Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 8. Nhận Biết Trí Tuệ Đích Thực

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 8. NHẬN BIẾT TRÍ TUỆ ĐÍCH THỰC

ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ hiểu được trí tuệ—paññā—là gì, và hiểu được cách nhận biết nó. Trí-tuệ đích thực là hùng mạnh bởi nó có thể cho bạn biết được sự thiền tập và con đường đạo Phật là gì. Chức năng của trí tuệ có thể được đề cao khi xem xét ba phần tu tập Giới hạnh, Thiền định và Trí tuệ [sīla, samādhi, paññā], tức là phần tu dưỡng đức hạnh, phần tu tập định tâm, và tu dưỡng trí tuệ thấy biết. Theo đó, sự tu tập có thể được nhìn theo thứ tự sau: trước hết tu tập để hoàn thiện đức-hạnh, tiếp theo tu tập khả năng định- tâm, rồi tu tập trí-tuệ hiểu biết. Hoặc có nhìn theo cách ba phần đó là các phần hỗ trợ cho nhau: tu tập đức-hạnh tạo sức mạnh của tâm để giúp cho khả năng định-tâm và trí-tuệ [giới giúp định và tuệ]; tu tập có được sự định-tâm sẽ giúp tăng cường đức-hạnh và trí-tuệ [định hỗ trợ giúp giới và tuệ]; rồi khi trí-tuệ tăng lên, nó sẽ cung cấp sự hỗ trợ tăng cường cho đức-hạnh và năng lực định-tâm [tuệ hỗ trợ giới và định]. Khi chúng ta càng tu tập tiến dọc theo con đường đạo, thì ba phần đó càng thêm hỗ trợ lẫn nhau. Điều này là do trí-tuệ có sức mạnh tạo ra tính ổn-định trong hai phần giới và định. Do vậy chương này là nói về cách của trí-tuệ—khi nó đã thực sự là trí-tuệ đích-thực—nó sẽ giúp cho việc tu giới-hạnh dễ dàng hơn và tạo sự tĩnh tại định-tâm mạnh hơn và chắn hơn.

Những Hiệu Quả Của Trí-Tuệ

Một trong những giáo lý trong kinh điển là cách Đức Phật trả lời câu hỏi “Giáo Pháp là gì?”. Câu trả lời của Phật rất đơn giản mà thâm thúy: “Giáo Pháp là bất cứ thứ gì dẫn tới sự chán bỏ hoàn toàn, sự phai biến, sự ngừng diệt, sự bình an, sự hiểu biết cao hơn, sự giác ngộ, và niết-bàn” (kinh AN 7:83). Trong danh sách này ta thấy có sự bình-an (upasama). Sự bình-an là sự tĩnh lặng đẹp đẽ trong đó ta trôi qua trải qua một ngày mà không bị những quấy nhiễu và khó khổ. Dù ta đang làm gì—dù cho ta đang thiền, đang ngủ, đang ăn, đang ở với ai, hoặc đang ở một mình—ta cũng có một cảm nhận cân bằng, không bị có những khó khổ và bất an. Chữ “sama”, phần đuôi của chữ “upasama”, có nghĩa là bình, cân bằng, bằng như trên con đường bằng lặng, như bình lộ, không bị sóc lên sụp xuống. Điều này chỉ thẳng tới một định nghĩa xuất sắc về trí tuệ: trí-tuệ là sự hiểu biết dẫn tới đời sống bình yên, tĩnh lặng và cân bằng.

Ngày xưa khi tôi còn là một người tại gia, tôi thường tới thăm những sư thầy thuyết giảng uyên thuyên về những giáo lý quá hay và đầy cảm hứng. Nhưng khi tôi nhìn họ tôi thấy họ không được bình an cho lắm. Kinh Phật có dạy sự bình an đi tỷ lệ thuận với trí tuệ hiểu biết! Mặc dù họ thuyết giảng rất truyền cảm hứng và điều đó là rất tốt cho người nghe, nhưng tiêu chuẩn của Phật là: trí tuệ của một người có thể đo được bằng hiệu quả tác động vào đời sống của người đó. Nếu trí tuệ đó không có tác động giải quyết những khó khổ và trở ngại trong cuộc sống của người đó—như tạo được cảm nhận thư thái, khỏe khoắn, trống trải, hạnh phúc, bình an và tự do—thì đó không phải là loại trí tuệ đích thực. Như đã được mô tả trong kinh điển, các tu sĩ và những ẩn sĩ khác “phờ phạc, hốc hác, có màu da xấu, các gân máu lộ ra” là do bệnh yếu hoặc do tu tập không đúng cách; trong khi đó những tu sĩ có trí tuệ—là những người tu tập một cách đúng đắn—thì thường “mỉm cười và phấn chấn, trong lòng thực sự hoan hỷ, sống vui thích một cách mộc mạc, các căn tươi tắn, sống an thư an thái” (như kinh MN 89.12). Vì vậy theo một cách nhìn của Phật giáo, trí tuệ được định nghĩa là dẫn tới sự cảm nhận chung là thư thái, dễ chịu.

Trí tuệ cũng dẫn tới hành vi có-giới-hạnh. Thời tôi mới tu ở Thái Lan khi đạo Phật đã được nhiều người phương Tây chọn theo như một đạo mới của họ, lúc đó cũng có nhiều người thực-dụng cực đoan cũng tới tu ở chùa chúng tôi. Một số họ phản đối nhiều quy định và luật lệ trong chùa, họ cho rằng những thứ kỷ luật đó tạo ra sự ép uổng chứ không liên quan gì đến trí tuệ. Nhưng sau nhiều năm tu tập, đặc biệt khi sự thiền và trí tuệ theo sau đã được sâu sắc hơn, chúng tôi mới thấy được chính những quy định và luật lệ đó đã tạo ra một môi trường sống tập thể bình-an trong tăng đoàn.

Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta có thể biết được trí tuệ của người khác thông qua khả năng sống bình an của họ, chứ không phải bởi những gì họ nói. Toàn bộ con đường đạo Phật là dẫn tới sự “làm lắng dịu cái tâm, dẫn tới sự sống bình an với thân, dẫn tới sự sống tự do trong thế gian này”. Đây là trạng thái của một người có trí tuệ. Nếu bạn có trí tuệ thực chất bạn sẽ được bình an và hạnh phúc: bạn đã giải quyết được những khó khổ của sự sống trong cuộc đời.

Lý Nhân-Quả

Thông qua thiền và sự tĩnh tại, người tu có được những dữ liệu thông tin giúp họ tạo được trí tuệ minh sát nhìn thấu rõ những liên hệ nhân-quả. Phần lớn giáo lý của Đức Phật là nói về sự hiểu biết về lý nhân-quả, tức là những sự việc sự thể là có từ đâu và tại sao chúng khởi sinh. Là những người học trò của Phật, nếu có vấn đề khó khổ nào thì chúng ta phải điều tra tìm hiểu về nó. Chúng ta dùng những lý do và trải nghiệm để tìm ra do đâu mà có sự việc đó và nó sẽ dẫn tới đâu. Nếu chúng ta thấy nó dẫn tới trạng thái xấu của thân và tâm thì chúng ta biết nó là không thiện lành và không kết nối với trí tuệ. Tiếp theo, chúng ta điều tra ngược lại, để nhìn thấy quá trình sự việc sự thể đó đã khởi sinh.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Khi chúng ta có đủ chánh-niệm, bình-an và trí-tuệ thì chúng ta nhìn thấy toàn bộ những chuỗi nhân-quả. Chúng ta hiểu được sự sân giận, tội lỗi, tuyệt vọng và sợ hãi đã đến có đâu; chúng ta nhìn thấy cách chúng tăng lên và tích lũy bên-trong chúng ta ra sao. Khi chúng ta nhìn thấy mọi sự một cách rõ ràng, chúng ta dễ dàng bắt được chúng sớm (ngay khi chúng bắt đầu khởi sinh); và nhờ đó chúng ta biết được chúng là không lành mạnh và thiện khéo nên chúng ta có thể làm gì đó để xử lý chúng.

Khi một trạng thái tâm tiêu cực đang nắm bắt cái tâm ta, chúng ta chẳng thể làm được gì nó ngoài việc đứng lùi lại quan sát nó và để nó phai biến qua. Quan trọng nhất là chắc chắn ta ý thức biết rõ về nó vì vậy chúng ta mới có thể làm giảm dịu những khó khổ đó khi chúng khởi sinh lần sau. Đây là cách tu của một người đồng tu với tôi ở Thái Lan. Thầy ấy tu tập rất khó trong những năm đầu, nhưng tôi rất khâm phục thầy ấy vì thầy ấy chịu đứng lên đối mặt với những ô nhiễm trong tâm mình. Thậm chí đôi lúc thầy ấy chịu quá nhiều khó khổ đến nỗi thầy ấy sắp thành điên và sắp bỏ cuộc luôn, nhưng thầy ấy đã trụ lại được. Lúc đầu thầy ấy trải qua giai đoạn khó khăn thực sự, thầy ấy nghĩ sự khó khổ chắc càng lúc càng nặng hơn. Nhưng nó xảy ra ngược lại, nó phai biến dần dần nên thầy ấy rất ngạc nhiên và được giảm khổ. Sự khó khổ chấm dứt bởi thầy ấy không ‘cho nó ăn’ (tức không ‘động tới nó’, không khích động, không can dự, không phản ứng hay xúc tác nó). Ngay đó thầy ấy có được một trải nghiệm trực tiếp về bản chất vô-thường của những trạng thái khó khổ đó.

Nhưng quan trọng hơn, thầy ấy cũng nhận biết trạng thái tâm tăm tối tiêu cực đó vẫn chưa biến mất mãi mãi. Thầy ấy hiểu nó là một tiến trình: thấy ấy thấy được cách nó khởi sinh và cái gì làm nó diễn tiến. Thầy ấy thấy được mình chẳng cần làm gì để chặn đứng nó; chỉ cần tránh không ‘cho nó ăn’, tránh đổ chất cháy vào ngọn lửa; cứ để tự nhiên cho nó tự cháy dần và cháy hết thì thôi. Vì thầy ấy đã tu tập được trí biết này cho nên lần sau hễ có trạng thái tâm tăm tối nào khởi sinh, thầy đều có thể xử lý nó dễ dàng. Nhờ tưởng nhớ lại những trải nghiệm trước đó nên thầy ấy cũng chứng ngộ được quy luật rằng: sự khó khổ tự nó chấm dứt nó. (Khổ sinh khổ diệt). Thầy ấy không cần làm gì, không sợ sệt nó, không sân si kháng cự với nó. Hệ quả là thầy ấy thấy mình dễ dàng chịu đựng với sự khó khổ, và nhờ trí tuệ hiểu biết đó càng ngày càng lớn hơn, sự khó khổ không còn khởi sinh mạnh bạo và cũng không còn kéo dài như trước kia. Và mỗi khi những khó khổ mới lại khởi sinh và biến qua, trí tuệ minh sát của thầy ấy càng được tăng cường hơn nữa. Mỗi lần có khó khổ khởi sinh nó càng xảy ra ngắn hơn và nhẹ “đô” hơn và dễ chịu dựng hơn; rồi cuối cùng tất cả sự khó khổ đó cũng biến mất hoàn toàn. Đây là một trí tuệ đẹp có được từ trong thiền tập—một trí tuệ giản đơn, nhưng là trí-tuệ thực-chất. Mỗi khi chúng ta có thể làm giảm dịu hay vượt qua những sự khó khổ là lúc đó có trí tuệ đó đang làm việc.

Nhận Thấy & Tránh Xa Những Con Rắn

Như ví dụ trên, tới đây chúng ta đã có hiểu biết về những trạng thái tiêu cực của tâm. Chúng ta nên dùng sự hiểu biết về những trạng thái tiêu cực của tâm để thông báo cho sự chánh niệm. Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta thấy những trạng thái thân và tâm đang tăng lên, và nhờ có sự hiểu biết về chúng nên chúng ta có thể có hành động xử lý chúng trước khi chúng đã quá kiên cố. Thời mới tu mấy năm ở Thái Lan tôi cũng có một bạn tu từng là một người lính trong chiến tranh ở Việt Nam. Thầy ấy đã bị bắn ở sau đầu, bị mất một phần não, và thầy bị động kinh. Khi đi tu thầy ấy dùng sự chánh-niệm để nhìn thấy trước những dấu hiệu của cơn động kinh sắp xảy đến. Càng bắt được những dấu hiệu sớm thầy ấy càng có cơ hội tránh sớm bằng cách lánh đi chỗ khác—như đi nằm nghỉ, đi về phòng mình, hoặc đi làm gì đó tùy theo ý thầy ấy—để cho những dấu hiệu đó không dẫn tới cơn động kinh. Qua dần thời gian thầy ấy càng ít bị lên cơn động kinh. Cuối cùng thầy ấy đã đạt tới một mức chánh-niệm nhạy bén có thể ‘bắt’ được chúng rất sớm nên tất cả chúng đều ngưng bặt lại, không khởi sinh thành cơn nữa. Thầy ấy đã dùng sự chánh-niệm để tạo ra trí tuệ hiểu biết để giải quyết vấn đề khổ-đau đó. Và đó chính là điều tôi đang muốn nói: chúng ta có thể dùng sự chánh niệm và trí tuệ cùng lúc để tránh những sự khó khổ trước khi chúng xảy đến với ta.

Thời tôi mới tu học ở Thái Lan, thời đó còn rất nhiều rắn rết trong khu vực chùa tổ Wat Pah Pong. Thường chúng tôi không có dép vì dép thời đó ‘dởm’ nên mang vài bữa là bị đứt hết quai; chúng tôi cũng cố nối cột lại bằng những dây vải dây nhựa, nhưng cũng được một đôi bữa là giục luôn. Hồi đó chúng tôi cũng không có đèn pin—nếu có dùng thì vài bữa chúng cũng ‘chết’ pin, đâu còn bật lên được chút sáng nào. Vậy mà chúng tôi cứ đi chân không qua những lối mòn đầy rắn, chỉ có ánh sao trên tận trời cao le lói nhấp nhá chút hình dáng lối đi. Nhưng nhờ chúng tôi đã biết trước rắn có thể ở trên đường đi, nên chúng tôi phải thiết lập sự chú-tâm chánh-niệm để canh chừng chúng và coi chúng như những mối hiểm họa để tránh. Nhờ làm như vậy chúng tôi mới tránh được rắn. Chúng tôi thông báo cho sự chánh-niệm và dùng một dạng trí tuệ hiểu biết đơn giản để bảo đảm nếu chúng tôi thấy rắn trước chúng tôi sẽ bước né ngay sang hướng khác.

Quý vị có thể làm y hệt như vậy để tránh bị ‘cắn’ bởi những trạng thái tâm tiêu cực bất thiện: dùng sự (chú tâm) chánh-niệm để luôn cảnh (tỉnh) giác về những hiểm họa. Quý vị đã biết những trạng thái tâm tiêu cực sẽ không dẫn tới sự bình an, chúng chỉ dẫn tới những điên đảo phiền não; chúng là những thói tính xấu ác tiêu diệt sự hạnh phúc và dẫn tới sự khổ đau. Và chúng giống như những con rắn: khi ta chạm tới chúng ta sẽ bị cắn, bị đau khổ ngay. Vậy phải nên dùng sự chánh-niệm để nhận biết những trạng thái tiêu cực của tâm ngay khi chúng vừa khởi sinh, và nhờ đó ta có thể tránh né qua đường khác—đó là biết dùng chiến thuật để tránh né chúng. Làm như vậy chúng ta giảm thiểu những khó khổ. Rồi trí biết đó sẽ tạo được sự sống bình an hơn, hạnh phúc hơn và lành mạnh hơn, và ta trôi qua sống qua thế giới này một cách thư thái.

Mặc dù sự sống hạnh phúc và lành mạnh đó tự nó đã là một phần thưởng đáng có, nhưng cũng có nhiều lợi lạc sâu sắc có được từ sự chinh phục những trạng thái tâm tiêu cực đó. Vì những trạng thái tiêu cực là khổ nên người ta thường phản ứng lại chúng bằng nhiều sự tiêu-cực-hơn, do vậy cứ dẫn tới những cảm giác ác cảm, sân giận, thất vọng, hoặc tội lỗi. [Nếu bạn đã không nếm trải những trạng thái tiêu cực đó—sự khó khổ đó—để bắt đầu với chúng, thì bạn đâu cảm thấy tội lỗi]7. Nếu bạn biết dùng sự chánh-niệm và trí- tuệ để làm giảm bớt hoặc thậm chí trừ dứt luôn sự khó khổ đó, thì bạn đâu cần phải trốn chạy vào những khoái lạc hay những mộng tưởng hão huyền nữa. Và thay vì trốn chạy mãi, bạn thà biết tu tập để kiêng giữ giới hạnh và gìn giữ cái tâm trong sạch sẽ dễ dàng hơn. Rồi cách sống tu tập này lại giúp cho bạn được niềm vui hoan hỷ; và yếu tố hoan hỷ đó lại giúp bạn dễ dàng đạt định sâu và giúp tăng cường trí tuệ của bạn. Nếu vậy, lúc này bạn đã tu thành tựu được một vòng tự-hỗ-trợ của các yếu tố nói trên, cái vòng đó càng ngày càng mạnh hơn khi bạn tiếp tục tu tập. Và tất cả là nhờ bạn đã biết dùng trí tuệ hiểu biết của mình.

Cái Tâm Luôn Tìm Lỗi, Luôn Sinh Sự

Hãy cảnh giác với tính tiêu cực, bởi vì nó ‘nuôi ăn’ cái tâm luôn tìm lỗi, cái tâm luôn sinh sự này nọ. Tìm-lỗi hay sinh-sự là một thái độ khởi sinh và chụp nắm lấy ta, như một con rắn, và nó tiêm độc đầu độc cái tâm ta. Khi thói tìm-lỗi này nọ đã được thiết lập quá lâu trong tâm thì mọi sự mà ta tìm lỗi, sinh sự, khó chịu… chẳng bao giờ chấm dứt. Trong các bài kinh chúng ta thấy có nhiều người đã bắt lỗi sinh sự với Đức Phật! Nhiều người có thể có được nơi chùa chiền tu viện tốt nhất, có được những vị thầy ân cần đảm đang nhất, nhưng có thể họ vẫn cứ luôn bắt lỗi khen chê tất cả mọi thứ ở đó. Hồi còn là một Tỳ kheo trẻ có lúc tôi từng bắt bẻ với sư phụ Ajahn Chah của mình, và sau này nghĩ lại tôi thấy mình thiệt quá ngu xuẩn. Nếu tôi bắt bẻ bắt lỗi với sư, một người trí tuệ nhất và vị tha nhất tôi đã từng gặp, thì rõ ràng vấn đề đó dính theo tôi, chứ đâu dính thầy Ajahn Chah.

Khi tâm ta có thói bắt lỗi bắt phải thì rốt cuộc ta cũng bắt lỗi bắt phải với chính ta. Trong các khóa tu người tu thường cứ khen chê sự tu tập của mình: “Tôi vẫn chưa đạt tới điều gì; mấy ngày cuối tôi mệt nên cứ ngủ, không tu gì được”. Quý vị hãy cẩn thận chỗ này, sự bắt lỗi bắt phải thường dẫn tới cảm thấy có tội có lỗi gì đó. Rồi tội lỗi thường dẫn tới hình phạt, và cứ nghĩ lỗi-phạt hoài thì chỉ làm cho sự tu tập bị đứng ngang đó—cao nhất chỉ tới đó.

Nhưng nếu chúng ta tu theo những chỉ dạy của đạo Phật, thì chúng ta biết dùng công thức: Nhận biết, Tha thứ và Học hiểu. Khi làm sai hay không làm tốt, thay vì tự trách tự phạt mình, chúng ta chỉ đơn giản nhận biết điều đó: “Mình biết mình đi trễ. Mình ngủ dậy trễ sáng nay”. Kế tiếp ta thành thực tha thứ cho mình. Chẳng có lý do gì đi trách phạt mình—trí tuệ, cái trí tuệ đích thực biết rõ sự trách phạt chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn mà thôi, càng tạo thêm những trạng thái tiêu cực của tâm.

Khi chúng ta tha thứ, chúng ta buông bỏ, và điều đó dẫn tới sự bình an. Chỉ có điều gì dẫn tới sự bình an, tự do và giải thoát thì đó mới là điều khôn khéo đáng làm. Khi chúng ta thấy sự bắt lỗi bắt phải dẫn ta đi lạc hướng thì chúng ta nên học cách tránh bỏ nó sau đó.

Tôi vừa đọc một quyển sách viết về những liệu pháp khác nhau được phát triển từ ý tưởng đi tìm nguồn gốc quá khứ của những sự khổ trong hiện tại. Nhưng cách đó rất khó khăn, vì sự truy tìm kiểu đó chẳng bao giờ kết thúc. Cách hữu dụng hơn nhiều là cứ đơn giản buông bỏ hết quá khứ, hoặc tốt hơn chỉ nên quán tưởng phần tốt đẹp của quá khứ mà thôi. Chúng ta học được rất nhiều từ những ký ức tốt lành hơn những sự khổ đau trong quá khứ. Khi chúng ta nhớ lại điều gì làm tốt trong quá khứ, điều đó sẽ khích lệ ta lặp lại, làm ta không còn lo bắt lỗi bắt phải gì nữa, và nó soi sáng chỉ ra những nhân tạo nên thành công. Vì vậy hãy dẹp bỏ những sự-thiền lười nhác và bất an, chỉ cần tưởng nhớ và học hỏi từ những sự-thiền tốt lành mình đã có trước đây trong quá khứ. Thậm chí như ta chỉ có được một lần thiền tốt, chỉ mới một lần ta thực sự quan sát hơi-thở được năm phút, thì ta cũng nên nhớ tới ký ức tốt lành đó! Ký ức đó sẽ khích lệ, sẽ thông báo, và dẫn dắt ta tới sự bình an lớn hơn. Đó là cách trí tuệ, cách tu có trí tuệ.

Do vậy chúng ta nên nhìn thấy cái tâm hay bắt lỗi này nọ là một trở ngại, là một con rắn, là mối hiểm nguy nên tránh bỏ. Thông thường ở các nước phương Tây thì sự tìm lỗi tìm khuyết điểm là điều tốt. Nhiều người trong lịch sử đã viết sách với thái độ tìm lỗi bắt bẻ để đấu tranh dân chủ và dẹp bỏ sự độc tôn, độc quyền, những truyền thống cố hủ, và những định chế cố định hà khắc... Thậm chí trong chốn tu hành cũng có người làm vậy: cách đây vài năm có ông tới ở thăm Chùa Wat Pah Nanachat khoảng ba, bốn tuần rồi khi về nước ổng viết một quyển sách về những gì mình trải qua ở chùa. Trong lời ông viết, ông ta đã thực sự phá banh cả tu viện và thầy Ajahn Chah. Ông ta chỉa hướng vào mọi thứ ông cho là sai trái ở trong tu viện, và cuối cùng quyển sách ông xuất bản chỉ toàn những điều không công minh, lệch lạc và thiên vị theo ý ổng. Nhiều người thích moi móc như vậy bởi họ thói tính thích thú bắt lỗi bắt phải. Nhưng người tu thì nên cẩn thận với tâm tính này, nó rất nguy hại, sự nguy hại là ghê ghớm hơn nhiều so với sự thích thú khi làm nó. Khi bạn đã biết sự tiêu cực và tai hại của cái tâm bắt lỗi sinh sự, bạn nhận ra nó là một con rắn độc, thì bạn nên bắt đầu tu sửa để tránh nó sau đó.

Trong kinh nghiệm riêng của tôi, trong đó 90% thuộc cuộc sống xuất gia – và nói chung đối với mọi sự tu tập thực hành của đạo Phật – hầu hết việc tu là tìm hiểu về cái tâm luôn bắt lỗi, sinh sự của mình. Việc này bao gồm cả sự tìm hiểu nó phát sinh từ đâu, cách nào để tránh nó, và cách nào để tu dưỡng cái tâm tích cực—cách nào để nhìn thấy 998 viên gạch tốt, và nhìn ra 2 viên gạch xấu, trong một bức tường ta đã xây. Thay vì đi tìm lỗi này nọ, ta nên cố tìm hiểu con người, cả bản thân mình, và tu tập được tính vị-tha và tâm từ-ái. Coi bản thân mình như một người đang đi trên đường, cái con người nhỏ bé này đã chịu quá nhiều khổ đau rồi, và đang muốn thoát ra khỏi chúng. Nếu ta có thể hòa bình với sự khổ đau, thì ta sẽ thấy tâm tính bắt lỗi sinh sự sẽ giảm bớt dần.

Năng lực thiền của tôi là có được từ thái độ luôn tâm niệm “Đây là đủ tốt rồi” cho dù lúc đó tôi đang trải nghiệm sự xấu hay tốt ra sao. Khả năng có được trong thiền tập chỉ là do thái độ: khi tôi còn có thể quán hơi-thở thì điều đó đủ tốt rồi, và các tầng thiền định thâm sâu chỉ là cái phần thưởng sau đó. Vậy nên khi quý vị thiền, quý vị cứ luôn biết hài lòng, dễ chịu, luôn dễ dàng thỏa mãn. Dễ dàng thỏa mãn không phải là lười biếng nằm dài ra đó; dễ dàng hài lòng vui lòng là làm theo những sự chỉ dẫn mà Phật đã nói trong bài kinh Tâm Từ (Mettā Sutta) mà chúng ta thường tụng đọc; trong Chương 4 tôi cũng đã nói về điều này. Chúng ta đang tu tập để phá bỏ cái thói tâm hay bắt lỗi, khó chịu, sinh sự này nọ. Khi chúng ta phá bỏ được cái tâm bắt lỗi sinh sự đó, thì hai loại ô nhiễm là sân giận và mặc cảm tội lỗi sẽ suy giảm một cách đáng kể, và tương ứng ta càng trải nghiệm nhiều một cảm nhận tự do tự tại.

Ý Nghĩ Đúng Đắn, Ý Hành Đúng Đắn

Vì ta có một cái tâm nên ta cũng có những ý nghĩ. Như cách đây nhiều năm thầy (sư huynh) Ajahn Sumedho đã chỉ giải rằng: ý nghĩ đúng đắn (chánh tư duy) không có nghĩa là không có ý nghĩ - [ngoại trừ khi đang trong trạng thái thiền định sâu] - mà có những ý nghĩ về sự từ bỏ, sự hiền từ, và sự nhẹ nhàng đối với tất cả mọi chúng sinh và cả bản thân mình. Ngay cả Phật cũng có những ý nghĩ đó. Khi tâm ta cảm giác tự do, đó là nhờ ta đã tu tập được ba loại ý nghĩ đúng đắn. Và do những ý nghĩ đó dẫn tới sự bình an và tĩnh tại, nên chúng ta biết chúng đã khởi sinh từ trí tuệ hiểu biết.

Trí tuệ luôn luôn có thể được đo lường bằng những tính chất mà tâm tạo ra. Và những tính chất tốt lại tạo ra thêm trí tuệ. Loại trí tuệ nào tôi có thì nó cũng như một người thầy; trí tuệ khởi sinh từ một cái tâm tĩnh tại. Sự tĩnh tại (định sâu) cho ta những dữ liệu thông tin sâu sắc để chúng ta tu tập và giúp ta có khả năng suy nghĩ minh mẫn rõ ràng. Nó làm tăng sự hiểu biết của chúng ta trên con đường từ-bỏ thế giới ngũ dục để đi tới sự chán-bỏ (nibbidā) và buông-bỏ mọi thứ thế tục, để dẫn tới sự tĩnh lặng, tới sự cân bằng (upasama), tơi sự bình an và tự do. Chúng ta hiểu được rằng đây chính là Giáo Pháp (Dhamma), đây là sự chỉ dẫn của Đức Phật.

Khi các bạn thiền tập hãy nhớ trí tuệ là cái gì. Những giáo lý của Đức Phật có mặt ở đó để giúp bạn đi đúng hướng, để bảo đảm bạn hiểu được cái gì là trí tuệ và cái gì không phải trí tuệ. Nếu điều gì dẫn tới sự khỏe khoắn, sự tĩnh lặng, hạnh phúc và tự do, điều đó chắn hẳn là cách trí tuệ. Nếu cách nào tạo ra những tính chất tiêu cực có nghĩa là bạn đang đi sai lạc lệch đường, và bạn đang tu tập một cách không thiện khéo. Nếu vậy phải tìm hiểu—tìm ra lối lệch đường đó và lần sau không đi theo đó nữa; coi đó như con rắn độc mình phải tránh sau đó. Nếu bạn đang đi lệch đường, hãy kiên nhẫn và cố tĩnh tại; làm vậy bạn sẽ không bị lạc lâu hơn. Thay vì cố kỷ luật cái tâm bằng những ác cảm, bắt lỗi bắt phải, mặc cảm tội lỗi, trách phạt và sợ sệt vì tu sai tu lạc, chúng ta nên dùng cách nào đó mạnh mẽ hơn những kỷ luật đó—cách đó là sự hiền từ, nhẹ nhàng và tha thứ đẹp đẽ để hòa bình với sự sống—nói ngắn gọn, để hòa hợp với Giáo Pháp của Đức Phật. Càng tu thêm lâu theo cách như vậy, tâm bạn càng thêm trong sạch thanh tịnh.

Đây chính là con đường đạo. Nó không khó để bước đi. Các bạn có trí óc—hãy dùng chúng. Các bạn có ít nhiều sự chánh niệm—hãy tăng cường nó. Các bạn đã có sẵn ít nhiều sự hiền từ ở trong lòng—hãy phát triển nó lên. Các bạn có đủ các thứ để chấp nhận bước đi trên con đường đạo này. Cuối cùng trí tuệ lớn lao và sự hiểu biết thâm sâu sẽ khởi sinh. Khi sự hiểu biết thâm sâu khởi sinh, bạn như leo lên được một độ cao mới: bạn nhìn thấy nhiều hơn và có nhiều tầm nhìn lớn hơn rộng hơn cách nhìn trước đây của bạn. Và lúc này bạn đang bắt đầu hiểu thấy được những điều Phật đã nói.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh