Tập Yêu Đứa Bé Trong Ta: Chương 12. Chơi Với Bé Mỗi Ngày

TẬP YÊU ĐỨA BÉ TRONG TA: CHƯƠNG 12. CHƠI VỚI BÉ MỖI NGÀY

Muốn yêu được đứa bé trong ta, chúng ta phải tập cách lắng nghe đứa bé hằng ngày, từng phút từng giây. Chúng ta hay bị cuốn theo những dòng suy nghĩ và lạc khỏi hiện tại đang diễn ra trước mắt. Tớ hay hỏi người khác rằng: “Bạn có nhớ sáng nay lúc bạn mặc quần, bạn có nhớ đã thò chân trái hay chân phải vào trước không?” hay “Bước lên cầu thang bạn thường bước chân nào lên trước, chân trái hay chân phải?”…

Khi hành động trở thành thói quen, những hành động đó trở nên vô thức, tự động và Nhận thức của chúng ta thì thường bị lạc ở nơi nào đó xa xôi, trong những câu chuyện hôm qua, những chuyến đi trước kia hay những nỗi sợ hãi mất đồ, mất việc, mất tiền của ngày mai... Khi chúng ta không ở trong cơ thể của mình, chúng ta đã trở thành một kiểu “zombie” (xác sống) mất rồi đó.

“Mình đang suy nghĩ gì lúc này?”, “Mình đang cảm thấy gì lúc này?”, đó là hai câu hỏi có thể giúp chúng ta quay trở về thực tại và quay về trong cơ thể của mình. Chúng ta hãy biến mỗi ngày nhàm chán và lặp đi lặp lại của chúng ta thành một thử thách: “Đố ai hôm nay có thể làm sự sợ hãi của đứa bé trong ta trỗi dậy?”. Và nếu muốn ghi nhớ điều này, chúng ta hãy viết ra giấy và dán lên trước tấm gương mà ta hay soi mỗi buổi sáng để nhắc nhở mình.

Vũ khí đã sẵn sàng rồi, chúng ta hãy “phi ngựa” và xông pha vào “lũ giặc” sợ hãi ngoài kia thôi. Mỗi khi thấy ai hay điều gì đó làm ta cảm thấy khó chịu và làm những suy nghĩ phán xét trong đầu ta xuất hiện, chúng ta đừng phản ứng và hành động theo dòng suy nghĩ mà hãy để ý nhịp thở của mình và nói chuyện với đứa bé trong mình:

“Cảm ơn vì đã đến và chỉ ra sự sợ hãi của đứa bé trong ta. Để ta thấy được đứa bé trong ta vẫn còn sự sợ hãi và chưa chịu chấp nhận điều này. Không sao cả bé à, chấp nhận hoàn cảnh này, sự việc này, hành động này của người khác cũng không làm sự xứng đáng tồn tại của cơ thể bé bị giảm đi, dù là rất nhỏ. Bằng cách không phản ứng và không làm đứa bé trong người khác sợ hãi, bé và ta đã gửi Tình yêu vô điều kiện tới họ và tới đứa bé bên trong họ, và hành động này của bé là minh chứng cho sự xứng đáng tồn tại của cơ thể bé.”

Bởi vì chúng ta đã hiểu tính chất bên trong đứa bé ở những phần trước, nên giờ chúng ta chỉ cần những lời chung chung như vậy.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Qua thời gian, sự bực bội và khó chịu sẽ biến mất dần, những suy nghĩ phán xét hay chỉ trích người khác cũng sẽ mất. Khi những suy nghĩ phán xét vô thức trong đầu ta mất đi rồi, mới đầu chúng ta sẽ thấy lạ lẫm với cái đầu trống rỗng của mình và có phản ứng kiểu như: Đi qua một người có vẻ ngoài “xấu”, chúng ta bắt đầu cảm thấy thiếu thiếu và chợt nhận ra “người đó xấu quá” và lại nghĩ tiếp “ôi, người đó xấu quá... làm sao tắt được suy nghĩ này bây giờ... người đó... xấu...”

Lúc đó, chúng ta đừng phán xét bản thân mình hay đứa bé trong mình, vì chúng ta đã hiểu vì sao rồi mà. Và hãy mỉm cười với những suy nghĩ trong đầu của chúng ta như vậy.

Và đó cũng là dấu hiệu rằng chúng ta đã thành công bước đầu rồi đó. Những suy nghĩ phán xét đó không còn là vô thức nữa mà đã trở thành có ý thức. Rồi từng bước, từng bước một, chúng ta sẽ nhìn tất cả mọi thứ với trạng thái chấp nhận và không còn một suy nghĩ phán xét hay chỉ trích nào trong đầu nữa cả.

Như chúng ta đã nói, mọi thứ bên ngoài chúng ta (vật chất, kiến thức, ngôn ngữ,...) đều là công cụ để đưa chúng ta tới cái đích cuối cùng: Sự an bình, tình yêu và đam mê. Vậy nên khi chúng ta chia sẻ bất kì điều gì với người khác, sự chia sẻ đó sẽ rơi vào một trong ba loại:

  1. Là điều có thể làm người khác vui: Làm quà hay mua quà cho người khác (theo dịp hoặc không), phim hay clip hài, âm nhạc hay chúng ta tự biên tự diễn làm hài,... và những điều trực tiếp làm người khác cảm thấy vui vẻ.
  2. Là những kiến thức đơn thuần từ sách vở, những câu chuyện, kiến thức khoa học, tôn giáo, tâm linh,... mà có thể là công cụ tốt cho người khác để giúp họ đi đến cái đích an bình, hạnh phúc và đam mê của mình.
  3. Là những thứ khác: Hình chụp ăn uống, địa điểm và thời gian, đồ vật, hình ảnh bản thân,... mà người khác có thể khó thấu hiểu và khó cảm nhận được. Và có bao gồm những cảm nhận, suy nghĩ của chúng ta về bất kì điều gì đó mà có kèm theo cảm xúc của đứa bé trong ta: Khen ngợi, phàn nàn, bình luận, giải thích, phân tích,...

Với điều thứ nhất, chúng ta dễ thấy đó là Tình yêu vô điều kiện của chúng ta dành cho người khác. Nếu chúng ta đã yêu bản thân mình trọn vẹn, chúng ta sẽ dễ có những biểu hiện này. Nhưng việc có những hành động chia sẻ như thế thì chưa hẳn là chúng ta đã hoàn tất con đường yêu bản thân mình. Chúng ta có thể sẽ dùng những hành động hào phóng, dùng những cử chỉ, ăn mặc và dáng điệu hài hước để làm người khác vui cười. Và lúc này, đứa bé trong chúng ta sẽ dùng sự hào phóng, sự mua vui để làm yếu tố xác định sự tồn tại của cơ thể ta. Chúng ta thường làm như thế nếu như chúng ta có nỗi đau hay sự cô đơn nào đó mà ta và đứa bé trong ta chưa yêu thương và chấp nhận. Và đó là cách thức khẳng định để phủ định của đứa bé mà chúng ta đã nói ở phần trước.

Với điều thứ hai, đây là cách đơn thuần để chúng ta chia sẻ kiến thức với người khác. Thoạt nhìn thì chúng ta sẽ không thấy bóng dáng của sự bất an của đứa bé trong ta, nhưng nếu chúng ta chưa yêu đứa bé trong ta vẹn tròn, bé sẽ lấy kiến thức mà ta nghiên cứu và học tập được để làm yếu tố xác định sự tồn tại của cơ thể ta. Khi ấy, việc chia sẻ thông tin đó sẽ cho ta cảm giác “hơn” ở bên trong ta, dù là rất nhỏ thôi.

Với điều thứ ba, thông thường nếu chúng ta có biểu hiện này thì đứa bé trong chúng ta đang dùng những thứ bên ngoài để làm an tâm về sự tồn tại của cơ thể ta: Thứ ta có và đạt được, thứ ta ăn, nơi ta ở hay nơi ta đến, việc ta làm, thứ ta chơi,... Nhưng khi chúng ta yêu bản thân mình vẹn tròn rồi thì cũng có thể có những biểu hiện như vậy, chúng ta vẫn có thể có những kỳ vọng và mong muốn được công nhận bởi người khác nhưng khác một điều là: Được công nhận hay không cũng được, bị phản bác hay không cũng không làm mất sự an bình bên trong chúng ta.

Tách ra thành ba nhóm những cách chia sẻ và hành động như vậy để chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được khi nào thì có sự bất an của đứa bé trong ta, nhưng chúng ta thấy đấy, ranh giới rất mờ nhạt và bất kì mọi hành động chia sẻ nào của chúng ta cũng đều có thể có sự kỳ vọng của đứa bé trong ta vào người, vật khác ở bên ngoài.

Ta (Linh hồn) và đứa bé trong ta là hai nhưng lại là một, cho đến khi nào chúng ta rời khỏi cơ thể này thì thôi. Chúng ta không thể tách đứa bé trong ta ra được, như chúng ta đã nói ở phần đầu của quyển sách. Đứa bé trong chúng ta giúp chúng ta trải nghiệm thời gian ở thực tại này, nếu không tồn tại song song cùng đứa bé, chúng ta không thể trải nghiệm cuộc sống ở nơi đây.

Khi chưa yêu đứa bé trong ta, mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta đều mong muốn sự công nhận của người khác, có thể là rõ ràng hoặc là rất nhỏ, thậm chí chúng ta còn không nhận thức được. Khi mong muốn được công nhận bởi người khác không được đáp ứng đủ về số lượng và khối lượng, chúng ta sẽ hụt hẫng, buồn bã và cô đơn; và khi người khác phản ứng hay bình luận ngược lại với mong muốn của ta, chúng ta sẽ bực bội và phản kháng.

Khi đã yêu đứa bé trong ta, những suy nghĩ và hành động của chúng ta vẫn có thể có sự mong muốn được công nhận và tưởng thưởng từ người khác. Nhưng lúc này sự mong muốn có được đáp ứng hay không thì không còn quan trọng nữa, và nếu có những phản ứng hay bình luận không như mong đợi thì chúng ta vẫn cảm thấy sự an bình và tự tại bên trong, vì đứa bé trong ta đã không còn phải sợ hãi về sự tồn tại của cơ thể ta trước bất kì điều gì đi nữa. Và chính sự mong muốn được công nhận và tưởng thưởng mà không quan trọng kết quả này sẽ có thể là động lực để bản thân mỗi chúng ta và người khác mỗi ngày một hạnh phúc hơn và thúc đẩy sự sáng tạo của xã hội. Và sự khen ngợi của chúng ta cho người khác lúc này sẽ là lời khen thật sự và vô điều kiện.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng chúng ta không cần phải thay đổi thói quen, công việc, hành động hay những điều chúng ta vẫn làm hằng ngày trong cuộc sống và trên mạng xã hội. Hãy cứ làm những cái ta đã và đang làm, không cần thay đổi chi hết. Chỉ khác là, chúng ta không làm những điều đó một cách vô thức nữa, và hãy để những thứ ta đang làm từ trước tới giờ dạy cho chúng ta hiểu được về đứa bé trong ta.

Hãy cứ “tự sướng”, chụp hình hay quay phim mọi thứ nếu ta thích, sau khi đăng lên mạng rồi thì hãy quan sát cảm xúc và suy nghĩ của mình, hãy cảm nhận và chấp nhận sự mong đợi của đứa bé trong ta đối với người khác, và chúng ta hãy dành thời gian để nói chuyện với đứa bé.

Hãy dùng những chia sẻ, bình luận, tương tác giữa chúng ta và người khác trên mạng xã hội hay trong cuộc sống để làm cơ hội quan sát mọi cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta, để rồi chấp nhận và trân trọng bất kì điều gì hiện lên trong cơ thể chúng ta.

Khoảnh khắc chúng ta chấp nhận những cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta đã nhận ra đứa bé bên trong và đã gửi tình yêu của mình tới đứa bé, và vậy mà mọi cảm xúc, suy nghĩ, hành động vô thức sẽ không còn là vô thức nữa. Học cách yêu đứa bé trong ta là học cách làm đứa bé an tâm về sự tồn tại của cơ thể ta dưới bất kì tình huống hay điều kiện nào. Hay như chúng ta vẫn nói: “Ta cứ là chính mình dù thế giới có ra sao đi nữa”.

Đừng bao giờ bắt ép bản thân mình thay đổi nếu như mình không muốn. Chúng ta vẫn sẽ là chúng ta của ngày hôm nay, và do đó chúng ta vẫn sẽ làm những thứ mà chúng ta muốn làm cho ngày hôm nay. Nhưng khác là từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta hiểu được vì sao ta cảm thấy những điều ta cảm thấy, hiểu được vì sao ta suy nghĩ những cái ta suy nghĩ. Sự thay đổi của chúng ta sẽ đến ở đúng thời điểm, đúng nơi và đúng hoàn cảnh. Không có gì phải vội vàng cả, chúng ta có mọi thời gian trong vũ trụ này và chúng ta vẫn mãi luôn ở Nhà của mình và chẳng có ai đi đâu hết cả.

Yêu đứa bé trong ta rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng: Chúng ta chưa thể yêu người khác nếu như chúng ta chưa yêu được bản thân mình, và ngược lại. Như vậy có nghĩa là trước khi yêu được bản thân ta vẹn tròn, chúng ta chưa từng yêu ai thật sự cả; và vì đó không phải là tình yêu thật sự nên chúng ta đã khổ đau và cô đơn, vì tình yêu đó là Tình yêu có điều kiện của đứa bé trong ta tạo nên để định nghĩa cho sự tồn tại của cơ thể ta.

Khi chưa yêu được đứa bé trong ta, đứa bé luôn tìm kiếm những cách thức để bảo vệ sự tồn tại của cơ thể ta. Vì thế mà chúng ta luôn chỉ nhìn vào hình ảnh của mình đầu tiên trong tấm hình chụp chung với bạn bè hay người thân, rằng ai xấu cũng kệ miễn là ta đẹp, ai đẹp cũng kệ nếu ta xấu là xóa. Đứa bé sợ rằng nếu chấp nhận hình ảnh và góc cạnh đó thì sự xứng đáng của cơ thể ta sẽ “bị giảm đi”. Và suốt ngày chúng ta chỉ suy nghĩ về những thứ người khác đã nói hay bình luận về mình mà ít khi nào chúng ta suy nghĩ về cái chúng ta đã nói hay bình luận với người khác.

Hai ví dụ đó để thấy được chúng ta chả ai quan tâm tới ai hết cả, chúng ta chỉ toàn đang suy nghĩ về chúng ta bởi vì sự bất an của đứa bé trong ta về sự tồn tại của cơ thể ta. Và khi chúng ta yêu thương đứa bé trong ta vẹn tròn rồi, chúng ta sẽ “không còn quan tâm bạn bè” nữa. Lúc này, chúng ta sẽ không thể giải thích được gì cho bạn mình hết cả, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là gửi Tình yêu vô điều kiện của ta tới bạn mình và đứa bé trong họ mà thôi. Rồi cũng sẽ tới lúc những người bạn của ta học được cách yêu đứa bé trong mình, và hiểu ra rằng vì sao chúng ta đã “bỏ rơi và không quan tâm” bạn bè.

...

Yêu đứa bé trong ta từng bước một, chúng ta sẽ buông dần sự bám vịnh vào quá khứ và tương lai, hay nói cách khác, chúng ta dần dần chuyển sang cách sống thiền, cách sống trong hiện tại. Cách sống ấy không xa lạ gì với chúng ta, chúng ta đã từng sống như vậy trong những năm đầu đời của chúng ta. Khi lớn lên, chúng ta mới bắt đầu sống trôi theo dòng suy nghĩ của mình.

Nếu chúng ta có cơ hội để quan sát những đứa trẻ, chúng ta sẽ thấy rằng chúng có thể chơi một mình vô cùng hồn nhiên và vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Những năm đầu đời là khoảng thời gian đứa bé trong ta học tập những bài học cơ bản trong cuộc sống, làm nền tảng cho sự phát triển Nhận thức của ta (Linh hồn) về sau: Đi, đứng, nằm, ngồi, nói, ăn, di chuyển, thao tác, cầm nắm, lái xe đạp, leo cầu thang, mặc quần áo... với trạng thái luôn ở trong hiện tại, do đó mà đứa bé không hề biết mệt mỏi, chơi cũng như làm và làm cũng như chơi, làm một lần không được thì hai lần, hai lần không được thì ba lần,...

Yêu đứa bé trong ta là quá trình đưa chúng ta quay trở lại là đứa bé mà chúng ta đã từng là, khi ấy chúng ta sẽ sống như một đứa bé với tâm thế: Chỉ có lúc này, lúc này, lúc này,...

Chúng ta sẽ học cách đưa mọi thói quen vô thức hằng ngày của chúng ta quay trở lại thành những hành động có ý thức, chúng ta sẽ quay lại trạng thái luôn nhận thức được việc mình đang làm và nơi mình đang đứng.

Hãy tự nhắc mình: “Ta hãy làm mọi thứ hôm nay khác đi và ta sẽ luôn có mặt ở đó”. Bắt đầu với việc thức dậy, hãy ngồi chính giữa giường hay ngồi ở mép giường, luôn để ý vị trí tương đối của mình so với mọi vật xung quanh. Khi mặc áo mặc quần hay mang giày dép, hãy ý thức ta sẽ thò tay hay chân nào vào trước (không cần phải nhớ để trả lời ai đâu nhé, chẳng có ai hỏi chúng ta đâu). Khi đi bộ trên đường, hãy bước chân theo những viên gạch, đúng số bước, số ô...

Chúng ta bắt đầu nhớ lại những hình ảnh ngày xưa của mình rồi chứ. Hãy lái xe song song cách 1m với lề đường và cố gắng giữ khoảng cách ấy, hay đi theo một ai đó trước mình và cố giữ khoảng cách nhất định với họ. Hãy cảm nhận cơ thể mình lúc lái xe, hãy nhớ lại cái cảm giác lần đầu tiên chúng ta mới biết lái xe hai bánh ấy.

Khi làm bất kì điều gì đó, hãy để ý vị trí của ta so với đồ vật xung quanh và vị trí giữa những đồ vật với nhau. Khi rót nước vào ly, hãy tưởng tượng một điểm ở mép ly và rót nước tới chính xác cái mép đó thì thôi. Đặt cái ly xuống bàn, hãy để tay cầm vuông góc với mép bàn hay là song song với mép bàn, hoặc tạo góc 45 độ,... Hãy luôn tưởng tượng ra một mối liên hệ ảo giữa ta và mọi thứ xung quanh ta, giữa đồ vật với đồ vật; để rồi chúng ta quan sát, chuyển động cơ thể mình theo mối quan hệ tưởng tượng ấy, cũng như điều chỉnh những đồ vật mà ta sử dụng theo mối quan hệ tưởng tượng với những đồ vật khác.

Đó chỉ là một vài ví dụ, dựa vào đó chúng ta hiểu được và sáng tạo thêm để chúng ta biến mọi hành động vô thức hằng ngày của mình trở thành hành động có ý thức trong hiện tại, như chúng ta đã từng làm khi còn bé vậy.

Thoạt nhìn từ bên ngoài, người khác sẽ tưởng rằng chúng ta bị ám ảnh bởi sự ngăn nắp vì lúc nào cũng điều chỉnh mọi thứ từng li từng tí. Nhưng bản chất thì không phải như vậy, chúng ta đang dùng những hành động ấy để đưa chúng ta về hiện tại đó thôi. Và chợt chúng ta nhận ra rằng, sự cẩu thả, hay quên, đặt đồ lung tung,... phải chăng là do chúng ta vẫn hoài ở đâu đó trong quá khứ, trong một câu chuyện nào đó, hay trong tương lai xa xa,...

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh