Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 1. Bức Tranh Lớn

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 1. BỨC TRANH LỚN

DÙ TA ĐANG Ở ĐÂU—ở trong chùa, trong phố chợ, hay ở trên con đường đầy cây xanh yên tĩnh—chúng ta vẫn liên tục trải nghiệm những sự khó khổ lúc này lúc khác. Đó chỉ là bản chất của sự sống. Vì vậy khi ta gặp khó khổ về sức khỏe, ta không nên nói “Bác sĩ ơi, có điều gì trục trặc trong thân tôi—Sao tôi bị bệnh vậy?”; thay vì vậy ta nên nói rằng “Có điều diễn ra đúng trong thân tôi—Bữa nay tôi bị bệnh rồi.” Đó là lẽ tự nhiên, thân thể con người sẽ bệnh lúc này lúc khác. Đó cũng là lẽ tự nhiên của hệ thống phân rã trong thân khi nó cần phân thải nhưng ta không muốn thấy nó xảy ra, và đó là lẽ tự nhiên như nồi đang nấu nước sôi đôi lúc nó phải trào ra. Đó là lẽ tự nhiên của sự sống, nó diễn ra như vậy. Mặc dù con người luôn xoay sở đấu tranh để làm cho sự sống của chúng ta và người khác được diễn ra êm ả, nhưng làm vậy cũng không ngăn được những điều đó xảy ra.

Mỗi khi ta bị đau đớn hay khó khổ, hãy luôn nhớ một trong những ý nghĩa sâu sắc của chữ “khổ”: đó là ta cứ đòi thế giới những điều nó chẳng bao giờ cho chúng ta. Chúng ta cứ trông đợi và đòi hỏi những điều không thể có trong thế gian. Chúng ta đòi có nhà cửa đẹp và công việc hoàn hảo và mọi thứ chúng ta làm lụng và thu xếp phải xảy ra đúng lúc đúng nơi theo ý muốn của chúng ta. Tất nhiên, đó là đòi hỏi những điều không bao giờ có được. Rồi chúng ta lại đòi phải có được thiền định thâm sâu, rồi chứng luôn giác ngộ ngay bây giờ tại đây. Nhưng thế gian vũ trụ đâu có vận hành theo cách đó, (đâu có dễ như vậy, đâu phải ước là được, muốn là có). Nếu ta cứ đi đòi hỏi những điều thế giới không thể cung cấp cho ta, phải hiểu rằng điều đó chẳng khác nào ta cứ đi đòi có thêm những khổ đau mà thôi.

Do vậy, dù bạn có làm việc hay thiền tập, hãy biết chấp nhận mọi sự thường đi sai đi khác với mong muốn của ta. Việc của bạn là không nên đòi hỏi những thứ thế gian không cho mình được. Việc của bạn chỉ là quan-sát. Việc của bạn là không cố thúc ép thế gian tạo cho bạn những thứ theo ý bạn muốn có. Việc của bạn là biết hiểu, biết chấp nhận, và buông bỏ. Nếu bạn càng chiến đấu với thân mình, tâm mình, gia đình mình và thế giới, thì bạn chỉ càng gây thêm thương đau khổ sở cho chính mình.

Nhiều lúc, khi chúng ta có hiểu biết và biết đứng lùi lại trong đời sống hàng ngày, lùi lại chúng ta sẽ nhìn thấy được bức tranh lớn. Chúng ta sẽ thấy chẳng có gì khó khăn khó chịu với nơi ở của chúng ta, chẳng có gì trục trặc khó chịu đối với ta, chẳng có gì trục trặc khó chịu trong đời ta. Chúng ta đã hiểu ra rằng mọi sự chỉ là bản chất của thế giới nó luôn “đi sai”, luôn “trục trặc” theo đường lối của nó. Thế giới là vậy—đó là điều Đức Phật đã nói trong Chân Lý thứ nhất (Diệu Đế về Khổ). Chúng ta làm việc, tranh đấu và cố gắng để làm cho cuộc sống của chúng ta “đi đúng” và “ngon lành”—làm cho nhà cửa, thân thể, và cả tâm trí đều “đi đúng” và “tốt đẹp”—vậy mà tất cả cứ “đi sai” và “trục trặc” so với ý muốn của chúng ta.

Hiểu Biết Về Khổ Là Một Động Cơ Để Tu Tập

Quán xét về sự khổ [dukkha] là một phần tu tập quan trọng của đạo Phật nguyên chất. Chúng ta không cố kiểm soát sự khổ. Thay vì vậy, chúng ta cố tìm hiểu nó bằng cách điều tra về những nguyên nhân của nó. Đây là điểm quan trọng trong việc tu tập của chúng ta; bởi hầu hết mọi người khi gặp phải khổ đau họ cứ mắc sai lầm là cố trốn chạy khổ đau hoặc cố thay đổi nó. Họ thường chửi máy móc sao bị hư hỏng, nhưng máy móc nào chẳng đến thời hư hỏng, đó là lẽ tự nhiên tất nhiên của nó mà. Hễ có thứ gì trục trặc bất ổn thì chúng ta thấy khổ. Vậy sao chúng ta không biết thay đổi thái-độ và ngừng ‘chiến đấu’ với những sự trục trặc bất ổn đó. Khi ta ngừng chiến đấu với thế giới và bắt đầu biết hiểu về sự khổ thì ta sẽ có được một thái độ ứng phó kiểu khác. Đó là thái độ nibbidā: từ bỏ, buông bỏ.

Nibbidā là một thái độ phản ứng có được từ sự hiểu biết về bản chất tự nhiên của thân, của tâm, và của thế giới. Lúc đó bạn hiểu biết được tính chất của đạo Phật; thấy được tính chất của việc xây chùa hay xây nhà, và của việc sống cùng-nhau trong một nhà hay trong một chùa. Bạn biết những việc đó trước sau gì cũng tạo ra nhiều sự bất mãn, bất đồng và nhiều rắc rối. Nhưng, bạn đã đủ khôn khéo nên không còn phải trốn chạy những vấn đề rắc rối đó và cũng không còn cố thay đổi chúng nữa. Bạn hiểu ra những rắc rối khó khổ là hiển nhiên sẵn có trong tấm thảm chằng chịt của vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra). Sự hiểu biết này chính là một trong những trí tuệ lớn thâm sâu của Đức Phật, đó là cái Phật muốn nói trong bài thuyết giảng đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân [Dhamma-cakkappavattana Sutta, SN 56:11]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Khi đã biết được sự khổ đau vốn đã có sẵn trong kết cấu muôn trùng của vòng luân hồi sinh tử thì ta sẽ thay đổi thái độ phản ứng của mình. Giống như khi ta có một trái táo bị úng thúi, ta luôn cố cắt bỏ phần úng thúi đó để ăn phần còn lại. Khi ta có trí khôn trí tuệ ta nhìn thấy cả trái táo đã bị úng thúi, lúc đó phản ứng của ta là lập tức bỏ nó đi—đó là “nibbidā”: từ bỏ nó, buông bỏ nó, quay lưng khỏi nó, và quăng bỏ nó ngay. Lúc đó ta thấy ta không cần trái táo đó nữa; ta có thể buông bỏ nó. Điều quan trọng là ta cần hiểu biết rõ về sự khổ đau trong thế giới. Và điều quan trọng là ta cần nhìn thấy rõ sự khổ đau và bất toại nguyện là tuyệt đối có mặt trong tất cả mọi sự sống. Không bao giờ ta có thể kiểm soát hay dùng sức mạnh để giải quyết nó và chỉnh sửa nó diễn ra theo ý muốn của ta được. (Ví dụ ta không bao giờ có thể dùng sức mạnh, trí thức, của cải hay quyền năng nào để ngăn cản sự ‘già-chết’ xảy ra đối với mọi người).

Khi chúng ta biết suy xét và hiểu được lẽ-thực này, nó sẽ tạo cho ta động-cơ và niềm khích-lệ để chúng ta thực hành tu tập theo con đường đạo. (Những người xuất gia cũng nhờ sự suy xét và hiểu biết này nên họ đã đi tu theo Phật). Theo các bài kinh, khi Đức Phật còn là thái tử, Người nhìn thấy người ta bị già yếu, bệnh đau, và chết đi, bấy nhiêu đó cũng đã đủ cho Phật quyết định bỏ đi để tìm con đường giải thoát khỏi những khổ đau đó (kinh MN 26.13). Người nhận ra rằng, lẽ thực đó cũng xảy ra đối với mình, rằng mình cũng đang già đi, yếu đi, rồi đau bệnh, và rồi cũng đến lúc chết: con người không ai có thể thoát khỏi những khổ đau chờ sẵn đó. Sự nhận biết đó đã tạo ra cái động-lực phát tâm đi tìm sự chấm dứt và giải thoát khỏi những khổ đau và sinh tử đó.

Già, bệnh, và chết cũng là bản chất nằm sẵn bên trong ta đó. Đó là những điều đang diễn ra và sẽ xảy tới trong tương lai. Đó là những điều “chắn-chắn-xảy-ra”: ta sẽ già đi, sẽ bệnh đau, và chết. Ta chẳng thể làm gì để tránh được những điều đó. Đó là những lẽ thực, là lẽ tự nhiên của sự sống của ta, của thân thể con người ta, và của tất cả mọi thứ khác trong thế gian. Mọi thứ đều sẽ già cũ đi, đều tới lúc trục trặc tan rã, và chết—mọi thứ đều sẽ trục trặc, hư hỏng và tàn hoại. Ngay cả một người sắp thành Phật cũng có đủ trí khôn để biết rằng: dù có rất nhiều phẩm hạnh tâm linh và nhiều công đức đã được tích lũy như vậy, vị ấy cũng không tránh khỏi sự già-chết đó. Lúc này cần phải có thêm một loại thái-độ phản ứng nữa, đó là: hiểu biết tường tận về sự khổ đau. (Hiểu biết về những nguyên nhân của khổ).

Không Dính Líu, Không Can Dự

Trong kinh Chuyển Pháp Luân (SN 56:11), Phật đã nói rõ rằng: chân lý thánh diệu thứ nhất (chân lý về Khổ) cần phải được hiểu một cách tường tận, thấu suốt. Nói cách khác, ta không cần cố hàng phục sự khổ, ta không cố thay đổi nó, ta không cố cải thiện cải tạo cái sự thật đó hay trốn chạy khỏi nó. Những lúc khó khăn chính là những cơ hội tuyệt vời để ngồi xuống và đối diện với sự khổ, để hiểu rõ nó một cách hoàn toàn, và để không chọn cách trốn chạy khỏi nó.

Trốn chạy là cách đa số người đời luôn chọn mỗi khi họ có khổ đau hay khó khăn. Theo thói thường họ chọn những cách như: đắm mình trong những thú vui khác, coi phim, lặn chìm trên internet để đọc hay tán gẫu đủ thứ, ra ngồi ở hàng quán cà phê, hoặc bỏ đi đâu đó để tìm quên. (Hễ khi gặp điều gì khó chịu, họ tìm cách làm gì đó để cố quên hay trốn chạy khỏi nó). Nhưng chúng ta thực sự trốn chạy khỏi cái gì? Chúng ta nhào vô những thú vui để được gì? Đó chỉ là cái thói phản ứng mỗi khi chúng ta gặp những điều không tốt, khó chịu, bất mãn. Nếu bạn thực sự muốn tới nơi nào đó trong đời, muốn đi đâu hay thậm chí vô chùa để tu để được trí tuệ và tự do…thì trước tiên phải hiểu rõ sự khổ là gì—đó là lời khuyên của Đức Phật.

Khi bạn chịu suy xét điều tra, bạn sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều nếm trải khổ. Trong tập kinh Trưởng Lão Kệ (Therīgāthā) có một câu chuyện nổi tiếng về Kisāgotamī (kinh Thī.213–23). Phật đã cố xua tan nỗi buồn đau và khổ sở của người mẹ tên Kisāgotamī khi bà bị mất đứa con trai. Phật giải thích với bà rằng ai cũng phải chết một ngày nào đó trong hữu hạn, quy luật đó chi phối tất cả mọi người không riêng gì con bà. Cái chết là lẽ tự nhiên không tránh khỏi; nó là một phần của kết cấu trùng trùng của mọi thứ trong vũ trụ. Cái chết có mặt khắp nơi, không chừa một nơi nào; không ai có thể thoát khỏi nó. Vì vậy, thay vì cố gắng giải quyết kiểu gì đó để mang con trai bà sống lại, Phật chỉ muốn chỉ dạy cho bà Kisāgotamī hiểu được cái lẽ tất-nhiên của sự chết. (Mọi thứ trên thế gian đều vô thường. Khi một hay những điều kiện duy trì sự sống không còn thì cái bộ máy ‘con người’ sẽ ngưng hoạt động: chết).

Nhưng, không phải sau khi hiểu rõ rồi chúng ta chỉ biết chấp nhận mọi thứ, như vậy chưa đủ tốt. Không phải chỉ biết nghĩ rằng: “Cứ mặc kệ, mọi sự cứ xảy ra như vậy, ta biết làm gì được!”; cách nghĩ và phản ứng như vậy cũng chưa đủ đúng đắn. Khi ta thực sự hiểu rõ vấn đề về khổ, và ta sống để làm gì, cuộc sống của ta đích thực ra sao… thì ta sẽ tự nhiên có một cách phản ứng tự nhiên: đó là không trốn chạy cũng không chấp nhận mọi việc xảy ra; đó là “nibbidā”: buông bỏ, từ bỏ.

Nibbidā có nghĩa là không dính líu, không can dự. Chúng ta quay lưng lại với cái chúng ta gọi là cuộc sống. Bởi nếu ta cố thay đổi mọi thứ thì chỉ làm ta càng dính líu vào cuộc sống; và nếu chấp nhận mọi thứ xảy ra cũng làm ta dính líu vào cuộc sống. Không dính líu, không can dự là cách đáp lại đúng đắn. Không dính líu có nghĩa ta để yên cho mọi thứ diễn ra và ta không còn liên hệ hay lo lắng gì về chúng. Ta cứ ngồi đó và không can dự vào điều đang trải nghiệm, ta cứ đứng sau lưng cuộc sống. Gần như kiểu ta khước từ nó—một kiểu khước từ làm cho mọi sự biến đi.

Bạn đọc trong các bài kinh thấy Phật vì lòng bi mẫn nên Phật đã từ chối một số người (kinh MN 122.6). Đôi lúc người ta cứ tham gia nói chuyện bởi họ chẳng có chuyện gì hay hơn để làm. Tôi cũng không muốn ngồi đây ngồi đó để trả lời những câu hỏi hết nhiều thời giờ, đặc biệt trong thời gian khóa tu. Dù gì đi nữa, bạn không thể có được câu trả lời về Giáo Pháp đích thực chỉ nhờ đặt câu hỏi. Bạn chỉ có được câu trả lời đó bằng cách ngồi yên lặng và dừng suy nghĩ, không cố hỏi thêm gì nữa. Vì vậy, khi có ai hỏi gì tôi chỉ cố trả lời thật ngắn gọn có thể. Bằng cách đó tôi giúp người ta không dính líu vào quá nhiều sự hỏi đáp, nói chuyện qua lại.

Bạn cũng nên không-can-dự vào mọi sự của thế gian theo cách như vậy. Tại sao phải dính líu vào tất cả mọi thứ? Hãy nhìn chúng và nhận ra chúng chỉ gây ra khổ cho ta mà thôi; chúng làm ta mệt mỏi và khó chịu. Bằng cách buông bỏ (nibbidā) như vậy, tất cả những đối tượng giác quan đều phai biến, mọi thứ không còn quan trọng nữa.

“Không Phải Việc Của Ta”

Khi bạn quán xét về cuộc sống, bạn nhận ra nó hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của ta. Và bất cứ thứ gì ngoài tầm kiểm soát của ta thì đâu phải việc của ta. Đây là câu nhắc nhỏ tuyệt vời tôi thường hay dùng để thiền tập, và tôi cũng khuyên người khác nên tâm niệm như vậy. Bất cứ điều gì bạn trải nghiệm, ở nhà, ngoài đường, hay trong chùa, bạn cứ tâm niệm: “Không phải việc của ta”. Dù nước máy có bị hư, dù người đến người đi, dù thức ăn người ta cho có ngon hay dở, dù trời có nắng hay mưa, cứ niệm trong đầu: “Đó không phải việc của ta”. Việc của bạn không phải đi lo lắng về người khác đang làm gì hay nói gì với bạn; đó là việc của họ, đó là nghiệp (kamma) của họ, chẳng liên quan gì đến bạn.

Nếu bạn quá nhạy cảm với những gì người khác nói hoặc luôn để cho mình cảm thấy bị tổn thương hay bị hiếp đáp, thì bạn hãy nhớ tới lời khuyên của Phật đối với người con trai Rahula— hãy giống như đất (kinh MN 62.13). Người ta tiểu và đại tiện lên đất, họ ói mửa trên đất, và đốt đất cháy rụi; mọi thứ rác rưởi dơ dáy nhất đều vứt bỏ trên đất, nhưng đất chẳng bao giờ phiền lòng, không hề than trách; đất chỉ chấp nhận mọi thứ. Người ta cũng có làm một số điều tốt đẹp đối với đất. Họ trồng cây xanh, vườn hoa, và tốt lành hơn nữa họ cũng xây chùa chiền trên trái đất. Nhưng đất vẫn không hề phản ứng gì dù điều tốt hay xấu xảy ra với nó.

Vậy hãy giống như đất. Dù người ta nói gì, ta bất cử bất động. Nếu họ khen hay chê ta, đó là việc của họ. Không cần thiết phải bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác, dù là nói tốt hay xấu. Khi bạn có được thái độ “Không phải việc của ta” thì bạn không bao giờ bị bực tức.

Cũng như những đau nhức trong thân và những bệnh tật của nó. Khi thiền tập chúng ta luôn nhắc nhở mình: chúng không phải việc của ta; đó là việc của thân thể—hãy để thân thể chăm sóc chúng. Cách nghĩ như vậy thực sự là một cách mạnh mẽ để duy trì một thân thể khỏe mạnh. Điều lạ lùng là, nhiều khi ta chúng ta càng lo lắng cho thân thể, nó càng tệ hơn. Nếu chúng ta không can dự vào cơ thể, chỉ cần ngồi yên lặng, và chỉ cần để cho thân biến mất (coi như không có thân này), thì nó lại khỏe mạnh hơn. Dường như, thường những lúc chúng ta cố kiểm soát và sắp xếp mọi thứ thì chúng chỉ càng tệ hơn; đối với thân thể cũng vậy. Nhiều khi, khi mình buông bỏ nó và chỉ cần thả lỏng, thân thể sẽ trở nên dễ chịu và tự chữa lành bệnh đau của nó. Vậy chúng ta nên biết buông thả và quên thân này đi.

Tôi biết nhiều nhà sư có bệnh tật biến mất nhờ sức mạnh của thiền. Người đầu tiên tôi thấy là thầy Ajahn Tate. Khi tôi mới tới Thái Lan năm 1974, thầy ấy đang nằm trong nhà thương với căn bệnh ung thư nan y. Bác sĩ đã cố chữa chạy tốt nhất cho thầy nhưng chẳng được gì, nên họ đã cho thầy về lại chùa để chờ chết. Vậy mà tới hai mươi bốn năm sau thầy ấy mới chết. Đó là một ví dụ đã xảy ra đối với những thầy tu “quay về chùa để chờ chết”. Họ quay về chùa và thực sự đã sống một thời gian lâu. Vậy đó, khi ta không dính líu vào mọi thứ—nibbidā khởi sinh—và tâm quay lưng buông bỏ. Nó đã quá biết, đã nếm quá đủ, nên nó đâu còn muốn nhìn vào mọi sự nữa, và nhờ đó ta thấy mọi sự khó khổ dần dần phai biến.

Đây là một tiến trình chúng ta đã đọc thấy trong các kinh, sự buông-bỏ (nibbidā) dẫn tới sự phai-biến (virāga) nhiều khó khổ. Khi ta coi thứ gì không phải việc của ta, nó sẽ tự phai biến khỏi thế giới (tâm) của mình. Tâm thức không còn dính líu đến thứ đó nữa; nó không còn thấy, nghe, cảm giác, hoặc biết về thứ đó nữa. Đường lối của nó là vầy: bất cứ thứ gì ta dính vào thì nó sẽ chiếm ngự trong tâm ta—đó là chỗ thức tìm được chỗ đứng và tăng trưởng. Chẳng khác nào ta đang xây dựng những dinh thự trong tâm. Là một người thiền tập, tôi biết rõ chúng ta xây cả thế giới riêng cho mình. Ngược lại, nếu chúng ta không dính líu thì chúng ta chẳng có việc gì ở đó, và bởi vì ta không hề quan tâm đến nó, nên toàn bộ thứ đó biến mất khỏi tâm thức của ta. Khi bạn có được sự buông bỏ (nibbidā) là bạn thực sự “chẳng xây dựng” thế giới gì cho mình cả.

Giải Quyết Vấn Đề Khó Khổ

Đã bao lần ta đã cố giải quyết những vấn đề khó khổ? Có lẽ mọi chúng sinh luôn luôn tìm cách giải quyết những khó khổ, không chỉ tới chết là thôi mà có lẽ suốt mọi kiếp sau. Thay vì cứ luôn xoay sở tìm cách giải quyết muôn vàn thứ khổ, chúng ta nên hiểu biết thế giới sống (của ta) chỉ là trò chơi của các giác quan. Chỉ là cái thân ‘năm uẩn’ (khandha) đang làm những việc của chúng mà thôi; việc của chúng không liên quan gì đến ta. Con người chỉ là con người, thế giới chỉ là thế giới, vậy đó.

Nhiều lúc trong chùa ta thấy cả đàn chim vẹc mèo. Chúng rất ồn ào. Nhiều người nói không thích tiếng chim vẹc mèo, nhưng dù họ thích hay không thích chúng vẫn kêu ồn ào, vậy chúng ta phải can dự làm chi? Tại sao không buông bỏ chúng đi?

Là một người thiền tôi đã thường tự hỏi: “Tại sao tiếng ồn quấy nhiễu tôi?” Những âm thanh bên ngoài như tiếng chim hót, tiếng người ho hoặc tiếng đóng cửa, tại sao tôi lại nghe tiếng đó? Tại sao tôi không làm ngơ, giống như nhắm hai mắt lại không thèm nhìn. Bằng cách suy xét về tiếng ồn và hiểu biết cách chúng xảy ra, tôi biết rõ tôi nghe tiếng ồn là do chính tôi ‘bước ra bên ngoài’ để lắng nghe chúng. Đó là ta đã can dự vào thế giới âm thanh bên ngoài. Ta can dự vào nó nên nó quấy nhiễu ta. Thầy Ajahn Chah thường nói rằng: không phải âm thanh quấy nhiễu ta mà chính ta quấy nhiễu âm thanh. Đó là lời dạy rất thâm sâu, và điều đó đã dạy tôt rất nhiều. Nhờ đó tôi thường hiểu được bản chất của âm thanh tiếng ồn và hiểu tại sao nó quấy nhiễu mình.

Khi có ai gọi ta là con heo, là thằng ngu, hoặc là gì đi nữa, ta không cần phải lắng nghe. Chúng ta lắng nghe là do chúng ta quan tâm; ta nghe là ta can dự vào nó và dính líu vào thế giới âm thanh. Nhưng khi chúng ta nhận ra những âm thanh đó chỉ xảy ra theo đường lối tự nhiên của chúng thì chúng ta buông bỏ chúng, chúng ta có được sự buông bỏ (nibbidā). Có những âm thanh dễ chịu, có âm thanh khó chịu, và có tiếng chim hót…Có loài chim hót dễ thương và có những loài chim, như quạ, thì kêu la như chửi bới. Nhưng đó đâu phải lỗi của những con quạ; đó chỉ là tiếng kêu tự nhiên của chúng. Cũng giống trong chùa: một số anagārika (thầy tu) giống như quạ; những người khác giống như chim sơn ca; nhiều thầy nói chuyện dễ nghe; có thầy nói giọng dễ ghét. Đó là đặc tính của họ, chỉ là vậy thôi. Chẳng liên quan gì đến ta, do vậy ta đâu cần để ý, đâu cần can dự.

Khi chúng ta không can dự vào những điều đó, bằng cách buông-bỏ (nibbidā), thì chúng sẽ tự phai biến dần. Không xía vô nó thì nó đâu dính ta. Khổ phai biến khi nguyên nhân khổ phai biến. Thế giới giác quan bắt đầu biến mất khi chúng ta không can dự, khi chúng ta không còn muốn thay đổi nó.

Chúng ta không can dự vào điều gì bằng một thái độ buông- bỏ (nibbidā) có nghĩa chúng ta chán ngán nó và từ bỏ nó. Sự buông-bỏ có được nhờ chúng ta nhìn thấy lẽ thực của thế giới đúng như nó thực là. Với sự buông bỏ đó, với nibbidā, chúng ta bắt đầu đi theo hướng khác, chúng ta bắt đầu quay lưng lại với mọi thứ diễn ra trong thế giới.

Sứ Giả của Sự Thật

Một cách khác để nhìn là: coi sự quay lưng khỏi thế giới là một sự chuyển hướng vào nội tâm của mình, chuyển hướng vào cái trung tâm im-lặng của chúng ta. Hàng ngày chúng ta hướng ra nhìn nhìn thấy thế giới của nhà mình, thế giới bạn bè, hoặc thậm chí thế giới Phật giáo; tất cả thế giới đó có thể kéo chúng ta ra khỏi trung tâm nội tâm đó của ta, đúng vậy không? Ta cảm thấy sức kéo ra. Ta đã luôn bị kéo ra như vậy suốt cả cuộc đời, và mọi lần thế giới kéo ta như vậy nó có làm gì tốt hơn cho ta không? Những tu sĩ thoái tâm bỏ chùa thường là do bị kéo ra bởi người khác giới. Nhưng việc đó có làm họ hạnh phúc sau đó hay không? Nhiều năm trước tôi thấy trên một trang chính của tạp chí Punch ở Anh có đăng một tựa bài “Lời khuyên cho những người sắp cưới”. Rồi họ để trống hai trang giữa, chỉ ghi một chữ lớn “ĐỪNG”. Vậy là họ đã nhìn thấy sự khổ lụy rắc rối của hôn nhân. Bạn đừng vội cho rằng mình thì khác, mình thì có khả năng thoát khỏi khổ sở rắc rối của hôn nhân, rằng mình là đặc biệt hoặc thông minh hơn những người khác. Đó chỉ sự rồ dại của cái ‘ta đây’ mới nghĩ mình giỏi hơn người khác, nghĩ mình sẽ tránh được những khó khăn và khổ sở mà bao người đã và đang dính phải trong đời.

Khi còn trẻ tôi cũng thường có những mơ mộng bay bổng. Nhưng sau đó tôi học cách để ngừng mơ mộng, không để chúng chi phối mình; phương pháp của tôi là cứ đuổi theo những suy lý cho tới kết cục. Chẳng hạn khi có điều gì bay bổng, tôi luôn nghĩ “Rồi thì sao? Rồi sao nữa?”. Những điều mơ mộng như tình yêu, lấy vợ, và lái xe đuổi theo cảnh hoàng hôn…, rồi câu hỏi “Rồi sao nữa?” sẽ làm ta hết mơ mộng, làm mất đi những niềm hứng thú của những ảo mộng đó. “Rồi sao nữa?” bởi vì sau ảo mộng đó sẽ chẳng là gì, chỉ còn lại một sự trống không. Nó không còn màu sắc, sự sáng sủa, niềm vui, hay hạnh phúc nào nữa, bởi vì sau cái “rồi sao nữa” chỉ là sự chơ vơ hụt hẫng mà ai cũng trải nghiệm; chẳng có gì đặc biệt. Khi cái phần vui thích tan ra và phai biến, ta trở về lại sự sống. Rồi cuộc đời là, ta chỉ cố sống theo qua ngày, cố có được vài khoảnh khắc vui thích và hạnh phúc. Cuối cùng, ta cứ lần lũi đi về phía tuổi già và lần lũi chia tay với những người thân yêu trong đời. Sống vậy để làm gì? Vậy nếu ta chịu bước theo con đường buông-bỏ (nibbidā), ta là người khôn khéo hơn. Ta đã nếm trải quá đủ nhiều khổ đau, có nghĩa là ta đã có đủ nhiều “dữ liệu thông tin” để suy xét về những lẽ thật của sự sống. Vậy hãy quán xét sự thật “khổ” mỗi khi bạn gặp những khó khổ, và từ đó tạo nên sự quay lưng buông-bỏ (nibbidā).

Trong một khóa tu tập bạn sẽ có những lúc chán chường. Có khi bị đau nhức chân, hoặc có khi chỉ ngồi đó không biết làm gì— không muốn ngồi thiền, đi thiền, hay đọc sách, hay làm gì cả; chỉ có chán và chán ở trong đầu—lúc đó bạn nên điều tra suy xét về sự chán chường đó. Nếu bạn biết tìm hiểu về sự khổ thì không có thời gian nào trong khóa tu bạn không tận dụng được, bạn sẽ khai thác hết cơ hội để tu tập phát triển của mình. Hãy coi những sự khó khổ và thất vọng như những vị thiên sứ (devadūta), đó là những sứ giả của sự-thật, họ đến để dạy lẽ thật Giáo Pháp cho chúng ta. Thiền sư Ajahn Chah luôn gọi những sự khó chịu khổ sở đó là những vị sư thầy—những Kruba Ajahn2. Những vị sư-thầy đó không sống trong các chùa to viện lớn. ‘Đại sư’ ở chùa lớn là Đại Sư ảo. Còn Sư- Thầy đích thực sẽ ở trong cốc tu phòng tu của bạn mỗi khi bạn thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy mệt mỏi không muốn ra khỏi giường. Những Sư Thầy đó có mặt ở đó khi bạn ngồi đừ ra đó và chẳng muốn làm gì hay đi đâu. Vị Sư Thầy đích thực sẽ có mặt lúc bạn đang cảm thấy chán chường trong khóa tu và cứ ngồi đếm ngón tay coi còn bao nhiêu ngày mới hết khóa tu. Khi có ai đưa bạn thức ăn bạn thấy dở, hoặc khi bạn sắp sửa nhập thiền mà mấy con quạ kêu quan quát ngoài cửa thiền, hoặc mỗi khi có điều gì làm bạn khó chịu và thất vọng—mỗi thứ đó chính là một Sư Thầy. Đó là những lúc bạn cần biết lắng nghe, học hỏi, suy xét, quán xét, thâm nhập và tìm hiểu (sự thật) về nó.

Đi Về Phía Trống Không

Nếu ta hiểu thấy lẽ thực khổ đau trong thế giới, ta sẽ nhìn thế gian như một đống rác. Bởi rác rưởi nên ta quay lưng, không can dự vào mọi sự diễn ra trong đó. Khi ta không can dự, khi ta từ-bỏ (nibbidā) thì trong ta không còn tham muốn gì nữa, trong ta khởi sinh sự vô-tham (virāga). Điều đó tự nhiên xảy ra; ta không cần phải làm cho tham dục biến mất. Thái độ vô-tham đó không phải được làm bằng ý chí, bằng lựa chọn hay suy tính của ta. Ta có muốn cũng không được; đâu phải ta muốn “muốn mọi người tránh xa; muốn mấy con quạ không kêu la; tôi muốn không có kiến lửa trên lối tôi đi thiền…” là được đâu. Bạn không cần cố loại bỏ điều gì cả. Nó đâu phải là việc của bạn—mọi thứ chỉ tự chúng phai phôi và biến mất. Chỗ này có ý nghĩa và diệu dụng sâu sắc hơn, để chúng ta có thể làm đơn-giản mọi thứ và có thể từ-bỏ những thứ mình sở hữu. (Do có sự quay lưng từ bỏ tích cực (nibbidā) nên dẫn tới sự vô-tham (virāga) một cách tự nhiên. Nếu không hiểu biết sự thật khổ và bất toại nguyện của sự sống thì chúng ta rất khó quay lưng và từ bỏ những gì mình sở hữu). Bạn không chỉ từ bỏ những sở hữu vật chất mà từ bỏ luôn những sở hữu thuộc tâm—ví dụ từ bỏ luôn những thói tâm, sân giận, ác cảm, những cách nhìn trước giờ đối với những thứ mình ràng buộc và trân quý. Bạn từ bỏ tất cả mọi thứ đã làm bạn khổ lụy mòn mỏi, đã giam cầm và bó buộc bạn suốt bao năm tháng làm người.

(Những công việc, nhà cửa, tiền của, con cái…đa số chúng ta không rời khỏi những thứ đó một ngày nào; những thứ đó giam cầm và làm bận tâm ta từng giờ, từng ngày, đến tận những ngày cuối đời cũng ít ai buông bỏ được. Vậy mà những thứ đó lại được gọi là những ‘niềm hạnh phúc’. Ít ai từ bỏ được thứ nào, có chăng chỉ mọi người chỉ từ bỏ được cha mẹ vì họ quá bị dính chặt lo lắng với con cái và những thứ nói trên; họ không còn thời gian để chăm sóc cha mẹ hoặc nghĩ về ý nghĩa của sự sống).

Hầu hết mọi người đều là tù nhân của quá khứ. Họ ghép mình với quá khứ, họ dựa vào những suy nghĩ và trải nghiệm đã có để tạo ra một cái ‘ta’ hay bản ngã (attā) của mình. Vì họ nhận mình là quá khứ, nên quá khứ trở thành việc của họ, trở thành thứ họ quan tâm và sống với nó. Họ ràng buộc với quá khứ, do vậy họ khổ. Nhưng thực ra họ đâu cần phải làm vậy; họ có thể buông bỏ những thứ quá khứ. Cánh cửa nhà tù đó vẫn luôn luôn mở, và các bạn có thể bước đi ra khỏi đó bất cứ lúc nào. Đừng nghĩ bạn phải nỗ lực xử lý hết những “việc” của quá khứ rồi mới bước đi ra được—những thứ quá khứ chỉ là những lỗi lầm. Bạn có thể buông bỏ hoàn toàn những “việc” đó, có thể dẹp bỏ chúng và làm chúng biến mất nếu bạn quyết tâm làm điều đó.

Dùng những nhận-thức-khổ (dukkha-saññā, khổ tưởng), tự hỏi chính mình vì sao ta cứ đeo bám quá khứ. Ta đâu cần phải ăn mày nơi dĩ vãng. Hãy nhìn quá khứ đích thực là gì; hiểu rõ nó chỉ là khổ, rồi không can dự vào nó nữa, và để nó phai biến. Thậm chí không cần phải nghĩ suy về quá khứ nữa. Khi bạn đã hiểu ra những thứ đó chỉ là khổ thì tự động sinh ra sự từ-bỏ trong tâm, và khi sự hiểu biết càng sâu sắc thì sự phai biến càng xảy ra nhanh hơn. Cuối cùng chúng không còn vai trò gì trong màn diễn của bạn nữa. Bạn nhìn ra thế giới và thế giới tự phai biến; bạn chỉ ngồi trong cốc tu và cả thế giới biến mất. Lúc này bạn đã hiểu thiền thực sự nghĩa là gì. Thiền là một nghệ thuật để cho mọi thứ phai biến và biến mất, làm cho chúng biến diệt. Đó là sự tiến về phía trống-không.

Một trong những thứ quan trọng cần phải biến mất là sự suy nghĩ; sự suy nghĩ phải biến mất thì sự thiền tập của chúng ta mới tiến triển được. Đầu tiên ta cần phải hiểu rõ sự suy nghĩ là gì. Ta phải nhắm vào nó và nhìn thấy nó đúng như nó thực là. Suy nghĩ làm bận tâm ta chỗ nào? Ta sẽ nhìn ra sự suy nghĩ thực sự không phải là việc của ta. Khi ta hiểu được sự suy nghĩ đích thực là gì, ta sẽ không còn cố kiểm soát nó bằng hành động ý chí của ta; ta buông bỏ (nibbidā) đối với nó. Lấy một ví dụ đơn giản trong các kinh (như kinh MN 20.4): hãy coi sự suy nghĩ giống như xác chết một con vật đang quấn quanh cái cổ sạch sẽ của ta. Chỉ cần coi những ý nghĩ giống như thứ làm dơ bẩn cái tâm của mình, thì bạn sẽ hỏi tại sao ta cứ nghĩ suy hoài làm gì. Phản xạ tự nhiên là dẹp bỏ nó ngay, giống như bạn giục ngay cái xác chết khỏi cổ—nó đang thối rửa, quá dơ dáy, quá hôi thúi. Điều này cũng xảy ra như khi bạn hiểu thấy mọi sự. Bạn biết rõ chúng không phải việc của mình. Bạn dẹp bỏ nó ngay, nói cách khác sự dẹp-bỏ sẽ tự động xảy ra. Bạn quay mình theo hướng khác—quay vào trong tâm, không còn muốn quay ra ngoài nhìn vào thế giới đang diễn ra.

Phản Ứng Tự Động

Nibbidā (sự từ bỏ) sẽ làm ngừng dòng tâm thức chảy ra (āsava), tức làm ngưng sự dính nhiễm của tâm. Bạn biết nó giống như vầy: bạn đang ngồi thiền không làm gì cả, tự dưng ý nghĩ bắt đầu chảy ra—nghĩ về những việc mình sẽ làm sau khi hết khóa tu, nghĩ những việc cần phải lo, hoặc suy tính chuyện làm ăn mới. Tâm chảy ra từ trung tâm của nó, và cái dòng tâm thức chảy ra đó được gọi chung là những ô-nhiễm (āsava). Tại sao nó chảy ra? Nó chảy ra bởi nó còn quan tâm với thế giới bên ngoài. Bởi nó chưa nhìn thấy sự thật khổ và bất toại nguyện của thế giới, nó chưa hiểu thấy lẽ thật phũ phàng đó. Khi ta chưa hiểu được thế giới bên ngoài, ta cứ nghĩ đó là ‘việc của ta’—ta cho nó là vui thú, ta nghĩ ta có thể đạt được nhiều thứ nếu ta đi học hoặc làm lụng sắp xếp mọi thứ trong thế giới. (Ta nghĩ vậy nhưng sự thật không phải vậy. Ta có làm gì thì thế giới vẫn là thế giới, nó diễn ra với muôn trùng quy luật tự nhiên của nó, ta đâu thay đổi được thế giới theo ý muốn của ta). Nhưng khi ta ngừng tham dự vào nó, nó sẽ tự phai biến, và những dòng chảy ra—āsava—sẽ ngừng lại. Cái cảm nhận ‘thế giới là quan trọng’ sẽ biến mất, bởi lúc đó ta đã hiểu rõ thế giới không phải là việc của ta. Khi trong tâm ta không còn dính theo thế giới bên ngoài, thế giới bên ngoài tự biến mất khỏi tâm ta, thì quá khứ và tương lai và sự suy nghĩ cũng biến mất; và lúc đó sự thiền của chúng ta cất cánh tiến bộ.

Khi ta ngừng can dự vào thế giới bên ngoài, sự thiền mới diễn ra đúng hướng. Điều quan trọng là ta không cố làm cho điều đó xảy ra. Ta không thể dùng ý chí của mình để làm cho sự thiền tập diễn ra tốt đẹp! Tôi không thích nghe những người dạy thiền dạy người khác phải dùng sức mạnh ý chí để theo dõi hơi-thở. Tốt hơn người thiền nên dùng năng lực trí-tuệ. Bởi thông qua trí tuệ hiểu biết bạn nhìn thấy được bản chất thế giới là khổ, và nhờ đó bạn quay lưng không can dự, rồi bạn có được sự từ-bỏ, nibbidā. Tiến trình tự nhiên là như vậy, ngoài ra bạn không thể làm gì khác. Đó là phản ứng tự nhiên, nó xảy ra tự nhiên nhờ sự hiểu biết sự thật. Do vậy, “sự hiểu-biết về khổ” và “sự không-can-dự vào thế giới” là cơ-sở để bạn bắt đầu tu tập. Khi tu tập bạn bị xao lãng dính theo thế giới, lúc đó bạn phải quay lại cơ-sở này để bắt đầu lại. Và càng không hướng ra can dự vào thế giới, bạn càng dễ thiền tập hơn. Khi tôi nói “dễ hơn” là ý nói sự thiền sẽ tự nó diễn tiến dễ dàng hơn; đó là sự thiền sẽ diễn tiến tự nhiên như vậy khi chúng ta làm đúng hai phần cơ-sở đó.

Khi không hướng ra can dự vào thế giới là bạn đi vào bên trong, và bạn đang ở trong giây khắc-hiện tại. Như khi bạn đang quan sát hơi-thở, nếu bạn đã hiểu được điều trên bạn thậm chí cũng không tham dự vào nó nữa. Bạn buông bỏ hơi-thở luôn. Bạn không cố kiểm soát hơi thở, hoặc làm gì với nó. Hơi thở tự nó đi vào và đi ra theo cách tự nhiên của nó; rồi bạn lại nhận ra hơi thở cũng không phải việc của mình. Sau khi hiểu được điều đó, bạn có được thái độ buông-bỏ (nibbidā) đối với nó, và do đó nó sẽ phai biến khỏi tâm thức của bạn. Theo như Phật dạy, việc quan sát hơi thở là một phần của việc thiền quán sát thân (như kinh MN 118.24). Vậy nên khi bạn thấy được hơi thở không phải là việc của ta và bạn không còn can dự vào nó, lúc đó phần sắc thân và năm giác quan thân cũng phai biến khởi tâm thức của bạn. Đó là lúc bạn bắt đầu đi sâu vào sự thiền, sự thiền của bạn bắt đầu thâm sâu. Bởi cuối cùng thân và năm giác quan biến mất, nên sự thiền của bạn được thâm sâu, và lúc đó bạn trải nghiệm niềm hạnh phúc tuyệt vời của thiền.

Khi ta quay lưng không can dự ra thế giới, không cố kiểm soát thế giới, không cố ở trong thế giới, ta chỉ để yên cho mọi sự diễn ra, thì ta đã thực sự có được điều ta đã muốn có từ việc thiền tập: đó là sự bình an và hạnh phúc. Tại sao mọi người cứ xoay sở và đấu tranh với thế giới để tìm thấy hạnh phúc? Hay các bạn có nghĩ ta nên sống chấp nhận mọi sự diễn ra sẽ giúp ta hạnh phúc hơn? Cách đó cũng chỉ làm chúng chán chường và ngu mụi, nhiều lúc bị tuyệt vọng. Chỉ có con đường buông-bỏ (nibbidā) mới dẫn tới niềm hạnh phúc thực thụ của tâm. Nguyên lý dễ hiểu là: ta được tĩnh tại và bình an là nhờ có nhiều thứ đã biến mất.

Chỉ tới lúc này bạn mới hoàn toàn cảm ơn cái sự-thật rằng tất cả mọi sự đều là khổ, cảm ơn Chân lý về Khổ của Đức Phật, đó là sự thật ngay từ đầu. Năm giác quan của thân này đều là khổ, thế giới này là khổ. Lời nói và ý nghĩ đều là khổ. Chùa chiền là khổ, ba tháng an cư mùa Mưa là khổ, học là khổ, và tất cả mọi thứ ta làm đều là khổ. Đồ ăn thức uống là khổ. Mọi thứ đều là khổ. Khi bạn hiểu thấu sự thật cố hữu đó thì bạn không can dự vào nó nữa, và bạn quay lưng lại để đi vào bên trong cái nơi mà Ma Vương (Māra, những ô nhiễm) không thể với tới được; đó là cách thoát ly tốt đẹp khỏi mọi sự khổ. Đó là cách đi vào bên trong sự thiền thâm sâu; trạng thái thâm sâu đẹp đẽ đó được gọi là jhāna (tầng thiền định): bạn đã quay lưng không can dự vào thế giới; rồi bạn cũng can thiệp vào tầng thiền định (jhāna). Khi bạn không còn nghĩ suy, không can dự vào thân này và thế giới thì jhāna sẽ tự xảy ra. Đó cũng là một phản ứng tự động tự nhiên, nó xảy ra khi người thiền đã hiểu thấy “tất cả mọi sự là không phải việc của ta”.

Sự Tĩnh Tại

Tôi cũng cố giữ cho thân này được khỏe mạnh dài lâu: tôi tắm rửa nó, chăm sóc nó, cho nó nghỉ ngơi đúng lúc. Nhưng khi ngồi thiền tôi lại nói: “Nó không phải việc của ta”. Tôi chỉ ngồi đó và hoàn toàn không không can dự gì nó. Ngay cả tôi là người trụ trì thièn viện, tôi cũng không can dự vào thiền viện và mọi thứ xung quanh nó. Khi tôi đã vào trong hang động (cốc tu) của tôi, tôi không còn dính líu vào thứ gì nữa. Lúc đó tôi không phải là thân này, không phải là quá khứ hay tương lai của tôi. Tôi chỉ ngồi đó và để cho mọi thứ phai biến, rời khỏi tâm thức, và biến mất.

Cách không can dự như vậy, cách trải nghiệm tâm buông-bỏ (nibbidā) như vậy, sẽ dẫn tới sự phai biến (virāga). Rồi chính sự phai biến (virāga) dẫn tới upasama—sự tĩnh lặng, tĩnh tại, bình an. Còn gì đẹp đẽ bằng khi ta nếm-biết được sự bình an đích thực của tâm trong khi toàn bộ thế giới bên ngoài biến mất, và ta tuyệt đối tĩnh tại. Lúc đó tâm là bất động và không còn nối kết với thân hay với quá khứ hoặc tương lai. Nó bất động trong thời gian và bất động trong không gian, và sự tĩnh tại đó giúp cho mọi thứ phai biến và biến mất. Mọi thứ chỉ tồn tại khi có sự chuyển động, khích động, bởi vì những giác quan của chúng ta chỉ biết được thứ gì khi nó chuyển động và khích động. Để các giác quan biết được thứ gì, chúng cần có sự so sánh, chúng cần có sự tương phản. Nhưng khi mọi thứ tĩnh tại, sự hợp nhất sẽ làm mọi thứ phai biến: cả thế giới bên ngoài phai biến, chùa chiền phai biến, âm thanh phai biến, ký ức phai biến, quá khứ và tương lai phai biến, và ý nghĩ phai biến, và thân này cũng biến mất.

Khi thân này biến mất, ta trải nghiệm sự tĩnh tại sâu thẳm bên trong, đó là một trạng thái tầng thiền định (jhāna). Trong trạng thái jhāna đó, ta không còn dính líu gì với thế giới bên ngoài nữa—năm giác quan đã biến mất. Nhiều lúc trạng thái này được gọi là “vượt trên” khỏi thế giới của năm giác quan. (Trong đời thường, từ lúc sinh ra cho tới chết, chúng ta đều sống trong thế giới của năm giác quan. Thế giới mà ta sống chỉ là dựa trên nhận biết của năm giác quan). Nhưng đúng thực nó còn hơn cả nghĩa “vượt trên”; đó là một sự tách ly hoàn toàn khỏi thế giới của năm giác quan, đó là sự chấm dứt hoàn toàn cái thế giới đó. Giờ bạn đã hiểu ý nghĩa của chữ “biến-mất”, nghĩa là mọi thứ không còn có mặt nữa. Giờ bạn biết sự “từ-bỏ” thực thụ nghĩa là gì. Bạn từ bỏ thế giới, điều đó thật vui sướng, thật bình an. Tôi nói chữ “từ bỏ”, nhưng thực ra bạn đã không làm gì cả. Sự quay lưng không can dự vào thế giới xảy ra là do đã tự mình hiểu rõ thế giới đó (là khổ), đó là hệ quả tự nhiên của sự hiểu-biết; tức sau sự hiểu-biết là sự từ-bỏ (nibbidā). (Tâm tự động từ bỏ sau khi nó hiểu thấy lẽ thật phũ phàng của thế giới). Khi mọi thứ phai biến bạn đạt tới sự bình an đẹp đẽ, sự tĩnh tại ngừng nghỉ của cái tâm.

Sau khi bạn nếm trải trạng thái tĩnh-tại đó của tâm, nó bắt đầu đầu gây ghiền rất mạnh. Đúng nghĩa là rất mạnh. Điều đó là tốt, bởi sự ghiền đó là ghiền có được sự tĩnh-tại của cái tâm; sự tĩnh tại của tâm là cái dẫn dắt người tu tới trạng thái tuyệt bình an, niết-bàn (nibbāna). Đức Phật đã nói sự mê thích các tầng thiền định sâu là không nguy hại, nó chỉ có thể dẫn tới những tầng giác ngộ (như kinh DN 29). Bạn không cần lo lắng hay sợ sệt vì sự mê ghiền đó, bởi đó là ghiền mê sự từ-bỏ. Đó là niềm vui sướng hỷ lạc, và chính là con đường của những người xuất gia tu hành. Đó là sự giải thoát của họ (khỏi thế giới của ngũ dục giác quan). Đó là sự mê ghiền càng lúc càng dẫn tới nhiều sự phai-biến và buông-bỏ. Sự buông-bỏ (nibbidā) càng gia tăng, nó càng đẩy mạnh bạn nhanh ra khỏi thế giới ngũ dục.

Đây là mục tiêu chúng ta cần tu tập được để có thể được gọi là tu sĩ đích thực, một Tỳ kheo, hay một Tỳ kheo Ni, một người chân-tu. Giờ bạn đã biết tại sao chúng tôi đi theo con đường đạo Phật. Bạn biết được cách những con người tuyệt vời đó đang bước đi trên con đường này; đó là những người đã quay lưng từ bỏ thế giới và để cho nó phai biến. Họ tự mình trải qua những giờ phút hạnh phúc để làm cho cái ‘ta’ của họ thực sự biến mất. Họ đi sâu và sâu hơn vào bên-trong, không phải vì họ muốn mang cái ‘ta’ vào bên trong mà bởi vì họ đã nhìn thấy mọi sự khổ diễn ra xung quanh họ là “không phải việc của mình”. Họ không còn tham dự vào thế giới đó nữa, và mọi thứ phai biến, phai biến và biến mất.

Chìa Khóa Chính Là Sự Hiểu Biết

Để thiền tập bạn không cần phải cố định tâm vào hơi thở, không cần cố ý buông bỏ quá khứ và tương lai, hoặc cố ý làm im lặng cái tâm suy nghĩ. Chỉ cần suy xét sự khổ và hiểu biết nó ngay bây giờ, ngay trong khi bạn đang đang trải nghiệm điều gì. Rồi thông qua sự hiểu biết đó bạn sẽ thấy thế giới tự biến mất. Cái thế giới mà bạn đã tham gia và chơi trò từ lúc mới được sinh ra sẽ tự nó phai biến, nó không còn quan trọng nữa; bạn sẽ không còn muốn quay lại cái thế giới và sân chơi đó nữa. Đó chỉ là sân chơi của năm giác quan, của quá khứ và tương lai, của ái tình, cảm xúc và mộng tượng; nó sẽ tự phai biến đi. Điều đó xảy ra không phải do bạn làm nó xảy ra, nó xảy ra là do phản ứng tự nhiên của tâm sau khi nó đã nhìn thấy lẽ thật khổ và bất toại. Rồi khi mọi thứ đó phai biến, sự thiền của ta sẽ bắt nhịp tiến triển. Bạn không phải cố trở thành một thiền giả thiền sư gì hết; sự thiền tự nó diễn ra như vậy. Đó là con đường, một lộ trình, và những điều xảy ra đó là những biển-báo trên đường đi, chúng đánh dấu những chặng của con đường đạo dẫn tới sự trống-không và sự ngừng-diệt. Điều đó sẽ tự nhiên xảy ra khi ta biết cách quay lưng và buông bỏ thế giới.

Đức Phật đã tuyên thuyết rõ ràng trong bài kinh đầu tiên: sự khổ cần phải được hiểu rõ một cách tường tận. Mỗi khi bạn gặp những khó khăn, rắc rối, thất vọng, hay những khổ tâm hoặc khổ thân, bạn đừng kháng cự nó; mà chỉ nên tìm hiểu nó. Đừng bỏ lơ nó: phải suy xét về nó và hiểu biết nó thật rõ rệt, làm vậy nó sẽ tự phai biến, và bạn nhận ra nó thực sự “không phải việc của ta”. Khi nó phai biến, sự tham dự của bạn vào thế giới bên ngoài sẽ bị ngưng lại, bạn không còn can dự dính líu thế giới nữa, và bạn bắt đầu hướng vào thế giới bên-trong. Tu là làm ngược lại, quay ngược lại với khuynh hướng bẩm sinh truyền kiếp đó: tức không còn hướng ngoại ra thế giới mà hướng nội vào trong tâm. Tu tới được chặng buông-bỏ sau cùng thì bạn cũng buông bỏ luôn cả cái tâm, để trải nghiệm một sự ngừng diệt hoàn toàn và niết-bàn. Và lúc đó bạn trở thành một A-la-hán. Tuyệt vời biết bao.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh