Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 17. Siêu Hình Học Phật Giáo

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 17. SIÊU HÌNH HỌC PHẬT GIÁO

A. CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI: CHÂN NHƯ BẢN THỂ

Chánh Pháp Nhãn Tàng

正 法 眼 藏

Niết Bàn diệu tâm

涅 槃 妙 心

Thật tướng vô tướng

實 相 無 相

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Pháp môn vi diệu

法門 微 妙

Bất lập văn tự

不 立 文 字

Giáo ngoại biệt truyền

教 外 別 傳

Trực chỉ nhân tâm

直 指 人 心

Kiến tính thành Phật.

見 性 成佛

(Kinh Đại Phạm Thiên-Vương; Vấn quyết)

Dưới mắt phàm nhân, đời là một cuộc phiêu lưu, biến ảo, vô định hướng

Trên dòng nước lũ thời gian và hoàn cảnh, con người cảm thấy mình như hoa trôi, bèo gịat, bềnh bồng mặt nước, chân mây mà chẳng biết tấm thân phù du sẽ trôi nổi về đâu.

Nhưng thực ra, đời đâu chỉ có thế. Thay vì ngồi than thân, trách phận, ta hãy cố nhìn cho sâu vào đáy lòng ta và đáy lòng vũ trụ, ta sẽ thấy dưới những lớp lang hiện tượng, và tâm tư biến ảo không cùng, còn có một Bản Thể duy nhất, vi diệu, bất biến.

Đó là một khám phá vĩ đại mà từ những thời đại xa xưa, cùng tịt, các thánh hiền, các bậc thượng trí, thượng nhân đạ truyền thụ lẫn cho nhau.

Phật là một trong những vị Đại Hiền đã tìm lại được Bản Thể của Vũ trụ và Bản Thể của con người.

Bản Thể hay Tuyệt Đối Thể ấy có trước muôn vật, vắng vẻ, nhiệm mầu qua muôn kiếp vẫn trường tồn, cho dầu muôn nghìn thế giới có ngả nghiêng, tan rã, cũng không hề suy suyển.[2]

Người xưa có thơ:

Hữu vật tiên thiên địa

有 物 先 天 地

Vô hình bản tịch liêu

無 形 本 寂 廖

Năng vi vạn tượng chu

能 為 萬 象 主

Bất trục tứ thời điêu

不 逐 四 時 凋 [3]

Tạm dịch:

Ấy chi có trước đất trời,

Vô hình, vô tượng, tuyệt vời tịch liêu.

Chủ trương vạn tượng, vạn điều,

Quang hoa điên đảo, chẳng siêu, chẳng rời.

Tuyệt đối thể, Bản Thể toàn chân, không hư vọng đó, Phật Giáo gọi là Chân Như. Đó cũng là Chánh Pháp Nhãn Tàng (Thiền Tông), Bản Tính Di Đà (Liên Tông), tương ứng với những danh từ Thái Cực, Thiên Lý trong Khổng giáo và Kinh Dịch, Cốc Thần trong Đạo Lão.[4]

Chân Như duy nhất, không bóng hình, không danh hiệu, nhưng những hình bóng để mô tả Chân Như, những danh hiệu để mô tả Chân Như thì vô vàn, vô số.

Nhưng thực ra, nhân loại luôn cảm thấy mình bất lực, bất xứng để hình dung mô tả Chân Như.

Cũng vì vậy, mà đứng trước vấn đề trọng đại ấy, nhiều triết gia đành ngậm miệng, gác bút, vì cho rằng như vậy mới thành thực với mình, vì như vậy mới là thái độ chính đáng đối với Chân Như tuyệt đối, siêu việt trên mọi hình thức, sắc tướng, không lời lẽ nào mô tả cho xiết, không giấy bút nào diễn xuất cho cùng. [5]

Cũng có khi Chân Như được đề cập tới bằng những từ ngữ hết sức tiêu cực như Hư Vô, Tịch Diệt, như Hư, Không v.v...vì lẽ Chân Như hư linh, bất muội, vô ảnh, vô hình, không mê vọng, không chấp trước, tịch nhiên, bất động giữa mọi biến thiên, mà vẫn làm cho muôn vật thành tựu. Giáo lý của Đức Phật nói: Từ cái gốc của Vô Trụ dựng nên tất cả các pháp. [6]

Hư không, hay Chân Không đây không phải là “không có”, “không không” theo nghĩa thông tục, mà chính là “diệu hữu hàm tàng muôn vật” [7]

Suzuki viết: “Không” là một trong những vấn đề quan trọng nhất của triết học Đại Thừa, và là một chữ rắc rối nhất, khó hiểu nhất, cho những người không phải là Phật Tử: “Không” không có nghĩa là “tương đối, tương đãi” hay là sắùc tướng, hay là hư vô, hư không mà chính là Tuyệt đối, tuyệt đãi, siêu việt, bất khả tư nghị. Nó chính là Chân Như Bản Thể. [8]

Nhưng vì Chân Như Bản Thể rất quan thiết với nhân loại, nên cần dùng hình dung, từ ngữ để đem Chân Như xuống tới tầm suy tư của con người. Do đó, theo đà thời gian, Chân Như đã được mô tả bằng đủ loại danh từ: triết học, toán học, hình học, văn học, thậm chí còn được nhân cách hoá thành Đại Nhật Như Lai (Vairocana) [9], hay Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartin), [10] điều động bánh xe vạn hữu.

Tóm lại, Chân Như không bóng hình, mà vẫn cho con người thấy dáng dấp linh lung phiểu diểu, trong muôn ánh hào quang từ ngữ.

Để khỏi bỡ ngỡ khi tham khảo kinh sách Phật Giáo, ta có thể ghi lại ít nhiều danh hiệu của Chân Như bằng mấy vần thơ sau:

Niết Bàn, [11] Nguyên Thanh Tịnh Thể, [12] Như,[13]

Bản lai Diện Muc, [14] A Lại Da, [15]

Thực tướng, [16] Pháp Thân, [17] Bản, [18] Bát Nhã, [19]

Yểm ma la thức, [20] A đà Na, [21]

Trung Đạo, [22] Phật Tánh, [23] Tâm Bình Đẳng, [24]

Đại Viên Cảnh Trí,[25] Chân Tính, [26] A, [27]

Chân Thiện Diệu Sắc, [28] Hàm Tàng Thức, [29]

Không, Như Lai Tạng,[30] Tâm Chân Như. [31]

Thường trụ Chân Tâm, [32] Nguyên Thường, [33],Pháp,[34]

Viên Thành Thực Tính, [35] Bản Tâm, [36] Hư, [37]

Lý, [38] Tất cảnh không, [39] Như Lai Tạng, [40]

Thường trụ Chân Như Tâm, [41]Thực Tế, [42]

Chánh Pháp Nhãn Tàng, [43] Tính, [44] Chân Như, [45]

Bồ Đề, [46] Thắng Nghĩa, [47] Như Lai, [48] Tướng, [49]

Chân Thiện, [50] Chân Đế, [51] Thể, [52] Nhất Như [53]

Lục Đại, [54] Chân Tâm, [55] Vô, [56] Giác Tính, [57]

Nhất Tâm Pháp Giới, [58] Không, [59] Như Như, [60]...

Trên đây là mới tạm ghi ít nhiều danh hiệu Chân Như, nếu có công suy cứu thêm, chắc là còn vô số. [61]

Ở trong hoàn võ, Chân Tâm hay Tự Tính ấy sinh ra vạn pháp, sinh ra mọi hiện tượng; còn ở trong con người, cũng một Chân Tâm ấy sinh ra tất cả các tư tưởng, cảm giác, sinh ra giác quan, v.v...[62]

Chân tâm là tất cả. Ngược lại, không thể nói cái gì là Chân Tâm, hay Chân Tâm ở đâu, vì Chân Tâm là Tất Cả, vì Chân Tâm đã ở khắp nơi. [63]

Chân Tâm này chính là Brahma, là Tuyệt Đối Thể trong kinh Áo Nghĩa Thư, vì đọc các định nghĩa về Brahma trong Áo Nghĩa Thư, ta thấy y thức như các định nghĩa về Chân Tâm trong các kinh Phật. [64]

Thực ra, sau khi đã bàn giải về Chân Tâm, Chân Như, các kinh sách lại cho rằng Chân Tâm không thể nào bàn giải được, vì Chân Tâm bao gồm tất cả các từ ngữ, sắc tướng, thì biết nói sao, tả sao cho nổi Chân Tâm được; đã mô tả được, đã hình dung được, thời nhất định chẳng phải là Chân Tâm nữa. [65] B. VẠN PHÁP = HÌNH ẢNH BIẾN THIÊN CỦA CHÂN NHƯ.

Nhưng ngoài Chân Như hằng cửu, tế vi, mà chỉ tâm thần mới lĩnh hội được, mà chỉ những bậc thượng trí, thượng nhân mới trực giác được, còn có vạn vật hữu hình, sinh sinh, hoá hoá, còn có muôn ngàn trạng thái tâm tình, còn có muôn dòng tư tưởng đổi đổi, thay thay. Các triết gia Phật giáo gọi thế là Vạn Pháp.

Nói cách khác, Vạn Pháp là tất cả những gì biến thiên, sinh diệt. Nó bao quát tất cả những gì ta hình dung được, nhận thức được, cảm giác được, kể từ những tâm tư bí ẩn, những tư tưởng, những hoài bão, cho đến thất tình, lục dục, cho đến xác thân, cho đến mọi loài, mọi vật hữu hình, hữu tướng.

Vạn Pháp biến thiên không ngừng, nay còn, mai mất, phù du, chất chưởng như những bức tranh vân cẩu, lúc hoàng hôn. Vạn Pháp chẳng qua là những biến hoá, những trạng thái vô thường của Bản Thể Chân Như, y thức như những ngọn sóng bạc đầu, rung rinh, nhào lộn trên trùng dương Bản Thể vĩ đại.

Vạn Pháp có thể nói được là những trạng thái nhất thời, là hình tướng nhất thời của Bản Thể Chân Như.

Chúng sở dĩ có là nhờ Chân Như Bản Thể, chứ chúng không có Bản Thể riêng biệt. Chúng biến thiên, nên không thể nào vĩnh cửu.

Vì thế mới nói:

Chư pháp vô ngã.

Chư hạnh vô thường. [66]

Vạn Pháp biến thiên, nhưng thực ra theo những định luật cố định là:

- Định luật Nhân quả (loi de causalité)

- Định luật: Sinh (thành), trụ, hoại, không.

- Định luật Tuần Hoàn ( loi du cycle).

- Định luật Tụ Tán, Vãng Lai, Phản Phục, Doanh Hư, Tiêu Tức.[67]

Vì thế, có thể nói được là Vạn Pháp ở trong vòng Luân Hồi, trong vòng Sinh Tử, Tử Sinh, còn mất, vô thường.

C. TƯƠNG QUAN GIỮA BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG.

Vì quan niệm vũ trụ hay vạn pháp chỉ là sự thể hiện của Chân Như, chỉ là những ứng dụng của Bản Thể, hay là những trạng thái biến thiên của một Thực Tại duy nhất, cho nên Phật Giáo thấy không cần đặt vấn đề tạo thành vũ trụ. Phật nói: “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, cõi đời này là hữu cùng hay vô cùng. Dù nó là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng, thì điều mà các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là, cuộc đời đang đầy rẫy những đau khổ.” (Kinh A Hàm)

Thực ra, sau này, cũng có nhiều triết thuyết cắt nghĩa những cung cách Bản Thể biến hiện ra hiện tượng như sau:

-Thuyết nghiệp cảm duyên khởi.

-A Lại Da duyên khởi.

-Chân Như duyên khởi.

-Pháp giới duyên khởi.

-Lục đại duyên khởi v.v...

Nhưng thiết tưởng không nên bận tâm vì những giả thuyết ấy, trước là vì chúng cũng như các giả thuyết khác về sự sáng tạo vũ trụ khó có thể kiểm nhận bằng thực nghiệm, hoặc đã bị sụp đổ, vì những khám phá mới về địa chất học, hay về nhân chủng học; sau là vì những giả thuyết ấy chỉ làm bận tâm, rối trí ta và không soi sáng được gì cho ta cả.

Mục đích của chúng ta là chuyển hoá cuộc đời, chuyển hoá bản thân, giải thoát mình cho khỏi vòng vô minh, dục vọng để đạt đến an lạc, trí tuệ, chứ không phải là đi tìm tên tuổi của trăng sao, hay lạc lõng vào những lý thuyết vô vị.

Vả lại đã chấp nhận Bản Thể biến hiện ra hiện tượng, thì khỏi cần phải thắc mắc tại sao Bản Thể biến hiện ra Hiện Tượng, biến hiện cách nào, tự bao giờ và cho đến bao giờ.

Một sự khảo sát về tương quan đối đãi giữa Bản Thể và Hiện Tượng, có lẽ sẽ hữu ích hơn. Nếu chúng ta dùng con mắt phân biệt mà nhìn Bản Thể và Hiện Tượng, thì ta thấy đôi đàng khác nhau như trời với vực, như sáng với tối...

Chân Như trường tồn, bất sinh, bất diệt, tuyệt đối, vừa là nguyên nhân, vừa là cứu cánh; vừa là thực tại, vừa là lý tưởng, là Thanh Tịnh, là Niết Bàn. [68]

Còn Vạn Pháp đều vô thường, vô ngã, biến thiên, uế tạp, luân hồi. [69]

Cái nhìn phân tích giữa Bản Thể và Hiện Tượng.

Chân Như -Bản Thể

( Réalité -Être)

(Natura naturans)

Vạn tượng -Vạn Pháp

(Manifestations-Phéno-mènes) (Natura naturata)

1. Bản Thể -Tiềm thể

2. Viên Giác

3. Niết Bàn

4. Nhất nhất -Như như

5. Chân Tâm

6. Vô vi

7. Vô lậu

8. Vô trụ -Vô trước

9. Chân Như môn

10. Cảnh giới tịch diệt

11. Lý

12. Ngã

13. Thường

14. Tịnh độ

15. Giải thoát

16. Không

17. Bồ Đề

18. Trùng Dương

19. Tuyệt đối

20. Bình đẳng giới

21. Tuyệt đối giới

22. Chân

1. Hình thức, Sắc tướng

2. Mê vọng

3. Khổ hải -Sinh tử

4. Vạn hạnh -Vạn pháp

5. Vọng Tâm

6. Hữu Vi

7. Hữu Lậu

8. Chấp trước

9. Sinh diệt môn

10. Cảnh giới vô thường

11. Sự

12. Vô Ngã

13. Vô Thường

14. Uế độ

15. Phiền trược

16. Sắc

17. Phiền não

18. Ba Lãng (Sóng)

19. Tương đối

20. Sai biệt giới.

21. Tương đối giới.

22. Giả, v.v...

Những phân tách đó chỉ là giả tạo; phân tách cốt là để nhìn cho thấy thấu đáo thực tế, để biết đường phản bản qui nguyên, khế hợp cùng tuyệt đối. Nhưng khi đã thấu đáo, đã giác ngộ, thì ngược lại, phải có cái nhìn bao quát, phối hợp, vì Chân Như Bản Thể hằng lồng trong Vạn Pháp, Vĩnh Cửu luôn ẩn áo dưới lớp BiếnThiên; vì không thể tách rời Chân Như Bản Thể với Hiện Tượng ứng dụng được.

Vì thế có thể nói được:

-Chân Như tức Vạn Pháp. [70]

-Bản thể tức Hiện Tượng.

-Hiện Tượng là Bản Thể.

-Sinh tử là Niết Bàn.

-Phiền Não tức Bồ Đề. [71]

-Chư Pháp tức thị Chân Tướng.[72]

-Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.

-Nhất Đa tương dung. [73]

Thượng sĩ đời Trần có thơ:

Tòng Vô, hiện Hữu, Hữu, Vô thông,

Hữu, Hữu, Vô, Vô, tất cảnh đồng.

Phiền não, Bồ Đề nguyên bất nhị,

Chân Như, Vọng Niệm tổng giai không.

Tạm dịch:

Từ không, ra Có, Có Không thông,

Có Có, Không, Không mọi cảnh đồng.

Phiền Não, Bồ Đề nguyên vẫn một,

Chân Như, Vọng niệm, thảy đều không. [74]

Triết học Zen cũng có câu: Tâm vật nhất như, thân tâm nhất thể, [75] chẳng qua cũng không ngoài ý đó...

Cái nhìn bao quát thực tại:

-Chân Như tức Vạn Pháp.

-Bản thể là Hiện Tượng.

-Hiện Tượng là Bản Thể.

-Sinh tử là Niết Bàn.

-Phiền Não là Bồ Đề.

-Chư Pháp tức thị Chân Tướng.

-Sắc tức thị Không; Không tức thị Sắc.

-Tâm vật nhất như, thân tâm nhất thể.

-Tâm tức Phật, Phật tức Tâm v.v...

-Nhất đa tương dung.

-Lý Sự vô ngại. [76]

-Chủ Bạn cụ túc. [77]

Khi có cái nhìn viên dung ấy, thì Bản Thể và Hiện Tượng sẽ không còn phân ly chống đối nhau nữa. Chân Như sinh xuất ra Vạn Hữu, Vạn Hữu qui hướng về Chân Như; một trong, một ngoài, một ẩn, một hiện; tương dung, tương ứng, hoà hợp vô cùng. Hiện tượng sẽ đóng vai trò hỗ trợ, phụ bật bên ngoài. Chân Như Bản Thể chủ trì sinh hoá bên trong: thật là Lý Sự Vô Ngại; [78] và dưới mắt người có cái nhìn bao quát, vũ trụ và nhân quần sẽ trở thành những vần thơ, điệu nhạc, biến ảo khôn cùng; càng biến ảo lại càng tăng vẻ thần kỳ, linh hoạt; vạn hữu sẽ trở thành những âm thanh huyền ảo, những kỷ vật hữu tình, nhắc nhớ tới Bản Thể tuyệt đối; nhắc nhớ tới sứ mạng cao cả của con người là tiến tới bậc đại trí, đại giác. Hơn nữa, chúng sẽ trở thành những ngọc châu nạm trên con đường muôn dặm của con người trở về cùng Bản Thể tuyệt dối.

Đạo Lão gọi thế là Phổ Chiếu, nghĩa là “Diệu Kiếu Tề Quan”, nhìn thấy rõ cả cái Vi diệu Tuyệt Đối, cả cái Biến Thiên, hữu hạn. [79] Nho gọi thế là “Thể Dụng nhất Nguyên, Hiển Vi vô gián”. [80]

Hiểu được Chân Tâm, Vọng Tâm, hay Chân Như, Vạn Pháp, hay Bản Thể và Hiện Tượng, sẽ hiểu được 2 chữ Có, Không, Không Có của Phật giáo.

Hiện Tượng, hay Vạn Pháp, hay ở nơi con người là Vọng Tâm, là muôn nghìn suy tư, ước muốn, tình tứ, cảm giác, tưởng như là có, vì hữu hình, hữu tướng, mà kỳ thực lại là không, nếu xét về phương diện siêu hình, vì thế Vạn Hữu lại là không.

Trái lại, Bản Thể hay Chân Tâm, vì nghe không ra, nhìn không thấy, không sắc, không hình, tưởng là “không”, mà thực chính là “có”. Cái “không”, không hình, không sắc này mới chính là cái “có thật”.

Còn muôn sự ở đời “có” mà lại là “không”, vì chất chưởng, biến thiên nay còn mai mất, như giấc mộng. Thế mới hay:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Kìa xem bóng nguyệt giòng sông,

Rồi ra mới biết có không là gì. [81] D. BỜ MÊ, BẾN GIÁC.

Hiểu Chân Tâm, Vọng Tâm, Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ hiểu được đâu là Bờ Mê, đâu là Bến Giác.

Bờ Mê là cõi phù sinh, ảo ảnh, là hình thức, sắc tướng, là những sự giao động của tinh thần, vật chất.

Bến giác, tức là Bến Bờ tĩnh lãng của Bản Thể vô biên, nơi mà tục luỵ, hồng trần không sao lọt vào được.

Con người chỉ được giác ngộ, chỉ trở nên toàn giác, khi lĩnh hội được Bản Thể vô biên, Chân Ngã hằng cửu, khi khế hợp được với Chân Như tuyệt đối, không còn có những cái nhìn thiển cận, thiên lệch, hẹp hòi; không còn tư tình, tư dục; khi đã bỏ được hết tạp thù, thác loạn.

Con người sẽ lạc lõng Bến Mê, bao lâu chưa nhận ra được toàn thể vô biên, bao lâu còn chạy theo những cảnh phù du, biến ảo, bao lâu còn chạy theo những điều ti tiện, chi mạt, bao lâu còn sống những kiếp sống sốc nổi, giả tạo.

Con người còn mê lú, bao lâu chưa nhận ra được Chân Tướng mình, bao lâu chưa biết giòng giõi cao sang, và định mệnh cao cả mình. Con người còn mê lú khi còn là đứa con lãng tử, ở trong nhà Cha mà chẳng nhận ra được Cha, [82] cam thân làm nô lệ; khi còn là người khách tha phương, khổ sở, lao lung, mặc dầu ngay trong tà áo vẫn có viên ngọc quí. [83]

Con người giác ngộ là con người nhận ra được địa vị cao cả của mình, nhìn thấy Chân Tâm sau lớp Vọng Tâm, nhìn thấy hằng cửu, dưới các lớp lang biến ảo.

Từ Mê đến Ngộ, tuy cách nhau gang tấc, nhưng vẫn xa muôn trùng; lúc thấy, thì thấy ngay ở trước mắt; lúc chẳng nhìn ra, thì cách trở muôn phương.

Để con tim, khối óc phóng đãng, phiêu lưu ra các tầng lớp bên ngoài, tức là đi vào Bến Mê, tức là đi vào hồng trần, tục luỵ. Thu thập tinh thần, hồi quang phản chiếu, để khám phá ra các điều vi diệu nội tâm, để tìm ra Tuyệt Đối Chân Tâm, là căng buồm Bát Nhã thẳng tiến đến Bến Giác, tức là rời bỏ phù sinh mà đi vào biên cương vĩnh cửu.

Giác, Mê âu cũng tại lòng người; chuyển theo hướng này hay hướng kia âu cũng tại lòng người; nhưng khi hướng đời đã định, thì “sai một ly, đi một dặm”; khi đã vào guồng máy Trời, thì tất nhiên chịu vận chuyển, lao lung theo những định luật cố định, khỏi than van.

Cho nên, ở đời không phải làm công kia việc nọ là hay, nhưng cần phải biết công kia, việc nọ có mục đích gì; nói cách khác, cái quan hệ là ở chỗ biết hay không biết mà thôi. E. LUÂN HỒI VÀ NIẾT BÀN.

Sau khi đã hiểu rõ Chân Như, Vạn Pháp; Chân Tâm, Vọng Tâm; sau khi đã hiểu rõ 2 phương diện Biến Hằng của một Chân Lý vô biên, thì tất nhiên cũng sẽ hiểu hai vấn đề then chốt khác là Luân Hồi, và Niết Bàn trong Phật giáo.

Vì thật ra, tuy danh hiệu đổi thay, nhưng vòng Luân Hồi chẳng qua cũng vẫn chỉ gồm thâu các hiện tượng biến thiên, và Niết Bàn cũng chỉ là Chân Như Bản Thể. Nói cách khác, Luân Hồi chẳng những bao hàm ý nghĩa biến thiên, mà còn gợi nên các cảnh phiền sầu, khổ não; còn Niết Bàn thì ngược lại, chẳng phải là Bản Thể không, mà còn bao hàm ý nghĩa hạnh phúc, tuyệt đối, vô biên.

Tuy nhiên, cũng nên bàn kỹ lại hai vấn đề Luân Hồi và Niết Bàn, vì xét ra chúng cũng là những mối tơ vò cho vô số hạng người.

1. Luân hồi.

Luân Hồi là vòng biến dịch, vòng biến thiên của vạn hữu. Con người sinh ra là phải sống trong cảnh biến thiên, ảo hoá ấy.

Con người có thể để biến thiên, ảo hoá lôi cuốn, đắm chìm. Nhưng con người cũng có thể dùng Vạn Hữu, biến thiên làm công cụ tu luyện, để đạt mục đích cao cả của mình: Đó là Đạt Tới Tuyệt Đối.

Thường người ta nghĩ Luân Hồi là thay hình, đổi xác, hết làm loài này lại quay sang làm loài khác, cứ như vậy vô cùng, chứ ít ai biết rằng Luân Hồi cũng là thay đổi tâm tư, nguyện vọng, thay đổi lối sống, lối nhìn.

Con người sinh ra là để đi tìm Tuyệt Đối, qua các biến thiên tương đối, nên lúc nào cũng đi tìm kiếm, ao ước vật này, vật nọ; mơ mộng thế này, thế kia; ao ước thì tìm cầu; ao ước thì để tâm, để trí; lúc nào cũng căng thẳng, hướng về mục tiêu; lúc nào cũng như rót, như trút cả tâm hồn vào trong mục đích. Đạt đích thì sung sướng; thất bại thì âu sầu. Cái cảnh thiên đàng, địa ngục lâu chóng kèm theo ngay với mọi thành bại.

Các bậc thượng nhân nhìn bao quát cuộc đời, nhìn bao quát các nếp sống, nên cảm thấy sâu xa rằng chạy theo biến thiên, chạy theo tương đối, hư ảo là vô lý, vô vị.

Chắc chắn rằng con người phải có định mạng cao sang hơn, chắc chắn rằng sau những biến thiên, phải có căn nguyên hằng cửu. Căn nguyên hằng cửu ấy sinh ra con người, sinh ra vạn hữu, thì lại sui khiến cho con người khao khát trở lại căn nguyên hằng cửu ấy. Thế là căn nguyên lại trở thành cứu cánh, trở thành lý tưởng. Con người một khi đã thấy mục đích cao cả, định mệnh cao cả của mình, thì tâm thần một vút sẽ hướng tới vô cùng, không còn dính líu trần duyên, như đứa trẻ đang chơi mấy đồ chơi vụn vặt, chợt trông thấy mẹ hiền, liền vứt bỏ đồ chơi chạy ra ôm mẹ. Còn nếu không biết mục đích sang cả của mình, thì cứ chạy theo hết ảo ảnh này đến ảo ảnh nọ, không bao giờ cùng. Con người ta ở đời ai cũng trải qua nhiều kiếp sống mà không biết.

Mỗi một lần ước mơ là một lần thay kiếp sống, là một lần thay cuộc đời; ngắn thì vài phút, vài giây, dài thì nhiều năm, nhiều tháng: chung qui, dài vắn cũng đều là ảo mộng, cũng đều là giấc mộng hoàng lương.

Vòng Luân Hồi, hay vòng Sinh Tử, tức là vòng biến Thiên. Cái gì đổi thay, tức là có sinh, có tử, tức là có bắt đầu (sinh) và có hết (tử), bởi thế nên nói được “mỗi tư tưởng đổi thay, là một đời Luân Hồi”. [84]

Cho nên, cái hay không phải là nhìn thấy quang cảnh tử, sinh bên ngoài, không phải là nhìn thấy những trạng thái sai biệt bên ngoài, mà chính là nhìn thấy những trạng thái sai biệt bên trong tâm hồn.

Những trạng thái sai biệt của tâm hồn luân phiên tiếp diễn trên trùng dương tâm hồn, như những trạng thái sai biệt luôn tiếp diễn trên biển cả, lẽ dĩ nhiên không phải là biển cả bên ngoài, mà là biển cả Chân Tâm.

Những biến thiên ấy còn mất không thường, nên không đem lại cho con người hạnh phúc hoàn toàn vĩnh cửu được, cho nên có thể nói “cái gì vô thường đều là khổ ải” [85]. Nói cách khác, cái gì biến thiên sẽ không hoàn toàn, cái gì biến thiên chỉ là hiện tượng, chỉ là trạng thái; mà đã là trạng thái, tất nhiên không có Bản Thể, vì thế có thể gọi được là Vô Ngã.

Lắng lòng lại, cố dùng con mắt nội tâm mà quan sát sẽ phân tách được Hiện Tượng và Bản Thể nơi tâm hồn, sẽ nhìn thấy Luân Hồi khi mới phát sinh, nghĩa là thấy tâm tưởng khi vừa chớm nở.

“Người ta được hạnh phúc hay không là do tư tưởng mình. Tư tưởng của mình thay đổi là đời mình thay đổi ngay trong lúc đó rồi.” [86]

Cho nên cần phải biết gột rửa tư tưởng, tẩy trừ cho hết những quan niệm quàng xiên, thấp kém, và phải có những quan niệm chính xác, cao thượng, phổ quát, hằng cửu.

Lại nữa, phải biết thay đổi tâm trạng. Cần phải diệt trừ những tâm trạng đen tối và luôn giữ tâm trạng bình tĩnh, an vui, thanh tịnh, trong sáng.

Thế là băng qua Luân Hồi mà vào Niết Bàn; thế là bước dần lên các nấc thang giá trị tinh thần, để càng ngày càng tiến tới tinh vi, tới cao đại, tới hoàn thiện. Thế là càng ngày càng tiến sâu vào tâm khảm, càng vươn lên tới tinh hoa của con người. Lên tới tinh hoa, đạt tới huyền vi, tức là thoát vô thường, vào chân thường, thoát vòng biến thiên, ảo hoá, tử sinh, mà vào Niết Bàn trường tồn, vĩnh cửu.

2. Niết Bàn.

Bỏ mọi tâm trạng biến thiên mà vào Chân Tâm hằng cửu, đó là vào Niết Bàn. [87]

Cho nên Niết Bàn không ở đây, ở đó, mà đã tàng ẩn ngay trong thâm tâm con người; nhưng con người cần phải khai thác tâm hồn, cần phải lọc lõi, trừ khử hết mọi bức màn dục vọng, tư tưởng biến thiên bên ngoài, mới thực hiện Niết Bàn được. [88]

Vì vậy, Niết Bàn cần được thực hiện ngay trong thâm tâm mỗi một người. [89]

Phá hết mọi vọng niệm, vọng tưởng, mới tìm ra được Chân Lý. Siêu xuất trên mọi hình, thức, sắc, tướng, mới thấy được Bản Thể, cho nên Niết Bàn cũng được định nghĩa là Chân Lý tối hậu, [90] hay Thực Thể trường tồn. [91]

Niết Bàn vì là Bản Thể, [92] nên Niết Bàn cũng bất khả tư nghị. [93]

Niết Bàn là hạnh phúc.[94]

Con người sinh ra ở đời, thường tự giam mình vào vòng hiện tượng, thường chạy theo ngoại cảnh.

Lý do là vì bức màn vô minh trong tâm khảm còn trùng trùng, điệp điệp làm cho con người không trông thấy Chân Như, Niết Bàn. Thế rồi, tâm hồn bắt đầu rung cảm, chiêu vời những ảnh hưởng đồng vọng, ứng đối bên ngoài, thay đổi nếp sống thiên nhiên thành thiên hình vạn trạng. Bị ảnh hưởng tha nhân và hoàn cảnh, ý tưởng con người tạo ra cho con người nhiều vai trò khác lạ, và khi con người gò bó mình vào những vai trò ấy, tức là gò bó mình vào giả tạo, mê lầm. Hơn nữa, con người bị các ảnh hưởng bên ngoài cuốn lôi, dụ dỗ, bức bách, hấp dẫn đến nỗi mất hết bản ngã, mất hết tự do.

Để Bản Lai Diện Mục bị che lấp bởi những bộ mặt giả tạo, là chuốc mua đau khổ, là lao lung cùng khốn, khi trong người vẫn mang ngọc quí.

Các giá trị thay đổi hết: Thay vì con người làm chủ hoàn cảnh, hoàn cảnh lại làm chủ con người; con người, miệng nói tự do, tự tại, mà kỳ thực sống trong thằng thúc, triền phược, hết sức là bi đát; con người nói tự do tư tưởng, mà thực sự vẫn lập luận theo những khuôn mẫu, những lối đường mà trào lưu đương thời, hay trào lưu đương thịnh đã vạch sẵn, không bao giờ dám dể cho các tư tưởng từ nguồn lòng rào rạt tuôn ra.

Niết Bàn không phải là tư tưởng, mà là nguồn gốc tư tưởng. Niết bàn không phải là hạnh phúc mà là nguồn gốc hạnh phúc. Con người phải định tâm, thoát bỏ mọi niệm lự, thoát bỏ mọi tư tưởng, thoát bỏ mọi mầu sắc không gian, thời gian mới nhập Niết Bàn.

Có người nói nếu thoát hết, thì còn gì mà hưởng, thế thì hơn gì gỗ đá vô tri. [95]

Không, thoát hết đây là thoát hết bác tạp để còn nguyên toàn giác, toàn tri; thoát ly đây là vượt lên trên mọi cái hư vọng, để sống trong toàn Chân; là thoát ly thời gian biến thiên để vào trong vĩnh cửu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh