ông thì Ta có vẻ như thế. Trong thế giới của Ta, Ta chỉ có sự hiện hữu. Không còn gì khác. Các ông giầu có những ý tưởng về sự sở hữu, về số lượng và chất lượng. Ta hoàn toàn không còn một ý tưởng nào.

H: Trong thế giới của tôi đầy những phiền nhiễu, khốn khó và

tuyệt vọng. Ông có vẻ sống ung dung bằng một nguồn thu nhập bí ẩn, còn tôi phải làm nô lệ cho sự kiếm sống.

M: Tùy ông thôi. Ông muốn bỏ thế giới của ông để sang thế giới của Ta lúc nào cũng được.

H: Làm thế nào để vượt sang?

M: Thấy thế giới của ông như nó là, mà không phải như ông tưởng tượng nó là. Sự sáng suốt sẽ đưa đến tính vô tư; tính vô tư sẽ đảm bảo đưa đến hành động đúng; hành động đúng sẽ kiến tạo cây cầu bên trong nối liền với sự hiện hữu chơn thật của ông. Hành động là bằng chứng của lòng thành khẩn. Hãy chuyên cần và tin tưởng thực hành những gì ông được chỉ bảo, mọi trở ngại sẽ tiêu tan.

H: Ông có vui sướng không?

M: Trong thế giới của ông có lẽ Ta là kẻ khốn khổ nhất. Thức dậy, ă, nói chuyện, rồi lại đi ngủ - thật là phiền !

H: Thậm chí ông cũng chẳng muốn sống?

M: Sống, chết - những từ ngữ này mới thật vô nghĩa ! Khi ông thấy Ta sống thì Ta chết. Khi ông nghĩ Ta chết thì Ta sống. Quả thật làm rối trí ông !

H: Ông mới thản nhiên làm sao ! Tất cả những đau khổ của thế giới này chẳng là gì cả đối với ông.

M: Ta biết rất rõ những phiền não của ông.

H: Vậy ông làm gì?

M: Ta chẳng cần làm gì cả. Chúng đến rồi đi.

H: Có phải chúng đi bằng chính hành vi mà ông dành cho chúng sự chú ý của ông?

M: Đúng vậy. Sự khó khăn có thể là vật lý, cảm xúc hay tinh thần, nhưng nó luôn luôn có tính cách cá nhân. Những tai họa có quy mô lớn là sự cộng hưởng của vô số những định mệnh cá nhân, và phải trải qua một thời gian mới ổn định. Nhưng chết không bao giờ là một tai họa.

H: Ngay cả khi một người bị sát hại?

M: Tai họa thuộc về kẻ sát nhân.

H: Hình như vẫn có hai thế giới, thế giới của tôi và thế giới của ông.

M: Thế giới của Ta thì chơn thật, thế giới của ông thuộc về tâm.

H:Thử tưởng tượng có một tảng đá, tảng đá đó có một cái lỗ và trong cái lỗ có một con ếch. Con ếch có thể suốt đời an hưởng cực lạc, không hề bị phân tâm, không hề bị quấy nhiễu. Bên ngoài tảng đá thế giới vẫn vận hành. Nếu có ai nói với nó về thế giới bên ngoài, thì con ếch sẽ bảo: “Chẳng hề có những thứ như thế. Thế giới của Ta vô cùng an lạc. Thế giới của ông chỉ là một cấu trúc ngôn từ, nó không có thực thể.” Ông cũng như thế. Khi ông bảo thế giới của chúng tôi đơn thuần không tồn tại thì chúng tôi và ông không có một cơ sở nào chung để bàn luận. Hay, lấy một ví dụ khác. Tôi đến gặp bác sĩ và nói vơi ông ta tôi bị đau dạ dày. Bác sĩ khám tôi và bảo: “Ông không sao cả.” Tôi đáp: “Nhưng tôi đau”. Bác sĩ khẳng định: “Sự đau đớn của ông là thuộc về tâm.” Tôi đáp: “Biết được sự đau đớn của tôi thuộc về tâm chẳng giúp ích gì cho tôi. Ông là bác sĩ, hãy làm cho tôi hết đau. Nếu không chữa cho tôi khỏi, ông không phải là bác sĩ.” M: Rất đúng.

H: Ông vừa đặt xong đường rầy, nhưng không có cầu nên xe hỏa không qua được. Phải bắc cầu.

M: Chẳng cần đến cầu.

H: Phải có cái gì đó nối liền thế giới của ông với thế giới của tôi.

M: Không cần một sự nối liền nào giữa một thế giới thật và một thế giới tưởng tượng, vì không thể có một sự kết nối nào như thế được.

H: Vậy chúng tôi phải làm gì?

M: Tìm hiểu thế giới của ông, dồn hết tâm trí cho nó, xem xét nó thật kỹ lưỡng, tìm hiểu cẩn thận mọi ý nghĩ về nó; thế là đủ.

H: Thế giới thì quá rộng lớn để tìm hiểu. Tất cả những gì tôi biết là tôi hiện hữu. Thế giới gây phiền não cho tôi, và tôi làm cho thế giới phiền não.

M: Theo kinh nghiệm của Ta thì mọi thứ đều là cực lạc. Nhưng lòng ham muốn cực lạc gây ra đau khổ. Như thế cực lạc trở thành mầm mống của đau khổ. Toàn thể vũ trụ bao la của sự đau khổ đều khởi sinh từ tham ái. Hãy từ bỏ sự ham muốn lạc thú, ông sẽ không còn biết đau khổ là gì.

H: Làm sao lạc thú có thể là mầm mống của đau khổ?

M: Chỉ vì để có được lạc thú ông phạm không biết bao nhiêu tội lỗi. Và quả của tội lỗi là sự đau khổ và cái chết.

H: Ông bảo rằng thế giới không có ích lợi gì đối với chúng tôi, mà chỉ là một nỗi thống khổ. Tôi cảm thấy không phải như thế. Thượng đế không phải là một kẻ ngu ngốc. theo tôi thế giới là một nhà máy khổng lồ biến tiềm năng thành hiện thực, vật chất thành sự sống, cái vô thức thành cái hoàn toàn tỉnh thức. Để nhận ra cái tối thượng chúng ta cần kinh nghiệm của những cái đối nghịch. Cũng như muốn xây dựng một đền đài chúng ta cần đến đá và hồ vữa, gỗ và sắt, kính và ngói; như vậy để trở nên thánh nhân, chủ tể của sự sống và cái chết, một người phải cần đến chất liệu của mọi kinh nghiệm. Cũng như một người đàn bà ra chợ, mua đủ loại thực phẩm, về nhà nấu nướng rồi dâng cho vị chủ nhân ăn, chúng ta hãy nướng mình thật ngon trong ngọn lửa của sự sống để dâng lên Thượng đế thọ dụng.

M: Thế à, nếu ông nghĩ như thế thì cứ hành động đi. Bằng mọi cách, mời Thượng đế của ông thọ dụng.

H: Một đứa trẻ đến trường học đủ mọi thứ để rồi sau này chẳng dùng được cái gì. Nhưng qua tiến trình học hỏi đứa trẻ trưởng thành. Tương tự như thế chúng ta trải qua vô số kinh nghiệm và quên đi tất cả, nhưng trong lúc đó chúng ta luôn luôn trưởng thành. Một Gnani là gì nếu không phải là một con người với một thiên tài về thực tại ! Thế giới này của tôi không thể là ngẫu nhiên. Nó có ý nghĩa, và như thế là phải có một đồ án đằng sau nó. Và đồ án đó ở trong tay Thượng đế của tôi.

M: Nếu thế giới là hư giả thì đồ án và người thiết kế đồ án đó cũng là hư giả.

H: Ông lại phủ nhận thế giới. Không có một cây cầu nào giữa chúng ta.

M: Không cần phải có cây cầu. Sự lầm lẫn của ông là tin tưởng ông được sinh ra. Ông chưa hề được sinh ra và ông sẽ không bao giờ chết đi, nhưng ông tin rằng ông đã được sinh ra vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, và một thân xác nào đó là của chính ông.

H: Thế giới hiện hữu, tôi hiện hữu. Đó là những sự kiện thực tế.

M: Vì sao ông lại bận tâm đến thế giới trước khi lo lắng cho chính ông? Ông muốn cứu vớt thế giới, có phải thế không? Liệu ông có cứu được thế giới trước khi tự cứu ông? Và được cứu vớt có nghĩa là gì? Được cứu vớt khỏi cái gì? Khỏi ảo tưởng. Sự cứu vớt có nghĩa là thấy mọi vật như chính chúng là. Ta thật sự không thấy Ta có liên quan với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Thậm chí cũng chẳng liên quan đến một cái Ta, dù cái Ta đó là gì. Ta không bao giờ có thể được xác định. Ta vừa ở trong vừa ở ngoài - vô cùng thân thiết nhưng không thể đến gần.

H: Làm sao ông đã đạt được như thế?

M: Bằng tín tâm đối với Tôn sư. Tôn sư đã bảo Ta: “Chỉ một mình ông ” và Ta đã không nghi ngờ ngài. Ta đã tư duy sâu sắc về lời ngài nói, cho đến khi nhận ra đó là chân lý tuyệt đối.

H: Tin tưởng bằng sự lập đi lập lại?

M: Bằng sự giác ngộ chính mình. Ta nhận ra rằng Ta luôn luôn ý thức và an vui tuyệt đối. Chỉ vì lầm lẫn nên Ta mới tưởng rằng nhờ thân xác và thế giới của những thân xác mà Ta có được hiện hữu - ý thức - an lạc.

H: Ông không phải là người có học thức. Ông cũng chẳng đọc

kinh sách nhiều, và những gì ông đọc hay nghe có lẽ không tự mâu thuẫn. Còn tôi là người có sở học khá cao, và đã từng đọc rất nhiều; tôi nhận thấy sách vở và thầy dạy mâu thuẫn với nhau một cách vô vọng. Do đó tôi nghi hoặc bất cứ gì đọc được hay nghe được. Phản ứng đầu tiên của tôi luôn luôn là: “Nó có thể là như thế, hoặc, nó không thể là như thế.” Vì tâm tôi không thể quyết định cái gì là thật và cái gì là hư giả nên tôi chơi vơi trong nghi hoặc. Trong Yoga mang một cái tâm nghi hoặc là một bất lợi vô cùng to lớn.

M: Nghe những điều ông nói kể cũng hay; nhưng Tôn sư cũng dạy tôi phải tuyệt đối nghi hoặc tất cả mọi thứ. Ngài bảo: “phủ nhận sự tồn tại đối với tất cả mọi cái ngoại trừ cái Ta của người.” Bằng tham ái ông đã tạo ra thế giới với những lạc thú và khổ đau của nó.

H: Thế giới có bắt buộc phải đau khổ như thế không?

M: Làm sao khác được? Chính bản chất của lạc thú là hữu hạn và vô thường. Lạc thú khởi sinh từ đau khổ, trong đau khổ nó tìm kiếm sự thỏa mãn, và kết thúc trong nỗi đau đớn của sự chán chường và tuyệt vọng. Đau khổ luôn luôn là hậu cảnh của lạc thú, mọi tìm cầu lạc thú đều khởi sinh từ đau khổ và chấm dứt trong đau khổ.

H: Tất cả những điều ông nói đối với tôi quá rõ ràng. Nhưng khi có phiền não vật lý hay tâm lý xảy đến thì tâm tôi lại trở nên u tối và ảm đạm, hoặc tìm cách giải khuây một cách điên cuồng.

M: Điều ấy có gì quan trọng? Chỉ cái tâm là u tối và bất ổn, có phải ông đâu? Ông nhìn xem, đủ mọi chuyện xảy ra trong căn phòng này. Ta có làm cho chúng xảy ra đâu? Chúng chỉ xảy ra. Với ông cũng thế - cuốn sổ định mệnh tự khai mở và hiện thực hóa những gì bất khả tránh. Ông không thể thay đổi dòng diễn tiến của các sự kiện, nhưng ông có thể thay đổi được thái độ của ông, và điều thực sự quan trọng là thái độ chứ không phải đơn thuần sự kiện. Thế gian là cõi giới của tham ái và lo sợ. Ông không thể tìm được sự an lạc trong đó. Muốn có an lạc ông phải vượt ra khỏi thế giới. Nguyên nhân căn bản của thế giới là sự yêu quí chính mình. Vì nó mà chúng ta tìm kiếm lạc thú và né tránh khổ đau. Thay sự yêu quí chính mình bằng sự yêu quí cái Ta thì bức tranh sẽ thay đổi. Đấng sáng tạo Brahma là tổng thể của tất cả mọi tham ái. Thế giới là phương tiện để thỏa mãn những tham ái đó. Người ta chấp nhận bất cứ lạc thú nào mà họ mong muốn để rồi trả giá bằng nước mắt. Thời gian sẽ thanh toán mọi nợ nần. Luật quân bình có hiệu lực tối thượng.

H: Để trở thành một siêu nhân trước tiên phải là một con người. Thành nhân là kết quả của vô số kinh nghiệm. Lòng ham muốn đưa đến kinh nghiệm. Như thế, vào thời điểm của nó và ở bình diện của nó, lòng ham muốn là chính đáng.

M: Về một phương diện tất cả điều đó đều đúng. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, sau khi gom góp đầy đủ ông phải khởi công xây dựng. Lúc đó sàng lọc và loại bỏ - Viveka-Vairagya - là vô cùng cần thiết. Mọi thứ cần phải được xem xét cẩn thận và những cái không cần thiết phải được loại bỏ một cách không thương tiếc. Cứ tin Ta đi, loại bỏ thì chắc chắn là nhiều, vì trong thực tế chẳng cái gì có giá trị. Cứ thản nhiên một cách tha thiết - thế là đủ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh