Ta Là Cái Đó: Chương 96. Tâm Và Thế Giới Không Tách Biệt

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 96. TÂM VÀ THẾ GIỚI KHÔNG TÁCH BIỆT

Hỏi: Tôi thấy trong căn phòng này của ông có nhiều hình ảnh của các bậc thánh nhân, và được biết họ là các tổ sư của ông. Các bậc ấy là những ai, và tất cả đã bắt đầu như thế nào?

Maharaj: Chúng ta được gọi chung là Navnath - “Chín Vị Chân Sư”. Theo truyền thuyết, sơ tổ là Rishi Dattatreya, tức hiện thân vĩ đại của Ba Vị Brahma, VishnuShiva. “Chín Vị Chân Sư” đều là thần thoại.

H: Tính cách đặc thù về giáo pháp của họ là gì?

M: Sự đơn giản, về lý thuyết lẫn thực hành.

H: Làm sao một người trở thành Chân sư - Navnath? Bằng sự khai tâm hay kế thừa?

M: Không phải vậy. Truyền thống “Chín Vị Chân Sư” - Navnath Parampara - như một giòng sông chảy vào đại dương của thực tại, bất cứ ai nhập lưu đều được cuốn theo.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

H: Điều đó hàm ý là phải được sự chấp thuận của một Đạo sư còn sống, cùng truyền thống?

M: Những ai thực hành pháp Sadhana đặt tâm vào cái “Ta hiện hữu” thường cảm thấy có liên hệ với những người đã hành theo pháp này và thành công. Họ có thể quyết định ngôn từ hóa mối quan hệ đồng môn bằng cách gọi nhau là Navnath. Điều này làm cho họ cảm thấy hoan hỉ thuộc về cùng một truyền thống.

H: Họ có được lợi lạc gì trong sự lập môn như thế không?

M: Cùng với thời gian, Satsang, hay còn gọi là “chư hiền thánh” ngày càng đông.

Mua đá năng lượng:

H: Có phải bằng cách đó họ mới nắm giữ được một nguồn năng lực và ân đức, nếu không thì họ bị ngăn lại?

M: Năng lực và ân đức dành cho tất cả, và cho những ai cầu xin. Cho mình một cái tên riêng biệt nào đó chẳng giúp được gì. Có gọi ông bằng bất cứ danh xưng nào thì cũng thế; nhưng nếu ông biết chính ông một cách mãnh liệt thì mọi chướng ngại chồng chất ngăn che sự hiểu biết chính mình chắc chắn sẽ bị quét sạch.

H: Nếu tôi thích những gì ông chỉ giáo, và chấp nhận sự hướng dẫn của ông, liệu tôi có thể tự nhận là một Navnath?

M: Cứ làm vừa ý cái tâm lệ thuộc vào ngôn từ của ông! Một danh xưng chẳng thay đổi được ông. Tốt lắm thì nó nhắc nhở ông phải hành xử cho tương xứng. Có sự truyền thừa từ Đạo sư xuống môn đồ, rồi đến lượt môn đồ chỉ giáo các môn đồ khác, như thế môn phái được lưu truyền. Tuy nhiên sự tiếp tục của truyền thống thì không theo nghi thức và hoàn toàn tự ý. Cũng giống như tên họ (family name) của một người, nhưng ở đây là họ tâm linh.

H: Có cần phải giác ngộ để gia nhập Sampradaya?

M: Navnath Sampradaya là một truyền thống, một cách chỉ giáo và tu tập. Nó không hàm ý một giai tầng của ý thức. Nếu ông chấp nhận một Navnath Sampradaya làm Đạo sư của ông thì có nghĩa ông đã gia nhập Sampradaya của vị đó. Thường thì ông nhận được một biểu hiện ân đức của vị Đạo sư như một cái nhìn, một sự đụng chạm, hoặc một tiếng nào đó. Có khi là một giấc mơ rất sống động, hay một sự tưởng nhớ rất mãnh liệt. Có khi dấu hiệu của ân đức chỉ là sự thay đổi quan trọng và nhanh chóng về cá tính và thái độ.

H: Tôi biết ông vài năm nay và tôi vẫn gặp ông đều đặn. Ý nghĩ về ông không bao giờ xa rời tâm tôi. Điều đó có khiến tôi thuộc về Sampradaya của ông không?

M: Sự tùy thuộc của ông là vấn đề thuộc cảm nhận và tin tưởng của riêng ông. Xét cho cùng tất cả chỉ là ngôn từ và hình thức. Trong thực tại không có Đạo sư hay môn đồ, không có thuyết giáo hay thực hành, không có vô minh hay giác ngộ. Tất cả đều tùy thuộc cái mà ông cho ông là. Hãy biết ông một cách đúng thật. Không gì có thể thay thế sự biết rõ chính mình.

H: Căn cứ vào bằng chứng nào mà tôi biết chính tôi một cách đúng thật?

M: Ông chẳng cần đến bằng chứng. Kinh nghiệm về giác ngộ chính mình là có một không hai, và không thể lầm lẫn được. Nó hốt nhiên bừng nở trong ông khi các chướng ngại được loại bỏ đến một mức độ nào đó. Nó cũng giống như tiếng kêu của một sợi dây thừng bị sờn và sắp đứt. Những gì ông làm chỉ là gia cố các tao thừng. Sợi thừng chắc chắn sẽ đứt - dù có thể bị trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn.

H: Tôi cảm thấy bối rối về thái độ phủ nhận tương quan nhân quả của ông. Điều đó có nghĩa là không ai chịu trách nhiệm về hiện tình của thế giới?

M: Ý tưởng về trách nhiệm chỉ ở trong tâm ông. Ông cho rằng phải có một cái gì đó hoặc một ai đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra. Có một sự mâu thuẫn giữa một vũ trụ phức tạp và một nguyên nhân duy nhất. Hoặc cái này, hoặc cái kia chắc chắn là không đúng. Hoặc cả hai. Theo như Ta thấy thì tất cả đều là chiêm bao giữa ban ngày. Không hề có thực thể trong các ý tưởng. Thực tế là nếu không có ông thì cả vũ trụ lẫn nguyên nhân của nó đã không thể hình thành.

H: Tôi vẫn không thể phân biệt rằng tôi là tạo vật của vũ trụ hay vũ trụ là tạo vật của tôi.

M: “Ta hiện hữu” là một thực tế thường tại, còn “Ta được tạo ra” chỉ là một ý tưởng. Không có Thượng đế nào hay vũ trụ nào đến bảo ông rằng họ đã tạo ra ông. Cái tâm bị ám ảnh với ý tưởng nhân quả nên tưởng tượng ra sự tạo dựng, rồi thắc mắc “Ai là người tạo dựng?” Chính tâm là người tạo dựng. Thậm chí điều đó cũng không đúng, vì cái được tạo dựng và người tạo ra nó là một. Tâm và thế giới không hề tách biệt. Nên hiểu rằng những gì ông cho là thế giới lại chính là tâm ông.

H: Có một thế giới nào siêu vượt tâm, hoặc ở ngoài tâm?

M: Tất cả không gian và thời gian đều ở trong tâm. Ông tìm kiếm một thế giới siêu vượt tâm ở đâu? Tâm có nhiều giai tầng và mỗi giai tầng phóng chiếu ra phiên bản của riêng nó, nhưng tất cả đều ở trong tâm và được tâm tạo ra.

H: Thái độ của ông về tội lỗi như thế nào? Ông nhìn một kẻ có tội, kẻ đã phạm pháp, bên trong hoặc bên ngoài như thế nào? Ông muốn kẻ đó thay đổi hay ông chỉ thương hại? Hay, ông không đếm xỉa đến kẻ đó vì những tội lỗi của hắn gây ra?

M: Ta không hề biết đến tội hay kẻ có tội. Sự phân biệt và quy định giá trị của ông không ràng buộc được Ta. Mỗi người hành sử theo bản chất riêng của mình. Không thể giúp gì được, mà cũng chẳng cần phải ân hận.

H: Nhưng người khác chịu đau khổ.

M: Sự sống này sống bằng sự sống khác. Trong thiên nhiên tiến trình này là bắt buộc, nhưng trong xã hội thì nó phải là tự nguyện. Không thể có sự sống mà không có sự hy sinh. Kẻ có tội từ chối hy sinh và mời gọi cái chết. Điều này như thế vì nó là như thế, và không có lý do để lên án hay thương hại.

H: Ít ra thì ông cũng động từ tâm khi thấy một kẻ đắm chìm trong tội lỗi.

M: Có. Ta cảm thấy Ta là người đó và tội lỗi của người đó là tội lỗi của Ta.

H: Vâng, và tiếp đến là gì?

M: Vì Ta trở nên một với người đó nên người đó trở nên một với Ta. Đây không phải là một tiến trình hữu thức, nó hoàn toàn tự xảy ra. Không ai có thể ngăn cản được. Cái cần thay đổi thì bằng cách này hay cách khác sẽ thay đổi; biết rõ chính mình như mình là - ở đây và bây giờ - là đủ. Tìm hiểu tâm mình một cách mãnh liệt và có phương pháp chính là Yoga.

H: Thế còn những xiềng xích của định mệnh do tội lỗi gây ra?

M: Khi vô minh - mẹ của định mệnh - tan biến, thì định mệnh - sự cưỡng bách tái phạm tội - chấm dứt.

H: Phải có sự đền tội.

M: Cùng với sự chấm dứt vô minh, tất cả đều chấm dứt. Mọi thứ sẽ được thấy như chính chúng là, và chúng là tốt lành.

H: Nếu một kẻ có tội, một kẻ phạm pháp, đến gặp ông và cầu xin ân đức, phản ứng của ông thế nào?

M: Người đó sẽ nhận được cái mà người đó cầu xin.

H: Dù người đó là một kẻ xấu?

M: Ta không biết người xấu, Ta chỉ biết chính Ta. Ta không thấy thánh nhân hay tội nhân mà chỉ có chúng sinh. Ta không hề ban phát ân đức. Bất cứ gì Ta có thể cho hay từ chối thì ông đều có cùng như thế. Hãy biết rõ sự giầu có của ông và tận dụng nó. Bao giờ còn tưởng tượng phải cần đến ân đức của Ta thì ông còn đến cửa nhà Ta để cầu xin ân đức.

Nếu Ta cầu xin ân đức của ông thì có vẻ vô lý. Nhưng thật ra chúng ta không tách biệt, cái thật thì chung.

H: Một bà mẹ có chuyện đau khổ đến gặp ông. Đứa con trai duy nhất của bà ta nghiện ngập ma túy và sa đà trong tình dục, từ xấu xa trở nên tệ hại. Bà Ta cầu xin ân đức của ông. Ông sẽ phản ứng như thế nào?

M: Có lẽ Ta sẽ nghe Ta bảo bà ấy là mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

H: Chỉ thế thôi?

M: Thế thôi. Ông còn mong gì hơn nữa?

H: Nhưng liệu đứa con của bà Ta có thay đổi?

M: Có thể có mà cũng có thể không?

H: Những người thân cận với ông, và những người biết ông nhiều năm đều bảo rằng khi ông nói “mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp” thì chắc chắn mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như ông nói.

M: Ông cũng có thể cho rằng tấm lòng của bà mẹ đã cứu đứa con. Sự việc nào cũng có vô số nguyên nhân.

H: Tôi nghe nói rằng người không muốn gì cho riêng mình thì có vô số quyền năng. Cả vũ trụ thuộc quyền sử dụng của người ấy.

M: Nếu tin như thế thì ông hãy thử xem. Từ bỏ tất cả tham ái và vận dụng tất cả năng lực có được từ sự gạt bỏ đó để thay đổi thế giới!

H: Ngay cả chư Phật và các Rishi cũng chưa hề thành công trong việc thay đổi thế giới.

M: Thế giới không chịu khuất phục trước thay đổi. Bản chất của thế giới thì đầy đau khổ và vô thường. Thấy được thế giới như chính nó là thì ông sẽ thoát khỏi mọi tham ái và lo sợ. Khi không câu thúc và ràng buộc được ông thì thế giới trở thành cõi giới của sự vui sướng và cái đẹp. Ông chỉ có thể hạnh phúc trong thế giới khi nào ông không còn bị thế giới ràng buộc.

H: Cái gì là đúng và cái gì là sai?

M: Nói chung, cái gì gây đau khổ là sai, và cái gì loại trừ được đau khổ là đúng. Thân và tâm đều hữu hạn, do đó thường xuyên bị đe dọa; vì thân và tâm cần được bảo vệ nên lo sợ khởi sinh. Bao giờ còn đồng hóa ông với thân tâm thì chắc chắn ông còn đau khổ; nhận ra sự bất tùy thuộc của ông đối với thân, tâm thì ông luôn luôn hạnh phúc. Ta cho ông biết, đây là bí quyết của hạnh phúc: Tin rằng ông tùy thuộc vào vật hay người khác để có hạnh phúc là do vô minh về bản tánh chơn thật của ông; biết được ông không cần gì để hạnh phúc, ngoại trừ sự biết rõ chính mình - là trí tuệ.

H: Cái gì có trước, hiện hữu hay tham ái?

M: Cùng với hiện hữu sinh khởi trong ý thức, những ý tưởng về cái ông là, cũng như cái ông phải là - sinh khởi trong tâm ông. Điều này đưa đến tham ái và hành động, và tiến trình trở thành bắt đầu. Như thế, rõ ràng là tiến trình trở thành không có sự bắt đầu hay kết thúc, vì nó có thể bắt đầu trở lại vào bất cứ lúc nào. Với sự chấm dứt của tưởng tượng và tham ái, tiến trình trở thành dừng lại, và hiện hữu như thế này hay hiện hữu như thế kia hội nhập vào hiện hữu thuần túy là trạng thái không thể diễn tả, mà chỉ có thể chứng nghiệm.

Đối với ông thế giới vô cùng thật, vì ông luôn luôn suy nghĩ về nó; chấm dứt suy nghĩ về nó thì nó sẽ tan biến như một màn sương mỏng. Ông không cần phải quên; khi tham ái và lo sợ chấm dứt thì ràng buộc cũng không còn. Chính sự xen vào của cảm xúc - tức là những tình huống của ưa thích và không thích mà chúng ta gọi là cá tính và tính tình - tạo ra ràng buộc.

H: Nếu không còn tham ái và lo sợ thì cái gì là động cơ của hành động?

M: Chẳng có gì là động cơ của hành động, trừ khi ông cho rằng tình yêu cuộc sống, tình yêu lẽ công bằng, tình yêu cái đẹp đủ là động cơ của hành động.

Đừng sợ tự do thoát ra khỏi tham ái và lo sợ. Chính nhờ sự tự

do đó ông mới có thể sống một cuộc đời khác hẳn với tất cả những gì ông biết, ông sẽ sống một cuộc sống thật sung mãn và đầy lý thú, và, đúng thế: Bằng cách mất đi tất cả ông có tất cả.

H: Vì ông bảo Đạo tổ của ông là Đấng Rishi Dattatreya, nếu chúng tôi tin rằng ông và các tiên sư đều là tái hiện thân của Đấng Rishi thì có đúng không?

M: Ông có thể tin bất cứ gì ông thích, và nếu hành động theo sự tin tưởng của ông thì ông sẽ nhận được kết quả của nó, nhưng đối với Ta điều đó không quan trọng. Ta là cái Ta là và đối với Ta điều này đã quá đủ. Ta không hề mong muốn đồng hóa chính Ta với bất cứ ai, dù có vinh quang đến đâu. Mà Ta cũng không cảm thấy cần thiết cho thần thoại là thực tại. Ta chỉ quan tâm đến vô minh và thoát khỏi vô minh. Vai trò đúng đắn của một Đạo sư là xóa tan vô minh trong trái tim và tâm thức của môn đồ. Một khi đã hiểu, thì hành động để xác minh thuộc về chính người môn đồ. Không ai có thể hành động cho người khác. Nếu người môn đồ không hành động đúng, thì điều đó có nghĩa là người môn đồ chưa hiểu, và công việc của Đạo sư chưa hoàn tất.

H: Chắc chắn phải có những trường hợp vô vọng.

M: Chẳng có trường hợp nào là vô vọng. Chướng ngại đều có thể vượt qua. Những gì mà cuộc đời không thể cải sửa thì cái chết sẽ kết thúc, nhưng Đạo sư thì không thể thất bại.

H: Cái gì khiến ông quả quyết như thế?

M: Đạo sư và thực tại bên trong người môn đồ thật ra chỉ là một và cùng hành động cho một mục đích - cứu độ và cứu vớt tâm. Họ không thể thất bại. Từ chính những tảng đá gây chướng ngại, họ xây các cây cầu. Ý thức không phải là toàn thể của hiện hữu - có những bình diện khác mà ở đó con người hợp tác hơn rất nhiều. Vị Đạo sư quen thuộc với đủ mọi bình diện; năng lượng và kiên nhẫn của Đạo sư thì vô tận.

H: Ông luôn luôn bảo rằng tôi đang chiêm bao và đã đến lúc tôi phải tỉnh thức. Làm sao điều đó có thể xảy ra khi ông đã nhiều lần đến với tôi trong các giấc chiêm bao của tôi, nhưng không thành công trong việc làm cho tôi tỉnh thức? Ông không ngừng thúc giục và nhắc nhở, nhưng giấc chiêm bao vẫn tiếp tục.

M: Đó là vì ông chưa thật sự hiểu được ông đang chiêm bao. Lẫn lộn giữa cái thật và cái không thật là gốc rễ của ràng buộc. Trong trạng thái hiện nay của ông chỉ ý thức “Ta hiện hữu” liên quan đến thực tại, còn “Ta là gì” và “Ta là thế nào” đều là những ảo tưởng được áp đặt bởi định mệnh, hay tình cờ.

H: Giấc chiêm bao đã bắt đầu vào lúc nào?

M: Nó có vẻ như không có sự bắt đầu, nhưng thật ra nó chỉ là bây giờ. Ông làm cho giấc chiêm bao đổi mới từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Một khi thấy được mình đang chiêm bao thì ông tỉnh thức. Nhưng ông không thấy, vì ông muốn giấc chiêm bao tiếp tục. Rồi sẽ đến một ngày ông ao ước sự kết thúc của giấc chiêm bao - với tất cả trái tim và tâm thức của ông, và ông sẵn sàng trả bằng mọi giá. Cái giá mà ông sẽ trả là: Thản nhiên và xa lìa, không còn quan tâm đến chính giấc chiêm bao.

H: Tôi thật không biết xoay sở ra sao. Chừng nào giấc chiêm bao của sự tồn tại còn kéo dài thì tôi còn muốn nó tiếp tục. Và chừng nào tôi còn muốn nó tiếp tục thì nó còn kéo dài.

M: Không muốn nó tiếp tục không phải là không được. Chỉ cần thấy biết rõ ràng sự điều kiện hóa của ông, chính sự thấy biết rõ ràng sẽ giải thoát ông.

H: Khi ở gần ông, tất cả những gì ông nói đều rất rõ ràng, nhưng ngay khi xa rời ông thì tôi lại bất an và lo lắng.

M: Ông không cần phải xa lìa Ta, ít ra là trong tâm ông. Nhưng tâm ông còn mải mê với sự an nguy của thế giới!

H: Thế giới đầy những rắc rối, chẳng trách được vì sao tâm tôi đầy phiền não.

M: Liệu thế giới có bao giờ không rắc rối? Sự hiện hữu của ông trong tương trạng một con người tùy thuộc vào bạo lực đối với người khác. Ngay chính thân ông cũng là một chiến trường, đầy những chết chóc và hấp hối. Tồn tại bao hàm bạo lực.

H: Là một thân xác thì đúng. Là một con người thì chắc chắn là không. Đối với nhân loại, bất bạo lực là quy luật của sự sống và bạo lực là quy luật của cái chết.

M: Ông có nhận thấy rằng bao giờ còn có cái Ta để bảo vệ thì ông còn phải dùng đến bạo lực?

H: Tôi biết. Để thật sự là con người, tôi phải mất đi cái Ta. Chừng nào còn vị kỷ tôi mới chỉ gần là người (sub-man), một sinh vật có nhân dạng.

M: Như thế, tất cả chúng ta mới gần là người, và chỉ rất ít là người. Ít hay nhiều, một lần nữa, chỉ có “sự thấy biết rõ ràng và lòng từ ái” mới làm cho chúng ta là con người. Những sinh vật gần như người - những sinh vật có nhân dạng - bị khống chế bởi TamasRajas, còn con người thì bởi Sattva. Sự thấy biết rõ ràng và lòng từ ái là Sattva vì nó ảnh hưởng đến tâm thức và hành động. Nhưng cái thật thì ở ngoài Sattva. Từ khi biết ông, ông có vẻ như luôn luôn tìm cách cứu giúp thế giới. Tính đến nay ông đã giúp được bao nhiêu?

H: Chẳng được gì. Không những thế giới đã không thay đổi, mà cả tôi cũng không. Thế giới vẫn đau khổ và tôi cũng đau khổ với thế giới. Cưỡng chống lại đau khổ là phản ứng tự nhiên. Văn minh, văn hóa, triết học và tôn giáo là gì, nếu không phải là sự nổi loạn chống lại đau khổ? Thế xấu xa và chấm dứt sự xấu xa không phải là mối ưu tư cứu cánh của ông hay sao? Nếu ông gọi đó là vô minh - thì cũng thế.

M: Hừ, ngôn từ thì chẳng quan trọng, mà ông mang hình tướng gì bây giờ cũng chẳng quan trọng. Danh xưng và hình tướng thay đổi không ngừng. Biết được chính ông là nhân chứng bất biến của một cái tâm luôn thay đổi. Thế là đủ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh