Ta Là Cái Đó: Chương 11. Con Người Không Phải Thực Tại

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 11. CON NGƯỜI KHÔNG PHẢI THỰC TẠI

Hỏi: Xin vui lòng cho chúng tôi biết ông đã giác ngộ như thế nào?

Maharaj: Năm 34 tuổi Ta gặp Tôn sư, và năm 37 tuổi Ta giác ngộ.

H: Chuyện gì đã xảy ra? Sự thay đổi đã diễn ra thế nào?

M: Lạc thú và đau khổ không còn tác động được Ta. Ta hoàn toàn thoát khỏi tham ái và lo sợ. Ta cảm thấy chính Ta viên mãn, chẳng cần gì cả. Ta thấy trong đại dương của tánh biết thanh tịnh, trên bề mặt của ý thức vũ trụ, vô số những đợt sóng của thế giới hiện tượng nổi lên và chìm xuống mà không hề có sự khởi đầu hay chấm dứt. Là ý thức - tất cả chúng là Ta. Là sự kiện xảy ra - tất cả chúng là của Ta. Có một quyền năng bí ẩn chăm lo cho chúng. Quyền năng đó là tánh biết, là Ta, là Sự sống, là Thượng đế, là bất cứ danh xưng gì mà các ông muốn gọi. Nó là nền tảng, là sự nương tựa tối hậu của tất cả mọi hiện hữu, giống như vàng là căn bản của tất cả những đồ trang sức bằng vàng. Và nó là của chúng ta một cách rất thân thuộc! Tách rời danh xưng và hình tướng ra khỏi món đồ trang sức thì vàng hiển lộ. Không còn danh xưng và hình tướng, không còn tham ái và lo sợ mà chúng tạo ra, thì cái gì còn lại?

H: Cái không gì cả.

M: Đúng, còn lại cái không, nhưng là cái không đầy ắp. Nó là tiềm năng vô tận còn ý thức là hiện thực vô biên.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Khi nói tiềm năng, ông hàm ý tương lai?

M: Quá khứ, hiện tại, tương lai - tất cả đều có đó. Và vô tận.

H: Nhưng vì cái không là không, nó chẳng ích lợi bao nhiêu cho chúng tôi.

M: Làm sao ông có thể nói như thế được? Nếu sự tiếp xúc không bị phá vỡ thì làm sao có tái sinh? Liệu có thể có sự tân tạo mà không có sự chết đi? Thậm chí bóng tối của giấc ngủ làm cho người ta hồi sức và tươi trẻ lại. Nếu không có cái chết, chúng ta sẽ mắc kẹt trong lão suy đến muôn đời.

H: Thế không có cái gì là bất tử?

M: Khi sống và chết được xem như tương quan thiết yếu, như hai phương diện của một hiện hữu, thì đó là bất tử. Thấy được kết thúc trong bắt đầu và bắt đầu trong kết thúc là thấy được hàm ý của sự bất diệt. Chắc chắn bất tử không phải là sự tiếp tục. Chỉ có tiến trình thay đổi liên tục. Chẳng có gì tồn tại mãi.

H: Tánh biết có tồn tại mãi không?

M: Tánh biết không thuộc thời gian. Thời gian chỉ tồn tại trong ý thức. Bên ngoài ý thức, không gian và thời gian ở chỗ nào?

H: Trong nội vi phạm trù ý thức của ông còn có cả thân xác ông.

M: Dĩ nhiên. Nhưng cái ý tưởng “thân ta” - khác với những thân khác - không có trong đó. Đối với Ta nó là “một cái thân” nhưng không phải “thân ta”, “một cái tâm” nhưng không phải “tâm ta”. Tâm lo được cho thân, Ta chẳng cần can thiệp. Cái gì cần làm đang được làm, một cách bình thường và tự nhiên.

Có thể ông không ý thức rõ những chức năng sinh lý của ông, nhưng khi ý nghĩ và cảm thọ, ham muốn và lo sợ trở thành vấn đề, thì ông ý thức về chính ông một cách rất rõ rệt. Đối với Ta những cái đó hầu hết cũng là vô thức. Ta biết Ta nói chuyện với người khác, hoặc làm mọi chuyện đều rất đúng và thích hợp, mà không cần ý thức nhiều về những hành vi như thế. Có vẻ như Ta sống đời sống vật lý, và tỉnh thức một cách tự động, phản ứng một cách tùy nghi và chính xác.

H: Phản ứng tùy nghi của ông có được là kết quả của sự giác ngộ, hay nhờ luyện tập?

M: Cả hai. Cống hiến cho mục đích sẽ khiến ông sống một cuộc sống trong sạch và tử tế - một cuộc sống cống hiến cho sự tìm kiếm chân lý và giúp ích người khác; còn sự giác ngộ - bằng cách loại trừ vĩnh viễn mọi trở ngại dưới những hình thức tham ái, lo sợ và tà kiến - sẽ khiến cho đức hạnh cao thượng trở nên dễ dàng và tùy nghi.

H: Ông không còn tham ái và lo sợ?

M: Số mệnh sinh Ta ra là một người đơn giản, bình thường như mọi người khác, một tiểu thương khiêm tốn, với chút ít học vấn. Cuộc đời Ta cũng bình thường, với những tham ái và lo sợ như mọi người khác. Rồi, qua sự tin tưởng vào tôn sư, và làm theo lời ngài, Ta giác ngộ sự hiện hữu chơn thật của Ta. Ta bỏ lại phía sau bản chất thuộc về con người tự lo liệu lấy, cho đến khi định mệnh của nó kết thúc. Thỉnh thoảng một phản ứng cũ, cảm xúc hay tâm lý, xảy ra trong tâm, nhưng ngay lập tức nó bị phát hiện và bị loại bỏ. Xét cho cùng, chừng nào còn hệ lụy với một con người, người ta vẫn bị tác động bởi cách suy nghĩ, hành sử và thói quen của con người đó.

H: Thế ông không sợ chết?

M: Ta đã chết rồi.

H: Theo nghĩa nào?

M: Ta chết đến hai lần, Không những Ta chết với thân mà còn chết cả với tâm.

H: Vậy mà trông ông chẳng chết chút nào!

M: Ông nói thế! Hình như ông còn biết rõ trạng thái của Ta còn rõ hơn cả chính Ta!

H: Xin ông bỏ qua. Nhưng tôi không hiểu được. Ông bảo ông không còn thân mà cũng chẳng còn tâm, nhưng tôi thấy ông vẫn sống và nói chuyện lưu loát.

M: Trong não bộ và thân xác ông, một hoạt động vô cùng phức tạp lúc nào cũng đang xảy ra, ông có ý thức được nó không? Hoàn toàn là không. Nhưng đối với người ngoài tất cả dường như diễn ra một cách trí tuệ và có chủ đích. Tại sao không thừa nhận rằng toàn thể đời sống cá nhân của một người có thể chìm dưới ngưỡng cửa của ý thức, nhưng đời sống ấy vẫn diễn ra một cách hợp lý và trôi chảy?

H: Liệu như thế có bình thường không?

M: Cái gì bình thường? Cuộc đời ông - thường xuyên bị ám ảnh bởi tham ái và lo sợ, đầy những đấu tranh và xung đột, vô nghĩa và không hề có một niềm vui - Liệu cuộc đời đó có bình thường? Ý thức rất rõ về thân ông thì liệu có bình thường? Bị những cảm xúc giằng xé, bị ý nghĩ hành hạ thì liệu có bình thường? Một cái thân khỏe mạnh, một cái tâm lành mạnh sống hầu như không được chủ nhân của chúng biết đến, chỉ khi nào đau đớn hay khổ sở thì thân mới kêu gọi sự quan tâm, và tâm mới cần đến sự sáng suốt. Tại sao không áp dụng như thế cho toàn thể đời sống cá nhân? Một người vẫn có thể hành xử đúng, đối đáp giỏi và đầy đủ đối với bất cứ gì xảy ra mà chẳng cần phải chuyên tâm chú ý. Khi khả năng kiểm soát chính mình trở thành bản tính thứ hai, tánh biết sẽ rời tiêu điểm của nó vào những bình diện sâu hơn của sự sống và hành động.

H: Thế không phải ông trở thành người máy?

M: Có hại gì khi tự động hóa những gì có tính cách thói quen và lập lại? Mặc dù là tự động, nhưng khi bị rối loạn, nó cũng gây đau đớn và khổ sở và kêu gọi sự chú ý. Toàn thể mục đích của một cuộc sống trong sạch và ngăn nắp là giải thoát con người khỏi sự khống chế của hỗn loạn và gánh nặng của đau khổ.

H: Ông có vẻ bênh vực một cuộc sống computer hóa.

M: Có gì sai với một cuộc sống không còn phiền trược? Tính cách con người đơn thuần chỉ là ảnh phản chiếu của cái chơn thật. Tại sao ảnh phản chiếu không trung thực với nguyên bản như một điều hiển nhiên, và tự động? Liệu con người cần phải có kiểu mẫu nào đó của riêng nó? Cuộc sống mà sự thể hiện của nó là con người sẽ hướng dẫn con người. Một khi nhận ra con người chỉ là cái bóng của thực tại mà không phải chính thực tại thì ông chẳng còn băn khoăn và lo lắng. Ông sẽ chấp thuận để được hướng dẫn từ bên trong, và đời sống trở thành một cuộc hành trình vào cái không thể biết.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh