Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 11. Leo Lên Các Tháp Chánh Định

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 11. LEO LÊN CÁC THÁP CHÁNH ĐỊNH

THẦY AJAHN TATE là một trong những tu sĩ tôi kính mến nhất, là người thực sự nhìn giống một vị A-la-hán. Tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh của thầy ấy trong ngôi chùa ở tỉnh lỵ Nong Kai bên bờ sông Mê Kông. Vua Thái Lan đã xây cho thầy ấy một sảnh đường lớn—tiếng Thái gọi là một mandapa—nó rất, rất, rất lớn so với một thiền viện của phái Thiền Trong Rừng ở đó. Tôi luôn luôn nhớ cảnh mình đã đi vào trong sảnh đường đó. Nó được xây đẹp với hướng nhìn ra sông tuyệt vời, và ở một nơi gốc nhà có vị sư già đang ngồi trên ghế. Cách thầy ấy nhìn và hào quang sáng quanh thầy ấy cho thấy đó là một người bình-an, một tu sĩ thánh- thiện. Dường như thầy thuộc về chỗ dưới gốc cây với lá cành phủ xuống bên trên. Thầy không thuộc về những nơi trang trọng, nhưng thầy đã ‘được’ đưa vào đây bởi nhà vua—đó là ‘số phận’ của thầy, nếu bạn muốn gọi như vậy.

Trước khi tới gặp thầy, tôi đã nghĩ trong đầu nhiều câu hỏi tôi sẽ hỏi để vị đại sư này chỉ dạy. Nhưng khi tôi tới gần thầy những câu hỏi đó mất tiêu, giống như chuyến đi tới gặp thầy của tôi trở thành vô ích vậy. Thay vì hỏi thầy, tôi lại chỉ nói những điều thật khéo léo chứ không đặt câu hỏi: điều đó tốt hơn nhiều nếu chúng ta không đặt câu hỏi mà tự tìm thấy những câu trả lời. Điều đó cũng làm vị thầy mỉm cười; thầy nói: “Phải, đó là thái độ đúng đắn”. Thay vì cứ dựa vào người khác nói cho ta về sự thật, ta nên tự mình đi tìm và tự chứng nghiệm sự thật đó; và tự mình chịu trách nhiệm về đức hạnh của mình, về sự bình an của mình, và trí tuệ của chính mình.

Nghĩ Theo Lý Giản-Dị

Thời bây giờ chúng ta thường bị dính nhiễm nhiều thông tin quá tải. Nhiều thầy tu trong chúng tôi có hàng đống bài giảng pháp được lưu nén trong các tập tin MP3 trên các máy nghe iPod thời đó (và trong các điện thoại thông minh thời nay). Thời đó ở trong chùa chúng tôi có đầy đủ tất cả tàng kinh bằng tiếng Pali, tiếng Thái, tiếng Hoa, và tiếng Anh, thậm chí cả tiếng Đức. Các kinh sách cũng có chứa đủ trong các máy vi tính trong văn phòng của chùa. Có quá nhiều Giáo Pháp để dùng, nhiều đến nỗi không biết người tu thực sự nên cần nhiều đến bao nhiêu để tu. Thời Đức Phật, có nhiều người chỉ nghe một bài kinh thì họ đã chứng ngộ giáo pháp và đạt tới niềm hạnh phúc và sự cân bằng trong sự sống. Nhưng thời bây giờ nhiều người ôm ngấu nghiến cả đống thông tin. Cũng như ăn nhiều làm thân tăng cân và béo phì, não bị nhồi nhét quá nhiều thông tin nên nó cũng bị tăng cân và phình ra. Trừ khi chúng ta biết sử dụng xử lý những thông tin đó, còn không chúng chỉ làm rối tâm trí chúng ta mà thôi. Chúng ta cần nhớ rằng cốt lõi giáo lý của Đức Phật là đơn giản và rõ ràng: không làm điều xấu ác, làm điều thiện lành, làm trong sạch cái tâm (Dhp. 183). Câu này có thể được chuyển thành một con đường, đó là con đường hiền từ, bình an, và hòa hợp. Những giáo lý giản dị chính là giáo lý tốt nhất!

Là Phật tử, chúng ta cam kết giữ mình hiền từ và sống theo giới hạnh đạo đức. Và chúng ta không chỉ nghĩ về những điều đó, mà chúng ta phải thực hành chúng. Chỉ có thực hành mới thực sự dẫn tới sự bình an, tự do, và hòa hợp. Chỉ có thứ gì chúng ta làm mới đáng tính; chúng ta biết điều gì là đúng hay không nhờ nhìn những kết quả của nó. Đó là lý tại sao Phật đã từng nói với ngài Upāli rằng: một người sẽ biết điều gì là đúng với Giáo Pháp, là đúng với con đường chánh đạo, nếu điều đó dẫn tới một cảm nhận đẹp của sự giải thoát và bình an (kinh AN 7:83).

Cảm nhận giải thoát và bình an được tạo nên khi bạn tu tập đúng đắn, đó là một trải nghiệm tâm—đây là cảm nhận của tâm, vì thân thì luôn có những cảm nhận khổ không thể tránh được. Khi mọi sự xảy ra trong thế gian, tâm chỉ nhìn coi và biết rằng đó là bản-chất của vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra), và luân hồi sinh tử là khổ đau trùng trùng. Ta nhìn thấy khổ mà không phản ứng với nó, ta chỉ đứng giữa biển khổ nhìn khổ, ta chỉ cần nhìn thấy nó như nó là.

Trong các kinh, những bậc A-la-hán nói thế gian đơn giản chỉ là khổ sinh và khổ diệt (kinh SN 12:15). Người thường thường khó nhận dạng những vị A-la-hán đó: họ cũng đi khất thực, ăn cơm, làm việc này việc nọ, cũng tối đi ngủ sáng thức dậy. Bởi vì họ hòa hợp với cộng đồng và không đứng tách bên ngoài, họ gần như biến mất trong những tăng đoàn. Cách bình dị, bình yên, cân bằng, buông xả, cái trình độ đó là một phần của con đường trung đạo. Điều gì, cách gì dẫn tới trạng thái hạnh phúc, tĩnh tại và bình an thì điều đó, cách đó là con đường chánh đạo.

Niềm Hạnh Phúc của Đức-Hạnh và Giới-Hạnh

Chúng ta có thể dạy người ta sống có đức-hạnh và giữ các giới-hạnh, nhưng rốt cuộc chúng ta chẳng biết họ thực sự làm gì. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chỉ cho họ thấy điều Phật đã làm, những gì các sư ông sư phụ đã làm, và như kinh đã nói: nếu bạn muốn có một đời sống hạnh phúc và bình an thì bạn phải kiềm chế những ô nhiễm tiêu cực. Dù bạn là người xuất gia hay tại gia, nếu bạn mê thích khoái lạc giác quan, thì bạn sẽ làm suy giảm năng lực tâm linh và bị lôi kéo vào mọi nẻo đường của thế gian. Những người mê thích khoái lạc bề ngoài có vẻ hạnh phúc, nhưng nếu ta nhìn sâu vào họ ta sẽ thấy những điều khác. Đại văn hào George Bernard Shaw (Anh Quốc) có nói một câu rất hay khi ông được hỏi tại sao người có niềm tin dường như hạnh phúc hơn những người không niềm tin, ông đã trả lời rằng: đâu có gì khác nhau giữa thằng say và thằng xỉn. Điều này cũng giống trong thế giới năm giác quan (ngũ dục). Đi tìm khoái lạc bằng cách coi phim ảnh, đi ăn nhậu, hội hè, ái tình, say sưa kiếm tiềm…thì cũng giống như bị say xỉn theo ngũ dục năm căn. Đó là một dạng ngu mờ si mê, và ta phải trả giá sau đó. Thực ra ta chỉ đang vay mượn cái sướng, và sau đó ta phải nếm trải cái khổ, cái tiêu cực, bất an, chán chường, thất vọng, trầm uất…

Trong các kinh như kinh “Kết Quả Đời Sống Xuất Gia” [Sāmaññaphala Sutta, (Sa-môn Quả), (DN 2.63)], Phật đã nói ai biết sống giữ giới hạnh đạo đức người ấy sẽ được niềm hạnh phúc, đó là “niềm hạnh phúc vì không bị chê chửi” (anavajja-sukha). Thật kỳ diệu khi trải nghiệm cái sự-thật của những giáo lý đó trong sự tu tập của chính mình. Khi bạn giữ giới, kiềm chế bản thân và làm những điều đúng đắn trong một thời gian, thì bạn sẽ cảm thấy rất tốt-lành về bản thân mình. Bạn không lén lút làm những chuyện người khác không biết và nghĩ rằng mình khôn ngoan vì chạy theo hưởng thụ khoái lạc một cách kín bí mật, không ai biết đến. Nhưng chuyện đó đâu phải là bí mật, bởi bạn biết và bạn ý thức rõ về nó mà. (Chính bạn mới là quan trọng, người khác biết hay không biết đâu bằng chính ta biết rõ ta tốt xấu ra sao). Không nhất thiết bạn phải cảm thấy tội lỗi hoặc phải trừng phạt mình, nhưng bạn đã bỏ sót niềm hạnh phúc có được từ sự không bị người khác chê bai quở trách. Nếu bạn nhìn kỹ càng vào sự sống của mình, thì bạn sẽ nhận thấy được những hậu quả của những hành động mình đã làm. Nếu đó là những hành động tích cực, chúng sẽ tác động tích cực tới mức độ hạnh phúc, bình an, và tự do tự tại của mình; và ngược lại.

Việc kiêng cữ giữ giới sẽ cho bạn một cảm giác có-sức-mạnh. Đó cũng là cảm giác riêng cá nhân tôi tự mình trải nghiệm mỗi khi tôi từ bỏ được thứ gì và kiềm chế được những tham muốn của mình, dù lúc tôi còn là người tại gia hay là người xuất gia sau đó. Chẳng hạn, thời trẻ tôi cảm thấy tốt-lành và rất mạnh-mẽ khi bỏ được rượu bia. Tôi cảm thấy có sức mạnh vì không còn dính vào những thói ô nhiễm đó—Bạn cũng có thể đá văng thói xấu đó và bạn sẽ được tự do khỏi chúng. Nói đúng hơn nó giống như ta được tự do khỏi giam tù hay trói buộc. Nếu chúng ta càng đắm mình vào khoái lạc theo năm giác quan thì chúng ta càng trói buộc mình trong những gông cùm đó. (Khoái lạc có bản chất bất toại nguyện nên nó gây nghiện, gây lệ thuộc, và bạn phải luôn dính theo nó). Nhưng ngược lại, nếu bạn càng bỏ tham, sân, si thì bạn càng đi theo con đường của thánh nhân, và bạn càng nếm trải thêm nhiều hạnh phúc và bình an trong sự sống của mình.

Hãy tự hỏi mình cách Phật đã tu là gì, cách của các bậc thánh đệ tử như thầy Xá-lợi-phất và thầy Mục-kiền-liên đã tu thành như thế nào? Nếu các bạn biết tu theo gương của những bậc cao tăng cao ni, thì các bạn không thể nào đi trật đường. Các bạn sẽ có được cái tâm cân bằng và hạnh phúc, vì chúng ta biết phòng hộ, biết buông bỏ, và biết tu sửa vượt qua những nguyên nhân gây khổ.

Vậy đó, khi bạn bắt đầu tu tập về giới hạnh đạo đức thì mức độ hạnh phúc của mình tăng lên. Vì chúng ta có nhiều hạnh phúc hơn (yếu tố lạc) thì yếu tố chánh niệm cũng tăng lên; bạn cảm thấy bình an hơn và sự thiền cũng tiến triển tốt hơn. Tất cả đều hội tụ xảy ra khi bạn bắt đầu nếm trải hạnh phúc. Hạnh phúc cũng cho bạn một cảm nhận hài-lòng. Sự hài lòng là kết quả của giới hạnh kiêng cữ, bởi vì tâm ít còn bị nô lệ theo tham muốn. Mong các bạn nhận biết được cái niềm hạnh phúc có được từ sự thoát khỏi tham muốn dục vọng, nó ngược lại với sự nô lệ theo tham muốn dục vọng. Sống trong thế gian, chúng ta giống như liên tục bị nắm mũi kéo đi, luôn bị lôi cuốn đi. Ví dụ bạn thấy có khi nam nữ gặp nhau, dục vọng ái tình lôi kéo hai người, và hai người dính gắn với nhau bằng sự ràng buộc nam nữ hoặc hôn nhân. Cả hai bị dính buộc vào nhau vì hôn nhân và nhiều thứ ràng buộc của truyền thống gia đình và xã hội về hôn sự. Rồi cả hai bị trói buộc nhau nhiều năm. Chưa kể, nếu hạnh phúc giảm dần và sự chán bỏ tăng lên, thì họ lại chia tay, và khổ đau lại kéo về thêm nhiều. Họ cứ lẩn quẩn trong vòng bất toại nguyện và khổ buộc như vậy. Người ta nói vợ chồng có thể sống hạnh phúc với nhau lâu năm là nói theo nghĩa thế gian; nghĩa hiện-thực thì họ bị trói buộc vào nhau và rất nhiều khổ sở kéo theo. Chẳng hạn ở đời đã có nhiều người đã hiểu biết như vậy và do đó họ có thể tránh sự ràng buộc khổ lụy đó. Cái gốc là biết kiêng cữ kiềm chế những tham muốn và dục vọng.

Hãy Là Người Biết Kiểm-Soát Những Tham Muốn

Lúc đầu khi dính vào thế giới ta nghĩ những tham muốn là của ta, và ta kiểm soát chúng. Nhưng nếu ta mê thích rồi thì ta thấy những tham muốn đó lại kiểm soát ta. Thay vì được chọn lựa, ta bị bắt buộc phải thỏa mãn chúng. Cứ như một người có con chó. Ban đầu dắt chó đi dạo. Sau đó con chó chạy lòng vòng và người dắt phải chạy theo nó. Vai trò của chủ và nô lệ cứ đổi nhau, giống như mối quan hệ giữa con người và dục vọng. Ban đầu chúng ta nghĩ chúng ta kiểm soát những tham muốn và dục vọng của mình, rằng chúng ta có thể uốn nắn chúng theo ý muốn và mục đích của chúng ta. Nhưng trước khi làm được điều đó những dục vọng và tham muốn đã kiểm soát lại chúng ta; chúng lôi kéo ta, sai khiến ta phải chạy theo chúng, phải làm thỏa mãn chúng.

Để có được sự tự do khỏi những dục vọng tham muốn thì chúng ta cần dùng sự kiềm-chế và giới-hạnh; chúng ta phải nói “không” với tham muốn và dục vọng. Khi chúng ta nói “không” với sự tham đắm trong dục lạc thì chúng ta cảm giác được một cảm nhận tự-do: chúng ta không còn làm nô lệ cho những khoái lạc đó nữa. Nếu chúng ta mất ngủ một bữa, ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu ta biết nghĩ rằng: lâu lâu thiếu ngủ một bữa cũng không sao. Ăn cơm mỗi ngày là tốt, nhưng nếu có bữa không ăn thì chắc cũng không sao. Đức Phật không khuyến khích việc nhịn đói, nhưng lâu lâu không ăn một bữa cũng tốt, cứ cố tìm hiểu mình còn đang kiểm soát được tham muốn hay không.

Nhiều năm trước tôi quyết định bỏ uống trà trong suốt ba tháng an cư Mùa Mưa. Khi tôi nói vậy, có một thầy đang tu cùng tôi đã tới gặp tôi và tỏ vẻ lo lắng giùm tôi, vì việc bỏ trà đối với một người Anh như tôi là hy sinh lớn. Vài năm trước đây một sư thầy người Anh khác cũng cố bỏ uống trà hàng ngày, nhưng thầy ấy thấy rất khó bỏ. Tôi nói rằng tôi đã quyết tâm sống hưởng thụ thời gian tốt lành mà không cần có trà, không cần phụ thuộc vào trà; và cuối cùng trà đã không còn ảnh hưởng tôi nữa. Vậy đó, nhiều lúc nới lỏng sự kiểm soát của tham muốn thì tốt hơn, đừng để chúng điều khiển chúng ta hàng ngày. Khi càng ít hưởng thụ, ta càng ít nhu cầu, ta càng được tự do. Ta biết rõ những thứ đó không sở hữu ta và sai khiến ta; chính ta là người sở hữu chúng; và ta có thể kiềm chế chúng và từ bỏ chúng.

Nếu bạn có giới hạnh, nếu bạn có thể nói “không” với những dục vọng và tham muốn, thì không những bạn đạt được một cảm giác tự do và bình an tuyệt vời mà bạn còn có được một cảm giác tự-tin kỳ diệu. Điều này thực sự đã được Phật nói trong các kinh: nếu ai có đức hạnh, nếu giữ giới hạnh, người đó đi bất cứ đâu cũng không hề sợ hãi (kinh DN 16.1.24). Và do những tham muốn không điều khiển bạn, nên bạn được tự do uyển chuyển và có thể ứng phó với những tình cảnh luôn luôn đổi thay. Vậy đó, sự kiềm chế các giác quan giúp tạo ra niềm tự tin và cảm giác độc lập kỳ diệu.

Chúng ta nên nhắm tới việc đạt được sự tự do, sự bình an, và hạnh phúc được sinh ra từ đức-hạnh và trái-tim hiền-lành. Nhưng đừng để giới hạnh trở thành một áp lực đối với chúng ta. Khi chúng ta đã hiểu biết giới hạnh và đức hạnh một cách đúng đắn thì chúng ta đã biết nó nhắm tới sự tự-do khỏi khổ. (Mục tiêu của giới hạnh là sự tự-do khỏi khổ đau). Giống như một đứa trẻ đưa tay vô lửa, chúng ta cũng cảm thấy đau khổ mỗi khi làm những điều sai trái. Nhưng trẻ con thì biết học, biết chừa và không còn đút tay vô lửa nữa; còn chúng ta là người lớn những càng lớn chúng ta càng khó chừa, khó bỏ, khó tu sửa những hành động xấu ác của mình. Do vậy, giờ chúng ta nên biết quan sát hậu quả của những hành động của mình, từ đó nên biết chừa, biết tu sửa và làm những điều thiện lành để có được sự tự do, bình an và hạnh phúc. Nếu chúng ta không làm vậy, thì chúng ta vẫn nằm trong sự chi phối của dục vọng, ác ý, tội lỗi và những ô nhiễm khác, và chỉ tạo tác thêm khổ đau và làm tổn thương chính mình và những người khác. Nói cách khác, đức hạnh thực thụ thì tạo ra sự bình an, tự do và hạnh phúc; (ba thứ này tự có mặt một cách hữu cơ khi người biết giữ giới hạnh đạo đức). Cũng giống như thiền: nếu bạn thực sự buông-bỏ và làm lắng dịu cái tâm, tu như vậy sẽ dẫn tới những phẩm hạnh đẹp đẽ.

Tháp Chánh-Định và Trí-Tuệ

Chánh định ở đây là samādhi. Trí tuệ thâm thúy ở đây là pānna. Định và tuệ.

Một phần kinh được tụng đọc tại lễ thụ giới Tỳ kheo có nói rằng: khi chánh-định (samādhi) được tăng cường bởi giới-hạnh (sila), điều đó thực sự mang lại ích lợi lớn và kết quả lớn (kinh DN 16.1.12). Phật đã nói vậy, rằng nếu không kiềm chế những ô nhiễm và không cam kết làm những điều chân chánh, thì chánh định sẽ yếu ớt. Khi người ta nghĩ tới thiền tập, họ phân vân không biết quan sát hơi-thở theo cách nào, không biết làm gì khi có tâm-ảnh nimitta xuất hiện, và không biết những phương-diện kỹ thuật khác nhau của tiến trình thiền tập diễn ra ra sao…, nhưng họ hiếm khi đặt câu hỏi cái gì bơm năng lượng cho chánh định. Họ thường bỏ quên phần giới-hạnh và kiêng-cữ: đó là phần rất rất quan trọng để tu tập chánh-định thành công.

Trong kinh Tāyana [Tāyana Sutta (SN 2:8)] có nói rằng: người tu không thể đạt tới sự nhất-điểm của tâm, tức định-tâm (samādhi), nếu không tu tập buông bỏ năm giác quan và những tham muốn giác quan. Đây là một giáo lý quan trọng! Chúng ta biết thế giới năm giác quan là khổ, bản chất đích thực của nó là khổ, nó luôn kéo theo những khổ đau và khó khăn. Khi tôi làm những việc như tu sửa lại thiền viện chỗ tôi tu, hoặc khi dẫn dắt Tăng đoàn ở đó, tôi biết những việc đó chứa đầy khó khổ, bởi những việc đó nằm trong thế giới năm giác quan: nhìn, nghe, ngửi, nếm và chạm xúc. Tôi luôn cố để những thứ đó bên ngoài. Thực tại là chúng ta không thể trốn thoát khỏi thế giới năm giác quan, và cho nên không có giải pháp nào ngoài cách duy nhất là buông bỏ nó. Mục đích duy nhất của thiền định—tiến trình tu tập để đạt tới chánh-định samādhi—là làm lắng dịu năm giác quan và làm cho tâm bình an. Chỉ từ sự bình an và tĩnh tại, từ sự buông bỏ thì chúng ta mới có được tầm nhìn thực tế về thế giới.

Hồi còn trẻ tôi có đi qua Trung Mỹ. Tôi đi xuyên qua rừng rậm của bán đảo Yucatan, và tôi trèo lên một trong những tháp cổ của người Maya. Lần đầu tiên trong những ngày đó tôi có thể nhìn thấy xa hơn những cảnh xung quanh và có được tầm nhìn rộng lớn hơn nhiều. Đây là một ví dụ xuất sắc về cái sẽ diễn ra trong thiền. Khi người tu tiến được vào những trạng thái định sâu (samādhi) thì tâm trở nên thật rõ sáng; lần đầu tiên trong đời, người tu có thể nhìn xuống với một tầm nhìn rõ ràng về cái thế giới mình đang sống và xoay sở trong đó.

Đây chính là phương-diện trí-tuệ của thiền, là mặt quan trọng của thiền. Khi người tu bước ra khỏi cái ‘ta’ bình thường thì người tu có thể nhìn và tiếp cận một cách chính xác những gì mình đang làm mọi lúc mọi nơi. Lúc này bạn nhận ra rằng mặc dù mình đã luôn cho mình là khôn ngoan, nhưng thường mình không phải vậy. Mặc dù bạn luôn nghĩ rằng mình làm điều tốt trên thế gian, nhưng thực ra không phải vậy, nhiều lúc bạn thực sự chỉ đang làm hại mình và người khác mà thôi. Khi tôi đi bộ băng qua khu rừng già, tôi không thể nhìn thấy mình đang đi đâu: mù mịt và vất vả. Nhưng khi leo cao lên tháp thì tôi có thể nhìn thấy rõ đường đi hay lối đi tốt nhất, ngắn nhất và dễ nhất ở bên dưới mặt đất. Tương tự cách như vậy, khi bạn có một trải nghiệm thiền đúng đắn, thì bạn hiểu được thế giới, và bạn nhìn thấy con đường bình-an-nhất và ít-khó- khổ-nhất để băng qua khỏi cái rừng chằng chịt rối mù của sự sống.

Khi bạn nhìn thấy rõ ràng, thì bạn không còn trông đợi cuộc sống sẽ cho bạn những thứ nó không thể cho. Đó là định nghĩa của tôi về sự khổ: khổ là muốn những điều cuộc sống không thể cho mình. Nếu chúng ta mong muốn quá nhiều từ cuộc sống thì ta khổ nhiều. Chính vì trông đợi những thứ không thể có nên mình tạo ra khổ. Khi chúng ta hiểu rõ những hữu-hạn của cuộc sống và những giới-hạn của khả năng con người, thì tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng sống sao cho hữu ích và không làm tổn hại người khác. Nhưng dù đã có những ý định tốt lành nhất như vậy nhưng đôi khi chúng ta cũng không làm được điều đó. Cuộc sống là vậy; bạn không thể làm gì hơn. Chúng ta sẽ có được một sự nhạy cảm khôn khéo đối với thế giới xung quanh bằng cách nhìn thấy mọi sự đúng như chúng thực là—nhìn thấy rõ bản chất của rừng rậm là nguy hiểm và khổ khó. Giờ tất cả chúng ta đều mang tiềm ẩn của sự “già, bệnh, chết” bên trong thân mình. Đó là bản chất tự nhiên của sắc thân: sinh, hoại, diệt. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận sự thật đó, và sống thuận hòa với nó.

Đức Phật đã nói: tất cả chúng ta đều bị đâm dính bằng hai mũi tên khổ đau: một mũi nơi thân và một mũi nơi tâm (kinh SN 36:6). Mũi ở thân là khổ thân: chúng ta chẳng thể làm được gì được điều đó, (thân là khổ, là già, bệnh, chết; ta không thể làm gì để thay đổi nỗi khổ này). Việc duy nhất chúng ta có thể làm là tìm cách rút mũi tên nơi tâm ra. Mũi tên độc nơi tâm chính là cái ‘ta’ và cách nhìn thiển cận và sai lầm [“Tôi không thích cái này”, “Không được, tôi không chịu vậy”, “Tại sao lại như vậy, phải như vầy theo ý tôi chứ?”] Khi chúng ta đứng trên đỉnh tháp cao và nhìn xuống sự sống của ta và thế giới, ta sẽ có được tầm nhìn rộng, rõ và thực tế hơn. Sau khi leo xuống lại, chúng ta trở nên khôn khéo hơn, thông thái hơn nhiều. Và vì chúng ta khôn khéo hơn và trí tuệ hơn nên sự sống của chúng ta sẽ được bình an hơn và thư thái hơn; và lúc đó chỉ còn một thứ khổ duy nhất là mũi tên độc ở thân mà thôi. Đó là tính chất của trí-tuệ hiểu-biết giúp ta có được sự sống tốt nhất có thể.

Mọi người vẫn luôn có đủ loại ý tưởng và định nghĩa về tâm- ảnh nimitta, về trạng thái tầng thiền định jhāna, về bản chất của sự hiện hữu, về bốn chân lý diệu đế, và về lý duyên khởi… Mặc dù thông thường họ không biết mình đang nói gì, nhưng họ vẫn cứ luôn võ đoán này nọ hoặc diễn dịch đủ kiểu. Nhưng Đức Phật đã nói: Phật chỉ dạy về khổ và sự chấm dứt khổ (kinh SN 22:86), và đó là tất cả những gì chúng ta cần tập trung vào đó. Bằng cách làm đúng vậy, chúng ta chỉ tập trung vào con đường đạo dẫn tới sự bình an và hạnh phúc. Và con đường đó là học cách rời bỏ thế giới bằng cách leo lên đỉnh tháp cao bên trong tâm này: đó là các tầng tháp của thiền. Leo lên các tầng tháp cao đó giúp bạn hiểu thấy được những đặc tính của trí tuệ: đó là sự hiểu biết (tri kiến) của con đường trung-đạo cân bằng, hiền từ, hạnh phúc và bình an. Khi chúng ta nhìn thấy bức tranh lớn đó, chúng ta được tự do tự tại. Và dấu hiệu của tự do chính là sự sống đẹp đẽ, bình an. Chắc chắn là vậy, nhưng chúng ta vẫn còn những khó khổ về thân—nhưng cái đống khổ về tâm—mũi tên độc nơi tâm—đã được nhổ bỏ.

Con Đường Trung-Đạo Đẹp Đẽ

Chúng ta đã có quá đủ mọi thứ khổ về thân và tâm. Mặc dù chúng ta đã cố gắng làm giảm những khổ đau về thân bằng nhiều cách chăm sóc và phòng chữa khác nhau, nhưng chúng ta nhận ra rằng sự khổ đau của thân là một phần của sự có-thân; khổ đau là một phần chính của sự sống trong thế giới này. Đó cũng là phần của cuộc sống khi chúng nhìn thấy mọi người làm những điều ngu si, cứ chạy theo đủ thứ để làm tự tổn thương mình và làm khổ người. Khi sống ở Úc tôi thường thấy những con chuột túi (kangaroo) tranh giành nhau chỗ thức ăn thừa trong chùa của chúng tôi. Nhìn chúng tham lam tranh giành như vậy cũng giống như nhân loại luôn tranh đấu. Nhưng nếu bạn đã hiểu rõ bản chất của thế giới là vậy và bạn chẳng thể làm gì được, thì bạn chỉ nên mỉm cười và buông bỏ. Tương tự như vậy, khi chúng ta nhìn thấy khổ thân của ta và của mọi người khác và mặc dù chúng đã cố làm hết sức để giúp nhưng cũng chẳng thay đổi gì được nhiều. Lúc đó ta chỉ còn biết tự mình cố gắng rút mũi tên độc nơi tâm, và học cách sống bình an. Rồi sau đó chúng ta sẽ biết được rằng đó chính là cách duy nhất để trừ bỏ hoàn toàn mọi khổ đau; tức là thoát khỏi mọi sự khổ thân và tâm bằng cách không bị tái sinh nữa. Rốt cuộc đó chính là điều chúng ta tâm nguyện đạt tới. Và thực vậy, nguyện cho mình và mọi người được niết-bàn là mức độ cao nhất của tâm từ-bi.

Trong kinh Châu Báu (Ratana Sutta) có nói: Đức Phật niết- bàn vì hạnh phúc tối đa cho chúng sinh (kinh Sn. 233). Nói cách khác, món quà tốt nhất mà bạn có thể cho người khác là tự mình tu tập tới giác ngộ. Nếu bạn có hạnh nguyện vị-tha thực sự (vì mọi chúng sinh khác) thì đó là cách bạn nên tập trung làm: lo tu tập bản thân để tự mình đạt giác ngộ. Trừ khi bạn đã giác ngộ, còn không thì bạn chẳng bao giờ biết mình đang làm gì. Chỉ khi nào bạn leo lên các tầng tháp trong tâm, tức các tầng thiền, và leo qua hết các tầng tháp để lên tới đỉnh tháp, thì lúc đó bạn sẽ biết rằng những khó khổ của sự sống đã được chinh phục. Đó là lúc bạn đã vượt lên trên thế giới và nhìn thấy hết bức-tranh-lớn—với tầm nhìn của chim trời, tầm nhìn cao rộng của thánh nhân—thì bạn hiểu thấy toàn bộ con đường đạo diễn ra như thế nào. Khi bạn đã hiểu thấy như vậy thì bạn trở thành một bậc thánh Nhập Lưu—Lúc đó bạn mới sửng sờ không hiểu tại sao mình lại có thể bỏ mất cáu “phần thưởng tuyệt vời” này trong suốt bao năm qua… Lúc này bạn đã có được loại trí-tuệ để nhìn thấy rõ ràng những điều gì tạo ra sự bình-an và hạnh-phúc—đó là loại trí-tuệ không cầu chứng, không cầu toàn, không bao giờ đòi hỏi thứ thế giới không thể cho mình. Nhờ có sự sáng rõ minh sát, loại trí-tuệ đó có thể làm giảm diệt khổ đau. Xin nhớ lại rằng: khổ là do đòi hỏi thế giới những điều nó không thể cho mình.

Vậy thì hãy leo lên tầng tháp cao và nhìn xuống bao quát từ bên trên. Đây là một ví dụ đơn giản giúp các bạn hiểu được cái cảm giác của sự thiền thực thụ, cái mùi vị của trí tuệ và sự giác ngộ, và cái cách các bạn có thể tu và đạt tới chúng. Khi hiểu được điều này thì bạn hiểu được ý nghĩa của đạo Phật, hiểu được ý nghĩa của những giáo lý về “giới, định, tuệ”. Một khi bạn đã đạt tới trí tuệ lớn lao thì lúc đó bạn cũng được bình an, cho dù có điều gì đang xảy đến với thân thể của mình. Chúng ta vẫn chăm sóc cái thân này, nhưng chúng ta cố làm gì vượt quá phận sự đó, bởi chúng ta đã biết rõ cái bản chất sinh-diệt của thân rồi. Chúng ta tu tập theo con đường trung-đạo.

Một người tu theo con đường trung-đạo là người đang dần dần biến mất. Chỉ khi nào còn ở-giữa con đường đó thì mới có thể biến mất. Nếu bạn còn ngã lệch theo hướng cực đoan nào—ngã trái hay ngã phải, quá dài hay quá ngắn, quá mập hay quá ốm, quá này hay quá nọ—thì bạn bị rớt ra ngoài con đường. Điều đó thực sáng tỏ, nó sáng tỏ như hình ảnh của thầy Ajahn Tate ở Thái Lan. Thầy ở trong sảnh đường lộng lẫy, nhưng thầy đã biến mất…Lúc tôi đi vào trong gian phòng đó, gian phòng dường như trống không—Tôi phải nhìn đi nhìn lại hai lần mới nhìn thấy một vị sư già bé nhỏ đang ngồi nơi góc phòng. Vậy đó, công việc của bạn chỉ là như vậy: hãy tu tập như thầy Ajahn Tate và biến mất khỏi thế giới đầy khổ đau này.

--- HẾT ---

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh