Tập Yêu Đứa Bé Trong Ta: Chương 6. Bé Thích Hay Ganh Tị

TẬP YÊU ĐỨA BÉ TRONG TA: CHƯƠNG 6. BÉ THÍCH HAY GANH TỊ

Để biết được một vật có tồn tại tương đối so với vật khác hay không, vật đó phải khác với các vật còn lại. Đứa bé trong ta có nhiệm vụ như vậy, làm sự tồn tại của ta khác biệt so với sự tồn tại của người khác bằng hai trạng thái: Hơn và kém.

Dưới góc nhìn của đứa bé trong ta, nếu như hai cá thể mà giống nhau, thì sự tồn tại của một trong hai cá thể đó trở nên vô nghĩa. Cảm giác hơn và kém đều nằm trong vùng cảm xúc sợ hãi, là hai cảm giác có mục đích làm tăng cường sự khác biệt của cơ thể ta so với những cơ thể khác nhằm bảo vệ tính chất tồn tại của cơ thể ta trong một môi trường.

Hơn và thua, nói đơn giản hơn thì đó là phương pháp so sánh. Trong cuộc sống tương tác hằng ngày, đứa bé trong ta luôn luôn so sánh bản thân mình với người khác, với những chuẩn mực xã hội. Bằng cách so sánh và luôn muốn hơn người khác, đứa bé xác định được vị trí của cơ thể ta trong môi trường và bảo vệ tính tồn tại an toàn của cơ thể ta. Càng hơn nhiều người, đứa bé trong chúng ta càng an tâm, nhưng đứa bé lại luôn sợ hãi rằng mình sẽ dễ dàng bị rớt lại và vậy mà vòng tròn “hơn, hơn nữa, hơn mãi” không bao giờ có điểm kết. Vậy nên, những cảm xúc sợ hãi tạo ra sự ghen tị, buồn bã, bực bội,... đều có mục đích tốt cả, chúng được thiết kế ra để giữ chúng ta không bị rớt lại sau cùng, không bị đi lạc hay bị ăn thịt bởi kẻ thù rình rập xung quanh.

“Cảm ơn bé vì cảm xúc ghen tị và bực bội này. Cảm ơn bé vì mong muốn bảo đảm sự an toàn cho cơ thể này, để ta có thể tiếp tục trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời nơi đây. Bé thấy đấy, không ai có thể làm hại được cơ thể này cả nếu như ta không cho phép. Thức ăn nơi đây cũng thật sự quá nhiều, cơ thể này của bé khó có thể chết đói được. Ta cảm ơn và yêu thương bé”.

Giờ chúng ta thấy được rằng đứa bé trong ta trở thành điểm yếu của chúng ta và dễ dàng bị người khác điều khiển. Quảng cáo và truyền thông hoạt động dựa trên nền tảng nghiên cứu tâm lý con người, cụ thể là nghiên cứu cách hoạt động của đứa bé trong chúng ta. Họ biết cách nhấn nút kích thích đứa bé và điều khiển ta mua sản phẩm và dịch vụ của họ. Những quảng cáo luôn mang những thông điệp rõ ràng hoặc ẩn hiện mà nói rằng nếu ta mua và sử dụng sản phẩm ấy, chúng ta sẽ được nhiều người công nhận và đưa ta lên tầng lớp cao trong xã hội.

Đứa bé trong ta ghen tị với những “thành công” của người khác, đó là những định nghĩa “thành công” được tạo dựng từ những đứa bé của những người khác trong xã hội. Đó là vị trí cao thấp, đó là bằng cấp, đó là tiền bạc, đó là người yêu, đó là gia đình... Như chúng ta đã biết, bất kì định nghĩa nào được tạo dựng nên từ đứa bé trong ta đều để lại cho ta nỗi đau và sự sợ hãi.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

“Tất cả mọi thứ bên ngoài bé, đồ ăn, tiền bạc, nhà cửa, sách vở, nghệ thuật, ngôn ngữ, tri thức,... tất cả đều là công cụ để đưa chúng ta đến một cái đích mà thôi, đó là hạnh phúc và sáng tạo. Dù bé có tất cả hay bé có rất ít, tiếng cười và niềm vui của bé cũng đều như vậy cả và không hề khác so với bất kì ai. Ta có những thứ nhất định ta muốn trải nghiệm và ta sẽ trải nghiệm thứ đó với những cách khác so với người ta. Vậy nên những thứ bé có là những thứ bé cần, nếu bé không có là bé chưa cần tới chúng mà thôi. Và nếu những món đồ đã từng giúp bé vui vẻ bị mất đi thì chẳng sao cả, vì với những thứ xung quanh bé thay đổi thì những niềm vui mới và cách trải nghiệm mới sẽ đến. Không sao cả nếu bé ghen tị hay bực bội. Ta cảm ơn và yêu thương bé.”

Trong kho ký ức về tuổi học trò, chúng ta thường có những người bạn có học lực kém nhất lớp nhưng lại luôn quậy phá nhất trường. Với những cái hiểu sơ bộ về đứa bé trong ta đến lúc này, bạn có thể hiểu được vì sao “học dốt” luôn đi đôi với quậy phá không?

Như đã nói, mỗi chúng ta có con đường đi tìm tình yêu của riêng mình, mỗi người có công cụ bên trong và bên ngoài riêng biệt để trải nghiệm những cái mình cần. Vì lý do đó, khi chúng ta áp dụng một hệ thống giáo dục chung cho tất cả mọi người thì sẽ có người đứng trước và sẽ có người đứng sau.

Khẩu hiệu của xã hội chúng ta là “Công bằng – Bình Đẳng – Văn Minh” nhưng ngay trong hệ thống giáo dục lại chia thành tầng lớp học sinh “đáng tồn tại” và tầng lớp “không đáng tồn tại”. Đó chẳng phải là phân biệt đối xử đó sao.

Hệ thống giáo dục của chúng ta không sai, mà chỉ là thiếu tính tôn trọng tính cá thể và thừa chế độ tưởng thưởng. Nhiệm vụ của giáo dục là nên dạy dỗ mỗi chúng ta biết cách đối xử với bản thân mình ngay từ khi còn bé, trân trọng khả năng và ước muốn của mỗi người. Hệ thống giáo dục của chúng ta thì chưa làm được điều đó mà còn làm mỗi chúng ta cảm thấy áp lực nặng nề, làm đứa bé trong ta luôn phát tín hiệu sợ hãi vì mối đe dọa đến sự tồn tại cơ thể luôn trực chờ. Nếu chúng ta học giỏi và được tưởng thưởng, đứa bé trong ta cảm thấy được xứng đáng tồn tại và luôn làm tốt công việc của mình, nghĩa là học sinh giỏi thường giữ được danh hiệu của mình. Nếu chúng ta “học dốt”, sự phê bình và la mắng của người khác làm đứa bé trong ta sợ hãi và làm bản thân thấy không xứng đáng được tồn tại.

Sự ghen tị trong học tập mang lại hai kết quả. Một là, nếu chúng ta có khả năng và chịu khó, sự ghen tị sẽ là nguồn cảm xúc động lực giúp chúng ta tiến bộ hơn trong học tập để đạt được sự tuyên dương và công nhận; lúc này đứa bé trong ta hoàn thành nhiệm vụ của mình, đảm bảo sự tồn tại của cơ thể ta. Hai là, nếu cố gắng và không làm được, sự sợ hãi đứa bé phát ra sẽ dùng những cách khác để có thể thu hút được sự chú ý và công nhận của người khác: Gây gổ đánh nhau, vi phạm nội quy, nói tục chửi thề,... và trong hoàn cảnh này, đứa bé trong chúng ta cũng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đảm bảo sự tồn tại của cơ thể ta.

Chúng ta hãy tưởng tượng, có một nền giáo dục mà ở đó chú trọng phát triển tính cá thể và không có tưởng thưởng. Không tưởng thưởng, không áp lực đầu ra, thì mỗi chúng ta sẽ tập trung học tập và vui vẻ thực hành trong mọi môn học. Chúng ta sẽ phát triển và kết nối tốt với cơ thể cảm xúc của mình nếu môi trường học tập và thực hành không có bất kì sức ép nào.

Kết nối tốt với cơ thể cảm xúc sẽ tạo nền tảng cho trí thông minh cơ thể của chúng ta, cho chúng ta cảm tính và phản xạ tốt trong những công việc mà ta làm sau này: Nấu ăn, ca hát, điêu khắc, nhảy múa,... Trong tất cả các môn học, chỉ cần ngôn ngữ và khoa học cơ bản là bắt buộc, các môn học còn lại và ngôn ngữ, khoa học nâng cao thì chúng ta nên được tự do lựa chọn theo mong muốn của mình. Những môn học mà chúng ta yêu thích là những điều chúng ta có khả năng; những môn học này sẽ là công cụ để chúng ta sáng tạo và trải nghiệm những cái chúng ta mong muốn trong cuộc sống sau này.

Theo đó, chúng ta thấy được một sự thật rằng mỗi chúng ta sẽ chỉ làm được một hay một số việc nhất định trong xã hội mà thôi, vậy tại sao ngay từ đầu chúng ta phải học lượng kiến thức để trở thành một người có thể làm được tất cả mọi việc trong xã hội chứ. Chúng ta đã cố gắng để trở thành một người mà khó có thể tìm được trên quả đất này. Điều đó thật thú vị đúng không.

Bước qua tuổi 18, sau 12 năm học, mỗi chúng ta bước vào đại học, cao đẳng với ít nhiều hành trang kiến thức và kỹ năng nhưng với ba lô sợ hãi to đầy. Nền giáo dục đã để lại trong chúng ta những đứa bé đầy bất an và sợ hãi, trong khi chúng ta là những người sẽ tiếp tục giữ gìn xã hội này vận động và phát triển.

Với đứa bé bất an bên trong, chúng ta dùng vật chất, địa vị, người khác bên ngoài để chấn an cho sự tồn tại của cơ thể ta. Lợi dụng những đứa bé trong ta, những thứ hàng hiệu bắt đầu xuất hiện để dụ dỗ và hấp dẫn đứa bé trong ta. Cuộc chạy đua vật chất của chúng ta làm môi trường ngày càng ô nhiễm, tự nhiên ngày càng hủy bại, nạn bóc lột người lao động ngày càng gia tăng, động thực vật diệt vong ngày càng nhiều,...

Chúng ta hãy thôi đổ lỗi cho người khác, thôi đợi chờ người khác đến giải quyết vấn đề và thôi thờ ơ với những vấn đề trong xã hội. Mỗi chúng ta đều góp phần vào những vấn đề ấy, và chúng ta không cần phải đi đâu hay làm gì với những vấn đề đó cả. Nguồn gốc của những vấn đề ấy là ở trong mỗi chúng ta đây, chúng ta không hiểu đứa bé trong mình và đem quyền lực của mình đưa cho người khác.

Chúng ta hãy giữ những món đồ và vật chất ở vai trò là công cụ mà thôi, là những công cụ sẽ giúp chúng ta sáng tạo và trải nghiệm những gì mình cần: Hạnh phúc và đam mê. Một khi chúng ta biến những món đồ hay vật chất thành yếu tố định nghĩa và xác định sự tồn tại của cơ thể ta, chúng ta biến món đồ thành thương hiệu và thương hiệu mang lại sự khổ đau vì nó được nuôi dưỡng bởi sự sợ hãi của mỗi chúng ta.

Được nuôi dưỡng và lớn lên trong một xã hội có nền tảng “hơn – thua” như thế, mỗi suy nghĩ của chúng ta trong cuộc sống dường như đều xuất phát từ sự bất an của đứa bé trong ta.

Nếu ta hay để ý suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ thấy trong suy nghĩ hằng ngày của ta thường có những từ: Sai, xấu, lùn, ốm, mập, tật, tởm, gớm, mất dạy, ngu, dốt, bày đặt, bắt chước, khoe khoang,... Với những suy nghĩ vô thức như vậy, đứa bé trong ta làm cho ta cảm giác “hơn” người khác và theo đó xác định sự tồn tại của cơ thể ta.

Văn hóa và giáo dục đã dạy cho chúng ta từ bé rằng cái thiện luôn thắng cái ác, mà cái thiện thì thường xinh đẹp và cái ác thì thường xấu xí ở vẻ bên ngoài, và những thông điệp đó ăn sâu vào đứa bé trong ta và làm đứa bé trong ta nghĩ rằng: Phải có vẻ đẹp bên ngoài thì mới xứng đáng được tồn tại. Và vẻ đẹp bên ngoài đó thì khác nhau ở mỗi nền văn hóa và thời kỳ khác nhau, được tô vẽ qua hình ảnh, câu truyện và tới ngày hôm nay là quảng cáo và truyền thông.

“Dù hình dáng bên ngoài của bé, hành động của bé thế nào đi nữa, ta vẫn sẽ yêu bé như thế. Dù người khác có vẻ ngoài thế nào đi chăng nữa, hành động thế nào đi chăng nữa thì họ cũng vẫn xứng đáng tồn tại giống như bé vậy. Cảm ơn họ đã xuất hiện trước mặt ta, đã hành động như thế, để ta thấy được rằng ta vẫn chưa yêu thương bé trọn vẹn, để bé thể hiện sự bất an của mình. Cảm ơn bé vì chỉ muốn bảo vệ sự tồn tại của cơ thể này. Ta yêu bé và gửi tình yêu tới họ”.

Viết ra như thế và lặp đi lặp lại như vậy để chúng ta có thể hiểu và ngấm được, và khi chúng ta đọc những dòng ấy thì đứa bé bên trong chúng ta cũng sẽ nghe thấy.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy thường xuyên để ý cảm xúc và suy nghĩ của mình, mỗi khi có những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện từ sự sợ hãi của đứa bé trong ta thì hãy hít một hơi thật sâu và cảm nhận hơi thở của mình; và chúng ta có thể dùng một cách suy nghĩ khác:

“Tôi yêu bạn” (Cảm ơn họ đã xuất hiện và chỉ cho ta thấy sự bất an của đứa bé trong ta)

“Tôi yêu bạn” (Cảm ơn bé vì mong muốn bảo vệ sự tồn tại của cơ thể ta)

“Tôi yêu bạn” (Ta gửi tình yêu tới đứa bé trong họ vì họ chưa thể làm được điều đó và thể hiện sự bất an của đứa bé trong mình ra bên ngoài, qua so sánh, phán xét, bực bội, giận dỗi,...)

“Tôi yêu bạn” (Ta yêu bé và bé luôn xứng đáng được tồn tại)

...

Ngày hôm nay, chúng ta biết ơn vì tất cả những điều “tiêu cực” trong xã hội và trong những hệ thống xã hội của chúng ta. Sống giữa những điều đó, chúng ta đã trải nghiệm được rất nhiều thứ và học được không ít bài học. Chúng ta đã có những ký ức tuổi học trò thật đẹp mà mỗi lần nhắc lại đều làm ta không khỏi bồi hồi, hay là những ký ức “xấu hổ” làm ta bật cười đỏ mặt không ngớt.

Và chúng ta cảm ơn tất cả những vấn đề đã hiện lên thật rõ để chúng ta nhìn thấy vấn đề cốt lõi là từ trong mỗi chúng ta mà ra. Sẽ không có chiến lược, công trình hay công nghệ nào có thể chữa trị được căn bệnh đã thành hình nếu chúng ta không hiểu căn bệnh ấy từ đâu mà ra, chữa hết rồi thì những căn bệnh ấy cũng sẽ xuất hiện lại cả thôi. Trước khi yêu được thế giới, yêu được mẹ Trái Đất, mỗi chúng ta phải hiểu và yêu lấy được chính bản thân của mình cái đã, bạn có đồng ý không?

“Mỗi người có con đường phát triển riêng của mình, tới nơi trước hay sau không làm chúng ta xứng đáng được tồn tại hơn người khác. Tất cả chúng ta đều như nhau và chúng ta có mọi thời gian trong vũ trụ này. Họ có thể làm bất kì những gì họ muốn, mua bất kì cái gì họ ưa, tất cả đều được cho phép và họ có quyền lựa chọn cũng giống như ta vậy. Nếu với những hành động và ước muốn như thế có thể làm đứa bé trong họ cảm thấy an tâm hơn về sự tồn tại của cơ thể họ thì điều đó thật tốt cho họ. Bằng cách để họ làm những thứ mình muốn, ta và bé đã gửi Tình yêu vô điều kiện tới họ và tới đứa bé trong họ, ta cảm ơn bé vì điều đó. Tình yêu vô điều kiện bé gửi cho họ là minh chứng chứng minh sự xứng đáng tồn tại của bé đó. Và không sao cả nếu bé vẫn còn phán xét họ, bởi như vậy ta mới biết ta vẫn chưa yêu thương bé trọn đầy và để bé kiếm tìm sự công nhận từ bên ngoài. Cảm ơn họ đã cho ta biết điều đó. Ta yêu bé.”

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh