Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 32. Tinh Hoa Phật Giáo Hòa Hảo

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 32. TINH HOA PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Người sáng lập Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo là:

Đức Huỳnh Giáo Chủ, tục danh là Huỳnh-Phú-Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ-Mùi (tức là 15 tháng giêng năm 1920) tại làng Hòa-Hảo, nằm trên Bắc Ngạn sông Vàm Nao, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi giáp biên-thùy Việt Miên, Nam Việt (Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, VP Phật Giáo Hòa Hảo / HN, 1997, tr. 21)

Chân Dung Đức Huỳnh Phú Sổ

Ngài là trưởng nam của Ông Hương Cả Huỳnh Công Bộ và Bà Lê Thị Nhậm. Ngài là con của một kỳ lão cao cấp nhứt làng Hòa Hảo, nhiều phúc hậu và nhiều uy-tín với nhân-dân địa-phương. (PGHH Trong Dòng Lịch Sử Dân tộc của Nguyễn Long Thành Nam)

Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu-học thì đau ốm liên-miên, nên Ngài phải rời trường về nhà dưỡng bịnh. Từ 15 đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.

Năm 1939, sau khi hướng-dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất Sơn và Tà Lơn, những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ. Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18-5 Kỷ Mão, (1939) Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm-nghèo với phương-pháp thật giản-đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư, Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết-pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ, văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu-phàm.

Cũng từ năm 1939, Ngài sáng-tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành Tứ Ân, trau dồi Thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.

Nhìn qua công-đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hàng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hàng trăm bài thi ca, văn có giá-trị siêu-việt đầy tình cảm rung động lòng người. Ngài đã đi vào quần chúng, sinh hoạt với quần chúng, nói ngôn ngữ của người nông dân mộc mạc đầy tình nghĩa dân tộc trong tinh thần tam giáo.

Tư tưởng của ngài xoay quanh thơ, văn, giảng, kệ và hành động là đi vào nội tâm, (nội giáo) như câu chuyện Huệ Năng và Thần Tú của Thiền tông Trung Hoa làm ta hiểu rõ thế nào là Nội Giáo, Ngoại Giáo đã được Ngài đặt để trong câu:

Khùng nói cho già trẻ làm tin,

Theo Lục-Tổ chớ theo Thần Tú.

(Sấm Giảng Thi Văn của Huỳnh Phú Sổ Tr. 61)

Như vậy Ngài khẳng định không theo (ngoại giáo) mà đi thẳng vào Tâm tìm Trời tìm Phật.

Kệ giảng ngài gồm có sáu quyển:

  1. Sấm giảng khuyên người đời tu niệm. (1939) (Văn vần)
  2. Kệ dân của người Khùng. (1939) (Văn vần)
  3. Sấm giảng.( 1939) (Văn vần)
  4. Giác mê tâm kệ. ( 1939) (Văn vần)
  5. Khuyến thiện (1941) (Văn vần)
  6. Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của Một Người Bổn Đạo. ( 1945) (văn xuôi) (Xem Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương GHPGHH,Tr. 6-10).

Văn-chương của Ngài cực kỳ bình-dân nhưng rất hàm-súc hấp-dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp. Ngài tuy ít học, nhưng lại làm nhiều thơ, và cả thơ chữ Hán rất là nghiêm túc. Ngài không học tiếng Miên, nhưng khi ngao du sang Miên ngài đã trò chuyện với dân Miên bằng tiếng Miên. (Xem Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, VP Phật Giáo Hòa Hảo/ HN 1997, tr. 61-63).

“Xưa nay, tuy đã có nhiều vị giáo chủ siêu việt giáng trần, nhưng vì tư tưởng các ngài quá cao siêu, nên những môn đệ, những tín đồ sau này thường lại không thấu triệt được những tư tưởng cao siêu của các ngài, nên đã bỏ mất tinh hoa, mà chỉ giữ được sáo ngữ và hình thức.” (xem Tôn Giáo Đối Chiếu Tr. 27. B.S. Nguyễn Văn Thọ)

Giáo-Pháp của Đức Giáo-Chủ tuy cao-siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp-dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn-giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đạo Phật Việt Nam bị đình-đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế-giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.

Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh-hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

Ngài cũng giả dạng, xưng hiệu khùng điên, đi đây, đi đó, thức tỉnh chúng sinh như Ông Sư Vải Bán Khoai. Dân chúng coi Ngài là Hóa thân của Đức Thày Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư hay Sư Vãi Bán Khoai. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 112; Để hiểu Phật Giáo Hòa Hảo, tr. 13).

Ngài sáng lập ra Đạo Hòa Hảo năm 1939, khi người 19 tuồi. Ngài là vị Giáo Chủ trẻ nhất thế giới từ xưa tới nay.

Ngài lãnh Sắc lệnh của Đức A Di Đà, của đức Thích Ca, của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, của Phật Vương, của Đức Quan Âm và có nhiệm vụ:

  1. Chấn Hưng Phật Pháp.
  2. Cứu độ chúng sinh khỏi Sông Mê, Bể Khổ.
  3. Chỉ đường về Tây Phương Cực Lạc.
  4. Tìm con lành hay tạo hạng hiền đức, để dự Hội Thi sang qua đời Thượng Nguyên an lạc,
  5. Lập hội Long Hoa.
  6. Lập bảng Phong Thần.
  7. Đưa người đến Bồng Lai, Tiên Cảnh.
  8. Trừ con Nghiệt Thú.
  9. Cầm cân thưởng phạt.
  10. Tá Quốc An Bang.

Ngài lập đại nguyện: Tận độ chúng sinh. (Xem Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, tr. 84-93).

Đức Huỳnh Giáo Chủ đưa ra một tổ chức tranh đấu gọi là Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội. Ngài tổ chức Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo.

Ngài thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội. Nhưng hội này không được các nhà Sư hưởng ứng nên chết non.

Người Nhật yêu cầu Ngài đi Khuyến Nông và Ngài đã nhận. Cuộc hành trình Khuyến Nông kéo dài 2 tháng, đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Việt, diễn thuyết 107 nơi, rất đông người đến nghe.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng ngày 15/ 8/ 45. Ngài lại càng hăng say hoạt động chính trị, và lo cứu quốc an dân.

Ngài thành lập Đội Bảo An trong các xã ấp, để cho dân chúng được an lạc.

Sau đó Ngài định thành lập Đệ Tứ Sư Đoàn cho Hòa Hảo, nhưng bị Trần Văn Giàu đoạt mất.

Ngài tham gia thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ngày 14/6/45.

Trong khi đó mặt trận Việt Minh ra mắt tại Sài Gòn ngày 25/8/45. Ngài đã phái ông Nguyễn Xuân Thiếp ra Bắc tiếp xúc với Tổng Bộ Việt Minh và lãnh chỉ thị về Nam.

Ngài được Tổng Bộ Việt Minh coi là Đại Biểu chính thức của Việt Minh Nam Bộ (Vương Kim, Đức Huỳnh Phú Sổ, tr.. 155)

Vào khoảng đầu năm 1946, ngài tiếp xúc với các lãnh tụ quốc gia, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam. Mặt trận không hoạt động được. Ngài cùng với các lãnh tụ quốc gia, lại thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng hay Dân Xã đảng.

Sau đó Ngài được mời tham chánh nhưng chỉ giữ một chức vụ nhỏ là Ủy Viên Đặc Biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ.

Ngài còn gia nhập Mặt Trận Toàn Quốc thành lập ngày 27-2-47 tại Nam Ninh (Trung Hoa).

Ngộ Nạn.

Sau đó Ngài di chuyển về miền Tây, để hòa giải những xô xát giữa Tín Đồ Hòa Hảo với Việt Minh.

Trước hết Ngài gặp Trần Văn Nguyên. sau gặp Bửu Vinh, mấy nhân viên cao cấp Cộng Sản.

Ngày hôm sau 16/4/47, Ngài lại họp với Trần Văn Nguyên, và tới chập tối, Ngài họp với Bửu Vinh.

Khoảng 7 giờ rưỡi tối, có 8 người vào chỗ Ngài ở, giết 3 trong 4 tên hộ vệ của Ngài, còn Ngài bị mất tích từ ấy đến nay. Như vậy là Ngài mất tích tại Đốc Vàng vùng Đồng Tháp. (STD, tr. 188-195)

Khi ấy ngài mới 26 tuổi. Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tin rằng Ngài vẫn chưa chết.

Nói Phật giáo Hòa Hảo mới được sáng lập năm 1939 cũng chưa chính xác cho lắm, vì từ năm 1849 cho đến 1939, đã có nhiều vị Phật Thánh giáng thế dạy dân, ở vùng Hậu Giang như Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856), Đức Phật Trùm hoạt động trong những năm 1868-1873, Đức Bổn sư, chính thức lấy danh hiệu năm 1870, tịch năm 1890, Ông Sư Vãi Bán Khoai, xuất hiện vào khoảng năm 1901, sau đó mới đến đức Huỳnh Giáo Chủ chính thức lập đạo Hòa Hảo năm 1939, khi Ngài mới có 19 tuổi. Đó là một vị ra đời lập đạo trẻ nhất thế giới.

Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

Tình ta chan chứa trong hoàn vũ,

Không thể riêng yêu khách má hồng.

(PGHH Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Nguyễn Long Thành Nam, tr.398)

Sau đây sẽ bàn qua về các vị tiên phật trên.

Đức Phật Thầy Tây An.

Đức Phật Thầy Tây An đã nổi danh khắp Miền Nam Việt Nam, là một vị Phật Sống và một nhà ái quốc, ngài sinh năm 1807, nhưng mãi đến năm 1850 ngài mới ra mở đạo, và viên tịch năm 1856, lúc Tam Giáo đã hết sức suy vi. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 28). Ngài thành lập Giáo Phái Bửu Sơn Kỳ Hương, và khai thị môn pháp Tu Nhân Học Phật, và gợi lại tinh thần dân tộc của phái Trúc Lâm Yên Tử xưa.

Con đường tiến hóa nhân loại là con đường hướng thượng, từ bâïc thấp tiến lên bậc cao, từ chỗ không tự do tiến đến chỗ cuối cùng giải thoát. Thế nên việc Tu Nhân cũng chỉ là để trang nghiêm đoạn đường nhập thế, làm nấc thang bước lên đoạn đường xuất thế. Vì vậy mà đồng thời với Tu Nhân, Đức Phật Thầy Tây An còn chủ trương học Phật. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 33).

Về phương diện Tu Nhân, Ngài xướng xuất Tứ Ân Hiếu Nghĩa, để dìu dắt con người trở lại với Đạo Nhân, căn bản của con đường đưa đến mục đích cuối cùng giải thoát. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 29)

Về tu Phật Ngài xướng xuất phép tu gồm cả 3 Mật, Tịnh Thiền. Ngài dùng Mật Tông để chữa bệnh và đã dạy được nhiều đệ tử như Đạo Xuyến, Đạo Sang, Đình Tây, Đạo Lập v.v... (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 38)

Vai trò của Mật Giáo là cốt dọn lấy miếng đất “lòng tin”, để rồi gieo hạt giống Bồ Đề, thế nên đồng thời với Mật Giáo, Đức Phật Thày Tây An còn khai thị phép tu Tịnh và tu Thiền (Std, tr. 41). Ngài chủ trương Thiền Tịnh Song tu, nhưng khác với Trúc Lâm Yên Tử vì Trúc Lâm Yên Tử lấy Thiền làm chánh Tông, lấy Tịnh làm trợ tông, còn Ngài thì lấy Tịnh làm chính tông, lấy Thiền làm trợ tông (Std, tr. 46).

Bửu Sơn Kỳ Hương ở núi Sam. Ai qui y thọ giáo với Ngài thì Ngài phát cho một cái lòng phái có 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương bằng son, in trên giấy vàng... (Std, tr. 83.)

Trong vòng 7 năm hoằng pháp, tín đồ qui y, thọ giới có mấy mươi vạn, (Std. tr. 85).

Đức Phật Trùm.

Ngài vốn là người Miên, ở núi Tà Lơn, vùng Xà Tón, tỉnh Châu Đốc, nhưng bỗng một hôm sau khi chết đi, sống lại vì bệnh thời Khí, ngài hốt nhiên tỏ ngộ, và không nói được tiếng Miên lại nói ròng tiếng Việt. Ngài phát phù trị bệnh, mở đạo giáo đời, y như đã được Đức Thày Tây An truyền lại. Và kỳ diệu nhất là Ngài cũng phát lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nên người đời quả quyết rằng Ngài là Đức Phật Thày hóa kiếp. (Std, tr, 87).

Ngài ra đời năm 1868, tức là lúc quân Pháp đã chiếm Nam Kỳ Lục Tỉnh và là lúc các anh hùng cứu quốc nổi lên gây phong trào kháng chiến Cần Vương như Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Khoa Huân, Trần Văn Thành.

Vì Ngài là đệ tử của Đức Phật Thày, lại có cả vạn người hậu thuẫn, nên quân Pháp chú ý đến Bửu Sơn Kỳ Hương, và phá tan lực lượng của Ngài vào năm 1873, và sau đó bắt Ngài đi đày. (Std, tr. 88)

Đức Bổn Sư .

Đức Bổn Sư cũng hốt nhiên tỏ ngộ, và dùng Phép huyền diệu độ bệnh cứu dân. Ngài cũng phát lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương, và xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật.

Ngài sáng tác bộ kinh Hiếu Nghĩa gồm 3 quyển, và lập chùa phát phái ở núi Tượng vào năm 1870. Nhưng ngôi chùa này bị quân Pháp thiêu hủy năm 1885.

Sau đó vì ngài bị hương chức hội tề quản chế không cho tự do hành Đạo, nhất nhất cái gì cũng phải xin phép. Mỗi lần tín đồ vào chùa lễ bái không quá 4 người.

Chính vì thế Ngài phải canh cải cách thờ phượng, thay vì chú trọng Vô Vi, Ngài lại trọng về sắc tướng. Đó là cách quyền xảo.

Không thời kỳ nào mà tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chịu nhiều tai ách bằng thời kỳ này.

Trong suốt thời gian từ lúc Đức Bổn Sư ra đời cho đến khi ngài viên tịch (1890), Không có phút nào Ngài được yên thân. Ngài giữ vững được giáo hệ Bửu Sơn Ký Hương đã là may lắm rồi. (Std, tr. 93-95)

Ông Sư Vãi bán khoai.

Ông xuất hiện vào khoảng năm 1901, nghĩa là còn trong thời kỳ quân Pháp đang thi hành chính sách đàn áp gắt gao các tín đồ của Giáo Hệ Bửu Sơn Kỳ Hương.

Với Ông Sư Vãi bán khoai, một kỷ nguyên mới về sự truyền giáo mở ra. Bằng phương pháp giả dạng thay hình, khi thì làm người bán khoai, khi thì làm kẻ bán củi, ông xưng khùng xưng điên, đi nơi này nơi nọ, nhất là ở vùng kinh Vĩnh Tế và Cao Miên, khuyến hóa dân sanh, lo tu hành niệm Phật. Chẳng bao lâu mà khắp dân gian ở miệt Cao Miên cũng như ở vùng Long Xuyên và Châu Đốc, tinh thần Bửu Sơn Kỳ Hương được hưng khởi. Mặc dầu Ông không lập chùa chiền hóa độ, nhưng với quyển Sấm Giảng Người Đời 11 thiên mà ông cho truyền bá trong dân gian, không còn ai mà không công nhận Ông là bậc tiên giác trong Giáo Hệ Bửu Sơn Kỳ Hương. Người ta thấy những điều lập thuyết và giáo hóa của Đức Phật Thày Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư phản chiếu trong quyển Sấm Giảng Người Đời ấy.

Lập thuyết của Phái Bửu Sơn Kỳ Hương, như mọi người đã biết, được xây dựng trên Lý Tam Nguyên. Cuộc đời vần xoay theo luật: từ Thượng Nguyên đến Trung Nguyên rồi Hạ Nguyên. Khi Hạ Nguyên mãn thì trở lại Thượng Nguyên và cứ thế mãi mãi. (Std, tr. 103-105).

Trong thời Hạ Nguyên này ngài khuyên mọi người phải cảnh tỉnh, và phải Tu Tứ Ân, và niệm Phật. Ngài chỉ dạy tu Tịnh Độ mà không dạy Tu Thiền. (Stđ, tr. 109-112)

1. VỊ TRÍ ĐỊA DƯ

Đạo Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Việt Nam, và từ đó phát triển, bành trướng ở miền Tây Nam Việt. Đặc biệt đây là những tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ sông Cửu Long, giáp nước Cao Miên, được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam. Nhờ đất đai phì nhiêu, vùng này có khả năng vĩ đại về nông nghiệp, gọi chung là Hậu Giang hay miền Tây Nam Việt.

Ngoài sự kiện kinh tế, vùng này còn có dãy núi Thất Sơn tại biên giới tỉnh Châu Đốc giáp sứ Cao Miên. Tương truyền tại đó chứa đựng nhiều điều huyền bí ly kỳ và lưu truyền trên sách vở đến nay chưa ai cắt nghĩa được.

Trên căn bản ấy, vùng Hậu Giang, nơi xuất phát và bành trướng ảnh hưởng của đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

2. SỐ TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Tổng số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được ước lượng vào khoảng trên 2 triệu người, đại diện cho một tỉ số 38% trên dân số vùng Hậu Giang, hay 10% trên tổng số dân Việt Nam Cộng Hòa. Có những tỉnh như Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong, Sa Đéc, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lên đến 90 % dân số; ở các tỉnh khác, tỷ số này thay đổi từ 10 đến 60 %. (thống kê trước 1975 của PGHH. Nay 2001, con số dường như lên trên 4 triệu người)

3. ĐẶC TÍNH PHẬT GIÁO HÒA HẢO

-ĐẶC TÍNH THỨ NHẤT: Bửu Sơn Kỳ Hương hay Phật Giáo Hòa Hảo đều là một nền đạo Phật của nông dân.

Đức Phật Thầy Tây An trước kia vừa truyền bá đạo Phật vừa khuyến khích nông nghiệp dưới hình thức “Lập trại ruộng để vừa tu hành vừa cày cấy”.

Ngày nay cũng thế, hầu hết tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nông dân, và đó cũng là một lý do tại sao Đức Huỳnh Giáo Chủ đã lập đạo tại một vùng đất phì nhiêu nhứt Việt Nam.

Trên phương diện nhân sinh và xã hội, người ta cũng nhận định rằng bản chất thuần phác của người nông dân cho họ có căn bản thuận lợi để tu học theo đạo Phật.

-ĐẶC TÍNH THỨ HAI, Phật Giáo Hòa Hảo cũng như Bửu Sơn Kỳ Hương đều chủ trương tu hành tại gia. Bởi vì các vị Giáo Chủ này đã nghĩ rằng đạo Phật không những chỉ truyền bá ở thiền môn mà còn phải phát triển rộng rãi đến mọi gia đình.

Do đó các tín đồ PGHH không bị bắt buộc phải cạo đầu vào chùa, lìa bỏ mọi việc ngoài thế gian, mà họ vẫn ở tại gia đình, sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, đồng thời tu hành theo giáo lý của Đức Thích Ca.

Tôn chỉ tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo là Học Phật Tu Nhân, tức là noi theo giáo lý chơn truyền của Đức Phật mà tu sửa con người, để vừa làm tròn bổn phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân tâm cho trong sáng để được siêu thăng vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc, giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Để thi hành tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, người tín đồ PGHH phải tích cực thực hiện Tứ Ân, tức 4 điều ân lớn, là:

1-Ân Tổ Tiên Cha Mẹ

2-Ân Đất Nước

3-Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)

4-Ân Đồng Bào Nhơn Loại (Xin xem sách về Giáo Lý PGHH) Cũng trong đường lối đó, người tín đồ PGHH đã tỏ ra tích cực tu hành đồng thời cũng tích cực hy sinh vì đất nước, khi quốc gia hữu sự.

-ĐẶC TÍNH THỨ BA là sự canh tân phương pháp hành đạo nhằm loại trừ mọi hình thức rườm rà, mê tín, dị đoan. Đặc tính canh tân này có mục đích loại bỏ âm thinh sắc tướng để phát dương phần tinh túy của đạo Phật, đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Phật.

Đạo Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương canh tân như sau:

-Không cất chùa đúc tượng thêm, ngoài những ngôi chùa đã sẵn có. Ai giàu lòng từ thiện thì nên phát tâm bố thí, cứu trợ kẻ nghèo khổ, hơn là cất chùa lớn, đúc tượng cao.

-Không chấp nhận thầy cúng, thầy lễ, thầy bói, thầy phù thủy, cũng không dâng cúng chè xôi thực phẩm cho Phật, vì Phật không dùng những của hối lộ đó.

-Không dùng cờ phướn, lầu kho, đốt giấy tiền vàng bạc, phí tổn vô ích.

-Không khóc lóc hay làm linh đình lúc tang ma, mà chỉ im lặng cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát.

Không ép hôn, thách tiền cưới hay tiệc rượu linh đình, vì sẽ mang nợ, gây hại về sau. Tóm lại, giáo pháp vô vi Phật Giáo Hòa Hảo nhằm canh tân phương pháp hành đạo để trở về với giáo lý chơn truyền của Đức Phật, là tu hành tại Tâm, chẳng phải ở hình thức lễ nghi bề ngoài.

Phật Giáo Hòa Hảo không có sư sãi.

Tóm lại, Phật Giáo Hòa Hảo dạy Tu Nhân Học Phật.

Tu Nhân là tu đạo Làm Người đối với gia đình, quốc gia, xã hội, là tu đức Nhân của Khổng Mạnh, nhất là Hiếu Nghĩa. Tứ ân hiếu nghĩa nằm gọn trong 2 chữ Tu Nhân.

“Phàm là con dân, thì biết yêu tổ quốc, hy sinh thân mạng đền bù nợ quốc gia; làm con thì hiếu thảo, thờ phượng cha mẹ, anh em thì hòa thuận nhau, vợ chồng thì ân nghĩa đối đãi nhau, Nói tóm lại, một người có đạo nhân, là người lấy nhân nghĩa, đạo đức làm phương châm xử thế tiếp vật, sống một đời chánh chân cao nhã”. Đó là bước đầu của nấc thang tiến lên con đường đi đến quả vị Tiên Phật. Ai muốn giải thoát, muốn thành Phật, thành Tiên cũng phải trải qua nấc thang đó trước; ví bằng chẳng hành xong Nhân Đạo thì không sao thành Phật Đạo .(Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 67)

Học Phậthọc tinh hoa Phật Giáo. Hòa Hảo chú trọng: Mật, Tịnh, và Thiền.

Mật là Mật Tông. Mật tông cốt là dọn lấy miếng đất “lòng tin”, để rồi gieo giống Bồ Đề chánh pháp. Mật tông, hay phép nhiệm chữa trị bệnh cho những người kém tin tưởng sớm thức tỉnh, cảm lấy ơn cứu độ mà qui ngưỡng tu hành. Nhưng về sau khi người đời đem lòng mộ đạo, thì đức Huỳnh Giáo Chủ không còn thi thiết nữa. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, 1997, tr. 41)

Có người hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Bạch thầy, mấy Ông Đạo trên núi, thường luyện phép để ngày sau phò vua, giúp nước. Còn Đức Thày sao không dạy đệ tử luyện phép như Tiên Đạo?”

Ngài đáp: “Đức Phật chỉ dạy con người lo tu tâm sửa tánh, cho được trọn lành trọn sáng, còn phù phép thuộc về tà giáo. Còn ham phù phép tức là còn nuôi óc cạnh tranh cầu danh lợi: phép linh cũng như cá linh. Nước vừa chớm giựt, loại cá này đua nhãy lên nước trước, nên phải chịu chết sớm. Các ông đừng ham linh mà bỏ mình.” (Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, VP Phật Giáo Hòa Hảo/HN, 1997, tr. 74)

Tịnh là Tịnh Độ. Đức Huỳnh Giáo chủ dạy Thiền Tịnh song tu. Tịnh Độ là niệm danh hiệu A Di Đà, cầu vãng sanh Cực Lạc. Tịnh Độ Tông dựa vào Tha Lực của Đức Phật A Di Đà.

Thiền là Thiền Tông. Thiền Tông là Pháp Môn tự lực tu hành. Chủ yếu của pháp Thiền Tông, là đạt đến chỗ Minh Tâm Kiến Tính. Mỗi chúng sinh đều có sẵn Bản Tâm thanh tịnh, vĩnh viễn trường tồn, bất di bất dịch, nhưng vì thiên chấp sắc tướng, mà lu mờ chân giác; vì thế mà nhận lầm cái không làm có, cái có làm không. Do chỗ mê lầm ấy mà lăn lộn mãi trong tam đồ lục đạo. Chỉ có trở về với Bản Tính Thanh Tịnh, nhận rõ cái lý: sắc tức thị không, không tức thị sắc, thì mới dứt đường sinh tử, phản bản hoàn nguyên... (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 99, 100).

“Thì ra Ông Phật cũng chẳng qua từ địa vị chúng sinh, tức là con người bằng xương bằng thịt, tu hành đắc quả... Phật từ chúng sinh ra mà ra. Thế nên, muốn thành Phật, trước phải làm chúng sinh, hay nói một cách khác, trước khi làm Phật, cần phải làm một con người.

“ Như vậy, con người là khởi điểm của con đường tiến hóa để đi đến Phật. Không có con người thì không thể nào thành Phật. Nhưng Phật khác hơn chúng sinh ở chỗ Phật là con người toàn thiện, toàn mỹ, rốt ráo giải thoát, còn chúng sinh là những con người chưa hoàn hảo, còn bị ràng buộc, trói trăn. Làm Phật tất phải biết hơn chúng sinh, phải làm hơn những việc của chúng sinh làm, mới xứng đáng cho chúng sinh thờ kính và quí trọng. Ví bằng Phật mà không làm hoàn toàn bổn phận con người, không vượt trên bậc phàm, thánh, thì hẳn kẻ phàm, thánh dù có thờ, cũng không trọn kính. Và như thế thì không thành một vị Phật...” (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 67-68).

Tế Điên Hòa Thượng có nói: “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhân Đạo. Nhân đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỷ.” Muốn tu Đạo Tiên Phật, trước phải tu đạo làm người. Đạo làm người mà không tu, thì Đạo Tiên Phật khó đến vậy. (Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, tr. 31.)

Những tư tưởng trên đây thật là trong sáng, và rất chính xác. Đáng khâm phục.

4. SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Trong chủ trương canh tân nói trên, sự thờ phượng trong nhà các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thật là giản dị.

Trên bàn thờ, không có tượng Phật, không có chuông mõ. Chỉ có một tấm Trần bằng vải màu đà, tượng trưng cho sự hòa hợp nhơn loại, và cho màu sắc nhà thiền. Đó là bàn thờ Chư Phật. Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ Cữu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đã khuất. Trước nhà có một bàn thờ lộ thiên (gọi là bàn Thông Thiên) để người tín đồ cảm thông với Trời Đất, bốn phương trời, mười phương Phật. Chỉ dùng nước lạnh, bông hoa, và nhang để cúng Phật. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng để khử mùi uế trược.

Mỗi ngày người tín đồ PGHH làm lễ cúng Phật, ít nhứt hai lần, buổi sáng và buổi tối. Trong các ngày rằm, mồng một, ngày vía Chư Phật, họ đến chùa hay hội quán hành lễ, và nghe kinh giảng hay nghe thuyết pháp.

Lúc đảnh lễ họ không dùng mõ chuông, mà chỉ lâm râm tâm niệm. Khi nào mắc công việc thì đến giờ hành lễ họ quay mặt về hướng Tây mà cúng Phật, và khuyến khích nhau ngồi đâu, ở đâu cũng tụng niệm trong tâm.

Ngoài ra trong các Xã, Ấp có những độc giảng đường trang bị máy phóng thanh, để mỗi ngày trong những giờ nhất định, có những giảng viên đến đọc kinh giảng hay thuyết pháp cho người chung quanh cùng nghe.

Độc Giảng Đường Phật Giáo Hòa Hảo là những ngôi chùa thâu hẹp chỉ để truyền đạo, chớ không phải để cư trú, nên nhỏ hơn chùa, bởi bản chất Phật Giáo Hòa Hảo là cư sĩ tại gia.

Hiện nay chỗ nào có nhiều tín đồ PGHH đều có Độc Giảng Đường, với nét kiến trúc đặc biệt của Phật Giáo Hòa Hảo. Theo kiểm kê năm 1965, Phật Giáo Hòa Hảo có 390 Độc Giảng Đường.

Giới nghiên cứu giáo lý PGHH đã đúc kết hệ thống tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ thành một công thức ba bước bất khả phân: Bước thứ nhất là học Phật, bước thứ hai là Tu Nhân, bước thứ ba là tìm về cứu cánh giải thoát. (PGHH Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Nguyễn Long Thành Nam. Tr 284)

5. CỜ ĐẠO, HUY HIỆU

Huy Hiệu Hoà Hảo

Cờ đạo hình chử nhật màu đà, không có chữ hay hình tượng nào. Huy hiệu PGHH hình tròn màu đà, bìa vàng trên có bông sen trắng và bốn chữ viết tắt PGHH.

6. THÁNH ĐỊA

Thánh Địa Phật Giáo Hòa Hảo đặt tại làng Hòa Hảo tức là sanh quán của Đức Huỳnh Giáo Chủ, và cũng là nơi khai sáng mối Đạo. Tại đây không có sự xây cất đồ sộ, nhưng có một nếp sống đặc biệt an lạc, với không khí đạo giáo.

7. HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Đoàn thể PGHH được quản trị bởi một hệ thống Ban Trị Sự. Các Ban Trị Sự được thiết lập từ mỗi Ấp, Xã, Quận, Tỉnh. Trên hết là một Hội Đồng Trị Sự Trung Ương.

Mỗi Ấp chia làm nhiều chi hội.

Nhờ một tổ chức đi sâu vào tới hạ tầng cơ sở quần chúng, nên sự điều hành công việc được chặt chẽ, và các chỉ thị được thi hành suốt từ trung ương xuống đến các chi hội.

Nguyên tắc tổ chức và điều khiển là dân chủ tập trung.

8. SINH HOẠT

Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng từ năm 1939.

Trong sinh hoạt bình thường, trọng tâm công tác của Giáo Hội PGHH nhắm vào 2 mục tiêu chính. Thứ nhứt là phổ truyền giáo lý trong và ngoài nước. Thứ hai, thực hiện các công tác xã hội, văn hóa, cứu trợ và bố thí.

Trong công thức Học Phật Tu Nhân, trên 2 triệu (1975) người tín đồ PGHH cư sĩ tại gia đồng thời với sự tu sửa thân tâm, lại còn đóng góp vào việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Hơn thế, khi quốc gia hữu sự, tín đồ PGHH sẵn sàng hiến dâng đời sống, hy sinh để bảo vệ tổ quốc.

Mỗi năm đặc biệt trong ngày đại lễ Kỷ Niệm Khai Sáng Mối Đạo vào 18 tháng 5 Âm lịch, các sự kiện trên đây được thể hiện trong tổ chức đại lễ nơi Thánh địa Hòa Hảo và ở khắp vùng Hậu giang.

9. TRONG CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

Trên bình diện quốc gia, giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo là một hội viên sáng lập của Hội Đồng Tôn Giáo Việt Nam, một cơ quan đoàn kết các tôn giáo chánh yếu như: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo, Tin Lành... Đồng thời PGHH cũng tham gia các sinh hoạt quốc gia, đúng theo truyền thống của một tôn giáo dân tộc. Ngoài ra, giáo lý PGHH cũng đã được tiếp nhận với nhiều cảm tình bởi nhiều giới trí thức Đông phương cũng như Tây phương.

Bởi vì, với một giáo thuyết hòa đồng tinh hoa Tam giáo, Phật Giáo Hòa Hảo đã phát dương giáo pháp chơn truyền của Đức Thích Ca Mâu Ni làm căn bản giáo lý, lại thêm các tư tưởng Nho giáo, Lão giáo, đã ăn sâu vào tập tục dân tộc Việt Nam, để kết thành một tư tưởng Đạo học có đặc thái dân tộc Việt Nam.

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

Đền xong nợ nước thù nhà,

Thiền môn trở gót Phật-Đà nam-mô.

(SGTVTB, Huỳnh Phú Sổ tr.456)

&

Bài này viết theo tài liệu của Phật Giáo Hòa Hảo trên trang nhà của PGHH http://www.hoahao.org/ và các sách

-Đức Huỳnh Giáo Chủ của Vương Kim

-Để Hiểu Phật Giáo Hòa Hảo của Thanh sĩ và Vương Kim

-Bửu Sơn Kỳ Hương của Vương Kim

-PGHH trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc của Nguyễn Long Thành Nam.

-Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ

-Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ và Phật Giáo Thời Đại củaTiến Sĩ Lê Hiếu Liêm

-Hồn Thiêng Dân Tộc của Nguyễn Huỳnh Mai

-Đức Phật Thày Tây An của Vương Kim và Đào Hưng

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh