Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 25. Tiểu Nhân, Quân Tử, Thánh Nhân

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 25. TIỂU NHÂN, QUÂN TỬ, THÁNH NHÂN

Các sách Nho thông thường chỉ bàn đến Tiểu Nhân và Quân Tử, ít khi bàn về Thánh Nhân.

Khi thoạt soạn thảo bài này, tôi cũng chỉ muốn nói về quân tử và thánh nhân, nhưng suy đi, nghĩ lại, chỉ nói Tiểu Nhân hay Quân Tử, hay Quân Tử và Thánh Nhân đều chưa cho chúng ta một cái nhìn viên dung về các hạng người. Phải đề cập đến đủ cả ba hạng người: Tiểu Nhân, Quân Tử, Thánh Nhân mới giúp chúng ta có cái nhìn đứng đắn về con người, có một nhận định hẳn hoi về các mẫu người. Tiểu Nhân, Quân Tử và Thánh Nhân thực ra là phản ảnh Tam Tài:

Tiểu Nhân ứng với phần Địa, phần Vật, bao quát tất cả các lớp người chuyên vụ ngoại cảnh, vật chất, thân xác hữu hình.

Quân Tử úng phần Nhân, phần Tâm, bao quát những lớp người lo trau dồi tâm trí, mong ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, ăn ở với mọi người vẹn tình, vẹn nghĩa.

Thánh Nhân ứng với phần Thiên, bao quát những hạng người mong mỏi vươn lên tới tinh hoa nhân loại, đạt Chân, đạt Thiên, Dữ Thiên Đồng Đức.

Và đây là quan niệm Tiểu Nhân, Quân Tử và Thánh Nhân theo Nho giáo.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

A. TIỂU NHÂN.

Tiểu nhân theo Nho Giáo, là những người hạ cấp, xét về phương diện đạo đức, phẩm cách. Cho nên, một người, dẫu giàu có muôn chung, nghìn tứ, một người dẫu công danh tuyệt đỉnh, ngôi vị rất cao, nhưng nếu mặt người, lòng thú, tư cách đê hèn, thì Nho Giáo vẫn liệt họ vào hàng Tiểu Nhân.

-Lý tưởng của Tiểu Nhân là Lợi và Dục ( Quân tử dụ ư Nghĩa,Tiểu Nhân dụ ư lợi: 君 子 喻 於 義, 小 人 喻 於 利。 Luận Ngữ, Lý Nhân IV, 16), mặc tình cho vật dục và ngoại cảnh khiên dẫn, không coi sao chuyện sa đoạ về phương diện đạo đức, tinh thần. (Tiểu Nhân hạ đạt 小 人 下 達。 Luận Ngữ, Hiến vấn, XIV, 24)

-Tiểu Nhân chỉ cần bề ngoài, cần hư danh, miễn sao che mắt thế gian được là đủ, còn trong dạ xấu xa, gian ác thế nào cũng không sao. (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân 君 子 求 諸 己, 小 人 求 諸 人。Luận Ngữ, Vệ Linh Công XV, 20; Xảo ngôn, loạn đức 巧 言 亂 德 Luận Ngữ XV, 26; Tiểu Nhân vô kỵ đạn dã 小 人 無 忌 憚 也 Trung Dung, Chương 2).

-Họ thường hợm hĩnh, kiêu căng, nhưng lòng dạ chẳng bao giờ được an vui. (Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái. 君 子 泰 而 不 驕, 小 人 驕 而 不 泰。Luận Ngữ, Tử Lộ XIII,26)

Mua đá năng lượng:

-Họ thích a dua bè đảng ( Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà 君 子 和 而 不 同, 小 人 同 而 不 和. Luận Ngữ, Tử Lộ 23)

-Họ sẵn sàng hại người để đạt ý mình. (Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, Tiểu nhân phản thị.君 子 成 人 之 美, 不 成 人 之 惡, 小 人 反 是Luận Ngữ, Nhan Uyên, XII, 15). Họ mà lên cầm quyền trị nước là cái đại hoạ cho quốc gia. (Tiểu nhân chi sử vi quốc gia, tai hại tịnh chí 小 人 之 使 為 國 家, 災 害 並 至。 Đại học, X)

Tóm lại, Tiểu nhân chỉ lo trau dồi những phần thấp kém trong con người, như Lợi và Dục, vì thế gọi là Tiểu Nhân (Tùng kỳ tiểu thể vi Tiểu Nhân, 從 其 小 體 為 小 人Mạnh Tử, Cáo tử chương cú thượng, 15). Họ hoàn toàn phóng ngoại, và đi theo con đường bất nhân. ( Khổng Tử viết: Đạo nhị: Nhân dữ Bất Nhân nhi dĩ hĩ. 道 二﹕ 仁 與 不 仁 而 已 矣 Mạnh tử Ly Lâu chương cú thượng.)

B. Quân tử.

Quân tử là người:

-Biết mục đích cao cả của đời mình ( Bất tri Mệnh vô dĩ vi quân tử 不 知 命 無 以 為 君 子 (Luận Ngữ Nghiêu viết XX, 3)

-Có hoài bão cao đẹp. (Quân Tử thượng đạt 君 子 上 達 Luận Ngữ Hiến Vấn, 24)

-Cố tu Đạo, theo Đạo ( Sĩ chí ư Đạo 士 志 於 道 Luận Ngữ , Lý Nhân IV, 9; Quân tử hoài đức 君 子 懷 德 Luận Ngữ , Lý Nhân IV, 2)

-Đi trên đường nhân nghĩa không ham danh lợi ( quân tử mưu Đạo bất mưu thực 君 子 謀 道 不 謀 食 Luận Ngữ , XV, 31)

-Lo hoàn thiện mình (Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân 故 君 子 不 可 以 不 修 身 Trung Dung, XX).

-Tin ở sức mình ( Chính kỷ nhi bất cầu chư nhân 正 己 而 不 求 諸 人 , Trung Dung, XX.)

- Sáng suốt, ham học, biết thích thời (Tử viết: Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc bất khả phất bạn hĩ phù 子 曰﹕ 君 子 博 學 於 文, 約 之 以 禮, 亦 不 可 弗 畔 矣 夫

Luận Ngữ , Ung Dã VI, 25; quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mịch mịch dã, nghĩa chi dĩ tỉ.

- 子 之 於 天 下, 無 適 也, 無 莫 也, 義 之 以 比。 Luận Ngữ , Lý Nhân IV, 10)

-Nói ít, làm nhiều ( quân tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hành 君 子 欲 訥 於 言 而 敏 於 行 Luận Ngữ , Lý Nhân IV, 22)

-Thương yêu mọi người ( Quân tử thành nhân chi mỹ 君 子 成 人 之 美。 Luận Ngữ Nhan Uyên XII, 15)

-Lúc nào cũng ung dung, thư thái ( quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích 君 子 坦 蕩 蕩, 小 人 長 戚 戚 Luận Ngữ Thuật nhi VII, 36)

-Lúc nguy cơ vẫn bình tĩnh (quân tử cố cùng 君 子 固 窮。 Luận Ngữ XV, 1)

-Tóm lại, người quân tử luôn luôn trau dồi cái đại thể nơi con người, tức là trau dồi tâm thần. (Dưởng kỳ đại giả vi đại nhân 養 其 大 者 為 大 人。 Mạnh tử Cáo tử chương cú thượng, 15).

-Ở thì ở vào chỗ quảng đại của thiên hạ, đứng thì đứng vào chỗ chính đáng của thiên hạ, đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ, đắc chí thì cùng với nhân dân noi theo đạo nghĩa. Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo nàn không thay đổi lòng, vũ lực không khuất phục được chí lớn, như thế mới là trượng phu. [1]

Đó là người quân tử mà Vương Dương Minh đã phác hoạ như sau: “ Người quân tử lấy trung tín làm lợi, lấy lễ nghi làm phúc. Nếu trung tín, lễ nghi mà không còn, thời tuy lợi lộc muôn chung, tước đến vương hầu, cái quý ấy người quân tử cho là họa với hại.” [2]

Đó là người quân tử mà Kinh Thi đã khen bằng những câu thơ:

Kìa xem bên nẻo sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

Người đâu văn vẻ hỡi người,

Như cắt, như đánh, rũa mài bấy nay.

Rực rỡ thay, lẫm liệt thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên! [3]

Như vậy, đã rõ ràng là 2 hạng người tiểu nhân và quân tử đi hai đường hướng khác nhau, có hai lối sống khác nhau.

Tuân Tử cho rằng: “Người quân tử chi phối, sai sử được ngoại cảnh, ngoại vật; kẻ tiểu nhân bị ngoại cảnh, ngoại vật sai sử, khiên dẫn.” [4]

Tuân Tử cũng cho rằng: Người quân tử mở rộng cái tâm ra thì hợp với Trời mà thuận Đạo; thu cái tâm nhỏ lại thì lo sợ điều nghĩa mà có tiết độ...

Kẻ tiểu nhân thì không thế, mở rộng cái tâm ra thì ngạo mạn, hung bạo, thu nhỏ cái tâm lại thì dâm đãng và nghiêng lệch. [5]

Ta có thể mượn lời Ramakrishna kết thúc lời bình luận về quân tử và tiểu nhân:

“ Con người sinh ra mang theo hai khuynh hướng: Một là Giác, khuynh hướng này thúc đẩy họ đi tìm con đường giải thoát, hai là Mê, khuynh hướng này thúc đẩy họ lăn vào đời sống trần hoàn và nô lệ.

Lúc mới sinh ra, thì hai khuynh hướng cân bằng như hai đĩa cân. Thế rồi trần tục đặt trên 1 đĩa cân những thú vui thế tạm; còn bên đĩa cân kia, Trời đặt những hứa hẹn của Ngài. Nếu đĩa cân nghiêng về hướng Mê, thì con người sẽ chọn trần tục và sẽ bị lôi cuốn về vật chất thế tục; nếu con người chọn tinh thần thì đĩa cân Giác Ngộ sẽ nâng họ lên tới Thượng đế. [6]

C. Thánh Nhân.

Nhưng quân tử chưa phải là mẫu người lý tưởng của Khổng Giáo. Đó mới là giai đoạn “thăng đường”, chưa phải giai đoạn “nhập thất”. [7]

Còn phải tu luyện tâm hồn cho tới mức cao minh, hoàn thiện để trở nên một thánh nhân phối hợp cùng thiên địa.

“Đâu có tàu bè, xe cộ đi lại, đâu sức người có thể bôn ba tới, đâu có vòm trời che, đất chở, đâu có mặt trời, mặt trăng soi sáng, đâu có sương rơi, móc đọng, đâu có nhân loại, thì đều kính mến bậc đó. Cho nên nói Thánh Nhân phối hợp với Trời. [8]

Tóm lại, tu thân mới đầu thì đặt mục tiêu nên chính nhân, quân tử, sau đó là nên thánh hiền.[9]

Quan niệm về Thánh Nhân theo Tứ Thu, Ngũ Kinh.

Trong cuộc đối thoại với Hạo Sinh Bất Hại, Mạnh Tử đã định nghĩa và định vị trí Thánh Nhân như sau:

...Hạo Sinh Bất Hại, người nước Tề, hỏi Mạnh Tử: “Nhạc Chính Tử là người thế nào?” Mạnh Tử đáp: “ Là người Thiện và Tín.” Hạo Sinh Bất Hại hỏi tiếp:” Sao gọi là Thiện? Sao gọi là Tín?” Mạnh Tử giải: “Người mà hành vi nhân phẩm đáng yêu, đáng kính gọi là Thiện. Người làm Thiện theo lương tâm và Bản Tính không cưỡng ép và không giả trá, gọi là Tín. Người mà lòng thiện đày đủ phát lộ ra khắp thân thể và mỗi cử động đều hợp với ý lành, gọi là Mỹ. Người có Mỹ Đức đày đủ và làm nên sự nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình chói lói trên đời, gọi là Đại. Đã là bậc Đại Nhân, lại đứng ra hoằng hoá cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay về nẻo Thiện, gọi là Thánh. Đã là bậc Thánh cảm hoá cho đời, thế mà sở hành và trí huệ mình chẳng ai ức đạc nổi, biến hoá vô tận, thông với trời đất gọi là Thần...

Trong 6 bậc đó, Nhạc Chính Tử dự vào 2 bậc thấp, còn 4 bậc kia thì ngoài sức của người vậy. [10]

Theo định nghĩa của Mạnh Tử, thì Thánh Nhân thật là hi hữu, ngàn năm một thủa.

Hữu Nhược nói:

“Người năm bảy đấng,

Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,

Phượng hoàng vẫn loại chim muông,

Thái Sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò.

Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,

Thánh với phàm một phách thế nhân.

Nhưng Thánh, phàm muôn phân ngàn biệt,

Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu phàm....[11]

Thánh nhân bạt thiệp siêu quần, vì các Ngài là những người thông minh, duệ trí, [12] nhân đức tuyệt vời, noi gương Trời mà hành sự, [13] sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế. [14]

Dịch Kinh viết: “ Thánh nhân đức độ sánh đất Trời, sáng làng như 2 vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, giản dị, hoàn thiện giống như Trời.” [15]

Trung Dung đề cập tới Thánh Nhân nhiều nhất, với những lời lẽ đẹp dẽ nhất. Dưới đây xin trích một trong nhiều đoạn:

Trung Dung viết:

Chỉ có đấng chí Thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh, trí huệ,

Y như thể có Trời ẩn áo, giáng lâm.

Mới khoan dung, hoà nhã, ôn thuần,

Y như thể có dung nhan Trời phất phưởng.

Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng,

Ynhư là đã cầm giữ được sức thiêng.

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ, rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi,

Mênh mang, sâu thẳm ứng hiện phải thì.

Mênh mang như khung Trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm,

Thấy bóng Ngài, dân 1 dạ kính tôn,

Nghe lời Ngài dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động, muôn dân đều an lạc.

Nên thanh danh Ngài vang lừng Trung Quốc,

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được Trời che và đất chở,

Đâu còn nhật nguyệt 2 vầng tở mở,

Đâu có móc đọng, đâu có sương rơi,

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó Ngài vẫn được tôn sùng, quí báu,

Thế mới gọi là “cùng Trời phối ngẫu” [16]

Quan niệm về Thánh Nhân theo Chu Hi.

Trong quyển Chu Hi học án của Linh Mục Stanislas le Gall dòng Tên [17] có một đoạn bình luận về Thánh Nhân như sau:

“Trên mẫu người quân tử còn có Thánh Nhân, kiệt tác của Tạo Hoá, tinh hoa của nhân loại.

“Xét về phương diện Bản Thể, phương diện “ Thiên địa chi tính”, thì Thánh Nhân cũng như mọi người đều thụ hưởng như nhau; nhưng điểm làm cho Thánh Nhân khác biệt chính là tại “khí chất chi tính” ở nơi Thánh Nhân tinh toàn, thuần túy, y như hạt kim cương trong suốt, mặc tình cho ánh sáng rọi suốt qua.

Chu Hi nói: “Con người là tinh hoa của ngũ hành, nhưng Thánh Nhân lại là tinh hoa của tinh hoa đó.”

Trong những thế kỷ tiếp giáp với thời kỳ nguyên thuỷ, khi hoàn võ còn măng sữa, mới mẻ, khi khí chất hãy còn tinh khiết, thì dĩ nhiên có nhiều Thánh Nhân sinh: Đó là thời kỳ hoàng kim, có những thánh quân, minh triết trị dân, làm cho họ sung sướng. Hứa Dung Trai cho rằng đầu mỗi kỷ nguyên lại có một Thánh Nhân như Phục Hi. Vũ trụ càng già, càng cỗi, vật chất càng ô trọc, thì Thánh Nhân càng trở nên hiếm thấy, và hoàn võ dần dà lại quay về trạng thái hỗn mang nguyên thuỷ.[18]

“Dưới đây là những vị Thánh Nhân đã được công nhận:

  1. Phục Hi (2852-2737) -2. Thần Nông (2757-2697) -3. Hoàng đế (2697-2597) -4. Nghiêu (2357-2255) -5. Thuấn (2255-2205) -6. Vũ (2205-2197) -7. Thành Thang (1766-1753) -8. Y Doãn (chết 1713) -9. Tỉ Can (1222) -10. Văn vương (1232-1135) -11. Vũ Vương (1196-1116) -12 Châu công (chết 1105) -13 Liễu hạ Huệ ( khoảng 600) -Khổng tử (551-479).

“Vị thánh sau cùng lại là vị thánh được suy tôn, sùng thượng nhất, đó là Đức Khổng. Tử Cống có nói trong quyển V, tiết 6 Luân Ngữ: Thực Trời đã ban nhiều ân trạch, nhiều tài năng cho Đức Khổng. Ngài chính là vị Thánh,”[19]

Thánh Nhân chính là hiện thân cho mẫu người lý tưởng trong nhân loại, chính là tinh hoa nhân loại, chính là người đã thể hiện được sự toàn thiện. Sự toàn thiện ấy cũng còn được gọi là Thành ( ) là Chí Thành, Chí Thiện (至 誠 至 善), vì thế mà Rémusat đã dịch Thành là Toàn Thiện, Intorcetta đã dịch là Hoàn Thiện, Tinh Tuyền. Legge dã dịch là Tinh Tuyền không pha phách tà nguỵ. 20

Chu Hi cũng dịch là Chân Thực, không còn chút chi man muội, lỗi lầm.

“Thánh nhân, như vậy, có một đời sống hoàn toàn phù hợp với Thiên Lý. Cũng có thể nói, thánh nhân được mệnh danh là Thành, chính vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính Bản Nhiên, với Thiên Lý, và vì vậy đã phối hợp được với Trời Đất, đã sánh được với Trời Đất.

“Chu Liêm Khê cho rằng chữ Thành đồng nghĩa với Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có; nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền, thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ ở nơi Thánh Nhân giới hạn ấy mới không có. Thánh Nhân sống theo tính Bản Thiện của mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự ; ý chí người hướng về Chân Thiện Mỹ không chút khó khăn, và sống trong đường nhân, nẻo đức, trong trật tự và bổn phận không chút chi vất vả.

“Nhiều người thường nghĩ thánh nhân “sinh nhi tri chi”, và cho là Thánh Nhân có khối óc thông minh, quán triệt, bao quát mọi sự, mọi điều. “Thánh nhân cũng thông sáng không lường như Thần Minh”...

“Nhưng Chu Hi cho rằng Thánh Nhân chỉ thông suốt những nguyên lý đại cương, và dễ dàng suy ra những áp dụng cụ thể hữu ích cho mọi người. [20]

“Đó cũng là ý kiến của Doãn Nhan Minh (1100), một nhà bình giải Luận Ngữ. Ông nói:” Tuy là bậc Thánh Nhân, thông minh, thiên phú và sinh nhi tri tri, đức Khổng thường nhắc đi, nhắc lại rằng Ngài ham học, hiếu học. Ta đừng tưởng đó là Ngài nói nhún nhường, để khuyến khích các đệ tử theo gương mà cố gắng. Không, Ngài chỉ biết những nguyên lý hằng cửu, còn những áp dụng đặc thù, cụ thể, ví như những chi tiết về lễ nghi hay nhã nhạc, những chuyện xưa, tích cũ, biến cố lịch sử cổ kim, thời Đức Khổng cũng phải học mới biết. Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề nan giải khó khăn, Ngài liền thấu triệt dễ dàng, có những quyết định sáng suốt, những phán đoán xác đáng chính xác, minh triết, vì Ngài thông minh, tinh tế rất mực.

“Chu Hi cho rằng Thánh Nhân có một khối óc hoàn toàn trong sáng, hàm tàng vạn lý, vừa thoạt cảm xúc, liền thông suốt ngay.[21]

“ Các bậc chí thánh đều tiên tri, tiên đoán được sự suy thịnh của các triều đại. Các Ngài biết trước được những điều hay dở xảy ra cho đất nước, bằng cách quan sát hiện tượng thiên nhiên, nhân tình, thế thái, hay bằng phương pháp bốc, phệ, thi, qui.

“ Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế, thấu triệt, là vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi, huyền diệu.

“ Thánh Nhân lại còn là những người có đức hạnh siêu việt, theo đúng Trung Dung, Trung Đạo, xử sự luôn theo chính lý. Mạnh tử nói: “ các quan năng thì Trời ban cho mọi người, nhưng chỉ có Thánh Nhân tận dụng được quan năng mình, vì các Ngài sống hoàn toàn hợp với Chân Lý, hợp với lương tri, lương năng. [22]

“Bình đoạn này, Trình Tử cũng cho rằng Thánh Nhân theo đúng Thiên Lý, Thiên đạo, vì vậy đã tận dụng được quan năng mình. Phàm nhân tuy là có đạo lý trong mình, nhưng họ nào có biết, có hay; hiền nhân, quân tử, tuy biết và theo, nhưng không hoàn toàn triệt để; duy có Thánh Nhân là giữ vẹn Đạo Lý, cho nên mới sử dụng quan năng mình cho đúng mức,

“ Thánh Nhân vì không bị tình dục quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung, thanh thản. Thiên lý, Thiên Đạo được nhập thể, được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ, để soi đường, dẫn lối cho kẻ khác.

“ Ở nơi Thánh Nhân, mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn, tiếng nói, ngay đến sự nghỉ ngơi yên lặng, cũng là những bài học cho các bậc chính nhân, quân tử. Những kẻ phàm phu, tục tử, nếu không được cải hoá, thời chỉ tại họ đã thâm căn, cố đế, trong tính hư nết xấu, và lòng họ đã hư hỏng. Còn thánh nhân luôn luôn có thể soi sáng nhân trí và cải hoá nhân tâm. [23]

“ Ảnh hưởng của Thánh Nhân thật là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: Cũng như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hoá, thì biết được Thiên Lý biến dịch ở khắp nơi, mà chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi Thánh Nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu, sự toàn thiện tinh tuyền sẵn chứa nơi người. Và Chu Hi kết luận hết sức hào hứng bằng lời sau: Thánh Nhân tửc là hiện thân của Trời. [24]

Dịch Kinh từ lâu vẫn coi con người toàn thiện là có đức độ sánh với Trời.Dịch Kinh viết: Đức độ người ngang với đức độ Trời Đất, người sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa Thần Minh....

“ Tử Tư trong bộ Trung Dung, cũng nương theo ý Dịch Kinh, chủ trương Thánh Nhân có thể chuyển hoá chúng nhân bằng gương mẫu và bằng lời giáo hoá, khiến chúng dân có thể tiến hoá đến cùng cực tinh hoa. Như vậy, Thánh Nhân đã giúp đất trời trong công cuộc sinh thành muôn vật, và cùng đất trời hợp thành Bộ Ba.

“ Thánh nhân sánh vai với Trời, kết hợp với Trời. [25]

Những lời bình luận trên về Thánh Nhân rất là xác đáng. Nó đúng với quan niệm truyền thống Nho Giáo. Theo Kinh Thư, thiên Khang Cáo vua Thành Vương khi phong cho chú là Khang Cáo, đã khuyên Ông Khang phải cố gắng sao “cho đức độ cao vút tới Trời” ( Hoằng vu Thiên).

Ông Khế bình ba chữ Hoằng vu Thiên như sau:

Người ta ai cũng có Tính Trời. Tính Trời đó ở trong họ, như lửa vừa nhen nhóm, như suối vừa tung toả. Con người chỉ phải khuếch sung Tính Trời đó mà thôi. 26

Vũ Chính bình rằng: “Phải khuếch sung đức hạnh để hợp nhất với Trời.” [26]

KẾT LUẬN.

Liêm Khê tiên sinh có câu bất hủ:

Thánh hi Thiên.

Hiền hi Thánh.

Sĩ hi hiền. (Chu Hi, Cận Tư Lục, q.2, tr. 1)

Thánh Nhân nuôi hi vọng Phối Thiên.

Hiền Nhân nuôi hi vọng trở thành Thánh Nhân.

Kẻ sĩ nuôi hi vọng trở thành Hiền.

Chúng ta hãy đảo nó ngược lại:

Sĩ hi Hiền, Hiền hi Thánh, Thánh hi Thiên. Ta sẽ thấy con đường tu thân cầu Đạo của chúng ta phải đi từ mẫu người quân tử, cho lên tới bậc Hiền Thánh, cuối cùng là lên tới tuyệt điểm tinh hoa, dữ Thiên đồng đức. [27]

Tóm lại trong con người chúng ta có 3 phần khinh trọng khác nhau. Một phần là xác, dính líu đến Địa, đến Vật. Thực vậy, vì có xác nên ta phải nương vào Đất, nương vào ngũ cốc, thảo mộc mà sống. Lại nữa, vì có xác, nên chúng ta cũng có đủ nhu cầu của các sinh vật khác như ăn uống, ngủ nghỉ.

Một phần là Hồn, thuộc Nhân. Chúng ta vì vậy, phải lo sao sống cho xứng đáng với danh nghĩa con người: Ngửng lên không hổ với Trời, cúi xuống không thẹn với người. (Ngưỡng bất quí ư Thiên; phủ bất tạc ư nhân 仰 不 愧 於 天, 俯 不 怍 於 人), cùng khổ không mất nghĩa, hiển đạt không lìa đạo (cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly đạo 窮 不 失 義, 達 不 離 道 Mạnh tử, Tận Tâm Thượng, 9).

Một phần là Thần thuộc Thiên. Đó là cái phần linh thiêng nhất trong con người chúng ta, cái phần mà chúng ta phải lo tồn dưỡng.

Thần có một và ở khắp mọi nơi, thì cái Thần của mình tức là Thần của Trời Đất. Vậy nên người quân tử phải Thận Độc, nghĩa là phải kính cẩn lúc ở một mình, không dối mình bao giờ. Mình dối mình, tức là dối Trời Đất. Người mà Thận Độc thì có thể theo được Thiên Lý mà hành động. Đã theo được Thiên Lý mà hành động, thì ta là một cái vũ trụ riêng, sức Tạo Hoá ở ta, không bị vật khác đè nén được, mà ta lại có thể tể chế được các vật.

Nhận định trên đây về Thần là nhận định của Thiệu Khang Tiết. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, II, tr. 113). Nếu ta có thể hoành dương tư tưởng trên cho đến kỳ cùng, ta sẽ đạt tới Phối Thiên.

Thật vậy, nếu Thần ta và Thần Trời Đất là một, thì hãy sống sao cho Thần ta và Thần trời đất luôn duy nhất, bất khả phân. Tinh Hoa nơi ta là Tinh Hoa trời đất. Cố gắng đem tinh hoa trời đất vào trong lòng mình (Trung ), phát huy tinh hoa ấy ra bên ngoài, làm cho mọi người chia xẻ, và thông phần tinh hoa ấy, nắm giữ được tinh hoa ấy như mình (Thứ ). Đó chẳng phải là chỗ Đạt Đạo của Khổng Giáo sao?

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh