Ta Là Cái Đó: Chương 12. Cái Tối Thượng, Tâm Và Thân

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 12. CÁI TỐI THƯỢNG, TÂM VÀ THÂN

Hỏi: Theo những gì ông nói thì hình như ông không ý thức rõ những gì xảy ra quanh ông. Nhưng theo chúng tôi thấy, ông có vẻ cực kỳ tỉnh thức và năng động. Chúng tôi không thể tin ông ở trong một tình trạng bị thôi miên, mất hết ký ức. Trái lại, trí nhớ của ông có vẻ còn xuất sắc. Chúng tôi phải hiểu thế nào về câu ông nói rằng thế giới và tất cả những gì nó dung chứa đều không tồn tại đối với ông.

Maharaj: Tất cả chỉ là tiêu điểm của sự chú ý. Tâm ông chú ý vào thế giới, tâm Ta chú ý vào thực tại. Cũng giống như mặt trăng giữa ban ngày - khi mặt trời chiếu sáng thì không thấy được mặt trăng. Hoặc, quan sát sự tiêu hóa thức ăn của ông. Bao giờ thức ăn còn trong miệng, ông còn biết; nhưng khi đã nuốt, ông đâu còn bận tâm đến nó. Nếu cứ luôn luôn nghĩ đến thức ăn cho đến khi nó được tiêu hóa hoàn toàn thì thật là phiền toái. Bình thường thì tâm phải ở trong tình trạng yên nghỉ - hoạt động không ngừng là một trạng thái bệnh hoạn của tâm. Vũ trụ hoạt động bởi chính nó - đó là điều Ta biết. Có gì khác mà Ta cần biết?

H: Như vậy chỉ khi nào chú tâm thì người giác ngộ biết mình đang làm gì, còn không thì người ấy chỉ hành động mà chẳng quan tâm.

M: Một người bình thường không ý thức về thân mình cũng như thế. Người giác ngộ ý thức về các cảm giác, cảm xúc và ý nghĩ của mình. Nhưng một khi người ấy xa lìa, thì chúng rời khỏi tâm điểm của ý thức một cách tự nhiên và dễ dàng.

H: Vậy lúc đó cái gì ở tâm điểm của ý thức?

M: Cái không thể đặt tên hay có hình tướng, vì nó không có một đặc tính nào và ở ngoài ý thức. Ông có thể gọi nó là một điểm trong ý thức, nhưng lại ở ngoài ý thức. Cũng như cái lỗ trên mặt một tờ giấy, nó vừa ở trong tờ giấy nhưng lại không thuộc về tờ giấy; trạng thái tối thượng ở ngay chính tâm điểm của ý thức nhưng lại ở ngoài ý thức. Cũng giống như có một khoảng trống trong tâm mà qua đó ánh sáng tràn ngập tâm. Khoảng trống không phải là ánh sáng. Nó chỉ là một khoảng trống.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Một khoảng trống thì chẳng có gì, và trống vắng.

M: Gần như thế. Theo cái nhìn của tâm, nó không gì khác hơn là một khoảng trống để ánh sáng của tánh biết tràn vào không gian của tâm. Tự thân ánh sáng có thể ví như một khối rắn chắc, đậm đặc, cứng như đá, thuần nhất và bất biến của tánh biết thuần túy, hoàn toàn không có những mô hình của tâm về danh xưng và hình tướng.

H: Có sự dung thông nào giữa không gian của tâm và cảnh giới Tối thượng?

M: Cái Tối thượng làm cho tâm tồn tại. Tâm làm cho thân tồn tại.

H: Thế cái gì ở bên ngoài?

M: Để ví dụ. Có một tôn giả Yogi, một bậc thầy về thuật trường sinh, đích thân đã sống trên một nghìn năm, đến truyền cho Ta thuật sống lâu. Dù rất tôn kính và thật tình khâm phục những chứng đắc của tôn giả, nhưng Ta chỉ có thể nói với vị đó rằng: sự trường thọ có ích lợi gì đối với Ta? Ta ở ngoài thời gian. Cuộc đời, dù trường thọ đến đâu, cũng chỉ là một khoảnh khắc, một giấc chiêm bao. Cũng như thế, Ta vượt ra ngoài mọi thuộc tính. Chúng xuất hiện và biến mất trong ánh sáng của Ta, nhưng chúng không thể mô tả Ta. Vũ trụ đầy những danh xưng và hình tướng dựa trên những đặc tính và sự khác biệt, còn Ta ở ngoài. Thế giới có đó vì có Ta, nhưng Ta không phải thế giới.

H: Nhưng ông đang sống trong thế giới!

M: Đó là ông nói! Ta biết có thế giới, thế giới đó bao gồm thân này và tâm này, nhưng Ta không xem chúng là “của Ta” và khác với những cái tâm và thân khác. Thân và tâm có đó, trong thời gian và không gian, còn Ta thì phi thời, phi xứ.

H: Vì tất cả đều tồn tại trong ánh sáng của ông, vậy không phải ông là đấng sáng tạo thế giới?

M: Ta không phải tiềm năng hay sự hiện thực hóa, mà cũng chẳng phải hiện thực của vạn vật. Trong ánh sáng của Ta mọi thứ đến và đi như những hạt bụi nhảy múa trong tia nắng. Ánh nắng chiếu sáng những hạt bụi, nhưng không tùy thuộc vào chúng. Không thể nói ánh nắng tạo ra chúng. Và cũng không thể nói là ánh nắng biết chúng.

H: Tôi hỏi ông một câu và ông đang trả lời. Ông có ý thức cả câu hỏi và câu trả lời?

M: Trong thực tế, Ta không nghe và cũng chẳng trả lời. Trong thế giới của các sự kiện, câu hỏi xảy ra và câu trả lời xảy ra. Không có gì xảy ra với Ta. Tất cả tự xảy ra.

H: Thế ông là nhân chứng?

M: Nhân chứng nghĩa là gì? Sự biết thuần túy. Lúc nãy trời mưa và bây giờ hết mưa. Ta không bị ướt. Ta biết trời đã mưa nhưng Ta không bị ảnh hưởng. Ta chỉ chứng kiến cơn mưa.

H: Một người hoàn toàn giác ngộ, tùy nghi hành xử trong trạng thái tối thượng, nhưng có vẻ ăn, uống và sinh hoạt như bình thường. Người giác ngộ có biết những chuyện đó hay không?

M: Cái mà trong đó ý thức diễn ra, dù là ý thức vũ trụ hay tâm, chúng ta gọi đó là cõi ý thức. Toàn thể các đối tượng của ý thức tạo ra vũ trụ. Cái siêu vượt cả hai, nhưng vẫn dung dưỡng cả hai, là trạng thái tối thượng, một trạng thái hoàn toàn tĩnh và lặng. Bất cứ ai vào đó cũng đều biến mất. Nó là cái không thể đạt đến bằng ngôn từ hay tâm. Ông có thể gọi cái đó là Thượng đế, là Parabrahman, hay Thực tại Tối thượng, nhưng tất cả chỉ là danh xưng cho tâm đặt ra. Nó là trạng thái không có tên gọi, không có nội dung, không cần cố gắng và tùy nghi, vượt ra khỏi hiện hữu và phi hiện hữu.

H: Thế một người ở trong đó vẫn ý thức?

M: Cũng như vũ trụ là thân của tâm, ý thức là thân của cái Tối thượng. Cái Tối thượng không ý thức nhưng ý thức từ đó khởi sinh.

H: Hầu hết các hành hoạt hàng ngày của tôi đều là thói quen và tự động. Tôi biết rõ mục đích tổng quát, nhưng không thể biết từng hành động một cách chi tiết. Khi ý thức của tôi trở nên rộng lên và sâu thêm, các chi tiết giảm đi, để tôi tự do với những khuynh hướng chung. Điều này cũng xảy ra với một người giác ngộ, hay còn hơn thế?

M: Trên bình diện ý thức - có. Trong trạng thái Tối thượng - không. Trạng thái này hoàn toàn là một duy nhất, không thể phân chia, nó là một khối kiên cố duy nhất của thực tại. Cách duy nhất để biết nó là nó. Tâm không thể đạt đến nó. Để nhận thức được nó - không cần đến các giác quan. Để biết nó - không cần đến tâm.

H: Đó là cách Thượng đế vận hành thế giới.

M: Thượng đế chẳng hề vận hành thế giới.

H: Vậy ai làm chuyện đó?

M: Chẳng có ai cả. Tất cả đều tự diễn ra. Ông đặt câu hỏi và cũng chính ông đưa ra câu trả lời. Ông biết câu trả lời khi ông đặt câu hỏi. Tất cả chỉ là một vở kịch diễn ra trong ý thức. Mọi phân chia đều là hư giả. Ông chỉ có thể biết cái hư giả. Còn cái chơn thật thì chính ông phải .

H: Có ý thức được chứng kiến và có ý thức chứng kiến. Ý thức chứng kiến có phải là cái tối thượng?

M: Có hai - con người và nhân chứng, hay người quan sát. Khi ông thấy hai là một, và vượt ra ngoài, thì lúc đó ông ở trong trạng thái tối thượng. Trạng thái đó không thể nhận thức được vì nó là cái làm cho nhận thức khả hữu. Nó ở ngoài hiện hữu và phi hiện hữu. Nó không phải là gương mà cũng chẳng phải là ảnh trong gương. Nó là cái đang - thực tại vô thời, vô cùng rắn chắc và kiên cố.

H: Người giác ngộ là nhân chứng, hay là cái Tối thượng?

M: Dĩ nhiên là cái Tối thượng, nhưng còn có thể được xem như nhân chứng vũ trụ.

H: Nhưng người giác ngộ vẫn còn là một con người?

M: Khi ông tin rằng chính ông là một con người thì ông thấy con người ở bất cứ đâu. Trong thực tế, không hề có con người, mà chỉ có những xâu chuỗi của ký ức và thói quen. Ngay vào lúc giác ngộ, con người biến mất. Ý thức về cái Ta thì còn, nhưng ý thức về cái Ta thì không phải con người, nó sẵn có trong chính thực tại. Con người không có sự hiện hữu nào trong chính nó, con người chỉ là ảnh phản chiếu của nhân chứng trong tâm, tức cái “Ta hiện hữu” mà cái “Ta hiện hữu” lại là một cách hiện hữu.

H: Cái Tối thượng có ý thức không?

M: Chẳng hữu thức mà cũng chẳng vô thức. Ta nói với ông điều này từ kinh nghiệm.

H: Praganam Brahma. Cái Pragna này là gì?

M: Nó là cái biết vô ngã thức về chính cuộc sống.

H: Có phải nó là sức sống, năng lượng của cuộc sống, và sự sống?

M: Năng lượng có trước. Vì tất cả mọi vật đều là một hình thức của năng lượng. Ý thức được phân biệt rõ nhất trong trạng thái thức. Ít hơn trong khi chiêm bao. Rất ít trong khi ngủ. Thuần nhất - trong trạng thái thứ tư. Ra khỏi bốn trạng thái này là thực tại duy nhất bất khả phân và không thể diễn tả được, đây là trú xứ của người giác ngộ.

H: Tôi vừa bị đứt tay. Bây giờ đã lành. Năng lực nào đã làm cho tay tôi lành lại?

M: Năng lực của sự sống.

H: Cái gì là nguồn gốc của ý thức?

M: Tự thân ý thức là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.

H: Liệu có thể có sự sống mà không có ý thức?

M: Không, cũng như không thể có ý thức mà không có sự sống. Cả hai là một. Nhưng trong thực tế chỉ có cái Tối Hậu hiện hữu. Những cái còn lại chỉ là danh xưng và hình tướng. Chừng nào ông còn bám víu vào ý tưởng cho rằng chỉ những gì có danh xưng và hình tướng tồn tại thì cái Tối thượng đối với ông không tồn tại. Khi ông hiểu ra rằng mọi danh xưng và hình tướng chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch không có bất cứ gì bên trong, còn cái gì là thật thì không có danh xưng và cũng chẳng có hình tướng, là năng lượng thuần túy của sự sống, là ánh sáng của ý thức, thì lúc đó ông an lạc và chìm đắm trong sự im lặng sâu thẳm của thực tại.

H: Nếu thời gian và không gian đơn thuần chỉ là ảo ảnh, còn ông siêu vượt ra ngoài, xin vui lòng cho tôi biết thời tiết ở New York bây giờ ra sao. Bên đó trời đang nóng hay mưa?

M: Làm sao Ta có thể nói cho ông biết? Những chuyện như thế cần một sự luyện tập chuyên biệt. Hay là, chỉ việc bay sang New York. Ta biết chắc Ta ở ngoài không gian và thời gian, nhưng không thể xác định chính Ta như ý muốn vào một thời điểm nào đó của thời gian và không gian. Ta không mấy quan tâm đến những chuyện như thế, và cũng chẳng có ý định theo học một khóa luyện tập Yoga chuyên biệt nào cả. Ta chỉ mới nghe đến New York. Đối với Ta, đó chỉ là một từ ngữ. Việc gì Ta phải biết nhiều hơn những gì mà từ ngữ đó chuyên chở. Mỗi một nguyên tử có thể là một vũ trụ, và cũng phức tạp như vũ trụ của chúng ta. Ta có cần phải biết hết mọi nguyên tử không? Nếu luyện tập thì Ta có thể.

H: Khi đặt câu hỏi về thời tiết ở New York, tôi đã phạm sai lầm ở chỗ nào?

M: Thế giới và tâm đều là những trạng thái hiện hữu. Cái Tối thượng không phải là một trạng thái. Nó bao trùm tất cả các trạng thái, nhưng lại không phải là một trạng thái của một cái gì khác. Nó hoàn toàn phi nhân duyên, bất tùy thuộc, và tự viên mãn trong chính nó, nó siêu vượt thời gian và không gian, ở ngoài tâm và vật.

H: Ông nhận ra nó qua chỉ dấu nào?

M: Nó là một điểm không để lại dấu vết. Không có gì để qua đó nhận ra nó. Nó phải được thấy một cách trực tiếp, bằng cách từ bỏ mọi sự truy tìm dấu vết và lối vào. Khi tất cả danh xưng và hình tướng mất đi thì cái thật còn lại với ông. Ông chẳng cần phải tìm kiếm nó. Đa nguyên và đa dạng chỉ là vở kịch của tâm. Thực tại là Một duy nhất.

H: Nếu thực tại không để lại bằng chứng, thì không thể nói gì

về nó được.

M: Thực tại hiện hữu mà không thể bị bác bỏ. Thực tại thì sâu thẳm và đen tối, bí ẩn ngoài mọi bí ẩn, nhưng thực tại hiện hữu trong khi tất cả những cái khác chỉ xảy ra.

H: Có phải thực tại là cái Không Biết?

M: Nó ở ngoài cả hai, cái biết và cái không biết. Nhưng Ta có thể gọi nó là cái biết, hơn là cái không biết. Vì bất cứ khi nào một cái gì đó được biết, thì chỉ cái thật mới được biết.

H: Sự im lặng có phải là một thuộc tính của cái thật?

M: Cả nó cũng thuộc về tâm. Tất cả mọi trạng thái và điều kiện đều thuộc về tâm.

H: Cõi giới của Samadhi - định - là gì?

M: Không dùng đến ý thức là Samadhi. Ông chỉ cần mặc kệ tâm. Không mong cầu chi, chẳng phải nơi thân mà cũng chẳng phải nơi tâm.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh