Ta Là Cái Đó: Chương 15. Vô Tham Ái Là Cực Lạc

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 15. VÔ THAM ÁI LÀ CỰC LẠC

Hỏi: Tôi đã gặp rất nhiều người giác ngộ, nhưng chưa bao giờ gặp một người giải thoát. Ông đã gặp người nào giải thoát chưa, hay giải thoát có nghĩa - trong những phương cách của nó - là từ bỏ thân xác

Maharaj: Ông hiểu thế nào là giác ngộ và giải thoát?

H: Giác ngộ có nghĩa là một kinh nghiệm tuyệt vời của an lạc, thiện và mỹ, khi thế giới có ý nghĩa, và có một sự hợp nhất bao trùm tất cả bản chất lẫn tánh thể. Một kinh nghiệm như thế dù không dài lâu, nhưng không thể quên được. Nó chiếu sáng trong tâm, vừa như ký ức vừa như mong đợi. Tôi biết điều tôi đang nói vì tôi đã từng trải qua những kinh nghiệm như thế.

Còn giải thoát theo tôi có nghĩa là thường xuyên ở trong trạng thái tuyệt vời đó. Điều tôi muốn hỏi là liệu giải thoát có tương hợp với sự sống lâu của thân xác?

M: Có gì không ổn với thân xác?

H: Thân xác thì quá yếu đuối và ngắn ngủi. Nó tạo ra những đòi hỏi và thèm khát. Nó giới hạn con người một cách trầm trọng.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Thì đã sao? Cứ mặc kệ những thể hiện vật lý hữu hạn. Còn giải thoát là đem cái Ta khỏi những ý nghĩ sai lầm và tự áp đặt; giải thoát không phải là nội dung của một kinh nghiệm riêng biệt nào đó, dù huy hoàng đến đâu.

H: Giải thoát có tồn tại mãi?

M: Tất cả kinh nghiệm đều bị rang buộc bởi thời gian. Bất cứ gì có một khởi đầu đều phải có một kết thúc.

H: Như vậy giải thoát, theo ý nghĩa từ ngữ của tôi, không tồn tại?

M: Trái lại, một người luôn luôn tự do. Ông vừa ý thức vừa tự do ý thức. Không ai có thể tước đoạt của ông. Có bao giờ ông biết chính ông không tồn tại, hoặc vô thức?

H: Tôi không thể nhớ, những điều đó không bác bỏ thực tế là có những lúc tôi vô thức.

M: Tại sao ông không từ bỏ kinh nghiệm để quay sang người kinh nghiệm, và nhận ra tất cả ý nghĩa của chân ngôn duy nhất: “Ta hiện hữu”?

H: Làm sao thực hiện được điều đó?

M: Không có “làm sao” ở đây. Chỉ cần giữ trong tâm cảm giác “Ta hiện hữu”, nhập vào nó, cho đến khi tâm ông và cảm giác trở nên một. Bằng những cố gắng lập đi lập lại ông sẽ ngẫu nhiên đạt được sự quân bình đúng mức giữa chú ý và cảm xúc, và tâm ông sẽ được dựng lập một cách kiên cố trong cái ý-nghĩ-và-cảmgiác “Ta hiện hữu”. Dù ông nghĩ gì, nói gì hay làm gì thì ý thức về sự hiện hữu bất di bất dịch và thân thiết này luôn luôn hiện diện như hậu cảnh của tâm.

H: Và ông gọi đó là giải thoát?

M: Ta gọi đó là bình thường. Có gì không đúng khi hiện hữu, biết và hành động một cách vui sướng mà chẳng cần phải cố gắng? Tại sao lại cho đó là điều bất thường để muốn hủy diệt thân xác ngay lập tức. Có gì không phải với cái thân xác mà cuối cùng nó sẽ chết đi? Hãy sửa lại thái độ của ông đối với thân xác của ông, và cứ để kệ nó. Đừng nuông chiều và cũng đừng hành hạ thân xác. Cứ để nó hành hoạt trong hầu hết mọi lúc dưới ngưỡng của sự chú ý hữu thức.

H: Ký ức của những kinh nghiệm tuyệt vời cứ ám ảnh tôi. Tôi muốn chúng trở lại.

M: Vì muốn chúng trở lại nên ông không thể có chúng. Trạng thái khao khát sẽ ngăn chặn những kinh nghiệm sâu sắc hơn.

Không gì có giá trị lại xảy ra với một cái tâm biết chính xác cái nó mong cầu. Vì không gì mà tâm có thể hình dung được và mong cầu lại có giá trị.

H: Thế thì có gì đáng mong cầu?

M: Mong cầu cái Tối thượng. Hạnh phúc tối thượng, tự do vô biên. Vô tham ái là cực lạc.

H: Tự do vô tham ái không phải thứ tự do mà tôi muốn. Tôi muốn tự do thỏa mãn mọi mong cầu của tôi.

M: Ông hoàn toàn tự do thỏa mãn mọi mong cầu của ông. Thật ra, ông chẳng làm gì khác.

H: Tôi thử rồi, nhưng có những chướng ngại làm cho tôi nản lòng.

M: Khắc phục chúng.

H: Không được, tôi quá nhu nhược.

M: Cái gì làm cho ông nhu nhược? Cái gì là sự yếu đuối? Nhiều người thực hiện được những mong muốn của họ, tại sao ông lại không?

H: Chắc là tôi thiếu năng lực.

M: Chuyện gì xảy ra với năng lực của ông? Nó tiêu tán đi đâu? Thế không phải ông đã phung phí nó cho quá nhiều ham muốn và theo đuổi đầy mâu thuẫn. Ông không thể có một nguồn năng lượng vô tận.

H: Tại sao lại không?

M: Mục đích của ông thì nhỏ bé và thấp kém. Chúng không đòi hỏi nhiều. Chỉ có năng lực của Thượng đế là vô tận vì Thượng đế không ham muốn gì cho chính Ngài. Hãy giống như Ngài rồi tất cả những mong muốn của ông sẽ được thực hiện. Mục đích của ông càng cao, mong muốn của ông càng lớn thì ông càng có nhiều năng lực để thực hiện chúng. Mong muốn những điều tốt lành cho mọi người thì vũ trụ sẽ hành động với ông. Nhưng nếu chỉ mong cầu lạc thú riêng tư thì ông phải kiếm nó một cách nhọc nhằn.

Trước khi mong muốn, hãy tỏ ra xứng đáng.

H: Tôi đang học triết học, xã hội học và giáo dục. Tôi nghĩ rằng cần phải phát triển thêm tâm thức trước khi mơ tưởng đến sự giác ngộ chính mình. Tôi có đi đúng đường không?

M: Để kiếm sống thì cần phải có một kiến thức chuyên biệt nào đó. Hiển nhiên kiến thức tổng quát phát triển tâm thức. Nhưng nếu suốt đời gom góp kiến thức thì ông chỉ dựng lên một bức tường quanh ông. Để vượt ra khỏi tâm, không cần phải có một cái tâm được trang bị tốt.

H: Vậy cái gì là cần thiết?

M: Đừng tin vào tâm, và ra khỏi tâm.

H: Tôi sẽ tìm thấy gì bên ngoài tâm?

M: Kinh nghiệm trực tiếp về hiện hữu, biết và tình yêu.

H: Làm sao một người vượt ra khỏi tâm?

M: Có nhiều điểm khởi đầu - chúng đều dẫn đến cùng một đích. Ông có thể bắt đầu với những việc làm vô vị kỷ, không màng đến kết quả của hành động; rồi ông có thể buông bỏ mọi ý nghĩ và kết thúc bằng buông bỏ mọi tham ái. Ở đây, buông bỏ là yếu tố chủ động. Hoặc ông chẳng cần bận tâm đến bất cứ gì ông mong cầu, suy nghĩ, hay hành động, mà chỉ an trú trong ý-nghĩ-và-cảm-giác “Ta hiện hữu”, tâm kiên trì chú ý cái “Ta hiện hữu”. Đủ mọi loại kinh nghiệm sẽ xảy đến với ông, nhưng hãy tuyệt nhiên bất động trong sự hiểu biết rằng tất cả những gì có thể nhận thức được đều biến dịch, chỉ cái “Ta hiện hữu” mới bất biến.

H: Tôi không thể dành trọn đời cho những tu tập như thế. Tôi còn có những nhiệm vụ khác phải làm.

M: Bằng mọi cách cứ làm các nhiệm vụ của ông. Hành động - mà ông không can dự vì cảm xúc, đem lại lợi lạc và không gây đau khổ - sẽ không trói buộc được ông. Ông có thể tham dự vào những phương hướng khác nhau, hành động vô cùng hăng say, nhưng bên trong vẫn tự do và tĩnh lặng, với một cái tâm trong như mặt gương, phản chiếu tất cả mà không hề bị tác động.

H: Liệu một trạng thái như thế có thể thực hiện được không?

M: Nếu không được thì Ta đã không nói. Việc gì Ta lại can dự vào những điều hoang tưởng?

H: Mọi người đều viện dẫn kinh điển.

M: Những người chỉ biết kinh điển thì chẳng biết gì. Biết là hiện hữu. Ta biết Ta đang nói gì, cái Ta nói không qua đọc sách hay nghe nói mà biết.

H: Tôi đang học Phạn ngữ dưới sự chỉ dẫn của một giáo sư, nhưng thật ra tôi chỉ đọc kinh sách. Tôi đi tìm sự giác ngộ chính mình, và đến đây để mong được chỉ giáo. Làm ơn cho tôi biết tôi phải làm gì?

M: Ông đã từng đọc kinh sách, vậy hỏi Ta làm gì?

H: Kinh sách chỉ cho biết những đường hướng tổng quát, một người cần những chỉ giáo riêng.

M: Cái Ta của ông là đạo sư tối hậu của ông - Sadguru. Đạo sư bên ngoài - Guru - chỉ là phương tiện chỉ đường. Chỉ có đạo sư bên trong của ông mới đi cùng với ông đến đích, vì ông ta là đích đến.

H: Tìm đến với đạo sư bên trong không phải là chuyện dễ dàng.

M: Vì Đạo sư ở trong ông và ở cùng với ông, nên sự khó khăn không phải là nghiêm trọng. Hãy nhìn vào bên trong và ông sẽ tìm thấy vị Đạo sư.

H: Khi nhìn vào trong tôi chỉ thấy các cảm giác và nhận thức, ý nghĩ và cảm thọ, tham ái và lo sợ, ký ức và chờ mong. Tôi bị chìm đắm trong đám mây đó và chẳng thấy gì khác.

M: Cái thấy được những cái ông nói, và thấy được cả cái không - chính là vị đạo sư bên trong của ông. Chỉ có vị đạo sư hiện hữu, tất cả những cái khác chỉ có vẻ như hiện hữu. Đạo sư là cái Ta của chính ông - Swarupa - là niềm hy vọng và cũng là sự bảo đảm đem lại tự do của chính ông. Hãy tìm ra vị Đạo sư và bám chặt lấy ông ta, ông sẽ được cứu độ và an toàn.

H: Tôi hoàn toàn tin ông, nhưng khi thực sự đi tìm cái Ta bên trong, tôi thấy nó lẩn trốn tôi.

M: Cái ý nghĩ “nó lẩn trốn tôi” sinh khởi từ đâu?

H: Trong tâm.

M: Ai là kẻ biết tâm?

H: Nhân chứng của tâm biết tâm.

M: Có kẻ nào đến bảo ông rằng: “Ta là nhân chứng của tâm ông” không?

H: Dĩ nhiên là không. Nếu có thì kẻ đó chỉ là một ý nghĩ khác trong tâm.

M: Vậy ai là nhân chứng?

H: Tôi.

M: Như thế, ông biết nhân chứng vì chính ông là nhân chứng. Ông chẳng cần nhìn thấy nhân chứng trước mặt ông. Một lần nữa, nên nhớ rằng: hiện hữu là biết.

H: Vâng, tôi thấy rằng tôi là nhân chứng, là tự thân tánh biết. Nhưng điều đó có lợi lạc gì cho tôi?

M: Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn! Ông chờ mong lợi lạc gì?

Biết được cái ông là chưa đủ lợi lạc hay sao?

H: Những công năng của sự biết chính mình là gì?

M: Nó giúp ông hiểu được cái mà ông không là, và đoạn trừ mọi tà kiến, tham ái và hành động sai lầm của ông.

H: Nếu tôi chỉ là nhân chứng thì đúng và sai có gì quan trong?

M: Cái gì giúp cho ông biết chính ông là cái đúng. Cái gì ngăn trở là sai. Biết được cái Ta thật của chính mình là hỷ lạc, quên mất nó là đau khổ.

H: Có phải ý thức nhân chứng là cái Ta thật?

M: Nó là ảnh phản chiếu của cái thật trong tâm - Buddhi. Cái thật ở ngoài. Nhân chứng là cánh cửa mà qua đó ông đi ra ngoài.

H: Mục đích của thiền là gì?

M: Thấy cái giả là giả, đó là thiền. Điều này phải xảy ra trong mọi lúc.

H: Chúng tôi được chỉ dạy phải thường xuyên hành thiền.

M: Chủ định hằng ngày thực tập phân biệt giữa cái thật và cái giả, là hành thiền. Khởi sự thì có nhiều loại thiền, nhưng cuối cùng tất cả sẽ hội nhập làm một.

H: Vui lòng cho tôi biết con đường nào ngắn nhất đưa đến sự giác ngộ chính mình?

M: Chẳng có con đường nào dài và cũng chẳng có con đường nào ngắn, chỉ có người nhiều nhiệt tâm hay ít nhiệt tâm. Để Ta cho ông biết về trường hợp của Ta. Ta chỉ là một người chân phương, và tuyệt đối tin tưởng Tôn sư. Điều Tôn sư bảo Ta làm, Ta đã làm theo. Tôn sư bảo Ta tập trung vào cái “Ta hiện hữu”, Ta đã làm như thế. Tôn sư bảo Ta ở ngoài tất cả những gì có thể nhận thức được và nghĩ tưởng được, Ta tin theo. Ta trao trọn cho Tôn sư trái tim và tâm hồn, tất cả sự chú ý và thời gian rãnh rỗi (Ta còn phải làm việc để nuôi sống gia đình). Kết quả của tín tâm và sự thành khẩn thực hành, trong vòng ba năm Ta đã giác ngộ cái Ta - swarupa - của Ta.

Ông có thể chọn bất cứ cách nào thích hợp với ông; lòng thành khẩn sẽ quyết định tiến độ của ông.

H: Không có một gợi ý riêng nào cho tôi?

M: Kiên cố an định chính ông trong cái biết “Ta hiện hữu”. Đây là sự khởi đầu và cũng là sự kết thúc của tất cả mọi tinh tấn.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh