Ta Là Cái Đó: Chương 36. Bên Ngoài Đau Khổ Và Lạc Thú Là An Lạc

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 36. BÊN NGOÀI ĐAU KHỔ VÀ LẠC THÚ LÀ AN LẠC

Maharaj: Trước tiên ông phải nhận ra rằng ông là bằng chứng của mọi thứ, kể cả chính ông. Không người nào có thể chứng minh được sự tồn tại của ông, vì chính sự tồn tại của người đó phải được ông xác nhận trước. Sự hiện hữu và tánh biết của ông không nhờ ai mà có. Nên nhớ rằng ông không tùy thuộc ai. Ông chẳng ở đâu đến, và ông cũng chẳng đi đâu. Ông là tánh biết và sự hiện hữu phi thời.

Hỏi: Có một sự khác biệt căn bản giữa ông và tôi. Ông biết cái thật, còn tôi chỉ biết những hành hoạt của tâm tôi. Vì thế ông nói một đàng, tôi nghe một nẻo. Cùng ngôn từ, nhưng những gì ông nói là đúng, còn tôi hiểu thì sai. Giữa ông và tôi có một khoảng cách. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách đó?

M: Hãy từ bỏ cái ý tưởng cho rằng ông là cái mà ông nghĩ thì sẽ không còn khoảng cách. Vì tưởng tượng ông tách biệt nên chính ông đã tạo ra khoảng cách. Ông chẳng cần phải vượt qua nó mà chỉ cần đừng tạo ra nó. Tất cả là ông và của ông. Chẳng có ai khác. Đây là một thực tế.

H: Lạ nhỉ! Cùng một lời lẽ - đối với ông thì đúng, còn đối với tôi thì sai. “Chẳng có ai khác.” Rõ ràng là không thể nào đúng được!

M: Đúng hay không đúng thì cứ để đó. Ngôn từ chẳng quan trọng. Điều quan trọng là cái ý tưởng ông có về chính ông vì nó ngăn che ông. Hãy buông bỏ nó.

H: Ngay từ khi còn nhỏ tôi được dạy để suy nghĩ rằng tôi được giới hạn trong danh xưng và hình thể của tôi. Một lời nói suông mang ý nghĩa trái ngược không thể xóa được vết hằn trong tâm thức. Cần phải có một cuộc tẩy não, nếu điều đó có thể thực hiện được.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Ông gọi là tẩy não, Ta gọi là Yoga - san bằng tất cả những vết mòn trong tâm thức. Ông không bị bắt buộc phải tư duy lập đi lập lại cùng những ý nghĩ. Hãy đi tới!

H: Nói thì dễ hơn làm.

M: Đừng trẻ con! Thay đổi thì vẫn dễ hơn là chịu đựng. Hãy từ bỏ thái độ trẻ con của ông để trưởng thành, chỉ có thế thôi.

H: Những chuyện như thế thì chẳng cần phải làm. Chúng xảy

Mua đá năng lượng:

ra.

M: Tất cả mọi thứ luôn luôn xảy ra, nhưng ông phải sẵn sàng tiếp nhận. Sẵn sàng là sự chín mùi. Ông không thấy được cái thật vì tâm ông chưa sẵn sàng tiếp nhận nó.

H: Nếu thực tại là bản chất chơn thật của tôi thì tại sao tôi không luôn luôn sẵn sàng?

M: Không sẵn sàng có nghĩa là sợ. Ông sợ cái ông là. Nơi đến của ông là cái toàn thể. Nhưng ông lại sợ sẽ mất cái tính cách cá biệt của ông. Bám chặt lấy tham ái và lo sợ, ý kiến và ý tưởng là hành động của trẻ con bám chặt lấy đồ chơi. Hãy từ bỏ tất cả những cái đó và sẵn sàng để cho cái thật tự khẳng định. Sự tự khẳng định này được thể hiện bằng ngôn từ đúng nhất: “Ta hiện hữu.” Không gì khác có thực thể. Ông hoàn toàn chắc chắn về điều này.

H: Dĩ nhiên “Tôi hiện hữu”, và “Tôi biết” nữa. Tôi biết tôi là thế này thế nọ, là chủ nhân của thân xác, trong vô số quan hệ với các chủ nhân của các thân xác khác.

M: Đó chỉ là tất cả ký ức được đem vào cái bây giờ.

H: Tôi chỉ có thể chắc chắn với cái bây giờ. Quá khứ và tương lai, ký ức và tưởng tượng, tất cả đều là những trạng thái của tâm, nhưng chúng là những gì tôi biết và chúng đang là bây giờ. Ông bảo tôi từ bỏ chúng. Làm sao một người có thể từ bỏ cái bây giờ?

M: Dù muốn hay không thì ông vẫn luôn luôn di chuyển vào tương lai.

H: Tôi di chuyển từ hiện tại này sang hiện tại khác - tôi không hề di chuyển. Tất cả mọi cái khác di chuyển - tôi thì không.

M: Cứ cho là như thế. Nhưng tâm ông di chuyển. Trong hiện tại ông vừa là cái di chuyển, vừa là cái bất khả di chuyển. Cho đến nay ông vẫn cho ông là cái di chuyển và không thấy được cái bất khả di chuyển. Hãy lật ngược tâm ông: đừng chú ý đến cái di chuyển, ông sẽ thấy chính ông là thực tại bất biến và thường tại, không thể diễn tả được, nhưng kiên cố như một khối đá.

H: Nếu nó là hiện tại, vì sao tôi không biết?

M: Bởi vì ông cứ khư khư với cái ý nghĩ ông không biết nó.

Hãy bỏ ý nghĩ đó đi.

H: Bỏ nó thì cũng chẳng làm cho tôi biết.

M: Khoan đã. Ông muốn ở hai bên bức tường cùng một lúc. Ông chỉ có thể làm được điều đó nếu ông phá bỏ bức tường. Hoặc ông nhận ra rằng bức tường và hai bên của nó là một không gian duy nhất, đối với khoảng không gian đó ý tưởng “bên này” hay “bên kia” đều không áp dụng.

H: So sánh chẳng chứng minh được gì. Điều đáng trách duy nhất của tôi là: Vì sao tôi không thấy cái ông thấy, vì sao lời lẽ của ông nghe không đúng trong tâm tôi. Hãy cho tôi biết thật rõ về điều này, những điều khác thì cứ để đó. Ông có trí tuệ còn tôi u mê; ông thấy, còn tôi thì không. Tôi phải làm thế nào để tìm được trí tuệ của tôi, và ở đâu?

M: Nếu biết được ông u mê thì ông đâu có u mê!

H: Biết được tôi bệnh không làm tôi khỏe, biết được tôi u mê không thể làm tôi có trí tuệ.

M: Biết được ông bệnh thì không phải lúc đầu ông phải khỏe đã chứ?

H: Ồ, không. Tôi biết bằng cách đối chiếu. Giả sử rằng tôi bị mù bẩm sinh, phải sờ mó mới biết; nghe ông bảo ông biết được mọi thứ mà không cần phải sờ mó thì tôi biết là tôi mù, nhưng tôi vẫn không hiểu được nhìn thấy là thế nào. Tương tự như thế, tôi biết tôi thiếu một cái gì đó nên khi ông khẳng định sự việc thì tôi không thể nào nắm bắt được. Ông cho tôi biết những điều tuyệt vời về chính tôi; theo ông thì tôi vĩnh cửu, tôi hiện hữu khắp nơi, thông suốt mọi sự, là hạnh phúc tối thượng, là người sáng tạo, người bảo vệ và cũng là kẻ phá hủy tất cả những gì hiện hữu, tôi là suối nguồn của sự sống, là trái tim của hiện hữu, là chủ tể và là người được yêu quí của mọi loài chúng sinh. Ông xếp tôi ngang hàng với Thực tại Tối hậu, nguồn gốc và mục đích của tất cả sự sống. Tôi chỉ biết chớp mắt, vì tôi biết chính tôi chỉ là một mớ cỏn con của lòng tham ái và lo sợ, một bọt bong bóng đau khổ, một thoáng lóe lên của ý thức trong đại dương tăm tối.

M: Trước khi có đau khổ thì đã có ông. Đau khổ qua đi, ông vẫn còn đó. Đau khổ là nhất thời, còn ông thì không.

H: Rất tiếc là tôi không thấy được cái ông thấy. Từ ngày sinh ra cho đến khi chết đi, mô hình của đời tôi được đan dệt bằng đau khổ và lạc thú. Tôi hoàn toàn không biết gì về sự hiện hữu trước khi sinh ra và sau khi chết đi. Tôi không chấp nhận và cũng không phủ nhận những gì ông nói. Tôi nghe cái ông nói nhưng tôi không biết cái đó.

M: Hiện bây giờ ông biết, phải thế không?

H: Xin đừng hỏi tôi về trước và sau. Tôi chỉ biết cái gì ngay bây giờ.

M: Tốt. Như vậy là ông biết. Cứ giữ trạng thái ấy. Khi ông không biết thì vẫn có những trạng thái. Gọi đó là hiện hữu vô thức.

H: Là vô thức?

M: Ý thức và vô thức không áp dụng ở đây. Sự tồn tại thì ở trong ý thức, còn tánh thể thì không tùy thuộc vào ý thức.

H: Nó là sự trống rỗng? Nó là sự im lặng?

M: Việc gì phải chi tiết tỉ mỉ? Hiện hữu thì trùm khắp và siêu vượt ý thức. Ý thức khách quan là một phần của ý thức thuần túy, chứ không ở ngoài.

H: Làm sao ông biết được trạng thái hiện hữu thuần túy, không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức? Tất cả mọi sự hiểu biết đều chỉ ở trong ý thức. Có thể có một trạng thái như là sự trống vắng của tâm. Liệu lúc đó ý thức xuất hiện như nhân chứng?

M: Nhân chứng chỉ ghi lại các sự kiện. Trong sự trống vắng của tâm ngay cả cái ý thức “Ta hiện hữu” cũng biến mất. Không hề có “Ta hiện hữu” mà không có tâm.

H: Không có tâm có nghĩa là không có ý nghĩ. “Ta hiện hữu” như một ý nghĩ thì chìm xuống. “Ta hiện hữu” như một ý thức về sự hiện hữu thì vẫn còn.

M: Tất cả mọi kinh nghiệm đều chìm xuống cùng với tâm. Nếu không có tâm thì không thể có người kinh nghiệm và cũng chẳng có kinh nghiệm.

H: Thế không phải nhân chứng vẫn còn?

M: Nhân chứng chỉ làm công việc ghi lại sự có mặt và vắng mặt của kinh nghiệm. Tự thân nhân chứng không phải là một kinh nghiệm, nhưng ngay khi ý nghĩ “Ta là nhân chứng” khởi sinh thì nó trở thành một kinh nghiệm.

H: Tất cả những gì tôi biết là tâm có lúc hoạt động và có lúc ngừng. Tôi gọi kinh nghiệm im lặng của tâm là sự trống vắng của tâm.

M: Có gọi nó là sự im lặng, trống rỗng, hay trống vắng, thì thực tế là cả ba - người kinh nghiệm, hành vi kinh nghiệm, và kinh nghiệm - đều không có. Trong hành vi nhân chứng, trong tánh biết, trong ý thức về chính mình thì không có ý thức là cái này, là cái kia. Sự hiện hữu vô danh sắc (unidentified being) vẫn còn.

H: Như một trạng thái vô thức?

M: Khi liên hệ nó với bất cứ gì thì nó ngược lại. Không những thế nó còn ở giữa, và ở ngoài mọi sự đối nghịch. Nó không phải ý thức mà cũng chẳng phải vô thức, không phải ở giữa và cũng chẳng phải ở ngoài cả hai. Nó là chính nó, không hề liên hệ với bất cứ gì gọi là kinh nghiệm, hay sự trống vắng kinh nghiệm.

H: Lạ quá nhỉ! Ông nói về nó như thể nó là một kinh nghiệm.

M: Ngay khi Ta nghĩ đến nó thì nó trở thành một kinh nghiệm.

H: Cũng như ánh sáng thì vô sắc, nhưng khi bị một bông hoa ngăn lại thì trở thành màu sắc?

M: Đúng, ông có thể cho là như thế. Nó ở trong màu sắc những không phải là màu sắc.

H: Cũng giống như luận pháp bốn lần phủ định của Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna): “không phải cái này mà cũng không phải cái kia, không phải cả hai, không phải không phải cả hai.” Tâm tôi quay mòng mòng!

M: Sự khó hiểu đối với ông phát sinh từ ý tưởng cho rằng thực tại là một trạng thái của ý thức, trong vô số các trạng thái khác. Ông có khuynh hướng cho rằng: “Cái này thật. Cái kia không thật. Và cái này nửa thật, nửa không thật” như thể thực tại là một thuộc tính hay phẩm chất có trong nhiều cách đo lường khác nhau.

H: Để tôi diễn tả theo một cách khác. Xét cho cùng, ý thức trở nên một vấn đề khi nào nó gây đau khổ. Một trạng thái thường an lạc thì không gây nên vấn đề gì. Chúng tôi nhận thấy tất cả ý thức chỉ là sự pha trộn giữa lạc thú và đau khổ. Tại sao vậy?

M: Tất cả ý thức đều hữu hạn và do đó gây đau khổ. Tại nguồn gốc của ý thức là tham ái, là sự thôi thúc mong muốn kinh nghiệm.

H: Ông muốn nói rằng nếu không có tham ái thì không thể có ý thức? Thế thì lợi ích của trạng thái vô thức là gì? Nếu phải từ bỏ lạc thú để thoát khỏi đau khổ, thì tốt hơn là tôi giữ cả hai.

M: Bên ngoài đau khổ và lạc thú là hỷ lạc.

H: Hỷ lạc vô thức, liệu có lợi lạc gì?

M: Không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức. Chơn thật.

H: Vì sao ông bác bỏ ý thức?

M: Nó là một gánh nặng. Thân xác có nghĩa là gánh nặng. Cảm thọ, tham ái, ý nghĩ - tất cả đều là gánh nặng. Tất cả ý thức đều thuộc về xung đột.

H: Thực tại được mô tả là hiện hữu chơn thật, ý thức thuần túy, hỷ lạc vô biên. Vậy đau khổ có liên quan gì với thực tại?

M: Đau khổ và lạc thú xảy ra; đau khổ là cái giá của lạc thú, và lạc thú là phần thưởng của đau khổ. Trong cuộc sống ông vẫn thường thích thú bằng cách gây đau khổ, và gây đau khổ bằng cách tạo ra thích thú. Biết được đau khổ và lạc thú là một thì an lạc.

H: Tất cả những gì ông nói rất hấp dẫn, không có gì là nghi hoặc, nhưng mục đích của tôi đơn giản hơn thế. Tôi chỉ muốn nhiều lạc thú và ít đau khổ hơn trong đời sống. Tôi phải làm gì?

M: Bao giờ còn có ý thức thì chắc chắn còn có lạc thú và đau khổ. Bản chất của cái “Ta hiện hữu,” bản chất của ý thức là tự đồng hóa chính nó với những cái đối nghịch.

H: Vậy tất cả những cái đó có lợi ích gì đối với tôi? Nó không làm tôi thỏa mãn.

M: Ông là ai, ai không thỏa mãn?

H: Tôi, con người đau-khổ-lạc-thú.

M: Đau khổ và lạc thú đều là hỷ lạc. Ngay tại đây, Ta đang ngồi trước mặt ông và nói với ông - từ sự chứng nghiệm trực tiếp và bất biến - đau khổ và lạc thú là chóp và chân của những con sóng trong biển an lạc. Sự viên mãn ở tận dưới sâu kia.

H: Kinh nghiệm của ông có thường hằng?

M: Nó phi thời và bất biến.

H: Tất cả những gì tôi biết là lòng ham muốn lạc thú và nỗi sợ hãi đau khổ.

M: Đó là điều ông nghĩ về chính ông. Hãy chấm dứt. Nếu không thể từ bỏ ngay một thói quen thì hãy suy nghĩ về một lối tư duy quen thuộc và thấy được sự sai lầm của nó. Tìm hiểu thói quen là nhiệm vụ của tâm. Cái gì được tâm tạo ra thì tâm phải phá hủy. Hoặc, ông nhận ra rằng tham ái chỉ có ở trong tâm, và hãy ở ngoài tâm.

H: Nói thật ra, tôi không tin cách giải thích cho rằng tất cả đều do tâm tạo. Tâm chỉ là một công cụ, cũng như mắt là một công cụ. Ông có thể cho rằng nhận thức là sáng tạo? Tôi thấy thế giới qua khung cửa sổ, chứ không phải trong khung cửa sổ. Những gì ông nói đều ăn khớp với nhau vì chúng có cùng một cơ sở chung, nhưng tôi không biết cơ sở đó ở trong thực tại, hay chỉ ở trong tâm. Tôi chỉ có một hình ảnh của tâm về nó mà thôi. Nó có ý nghĩa gì đối với ông thì tôi không biết được.

M: Chừng nào ông còn đứng trong tâm thì ông còn thấy Ta ở trong tâm.

H: Để hiểu thì ngôn từ không thỏa đáng chút nào!

M: Không có ngôn từ thì có gì để hiểu? Vì hiểu sai nên mới cần hiểu. Những gì Ta nói là chân lý, nhưng đối với ông nó chỉ là một triết thuyết. Làm sao ông có thể hiểu được đó là sự thật? Hãy lắng nghe, ghi nhớ, tư duy, hình dung, kinh nghiệm. Không những thế, còn phải ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Hãy kiên nhẫn với Ta, và trên tất cả hãy kiên nhẫn với chính ông, vì ông là chướng ngại duy nhất của chính ông. Con đường xuyên suốt qua ông siêu vượt chính ông. Chừng nào ông còn tin chỉ cái cá biệt là thật, là biết được và hạnh phúc, và bác bỏ thực tại bất nhị, cho nó là một cái gì được tưởng tượng ra, một khái niệm trừu tượng thì ông còn nhận thấy Ta chỉ đưa ra những khái niệm và lý thuyết mơ hồ. Nhưng một khi đã chạm được vào cái chơn thật bên trong sự hiện hữu của chính ông thì ông sẽ nhận ra rằng Ta chỉ mô tả cho ông cái mà ông gần gũi nhất và quý giá nhất.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh