Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 2. Mang Tâm Vào Thời Hiện Tại

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 2. MANG TÂM VÀO THỜI HIỆN TẠI

KHI BẠN ĐANG trong một khóa tu dài, bạn cần phải rất nhẹ nhàng. Bạn cần thư giãn và thả lỏng bản thân để hòa vào việc thiền tập. Từng bước, từng bước, khi bạn càng tu tập thêm trong khóa thiền bạn càng hòa vào những nề nếp đẹp đẽ ở đó. Bạn trải nghiệm được sự kỳ diệu khi bạn dành hầu hết thời gian sống trong ngày cho chính mình.

Tuy nhiên, khi bạn ở trong hoàn cảnh lý tưởng như vậy, khi những thứ ở bên-ngoài không còn là chướng ngại và trở ngại đối với mình như vậy, thì tự nhiên bạn sẽ thấy những chướng ngại lớn khác có mặt trong-tâm. Bạn có thể thấy buồn chán, thấy bất an, buồn ngủ, hoặc bực bội khi bạn đang có quá nhiều thời gian cho chính mình. Nhưng dù bị như vậy bạn hãy cố dành hết thời gian đó vào việc thiền-tập. Nếu không có sự tách ly khỏi những thứ bên ngoài, và nếu không có nhiều thời gian để mình đối diện với tâm mình, thì bạn đâu thể nhận ra những chướng ngại đó đã có mặt từ lâu trong tâm mình.

Chánh Niệm Về Thân

Và Sự Chú Tâm Chăm Sóc

Một trong những kỹ thuật thiền tốt nhất có thể dùng—đặc biệt đối với người bận rộn—là chánh niệm về thân. Mỗi khi ta bị quấy nhiễu thì ta rất khó lắng dịu. Để xử lý chỗ này, nhiều người tu thường đi thẳng vào giai đoạn “tỉnh giác vào giây khắc hiện tại”, hoặc họ thiền chú tâm vào “sự im lặng”, thiền quán “hơi-thở” hoặc “tâm từ”, hoặc dùng bất cứ cách thiền nào họ có thể dùng. Theo tôi, ngay lúc này bạn chỉ cần ngồi xuống và chỉ cần ý thức nhận biết những cảm-nhận và cảm-giác của thân. Chú tâm vào những cảm giác của thân chính là cách làm dịu những cảm giác đó. Cách này đặc biệt hữu dụng khi bạn thấy mệt mỏi hay đau bệnh. Và cách này không khó làm.

Để thực hiện cách thực hành này một cách hiệu quả, chúng ta nên dùng “sự chú tâm chăm sóc”. Sự chú tâm chăm sóc không chỉ là chú tâm mà còn nhìn kỹ vào những cảm giác đó bằng sự hiền từ, nhẹ nhàng, cảm thông, và bi mẫn. Chúng ta không chỉ chú tâm tỉnh giác vào những cảm nhận đó, mà chúng ta còn hiền từ3 và nhẹ nhàng với chúng. Sự hiền từ và nhẹ nhàng, đi kèm với sự chánh niệm, giúp cho ta dễ dàng cùng lúc làm được cả việc (i) tham gia vào đối tượng và (ii) xoa dịu và làm tĩnh lặng đối tượng cảm giác đó. Ví dụ, nếu bị đau ở đầu gối hoặc bị căng cơ ở thân, bạn nên dùng sự chú tâm chánh niệm vào chỗ cảm giác đau đó, cộng với một ít lòng cảm thông bi mẫn đối với chính mình, thì bạn càng thấy dễ dàng duy trì sự chú tâm vào thân. (Điều này bạn phải tự đọc hiểu và tự làm thì mới tự trải nghiệm được như vậy).

Tôi thấy loại kỹ thuật thực hành này rất hữu ích đối với loại thiền như đi-thiền. Khi tôi đang đi thiền, sau một lúc thân tôi nóng lên, và có lúc tôi ngồi xuống thấy hơi mệt và đau nhức. Những cảm giác thân tôi trải nghiệm là rất rõ rệt: chúng thô rõ, rõ rệt, dễ thấy, và dễ chú tâm. Điều này tạo cho ta một đối-tượng thiền dễ dàng để ta bắt đầu thiền tập, giúp ta ngăn không cho tâm bị lăng xăng trôi giạt ra chỗ khác, (vì ta đa hướng sự chú tâm vào chỗ cảm giác mệt và đau nhức đó của thân).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Loại kỹ thuật này cũng giúp làm lắng dịu thân trong lúc người thiền đang chuyển từ tư thế đi-thiền năng động sang tư thế ngồi-thiền thụ động. Đây là cách rất hay để tập trung và không bị mất (không gián đoạn) sự chánh-niệm của người thiền.

Nếu hướng tâm vào một chỗ đau nhức hay cơn đau với một “sự chú tâm chăm sóc” sẽ giúp làm dịu bớt cái đau đó. Kinh nghiệm riêng của tôi đã cho thấy rằng, nếu tập trung vào chỗ đau hoặc cảm giác đau bệnh trong thân với “sự chú tâm chăm sóc” như đã nói, thì sẽ làm giảm bớt cái đau. Những cơn đau dường như không chỉ đáp ứng lại sự chú tâm tỉnh giác của người thiền đang hướng vào chúng, mà chúng còn đáp ứng lại “sự hiền từ chăm sóc” của người thiền đang nhìn vào nó. Lấy bài kinh những nhà sư thường tụng cho những người bệnh. Nếu bạn chú tâm vào những người đau bệnh, và trải tâm từ (mettā) về phía họ, dường như đó luôn tạo ra một hiệu ứng tốt lành như trị liệu. Còn đối với ta là người đang thiền chú tâm vào những cảm giác của thân, ta gần gũi với bản thân ta hơn bất cứ ai, ta đưa “sự chú tâm chăm sóc” vào những bộ phận của thân thì có thể tạo ra hiệu ứng xoa dịu và trị liệu tốt hơn nhiều. Và đặc biệt trong những lúc bạn đang ở trong trạng thái thiền-sâu và tâm lúc đó rất mạnh mẽ, thì bạn càng dễ nhìn thấy những hiệu ứng trị liệu đó. Lúc đó, bạn có thể “hạ gục” một cơn đau bằng sự hiền từ chăm sóc và cơn đau sẽ tự biến đi ngay, bởi tâm bạn lúc đó rất mạnh mẽ. Chỉ cần đặt sự chú tâm vào đó với một sự hiền từ tử tế, và hiệu ứng sẽ xảy ra lập tức. Sự chánh-niệm đi cùng với tâm-từ và lòng bi-mẫn cảm thông có một năng lực đáng ngạc nhiên. Trong một khóa tu nào đó, nếu bạn bị bệnh, nhức mỏi, hoặc đau—và dĩ nhiên càng già thì càng dễ đau nặng hơn—bạn hãy dùng “sự chú tâm chăm sóc” như đã nói. Sau này khi bạn ngồi thiền quán sát hơi-thở đó, kỹ thuật (xen kẽ và trị liệu) này cũng giúp ích rất nhiều cho bạn.

Bằng cách chú tâm quán sát những cảm giác trong thân—bất cứ cảm giác nào đang có—và quan tâm chăm sóc về chúng, thì bạn đang thực thụ thực hành giai đoạn thiền mà tôi hay gọi là “sự tỉnh giác im lặng vào giây khắc-hiện tại”. Khi bạn đang quan sát những cảm nhận trong thân, thì “sự tỉnh giác im lặng vào giây khắc-hiện tại” hoàn toàn tự nó diễn ra. Ở đây không đề cập gì nhiều đến về tính chất của những cảm nhận là dễ chịu hay khó chịu. Đó là bởi vì chúng ta không tạo ra những đối thoại, khái niệm, hay ngôn ngữ cho rằng chúng là một đối tượng thiền thực sự tốt để làm lắng dịu cái tâm luôn suy nghĩ. (Tức là, chúng ta chỉ chú tâm trực tiếp vào cảm giác đó chứ không suy nghĩ tư duy về việc đó). Chỉ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với những cảm giác đó chứ không suy nghĩ, ta sẽ tạo ra một nhịp-cầu hữu ích bắc nối giữa “thế giới bên-ngoài” và “sự tỉnh-giác im lặng vào giây khắc-hiện tại”; và từ đây sẽ dẫn tới “sự tỉnh-giác vào hơi thở”.4

Quét Toàn Thân Để Làm Dịu Sự Bất An

4 (Mấy thuật ngữ này: nếu quý vị đã đọc quyển sách “Thiền Theo Cách Phật Dạy Sẽ Đi Đến Giải Thoát” thì quý vị sẽ hiểu ngay đó là những “giai-đoạn thiền” nào. Thiền sư có nhắc tới quyển sách hướng dẫn thiền tập đó trong lời giới thiệu của quyền sách này. Trong quyển sách đó, thiền sư Ajahn Brahm đã viết ra từng giai-đoạn chuẩn bị và giai-đoạn thiền chính của phương pháp “thiền chánh niệm hơi-thở” mà Đức Phật luôn đề cao và khích lệ mọi người nên tu tập.

Quyển sách nhỏ này là những bài-nói-chuyện về thiền, và tất nhiên nhiều thuật ngữ được nói ra là từ cơ sở quyển sách lớn đó của thầy.)

Tôi tìm thấy sự quét toàn thân mình là một kỹ thuật hữu ích đối với những người đang bị bất-an. Đó là một trong những cách thiền tôi đã giới thiệu trong các khóa tu vừa qua, và những người thiền tập đều thích nó. Họ là những người kinh doanh, là những người rất bận bịu. Họ quá nhiều bất an nên tôi chỉ cho họ một cách thực hành để họ thấy hữu ích ngay. Như vầy: từ từ chú ý những cảm giác của thân từ ngón chân lên đỉnh đầu, bạn sẽ thấy nó thực sự xoa dịu các bộ phận đó. Đây là kỹ thuật thiền chủ-động, nhưng nó cũng nhắm vào giây khắc-hiện tại.5 Không còn nhiều suy nghĩ diễn ra, và do vậy sau khi quét những cảm giác từ chân lên đầu, chúng thực sự lắng dịu—một cách đáng ngạc nhiên như vậy. Dĩ nhiên ai đã biết cách làm thì cứ tiếp tục thực hành như vậy, và tôi rất vui lòng vì thấy có nhiều người đã có được những giây phút thiền tốt đẹp và hữu ích ngay từ bữa đầu tiên.

Đó luôn là niềm vui lớn của người thầy khi những học trò hiểu biết được sự thiền ra sao ngay từ bữa đầu. Thật tuyệt vời khi có ai nói: “Cũng dễ làm và con được rất tập trung. Con không còn nghe thứ gì. Con thực sự ở bên trong mình. Thiệt tốt lành”. Đối với những người thiền đã thiền đạt tới mức thâm sâu thì tôi ít trông đợi họ chịu làm và trải nghiệm được như vậy. Thật là tuyệt vời; và đôi nhiều khi tất cả mọi sự thiền tốt đẹp đều bắt đầu từ việc thiền quán thân như vậy.

Sau khi nhìn thấy kết quả, tôi muốn khuyến khích loại kỹ thuật thiền. Khi đang ngồi thiền, đừng có ngồi không (không làm gì) hay ngủ gục. Đừng ngồi đó nói “sự tỉnh-giác vào giây khắc-hiện tại”, nhưng lại bắt đầu suy nghĩ đủ thứ. Hãy cố gắng tu tập kỹ thuật thiền quán sát thân. Thiền quán sát thân lúc-này không phải để quán xét tìm hiểu bản chất của thân. Kiểu thiền quán thân như vậy tôi nghĩ sẽ không hữu dụng; nó chỉ hữu dụng khi nào bạn đã thiền tập tới mức sâu thì bạn mới có thể quán sát thân theo kiểu đó. Còn ngay lúc-này bạn chỉ cần ý thức biết những cảm-giác trong thân. Làm như vậy giống như bạn đang bổ sung cho mình thêm một kỹ thuật thiền [ngoài những kỹ thuật thiền khác] để bạn sử dụng vào những lúc cần thiết trong suốt khóa tu thiền dài ngày.

Khi bạn có được nhiều cách thiền tập thì bạn thường không bị chán, đặc biệt những lúc mới bắt đầu học thiền thì rất dễ bị chán. Nếu bạn sớm tu tập được “sự tỉnh-giác im lặng vào giây khắc-hiện tại” bằng cách dùng những ký thuật như thiền quán thân (như tôi vừa nói trên), thì chỉ sau một thời gian ngắn sự thiền của bạn sẽ “bắc” tốt ngay; nó sẽ tự nhiên ngã hướng về giây phút-hiện tại, hướng về sự im-lặng. Lý tu ở đây là: khi bạn đã khuynh hướng về thứ gì và càng tu tập theo hướng đó thì lẽ tự nhiên nó càng hướng sâu về chỗ đó. Đây là nghĩa của chữ “tu tập tâm” mà chúng ta thường hay nói; đó là cách nó diễn ra, đó là nguyên lý nó sẽ đi tới. Cũng giống như người ta tập luyện một môn thể thao, ví dụ như môn quần vợt. Người huấn luyện cứ đưa banh về một góc sân (ví dụ góc trái) và người tập luôn hướng về góc đó và chạy tới đánh liên tục và liên tục những trái banh ở góc đó. Cứ chuyên chú hướng về góc đó và thường xuyên tập luyện đánh cú banh ở góc đó, đánh thường xuyên sẽ thành thói quen phản ứng. Sau một thời gian, người tập có thể đánh được những cú trái tay một cách điêu luyện và dễ dàng. Tương tự, nếu thường xuyên luyện tập “sự tỉnh-giác im lặng vào giây khắc-hiện tại”, nó sẽ trở thành thói quen, và tự nhiên sẽ thành thục, và người tu sẽ có được kỹ năng (năng lực) tỉnh-giác đó.

Tầm Quan Trọng Của Niềm Vui (Hoan Hỷ)

Một khi bạn đã thiền tập đạt tới “sự tỉnh-giác im lặng vào giây khắc-hiện tại” thì sự thiền của bạn trở nên rất vui thích. Niềm vui hoan hỷ—sự vui sướng, sự hân hoan, sự thú vị—là một trong những trải nghiệm quan trọng nhất của thiền. Chính niềm vui đó giữ bạn ngồi trên gối thiền và giúp bạn không thấy chán nản hay bất an. Nếu không có niềm vui hoan hỷ đó chắc ai cũng chán nản và luôn coi giờ coi ngày, đếm coi còn bao lâu nữa mới hết khóa thiền này. Nếu không có niềm vui trong trẻo nào, chắc ai cũng luôn nghĩ “Còn lâu quá mới hết khóa thiền, chắc tôi sống không nỗi ở đây nữa; thiệt chán quá”. Điều đó thường tình xảy ra đối với người thiền, bởi vì họ chưa tìm thấy niềm vui sướng từ/trong sự thiền của họ. Nếu đã tìm thấy niềm vui sướng hạnh phúc của thiền thì tâm trạng họ sẽ khác, lúc đó chắc họ sẽ nói “Còn được hai tháng rưỡi nữa mới hết khóa thiền, đã thiệt, thiệt là vui sướng!”

Niềm vui trong thiền không sinh ra từ sức mạnh ý chí hay sự thúc ép miễn cưỡng, hay từ những tâm nguyện ý cầu. Niềm vui đó (yếu tố hỷ) có từ sự tĩnh-tại. Bằng cách thực hành “sự chú tâm chăm sóc” vào thân mình (theo cách tôi đã nói trên), người tu tạo ra một năng lực ý thức biết rõ mỗi hành động mình đang làm. Và bởi vì khi đang có thái độ chăm sóc hiền từ thì bạn đâu quá thúc ép. Đó là lúc niềm hoan hỷ khởi sinh.

Bằng cách tu tập sự chăm sóc hiền từ như vậy, bạn cũng tránh được sự tiêu cực, sự khó chịu và sự bắt lỗi này nọ trong tâm vốn gây ra những trở ngại cho việc thiền tập. Nhiều lúc người tu bị tiêu cực và bắt đầu nghĩ: “Tôi không làm được, không tu được. Quá vô vọng hão huyền: giáo lý hão huyền; tôn giáo hão huyền; sự đời vô vọng”. Tất cả những sự tiêu cực đó có thể được xóa bỏ bằng cách thực hành sự chú tâm chăm sóc vào thân. Nhờ việc chú tâm chăm sóc vào thân, vào cảm giác của thân, người tu có được một cái tâm đẹp đẽ, mở rộng và nhẹ nhàng; (lý này cũng dễ hiểu). Khi nào bạn thấy mình đang nhìn vào những cảm giác của thân với một sự tiêu cực, bạn chỉ cần “xoa dịu” hoặc “nắn nựng” những ý nghĩ tiêu cực đó với một “sự chú tâm chăm sóc”. Khi bạn xoa dịu những ý nghĩ và cảm giác tiêu cực, bạn sẽ tránh không làm cho vấn đề tiêu cực lớn hơn, và tránh bỏ sự tiêu cực, khó khổ trong tâm lúc đó. (Điều này bạn cũng phải tự thực hành và tự trải nghiệm thì mới biết được hiệu ứng đó).

Căn Chánh-Niệm

Ngoài sự chăm sóc, sự chú-tâm là rất quan trọng. Sự chú-tâm là người quan sát: ta quan sát cái ta đang làm, và ta hiểu biết cách tâm đang chuyển động. Nếu không có sự chánh niệm—nếu bạn đang mơ mộng, hoặc thậm chí đang buồn ngủ—thì bạn đâu biết được cái gì đang diễn ra; do vậy bạn ngồi đó chỉ lãng phí thời giờ mà thôi chứ đâu phải thiền tập gì. Thà bạn chỉ ngồi thiền nửa tiếng mà có sự chú tâm thực-thụ, còn hơn ngồi hàng mấy tiếng mà cứ đờ đẫn hay buồn ngủ, hay trôi giạt ở đâu đâu. Bằng cách chú tâm vào những cảm giác của thân để tu tập sự tỉnh-giác vào đó—phần kỹ thuật thiền này rất được khuyến khích tu tập; bởi đó là một kỹ năng đặc biệt và sức mạnh của tâm. Trước khi bạn đã tu được thành thục tới giai đoạn có thể buông-bỏ những cảm giác, thì bạn cần phải tu tập chuyên cần và tạo lập được sự chánh-niệm—nó phải được sắc bén. Nên tới khi bạn có thể buông bỏ những cảm giác thì căn (năng lực) chánh-niệm đã được tạo lập vững chắc rồi, nó đã được sắc bén rồi. Lúc đó bạn có thể tiến tới giai đoạn quan sát “giây khắc-hiện tại” hoặc quan sát “sự im lặng”, bởi lúc đó sự chánh-niệm đã có mặt ở đó rồi.

Sự chánh-niệm quan sát hơi thở. Bạn biết đó, nếu sự chú-tâm bắt đầu hướng ra khỏi hơi-thở, sự chánh-niệm có thể mang nó về lại hơi-thở. Chức năng này của chánh-niệm được coi như một “người gác cổng”. Người gác cổng canh gác kẻ gian. Ông ta chỉ cho những ai được phép vào đi vào thôi. Ví dụ về người gác cổng (như kinh AN 7:67), người gác cổng thành được chỉ thị chính xác ai được đi vô thành và ai là kẻ gian kẻ thù không được vô thành. (i) Rõ ràng, nếu người gác cổng ngủ gục thì cũng chẳng thực hiện được chỉ thị nào. (ii) Còn nữa, nếu người gác cổng có tỉnh giác quan sát từng kẻ gian đi vô và đi ra cổng thành, nhưng ổng không biết rõ chỉ thị nên chỉ ngồi nhìn chứ không ngăn chặn gì hết, như vậy cũng không tốt gì. (iii) Để làm tốt, người gác cổng phải vừa có tỉnh giác thường trực và vừa hiểu rõ các chỉ thị, như vậy ổng mới thực hiện được vài trò gác-cổng của mình. Điều này cũng giống như sự chánh-niệm: sự chánh niệm phải sắc bén để nhìn thấy mọi cái đang diễn ra, và nó phải làm đúng theo những chỉ thị canh gác chỗ nào và cách quan sát như thế nào. Giống như có một giám sát viên đang quan sát mọi việc ta đang làm. Nếu sự chánh-niệm nhận thấy không có đủ “sự chú tâm chăm sóc” hoặc nhận thấy người thiền đang trôi giạt lăng xăng, thì nó lập tức có hành động giải quyết ngay. Chỗ này được gọi là năng lực chánh-niệm, tức căn chánh-niệm (sati-indriya), và căn chánh-niệm là rất quan trọng— phải được thường xuyên luyện tập và tạo dựng thì mới có được.

Nhiều khi trong lúc đang thiền bạn thấy buồn ngủ và mệt mỏi, nhứt là sau khi ăn nhiều, hoặc sau khi bận bịu nhiều việc. Có nhiều lúc thân thể chúng ta đang qua những chu kỳ của nó; tức chúng ta thường trải qua những giai đoạn năng lượng lúc cao và lúc thấp.

Nhiều khi nó mệt mỏi thực sự, vậy thì thôi, nên đi nghỉ ngủ. Nếu chưa tới giờ đi ngủ thì bạn có thể bạn cứ ngồi và làm hòa với sự mệt mỏi đó. Có lẽ khi đó bạn không thể chánh niệm đầy đủ, nhưng hãy đừng đừng chống cự với sự mỏi mệt lúc đó. Nếu bạn chỉ ngồi và không kháng cự với sự mệt mỏi thì bạn đâu bị tiêu tốn năng lượng vào trạng thái tiêu cực đó. Thay vì vậy cứ mở rộng cánh cửa trái tim, và bạn cứ hiền lành tử tế với sự mệt mỏi, rồi tự nhiên sự mệt mỏi sẽ không kéo dài quá lâu nữa đâu.

Một số mệt mỏi có thể chỉ là sự lười biếng. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa sự lười biếng và sự mệt thân thực sự. Lười biếng là ta không đang tu tập sự chánh niệm—ta cứ buông thả mình, có thể do tâm tính tiêu cực, ta thả mình trôi theo những thứ bên ngoài mà ta nghĩ đó là chỗ giải thoát khỏi đời sống thực. Nhưng nếu ta có một ít trí tuệ, ta biết rõ đó không phải là những chỗ giải thoát tốt lành gì—sự đờ đẫn ngu mờ đâu phải là một trạng thái dễ chịu. (Đó chỉ là trạng thái lơ mơ, trôi giạt, không tỉnh giác mà thôi; không phải là một trạng thái sướng). Vậy tốt hơn nên cố tu tập thêm sự chánh-niệm bằng những cách như quán sát thân (và những cảm giác của thân). Khi sự chánh niệm được mạnh hơn, ta cảm thấy tốt hơn nhiều, và lúc đó ta có thể quan sát “giây khắc-hiện tại”, “sự im- lặng”, hoặc “hơi-thở”—Nói ngắn gọn, ta có thể thiền. Bởi ta có thể thiền nên ta có thể đạt được thêm niềm tin và hạnh phúc. Ngay chỗ này là bước ngoặc quan trọng, đặc biệt đối với những người mới tham gia tập thiền; khi họ biết rằng: “Ồ hay thiệt, giờ ta có thể thiền rồi, ta có thể thiền!”. Khi đã nhận ra mình đã có thể thiền thì ai cũng có thêm niềm tin tưởng và động lực để tiếp tục thiền tập tới những mức thâm sâu hơn nữa.

Phần tệ nhất và khó nhất của thiền chính là lúc ban-đầu!—đó là lúc bạn mới tập thiền, lúc chưa thiền được gì cả, cứ loay hoay khó làm, khó chịu, không được gì hết. Đây là giai đoạn trước khi bạn có thể đạt tới giai đoạn “sự tỉnh-giác trọn vẹn vào hơi thở” mà tôi thường gọi là giai đoạn “Hơi thở đẹp”. Giai đoạn ban-đầu là khó khăn nên thường làm nản chí muốn thu tập. Hầu hết những việc tập thiền lúc này là điều cực nhọc; và bạn thấy thất vọng, khó chịu, chán nản. Nhưng ai cũng phải cố gắng thiền tập và vượt qua chặng đầu bỡ ngỡ và khó khăn này. Đến khi nào bạn tu tập tới được giai đoạn “Hơi thở đẹp”—đây là điểm-mốc quan trọng của thiền—thì bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn chán nản nhất của thiền. Vì vậy, trong giai đoạn mới thiền tập, bạn hãy đặt một mục tiêu là tu tập sao cho đạt tới được giai đoạn “Hơi thở đẹp”, và thiết lập niềm tin chắc chắn rằng mình sẽ tu tập được tới giai đoạn đó. Một khi bạn đã tu đạt tới được giai đoạn bước-ngoặc đó thì lúc đó người thầy hướng dẫn không còn bắt buộc phải có nữa. Tới lúc này người thầy chỉ cần hướng dẫn thêm những cách để bạn thiền tập những phần thâm sâu hơn của thiền. Rồi bạn sẽ tự mình tu tập được. Lúc này người thầy chỉ cần nói sơ lược là bạn có thể học nhanh hiểu thấu được. Bạn học hiểu nhanh bởi lúc này bạn đã thích thú việc thiền và bạn muốn thiền. Bạn đã thấy mê thích việc thiền tập, và thiền đã trở thành một sở thích mà bạn sẽ dồn hết thời gian vào nó. Bạn thích thú vui sướng với sự thiền tập.

Sự chánh-niệm không phải chỉ quan trọng trong thời gian ngồi thiền; nó nên được tu tập suốt ngày. Ví dụ, khi bạn đang ăn, hãy chú tâm chánh niệm vào việc-ăn mình đang làm. Không cần suy nghĩ hay nói năng. Cách tập hữu ích nhất là tập trung vào từng muỗng ăn. Đừng có vừa đút muỗng cơm vô miệng, vừa nhai, vừa múc muỗng thức ăn khác như cách người ta vẫn thường ăn. Người tu chánh niệm chỉ tập trung vào cái hành động đang nhai-ăn của mình ngay thời khắc hiện tại. Khi đi vào toa-lét đừng mang theo sách báo, chỉ ngồi quan sát sự đi tiểu hoặc đi tiêu của mình… Bằng cách tu tập như vậy, bằng cách có-chánh-niệm vào mọi việc mình đang làm trong ngày, thì, khi bạn ngồi xuống thiền bạn sẽ dễ dàng có-chánh-niệm về thân (và những cảm giác của thân); và cuối cùng tiến tới có đủ chánh-niệm về hơi-thở. Vậy đó, bạn thiết lập những sự tu tập để giúp cho sự thiền xảy ra đúng hướng và tốt đẹp. Dần dần bạn tạo nên những “cơ bắp” của tâm, cơ bắp của sự hiền-từ và sự tỉnh-giác. Sự thiền trở nên dễ dàng hơn: bạn chỉ cần ngồi đó, và tâm sẽ lắng xuống tĩnh dịu.

Làm Lắng Dịu Những Khó Khăn, Trở Ngại

Một cái tâm lắng dịu là thứ đẹp đẽ và kỳ diệu. Khi tâm đầy những ý nghĩ và lăng xăng khắp nơi, trước sau gì ta cũng dính vào những tiêu cực. Tâm luôn nghĩ suy thì khó mà luôn luôn tích cực cho được, bởi sự suy nghĩ có xu hướng rớt vào những tâm tiêu cực và sự khó chịu bắt lỗi này nọ. Ví dụ, ai cũng thấy vấn đề rắc rối khi nói chuyện nhiều và lâu: có thể bạn bắt đầu nói về những điều cao đẹp, nhưng nói nhiều quá sau đó chuyện trở thành tầm phào, tiêu cực. Tương tự, nghĩ nhiều cũng dẫn tới những tâm tiêu cực; cho nên người tu cần biết cẩn thận chỗ này.

Càng bình lặng bạn càng hạnh phúc. Do vậy, mục tiêu của bạn là tập trung vào những việc làm-lắng-dịu mọi thứ (trong tâm). Đừng quên “thủ thuật” dùng sự bi mẫn, cảm thông (như đã nói ở trên), bởi sự cảm thông bi mẫn cũng có hiệu quả làm lắng dịu, làm xoa dịu. Sự hiền-từ và bi-mẫn làm xoa dịu những vấn đề khó khổ và xoa dịu những tổn thương. Sự hiền từ tạo nên sự tĩnh lặng bởi nó mang theo tính chất tĩnh lặng của thiền định (samatha), nên nó làm lắng dịu và làm bình an mọi sự. Nó đặc biệt làm lắng dịu thân. Đó chính là lý do tại sao khi ta hướng “sự chú tâm chăm sóc” vào những cảm giác của thân thì sẽ làm chúng dịu đi; những sự đau cơ và nhức xương, và, thậm chí sự bất an, cũng có thể biến mất. Và ta cũng có thể hướng sự hiền-từ và bi-mẫn vào tâm của mình dưới dạng “sự chú tâm chăm sóc” như ta đã làm đối với thân và những cảm giác của thân. Cách đó cũng có xu hướng làm xoa dịu và vơi đi những sự khó khăn, khó khổ, hay sự hối tiếc ta đang có trong tâm. Sự chú tâm chăm sóc nói rằng: “À, không sao, sẽ êm thôi. Anh không cần phải lo lắng về những điều đó. Anh sẽ ổn thôi”. Vậy đó, bạn làm dịu mọi thứ, và trong sự lắng dịu đó bạn không còn bị uy hiếp bởi những ý nghĩ này nọ và những khổ đau của những tâm tiêu cực.

Tâm tiêu cực, tâm xấu, là thứ làm ta khó sống. Nhưng chúng ta luôn luôn có quyền chọn lựa hướng tâm khỏi sự tiêu cực, khỏi sự khó chịu bắt lỗi này nọ, khỏi sự sân giận, sự khổ sở, sự bực bội, hoặc sự tuyệt vọng; và hướng tâm về phía những thứ bình an, tĩnh lặng, có năng lượng, và tích cực. Khi ta thực hành như vậy với một “sự chú tâm chăm sóc” và ta thực sự chăm sóc cho giây phút-hiện tại, thì giây phút-hiện tại sẽ không bị tệ bị khổ. Khi ta cười với ai, họ cười lại với ta; khi ta để tâm chăm sóc người khác, họ sẽ chăm sóc lại cho ta. Cũng như vậy, nếu ta chú tâm chăm sóc cho giây phút-hiện tại, nó sẽ dễ thương tốt đẹp lại với ta.

Trạng thái tâm của chúng ta nhuộm màu sắc của đối tượng mà chúng ta chú tâm bằng những tâm tính của trạng thái tâm lúc đó. Nếu ta đang có tâm tiêu cực thì mọi thứ chúng ta nhìn đều đáng ghét và tiêu cực; và ta rất khó an trú với giây phút đó, bởi giây phút đó là không tốt đẹp và dễ chịu đối với ta. (Tất cả là do ta). Điều này chẳng liên quan gì tới bản-chất của giây phút-hiện tại đó, mà chỉ liên quan với cách ta đang chú tâm vào đối tượng đó. (Tâm ta đang tích cực ta nhìn thứ gì cũng thấy dễ thương và tích cực. Tâm ta tiêu cực thì ta nhìn thú gì cũng thấy đáng ghét và tiêu cực. Đó chỉ là do trạng thái tâm của ta. Chẳng liên quan gì đến bản chất đích thực của những thứ đó; tích cực hay tiêu cực chỉ là do từ trong trạng thái tâm của ta ngay lúc đó mà thôi). Đây là chức năng chăm sóc của “sự chú tâm chăm sóc”, nó có thể chuyển hóa giây phút-hiện tại thành giây phút dễ chịu, để làm cho người tu dễ quan sát giây phút đó hơn; (tức giây phút dễ-chịu là đối tượng dễ thu hút sự chú tâm của người tu hơn). Bạn không cần phải đi tìm đâu trong quá khứ hay tương lai, bởi bạn đang có cái thời gian tốt đẹp ngay tại đây và bây giờ. Chức năng này cũng áp dụng cho đối tượng là “sự im-lặng”. Khi bạn chăm sóc cho sự im-lặng của tâm—đó là chỗ trống không, là khoảng-không nằm giữa những ngôn từ, khái niệm—thì “sự im lặng” sẽ sẽ trở nên đẹp đẽ. Và bởi vì: bạn chăm sóc thì nó đẹp đẽ, nên bạn cũng an trú luôn trong đó, (vì nó đẹp đẽ). Lúc này sự thiền của bạn đang được xây dựng và bạn đang tu tiến đã được một chặng đường rồi đó. Bạn cảm thấy tốt; giờ bạn có thể cảm thấy: “Ồ hay, tôi thực sự là một thiền giả rồi!”.

Khi Có Được Kết Quả Mọi Thứ Sẽ Thay Đổi

Đừng thiền tập vì muốn được kết quả. Mặc dù chúng ta muốn có kết quả, mặc dù chúng ta muốn thấy điều tốt lành xảy ra, nhưng chính cái hành vi “muốn” đó làm cản trở sự thiền và những kết quả đó. Thay vì vậy, cứ thực hành tu tập với một “sự chú tâm chăm sóc”, làm như vậy là bạn đang đưa vào những “nhân”, và trước sau gì chúng cũng kết thành trái quả theo tiến trình nhân-quả. Những kết quả đó lại giúp thúc đẩy bạn một cách tích cực để bạn có thể tích cực thiền tập hơn nữa. Bạn cảm thấy điều đó kỳ diệu. Và do có cảm giác kỳ diệu, lớn lao, đẹp đẽ, hay quá, và thỏa mãn, nên lúc đó bạn lại có thêm một cảm giác rằng mình đã đạt tới gì gì đó. Cảm giác đó cũng tốt. Đó giống như một hiệu ứng cảm giác chồng lên cảm giác.

Nhờ “sự chú tâm chăm sóc” nên ta có thể thực hiện thực hiện được “sự tỉnh-giác vào giây khắc-hiện tại”, và nhờ kỹ năng này ta có thể thực hiện việc thiền quán hơi-thở. Ta có thể ngồi quán sát hơi-thở đi vào và đi ra trong những khoảng thời gian lâu, và ta biết rõ những nhân làm cho sự thiền diễn ra như vậy. Nhân ở đây không phải là ý chí ý muốn của người tu, mà nhân là sự chú tâm chánh- niệm và chăm-sóc, và sự hiểu biết (tin tưởng) cách tiến trình đó diễn ra. Ta chăm-sóc cho hơi thở; ta có sự hiền-từ trìu mến đối với hơi thở và đối với bản thân ta, và ta có sự chú tâm chánh-niệm. Nhờ vậy ta thấy hơi-thở trở nên dễ chịu và ta dễ dàng quan sát nó.

Ta sẽ nhìn thấy tính chất của hơi-thở chính là phản ảnh trung thực của cái tâm. Ví dụ, nếu tâm bị căng thẳng thì hơi thở sẽ căng thẳng. Nếu ta giận dữ thì hơi thở sẽ thở cạn thở gấp. Nếu một đàn ông nhìn thấy một cô gái anh ta mê thích, có khi anh ta cũng hồi hộp đến nín thở nghẹt thở luôn. Ta có thể thấy cách những cảm-xúc như tham dục, sân giận, ác ý…thực sự tác động tới hơi thở ra sao. Vì vậy: nếu ta quan sát hơi-thở với một “sự chú tâm chăm sóc” như vậy, cách đó sẽ làm cho sự thiền tập của ta diễn tiến dễ dàng hơn. Khi ta hiền từ tử tế với hơi-thở, ta nhận được sự tử tế của nó đối với ta. Cũng như cái lý xã giao ở đời, ta tốt bụng mỉm cười với người khác, chí ít họ sẽ mỉm cười lại với ta. Ta mỉm vười với hơi thở, hơi thở mỉm cười lại với ta, và hơi thở sẽ trở nên dễ thương, (và do đó dễ quan sát hơn; vì tâm thích quan sát những đối tượng dễ chịu hơn).

Khi bạn có được hơi thở dễ thương như vậy là bạn đang bước đi êm xuôi trên đường thiền tập. Vì hơi thở trở nên rất dễ thương nên bạn cứ muốn quan sát nó liên-tục. Có thể các bạn đã nghe tôi nói kiểu này rất nhiều lần trước đây, hoặc đã viết trong những quyển sách hướng dẫn khác; thậm chí đã nói kiểu đó nhiều lần nghe đến chán tai rồi; nhưng, tới lúc này bạn mới thực sự đang thiền tập và đang thực thụ hiểu cái nghĩa tôi muốn nói là gì. Giờ thì bạn đã có được bình an, và cái khoảng thời gian dài còn lại của khóa thiền tập này không còn làm bạn ái ngại hay ngao ngán nữa—giờ thì bạn cảm thấy như đang trong một kỳ nghỉ mát sau bao tháng năm làm lụng quá vất vả. Giờ thì sự thiền của bạn đang tạo dựng, đang tiến triển, và đang nở hoa kết quả, và bạn đang bắt đầu có được những thời gian kỳ diệu nhất trong đời. Nguyên lý chỉ là vầy: bạn càng liên tục quán sát hơi-thở đi vào và đi ra, thì bạn càng thêm tĩnh lặng và bình an. Luôn ghi nhớ rằng, làm cho tâm được tĩnh lặng và bình an chính là lý do chúng ta thiền tập! Và đó là thiền Phật giáo. (Thiền không phải để đạt tới những gì bí ẩn cao siêu khác).

Đừng có đi tìm trí tuệ trí huệ gì gì đó ở giai đoạn thiền tập này. Đừng cố lao vào suy nghĩ, suy diễn, hoặc cố ‘ngộ’ về mọi sự. Chỉ cần ta hiểu về sự tĩnh-tại—chỉ làm một việc đó trong giai đoạn này. Những nhà tư duy vĩ đại trên thế gian này có thể suy nghĩ, nhưng chưa chắc họ có được sự hiểu biết thâm sâu. Chỉ có một số ít người trên trái đất này có thể làm cho tâm họ tĩnh tại và bình an, vậy chúng ta hãy cố gắng tu tập để trở thành một trong số ít đó. (Vậy, làm cho tâm tĩnh tại và bình an là một việc không phải dễ; nhưng nó là có thể tập luyện được bởi bất cứ ai. Tập bay bằng tay không là điều không thể đối với chúng ta, nhưng thiền tập làm cho tâm tĩnh tại và bình an là việc có thể làm được, dù ít hay nhiều, tùy theo căn cơ, nỗ lực và phương pháp đúng đắn của mỗi người). Hãy coi lại mình bạn có thể tạo được sự tĩnh-tại nhiều hay ít trong tâm mình? Cái tâm thực sự tĩnh lặng thì rất tĩnh-tại và bất-động, khó có thứ gì có thể xảy ra bên trong nó. Người tu không nên sợ ngại rằng sự “mơ mờ” trong tâm có thể xảy ra là hệ quả của sự tĩnh-tại. Sự mơ mờ đó sẽ biến nhanh thôi, và sự tĩnh-tại sẽ ngự trị, mạnh mẽ, và đầy năng lượng. Cái “năng lượng tĩnh”—đó là thứ người thiền đi tìm, đó là thứ ta thiền tập để có được nó. Trong trạng thái thiền sâu, tuyệt đối không còn sự chuyển động nào trong tâm, và lúc đó bạn có nhiều năng lượng hơn cả một lò phản ứng hạt nhân.

Đó là sự tu tập tiến-dần. Khi tâm càng ít làm việc, nó càng có thêm nhiều năng lượng, (lẽ tự nhiên này cũng dễ hiểu), và khi đó sự chánh-niệm được mạnh mẽ thêm một cách đáng ngạc nhiên. Với năng lượng đó sẽ tạo ra sự sáng bừng—đó là một sự sáng-tỏ đầy tính chăm sóc và đầy năng lượng một cách tự nhiên. Khi người tu có niềm hạnh phúc và niềm bi mẫn đi kèm với nó, nó càng dễ tiến sâu vào sự thiền quán “hơi thở đẹp ”. Lúc này người tu đã vượt qua điểm “bước-ngoặc”, cuộc xoay sở “leo núi” vất vả đã hết. Lúc này bạn không cần bỏ ra nhiều nỗ lực vất vả nữa; vì lúc này bạn đã biết buông bỏ, và khi bạn càng buông bỏ thêm nữa và nữa thì sự thiền càng tiến triển thâm sâu. Ở giai đoạn này năng lực buông bỏ cái “người làm”—tức cái “người điều khiển”, “người tạo tác ”—đang đạt tới đỉnh cao. Quý vị hãy thử tu tập, tu tập để nhìn thấy điều đó diễn ra (trong tâm mình).

Hiểu Phật

Nếu chúng ta quay lại các bài kinh để coi những gì Đức Phật đã nói, ta sẽ thấy những trải nghiệm vừa nói trên là khớp tương tự với những gì Phật đã mô tả trong các kinh. Vậy là bạn đã trở thành một Phật tử thực sự, không phải là một Phật tử về mặt trí thức hay bề ngoài. Bạn hiểu được những điều Phật đã nói và cách Phật đã sống, và cách Phật làm tĩnh lặng cái tâm của mình và làm cho các căn tâm linh khác được trở nên tĩnh tại, bình an và tột cùng hạnh phúc. Sự tu tập đó được phản ánh và thể hiện ra sức khỏe, thái độ và sự sống của bạn. Bạn trở thành người hạnh phúc hơn, thành một chúng sinh hữu dụng hơn. Và cuối cùng bạn sẽ có khả năng chia sẻ tất cả những năng lượng, trí tuệ, tâm bi mẫn, sự hiểu biết và sự trải nghiệm mình đã có được từ quá trình tu tập đó. Rồi lúc đó bạn có thể trở thành một người thầy, hoặc không cần danh nghĩa đó, bạn có thể chỉ dạy bằng cách làm gương cho người khác làm theo. Cách nào cũng được, cách nào cũng đáng quý và đáng làm.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh