Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 9. Hạnh Phúc Có Được Từ Sự Biến Mất

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 9. HẠNH PHÚC CÓ ĐƯỢC TỪ SỰ BIẾN MẤT

Trong khi Đức Phật đang khai giảng bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân (SN 56:11), ngài Kiều-trần-như (Anna Kodanna) đã chứng ngộ thành bậc Nhập Lưu. Trọng tâm của bài kinh này là giảng giải về sự khổ (dukkha), và Phật đã nhấn mạnh “sự khổ cần phải được hiểu biết một cách hoàn toàn thấu suốt”. Trong năm người ngồi nghe, chỉ có một mình ngài Kiều-trần-như đã hiểu một cách hoàn toàn và trọn vẹn ý nghĩa của sự khổ. Hiểu được khổ một cách hoàn toàn tường tận là một điều khó—bởi chúng ta có thiên hướng bẩm sinh không muốn nhìn nhận cái sự thật đó. Do đó tôi nghĩ rằng để có thể tu chứng tới thánh quả Nhập Lưu, chúng ta cần phải tập trung vào tính vô-ngã nguồn-gốc của cái ‘ta’ mà chúng ta luôn nghĩ nó có bên trong mình.

Mọi Sự Đều Do Điều Kiện (Mọi Pháp Đều Là Hữu Vi)

Trong bài kinh Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi Sutta, MN 9), vị thánh tăng Xá-lợi-phất (Sāriputta) đã tuyên thuyết giáo lý về tính vô-ngã. Dựa trên cái sườn Tứ Diệu Đế, thầy đã giảng giải mọi khía cạnh của thân và tâm, cho thấy rằng mỗi thứ của chúng đều hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên nhân mà có, và giảng giải cách chúng ta có thể trừ bỏ những nhân đó. Lý nhân duyên sâu sắc này có nghĩa: mọi sự đều có một nhân: do nhân duyên mà khởi sinh chứ không có một cái ‘ta’ cố định hay một thượng đế, hay một thứ gì thường hằng cả. Khi chúng ta hiểu được mọi sự thể đều có một nhân— nhân đó là một nguồn nhiên liệu và một cơ sở làm nó khởi sinh thì chúng ta cũng thấy khi nhân đó bị tiêu diệt thì sự thể đó cũng biến mất.

Cũng trong bài kinh đó, thầy Xa-lợi-phất cũng giảng giải hết về sự khởi sinh tùy thuộc (duyên khởi) và cho thấy thậm chí một tâm thức cũng có một nhân, và rằng nếu không có nhân đó thì sẽ không có thức. Đây là sự tuyên thuyết hùng hồn mạnh dạn, bởi vì thực tế tất cả mọi người—[trừ những bậc thánh nhân]—đều coi tâm thức [cái người-biết] là chính cái ‘ta’, cái ‘ngã’, hay ‘linh hồn’ của mình. Và do họ nhận lầm cái người-biết đó là cái ‘ta’ cho nên họ trân quý nó và không chịu buông bỏ nó.

Tính Vô-Ngã Của Năm Giác Quan

Chúng ta thường thấy có sự bất khả năng buông bỏ trong khi quá trình thiền tập. Tại sao vậy, ví dụ, tại sao ta không thể làm ngơ một chỗ ngứa hay chỗ đau chân? Tại sao ta không thể buông bỏ tiếng ồn xung quanh? Tại sao ta không thể buông bỏ quá khứ và tương lai? Tại sao ta không thể dừng cái tâm bất an động vọng lại? Thay vì cứ cố được tĩnh tại, chúng ta nên tìm hiểu tại sao ta không làm được nó. Nguyên nhân của sự bất an là gì, và nó phát sinh từ đâu? Luôn nhớ đây là con đường đạo Phật, là con đường điều tra tìm hiểu. Chúng ta không thể nào buông bỏ bằng sức mạnh ý chí; chỉ có thể bằng cách tìm hiểu mọi sự và truy ngược lại nguồn gốc khởi sinh của chúng thì ta mới có thể buông bỏ chúng. Điều gì tạo nên sự bất an động vọng? Dĩ nhiên có nhiều loại nguyên nhân, nhưng nếu bạn liên tục tìm hiểu truy nguyên bạn sẽ thấy cuối cùng đó vẫn chỉ là cái cảm nhận về có một cái ‘ta’, cảm nhận như mình có một cái ‘hồn’ cố định vậy.

Chúng ta không thể buông-bỏ bởi chúng ta nắm giữ thân và tâm của mình: chúng ta nghĩ chúng là ‘của ta’. Chúng ta không hề muốn buông bỏ chúng. Tất cả đều do cách nghĩ sai lầm, do nhận lầm thân và tâm là một cái ‘ta’, ‘của ta’. Nếu nghĩ đúng, nếu biết chúng không phải là của ta thì chắc sẽ buông bỏ dễ dàng hơn. Thử nghĩ coi, nếu buông bỏ những thứ không thuộc về mình thì sẽ dễ hơn nhiều. Nếu có thứ chẳng liên quan gì với mình thì nó có đi đâu, còn hay mất, là chuyện của nó. Vì vậy nếu chúng ta không sở hữu một tâm thức riêng, nếu chúng ta không nghĩ tâm thức là thứ sở hữu quan trọng nhất của mình, (nếu chúng ta không nghĩ tâm thức chính là linh hồn mình), thì chúng ta đâu phải quan tâm lo lắng tới nó khi thấy nó bắt đầu phai-biến trong khi thiền. Ví dụ, nếu thức âm thanh (nhĩ thức) phai biến và ta không nghe thứ gì, ta đâu còn quán tính thông báo cho tâm ‘bật mở’ lại giác quan nghe (vì có bật lên ta cũng đâu còn nhận thức gì, thức nghe đã phai biến). Đơn giản ta không còn quan tâm nó nữa; ta đã buông bỏ nó. Khi các bộ phận của thân phai biến, và ta không thể cảm giác được chúng nữa; ta không lo lắng chúng nữa. Ta không ‘bật mở’ lại xúc giác nữa đơn giản vì ta muốn không có cảm giác nữa.

Khởi đầu, điều này có nghĩa là ra khỏi vùng cảm khoái, bởi vì cách trải nghiệm thế giới thông thường qua các cổng giác quan giờ đã không còn nữa. Chúng ta quyết đi ra khỏi đó bởi chúng ta có niềm tin và bởi chúng ta bắt đầu hiểu rằng các giác quan không thuộc về ta, không phải là của ta. Khi chúng ta càng hiểu các thức- giác quan không phải là ‘ta’ thì chúng ta càng ít quan tâm tới chúng. Ngược lại nếu chúng ta vẫn nghĩ chúng là ‘ta’, là ‘của ta’, thì chúng ta cứ dùng chúng để xây chắc thêm cái cảm nhận về một danh tính cố định của mình. Chúng ta nghĩ chúng ta tồn tại nhờ những hoạt động như nhìn, ăn, ngửi…- đó là các trải nghiệm giác quan tạo cho chúng ta có cảm nhận đang sống, đang tồn tại. Chúng ta cần có niềm-tin và ít nhiều mày mò, phải chịu tu thử, chịu tu tập rồi mới đi lần tới sự hiểu-biết thì lúc đó chúng mới dẹp bỏ được cái lớp-vỏ hiện-hữu bên ngoài; lớp vỏ ngoài chỉ bao gồm năm thức giác quan đó mà thôi. (Vì có các thức nhận thức các cảm giác của năm giác quan nên chúng ta nghĩ cái ‘ta’ thực sự đang sống và đang hiện hữu). Khi các thức giác quan bắt đầu phai biến thì toàn bộ cái nhận thức ‘đang-sống đang-hiện-hữu’ của chúng ta cũng thay đổi: chúng ta không còn sống trong thế giới nữa. (Bởi chúng ta đã nghĩ sống trong thế giới có nghĩa là phải có các thức giác quan hoạt động theo năm giác quan). Sống trong thế giới là trong thế giới của năm giác quan: nhìn, ngửi, nghe, cảm giác, lo nghe những gì người ta nói, quan tâm tới những đối tượng giác quan khác nhau. [Chúng ta đang nói về thiền, về cách nhìn về sự sống trong thế giới của năm giác quan; chứ ở đây không nói chung chung theo nghĩa sống trong thế gian với các hoạt động mua, bán, làm này, làm nọ…].

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Tôi nhấn mạnh chỗ này bởi vì: nếu các bạn hiểu được chỗ này cũng là một đường tắt đi đến hiểu thấy sự-thật của sự sống, và từ đó có thể tu tập buông-bỏ dễ dàng hơn. (Nếu không hiểu biết, nếu không có trí tuệ, thì rất khó buông bỏ). Bởi vì nếu các bạn có thể nhìn thấy những thức-giác-quan đó không phải là cái ‘ta’ hay ‘của chúng ta’, rằng chúng không liên quan gì chúng ta, thì rõ ràng chúng cũng chẳng phải do chúng ta điều khiển. Quá nhiều người suốt cả đời chỉ muốn sống mà không nhìn thấy những điều khó ưa, không muốn nghe những lời chửi bới hung hăng từ người khác, và không muốn bị những trải nghiệm khó khổ đau đớn nào. Họ luôn dùng đủ thứ cách trị liệu; họ tới bác sĩ, uống thuốc giảm đau, thuốc an thần an tâm, thuốc siêu giảm đau như moọc-phin, hoặc làm bất cứ cách gì để tránh sự đau đớn của cái thân—nhưng…họ chẳng bao giờ làm được, chẳng bao giờ có thể trị hết mọi sự khổ đau bằng những cách thế gian như vậy. Họ không thể làm được bởi vì những trải nghiệm khổ đau có những nhân từ tự nhiên và từ nghiệp. Nhân của sự già, bệnh, chết là sinh. Vì có sinh nên mới có già, bệnh, chết. Đã được sinh ra thì phải bị dính rồi: phải bị khổ, đau đớn, già, bệnh, yếu, và chết. Có ai tránh được đâu! Do chúng ta không thể nào tránh thoát được những điều đó, vậy tốt hơn chúng ta nên biết chấp nhận chúng và buông bỏ, không kháng cự hay cố thay đổi chúng.

Khi chúng ta hiểu được những giác quan chẳng liên quan gì ta, chúng ta từ bỏ sự quan tâm can dự vào chúng và để mặc cho chúng tự phai biến—ngay cả cái cảm giác đau nhức trong thân. Làm sao đang bị đau đớn mà vẫn mỉm cười? Vì nhờ hiểu biết rằng nếu các giác quan không liên quan gì ta thì sự đau nhức đó cũng đâu phải là ‘của ta’. Và nếu sự đau nhức không liên quan gì ta, không quan trọng đối với ta, thì ta có thể dễ dàng làm ngơ với nó. Thường chúng ta chỉ chú tâm vào thứ gì chúng ta nghĩ nó là quan trọng.

Rất hấp dẫn khi chúng ta xem xét những thứ người ta thường coi là quan trọng. Ví dụ khi họ quan trọng một trận đá banh hay một bộ phim trên TV, thì họ vừa ăn tối vừa coi luôn, nhưng như vậy họ cũng đâu thưởng thức được món ăn. Thức ăn lúc này không quan trọng, trận đá banh hay bộ phim đang coi mới là quan trọng. Họ thậm chí không biết mình đang ăn cái gì. Vậy thì, liệu quý vị có thể quan sát hơi-thở với một sự chú tâm cao độ như vậy trong khi đang ăn mà không còn để ý mình ăn gì? Được không? Liệu quý vị có thể quán xét ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã với một sự chú tâm cao độ như vậy mà không còn để ý gì tới mùi vị thức ăn hay không? Lý do ta còn chú tâm tới mùi vị thức ăn là do ta còn coi thức ăn là quan trọng. Và lý do nó quan trọng với ta là do những trải nghiệm giác quan tạo nên cảm nhận về một cái ‘ta’, cảm nhận một danh tánh riêng biệt, cảm nhận đang-sống và đang hiện hữu. Nhưng khi tu theo con đường đạo Phật chúng phải ta đi ngược lại. Khi chúng ta quán xét và hiểu rõ những giáo lý trong kinh “Chánh Kiến” [Sammādiṭṭhi Sutta (MN 9)] hay kinh “Hình Tính Vô Ngã” [Anattalakkhaṇa Sutta (SN 22:59)], chúng ta nhìn thấy mọi thứ theo một cách khác. Năm giác quan không liên quan gì ta—chúng hoạt động do những nhân, có nghĩa là chúng có thể bị tắt bặt khi các những nhân đó bị tiêu diệt. Khi chúng tắt bặt thì không còn chuyện gì nữa—ta chẳng quan tâm nữa. Ta chẳng kích hoạt chúng nữa; ta buông bỏ chúng.

Khi năm giác quan biến mất trong một khoảng thời gian lâu, ta tiến vào trạng thái tầng thiền định jhāna. Công thức tả thực về tầng thiền định đầu tiên là “vivicc’eva kāmehi”—nghĩa là “cách biệt, tách ly, rời xa, và không còn dính hoạt động của năm giác quan”. Ta không còn cảm giác thân bởi tâm đang ở ngoài tầm với của năm giác quan trong thời gian chứng nhập tầng thiền định. Nếu bạn nhìn thấy năm giác quan không phải là ‘ta’, thì đó chính là trí tuệ quan trọng bắt đầu chứng ngộ lời nói của Đức Phật về tính vô- ngã. Nếu chúng ta chưa trải nghiệm tầng thiền định, nếu chúng ta chưa buông bỏ đủ để chứng đạt tới tầng thiền định, hãy tự hỏi mình tại sao. Nguyên nhân của sự dính chấp là gì? Nguyên nhân nào làm chúng ta còn quan tâm tới thân, những âm thanh, những cảm giác, những mộng tưởng, mơ mộng và những đối thoại bên-trong? Hãy nhắc mình rằng tất cả mọi thứ đó đều nằm trong cảnh giới năm- giác-quan, và do vậy chẳng liên quan gì mình. Các thức giác quan còn tiếp tục là vì còn những nhân, và một trong những nhân chính chính là sự quan-tâm và can-dự của ta vào đó trong đó—nói cách khác, đó chính là sự dính-chấp, ràng-buộc. Do vậy chúng ta phải cắt bỏ ngay chỗ đó, và buông bỏ nó.

Mua đá năng lượng:

Chúng ta thường nói về sự ràng buộc dính mắc, chúng ta nói chúng ta dính chặt với (không bỏ được) thức ăn, ái tình, phim ảnh, sự ngủ…, nhưng chúng ta không biết sự ràng buộc dính mắc đó thực sự là gì. Đó là do chúng ta nhận những thứ đó là ‘ta’, ‘của ta’. Trở ngại chính là cái ‘ta’ ở bên trong, cái gì cũng vì ‘ta’: ta cần ngủ, ta, cần đọc sách, ta cần nghe nhạc… Cái ‘ta’ cần. Nếu sự thiền không tiến triển không đi sâu là do cái ‘ta’ còn nắm giữ những thức giác quan, coi các thức đó là ‘ta’.

Để thiền tập cho thành công không phải chỉ cần quan sát hơi- thở hàng nhiều giờ, tìm nơi yên tĩnh trong rừng trên núi, ngủ vừa đủ…(như các chỉ dạy cho người tu). Những điều kiện cho thân đó có thể đã hoàn hảo, nhưng đó chưa đủ—cần phải có thêm thứ khác. Đó là thứ nhìn thấy sâu sắc sự thật rằng: năm thức giác quan là không liên quan gì với ta. Khi đã nhìn thấy rằng chúng không phải việc của ta, thì ta không thèm chơi với chúng nữa, rồi ta buông bỏ chúng, và để chúng tự phai biến. Khi chúng phai biến, chúng ta đạt tới một trí tuệ quan trọng: đó là niềm hạnh-phúc của tầng thiền định jhāna khởi sinh nhờ năm giác quan—cái đống khổ—đã biến mất.

Buông-Bỏ Thức của giác quan Tâm (Tâm-Thức)

Bước kế tiếp là buông bỏ tâm thức luôn—bước này là hệ trọng vì nhiều người bị kẹt chỗ bước này. Buông bỏ tâm thức là nhìn thấy cái tâm, citta, đúng chính xác như nó là. Thức của tâm hay tâm-thức là thức của giác quan thứ sáu [tâm]. Cũng giống như năm loại thức kia, nhân làm khởi sinh tâm-thức chính là danh-sắc (nāma-rūpa). Đây là cách miêu tả của thầy Xá-lợi-phất với ví dụ hai bó song mây dựa vào nhau (kinh SN 12:67). Danh-sắc (nāma- rūpa) căn bản là đối tượng của thức, vì thức ý thức về những cảm giác (thọ), những nhận thức (tưởng), và ý chí hành động (hành); đó là những mặt đa dạng khác nhau của trải nghiệm. Danh-sắc và thức dựa vào nhau: nếu ta lấy đi một thứ là lấy đi chỗ dựa của thứ kia, nên thứ kia cũng không còn. Thức không thể nào tự mình nó có mặt mà không ý thức về thứ gì. Nếu danh-sắc biến mất, thức cũng biến mất. Đây là điều chúng ta sẽ nhìn thấy khi chúng ta tiến vào những tầng thiền định thâm sâu hơn: lúc đó những phần của tâm-thức biến mất. Khi nhìn thấy điều này, người tu không còn dính mắc mê đắm trong (tâm thức) tầng thiền định thứ nhất, bởi người tu đã biết rằng: ngay cả tâm-thức cũng không liên quan tới mình.

Ngài Xá-lợi-phất đã nói trong kinh “Chánh Kiến” (Sammādiṭṭhi Sutta) rằng thức thì có sáu loại, rằng nó có một nhân, và rằng nó (sẽ) ngừng diệt (kinh MN 9.58). Thầy cũng nói rằng cách để ngừng diệt thức là còn đường tám phần (Bát thánh đạo). Sự chấm dứt khổ bao gồm sự chấm dứt thức. Diệt thức là diệt khổ. Bằng cách trực chỉ như vậy, thầy Xá-lợi-phất đã thực sự phơi bày con đường thực tế trực chỉ của Giáo Pháp.

Mất cảm giác ở tay là một chuyện, giống như một nữ Phật tử đã trải nghiệm trong một khóa thiền mấy năm trước đây, như tôi đã kể trong chương trước; nhưng…mất đi “thức” của mình—điều đó nghe thực sự giống như cắt rọc vào tận xương tủy của ta. Nhưng như Phật đã nói, đây chính là một phần việc trong cái gói “diệt- khổ”. Nghe điều này khiến chúng ta ngồi dậy, tỉnh dậy, và nhận lấy cái giáo lý thâm thúy này của Phật.

Và không phải chỉ có thức ngừng diệt mà cảm giác và tất cả những yếu tố tùy thuộc khởi sinh (duyên khởi) khác cũng chấm dứt. Đức Phật đã nói nếu chúng ta tu tập con đường tám phần (Bát Thánh Đạo) thì nó sẽ dẫn tới sự chấm-dứt tất cả mọi cảm giác (thọ), mọi sự đau khổ (khổ), mọi sự khoái sướng (lạc), và thậm chí chấm dứt cả những cảm giác trung tính (xả). Điều đó rõ ràng mục tiêu của đạo Phật không phải là những trạng thái hạnh phúc hoặc buông xả là cuối cùng, mà là trạng thái Bát-niết-bàn (parinibbāna) trọn vẹn. Các bạn có thể nghĩ như vậy là nhiều quá, xa quá; nhưng vấn đề là chúng ta cũng đâu mất gì; đằng nào cũng đâu có cái ‘ta’ nào thực sự. Toàn bộ ảo tưởng về cái ‘ta’—như ‘ta có những cảm giác’, ‘ta làm này làm nọ’, ‘ta là trung tâm của sự sống, là ‘hồn’ của sự hiện hữu này’—giờ đã bị lộ tẩy, tất cả nó chỉ là một tiến trình nhân- quả chứ không phải một cái ‘ta’ cố định nào cả. Giờ thì bạn đã bạn trải nghiệm được, với một cái tâm rõ ràng sáng suốt nhất, rằng không thực sự có ‘ai’ ở trong đây cả, và nhờ đó bạn thấy hạnh phúc trên con đường tiến tới niết-bàn.

Khổ-Đau Là Một Vấn Đề Nan Giải

Đa số mọi người đều nghĩ rằng sự ngừng diệt chấm dứt “tâm thức” là một kiểu ‘tự sát’ về tâm linh. Nhưng vấn đề là nếu ta không làm vậy ta sẽ khổ đau hoài hoài mãi mãi như trong địa ngục. Tùy bạn chọn: bạn có thể tiếp tục chịu khổ đau hoặc có thể tu tiến tới bát-niết-bàn giải thoát như mới tả ở trên. Nhưng khi chúng ta thực thụ hiểu biết bốn diệu đế (bốn chân lý về khổ) và biết rõ khổ là bản chất tất nhiên có sẵn bên trong tất cả mọi sự sống, thì bạn sẽ nhận ra “niết-bàn giải thoát” là chọn lựa duy nhất. Chỉ có trạng thái vô-khổ mới là giải pháp rốt ráo cho tất cả mọi sự khổ!

Khi khổ đau thể hiện, dục vọng được phát khởi. Khổ là một sự khó khăn nên chúng ta cảm thấy phải làm gì đó để bớt khổ, điều đó làm ta chuyển động: từ chỗ này tới chỗ khác, từ một người tại gia thành một người xuất gia, hoặc từ một người xuất gia trở thành người tại gia. Khổ là thứ làm thế giới quay cuồng điên đảo—nếu không có khổ đau thì ta luôn được hài lòng, thì ta đâu cần động chuyển làm gì. Đó là lý tại sao khi ta càng hài lòng và hạnh phúc, thì ta càng bất động và tĩnh tại. Lý do trạng thái tầng thiền định jhāna là trạng thái vô cùng tĩnh tại là do nó hạnh-phúc vô-vàn đến nỗi tâm không cần động chuyển gì nữa, nó đâu cần đi tìm hạnh phúc ở chỗ khác nữa. Mức độ động-chuyển cái thân hay tâm là thể hiện mức độ khổ-đau ta mà đang trải nghiệm. Càng khó khổ trong khi thiền thì ta càng bất an động vọng. Nếu không có khổ hoặc chỉ có chút ít khổ, ta có thể ngồi thiền hàng mấy giờ liền, tĩnh tại và bình an. Tại sao? Bởi khi không có khó khổ thì đâu có gì để làm, để động chuyển.

Vậy chính khổ là thứ khiến chúng ta chạy từ chỗ này tới chỗ khác, đi từ sự tái sinh này tới sự tái sinh khác, cứ mãi đi tìm một giải pháp. Luôn cố đi tìm một giải pháp cho sự khổ đau là ý nghĩa chính của cuộc sống, nhưng giải pháp chấm dứt khổ đau lại không thể tìm thấy trong thế giới hay trong vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra). Cũng không có cõi trời nào sau này bạn có thể sống mãi mãi ở trên đó; nếu bạn suy nghĩ về cõi trời thì bạn sẽ nhận ra không thể nào có một cõi vĩnh hằng như vậy ở đó. Lấy ví dụ món ăn ngon nhất của bạn: nếu bạn mê ăn món đó và cứ ăn, chỉ sau vài lần bạn thấy chán ngán ngay. Chuyện cũ như trái đất. Bạn không thể chỉ có sướng khoái mãi mãi, bởi vì khoái lạc nào, hạnh phúc nào, cũng tùy thuộc vào cái xảy ra trước nó. Nếu chúng ta nhìn kỹ nhìn sâu vào sự khoái lạc ta sẽ thấy nó chẳng qua chỉ là một khoảng-dừng giữa hai chặng khổ mà thôi. (Nếu nhìn theo kiểu so sánh tương đối). Lý do bạn thấy món đó ngon là do ít lâu bạn chưa ăn nó thôi; và sau khi ăn đã xong bạn sẽ không ăn nó sau đó nữa. (Nếu trước đó bạn đã ăn nó nhiều, giờ ăn đâu thấy ngon; nếu ngay sau lúc ngon đó bạn có tiếp tục ăn sau đó thì bạn cũng đâu thấy ngon nữa). Nếu bạn ngồi nguyên ngày nhét món đó vô bụng thì sao thấy ngon nữa. Theo lý đó, một cõi trời hạnh phúc vĩnh hằng mãi mãi đơn giản là không tồn tại; bởi ta chỉ biết cái gì là sướng khi ta đã biết cái gì là khổ; không có khổ đau thì so cái gì để biết sướng khoái. Nói cách khác, không bao giờ có niềm hạnh phúc hay sự thỏa mãn hoàn toàn và kết cục trong thế giới này.

Nếu bạn đi hỏi người ta có thực sự hài lòng ‘mãn-nguyện’ hay không, đừng tin vào câu trả lời của họ. Tự mình nhìn và thấy: có ai thực sự tìm thấy sự chấm dứt khổ đâu, cùng lắm họ chỉ chặn bớt khổ trong một lúc nào thôi. Tôi thì thấy rõ, tôi thấy người già, người bệnh, người chết, người có những sự khổ đau ngoài sức tưởng tượng. Tôi cũng thấy người hạnh phúc, nhưng tôi biết hạnh phúc đó chỉ là khoảng-dừng giữa những chặng khổ. Rốt cuộc rồi ai cũng già, đau, bệnh và chết. Những cặp vợ chồng được hạnh phúc trong một thời gian, rồi thường cũng tới nhanh thời cãi cọ bất đồng không nhiều cũng ít, hoặc thậm chí tới ly dị; kéo theo sau đó là những thất vọng, bực tức, buồn đau, hoặc thậm chí tuyệt vọng chán đời. Có người có tuổi thơ rất hạnh phúc, nhưng thời sau đó lại khác đi. Có người tuổi thơ quá bất hạnh, thời sau đó tốt hơn, nhưng kiếp sau có thể gặp phải cha mẹ tệ bạc. Những người đang có cha mẹ tệ bạc hoặc cuộc sống khốn khổ bây giờ là thời tương lai của kiếp trước. Kiếp sau của chúng ta là thời tương lai của kiếp này. Những sự sướng khổ đa dạng trên đời đã quá đủ để ta biết suy xét và biết sợ hãi với những sự tái-sinh ở những kiếp sau. Chỉ dựa vào sự khôn khéo và những nghiệp tốt trong kiếp này không có nghĩa là bạn sẽ thoát được hết khổ đau trong kiếp sau. Ai cũng có một đại kho tàng những nghiệp tốt và nghiệp xấu; tương lai là không biết chắc được, tương lai là khó nghĩ bàn.

Một trong những giáo lý của Phật mà tôi thích nhất là ví dụ về khúc cây (kinh SN 15:9, 56:33). Hồi tôi mới đọc tôi cũng thấy run sợ. Ví dụ đó nói về sự chín muồi của nghiệp ngay lúc chết: nghiệp quả sẽ ra sao ngay lúc chết là không thể biết chắc được, cũng giống như ta quăng một khúc cây lên trời: đầu nào nặng thường chạm xuống đất trước; nhưng cũng không chắc: nhiều lúc đầu nhẹ chạm đất trước (tùy theo độ cao, lực quăng, hướng quăng, tỷ trọng nặng nhẹ của hai đầu…rất nhiều yếu tố cũng giống như sự đa-dạng và sự khó-nghĩ-bàn của tất cả các nghiệp và nghiệp quả). Tương tự như vậy, ngay cả khi bạn làm nhiều nghiệp tốt—rộng lượng bố thí, giữ giới hạnh, hiền từ, giữ tâm trong sạch, và thiền tập—thì vẫn có khả năng những nghiệp xấu sẽ chín muồi trước thành nghiệp quả xấu ngay lúc chết. Mọi người đều có một kho nghiệp xấu—nếu không phải trong kiếp này thì trong nhiều kiếp trước. Dù nghiệp xấu không chín quả khi ta chết (lành thay khi được vậy), nhưng chừng nào ta còn ở trong vòng luân hồi sinh tử thì ta vẫn còn nếm trải mọi thứ khổ đau vô tận—còn rớt vào trong địa ngục, trong cảnh giới súc sinh, hoặc trong những hoàn cảnh khó khổ đau khổ như cảnh trong kiếp người. Chúng ta chỉ an-toàn nếu chúng ta hiểu thấu và chứng ngộ tính vô-ngã và trở thành một bậc thánh Nhập Lưu vào dòng thánh đạo xuất thế gian.

Cảm-Nhận về Cái ‘Ta’ Chính Là Gốc Rễ Của Khổ

Vòng luân hồi sinh tử, saṃsāra, thật là kinh khủng. Chúng ta không còn kịp bỏ phí thời gian nữa; chúng ta không còn kịp đùa giỡn hay ỷ lại chút nào nữa đâu. Nếu đã hiểu được như vậy và bắt đầu biết từ-bỏ là việc làm đáng được ngưỡng mộ. Nhưng nếu đã bắt đầu từ bỏ mà còn quay trở lại thế gian thì đúng là điên khùng, đặc biệt những người đã đi tu rồi mà sau đó lại bỏ y hoàn tục. Điều đáng làm và có ý nghĩa là ở lại luôn trên con đường và tu tập. Đây không chỉ nói về sự tu tập để đạt định hay chứng đắc được tầng thiền định, mặc dù những mục tiêu đó cũng là một phần quan trong của sự nghiệp tu hành. Nhưng quan trọng nhất là thực sự nhìn thấy và hiểu biết ‘ai’ hoặc ‘cái gì’ đang thực sự ở trong chúng ta. ‘Cái gì’ luôn tạo tác sự khích động, cái gì luôn đến rồi đi, luôn này luôn nọ? ‘Cái gì’ bị tức giận? ‘Cái gì’ làm suy nghĩ? ‘Cái gì’ làm tức giận? ‘Cái gì’ giận dữ? ‘Cái gì’ là nguồn nhân tạo tác? Cứ nhìn theo hướng của người tự trải nghiệm để tìm hiểu: Cái gì cảm giác khổ và sướng? Cái ý chí (ý hành) có từ đâu khi cái ‘ta’ chọn nó để làm điều gì? Tâm chuyển động để được điều gì, cái gì thực sự đang được? Khi ta càng biết dùng sự hiểu biết và tĩnh tại đã tu tập được trong thiền để xem xét cái tiến trình đó, thì nó sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Hãy cẩn thận: đừng nhìn ra bên ngoài, chỉ nhìn vào bên-trong này—nhìn ngay vào cái mình bị ràng buộc, hơn là nhìn nơi sự ràng buộc phát sinh hoặc cái gì làm sự ràng buộc. Hãy nhìn vào nơi xuất phát của mọi sự và đặc biệt tập trung chú ý vào những mối liên hệ nhân-quả. Những ý nghĩ có từ đâu? Cứ nhìn, cứ nhìn và bạn sẽ thấy rằng chúng xuất phát từ cái cảm nhận về cái ‘ta’ cố định (ngã kiến, ngã chấp), và dục vọng tham muốn của ta đang xây tạo và củng cố một danh tánh cái ‘ta’ đó. Đó không phải cái ‘ta’ kiểu “Ta có suy nghĩ là ‘ta’ có tồn tại” (như kiểu triết học phương Tây); mà thưvj chất đó là cái ‘ta’ theo kiểu khác nữa, đó là: do bạn muốn được hiện hữu, cho nên bạn suy nghĩ. Bạn muốn tạo thế giới của mình, danh tánh của mình, cái ‘ta’ của mình.

Khi bạn tạo ra thứ gì, trước tiên nó rất đẹp đẽ; nhưng rồi cũng như chuyện cổ tích, tất cả mọi sự sáng tạo cuối cùng đều làm khó người sáng tạo. Tôi đã làm việc nhiều để xây tạo Tu viện Giác Thừa (Bodhinyana Monastery) ở Tây Úc này, cứ tạm cho là cái tôi tạo ra. Nhưng nếu tôi không cẩn thận thì chỗ tu viện này cuối cùng cũng làm khổ tôi, chi phối tôi: tôi cứ phải suy nghĩ và lo lắng về tu viện suốt ngày đêm. Ví dụ nếu bạn tìm thấy người bạn yêu thương, lúc đầu bạn nghĩ bạn có người ấy, nhưng sau đó trở thành sự người ấy sở hữu bạn. Khi bạn mất đi năng lực và sự tự do, tạo vật của bạn có thể biến thành quỷ dữ ăn tươi nuốt sống bạn luôn. Vì vậy, thay vì cứ muốn tạo lập tạo tác này nọ—thay vì cứ muốn thành này thành nọ—chúng ta nên tâm nguyện có được sự tĩnh-tại là tốt nhất. Khi bạn được tĩnh lặng và bình an, tâm trở nên cân bằng—nó không bị chòm lên chụp xuống, không bị những khó khổ, không cần phải tạo ra cảm nhận về cái ‘ta’. Bạn làm lắng dịu mọi thứ bằng cách làm lắng dịu sự tạo thành, tạo tác. Khi dục vọng—tham muốn, ý muốn, và sự chọn lựa—phai biến đi, thì sự khích động cũng phai biến mất.

Nếu Bạn Muốn Niệm Hạnh-Phúc Đích Thực, Hãy Biến Mất

Hàng năm tôi có tới sự lễ trao huy chương Curtin (Curtin Medal Awards). Tôi luôn thích tới những buổi lễ đó—bạn có thể nghe những câu chuyện về những người hết lòng phục vụ và giúp đỡ cộng đồng. Vài năm trước họ cũng trao tặng tôi một huy chương trong số đó. Tôi nhận ra rằng, cũng đúng như trong sự tu hành đúng đắn, khi bạn càng biến mất bạn càng nhận được phần thưởng và sự công nhận từ người khác. (Bạn càng quên mất mình, càng cố gắng phụng sự cho những người khác, thì bạn nhận được nhiều công đức và sự trân trọng của người khác). Nhưng vì bạn đang biến mất nên thực sự chẳng còn chỗ nào để treo cái huy chương đó lên. Người biến mất cố gắng treo huy chương lên nhưng vừa thả tay ra nó cứ tuột rớt xuống; nó không dính được, bởi không còn chỗ nào để bám.

Khi bạn tu tập con đường đạo bạn sẽ dần đần biến mất. Nếu bạn hiểu được nghĩa của sự biến hình và biến mất—đó là sự tĩnh-tại và vắng-lặng—thì bạn bắt đầu hiểu được tính vô-ngã (anattā). Bởi vì khi bạn càng tĩnh lặng hơn thì bạn càng ít hiện hữu hơn—càng ít cái cảm nhận về cái ‘ta’, ít cảm nhận ‘ta’ đang-sống, ta đang hiện hữu. Điều này nghe có vẽ đáng sợ, nhưng nó thực sự đẹp đẽ. Đúng thực, ở đó chỉ có niềm hạnh phúc, bởi khi bạn càng buông bỏ cảm nhận cái ‘ta’ thì bạn càng tự do khỏi mọi loại khó khổ. Và chính cái khuynh hướng được tự do khỏi khổ sẽ đưa bạn đi xa thêm sâu thêm vào con đường đạo. Có thể phải mất nhiều năm tu hành, hoặc có thể vài năm, nhưng rốt cuộc điều quan trọng là phải biết kiên trì kiên nhẫn, luôn ở trên con đường đạo, và sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc của sự biến-mất.

Trong đời sống người xuất gia, một phần của sự biến mất đó là mặc y cà-sa giống nhau và cùng hớt đầu trọc như nhau. Các tu sĩ chúng tôi ở đây không có dấu hiệu riêng, màu sắc riêng, hay đai này đai nọ để phân biệt người này với người kia trong Tăng đoàn trong chùa. Nếu tôi không đứng ở đầu hàng thì chẳng ai biết tôi là một tăng có tuổi hạ cao hay thấp, là sư huynh, hay sư chú, hay trụ trì. Chúng tôi cũng luôn giữ im-lặng. Tại sao người ta nói chuyện? Họ nói để muốn nói: “Tôi đây nè”. Bằng cách im lặng chúng ta phai biến và biến mất phía sau, khó ai biết chúng tôi đang ở đây, ngay cả chúng tôi cũng không biết mình đang ở đây. Bạn càng biến mất bạn càng hạnh phúc; bạn càng biến hình bạn càng trải nghiệm niềm vui sướng; bạn càng ít hiện hữu thì bạn càng cảm nhận niềm chân phúc. Tôi muốn nói với các bạn đây là tất cả những gì Giáo Pháp muốn chỉ tới. Nhưng lời tôi nói vẫn chỉ là lời nói, không thể nào so được với sự trải nghiệm thực sự mà các bạn sẽ tự mình trải nghiệm.

Làm Lắng Dịu Ý Chí Một Cách Hoàn Toàn

Cuối cùng người tu có thể đạt tới rất tĩnh-tại cho nên tâm không chuyển động nữa, và người đó trải nghiệm niềm hạnh-phúc khi mình không còn bị phiền nhiễu sai xách bởi ý chí. Từ những trải nghiệm đó, đặc biệt trong tầng thiền định thứ hai [như chúng ta gọi], chúng ta nhìn thấy một cách rõ ràng cái chúng ta gọi là “ý chí”, hay “sự chọn lựa”, tức “ý hành”, là kẻ hành hạ, giống như kẻ cứ quất roi vào bạn và đốt cháy bạn và nhổ móng tay bạn. Nhưng mọi người lại rất trân quý cái ý-chí của mình: họ muốn tự do ý chí; họ muốn tự do chọn lựa; họ muốn chạy theo những tham muốn của mình. Họ không nhận ra họ đang bị dẫn lừa bởi cái ‘cảm giác có cái ‘ta’’ của mình.

Thật tuyệt vời khi ngồi trong cốc, trong hang động, trong phòng và không muốn gì. Nếu có ai hỏi ta cần gì không, ta cũng không quan tâm. Tưởng tượng bạn có một vị thần trong một cái chai cho bạn ba điều ước—bất cứ điều ước nào bạn có thể nghĩ tới—nhưng với tất cả sự chân thành, bạn nói nên nói: “Không, cảm ơn”. Nếu làm được vậy, thì bạn có được sự tự-do khỏi tham muốn. Sự tự-do đó là một trạng thái đẹp của tâm. Trong một khóa tu hay một kỳ tu liên tục có lẽ các bạn cũng thấy những lúc mình đang ngồi trong phòng hoặc đang đi trên lối đi mà không hề muốn bất cứ điều gì, không còn muốn bất cứ thứ gì khác trên đời này nữa. Đó là một cảm giác tuyệt đẹp! Vẻ đẹp đó là kết quả của sự tự do, của sự không còn tham muốn gì. Bạn không còn muốn đi đâu nữa; bạn không cần gì nữa; chẳng còn thiếu thứ gì. Khi tham muốn biến mất, một trạng thái hoàn thiện khởi sinh.

Bạn nhìn thấy tham muốn và kéo theo là ý chí [ý hành, cetanā]—là một phần biểu hiện của khổ. Ý chí ý hành là kẻ hành khổ cứ đẩy, kéo, quay tít chúng ta liên tục. Nhiều lúc mọi người cố ngăn chặn ý chí, cố ngăn chặn ý nghĩ. Những chính cái hành động đó lại kích thêm ý chí. Cố gắng trấn áp ý chí chỉ tạo thêm nhiều sự kích động, và do vậy làm cản trở và phá hoại sự tĩnh tại bình yên và sự thiền thực thụ.

Bạn có thể chịu khó làm hết những trách phận và nghĩa vụ ở trên đời. Nhưng nếu bạn có cơ hội thoát khỏi những lo toan và trách phận, bằng sự không làm gì cả, không còn trách phận và lo toan, thì sự sống sẽ tốt lành hơn nhiều. (Đây là đang nói theo cách nhìn của nhà Phật, không nói theo cách nghĩ của thế gian, bởi người đời luôn nghĩ rằng sự sống là làm này làm nọ, là tranh đấu, là thực hiện những trách phận và lo toan mọi thứ liên quan tới ‘ta’ ở trên đời). Bạn cũng có thể nghĩ sự không-làm-gì trông như lười biếng, nhưng nếu cả đời thân tâm bạn cứ luôn luôn làm này làm nọ thì cả đời bạn sẽ không hiểu được sự “lười biếng” đích thực nghĩa là gì. Sự “lười biếng” ở đây không phải nghĩa thông thường bạn nghĩ, đó không phải là thân nằm dài ra đó không làm gì, mà là cái tâm nên nằm yên, tâm nên không-làm-gì, không-tạo-tác điều gì— đó là một cái tâm có ý chí (ý hành) của nó đã im lặng và ngừng lại. Đó là tôi muốn nói tới sự “ở-không không-làm-gì là tốt lành” của cái tâm, đó là sự ở yên bất động của cái tâm, đó là trạng thái những tầng thiền định thâm sâu (jhāna) nơi không còn thứ gì chuyển động trong suốt nhiều giờ. Đây là những trạng thái đẹp ngoài sức tưởng tượng, nơi 99% cảm-nhận cái ‘ta’ đã biến mất, nơi có sự tĩnh tại bất động chắc-chắn như bàn thạch (theo cách mô tả trong kinh điển). Rồi sau đó, khi bạn thoát ra khỏi trạng thái tầng thiền định, bạn quán tưởng lại và nhận biết lại rằng: lúc ở trong tầng thiền định cái ý chí (ý hành) đã bị làm tắt bặt, bởi vì chỉ khi nào ý chí bị làm lắng lặn hoàn toàn thì mới không còn sự chuyển động. Khi không còn sự chuyển động chính là trạng thái hạnh phúc vô vàn—nó thực là sâu đậm, thực là tự do. Giờ chúng ta đã hiểu cái ý chí, tức ý hành (cetana) chính là kẻ hành khổ tạo khổ; chính nó luôn khích động và cản trở niềm hạnh phúc và bình an của cái tâm.

Trải Nghiệm Trọn Vẹn Tính Vô-Ngã

Có hai thành trì kiên cố bảo vệ cái ‘ta’ (ngã kiến), đó là: (i) coi mình là cái “người-làm” và (ii) coi mình là cái “người-biết”. Đa số mọi người đều cho rằng sự-biết và sự-làm chính là lãnh địa của họ, ở đó họ kiểm soát điều khiển hoàn toàn mọi thứ. Nhưng khi bạn tu tập con đường (buông-bỏ) của đạo Phật, bạn bắt đầu thấy rằng sự cố gắng kiểm soát điều khiển chỉ càng gây ra nhiều đau khổ và khổ mà thôi. Sau cùng bạn cũng nhìn thấy rằng: không có hy vọng nào tìm thấy sự thỏa mãn viên mãn bằng con đường kiểm soát điều khiển.

Khi bạn bắt đầu thấy được giá trị của những giáo lý đó, bạn bắt đầu được kéo theo hướng ngược lại. Đi ngược lại với sự kiểm soát điều khiển có nghĩa là ý chí sẽ dần biến mất, và ta cảm thấy tốt lành hơn; những cảm giác cũng phai biến dần, và ta cảm thấy kỳ diệu. Bạn có nhìn thấy được bức tranh chưa? Màn che bức tranh đã bật mở chưa? Trải nghiệm dần dần được sâu sắc hơn; bạn được tĩnh tại hơn, và càng nhiều thứ phai biến mất. Bạn đang ở trên con đường của Đức Phật—con đường đã được Như Lai bước đi. Khi càng nhiều thứ biến mất, bạn càng hiểu chắc rằng tự bao giờ mình đâu có sở hữu chúng: chúng đâu bao giờ là của mình hay ‘của ta’. Bạn hiểu ra rằng chính sự tham muốn dục vọng là nguyên nhân tạo ra khổ; đó không phải là lối thoát; rằng sự cố gắng điều khiển kiểm soát thế giới (theo ý muốn tham muốn của mình) chính là nguyên nhân của khổ, và đó không phải là giải pháp. Bạn buông bỏ sự kiểm soát thì cái ‘ta’ phai biến, cái cảm nhận ‘cái ta’ (ngã kiến) phai biến, thì mọi thứ trở nên tĩnh tại, và bạn biến mất. Cuối cùng đã được bình an. Thật là vui sướng! Bạn đã thấu hiểu tính vô-ngã.

Nếu bạn đã thực sự hiểu thấy tính vô-ngã, thì bạn có thể chứng thành bậc Nhập Lưu; trở thành một thánh nhân (ariya), một bậc thánh đang trên đường thoát ra (khỏi vòng luân hồi sinh tử). Một khi bạn đã nhìn thấy “không có ‘ai’” ở đó thì bạn sẽ không bao giờ quên điều đó, và sự hiểu-thấy đó thông báo cho tiến trình thân tâm. Bạn biết ý chí chẳng là cái gì của mình cả, và năm thức giác quan và cả tâm-thức thực sự cũng chẳng liên quan gì mình. Bạn không còn tham muốn được ý-thức để trải nghiệm này nọ, tới đây, tới kia.

Tại sao chúng ta vẫn còn muốn trải nghiệm thêm nhiều và nhiều nữa, để làm gì? Nếu chúng ta muốn thấy một khu rừng chúng ta chỉ cần nhìn những cây rừng bên ngoài. Cây chỉ là cây—tất cả đều như vậy. Có gì khác đâu. Một số người cho tôi coi những hình cũ của người thân đẹp đẽ một thời của họ. Nhưng người thời nay nhìn vào đó thấy không đẹp, vì cách ăn mặc và chải chuốc thời đó giờ đã lỗi thời—giờ nhìn lại họ thấy rất buồn cười. Quần áo thời bà ngoại tôi mặc trong hình giờ ai nhìn cũng không muốn nhìn lại. Mọi thứ đều do điều kiện; mọi thứ đều chẳng là gì, đều không thực. Bởi vậy đừng bao giờ tin theo một thời trang, một phong trào, đừng tin điều gì người ta nói. Chỉ nên nhìn vào mình để tự mình nhìn thấy mình là ai và hạnh phúc đích thực là gì.

Đức Phật đã nói những gì người phàm cho là hạnh phúc thì thánh nhân nói đó là khổ; còn những gì thánh nhân gọi là hạnh phúc thì người đời cho là khổ (kinh Sn.762). Hạnh phúc của thánh nhân là sự bình an, sự tĩnh tại và sự ngừng diệt. Lấy ví dụ đời sống trong chùa: thầy tu thức dậy sớm, ăn một bữa hoặc hai bữa một ngày, không ái tình, không TV, phim ảnh. Nếu ai hỏi sao phải sống kiểu đó, câu trả đúng: vì sống vậy là hạnh phúc. Ở một mình trong cốc trong phòng hai ngày hoặc ba tuần hoặc sáu tháng không nói chuyện với ai, mới nhìn bề ngoài thì chẳng khác gì tự giam mình trong tù; người đời còn coi đó như sự tự trừng phạt, tự đày khổ của những người đi tu. Họ đã hiểu sai- thánh nhân gọi đó là hạnh phúc. Nếu ai tu cái tâm chuyển hóa bước được vào dòng thánh đạo, tức thành bậc Nhập Lưu, thì người đó sẽ có cách nhìn hoàn toàn khác với người phàm về sự sống: người ấy nhìn sự sống như cách Phật nhìn.

Một khi ta đã nhìn thấy ta không có một bản-thể nào bên trong—dù là ở dạng “tâm thức” hay bất cứ dạng nào khác—thì đâu còn có gì để gọi là cái ‘ta’ để ta nắm bám như trước tới giờ. Bởi ta đã nhìn thấy rằng: dục vọng chỉ là thứ bắt nguồn từ cái “cảm-nhận có cái ‘ta’” đó (từ tham muốn ‘vì ta’, cho cái ‘ta’), cho nên ta không còn thấy khó khăn trong việc làm lắng dịu cái ý hành. Và khi ta làm lắng lặn ý hành thì sự bình an khởi sinh, (nguyên lý là vậy). Sự làm lắng lặn tất cả các hành tạo tác (sabbasaṅkhāra- samatha) là một cách tả thực khác về niết-bàn (nibbāna). Đức Phật nói chỉ có một số ít chúng sinh trên thế gian có thể hiểu được “sự lắng lặn hoàn toàn của ý hành”—bạn phải tu thành thánh quả Nhập Lưu mới hiểu thấy được trạng thái đó. Lánh trần (tách ly, ẩn dật), ngồi xuống và không-làm-gì cả, buông bỏ tham muốn, và sống bình yên. Tu tập như vậy bạn sẽ thấy con đường đạo trong đó các thức dần dần phai biến. Bởi vì bạn thích niềm hạnh phúc có được vì thức phai biến, cho nên bạn chọn sống tách ly, ẩn dật. Khi bạn sống tách ly ẩn dật thì không còn nhiều thứ để bạn ý thức về chúng, không còn gì để tham muốn. Bạn trở thành người với một vài ước nguyện, không đòi hỏi này nọ từ tự nhiên, người chẳng để lại dấu chân nào trên thế gian. Để lại dấu chân dục vọng và tham muốn không phải là cách bước đi của đạo Phật—bạn đang buông-bỏ; bạn đang biến- mất.

Rồi cũng tới thời bạn biến mất hoàn toàn. Khi bạn có một nhận thức toàn bộ và toàn diện rằng mình chỉ là một tiến trình trống không, thì bạn sẽ từ bỏ tất cả mọi sự ràng buộc với ý chí và thức. Vậy là không còn gì ở đó; chẳng còn gì để tái sinh. Bạn biết rõ hạt giống tái sinh đã bị tiêu diệt. Trong kinh “Châu Báu” (Ratana Sutta) có ghi: “Hạt giống đã bị tiêu diệt; không có gì được tạo mới” (kinh Sn. 235). Chỗ này chính là trải nghiệm niết-bàn, sự giải-thoát và sự bình-an tột cùng.

Vậy, hãy quay lưng hướng tâm khỏi thế gian—trợ duyên tạo điều kiện cho nó được vậy để ta có thể được giải thoát. Như thiền sư Ajahn Chah vẫn hay nói: chẳng có lý do gì cứ đi lang thang trong thế gian để tìm hạnh phúc, chẳng khác nào đi tìm rùa có râu. Nếu ta buông bỏ ta có thể được tĩnh tại và bình an ở mọi lúc, mọi nơi. Vì ta không sợ sự tĩnh tại nên sự tĩnh tại sẽ đến. Vì ta không sợ biến mất nên sự biến mất sẽ xảy ra, và ta được bình an và tự do. Đây là cách chứng ngộ tính vô-ngã, là cách để buông-bỏ tất cả mọi thứ, cách để chấm dứt mọi khổ đau.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh