Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 8. Nhân Sinh Phát Diệu, Vi Diệu Của Cuộc Đời

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 8. NHÂN SINH PHÁT DIỆU, VI DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI

Từ trước đến nay, người ta thường học con người dưới những khía cạnh phiến diện, đa đoan, nên càng học càng lìa xa Chân, Diện, Mục con người, càng sao lãng cái Tinh Hoa Chí Bảo nơi con người.

Cho nên, muốn học về con người cho thấu đáo, cho có cơ sở triết học, khoa học vững chắc, ta phải dựa vào:

-Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

-Thuyết Nhất Thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.

-Thuyết Đạo nội tại, Thái Cực nội tại, Thượng đế nội tại. [1]

1. NƠI CON NGƯỜI CÓ 2 PHẦN CHÂN, GIẢ, BIẾN HẰNG.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Trước hết, nếu ta chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, mà Nhất Thể đó ta đã biết là Đạo, là Thái Cực, là Thượng Đế, thì dĩ nhiên trong ta phải có phần Thiên, có Thái Cực, có Thượng Đế.

Như vậy, nhận định sơ bộ về con người đã cho thấy rằng: Trong ta có 2 phần:

-Một phần vĩnh cửu, bất biến, bất sinh, bất diệt. Đó là phần Thiên.

-Một phần Biến Thiên, ảo hoá. Đó là phần Nhân.

  1. Phần vĩnh cửu, bất biến:

Đạo Lão gọi phần Vĩnh Cửu, Bất Biến đó là: Đạo, Cốc Thần, Thái Cực, Thiên, Đạo Tâm, Thiên Tâm, Thiên Địa chi tâm, Chủ Nhân Ông, Đơn v.v...

Châm thạch tử viết:

Thiên Tâm giả, Bản Thể dã, Chủ Nhân Ông dã. 天 心 者 本 體 也, 主 人翁 也。[2]

Vì biết mình có Đạo bất biến, vĩnh cửu ẩn tàng bên trong, nên Trang Tử mới nói:

“Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh,

天 地 與 我 並 生

Nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.”

而 萬 物 與 我 為 一

Dịch:

Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai. [3]

Từ Viên Tiên Sư viết:

Đương thời vị hữu tinh hà đẩu,

當 時 未 有 星 河 斗

Tiên hữu Ngô, đương hậu hữu thiên.

先 有 吾 當 後 有 天 [4]

Dịch:

Trước khi Thiên Hán, quần tinh có,

Trước có Ta, sau mới có Trời.

Và:

Ngã thể bản đồng Thiên địa lão, 我 體 本 同 天 地 老

Tu Di sơn đảo, tính do tồn. 須 彌 山 倒 性 猶 存 [5]

Dịch:

Tính ta vốn thọ cùng trời đất,

Tu di sơn đảo, tính do tồn.

  1. Phần Biến Thiên, ảo hoá nơi con người:gồm Nhục thân (xác) với lục căn (Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý), Nhân Tâm (Hồn), với Thất Tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục).

Chia con người thành 2 phần biến, hằng như vậy, chẳng những hiểu được tinh hoa Đạo Lão, mà còn hiểu được các Đạo Giáo Á Đông, các Mật giáo Âu Châu.

Âm Phù Kinh viết:

Thiên tính nhân dã,

天 性 人 也

Nhân Tâm cơ dã.

人 心 機 也

Lập Thiên chi đạo

立 天 之 道

Dĩ định nhân dã

以 定 人 也

Dịch:

Thiên Tính là người,

Nhân Tâm là máy.

Lập ra Thiên Đạo,

Để định con người

Sách Tiên Học Tập Cẩm của Cung Tùng Tiên, có đoạn như sau:

Cái Thân ảo hoá là Nhục Thân (Xác). Cái Tâm ảo hoá là Nhân Tâm.

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý đều do ảo thân mà ra.

Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn đều do Nhân Tâm mà ra.

Lục căn (Ảo Thân) mỗi mỗi đều đủ để làm hại sinh mệnh.

Thất tình, vọng niệm (Nhân Tâm) mỗi mỗi đều có thể đưa đến cõi chết.

Còn như cái Thân chân chính đó là Pháp Thân.

Cái Tâm Chân Chính đó là Thiên Tâm.

Ngũ tính nhân duyên (tức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), nơi Pháp Thân đều là những mầm mống giúp ta thành Đạo.

Ngũ Ban chí Bảo (tức là Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần, Nguyên Tánh, Nguyên Tình nơi Thiên Tâm), đều là vật liệu giúp ta luyện đơn.

Đem dùng những chất liệu ấy mà tu luyện, sẽ khởi tử, hoàn sinh, cải lão, hoàn đồng.

Vì con người không biết mình có Pháp Thân và Thiên Tâm, nên Pháp Thân mai một, Ảo Thân dụng sự, Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, cảm nhi toại thông, đó là nơi nương tựa của Tính.” [6]

Có người hỏi Doãn Chân Nhân về Lý Thái Cực. Chân Nhân đáp:

Thái Cực là Thiên Tâm nơi ta. Thích Thị gọi là Viên Giác, Đạo gọi là Kim Đơn, Nho gọi là Thái Cực.

Gọi là Vô Cực rồi Thái Cực, có nghĩa là Siêu Việt tuyệt đối. Con người khi chưa bẩm sinh, thoạt kỳ thuỷ có điểm linh quang ấy, để làm chủ hình hài sau này, đó chính là Thái Cực.

Trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta, cũng một điểm Thái Cực đó, vì chưa thuộc về hình hài, nên gọi là Vô Cực.

Muốn biết Bản Lai Chân Diện Mục,

Một vầng sáng láng lúc chưa sinh...” [7]

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh, chìm nổi, trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ chuộng những gì là phù phiếm bên ngoài, lạc lõng trong muôn sai ngàn biệt, bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa; bị từ ngữ, tư tưởng ám nhãn, manh tâm; thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian, thời gian, hình hài, sắc tướng hữu hạn.

Thánh nhân trái lại, xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy, vào tới được thế giới Chân Tâm vô biên, vĩnh cửu, thế giới của vĩnh cửu, trường tồn; xuyên qua được tâm thức để vào tới Hư Vô, Chân Thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì vậy mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Thánh Nhân tiềm thâm uyên

聖 人 潛 深 淵

Phù du thủ qui trung

浮 游 守 規 中。[8]

Dịch:

Chân Nhân sống rất thâm trầm,

Nhởn nhơ, khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,

離 種 種 邊

Doãn chấp quyết Trung.

允 執 厥 中 [9]

Dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trong Tâm giữ vững, chẳng rời tấc gang.

Để hiểu rõ con người, ta lập đồ bản sau:

Thái Cực

Thần

Tiên Thiên nhất khí

Chân, Vô vi, Tính, Vô Dục, Tuyệt đối, Bất sinh, Bất tử.

Âm Dương

Hồn/ Phách

Khí (Chân Khí)

Phách (Tinh)

Vọng, Hữu Vi, Sinh, Tử, Luân Hồi

Tứ Tượng

Ngũ Hành

Lục Phủ (Xác)

Ngũ tạng (Xác)

Ngũ Vị

Tinh Hoa ngũ cốc.

Vọng, Hữu Vi, Sinh, Tử, Luân Hồi

Nhìn vào đồ bản trên, ta thấy con người có 3 phần. Thần, Hồn, Xác.

Thần thời Bất biến. Đó là phần Thiên. Đó là Thái Cực trong ta.

Còn Hồn, Xác là phần biến thiên, luân hồi, sinh tử.

Chúng ta hay Lão Tử, hay Trang Tử, Liệt Tử hay chư Tiên trong Đạo Lão, cũng đều có một Thái Cực, một Thần, một Đạo như nhau nơi căn cốt. Mọi người khác nhau là từ ở các tầng lớp biến thiên nơi hồn phách, trí não, lục phủ, ngũ tạng bên ngoài.

Chúng ta khác với Lão Trang, chẳng những vì tâm hồn, thể phách khác nhau, mà còn khác hơn nữa là vì Lão, Trang thời biết trở về khế hợp với Đạo, với Thái Cực nơi tâm, biết:

Phục qui ư Vô Cực. (ĐĐK, tr. 28)

Phối Thiên (ĐĐK, tr. 68)

Hưu hồ Thiên Quân (yên nghỉ trong Trời) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Đắc kỳ hoàn trung (vào được trung điểm doanh hoàn) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Còn chúng ta thì cứ luẩn quẩn nơi các vòng sinh, tử, hiện tượng, ái, ố bên ngoài, vì thế không thoát được sự hấp dẫn của vạn hữu (Attraction Universelle, Attraction électro-magnétique), và vì thế không thể băng mình tới cõi siêu việt được...

Đã biết trong ta có Đạo, làm sao tìm cho ra, làm sao mà kiểm chứng?

  1. Người xưa cho rằng: Muốn tìm cho ra Đạo, ra Thái Cực trong con người, phải trở về Nguyên Thuỷ, Gốc Gác, vì thế nên phải tìm Đạo khi con người thoạt sinh thân, thụ khí.

Tử Dương Ông viết:

Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ.

勸 君 窮 守 生 身 處

Lại viết:

Cùng thủ sinh thân thụ khí sơ,

窮 守 生 身 受 氣 初

Hạo quái thiên cơ câu tiết tận

皓 怪 天 機 俱 洩 盡.[10]

Trương Cảnh Hoà có thơ:

Hỗn nguyên nhất khí thị Tiên Thiên:

混 元 一 氣 是 先 天

Nội diện hư vô, lý tự nhiên.

內 面 虛 無 理 自 然

Nhược hướng vị sinh tiền kiến đắc,

若 向 未 生 前 見 得

Minh tri tất thị Đại La Tiên.

明 知 必 是 太 羅 仙 [11]

Dịch:

Hỗn Nguyên nhất khí ấy Tiên Thiên,

Tịnh tĩnh, hư vô, khớp tự nhiên.

Từ trước sinh ra, tìm mới thấy,

Hiểu thông nhẽ ấy, chính Chân Tiên.

  1. Người xưa chỉ thêm rằng khi ta đã sinh ra, thì Đạo ở nơi sinh xuất ra mọi niệm lự. Người xưa gọi thế là “Niệm Đầu Động Xứ”

Trần Nê Hoàn nói: “Niệm đầu động xứ vi Huyền Tẫn”. [12]

  1. Dẫu sao, thì Trời, thì Đạo cũng ở trong ta. Trang Tử viết: “Thiên tại nội, Nhân tại ngoại.”[13]

Sách Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu cũng quyết rằng Đơn, hay Đạo, hay Huyền Quan Khiếu, hay Tổ Khiếu chắc chắn là ở trong ta:

Tại Nhân thân trung

在 人 身 中

Mạc hướng ngoại cầu.

莫 向 外 求

và viện dẫn Kim Đơn Tứ Bách Tự của Trương Tứ Dương

Thử khiếu phi phàm khiếu,

此 竅 非 凡 竅

Càn Khôn cộng hiệp thành

乾 坤 共 合 成 .[14]

  1. Tống tiên sinh trong bàiGiải Mê Cacho biết:

“Đạo đã ở sẵn trong Nê Hoàn nơi óc não con người (Nê Hoàn, Niết Bàn, Tâm):

Đạo bất viễn, tại Nê Hoàn. 道不 遠, 在 泥 丸。[15]

  1. Để giản dị hoá, và phổ thông hoá, cách thấy Đạo, thấy Trời, tôi cho rằng: Lương Tâm là Tiếng Trời. Lương Tâm là Đạo, là Trời.

Nghe được tiếng Lương Tâm là nghe được tiếng của Đạo, của Trời, là chứng minh được rằng trong Thân có Đạo, có Trời.

Lương Tâm thời hằng cửu, bất biến, Đông Tây, kim cổ ai cũng như ai, mà chỉ có Thái Cực, có Trời trong ta mới hằng cửu, bất biến, nên chắc chắn Lương Tâm là Thiên Tâm.

Còn Nhân Tâm thời biến thiên, nên chắc chắn đó là Vọng Tâm, là Tư Tâm.

Đạo Học Từ Điển bình về Lương Tâm như sau:

“Đó là Thiên Tâm chi Tâm, bổn lai chi linh tính. Ai ai cũng đều có đủ, lương tâm nào cũng hoàn mỹ, viên thành. Nho nói: Không nghĩ sái quấy, tức là nhận được tiêu chuẩn hoàn thiện của Lương Tâm. Thích nói: Ly nhất thiết vọng tâm tức kiến Như Lai. Như Lai tức Lương Tâm vậy. Đạo nói: Trừ nhất thiết phiền não, sẽ được tâm thanh tịnh.”

Nói đến Lương Tâm, không thể nào không nhắc tới một danh nho thời Minh là Vương Dương Minh (1472-1528) với Học Thuyết về Lương Tri của Ông. Trong phần phụ lục, sẽ sao lại những bài thơ bất hủ của Ông về Lương Tri, Lương Tâm.

2. HAI CHIỀU THUẬN, NGHỊCH NƠI CON NGƯỜI.

Nếu ở trong vũ trụ có 2 chiều tiến thoái, thuận nghịch, vãng lai, thì ở nơi con người cũng có 2 chiều tiến thoái thuận, nghịch đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại:

Chiều Thuận là chiều từ Bản Thể sinh xuất ra hiện tượng.

Chiều Nghịch là chiều từ Hiện Tượng, vạn hữu quay trở về Bản Thể.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người, chiều Thuận được phác hoạ như sau:

TÍNH --> TÂM -> Ý --> TÌNH --> VỌNG (Mê Vọng).

Và chiều Nghịch:

VỌNG -->TÌNH --> Ý --> TÂM --> TÍNH. (Bản Thể). [16]

Nhiều sách khác cho rằng: Chiều Thuận là chiều Thần sinh Khí, Khí sinh Tinh.

Chiều Nghịch là chiều Tinh hoá khí, Khí hoá Thần, Thần hoàn Hư, phục qui Vô Cực.

Cũng nên ghi nhận rằng: trong chiều Thuận thời Thần Tán, Khí Sơ 神 散 氣 疏. Trong chiều Nghịch thì Thần Ngưng. Khí Tụ 神 凝 氣 聚 [17]

Chiều Thuận sinh nhân, sinh vật.

Chiều Nghịch sinh Tiên, sinh Thần, thánh, Phật.

Tiên học từ điển định nghĩa:

Thuận là từ Vô nhập Hữu, Nghịch là từ Hữu nhập Vô, và đưa ra những câu:

Thuận sinh nhân, Nghịch sinh đơn (Trương Tam Phong).

Thuận vi Phàm, Nghịch vi Tiên, chỉ tại trung gian điên đảo điên. (Vô Căn Thụ).

Thuận tắc sinh Phàm, Nghịch tắc sinh thánh.

Thị tắc sinh Nhân, sinh Đơn, lý vô nhị trí dã.

Nói cho rõ hơn, chiều Thuận là chiều hướng ngoại, đi ra ngoại cảnh. Chiều Nghịch là chiều hướng nội, đi vào nội tâm.

-Đi ra ngoại cảnh là đi vào Đời, bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài, miếu mạo, Thần, Phật, chi chi đi nữa.

-Đi vào nội tâm, mới là vào Đạo, mới là đi Đạo.

Có vậy mới hiểu được lời đức Thái Thượng:

“Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc Đạo, và tới được Hư Vô.” [18]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

“Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu Bản Tâm. Muốn quán chiếu Bản Tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào Hư Không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi mà Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm, ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng. Hợp nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tỵ tức, khoá thiệt khí. Tứ chi bất động để cho ngũ thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ yên vị, suốt cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan, quán chiếu, nhìn vào Khiếu ấy; tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy; đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy. Vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời Khiếu ấy.” [19]

3. TÌM ĐẠO NƠI NHẤT NIỆM BẤT SINH.

Như vậy, đã biết Đạo ở nơi đâu, ta sẽ tìm được Đạo.

Người xưa biết rằng Đạo ở “niệm đầu động xứ”, nên đã nói:

Nhất niệm bất sinh, toàn thể hiện,

一 念 不 生 全 體 現

Lục căn tài động, bị vân già.

六 根 栽 動 被 雲 遮[20]

Dịch:

Một niệm chưa sinh toàn thể hiện,

Lục căn vừa động bị mây che.

Tùng Giang, Vương Cảnh Dương Duy Nhất nói:

Yếu tri Tính Mệnh an thân xứ,

要 知 性 命 安 身 處

Ý vị manh thời hợp Thái Hoà.

意 未 萌 時 合太 和 [21]

Dịch:

Biết nơi Tính Mệnh sinh thân xứ,

Lúc ý chưa sinh, hợp Thái Hoà.

Lại nói:

Dục niệm vị trừ, không học Đạo,

Tham tâm bất đoạn, mạc cầu Tiên. [22]

Dịch:

Dục niệm chưa trừ, không học Đạo,

Tham tâm chưa tuyệt, uổng cầu Tiên.

Tiêu Dao Đại Sư viết:

Nếu mà một niệm không sinh tức thoát sinh tử. Tới được một nơi một niệm không sinh, là thấy được Bản Lai Diện Mục.” [23]

Hoài Nam Tử viết:” Thanh tĩnh vô vi, nhập ư Thiên môn”. [24]

Chúng ta kết luận bài này bằng 2 bài thơ tứ tuyệt:

Học Đạo, tu cùng Thiên Địa Tâm,

學 道 須 窮 天 地心

Hãn văn thế thượng, hữu tri âm.

罕 聞 世 上 有 知 音

Đô duyên thử lý nan khinh tiết,

都 緣 此 理 難 輕 洩

Tận hướng bàng hề, khúc kính tầm.

盡 向 旁 兮 曲 徑 尋 [25]

Dịch:

Học Đạo phải rành Thiên Địa Tâm,

Ít nghe trần thế có tri âm,

Toàn vì nhẽ ấy, không khinh tiết,

Đường tà, nẻo vạy, mới đâm sầm.

Duy Giác Thiền Sư viết:

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu,

勸 君 學 道 莫 貪 求

Vạn sự vô tâm, Đạo hợp đầu,

萬 事 無 心 道 合 頭

Vô tâm thuỷ thể Vô Tâm Đạo,

無 心 始 體 無 心 道

Thể đắc Vô Tâm Đạo dã hưu.

體 得 無 心 道 也 休 [26]

Dịch:

Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Vạn sự vô tâm, hiệp Đạo mầu.

Vô Tâm khế hợp Vô Tâm Đạo,

Khế hợp Vô Tâm, Đạo mới cao.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh