Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 10. Tu, Tu Cho Được Một Lần Cuối Cùng

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 10. TU, TU CHO ĐƯỢC MỘT LẦN CUỐI CÙNG

Ta sẽ bị già; ta đâu thoát được già. Ta sẽ bị bệnh, ta đâu thoát được bệnh đau. Ta sẽ bị chết, ta đâu thoát được cái chết. Ta phải bị rời xa và chia lìa với những người thân thương và những thứ yêu quý của ta…—Điều này phải nên được thường xuyên quán xét bởi mọi người, dù là nam hay nữ, dù là người tại gia hay xuất gia. (kinh AN 5:57)

GIÀ, BỆNH, CHẾT có sẵn tiềm tàng trong tất cả chúng ta. Người còn trẻ và còn khỏe mạnh thì sự quán xét này càng quan trọng và có giá trị hơn; bởi thường khi còn trẻ còn khỏe thì càng khó nghĩ khó hình dung tới sự thật đó. Sự thật là, khi bạn được 50 tuổi bạn bắt đầu yếu đi và lão hóa nhanh; đến 60 là đang thực sự xuống dốc. Khi bạn 70 trở lên là bạn đang ngồi ở phòng chờ, ngay trên lối ra đi…

Chúng Ta Như Con Bò Đang Bị Dẫn Tới Lò Sát Sinh

Năm 2011 là tôi 60 tuổi. Vậy mà tôi cứ tưởng mới hôm qua khi tôi còn mới 20 tuổi, còn đi chơi với bạn gái, còn chạy đá banh, chưa hề biết lo lắng về sức khỏe. Kiếp người thực sự qua quá nhanh. Rồi chẳng còn bao lâu cũng tới một ngày tôi thức dậy buổi sáng và thấy mình đã 70. Cách suy xét quán xét như vậy đặt cuộc đời của chúng ta vào một cách-nhìn-mới. Khi chúng ta chỉ lo nghĩ tới những chuyện cận cảnh trước mặt nên không thấy được bức tranh lớn, và do vậy chúng ta cứ hành vi hành động như những kẻ xỉn say, rối trí.

Hồi còn trẻ tôi thường hay mơ, mơ rằng mình cũng có gia đình vợ con, nhưng rồi một buổi sáng thức dậy tôi nhận ra điều gì đã xảy ra: hết năm này năm khác trôi qua tôi đã lãng phí thời gian, và giờ đã tới lúc già. Với sự nhận biết và sững sờ đó, một cảm giác từ bỏ chán bỏ (nibbidā) rất mạnh mẽ đã khởi sinh trong tâm trí— một cảm giác chán chường và kinh sợ với những điều chúng ta đã làm và để thời gian trôi qua như một giấc mơ. Giống như chuyện được chép lại trong kinh: một người mù đã mua một miếng giẻ dơ dáy từ một họa sĩ giả nói lừa rằng đó là một tấm vải sạch trắng. Chỉ đến khi mắt ông sáng lại ông mới sửng sờ nhận ra mình đã mua lầm thứ dơ dáy bỏ đi (kinh MN 75.23).

Một trong những câu chuyện tôi ưa thích nhất trong văn học hậu kinh điển Pali là chuyện về người em trai của Vua Asoka (A- dục Vương) trong bộ Đại Sử (Mahāvaṃsa). Như mọi người khác chỉ lo hưởng thụ những nhục lạc, người em trai quá nhiều tham dục. Thậm chí ông còn nghĩ tới ngày ông kế ngôi anh trai để làm vua cho thỏa thích trăm thứ. Nhưng vua A-dục là một Phật tử thuần hành, nhìn thấy em mình chẳng lo hiểu biết hay quan tâm gì tới Giáo Pháp, nên nhà vua quyết định dạy cho em mình một bài học. Một ngày nọ khi đi tắm, nhà vua bỏ tất cả mọi vương phục bên ngoài nhà tắm. Nhà vua sắp đặt một vị quan dắt người em đi ngang qua chỗ để vương phục mũ mão của vua. Khi đi ngang qua đó vị quan nói với người em: “Kìa nhà vua đang tắm bên trong. Ngài trước sau gì cũng kế ngôi nhà vua, vậy ngài hãy thứ mặc vương phục coi thử ra sao”. Người em của vua A-dục liền nói làm vậy là phạm thượng và đắc tội. Vị quan lại nói: “Không, không sao, ngài có thể mặc thử một chút; chẳng ai biết đâu”. Vậy là ông ta mặc thử vương phục. Ngay lúc đó Vua A-dục bước ra và hỏi: “Chú đang làm gì vậy? Đó là phạm thượng! Ngay cả khi chú là em ruột của ta ta cũng phải xử theo pháp luật công minh. Ta rất tiếc cho chú, nhưng chú phải bị xử tội”.

Vua A-dục nói tiếp: “Nhưng vì chú quá muốn làm vua, và chú là em ruột của ta, ta cho phép chú làm vua bảy ngày. Chú có thể thụ hưởng tất cả mọi khoái lạc trong hậu cung, mọi thức ăn ngon trong cung, mọi nhạc công trong triều, và bất cứ thứ gì chú muốn. Nhưng chú không được miễn tội chết, sau bảy ngày ta sẽ xử tội chú”. Hết bảy ngày ông ra gặp nhà vua với người hành quyết đang đứng chờ sẵn. Vua A-dục hỏi người em: “Chú có hưởng thụ thỏa thích trong bảy ngày qua không?” Người em trả lời: “Làm sao thần có thể thụ hưởng thú vui khi thần biết mình sắp chết trong vài ngày tới? Thần thậm chí không ngủ được, lấy đâu nghĩ tới chuyện hưởng lạc”. Trước khi tha cho người em, Vua A-dục đã nói cho người em một bài học để mang về nhà suy gẫm: “Dù là bảy ngày, bảy tháng, bảy năm hay bảy mươi năm, làm sao ta có thể vô tư vô tâm đắm mình trong những nhục lạc khi biết rằng cái chết đang chờ đợi ta?” Đây một bài học có tác động “mạnh” đối với tất cả chúng ta. Như trong các kinh Phật có nói, chúng ta chẳng khác con bò đang bị dắt tới lò sát sinh (kinh Sn. 580; AN 7:74), đang hiển nhiên tiến về cái chết. Những suy nghĩ như vậy thực sự làm chúng ta sững sờ thức tỉnh.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Quán Xét về Sự Già, Bệnh, Chết

Một trong những cách để mở mắt nhìn vào Giáo Pháp là nhớ về bức tranh lớn và nhìn thấy sự sống đích thực là gì. Nếu bạn làm đúng như vậy thì sẽ làm khởi sinh một cảm giác từ-bỏ. Vừa qua tôi có đọc một bài báo về sự nổi dậy ở Miến Điện hồi năm 2007: các nhà sư bị bắt đứng thành hàng dựa vô tường gạch, và quân lính nắm đầu họ đập vô tường, làm bể sọ nhiều sư thầy. Nhiều sư thầy đã chết chỉ sau vài giờ đau đớn hoặc nát óc. Những sự kiện đó đã lâu rồi những sự tàn bạo đó vẫn làm người nghe thấy thật đau lòng. Nhiều người đã những ở nơi không may, ở những lúc không may như vậy trong cuộc đời họ trên trái đất này. Khi tôi còn tu ở tỉnh Ubon, miền đông bắc Thái Lan, quân Khơ-me Đỏ đã tiến tới phần biên giới Cam-pu-chia giáp Thái Lan. Một trong những ngôi chùa gần biên giới đã bị đạn pháo. Thầy Ajahn Chah định gửi tôi qua đó để chăm nom chùa, nhưng rồi thầy đổi ý; thầy sợ lính Khơ-me Đỏ thấy người Âu Mỹ thì chúng sẽ bắt cóc hoặc giết chết. Lúc đó quân Khơ-me Đỏ như sắp tấn công tỉnh Ubon; mọi chuyện đều có thể xảy ra lúc đó, chiến tranh mà. Lúc đó sự chết đang là vấn đề ‘thời- sự’ nóng đối với tôi; sự việc đó chính là một điều nhắc nhở “lớn” đối với tôi về những bất-trắc vô-thường của sự sống.

Ngay cả những tai nạn bất trắc không xảy ra ở nơi ta đang sống, nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng: già bệnh là thứ tất hữu có sẵn trong bản chất của thân này. Già bệnh luôn có sẵn và đang diễn ra bên trong thân. Cũng giống như người mang bệnh ung thư trong người nhưng không biết, không được phát hiện, đến khi biết thì mọi sự cũng đã rồi. Các bạn có sẵn sàng để nghe những tin buồn đó không? (Sao không muốn nghe, tin đó có gì làm bạn không tin sao?). Nếu giờ bạn không bị bệnh, sớm muộn gì cũng tới lúc bệnh—nếu…bạn còn sống tới lúc bệnh. Đây là những sự-thật, là thực trạng các bạn nên suy xét.

Sự suy xét quán xét giúp bạn nhìn thấy cả những sự hữu-hạn của sự sống và những cơ-hội trong sự sống—đó là bức tranh lớn. Khi chúng ta hiểu biết rõ những hữu-hạn—như già, bệnh, chết—thì ta sẽ sáng trí sáng mắt nhìn thấy những việc cần nên làm. Để nhìn thấy những hữu-hạn, hãy nhìn vào thân này: nó rất mong manh, dễ tổn thương, dễ bể gãy, nó chứa hàng loạt những sự khổ đau không thể tránh được. Vì vậy, thay vì cứ đi nhận nó là ‘ta’, thay vì cứ mê đắm thân thể và hết mực chăm sóc nó, các bạn nên nhìn ra “sự-thật của nó”, nên tìm cách tu tập để giải thoát khỏi cái thân khổ đau đó; và bảo đảm đây sẽ là thân cuối cùng: làm chắc rằng sau khi chết ta sẽ không còn chui vào một đống thân đau khổ vô thường nào nữa. Đó là nhìn thấy cơ-hội, cơ-hội để thoát khỏi thân này, thoát khỏi mọi sự khổ đau của tái sinh.

Nhưng không may, sự ngu-si thường cướp đi cơ-hội, sự ngu mờ ngu tối của ta không cho ta tận dụng cơ-hội đó. (Ít ai trên đời thực sự biết tận dụng cơ hội quý giá này). Hầu hết những người trẻ tuổi thì còn đang si mê và “bị đầu độc” bởi tình trạng sức khỏe đang cường tráng và tuổi trẻ đang sung mãn. (Tình trạng còn trẻ khỏe đang “che mờ” cái sự thật “già, bệnh, chết”, cho nên những người trẻ tuổi không nhìn thấy). Khi còn khỏe mạnh ai cũng thấy đó là bình thường; khi còn trẻ ai cũng nghĩ mình sẽ còn trẻ hoài, trẻ lâu, trẻ mãi. Chỉ có ai biết suy xét về bản chất thực sự của thân này thì họ mới không quên lãng cái sự-thật “già, bệnh, chết” là tất hữu; nếu vậy thì họ mới không quên tính nhân-quả của những hành động mình làm. Nếu không họ chỉ biết làm những điều ngu ngốc và thiếu suy xét về hậu quả của chúng. Trong sự sống dường như có sự bù trừ: khi những khoái lạc có trước, nếu chúng ta không biết cẩn trọng thì chúng ta thường trả giá đắt cho chúng sau đó.

Thêm nữa, những thứ gì là đẹp—dù đó là bông hoa, thân sắc, hay cái chùa đẹp—đều sẽ phai phôi và cuối cùng cũng trở thành thứ dơ dấy và ghớm ghiếc. Quý vị có thấy những vết nứt trên tường ở nhiều nơi trong Chùa Giác Thừa này không (tu viện Bodhinyana ở Tây Úc, nơi thầy Ajahn Brahm đang trụ trì). Đó là bắt đầu cái tiến trình ngôi chùa đang phai phôi, đang bắt đầu tan rã, và sẽ biến mất sau này. Những nơi Đức Phật đã từng tới cũng đã biến mất từ lâu hoặc điêu tàn. Tất cả mọi thứ đều như vậy. Người đời thường ca tụng tình yêu là đẹp nhất, nhưng ái tình trai gái hay vợ chồng có được trong bao lâu; nhiều vợ chồng sống lâu chung nhà chỉ vì còn chút cái nghĩa vợ chồng, chứ cái tình đẹp cũng đã phôi phai từ lâu rồi. Ví dụ như vậy để muốn bạn hiểu rằng, nếu bạn được những khoái lạc lúc đầu, bạn sẽ trả giá cho nó sau đó: sau những sung sướng là sự chán chường, thất vọng. Hiểu được quy luật đó thì sẽ có được cái tâm chán-bỏ (nibbidā) đối với mọi thứ trong thế gian dục giới; có được ý thức chán-bỏ đối với thân, đối với những quan hệ ràng buộc, đối với mọi sự đến-đi, thậm chí đối với những cái chùa, cái cốc, cái phòng thân quen. Tất cả chúng đều phai biến. Ngay cả trái đất vĩ đại này cuối cùng cũng bị nuốt chửng bởi mặt trời, và chẳng còn lại thứ gì—chẳng còn dấu tích của nhân loại, chẳng còn Vạn Lý Trường Thành, chẳng còn đền Taj Mahal, chẳng còn gì. Mọi thứ đều biến mất—ngay cả những giáo lý của Phật cũng không còn. Tiến trình của tự nhiên là vậy.

Sự đau bệnh và chết của những người thân trong gia đình cũng là những thứ nhắc-nhở “mạnh” về cái bản chất vô thường mong manh của sự sống. Lần cuối tôi nhìn thấy mẹ tôi, bà bị bệnh mất trí [bệnh Alzheimer]. Người ta mang bà đi, tôi còn thấy thân bà, nhưng tâm trí bà đã mất. Hồi còn nhỏ tôi cũng nhìn thấy cha tôi chết. Tôi thức dậy vào giữa đêm ngồi bên cạnh cha tôi, mẹ tôi nói rằng bà không thể đánh thức ông dậy nữa. Tôi lắc mạnh ông, nhưng ông chỉ còn là một xác chết. Đó là cha của tôi, người tôi mà tôi đã kính yêu. Ngay lúc đó tôi đã biết cái chết là gì, và tôi đã có thể buông bỏ cha tôi mà không phải ray rứt khổ sở trong tâm trí của mình. Tôi may mắn ở gần với cái chết. Chúng ta có thể nhận ra rằng cha mẹ mình không phải là của mình; họ chỉ là người sinh ta ra và chăm sóc nuôi nấng ta khi còn nhỏ trong kiếp này. Trong những kiếp trước ta đã có nhiều cha mẹ khác—cha mẹ kiếp này của ta chỉ là cha mẹ sau nhất, vậy chúng ta đâu phải quá khổ lụy ray rứt suốt đời khi nhìn cảnh cha mẹ mình mất đi? Có lẽ nhờ sự hiểu biết như vậy nên sau này tôi không còn khổ lụy và ràng buộc với thân mình; và nhờ đó sự thiền tập của tôi thường được tốt (vì tôi có thể buông-bỏ thân và mọi thứ của nó).

Cha tôi chết sớm lúc mới 4 tuổi, nghĩa là tôi đang được sống già hơn cha tôi rất nhiều. Nhưng theo nghĩa thực, tôi chỉ đang vay mượn thêm thời gian. Nếu các bạn cũng nghĩ như vậy, thì hiện thực cái chết trở nên rõ ràng hơn, và ta có tầm nhìn thực tế hơn, mới mẻ hơn và đúng thực hơn về sự sống. Đa số người ta không biết suy xét và nhìn nhận như vậy. Họ thường nghĩ cái chết còn xa lắm, và chừng nào tới đó thì tính sau. Rõ ràng họ là những người không biết chấp nhận lẽ thực.

Tuổi già là thời người ta hay nhìn lại và suy nghĩ về những gì mình đã làm và trải qua. Đối với tôi việc nhìn lại quá khứ cũng không có gì đáng buồn lắm, bởi tôi đã trải qua 35 năm đi tu rồi. Đó là 35 năm tu học để dẫn tới một cuộc sống trong sạch, để huấn luyện cái tâm, và để có được sự bình an và hạnh phúc từ việc phụng sự cho tha nhân. Nếu tính tất cả những người bằng tuổi tôi, tôi không nghi ngờ rằng mình nằm trong số những người đã chuẩn bị tốt cho sự già bệnh sau này. Khi nhìn lại, tôi nghĩ mình đã tiêu dùng thời gian qua một cách khôn khéo. Giả sử trước kia tôi không đi tu mà đi làm ăn trở thành một thương gia giàu có, có vợ con, nhà cửa, tiền bạc, nhưng cũng đâu có được sự bình an và an tâm đích- thực. Sự bình an và an ninh đích-thực chỉ có được từ sự tu tập thân tâm và làm những điều đáng làm trong kiếp sống nhắn ngủi vô thường này. Nếu tôi đã không đi tu và chỉ lo sống đời sống gia đình thế tục, thì giờ ngồi nghĩ lại chắc tôi sẽ giựt mình và nói: “Ta đã làm gì đời ta? Ta đã tiêu phí gần hết thời gian cuộc đời”.

Việc suy xét về sự già, bệnh, chết mang lại cho chúng ta một cách nhìn khác về sự sống; đó là lý do tại sao chúng ta cần phải thường xuyên suy xét nó một cách thực sâu sắc. Ví dụ, khi đang đi thiền, hãy cố tâm niệm câu sau: “Tôi sẽ chết, điều đó là chắc chắn; Tôi sẽ chết, điều đó là chắc chắn”. Ngay cả khi bạn có là một thiền giả kinh nghiệm, bạn cũng đừng coi thường sức-mạnh của sự quán niệm về cái chết. Nếu bạn chưa là một bậc thánh nhập-lưu, việc quán xét và thiền quán về sự chết có tiềm năng chuyển hóa cách bạn nhìn vào thế giới. Thay vì bị hấp dẫn lôi kéo vào thế giới dục lạc giác quan, bạn hãy suy xét và tu tập sự chán-bỏ [nibbidā] đối với thế giới; thay vì cảm giác sự ràng buộc và dục vọng, bạn hãy tự động từ bỏ nó.

Học Cách Chết

Câu chuyện cuối cùng trong quyển sách của tôi trước đây [quyển Ai Đặt Mua Cái Đống Phân Này?] nói về con giòi nó chỉ khoái sống trong đống phân dơ bẩn, nó thích sống trong đó chứ không muốn ra khỏi đó, ngay cả khi có người hứa đưa nó lên cõi trời sạch đẹp. Nhiều lúc tôi cảm thấy việc tôi (và các sư thầy khác) chỉ dạy mọi người là để kéo mọi người ra khỏi cái đống phân của họ. Tôi thực sự cố gắng để phục vụ người khác—như viết sách, giảng giải giáo pháp, trả lời phỏng vấn—nhưng người đời vẫn cứ thích ở trong đống phân. Chúng tôi cố kéo họ ra từng chút, rồi họ cứ chui lại vào trong đó.

Có sự sống đẹp đẽ và bình an trong chốn chùa chiền, nhưng vì họ không thực sự hiểu biết về khổ đau nên họ không nhận ra điều đó. Hạnh phúc đích thực được tìm thấy trong sự tự do của đời sống xuất gia: có ít của cải và ít quan hệ, không bị vướng bận và ràng buộc. Hầu hết mọi người cho rằng sống kiểu đó là khổ. Nhưng những thánh nhân nói rằng còn dính líu trong thế giới mới là khổ— còn phải đi làm, còn lo lắng trả góp tiền nhà, tiền xe và đủ thứ lo khác—đó mới thực sự là khổ. Tôi đã từng sống và lớn lên tại gia, tôi hiểu cuộc sống đó đầy và đầy mọi thứ khổ tâm khổ thân. Nhưng mọi người thích sống và loay hoay xoay sở như vậy, cứ như họ muốn sống như vậy để tự mình thấy cuộc sống đó ra sao rồi mới tin hay sao đó. Họ cứ sống vậy, họ cứ muốn đút tay vào lửa, và dĩ nhiên bị cháy. Rồi họ tiếp tục thử. Cho đến lúc nào đó họ mới nhận ra tôi đã nói đúng—rằng Phật đã nói đúng. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn, bởi lúc đó họ đã quá dính sâu chằng chịt trong thế gian rồi.

Vậy quý vị hãy biết khôn khéo và biết cách đưa cuộc sống của mình vào lại con đường đúng. Đừng làm theo và sống theo cách người ta đang sống và làm. Phải tự mình học hiểu và biết được đâu là con đường đích thực để đi đến sự tự-do và bình-an đích- thực, rồi bước đi theo con đường đó. Quyết định của quý vị không chỉ tác dụng tới quý vị trong hôm nay, mà còn kéo dài trong 10, 20, 30 năm nữa. Hãy tự hỏi mình: mình đã chuẩn bị cho sự già, bệnh, chết hay chưa? Vì đó là những điều tất nhiên sẽ xảy tới theo thời gian trôi qua. Sự chuẩn bị này không phải là chuẩn bị những phương tiện vật chất—như chọn nhà dưỡng lão, chọn nơi sống tuổi già… Mà đó chỉ là sự chuẩn bị về mặt tinh thần và tâm linh. Quý vị có thể buông bỏ sức khỏe và nhận biết đó không phải là sức khỏe ‘của ta’—đâu có một thứ sức khỏe A hay B nào cố định mãi mãi, đó chỉ là bản chất tự nhiên của thân xác: nó khỏe rồi tới lúc hết khỏe, tới lúc đau, bệnh, yếu, và chết. Đó là tiến-trình tự nhiên thôi. Chúng ta cần học cách chết—không phải học cách chết vào thế giới sinh tử, không phải chết theo tất cả tham vọng hạnh phúc vật chất. Mà đó là học cách buông-bỏ mọi thứ trước khi chết. Nếu quý vị sớm học được cách chết khi còn trẻ thì quý vị đang đi đúng đường.

Trong kinh “Hình Tướng Vô Ngã” (Anattalakkhaṇa Sutta), Phật đã hỏi các Tỳ kheo rằng năm tập hợp [uẩn]—sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý hành, và thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức]—là thường trụ hay là vô thường (kinh SN 22:59). Các Tỳ kheo trả lời chúng đều là vô thường. Rồi Phật hỏi thứ luôn vô thường biến đổi là sướng hay khổ. Họ trả lời đó là thứ khổ. Phật lại hỏi liệu có thể nào đúng nếu cho những thứ vô thường và khổ đó là cái ‘ta’, ‘của ta’, hay một ‘bản ngã’. Các Tỳ kheo lại trả lời không thể đúng. Khi chúng ta hiểu thấy năm tập hợp uẩn của thân và tâm là khổ, thì chúng ta hiểu rằng một đống năm-uẩn này đã quá đủ rồi, còn gì phải lo toan nhận lấy những đống khổ khác của cả gia đình nhiều đời. (Tức là, khi nhìn thấy thân mình chỉ là một đống khổ rồi thì có thể buông bỏ thân mình; vậy còn lý do gì lại cứ đi khóc thương tiếc, nuối thân hay trân quý, hay không thể buông bỏ được thân của những người thân thuộc khác trong gia quyến của mình). Vậy thì đã quá đủ lý do để mỗi người chúng ta xuất gia để sống đời tu hành để có thể thoát-khỏi cái thân năm-uẩn đầy-khổ-đau này.

Khi hiểu được già, bệnh, chết, chúng ta hiểu rằng chúng ta có luôn có vấn đề nan giải từ sau khi được sinh ra; vấn đề nan giải đó cần phải được giải quyết. Điều rắc rối khó giải là hầu hết mọi người thường không lo tu sửa trước, mà họ chỉ chờ đến khi sự khổ đau vào tới tận nhà thì họ mới nghĩ cách hành động. Chỉ khi nào họ già thì họ mới lo sợ tuổi già; chỉ khi nào họ bệnh đau thì họ mới lo chạy chữa bệnh; chỉ khi nào sắp chết thì họ mới nghĩ tới cái chết là gì. Họ giống như những đứa trẻ không lo học đều đặn từ đầu, mà cứ chờ tới ngày mai thi thì mới tất tả học dồn một đêm cuối để đi thi. Kiểu như vậy thì đâu thể thi cử, đối phó hay giải quyết được gì. Những kỳ-thi-lớn của cuộc đời là già, bệnh, chết: các bạn hãy cố lo học từ bây giờ để tới đó mới thể ứng phó được ít nhiều với những khổ nạn đó; hãy lo học hiểu và tu tập khi các bạn còn đang trẻ, khỏe mạnh và đầy sức sống. (Bắt đầu lúc nào cũng đã trễ, nhưng trễ ít còn hơn quá trễ; trễ còn hơn không).

Quán Xét về Những Nhục Dục

Nhục dục tức là những tham dục về khoái lạc giác quan của thân. Bạn có thể chuẩn bị cho những kỳ-thi cuộc đời bằng cách bắt đầu học cách buông-bỏ sự lo lắng về thân—sự lo lắng về sắc thân mình và sắc thân của người khác. Khi bạn đang nhìn một người đẹp hấp dẫn là bạn đang nhìn thấy một chúng sinh khác trong vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra), đó là người cũng sẽ già, bệnh, chết giống như bạn. Đến bây giờ khi tôi nhìn một phụ nữ thì tôi nhìn cô ta một cách không khác khi nhìn một thầy tu trong chùa của tôi. Cô ấy chỉ là một chúng sinh trong cái thân phụ nữ, không còn là đối tượng tham dục của tôi. Thật kỳ diệu khi bạn có thể nhìn mọi người theo cách như vậy; họ thực-đúng là vậy. Điều đó có nghĩa bạn được tự do, không còn dính tham dục, nhục dục.

Có nhiều dạng tham muốn cứ luôn khiến chúng ta phát sốt, ta luôn mơ tưởng, và tiêu tốn rất thời giờ cho chúng. Vậy mà nhiều người vẫn thích thú cảm giác đó. Họ thích bị sốt, thích mơ tưởng, thích quăng hết thời gian cuộc đời vào đó: họ thích khổ đau. Giống như trong ví dụ Phật đã tả về một người bệnh cùi; người ấy luôn muốn đốt những chỗ ngứa trong lửa nóng, khi bị đốt nóng người ấy cảm thấy tốt hơn, thấy đỡ khổ hơn lúc bị hành ngứa (kinh MN 75.17). Người cùi thực sự đốt mình, đó là đau khổ, nhưng do khoái cảm “đã ngứa” nên người ấy nhận thức sự nóng cháy là sướng. Điều này tương tự như cách mọi người coi những khoái lạc là sướng mà không nhận thấy mặt khổ đau của nó. Nếu chúng ta nhận biết mặt khổ đau của khoái lạc, thì chúng ta mới chịu từ bỏ chúng dễ dàng hơn.

Thầy Ajahn Sumedho có lần kể chuyện về hai vợ chồng sống gần Chùa Chithurst Monastery ở Anh Quốc.8 Họ được coi là một cặp đôi hoàn hảo: từ lúc họ cưới nhau khi còn trẻ đến khi già nua họ luôn thương yêu và hầu như chẳng bao giờ cãi nhau. Rồi người vợ bị bệnh xương khớp nặng, thường xuyên bị đau đớn. Nhưng khi bà ấy muốn bỏ thân để chết đi để thoát khổ thì người chồng ngăn can không cho, ông nói rằng ông không thể sống được nếu không có bà ấy. Vậy là một người phải chịu đau khổ vì người kia không cho mình buông-bỏ cái thân. Cái thời hạnh phúc trước đó giống như món nợ giờ hai người phải trả giá vậy.

Thật vậy, Đức Phật đã nói rằng có khoái lạc nhục lạc chẳng khác nào vay nợ (kinh MN 39.14): khoái lạc nào bạn lấy được từ thế giới giác quan thì bạn phải trả nợ bằng sự thất vọng, chán chường và khổ đau. Giống như những kẻ đang yêu đương: nếu họ bị người kia từ chối coi như họ khổ đau vì thất tình, họ tiều tụy, thậm chí tự tử. Khi mới yêu đương thì thấy hạnh phúc, sau đó là những ngày trả nợ vì điều đó, (bởi hạnh phúc tính dục đâu có kéo dài mãi mãi, mọi sự đều phôi phai theo ngày tháng).

Chúng ta cần luôn quán xét và tâm niệm rằng: “Rồi cũng tới lúc ta phải ra đi và rời bỏ mọi thứ ta yêu quý”. Tâm niệm như vậy giúp ta giảm dần sự ham thích những khoái lạc giác quan và sự mê thích thân này. Khi chúng ta điều tra tìm hiểu chúng một cách thấu suốt, chúng ta nhận ra rằng nếu theo đuổi hạnh phúc từ những thứ vô thường [già, bệnh, chết] đó là cách không nên làm. Rồi chúng ta có thể cam kết quyết tâm sẽ cố gắng tu tập để được tự do giải thoát khỏi cái thân khổ này, và tu tập cách để không còn chui vào những thân khác trong tương lai. Chúng ta hiểu rằng sự ràng buộc với thân này là một trong những điều cần tìm hiểu nhất và cần được buông bỏ nhất.

Quán Xét về Thân

Để vượt qua sự ràng-buộc với thân này, chúng ta thực tập những cách như suy xét về 32 bộ phận của thân. Thậm chí ở Thái Lan bạn có thể đi coi chỗ mổ xác (với mục đích y học hoặc khám nghiệm tử thi). Tôi đã mấy lần đi coi mổ tử thi, ngoài những lần đã nhìn thấy xác chết còn nguyên—lần làm tôi rúng động nhất là lần coi mổ tử thi một người cùng tuổi với tôi. Vì anh ta cùng tuổi tôi nên tôi dễ nhận thân anh ta cũng như thân tôi. Khi mổ ra tôi nhìn thấy những tính chất dơ bẩn ghớm ghiếc của thân xác đó, và tôi biết rằng thân của tôi cũng giống như vậy thôi. Điều đó gửi cho tôi một thông điệp “rất mạnh”: chẳng giá trị gì, chẳng có gì phải đi mê chấp ràng buộc với cái thân này.

Khi bạn nhìn thấy kiểu này bạn nhận thấy bản chất của thân là sẽ già, bệnh, và chết. Khi sự hiểu biết đó thâm nhập một cách sâu sắc, bạn đạt được trí tuệ thâm sâu nhìn thấy những cái khổ lớn nhất của kiếp người. Đúng thực, chính sự quán xét về sự già, bệnh, chết đã khiến Đức Phật xuất gia đi tu để tìm sự giải thoát khỏi những sự khổ đau hiển nhiên đó (kinh MN 26.13). Lúc đó Phật nhận ra già, bệnh, chết là những dạng hành khổ căn cơ nên điều đó đã thúc bách Phật ra đi tìm đường giải thoát khỏi khổ nạn đó.

Khi chúng ta suy xét thân mình theo cách như vậy sẽ làm khởi sinh một cảm giác ghê tởm chán chường đối với thân xác của mình, và chán bỏ sự ràng buộc với nó—giờ chúng ta không còn phải khổ sở, bận tâm, lo lắng, can dự, và mê đắm tấm thân đó nữa. Khi sự mê đắm và trân quý thân mình không còn như trước thì ta cũng không còn lo lắng hay mê đắm sắc thân của người khác nữa. Giờ chúng ta có thể nhìn một phụ nữ đẹp và ta biết rõ đó chỉ là một thân xác có tim, phổi, ruột, phèo, chân, tay…như thân ta cũng có. Giờ ta có hiểu biết nên có được sự kiêng-cữ kiềm-chế tự nhiên, và nhờ đó ái dục giới tính không còn khởi sinh như trước.

Cách quán xét này cũng có thể dùng để đối trị cái tâm ác ý ác cảm. Chúng ta thường ít tức giận với người bệnh ung thư hoặc người bệnh nặng; thường tự nhiên chúng ta có sự thương cảm đối với người đang bị đau bệnh và sắp chết. Vậy sao chúng ta không mở rộng cái tâm cảm thương bi mẫn đó đối với mọi người khác, vì sự thật tất cả mọi người chúng ta rồi cũng phải chết mà (tức cũng giống như những người bệnh đau sắp chết kia thôi, chỉ là chưa tới lúc thôi). Dù ai có nói gì hay làm gì với bạn, bạn phải luôn nhớ rằng tất cả họ cũng đang chết đi. Khi chúng ta biết nhìn mọi người theo cách như vậy thì cái chướng ngại ác-ý ác-cảm (sân hận) khó mà khởi sinh trong ta. (Ta đâu còn ghét còn thù họ nữa, vì ta biết đằng nào rồi họ cũng chết thôi mà). Vì tham ái và ác cảm (tham và sân) không còn khởi sinh và bạn không còn lo lắng bận tâm với cái sắc thân vô thường ghớm ghiếc nữa; nên bạn có thể ngồi xuống bình yên, nhắm mắt lại, và tiến vào cảnh giới của cái tâm.

Sự Giải Thoát Khỏi Thân

Vậy lý do bạn quán xét về thân là để hiểu bản chất đích thực của thân, để có sự chán-bỏ (nibbidā) đối với nó, và giúp ta có thể từ bỏ nó. Bạn nghĩ “Đúng, bỏ được là tốt”, rồi khi ngồi thiền cảm giác tay biến mất, chân biến mất: “Đúng là giải thoát”; khi lưng biến mất: “Quá hay, không còn thấy đau mỏi ngứa ngáy gì nữa”. Rồi khi hơi thở biến mất, toàn thân biến mất: “Ồ, quá tuyệt vời”. Và do bạn đã buông-bỏ hết thân này, cho nên bạn đã thấy-trước được cách đúng đắn để chết. Đây chính là một trong những giáo lý tuyệt vời nhất bạn học được từ việc thiền thâm sâu.

Bạn khó mà buông bỏ thân này khi bạn còn khỏe mạnh; vậy bạn sẽ làm gì khi mình bị đau yếu hay ngã bệnh? Ví như bây giờ bạn đang bị đau bệnh thì bạn ngồi thiền có dễ dàng không? Bạn dễ quán sát hơi thở không? Bạn có thể đoán được mình sẽ ra sao khi tới lúc bệnh, đau và sắp chết, lúc bạn đã quá già yếu và không còn chút sức lực? Lúc đó càng khó càng khổ hơn nhiều. Vậy thì giờ đang còn khỏe mạnh, khi thân thể đang còn khá tốt, nếu bạn chịu tu tập buông-bỏ nó bây giờ thì có lẽ dễ dàng hơn. Tới lúc bệnh, đau, yếu, sắp chết làm sao ngồi tu được. Nên nhớ dù bạn có đang khỏe mạnh tới đâu, thì thân và sức khỏe vẫn đang đi về phía già, bệnh, yếu và chết.

Hãy luyện tập mình như vầy: ngồi xuống, tréo chân, nhắm mắt, và tập luyện sự ý thức (tỉnh giác) vào giây phút-hiện tại và sự im lặng. Nên nhớ rằng hầu hết những suy nghĩ của ta là nghĩ về thân thể và thế giới của dục lạc giác quan. Hãy dẹp bỏ mọi ý nghĩ đó. Hãy an trú cùng với hơi-thở, và để yên cho hơi-thở trở thành đẹp đẽ và thân biến mất. Khi bạn đang chú tâm hoàn toàn vào hơi-thở, bạn không còn cảm giác ở đầu hay chân nữa. Bạn không còn biết thân đang ở đâu và bạn đâu còn lo ít lo nhiều về nó nữa; nó đã biến mất và tất cả bạn còn chỉ là hơi-thở. Hơi-thở trở thành đẹp đẽ, và nhờ đó một tâm ảnh nimitta khởi sinh. Ngay lúc đó thì toàn thân và cả hơi thở đều đã biến mất.

Sự tự do khỏi thân này: đây là trạng thái xảy ra khi chúng ta chết. Chết là buông thân chứ còn gì nữa. Tâm ảnh nimitta lúc này cũng y hệt như ánh-sáng mà người chết nhìn thấy khi họ lìa khỏi xác, hoặc khi họ đang trong trạng thái sắp-chết (cận-tử). Giai đoạn thiền có ánh sáng nimitta là hạnh phúc kỳ diệu—kỳ diệu hơn bất cứ niềm hạnh phúc và khoái lạc nào chúng ta từng có—và sự kỳ diệu đó không phải là khó đạt tới nếu chúng ta có thể buông bỏ cái thân. Khi nào chúng ta còn ràng buộc dính líu với thân thì chúng ta rất khó đạt tới sự kỳ diệu đó. Nếu quý vị nhìn thấy sự ràng buộc dính líu vẫn còn, thì quý vị phải nhắc mình ngay rằng: ràng buộc với thân đích thực là ràng buộc với khổ, chẳng khác nào như đang cầm nắm cục than cháy đỏ. Hãy buông bỏ thân này, giục bỏ nó đi, thoát ra khỏi đống phân đó.

Nếu chưa tu trải nghiệm tới chỗ này thì có thể các bạn nghĩ như mình đang nghe một chuyện mơ tưởng, huyễn hoặc. Nhưng nếu có niềm tin đúng đắn, nếu chịu nỗ lực tu tập, thì bạn sẽ dần dần nhận thấy đó không phải là chuyện mơ tưởng: những trạng thái đó là thực sự có-thực, và những điều tôi đang nói là đúng-thực. Tất cả những gì các bạn cần làm là tu tiến thêm trong sự thiền tập, thiền tập sâu hơn nữa, và giục bỏ thân nhiều hơn nữa…cho đến khi giục bỏ được hết thân này. Trong khi các bạn tu tập thực hành theo cách như vậy, thì bên trong các bạn bắt đầu khởi sinh niềm hạnh phúc. Các bạn lại hiểu thêm rằng: thân không chỉ là khổ vì sẽ già, bệnh, chết, mà nó là một đống khổ đau ngay trong những trạng thái bình thường của chúng ta. (Thân bình thường dù đang khỏe mạnh nhưng ai chẳng luôn luôn khổ lụy vì thân và những khoái lạc đủ loại cho nó). Đây chính là một trong những sự chứng ngộ mạnh mẽ nhất bạn có được từ việc thiền tâm sâu. (Vì khi thiền sâu bạn thấy rõ sự buông bỏ được thân thực sự là một niềm tự do và hạnh phúc tuyệt vời: hạnh phúc của sự từ bỏ). Chỉ cần một tâm ảnh nimitta hiện lên trong tâm cũng đủ cho bạn sự chứng ngộ đó, (vì nimitta là một trạng thái tâm hạnh phúc siêu phàm, mà nimitta chỉ xuất hiện khi người tu đã buông bỏ toàn bộ thân và hơi thở. Như vậy, sự buông bỏ toàn bộ đống thân này chính là điều tạo ra trạng thái hạnh phúc siêu phàm đó). Rồi nữa, khi bạn vượt qua ngưỡng nimitta và tiến vào trạng thái tầng thiền định jhāna siêu phàm hạnh phúc nhất, thì bạn càng hiểu biết điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bởi từ nhỏ tới lớn chúng ta đã quen tiếp xúc với mọi tác động liên tục lên thân, nên chúng ta không nhận ra sự khổ đau của thân. Thầy Ajahn Chah đã từng nói một ví dụ rất hay về ý này. Ví như một người đang bị quấn bởi dây thừng và có hai con quỷ đứng kéo ra hai phía: càng kéo thì càng siết cổ. Lúc nào cũng bị kéo siết ngợp thở như vậy nên người đó đâu còn biết những cái khổ khác như cái khổ của sự bị bắt, bị cột, bị đứng cả ngày cả đêm. Người đó chỉ thấy bị siết ngợp thở là khổ, còn những thứ khác (như bị bắt, bị đứng, bị cột, bị đói, bị đau chân, bị điếng lưng…) đều bình thường. Rồi tới sau này người đó thiền tập được tĩnh tại thâm sâu, tới được giai đoạn hơi-thở-đẹp, và sợi dây thừng được nới lỏng ra chút ít. Người đó có thể thở được, và nghĩ: “Chà, giờ thiệt là an bình, thiệt quá tốt”. Rồi tới khi người đó đạt tới giai đoạn tâm-ảnh nimitta, là lúc sợi dây thừng đã được tháo lỏng gần hết, người đó lại nghĩ: “Ôi tuyệt vời thực sự!”.

Người đó chứng ngộ chân lý tuyệt đúng của đạo Phật, đó là điều Phật cũng đã chứng ngộ: lý do ta được hạnh phúc là vì cái đống thân khổ đau đã biến mất, vì ta đã hoàn toàn được tự do khỏi nó. Những con quỷ đã buông bỏ sợi dây thừng và ta có thể thở và sống thanh bình trở lại. Thầy tôi không nói rõ hai con quỷ đó là gì, nhưng chúng ta có thể hiểu đó là Tham và Sân, cụ thể hơn đó là cái Ý-hành và sự Ràng-buộc với đống thân. Bởi do cái bản chất khổ- đau của thân, chúng ta tu tập để có thể tách ly khỏi nó và vượt lên trên khỏi nó: bằng cách đi vào bên-trong cảnh giới của cái tâm. (Chúng ta hướng vào trong tâm và trừ bỏ các trạng thái tâm tiêu cực). Khi chúng ta tu tập một cách đầy đủ và bất thối chuyển, thì chúng ta có thể chứng nhập vào dòng thánh đạo siêu thế, có thể chứng thành bậc thánh Bất-Lai: ta không còn bị tái sinh vào thế giới của những đống sắc thân (dục giới) nữa. Nhưng nếu chúng ta không thiền tập tâm thức tới đâu, ai biết ta sẽ tái sinh vào cảnh giới khổ đau nào sau khi chết. (Điều đó thực là vô vọng và làm sợ hãi).

Cánh Cửa Bất-Tử Đang Mở Ra

Bạn có thể nếm trải được niềm hạnh phúc của sự giải thoát. Rồi bạn hiểu thấy những lời Đức Phật đã nói, và bạn được độc lập tự tại. Lúc này bạn không cần những người khác giúp nữa, và bạn cũng không quan tâm họ nói gì hay làm gì. Bạn sẽ ngồi xuống một mình, tách ly, hạnh phúc và được tự do. Chẳng lẽ bạn không muốn điều đó sao? Đây là lời mời được đưa ra cho bạn, và bạn có thể làm được điều đó. Nếu bạn vẫn chưa tu được tới đó thì chỉ là vấn đề thời gian. (Có người tới trước, có người tới sau, tùy nhiều nghiệp duyên của mỗi người). Nhưng cánh cửa đi vào bất tử đang mở rộng. Tùy bạn có thích bước quan cánh cửa đó hay không mà thôi. Nếu bạn bước qua cánh cửa đó thì bạn không còn bị sinh, bị già, bệnh, chết; không còn sinh tử tử sinh bất tận nữa. Hãy chắc chắn mình làm được một lần—một lần cho mãi mãi.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh