Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 3. Tu Tập Khả Năng Chánh Niệm

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 3. TU TẬP KHẢ NĂNG CHÁNH NIỆM

KHI CHÚNG TA THỰC TẬP THIỀN và trong khi sống đời sống hàng ngày, một trong những phẩm chất quan trọng nhất cần phải tu tập và phát triển là chánh-niệm. Nếu ta không có chánh niệm thì khi đang ngồi thiền hay đang đi thiền ta không có căn bản, ta không kiểm soát được tâm. Nếu không có ở tay lái thì chiếc xe sẽ chạy tứ tung khắp nơi và chắc chắn sẽ tông tán đủ thứ, hoặc chạy rớt khỏi con đường.

Chánh-niệm được Đức Phật gọi là một căn kiểm soát. Nó cần phải được luyện tập, tu tập và phát triển bởi vì nếu không có nó, thì không thể tu tập được sự tĩnh tại nào cả. Nhiều năm trước kia khi tôi còn là một thiền sinh non nớt, nhiều lúc tôi ngồi mà không biết mình đang làm gì trong suốt nửa tiếng đồng hồ trôi qua. Bởi lúc đó sự chú tâm chánh niệm của tôi chưa được mạnh mẽ, tôi thường bị rớt vào những thói quen cũ như buồn ngủ hoặc chán chường. Chánh-niệm là căn quan trọng nhất trong các căn để ngăn chặn những thói quen cũ quay trở lại.

Bên cạnh sự tỉnh giác, ta phải hiểu biết rõ mình đang làm gì—ta cần những chỉ thị, ý chí, và thiên hướng (động cơ) để làm cái việc cần làm. Có động cơ là điều quan trọng, bởi nếu ta không muốn tu tập cái tâm thì việc tu tập sẽ không thành, đơn giản là vậy. Nhưng nếu chúng ta cùng lúc có sự chánh niệm, có hiểu biết về những chỉ thị và có động cơ, thì chúng ta có cơ hội tu tiến tới mức nào đó trong thiền. (Đó là điều kiện cần phải có thì mới có cơ hội thành công).

Hiểu về sự Chánh-Niệm

Để tu tập và tu dưỡng sự chánh-niệm, trước hết chúng ta cần phải biết nó là gì. Nhiều người hiểu nhiều cách khác nhau về chánh-niệm, nhưng họ thường quên rằng chánh-niệm có nhiều sức mạnh và tính chất khác nhau. Chỉ trong một ngày, sự chánh niệm của một người có thể thay đổi lên xuống: có lúc lu mờ như sương mù, ta không nhìn thấy rõ được gì; có lúc nó sắc bén và hoàn toàn tỉnh thức, giống như căn phòng được thắp sáng trưng. Nếu bạn đã từng thiền tập tới mức thâm sâu thì bạn biết sự chánh niệm lúc đó hùng mạnh ra sao. Thực tế có sự chánh niệm rất sắc bén và tâm nhập, đó là cái chúng ta cần có, là cái chúng ta cần tu tập để có được. Cách làm duy nhất để có được nó là luyện tập cái tâm.

Trong Chương trước tôi đã đề cập tới sự chánh niệm về thân. Tu tập sự chánh niệm về thân là cách tương đối dễ làm ở giai đoạn ban-đầu, và phần thưởng phụ là cách tu tập đó có thể giúp cho sức khỏe của bạn tốt hơn. Khi bạn mới bắt đầu thiền tập, còn rất nhiều cảm nhận cảm giác trong thân, do vậy sẽ dễ dàng tu tập sự chánh niệm vào những cảm giác cảm nhận đó của thân. Nhưng do tính "đa dạng biến đổi" của nhiều thứ cảm giác cảm nhận khác nhau nên sự chánh niệm nếu tu tập được cũng không được mạnh mẽ lắm. Để tu tập được sự chánh niệm mạnh mẽ, người tu cần phải ý thức tỉnh giác vào những đối tượng đơn-giản và rõ-rệt. Cách bạn phát triển sự chánh niệm cũng giống cách bạn trồng một cái cây. Bạn bắt đầu từ hạt giống nhỏ bé, nhưng cuối cùng bạn có một thân gỗ lớn, chắc chắn và cứng mạnh. Tương tự trong tập thiền, bạn bắt đầu bằng sự chánh niệm bình thường, nhưng sau đó bạn “luyện” cho nó lớn hơn và hùng mạnh.

Điều quan trọng phải biết là: sự chánh-niệm chỉ thực sự có- mặt trong thời khắc-hiện tại, và với một cái tâm im lặng. Sự tỉnh giác trong-từng-giây-khắc là mục tiêu tu tập đầu tiên của chúng ta. (Tức đầu tiên chúng ta phải tu tập sự ý thức tỉnh-giác vào từng giây khắc-hiện tại). Đừng đặt tên cho thứ này thứ nọ. Khi bạn đặt tên cho thứ gì thì bạn không thực sự ý thức về thứ đó; bạn chỉ ý thức về cái tên, cái nhãn của nó mà thôi. Thật không may, những người được giáo dục ở phương Tây thường bị tốn tâm trí vào việc đặt tên dán nhãn cho những sự vật, sự việc. Họ không nhìn thấy chúng đích thực là gì; họ chỉ chú tâm vào những ngôn từ đặt-tên cho chúng. Điều đó nghĩa là sự chú tâm chánh niệm đó không thực sự sự thâm-nhập xuyên thấu sự vật hoặc sự việc đó để nhìn thấy chúng đích thực là gì.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Thiết Lập sự Chánh-Niệm

Khi ta đã đặt những mục tiêu quan trọng là “sự tỉnh giác vào giây khắc-hiện tại” và “sự im lặng”, thì ta sẽ thấy sự chánh-niệm sẽ bắt đầu gia tăng, và ta trở nên sắc bén hơn, có ý thức tỉnh giác hơn, và có khả năng hơn để nhìn thấy sâu vào sự việc, hiện tượng. Ta được tỉnh thức hơn. Nhưng điều đó cần sự luyện tập. Có nhiều thủ thuật bạn có thể dùng. Ví dụ, người tu có thể tự hỏi mình: “Ta đang ở đâu?”, “Ta đang làm gì?”, “Ta sẽ ra sao?”. Một ví dụ tốt nhất của tôi về thủ thuật này là cách thức chúng tôi đã thực hành việc đi- thiền ở Chùa Wat Pah Pong ở Thái Lan: (i) Biết rõ mình đang ở đầu này đoạn đường. Khi đi tới đầu kia, biết rõ mình đang ở đầu kia của đoạn đường. (ii) Kế tiếp, thiết lập sự chánh niệm ngay từ chỗ bắt đầu và ngay chỗ kết thúc một đoạn đường đi thiền. Như vậy ngay cả khi sự chú tâm chánh-niệm bị “rớt” giữa/dọc đoạn đường thì ít nhất mình cũng có được sự chánh-niệm lúc ở hai đầu của đoạn đường đi thiền, tức là cũng mang tâm về lại thời khắc-hiện tại ở nơi bắt-đầu và nơi kết-thúc của đoạn đường. (iii) Sau đó thực tập chánh-niệm trong mọi thời khắc trong suốt đoạn đường đi thiền.

Rất hữu ích nếu thiết lập được loại chánh niệm này, bởi vì chúng ta đang tập luyện bản thân ta có chánh niệm trong khi đang hoạt động. Nếu tập luyện được sự chánh niệm vào những việc đang làm như vậy, ta sẽ có khả năng chánh niệm khi ta đang ăn, đang uống, hoặc đang rửa chén bát trong bếp. Ta thực sự có-mặt cùng với việc ta đang làm; không giống như người khác, khi họ đang làm việc gì họ chỉ làm chứ không thực thụ chú tâm vào việc đang làm, hoặc khi họ đang làm việc này họ thường nghĩ tới những thứ khác. Sự chánh niệm sẽ thực sự tiến triển nếu ta đặt 100% sự chú tâm vào cái việc ta đang làm ngay-bây-giờ; không hề nghĩ về những việc ta sắp làm, hoặc sẽ làm, hoặc nghĩ tới những thứ khác.

Khi chúng ta tập luyện như vậy—đặt hết mọi thứ (tâm, sự chú tâm, chánh niệm, sự quan sát…) vào giây khắc-hiện tại—là ta đang phát triển năng lượng chú tâm để tập trung vào giây phút-hiện tại. Nếu bạn đang viết thư, hãy tập trung hết năng lượng vào việc viết thư. Nếu bạn đang thiền trong cốc trong phòng của mình, hãy tập trung hết tất cả năng lượng vào việc thiền. Bằng cách đưa hết năng lượng chú tâm vào thứ gì đó trong một lúc, thì năng lượng đó không còn “lem” qua những việc sắp làm hoặc sẽ làm. Sau khi một hành động được làm xong, hãy quên nó ngay; đừng để hành động này “lem” qua hành động kế tiếp. (Ví dụ, khi đang rửa cái muỗng, tập trung chú tâm hết vào việc rửa cái muỗng; rửa xong cái muỗng thì quên cái muỗng đi, và lại tập trung hết sự chú tâm vào việc đang rửa cái chén. Khi đang rửa cái muỗng đừng nghĩ đến chuyện sẽ rửa cái chén tiếp theo; và khi đã rửa xong cái muỗng đừng mang ý nghĩ “cái muỗng đã rửa xong” hay “cái muỗng đó cũ quá…” khi đang rửa cái chén). Vậy đó. Ngay khi bạn ngồi xuống: bạn đang thực hành sự ngồi-thiền. Khi bạn ngồi trên bàn cầu tiêu chỉ biết sự đang- ngồi trên bàn cầu và đi tiêu của mình. Khi đang đánh răng, bạn chỉ đang đánh răng. Khi đang làm việc gì, đưa hết sự chú tâm vào hành động đó. Cách tập luyện đó không tốn nhiều thời gian, nhưng cũng không phải là một cách tu tập sơ cấp. (Chúng ta cần phải tu tập đúng với nguyên lý và cách thức như vậy thì mới có kết quả thực thụ và thâm sâu).

Khi ta đưa năng lượng của mình tập trung vào thời khắc này, là ta đang phát triển sự chánh niệm. Bằng cách quan sát lời nói bên- trong và cố gắng dừng nó lại. Dừng lời nói bên-trong bằng cách phát triển những thời khắc im-lặng và kéo dài những thời khắc im- lặng đó là ta phát triển cái khả năng “ở ngay tại-đây và bây-giờ”— đó là khả năng luôn-chú-tâm, luôn biết và tỉnh giác. Ta đang an trú trong giây phút-hiện tại—không ở nơi nào khác, không nhóm nhảy qua tương lai. Bởi vì tâm đang im lặng, ta đang hoàn toàn thụ-động và chỉ nhận-biết cái đang diễn ra.

Chữ “thụ-động và chỉ-nhận-biết” không chỉ là cách mô tả tốt nhất tính-chất của chánh niệm, mà nó còn là công-thức để gia tăng chánh niệm. Thực ra, một trong những nguyên tắc căn bản của sự chánh niệm là cường-độ của nó, tức năng lượng của nó, được xây dựng dựa trên sự tĩnh-tại. Ta càng tĩnh tại, sự chánh niệm càng tăng, nó càng được sắc bén. Bằng cách để cho tiến-trình-nghĩ chấm dứt và không đặt tên dán nhãn cho bất cứ sự gì, thì hầu hết mọi chuyển động của tâm sẽ dừng lại. Điều đó tạo nên sự tĩnh-tại giúp khởi sinh năng lượng chánh niệm [sự chánh niệm đầy năng lượng]. Đó là lý do những trạng thái đó cảm giác rất mạnh mẽ, vì khi đó chỉ còn rất ít đối thoại bên-trong.

Nếu sự chánh-niệm của ta được sắc bén, ta có thể bắt kịp những ý nghĩ ngay khi nó khởi lên, ngay lúc đó chúng dễ ngừng tắt hơn; (càng để lâu hơn, chúng càng khó ngưng diệt). Ví dụ như, khi chúng ta đang dính theo mộng tưởng, đối thoại hay một suy tính, cái tiến-trình-nghĩ có được “trớn” [động lực] và lúc đó sẽ khó làm ngừng diệt nó. Giống như một tàu lửa. Dù đoàn tàu rất nặng, nhưng lúc nó mới vừa nhích bánh bắt đầu thì ta dễ dừng nó lại hơn, bởi lúc đó nó mới nhích, còn rất chậm, “trớn” còn chưa có mạnh. Nhưng khi đoàn tàu đã chạy tới 50km/giờ hoặc 100km/giờ thì muốn dừng nó lại phải tốn nhiều thời gian, vì đơn giản lúc đó “trớn” của nó đã quá lớn. Tương tự như vậy, đừng để cho cái tâm-suy-nghĩ tạo được “trớn”; ta hãy nên “bắt” và “chặn” nó ngay khi nó mới khởi lên, trước khi nó chuyển động quá nhanh mạnh. Nếu chúng ta “chặn” được những ý nghĩ ngay từ lúc đầu, ngay khi chúng vừa chớm khởi lên, thì sự chánh-niệm của ta sẽ không bị phân tán yếu đi, mà nó sẽ thực sự gia tăng mạnh mẽ hơn.

Để tập luyện và phát khởi được sự chánh-niệm là phần tu tập khó, bởi vì lúc đầu ta chưa thực thụ biết rõ cái ta đang làm và ta chưa thể nhìn thấy rõ mọi sự đang diễn ra. Một khi ta có được một sự chánh niệm đang có mặt và làm việc thì ta được tỉnh thức hơn và tỉnh giác hơn, và do nhờ đó ta thấy được cái sự đang diễn ra một cách rõ rệt hơn, nên ta càng dễ “chặn” ngay tiến-trình-nghĩ, và dễ duy trì (tâm) ở trong giây phút-hiện tại. Giống như khi ta ở trong một căn phòng tối thui: lúc đó ta cũng chưa thấy được gì để tìm chỗ bật đèn lên. Không thể nhìn thấy gì cả. Tuy nhiên, nếu bắt đầu có được chút xíu ánh sáng, ta có thể dò nhìn từ từ để tìm ra công tắc mở đèn và vặn sáng hơn và vặn sáng trưng cả căn phòng. Sự chánh niệm cũng vậy, sự chánh-niệm và tỉnh-giác là ánh sáng của tâm.

(Ta tu tập để gia tăng sự chánh niệm và tỉnh giác là làm tăng ánh sáng của tâm, để nhìn thấy rõ mọi sự đúng như chúng thực là).

Do vậy, điều đầu tiên cần tu tập là xây dựng sự chánh-niệm bằng cách phát triển sự tỉnh-giác liên tục vào giây-khắc hiện tại— đó là, đưa hết năng lượng vào thời khắc-hiện-tại. Cố tập im lặng, im lặng và giữ im lặng càng lâu càng tốt suốt mọi thời gian trong ngày. Khi ta càng ở trong thời khắc-hiện tại, sự chánh niệm càng mạnh mẽ hơn. Giống như thức dậy vào buổi sáng. Ban đầu ta còn thấy lơ mơ, nhưng một lúc sau ta thấy tỉnh táo hơn và có nhiều năng lượng hơn, và ta thấy biết rõ hơn về mọi sự đang diễn ra. Sau một khóa tu tốt, bạn có thể thấy mình thức dậy buổi sáng không còn lơ mơ nữa, sự đờ đẫn lơ mơ đã biến mất sau khi sự ý thức tỉnh giác của bạn đã gia tăng sau một thời gian thiền tập. Sự tỉnh giác luôn có mặt ngay trước khi bạn đi ngủ và có mặt ngay khi bạn thức dậy. Thật tuyệt vời nếu bạn tự mình chứng nghiệm điều đó; chỉ cần giảm thiểu hoạt động và đối thoại bên trong tâm, gia tăng thiền tập, thì bạn có thể làm sắc bén sự chánh niệm cả mình qua từng giờ thiền tập, qua từng ngày thiền tập.

Chuẩn Bị Sẵn Sàng để Quán Sát Hơi Thở

Khi sự chánh niệm của ta tăng trưởng mạnh hơn, nó dễ nhìn thấy hơn những thói quen xấu và những chướng ngại thường xuyên dẫn dắt chi phối ta trong từng giây phút. Ta nhìn thấy rõ rệt những trạng thái của tâm mà ta thường đang-ở trong đó, ví dụ ta thường ở trong trạng thái tâm sân khi ta đang tức giận người khác. Nếu chúng ta không có chánh niệm, những thói quen (quán tính, tập khí) này cứ liên tục phát lên. Nhưng nếu chúng ta có/biết chánh niệm, chúng ta có thể nhìn thấy chúng khi chúng đang xảy ra. Chúng ta có thể nhìn thấy những trạng thái đó đang khởi sinh và những hệ quả của chúng. Chúng ta có thể thấy chúng đã làm gì với ta [và với người khác]. Khi chúng ta nhìn thấy những thói tính đó và biết chúng là khổ đau và khó khăn, thì ta sẽ có động cơ muốn “chặn diệt” chúng.

Chúng ta không chỉ nhìn thấy vấn đề khó khổ đó mà chúng ta còn thấy được giải pháp, đó là: kiềm-chế [kiêng cữ]. Sự chánh niệm giúp ta làm được việc kiềm chế, kiêng cữ. Nếu không có sự chánh niệm, ta không thể nào kiềm chế cho dù ta có muốn kiềm chế, bởi vì lúc đó ta vẫn còn ở trong bóng tối. Nhưng khi sự chánh niệm tăng trưởng, những chướng ngại và ô nhiễm sẽ dễ được nhìn thấy, dễ được chỉ điểm. Từ lúc này là lúc bắt đầu thực sự của sự thiền tập.

Tôi đã từng dạy thiền quán hơi-thở, tôi nhận thấy nhiều người có xu hướng bắt ngay vào việc quan sát hơi thở quá sớm. Nếu bạn chưa làm lắng dịu bản thân mình một cách đúng đắn và chưa có đủ chánh-niệm, thì bạn chỉ có thể quan sát hơi thở bằng sức mạnh ý chí mà thôi; cách quan sát đó sẽ không duy trì được lâu. Nếu dùng ý chí, ngay sau khi vừa mới quan sát hơi thở thì bạn đã thấy đờ đẫn và buồn ngủ, bởi vì tâm lúc đó vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ khi nào sự chánh-niệm đạt tới một mức độ sáng-rõ nào đó, và chỉ khi đó bạn mới có thể thực thụ bắt đầu việc thiền tập quan sát hơi-thở.

Sau một quãng đời dài thiền tập, tôi có thể đủ hiểu biết về tâm của tôi nên tôi biết nó cần có gì lúc này. Trước khi tu tập những thứ khác, sự chánh-niệm phải được tu tập cho đầy đủ; sự chánh-niệm cần có đủ sáng tỏ và tăng trưởng tới một mức độ cần thiết. Nếu chưa đúng lúc, nếu sự chánh niệm chưa được đủ sắc bén, tôi biết tâm sẽ không chịu “trụ” nơi hơi-thở. Lúc đó tôi phải tu tập sự chánh niệm nhiều hơn nữa; tôi phải thức dậy sớm và tạo thêm nhiều niềm vui hoan hỷ. Tôi phải có thêm nhiều năng lượng và tập trung một cách im lặng vào giây phút-hiện tại. Tôi biết rằng, khi nào sự im- lặng, sự tỉnh-giác vào giây khắc-hiện tại sự chánh-niệm đã đủ mạnh, thì lúc đó sẽ dễ dàng quán sát hơi-thở hơn. Lúc đó, đơn giản tôi chỉ biểu cái tâm “hãy quan sát hơi thở” thì nó làm theo ngay một cách vui lòng.

Theo như kinh “Chánh Niệm Hơi Thở” (Ānāpānasati Sutta, MN 118.17) thì việc đầu tiên người tu phải làm là ưu tiên thiết lập sự chánh-niệm “trước nhất”. Đây là cách dịch tôi thích nhất khi tôi dịch chữ Pali “parimukha”: có nghĩa gốc là “ở trước mặt”. “Trước nhất”, tức “ưu tiên nhất”, là đặt thứ gì đó là quan trọng nhất. Do vậy, trước khi người tu cố quan sát hơi thở thì phải coi sự chánh- niệm là chính, là thứ cần phải tu tập, và cần phải có sẵn “trước mặt”. Đặt nó ưu tiên trước tất cả mọi thứ khác—là phải ý thức, tỉnh giác, tỉnh táo, cảnh giác, luôn biết, thường biết. Nói lại phần tu “Quét toàn thân để làm dịu sự bất an” ở trên: toàn bộ lý do chúng ta cần phải thực hiện việc quét toàn thân thể (từ ngón chân lên đỉnh đầu…), việc ý thức tỉnh giác về thân, hoặc cả việc đi thiền, là chỉ để làm tăng sự chánh-niệm. Khi sự chánh niệm đạt tới một mức độ cần thiết, nó sẽ đủ sáng chiếu và tỉnh thức để làm cái công việc “tập- trung vào một đối tượng duy nhất”.

Trừ Bỏ Những Ô Nhiễm

Ngoài sự tỉnh thức, người tu cần biết đặt sự tỉnh-giác của mình vào đâu—đó là, học cách quan sát thứ đúng đắn ở thời gian đúng đắn. Nếu sự quan sát hơi thở không làm được, như vậy phải tự hỏi mình về cách mình đang quan sát hơi thở. Có nhiều người quan sát hơi-thở bằng sự điều khiển và sức mạnh ý chí, bằng những kỳ vọng và muốn có, nhưng họ vẫn không biết họ đang thực hành sai, họ không biết quan sát hơi thở như vậy là sai—họ đang quan sát hơi thở một cách không đúng đắn.

Sẽ hữu ích hơn nếu đưa ra một khuôn khổ về cách liên hệ với những chướng ngại và những ô nhiễm. Theo kinh nghiệm của tôi, sẽ hữu ích hơn nếu coi những chướng ngại và ô nhiễm đang sống trong cái không gian giữa người quan sát và cái được quan sát. Những chướng ngại không phải nằm trong hơi-thở, và chúng cũng không nằm trong tâm-thức—chúng chỉ nằm ở giữa. Hãy nhìn vào khoảng không đó và tìm ra cách ta đang quan sát hơi thở ra sao. Nhìn coi nếu ta đang quan sát hơi thở với dục vọng, tham muốn, ác ý, với sự bất an, sự đờ đẫn, hoặc sự nghi ngờ. Ngay từ đầu chúng ta nên tập quan sát như vậy sẽ tốt hơn quan sát chính hơi thở.

Khi tôi thiền, tôi biết tôi gặp khó khăn nếu tôi nhìn thấy một dấu hiệu nào đó của những chướng ngại và ô nhiễm nằm giữa tôi và hơi thở—chẳng hạn như dấu hiệu có tham-muốn đạt được giai đoạn “hơi thở đẹp”, hoặc muốn đạt tới giai đoạn có tâm ảnh “nimitta” [nimitta: một dạng “ánh sáng” đẹp trong một cái tâm tĩnh lặng]. Sự chánh niệm sẽ chỉ điểm tham muốn đó, và sự chánh niệm biết rõ nó sẽ gây ra rất nhiều trở-ngại cho sự thiền; nó đang đi ngược cái mục tiêu bình an và tĩnh tại của sự thiền. Ngay khi ta nhìn thấy sự tham muốn đó, nó sẽ ngưng bặt dễ dàng.

Khi người tu không hài lòng (có ác ý, ác cảm) với hơi thở, người tu muốn nó được thứ dễ thương hơn dễ chịu hơn: ví dụ mộttách cà phê thơm ngát. Nếu bạn không hài lòng tâm của bạn sẽ lăng xăng ra những thứ bên ngoài. Vậy hãy dừng ngay ác cảm đó. Chỉ cần tự nói với mình: “Ta không có ác cảm với hơi thở ngay cả khi hơi thở ‘ít dễ thương’. Không sao—đó chỉ là bản chất của nó”. Rồi để yên nó một lúc. Vào lúc mới thiền tập, tất cả mọi đối tượng thiền đều hơi ‘khó chịu’, chưa được ‘dễ thương’ đối với tâm. Đó là bản chất của chúng. Ngay khi ta nhận ra điều đó thì ta đã làm cho nó trở thành ‘dễ chịu, dễ thương’ rồi.

Nhiều lúc, theo tiến trình tu tập tiến triển, khi người tu bắt- đầu chuyển từ đối tượng thiền này qua đối tượng thiền khác thì đối tượng mới đó thường không hấp dẫn lắm—ví dụ như khi người tu vừa mới chuyển từ đối tượng “hơi-thở” qua “hơi-thở-đẹp”, hoặc từ “hơi-thở-đẹp” qua tâm ảnh “nimitta”. Do thấy vậy nên người tu thường nghĩ: “Ta có nên quay lại hơi-thở bình thường không, chỉ cần hơi thở bình thường cũng đã tốt rồi?”. Rồi có lúc hơi thở đẹp đang rất dễ thương và bình an, nhưng người tu lại thấy một tia sáng lớn, đó là một tâm ảnh nimitta đang khởi lên và làm bận tâm [quấy nhiễu] mình. Lý do là: mỗi khi có một sự chuyển bước hay chuyển đổi đối tượng thiền thì luôn luôn có một chút quấy nhiễu ở tâm người thiền. Lúc này người tu phải đủ kiên nhẫn chờ cho nó lắng xuống. Ngay cả khi đối tượng mới mang một nét ‘khó chịu’ nào đó, nếu người tu có đủ chánh-niệm thì người đó có thể vượt qua sự không hài lòng và ác cảm đó; lúc đó người tu chỉ cần có sự hiền-từ, nhẹ-nhàng, và buông-bỏ đối với đối tượng đó. Đúng như vậy, đó là ba tính khí tôi luôn cố gắng đặt chúng vào giữa tôi và đối tượng thiền.

Nghiệp Thiền

Thực tập theo cách như vậy, bạn tập trung vào cái không gian giữa bạn là người quan sát và đối tượng, và bạn đặt ba tính khí— buông-bỏ, hiền-từ, và nhẹ-nhàng: là ba mặt của chánh tư duy [sammāsaṅkappa: sự suy nghĩ đúng đắn]—vào trong chỗ không gian đó. Bạn không cố đạt được thứ gì, và bạn cũng không có ác cảm ác ý nào hết. Bạn đặt sự nhẹ-nhàng vào giữ bạn và đối tượng thiền, bạn không o ép hay mạnh tay gì hết. Nếu bạn đặt ba tính khí đó vào khoảng không gian ở giữa đó, và bạn có chánh-niệm để bảo đảm chúng nằm trụ ở nơi đó, thì tự nhiên hơi-thở sẽ trở nên nhẹ mướt và bình an.

Nhiều lúc tôi gọi cách tu tập này là chánh niệm về nghiệp (kamma), bởi cái ta đặt giữa ta và đối tượng thiền là nghiệp ta đang tạo. Nếu ta đang quan sát đối tượng trong khi đang cố đắc đạt cái gì hay loại bỏ cái gì, thì lúc đó ta đang tạo nghiệp quấy nhiễu, và nó sẽ có nghiệp quả xấu sau đó. Nhưng nếu ta đặt những tính khí tích cực như buông-bỏ, hiền-từ, nhẹ-nhàng vào giữa ta và đối tượng thiền, thì ta đang tạo nghiệp trong sạch và tốt lành nhất. Nó sẽ dẫn tới những nghiệp quả kỳ diệu. Đó là lý do tại sao ta nên hòa bình với từng giây phút-hiện tại, và hiền từ và nhẹ nhàng với từng giây phút- hiện tại cho dù ta có đang trải nghiệm điều gì hay hoặc dở. Một khi ta tạo nghiệp tốt trong giây phút-hiện tại, kết quả sẽ là sự bình an— lúc đó thiền càng được thâm sâu hơn và ta được trải qua thời gian tuyệt vời. Hơi thở trở nên bình an và êm dịu, và tâm trở nên đẹp đẽ. Ta đạt được như vậy là nhờ ta đặt sự chú-tâm vào cách ta tỉnh giác, chứ không đặt nó nhiều vào cái đối tượng ta đang chú ý.

Một cách khác để nhìn thấy điều này là nhận ra rằng sự chánh niệm cần phải đi đôi với trí tuệ hiểu biết. Trong các kinh, điều này được gọi là sati-sampajañña [chánh niệm+hiểu biết rõ ràng]. Đây là trí tuệ biết rõ những chỉ thị, biết rõ cái mình tìm, và biết rõ nơi mình nhìn. Kỳ diệu ở chỗ là khi kết hợp chánh niệm và trí tuệ hiểu biết sẽ làm tăng năng lực phát triển sự thiền thâm sâu và mạnh mẽ. Bởi vì ta có chánh niệm nên ta có thể nhìn thấy việc ta đang làm, và trí tuệ hiểu biết sẽ ngăn chặn nghiệp tiêu cực, và thay thế chúng bằng nghiệp tích cực.

Khi chúng ta bắt đầu thiền tập, chúng ta có thể bị mệt mỏi hoặc bất an. Nhưng, nếu chúng ta biết hòa bình với từng giây phút- hiện tại và buông bỏ, nếu ta biết hiền từ và nhẹ nhàng, thì chúng ta sẽ thấy dễ dàng quan sát hơi thở. Dần dần hơi thở sẽ thay đổi. Bởi vì ta đang tạo nghiệp tốt, hơi thở trở nên hấp dẫn hơn, ổn định hơn, và bình an hơn. Và bởi vì hơi thở trở nên tĩnh tại hơn nên sự chánh niệm của ta trở nên nhiều năng lượng hơn, và do đó mạnh mẽ hơn.

Trừ Bỏ Những Ô Nhiễm Vi Tế

Khi chúng ta tu tập sức mạnh của chánh niệm, việc đó giống như thắp lên ánh sáng trong tâm mình. Rồi ta có thể nhìn thấy sâu sắc hơn, nhìn thấy nhiều hơn, và ta càng nhận thức sáng suốt hơn. Khi ta quan sát tâm, ta có thể thấy những ô nhiễm thật tinh vi (vi tế) mà ta chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Ta có thể nhìn thấy những chướng ngại nào đang ngăn chặn không cho hơi-thở tiến vào giai đoạn “hơi thở đẹp”. Ví dụ như chướng ngại tham dục: ta có thể nhìn thấy khi mình đang cầu vọng hoặc đang quá cố sức làm cho được điều gì. Bởi đó thuộc thói tính—vì tự trước giờ ta luôn cho những thói tính tham-cầu và cố-được là thường tình cho nên ta không để ý tới chúng—ta chỉ có thể nhìn thấy chúng khi sự chánh- niệm của ta được mạnh mẽ. Đây là cách con đường tu tập thiền quán hơi thở (ānāpānasati) dẫn tới giai đoạn tâm ảnh (nimitta) và những tầng thiền định (jhāna).

Thực ra đây là loại thiền quán minh sát tuệ. Thông qua sự chánh niệm người tu có được trí tuệ minh sát nhìn xuyên qua những ô nhiễm vi tế và cách chúng hoạt động. Người tu nhìn thấy gốc rễ của chúng và bản chất của chúng. Người tu hiểu ra rằng những ô nhiễm đó chỉ hứa hẹn đủ trò nhưng chúng chẳng bao giờ thực hiện lời hứa. Nếu không có trí tuệ minh sát nhìn thấy những chỗ chướng ngại này, thì người tu không bao giờ có thể chuyển hóa mình và tu tiến xa hơn, sâu hơn. Nhưng nếu người tu nhìn thấy được cách tâm hoạt động thì có thể xử lý dễ dàng. Một khi người tu đã hiểu rõ vấn đề khó khăn thì tất cả việc cần làm chỉ là nhìn những ô nhiễm đó và chúng sẽ tự biến đi. Lý chỗ này đã được diễn tả rõ trong một ẩn dụ Phật đã nói trong của một bài kinh: khi ta nhận thấy Ma Vương (Māra), ta chỉ cần nói: “Này Ma Vương, ta biết ngươi”, thì Ma Vương sẽ lẻn đi và biến mất; (như kinh SN 5:1).

Đây có một tiến trình diễn ra, hoàn toàn là tiến trình nhân-quả tự nhiên. Khi ta tu tập sự chánh niệm, nó càng lúc càng được thanh lọc hơn, nó tích được nhiều năng lượng hơn, và nó có thể nhìn thấy nhiều hơn. Sự chánh niệm sáng lên, và ta bắt đầu trải nghiệm niềm vui thích. Đến lượt niềm hoan-hỷ đó là tác động cách ta nhìn vào mọi sự, và điều này làm cho hơi thở được đẹp đẽ. Và vị thầy nào cũng mong muốn những thiền sinh của mình có thể trải nghiệm sự chánh niệm đầy hỷ lạc này và hơi thở đẹp đẽ này.

Một sự chánh niệm đầy hạnh phúc cũng là sự chánh niệm đầy thú vị—nó có thể chọn một đối tượng và biến chuyển đối tượng đó theo cách như vậy, và đó là điều thú vị. Vậy đó, khi bạn đang quan sát hơi thở, bạn có cơ hội hiểu biết điều đó trong từng cách như vậy. Sự chánh niệm trở thành hùng mạnh và có thể chiếu rọi xuyên thấu hơn (vào mọi sự và những chướng ngại vi tế).

Giai Đoạn Nimitta

Chánh niệm không phải là một thứ [bản sắc] riêng biệt—nó kết hợp với sự tĩnh-tại và niềm vui hoan-hỷ, và hiển nhiên với cả trí-tuệ. Nó mang những chỉ thị, và khi sự chánh niệm càng mạnh hơn nó càng nhớ rõ những chỉ thị đó. Nó biết rõ việc phải làm bởi nó đã được huấn luyện kỹ càng, và nó hiểu biết sức mạnh của sự tĩnh-tại. Khi ta chuyển động tâm, ta quấy động mọi thứ, và ta mất đi năng lượng và chiều sâu. Lúc đó sự chánh niệm giảm đi và ít sắc bén. Nhưng nếu ta duy trì sự tĩnh tại—một cách bình an, không làm gì cả, chỉ sống trọn vẹn hơn với sự mình đang là—thì sự chánh niệm sẽ liên tục tăng lên. Do vậy, ở giai đoạn này sự chánh niệm không cần làm gì quá nhiều, chỉ cần quán sát đối tượng để bảo đảm cái tâm không chuyển động.

Đây là chỗ người tu đạt tới sự chánh niệm mà thiền sư Ajahn Chah đã ví như một hồ nước tĩnh lặng trong một ví dụ nổi tiếng của thầy. Trong ví dụ đó, thầy Ajahn Chah không chỉ đang quan sát những con vật từ trong rừng ra hồ uống nước, mà thầy còn quan sát thân mình để cho thân không hề cử động. Tương tự cách đó, khi ta quan sát tâm mình, bảo đảm nó không chuyển động để có thể khởi sinh một hình ảnh trong tâm, một tâm ảnh, nimitta. Sự chánh niệm được hướng tụ vào sự tĩnh tại, bảo đảm cái tâm không chuyển động. Với mức độ chánh niệm và sức mạnh đó, tâm ảnh nimitta sẽ duy trì ổn định, và ta sẽ nhìn thấy điều đó diễn ra ra sao. Ta không cần phản ứng này nọ. Ta không nên sợ hãi hoặc bị kích động khi nhìn thấy nimitta.

Giờ thì bạn đang bước vào những phần đẹp đẽ của thiền—sự chánh niệm sắc bén và niềm chân phúc mạnh mẽ. Nhưng không chỉ có niềm vui thích hoan hỷ, còn có nhiều điều hay tuyệt trong những trạng thái này. Có một cảm nhận rằng có những điều vô cùng thâm sâu đang diễn ra ở đây. Sau khi người tu thoát ra khỏi một trong những trạng thái thiền sâu này—dù chỉ mới là giai đoạn nimitta, chưa nói tới giai đoạn tầng thiền định jhāna—thì sự chánh niệm đã được tăng cường thêm nhiều. Lúc này bạn không còn bị buồn ngủ chút nào nữa, bạn cũng không còn hí luận lý sự gì nữa; bạn nhìn thấy một cách sâu sắc và mạnh mẽ tất cả mọi sự quanh mình. Bạn cảm giác thân mình một cách nhạy bén—bạn cảm nhận từng sự căng thẳng, nhức mỏi, đau bệnh. Khi bạn ý thức tỉnh giác về thân mình với một mức độ chánh niệm như vậy thì bạn đã loại bỏ được mọi sự khác; mọi thứ khác không còn tồn tại. Điều này không có nghĩa bạn có năng lực siêu phàm nào đó; đây chỉ là bản chất của chánh niệm trong giai đoạn này. Bạn có thế làm ấm, làm dịu, xoa dịu, chữa lành, hoặc làm bất cứ điều gì với thân mình. Đó là cách sự chánh niệm hùng mạnh có thể làm sau khi bạn thoát ra khỏi giai đoạn tâm ảnh nimitta.

Lúc này sự chánh niệm của bạn thật mạnh mẽ và tĩnh tại, nên bạn có thể chú tâm vào bất kỳ đối tượng nào và an trụ ở đó. Nếu bạn thực sự muốn phát triển sự hiểu biết về bản chất của thân mình hoặc thứ gì khác, thời gian tốt nhất để làm điều đó là sau một thời thiền-sâu. Ai đã từng trải nghiệm các thời thiền sâu sẽ biết được tại sao trạng thái thiền-sâu đó thực sự cần phải có để đạt tới trí tuệ thực thụ. Thiền quán trí tuệ trước khi đạt trạng thái thiền-sâu giống như lấy muỗng cào đất: nhỏ và cạn cợt. Thiền quán trí tuệ sau khi những thời thiền-sâu giống như cái máy đào đất: hùng mạnh và đào sâu. Nếu bạn muốn đào một cái hố lớn—như muốn đạt tới trí tuệ thâm sâu—cách duy nhất là dùng máy đào đất. Ở giai đoạn chánh niệm này, năng lực và sự thâm nhập của bạn đã lớn mạnh hơn rồi.

Niềm vui sướng của sự thiền thâm sâu đó chính là niềm hạnh phúc có được trong đời sống xuất gia hoặc trong các khóa thiền tập. Tu tập phát triển nó là quá hay, và không có lý do nào bạn không thể làm được; bạn chỉ cần tu tập kỹ phần chánh-niệm và thiền-tập cho đúng đắn từng bước, từng giai đoạn. Nếu bạn không chịu tu tập qua từng bước, qua từng nấc thang, thì mãi mãi bạn chỉ ở nấc thang dưới đất, bạn sẽ càng nản lòng khi người ta tả về những nấc thang trên cùng—bởi lúc đó bạn đâu biết những nấc thang ở giữa và đâu biết làm cách nào để bước tới những nấc thang trên cùng. Nhưng nếu bạn chịu tu tiến từng bước từng nấc, nếu bạn chịu biết: “Tôi có thể tu tập giai đoạn đầu; rồi tôi có thể tu tiếp giai đoạn hai; sau khi thành thục tôi có thể tu tiếp giai đoạn ba”, thì bạn sẽ thực sự biết những nấc thang của cái thang, và bạn biết mình có thể trèo “dần dần” lên những nấc thang trên cùng. Bạn biết rõ nguyên lý “việc gì cũng theo từng bước, theo tiến trình”, và bạn biết theo cách đó thì cái gì cũng có thể dần dần làm được; hiểu biết được như vậy bạn xác lập động cơ cho mình, và bạn bắt đầu tu tạo động lực [trớn] và cùng lúc tu tạo khả năng chánh-niệm.

Những Kết Quả của Chánh Niệm

Do vậy, bạn cần phải ưu tiên hàng đầu việc tu tập sự chánh- niệm. Đó là phần quan trọng của một kỳ trì tu hay một khóa tu, và thời gian tu chánh-niệm là ngay từ lúc bắt đầu kỳ tu hay khóa tu. Tốt hơn cần phải đưa hết nỗ lực và sự toàn tâm vào. Khi bạn tiến hành tu, bạn càng tỉnh thức hơn và xây tạo được nhiều năng lượng và khả năng nhận biết hơn. Bạn nhìn ra những vấn đề trở ngại và bạn giải quyết được chúng. Rồi bạn trở nên bình an hơn, tĩnh tại hơn, khôn khéo hơn, và hạnh phúc hơn. Và sự thiền càng ngày càng dễ dàng đối với bạn.

Bởi vì sự “tỉnh giác vào giây phút-hiện tại” và sự “im lặng” là nền tảng quan trọng cho việc tăng cường sự chánh niệm, nên bạn cần nhớ tu tập chúng suốt thời gian trong mỗi ngày. Khi đang đi thiền, tỉnh giác biết rõ đầu này đoạn đường, đầu cuối đoạn đường, và phần giữa đoạn đường. Khi ăn hoặc khi nói hoặc khi đang làm việc gì, phải luôn luôn có chánh niệm hoàn toàn về việc đó.

Đặt sự chánh niệm vào không gian ở giữa bạn [người quan sát] và bất cứ cái gì bạn đang trải nghiệm [mỗi cái gì hay mỗi đối tượng thiền bạn đang quan sát]—bởi vì đó là nơi hành động diễn ra. Khi sự chánh niệm đủ mạnh, bạn có thể trừ bỏ được những ô nhiễm thô tế. Sau khi những ô nhiễm thô tế không còn, sự chánh niệm càng tăng mạnh, và nhờ đó bạn lại nhìn thấy những ô nhiễm vi tế. Rồi cứ theo lý đó, càng nhiều ô nhiễm vi tế được trừ bỏ thì sự chánh niệm càng tăng mạnh hơn nữa. Rồi nhờ đó, tới lúc bạn cũng trừ bỏ được hầu hết những ô nhiễm vi tế. Khi bạn đã trừ bỏ được những loại ô nhiễm đó, bạn được tự do, giải thoát, và con đường tu được dọn sạch phía trước. Bạn có thể quan sát nhìn thấy hơi thở trở thành rất bình an, tĩnh tại, và êm dịu, và sự thiền của bạn kỳ diệu quá thôi. Bạn có thể ngồi thiền hàng mấy giờ và bạn thực sự ngạc nhiên về cách mình có thể thâm nhập thâm sâu như vậy, và bạn có thể sững sờ về cách trạng thái đó sao mà bình an và đẹp đẽ đến như vậy.

Bạn vẫn đang ở trên con đường. Khi sự chánh niệm càng được rất rất mạnh, bạn biết điều gì sẽ xảy ra không? Bạn thậm chí có thể nhìn thấy phần Giáo Pháp (Dhamma) thâm sâu nhất của mọi giáo pháp—đó là tính vô-ngã và bốn sự thật thánh diệu (diệu đế). Hỏng chừng có khi bạn có thể chấm dứt khổ (niết-bàn) luôn ngay trong khóa tu tiếp theo!

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh