Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 15. Qui Nguyên Phản Bản, Trở Về Gốc Nguồn

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 15. QUI NGUYÊN PHẢN BẢN, TRỞ VỀ GỐC NGUỒN

Chương này với nhan đề Qui Nguyên phản bản (Dữ Đạo hợp Chân) có thâm ý chỉ vẽ rằng: Tất cả công trình học hỏi, suy tư, công trình tu luyện của chúng ta đều phải qui hướng về một mục đích. Đó là:

-Dữ Đạo Hợp Chân (Tiên Học diệu tuyển, tr. 268).

-Phối Thiên (Đạo Đức Kinh ch. 68.)

-Đạt Thiên, hợp Đạo (Văn Đạo Tử Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, q. 1, tr. 1b)

Mà người xưa gọi là:

Qui nguyên phản bản hay Qui Căn phản bản.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Chương này có rất nhiều kỳ vọng:

  1. Trước hết nó muốn phản ảnh lại chủ trương Phối Thiên của Lão cũng như của Khổng, đúc kết lại tinh hoa đạo giáo của mấy nghìn năm lịch sử Trung Hoa và Việt Nam.

Đối với Trung Hoa và Việt Nam từ xưa đến nay, thời chủ trương: Thiên Nhân Hợp Nhất, Thiên Nhân Hợp Phát, Phối Thiên, Dữ Thiên Đồng Đức là cực điểm tinh hoa của Đạo Giáo.

Lão Tử nơi chương 68 Đạo Đức Kinh đã viết: Thị vị Phối Thiên cổ chi cực. (Phối Thiên, kết hợp với Trời là cực điểm của người xưa).

Trung Dung nơi chương 26, có câu: Cao Minh Phối Thiên, và chương 30 có câu: Cố viết: Phối Thiên.

Trương Kỳ Quân, 1 học giả Trung Hoa đương thời, viết trong quyển Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử (q. 3, chương Lão Tử, tr. 229):

Trung quốc từ thời Nghiêu Thuấn đến nay, vốn có tư tưởng:” Thiên Nhân hợp Nhất”. Kính Trời nên yêu người. Yêu người để kính Trời. Lịch đại Thánh Triết đều nối tiếp nhau hoằng dương Đạo Thiên Nhân Hợp Nhất. Lão tử là 1 người trong số đó. “ [1]

Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư nói rất nhiều về Trời, về Thần, về Thượng Đế. Khi nói tới Bản Thể thì dùng chữ Thiên, khi nói về Chủ tể vạn vật thì dùng chữ Thần, chữ Đế. Trong sách của Lão Tử cũng vậy. Cũng lấy Trời làm gốc gác vạn vật.” [2]

Nơi đây Trương Kỳ Quân cũng muốn tóm tắt kinh Dịch. Cũng trong bộ Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, Trương Kỳ Quân viết:

Kinh Dịch là một cuốn sách bao quát mọi vấn đề, nhưng mà cốt yếu vẫn là để xiển minh đạo Thiên Nhân hợp Nhất.” [3]

Đạo Lão cũng thường bàn về nhẽ Thiên Nhân cảm ứng, Thiên Nhân hợp Nhất. Trong quyển Trung Hoa Đạo giáo đại Từ Điển do Hồ Phu Sâm chủ biên, Trung Phu Tử bàn về Thiên Nhân hợp Nhất như sau:

“...Xuân thu chiến Quốc thời kỳ, tư tưởng Thiên Nhân cảm ứng và quan niệm Thiên Nhân hợp Nhất đã được đạo Nho và đạo Lão phát huy.

Nho gia nhấn mạnh về mặt xã hội. Mạnh Kha, Đổng Trọng Thư cho rằng Trời ban quyền cho vua, và trời cảnh cáo vua bằng tai dị, lại nhận rằng: Thiên Đức ngụ trong lòng người, còn nhân tính thì căn bản nơi Thiên Đạo. Thiên mệnh quyết định nhân sự, phải Tận Tâm Tri Mệnh mới hợp Thiên.

Đạo Lão đề cao Tự Nhiên.

Trang tử viết trong Tề Vật luận: Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ Ngã vi nhất.

Nơi chương Sơn Mộc, Nam Hoa Kinh, Ông còn nói: Thiên dữ Nhân nhất dã...

Trời và người hợp thành: Đạo tự nhiên vô vi; đạo thông vu Nhất, nên kêu là Thiên Nhân hợp nhất. (Trung phu Tử) [4]

Khoảng năm 1958, tôi nhân thấy “đức Khổng khuyên con là Bá Ngư nên đọc Kinh Thi, nên tôi đã cùng một cự nho ở Đà Nẵng dịch toàn bộ Kinh Thi, xem trong đó ẩn dấu điều gì bí mật. Sau khi dịch xong Quốc Phong sang tới Đại Nhã, tôi mới khám phá ra được một chuyện mà xưa nay không ai biết. Đó là Chân Đạo Nội Tâm, hay Đạo Thần Linh mà ta có thể tìm ra trong lòng ta. Ngày nay, người ta gọi là Đạo Huyền Đồng (mysticism), hay Phối Thiên, hay Thiên Nhân Tương Dữ, Thiên Nhân Nhất Quán, Thiên Nhân Hợp Nhất. Xưa Nghiêu Thuấn, thành Thang, Văn Vương, Võ Vương đã đi được vào Đạo cao siêu này...” [5]

Như vậy chứng tỏ là Trương Kỳ Quân đã nhận xét rất đúng.

  1. Thứ đến, chương này cũng muốn đúc kết lại cực điểm tinh hoa đạo giáo, chỉ cho thấy chỗ Đồng qui nhi thù đồ.

Thánh Paul nói: “ Tôi sống chẳng phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.” (Galates, 2, 20)

Đạo Sinh, một vị đại sư thời Nam Bắc Triều (372-432 tức Đông Tấn Giản Văn Đế, Hàm An nhị niên và Tống Văn Đế, Nguyên Gia cửu niên) đã cho rằng Đức Phật được thành chính đẳng, chính giác, chính là nhờ đã khế hợp được với Thiên Tâm. [6]

Chữ Niết BÀN (Nirvana) của Ấn Độ, chính có nghĩa là Phối Thiên. Giám Mục Thệ Phản, người Thụy Điển, Nathan Soderblom, trong quyển La vie future d’après le Madzéisme, đã dành 1 chương nói về Nirvana. Ông chủ trương:

  1. Trước thời đức Phật đã có chữ Nirvana.
  2. Chữ Nirvana, ngoài nghĩa Triết Học là Không Tịch, Thanh Hư, Vô Sinh, Vô Tướng, còn có nghĩa Đạo Giáo là Phối Thiên.[7]
  3. Sau hết, chương này cũng muốn đúc kết lại tất cả tư tưởng của chín chương trên, cho thấy mối nhất quán của đề tài, và cũng là để liễu đạt mục tiêu của toàn tập này làĐạo Học Cầu Chân: theo ven sườn non của Đạo Lão để lên đến đỉnh Chân Lý.

Thực vậy, chủ trương Phản Bản, Hoàn Nguyên đã phát xuất từ một niềm tin rằng vũ trụ này đã từ một toàn thể phóng phát, tán phân ra. Toàn Thể ấy là Vô Cực, là Thái Cực. (Chương I)

Đạo hay Thái Cực, sau khi đã phóng phát, đã tán phân ra vũ trụ, quần sinh, lại tiềm ẩn ngay trong lòng sâu quần sinh, vạn hữu. Vì thế cho nên, ở nơi vũ trụ cũng như ở nơi con người, Trung Tâm thời Trường Sinh, Vĩnh Cửu, Bất Biến, còn Ngoại Vi thời di động, biến thiên, tử tử, sinh sinh.

Thánh hiền là những người đã biết đi từ ngoại vi biến thiên của ngoại cảnh, hình hài, tâm tư, thất tình, lục dục trở về Thiên Tâm hằng cửu. Còn thường nhân thì chìm nổi, vật vờ ngoài biên khu tâm, cảnh.Thường nhân, phàm phu, tục tử thời bị ngọn cuồng phong sự duyên thổi bạt từ Trung Tâm ra Biên Khu, Ngoại Cảnh, còn Thánh Hiền thì dùng phép Định Tĩnh để thoát sự chi phối của nhân duyên, và trở về được với Trung Tâm Hằng Cửu.

Thế tức là: Thuận sinh Phàm, Nghịch sinh Tiên. (các Chương 2, 3, 4).

Nơi con người, thì Trung Tâm Hằng Cửu, hay Thái Cực hay Huyền Quan Khiếu đã ở sẵn nơi Trung Tâm Đầu Não con người. Hiểu rõ về con người sẽ giúp ta dễ dàng hành Đạo hơn, vì công trình Qui Nguyên, Phản Bản chính là công trình đi sâu mãi vào Tâm Khảm, đi sâu mãi vào Nê Hoàn Cung, để tìm Đạo, tìm Trời, Dữ Đạo Hợp Chân. (Chương 5)

Chủ trương Qui Nguyên Phản Bản thực ra đã hàm ngụ trong chủ trương Tính Mệnh Song Tu: Tu Mệnh trước cho thân xác khỏe mạnh, cho tăng tuổi thọ, rồi tu Tính, để Hư Tâm, Định Tĩnh, Dữ Đạo Hợp Chân. (Chương 6).

Chủ trương Qui Nguyên Phản Bản, thực ra cũng là con đường đi từ Hữu Vi đến Vô Vi, từ Hữu Tướng về Vô Tướng, từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên của Đơn Gia, Tiên Gia (Chương 7).

Kinh sách Đạo Lão chung qui chỉ xây quanh mấy vấn đề: Luyện xác, Luyện Tâm, luyện Thần để Qui Nguyên Phản Bản mà thôi. (Chương 8).

Các Cao Nhân, Danh Phái trong Đạo Lão chính là những người tiêu biểu cho tất cả các giai trình:

-Từ Vô Vi ra Hữu Vi, rồi lại từ Hữu Vi về Vô Vi.

-Từ Đơn Thuần ra Bác Tạp, từ Nhất ra Vạn, rồi lại từ Bác Tạp về Đơn Thuần, từ Vạn về Nhất.

-Từ Thần ra Cảnh rồi lại từ Cảnh về Thần.

Hai chiều Thuận Nghịch đó đều có tiêu biểu: Một đằng là Đạo Giáo dân gian, một đằng là Tiên Gia, Đạo Gia. (Chương 9).

Tới Chương X này chính là lúc chúng ta phải:

“Dùng Tuệ Kiếm, Phanh Phui Hỗn Độn,

Ra tay Thần, Banh Bửa Hư Vô.” [8]

để tìm cho ra Trời, ra Đạo, tiềm ẩn sau những lớp lang hiện tượng, tìm được cái gì chí quí, chí bảo của trời đất.

Và chúng ta hãy cùng nhau dở những kinh tạng của Đạo Lão, xem Thánh Hiền Đạo Lão xưa nay đã nói gì về Qui Nguyên, Phản Bản. Để nắm vững được vấn đề, và cũng là để tiện bề theo dõi, chúng ta sẽ trình bày vấn đề này dưới ba đề mục:

-Hoàn phản là gì? Hoàn phản về đâu?

-Làm sao để hoàn phản?

-Hoàn phản đem lại lợi ích gì?

1. HOÀN PHẢN LÀ GÌ? HOÀN PHẢN VỀ ĐÂU?

Trên đây, chúng ta đã thấy các Tiên Gia, Đạo Gia chủ trương:

-Nhẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

-Nhẽ Tuần Hoàn, phản phục.

Như vậy ta thấy ngay rằng, khi nói đến Qui Nguyên Phản Bản là nói đến vấn đề quay về với Vô Cực, Thái Cực, với Đạo, với Trời, với Hư, với Trung, với Nhất.

Danh từ tuy đa đoan, nhưng chung qui chỉ có một ý nghĩa: Con người, muốn liễu Đạo, muốn Trường Sinh, bất tử, phải quay về với Bản Tính mình, phải kết hợp nhất như với Đạo, với Trời. Xưa nay, ước mơ cuả Thánh Hiền Đạo Lão là:

“Phục ngã bản lai chi Thiên Chân,

復 我 本 來 之 天 真

Hoàn ngã Vô Cực chi Tạo Hóa.”

還 我 無 極 之 造 化

Dịch:

Phục Hoàn Thiên Chân ta vốn có,

Quay về Vô Cực vốn dĩ ta.

Hoàn Nguyên như vậy là trở về Quê Hương Vô Cực. [9]

Đại Động Chân Kinh viết: Căn bản do lai Thái Cực tầm. (Căn bản phải tìm nơi Thái Cực) [10]

Trương Tam Phong cho rằng: Hoàn Nguyên tức là trở lại với Bản Tính của mình, “Hoàn ngã Tì Lư Tính Hải.” [11]

Huỳnh Nguyên Cát nói: Phản hoàn Vô Cực chi chân. [12]

Đã đành Hoàn Nguyên, Phản Bản cũng là Qui Hư, Qui Nhất nhu6ng chữ Hư, chữ Nhất đây phải được hiểu cho đứng đắn là Vô Cực, là Đạo, là Trời.

Chính vì vậy mà Xướng Đạo Chân Ngôn viết: “Cái cốt yếu của Đại Đạo vốn là:

  1. Từ Hư Vô sinh ra Hưũ. Nho gia gọi thế là: Bắt đầu nói tới một Lý, sau tán thành vạn sự (Xem Trung Dung, tựa).
  2. Rồi lại từ Hữu qui Vô, đi trở về với cái Căn Bản Nguyên Sơ của chúng ta. Đó là: Hư Vô nhất thể. Tức như Phật Giáo nói: Vạn Pháp qui Nhất, Nhất qui ư Vô vậy.”[13]

Chính vì vậy, mà nhiều Tiên Gia sau khi nói: Luyện Thần Hoàn Hư, còn thêm Phục Qui Vô Cực, cốt là để tránh quần chúng khỏi rơi vào Ngoan Hư, Ngoan Không.

Thủy Khưu Tử có thơ:

“ Đả phá Hư Không vạn ức kiếp,

Ký đăng bỉ ngạn xả chu tiếp.

Quan tận Đơn Kinh, vạn vạn thiên,

Mạt hậu nhất cú vô nhân thuyết.”

Dịch:

“Đả phá Hư Không vạn vạn đời,

Đã lên bờ giác, mái chèo lơi.

Đọc hết Đơn Kinh muôn vạn quyển,

Còn câu sau hết chẳng vẽ vời..” [14]

Lý Chân Nhân chỉ vẽ câu sau chót bằng bài thơ sau:

“Dục thuyết vị thuyết, kim tương thuyết,

Tức ngoại, tức nội, hoàn Hư Tịch.

Khí huyệt vi lô, lý tự nhiên,

Hành mãn công phu, hoàn Vô Cực.”

Dịch:

“ Này điều chưa nói, nói ra,

Trong ngoài đem cả về tòa Hư Vô.

Huyền Quan ấy chính lò cừ,

Công thành, Vô Cực bây chừ là thân.”

Trương Tam Phong còn ghi rõ thêm:

“Hoàn Hư là để hợp Đạo.”[15]

Tiên gia còn có những lời lẽ đanh thép hơn như sau:

“Nhất kiếm tạc khai hỗn độn,

Lưỡng thủ phách liệt Hồng Mông.”

Dịch:

“Một kiếm phanh phui Hỗn Độn,

Hai tay banh bửa Hồng Mông.” [16]

Nhập Dược Kính còn viết:

“ Có phanh phá Hồng Mông, Hỗn Độn,

Mới rỡ ràng thấy đựơc Kim Đơn.”[17]

Hoặc:

“ Chẳng phanh phá Hỗn Độn, Hồng Mông,

Sao thấy được bảo châu Trời đất ? ” [18]

Khưu Xử Cơ có câu:

“Hư cực phấn toái, dĩ lộ Toàn Chân.”

Dịch:

“Nghiền tan Hư Cực, để lộ Toàn Chân.” [19]

Cũng nên ghi nhận rằng: Những câu như Ẩm Đao Khuê (Nhập dược Kính tr, 13b), Ẩm Hồng Mông Tửu (Nhập Dược Kính, tr. 13b), Cùng Thủ Sinh Thân Thụ Khí Sơ, hay Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ (Kim Đơn yếu quyết, tr. 1b) đều ngụ ý Qui Nguyên Phản Bản, Dữ Đạo Hợp Chân.

Vì Đạo Lão vốn chủ trương Thái Cực, hay Đạo, hay Trời đã có sẵn ở Trung Điểm Vòng Dịch, Trung Điểm vũ trụ, và Trung Điểm con người, cho nên Qui Nguyên cũng là Qui Trung.

Dịch Kinh viết:

“Hiền Nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ Tâm Khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh, mỹ miều.

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.”[20]

Đại Động Chân Kinh viết: “ Căn bản vốn tại Trung Tâm... Suy cho cùng Bản Thể là tại Trung Tâm. Các hiện tượng bên ngoài đều bắt nguồn từ bên trong. Các ứng dụng hiển lộ ra bên ngoài cũng đều từ bên trong sinh xuất...” [21]

Văn Đạo Tử viết: “Bắt đầu từ Trung Điểm, kết cục cũng tại Trung Điểm. Đầu đuôi vẫn chỉ là một khí lưu hành bất tức.” [22]

Văn Đạo Tử Tinh Hoa Lục còn cho rằng: Tiên Phật chẳng qua là những người đã vào được Trung Cung, Trung Điểm và có thơ sau:

“Số, Văn dụ Đạo, Đạo tài thông,

Hà, Lạc huyền vi tại Chính Trung.

Luân chuyển tuần hoàn, quan trục cốc,

Biến thiên, thăng giáng hệ tâm cung.

Căn chi, bản mạt minh đoan đích,

Tụ tán, hiển vi, thức thủy chung.

Tri chỉ, tức nhiên tri giải thoát,

Phật, Tiên bất quá đắc hoàn trung.”

Tôi dịch thoát như sau:

Đạo cả siêu vi khó luận bàn,

Lấy lời, lấy số tả lan man.

Huyền vi Hà, Lạc nơi Tâm điểm,

Trục chuyển vành xe mới vẹn toàn.

Trục chuyển vành xe, mới vẹn toàn,

Trần hoàn biến chuyển hệ Tâm Xoang.

Ngọn ngành, gốc rễ thông đầu cuối,

Tụ tán, hiển vi, chẳng ngỡ ngàng. [23]

Qui Căn, Phản Bản cũng chính là công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên, là thu nhiếp Hậu Thiên qui tụ về Tiên Thiên.

Hai bài thơ tứ tuyệt sau đây cho thấy ý nghĩa đó:

Tiên Thiên nhất Khí tức Chân Diên,

Sản tại Hư Vô, Thái Cực tiền,

Hoảng hốt, yểu minh trung hữu tượng,

Phương tri Tạo Hóa huyền hựu huyền.

Hậu Thiên chi Khí vi Chân Cống,

Bản dữ Tiên Thiên nhất khiếu sinh.

Đãn đắc Cống Diên qui nhất xứ,

Tự nhiên khoảnh khắc sản Chân Tinh.

Dịch:

Tiên Thiên nhất Khí ấy Chân Diên,

Sinh tại Hư Vô Thái Cực tiền.

Phảng phất, mơ mòng, trong có tượng,

Mới hay Tạo Hóa thật diệu huyền.

Hậu Thiên chi Khí là Chân Cống,

Vốn với Tiên Thiên một khiếu sinh,

Đem được Cống, Diên về một chỗ,

Tự nhiên chốc lát, sản Chân Tinh. [24]

Tiên Kinh viết:

Tiên Thiên không có Hậu Thiên, lấy gì mà thu nhiếp? Hậu Thiên không có Tiên Thiên, nhờ đâu mà biến hoá? [25]

Nhưng mà thiết thực nhất, đối với chúng ta, Qui Căn, Phản Bản vẫn chính là tin rằng: có Trời, có Đạo ngự trị ngay trong Nê Hoàn Cung, trong Trung Tâm Đầu Não con người, và Phản Bản, Hoàn Nguyên chính là đem hết tâm thần quay trở về phối hợp với Trời, với Đạo tại đó.

Chính vì vậy, mà Tham Đồng Khế phát huy gọi Nê Hoàn Cung là:” Nơi xưa, chốn cũ, cố hương, cố đô, cố quận.”

Nhập Dược Kính có câu:

Qui căn khiếu, phục mệnh quan,

Quán Vĩ Lư, thông Nê Hòan. [26]

Như vậy, tức là muốn ám chỉ Nê Hoàn Cung là Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan.

Muốn chứng minh điều đó một cách đích xác hơn, ta lý luận như sau:

Kim Đơn Đại Thành viết:

“ Đầu hữu cửu cung, trung viết Nê Hoàn.” [27]

Tính Mệnh Khuê chỉ viết:

“Đầu hữu cửu cung. Trung nhất cung, danh viết Cốc Thần.” [28]

Đạo đức Kinh (chương VI), và Nhập dược Kính đều cho rằng: “Cốc Thần bất tử, thị vị Huyền Tẫn, Huyền Tẫn chi môn, thị vị Thiên Địa căn”. Nhập dược Kính lại cho rằng: “Huyền Tẫn chi môn, vi Qui Căn Khiếu...Tri Qui Căn Khiếu tắc tri Phục Mệnh Quan hĩ.” [29].

Như vậy, ta kết luận 1 cách vững chắc rằng: Nê Hoàn là Qui Căn Khiếu, là Phục Mệnh Quan, vì nơi đó có Cốc Thần là Căn Nguyên sinh ra trời đất...

Nhập Dược Kính viết thêm: “ ...Đem Thần về an vị tại Nê Hoàn. Thần mà an vị tại Nê Hoàn thời vạn Thần sẽ triều hội.

Huỳnh Đình Kinh vân: Tử dục bất tử tu Côn Lôn.[30]

Giá trị của Nê Hoàn Cung chính là vì ở đó có Thái Cực, có Đạo, có Trời ngự trị. Mà Thái Cực, hay Đạo, hay Trời thời gồm thâu Trời Đất.

Mới hay:

“ Tu luyện phải hay Phục Mệnh Quan,

Không hay khiếu ấy, uổng lo toan.

To trùm trời đất không bờ bến,

Nhỏ cuộn đất trời, dấu “thử” gian.” [31]

Đạo Học Cầu Chân có thơ:

Hướng tiền Thần tụ, đồng Vô Cực,

Kim tán trần ai mãn thế đồ.

Dục qui Chính Vị Hoàng Trung lý,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Dịch:

Trước kia, Thần tụ, đồng Vô Cực,

Nay tán, trần ai ngập thế đồ.

Muốn về nguyên vị Hoàng Trung cũ,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hoàn qui. [32]

II. LÀM SAO ĐỂ HOÀN PHẢN?

Muốn Qui Nguyên Phản Bản, phải đi chiền Qui Tâm, chiều Hồi Hướng, chiều Nghịch.

Thế nào là chiều Thuận, thế nào là chiều Nghịch?

Chiều Thuận là:

  1. Chiều từ Nhất sinh ra Vạn, sinh sinh vô cùng...
  2. Là chiều Hướng Ngoại.
  3. Là chiều tinh thần suy thoái.
  4. Là chiều phá tán.

Chiều Nghịch là:

  1. Chiều từ Vạn trở về Nhất, hóa hóa vô tận...
  2. Là chiều Hướng Nội.
  3. Là chiều tinh thần siêu thăng.
  4. Là chiều Thu Liễm, thu nhiếp, qui tàng...

Tu Chân Tiệp Kính viết:

“Thuận là Nhân Tâm.

Nghịch là Đạo Tâm...Nhân Tâm mà chết, thì Đạo Tâm mới sinh... có biết chiều Nghịch mới biết Con Đường Sống...

Đi chiều Nghịch sẽ sống vô cùng.

Đi theo chiều Thuận sẽ sống hữu hạn.

Chỉ một Thuận, một Nghịch mà xa cách nhau...như trời, với đất...

Đi chiều Thuận, Pháp giới hóa hỏa hào.

Đi chiều Nghịch, mãn địa là châu báu.” [33]

Cao Thượng Ngọc Hoàng Tâm Ấn Kinh cho hay:

Tụ thời phú hữu, tán thời linh lạc. Thánh nhân đi chiều Nghịch, đem Tam Nguyên (Tinh, Khí, Thần) qui tụ về Nhất, còn phàm nhân thì theo chiều phá tán.” [34]

-Đi theo chiều nghịch, thu liễm ngũ hành, tứ tượng, bát quái, là đem Tinh, Thần, Hồn, Phách qui tụ về Trung Cung, Tiên Thiên, Thái Cực, thế tức là Đắc Đạo, thế tức là Đơn thành.

Nhập Dược Kính gọi công phu đó là:

Đạo Thiên Địa, đoạt Tạo Hóa, toàn Ngũ Hành, hội Bát quái. .. Tức viết: Tạo Hóa qui trung chi diệu.” [35]

Thiết thủ tinh hoa Trời Đất, đoạt quyền Tạo Hóa, thu nhiếp Ngũ Hành, hội hợp Bát Quái.

Tiên Học từ điển cho rằng:

Hoàn hư là giai đoạn tối hậu của công phu luyện đơn, đem vũ trụ vạn hữu qui về Hư, và đồng thể với Thái Hư.”[36]

-Muốn Quy Nguyên, Phản Bản phải tha thiết, phải thành khẩn ao ước được kết hợp với Đạo, với Trời.

Tiên kinh viết: “Tử dục trường sinh, thủ Nhất đương minh. Tư Nhất chí cơ, Nhất dữ chi lương. Tư nhất chí khát, Nhất dữ chi tương.”

Dịch:

“Ấy ai mà muốn trường sinh,

Thủ Chân, Bão Nhất, phải rành mới hay.

Suy tư về Nhất suốt ngày,

Đói thời lấy Nhất, của này nuôi thân.

Suy tư về Nhất miên man,

Khát thời lấy Nhất đó làm quỳnh tương.” [37]

-Muốn phản hoàn, phải mở được tuệ giác, vì có mở được tuệ giác, mới Thông Thiên, Thông Thần, mới thấy được Bản Lai Diện Mục của mình.

Trương Tam Phong viết:

“ Tuệ nhật chiếu hôn cù,

Năng kiến Bản Lai Diện Mục.” [38]

Dịch:

“Vừng Dương Tuệ chiếu soi đường tối,

Mới nhìn ra Diện Mục Bản Lai.”

Có Tuệ Giác rồi mới có thể:

“Minh vô tướng ư hữu hình chi hậu,

Tri Hư Cực ư vị triệu chi tiên.” [39]

Dịch:

Thấy Vô Tướng xuyên qua màn hiện tượng,

Hoàn Hư Vô từ thủa trước đất trời.”

-Muốn Phản Hòan phải Hư Tâm, Định Tĩnh. Mã Đơn Dương cho rằng: “Đại Đạo gồm nguyên 6 chữ: Tự Nhiên, Thanh Tịnh, Vô Vi.” [40]

-Có nhập định mới về tới được Hư Vô. [41]

-Sống tự nhiên cũng rất là quan trọng để tìm ra Đạo, ra Trời.

“Đạo vốn Vô Vi, Hữu Vi không phải Đạo.” [42]

Nhập Dược Kính có 2 bài thơ sau:

“Vạn ban tác dụng mạn thi công,

Tổng dữ Kim Đơn sự bất đồng.

Đãn yếu chí thành vô gián đoạn,

Tự nhiên Đại Đạo tại kỳ trung”

Dịch:

“Sở xoay cho lắm thực luống công,

Đều với Kim Đơn sự chẳng đồng,

Một dạ chí thành không gián đoạn,

Tự nhiên Đại Đạo ở sẵn trong.”

“Đại Đạo vô vi pháp tự nhiên,

Tự nhiên chi ngoại cánh vô huyền.

Trí nhu, chuyên khí anh nhi dạng,

Cơ tức cầu tôn, khốn tức miên.”

Dịch:

“Đại đạo vô vi, hợp tự nhiên,

Ngoài sống tự nhiên, chẳng có huyền.

Hồn nhiên, chất phác như con trẻ,

Đói ăn, mệt ngủ, chính là tiên... [43]

-Công trình Phản Bản hoàn Nguyên mất bao lâu?

Không biết ra thời ngàn vạn năm chưa đủ. Biết ra thời vài phút cũng đã thừa.

Nhập dược Kính viết:

“Nhân Tâm nhược dữ Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương chỉ phiến thời.” [44]

Dịch:

“Nhân Tâm mà hợp Thiên Tâm,

Con đường hoàn phản chỉ cần phút giây.”

III. PHẢN BẢN HOÀN NGUYÊN ĐƯỢC LỢI ÍCH GÌ?

Huỳnh Nguyên Cát cho rằng:

Muốn cho sắc thân lâu bền, thế nào cũng phải tu luyện cho tinh kiên, khí hòa. Cơ sở có được xây đắp vững, mới mong sống lâu.

Muốn cho Pháp Thân trường cửu, phải luyện Thần hoàn hư, luyện Hư hợp Đạo. Sau đó mới chứng được quả Thần Tiên.” [45]

-Công trình Phản Bản, Hoàn Nguyên cốt là để rũ bỏ phàm tâm, mặc lấy Thiên Tâm.

Tiên Học nơi tr. 67, có ghi lời Trúc Trai như sau:

Tâm có nguồn, thân có gốc. Chuyển hóa cho tiêu tan đi cái tâm hình tướng, chuyển hóa cho tiêu tan đi cái hình tướng giả tạo, thế là Hoàn Nguyên. Vận dụng cái Nguyên Khí không bờ bến, để điểm hóa cái thân tứ đại giả hợp của ta này, thế là Phản Bản...Phản Bản, Hoàn Nguyên là Tu Chân.” [46]

-Phần thưởng của công trình Qui Nguyên, Phản Bản là Dữ Đạo hợp Chân, thể hợp với Thiên địa chi tâm, trở thành Tiên, Phật, Thánh, Thần. [47]

Hán Chung Ly cho rằng:

Phản Bản, Hoàn Nguyên là trở về được với Vô Cực, với Thái Hư, cho nên sẽ biến hóa vô cùng, tụ thời thành hình, mà tán sẽ thành Khí.” [48]

-Một khi đã vứt bỏ được Phàm Thân, mặc lấy được Pháp Thân Vô Cực, thời sẽ trường sinh vĩnh cửu cùng Trời Đất.

Xuất hữu nhập vô không trở ngại,

Bồng lai, Tam Đảo rộng đường mây.

Kinh qua kiếp kiếp trăm nghìn vạn,

Mấy độ bể dâu, ta vẫn đây. [49]

TỔNG KẾT LUẬN.

Gọi là tổng kết luận, vì chẳng những muốn đúc kết lại chương này, mà còn muốn đúc kết toàn tập khảo luận này.

Thay vì đem ý riêng mà bàn, tôi sẽ mượn lời và ý Trang Tử nơi chương Tề Vật Luận mà phác họa lại bóng hình một vị Chân Nhân đạt Đạo như sau:

Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai. [50]

Ta nào biết vắn, dài, nhĩ, ngã,

Lòng muôn phương muôn ngả tỉnh say. [51]

Thênh thang chèo quế, buồm mây,

Lòng trời lạc nẻo, chốn này là đâu? [52]

Nhạc trời tấu vui sầu muôn điệu, [53]

Bóng quang huy, phiểu diểu mung lung,

Nơi đây ta dứt lòng trần,

Bạn cùng thần thánh, muôn phần hân hoan. [54]

Triều nổi sóng muôn ngàn ta mặc,

Lửa ngất Trời phần phật ta khinh. [55]

Ta nay đã thoát điêu linh,

Thoát vòng sinh tử, tử sinh của đời. [56]

Ta sống giữa vòng Trời vĩnh cửu,

Ta sống trong khu nữu muôn loài. [57]

Vời trông thế sự vần xoay,

Ta nào còn biết bên này bên kia?

Tranh chấp hết, thị phi cũng hết,

Thị với phi phân biệt uổng công. [58]

Đã vào tới điểm Đại Đồng,

Trông ra trời đất mênh mông một mầu.

Lớn với nhỏ in nhau một lứa,

Sống vắn, dài, một thủa phù sinh.

Sợi lông bát ngát, mênh mông,

Mà xem non Thái như tình cỏn con.

Kẻ chết yểu: sống hơn trăm kiếp,

Còn Lão Bành: yểu triết, tảo vong. [59]

Nay ta xếp mọi tơ lòng,

Hết niềm nhĩ, ngã sống trong lòng trời. [60]

Nguồn mạch ấy chẳng vơi, chẳng cạn,

Mà tràn lan, lai láng rạt rào,

Kho trời đã rõ tiêu hao,

Tiêu sao cho hết, dùng sao cho cùng. [61]

Mặc tôm cá sống cùng tôm cá,

Mặc hươu nai gá nghĩa hươu nai.

Mặc cho khỉ vượn sánh đôi,

Mặc cho trai gái sánh đôi tương phùng. [62]

Ta tìm Đạo trong lòng vũ trụ, [63]

Trong lòng ta, ta cố tìm Trời.

Thương cho nhân thế miệt mài,

Lao đao, lận đận, suốt đời uổng công. [64]

Những bôn tẩu mơ mòng ảo ảnh,

Khiến cho đời hiu quạnh gian chuân.

Nào hay ở giữa lòng trần,

Tấc thành đã sẵn, muôn phần quang hoa. [65]

Nơi chốn ấy, chói lòa ánh sáng [66]

Cũng là nơi tĩnh lãng siêu nhiên [67]

Là nơi sực nức hương Tiên,

Rườm rà ta bỏ, tần phiền ta quăng. [68]

Đừng biện luận nói năng chi nữa,

Biết nói sao, biết tả làm sao? [69]

Mênh mông, bát ngát, rạt rào,

Im hơi, lặng tiếng, mới cao, mới tài. [70]

Ta quên hết hình hài, ngôn ngữ,

Quên rằng ta còn có hay không. [71]

Lạ thay! phong thái huyền đồng,

Làm sao cho sạch tơ lòng mới nghe. [72]

Sống khinh khoát muôn bề khinh khoát,

Cùng trăng sao bát ngát xa chơi.

Lòng mang vũ trụ, đất trời,

Cùng chư thần thánh muôn đời sống chung. [73]

Sống mãi mãi, vô cùng, vô tận,

Mặc trời mây, chuyền vận quanh ta,

Mặc cho trần thế bôn ba,

Vì ta đã được tinh hoa đất trơì. [74]

Thử ướm hỏi nơi đâu dừng bước,

Đâu là nơi cùng tột phải đi?

Ta nay truyền nhẽ huyền vi,

Được Trời, lập tức hết kỳ bôn ba,

Được Trời, Đạo, ấy là đạt đích,

Hết lần mò, tầm mịch lăng nhăng. [75]

Được Trời, là được Thiên Chân,

Thiên Chân, phải có Thiên Quân đáy lòng. [76]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh