Nghệ Thuật Biến Mất: Chương 6. Làm Lắng Dịu, Và Trí Tuệ Thấy Biết Theo Sau

NGHỆ THUẬT BIẾN MẤT: CHƯƠNG 6. LÀM LẮNG DỊU, VÀ TRÍ TUỆ THẤY BIẾT THEO SAU

CÓ THỂ BẠN NẮM GIỮ nhiều Giáo Pháp có được nhờ đọc và học từ kinh, sách và các bài giảng. Việc đó cũng quan trọng, nhưng mọi hiểu biết qua sách vở chỉ mang lại cho ta cách nhìn bề- ngoài. Điều chúng ta cần là tự mình nhìn thấy cách cái tâm hoạt động ra sao. Chúng ta cần hiểu biết thông qua sự trải nghiệm trực tiếp, nơi phát sinh những chướng ngại ô nhiễm—cũng là nơi khởi sinh những tính chất tốt lành như tĩnh lặng, buông bỏ. (Tốt, xấu, thiện, ác đều từ trong tâm mà khởi sinh). Khi chúng ta hiểu được tiến trình của tâm, ta phát triển được trí tuệ (minh sát) nhìn thấy thâm sâu. Nhưng để làm được vậy, chúng ta phải tu tập cho được những trạng thái tĩnh-lặng và bình-an của tâm. Sự bình an và tĩnh tại đó càng sâu, thì ta càng hiểu thấy thấu suốt hơn bản chất đích thực của mọi sự diễn ra.

Hiểu Biết về Nhân-Quả

Đối với những ai chưa trải nghiệm tới sự thiền sâu, ta thử lấy ví dụ đơn giản nhưng hữu ích để suy xét; ví dụ có một người trẻ tuổi tháo rời cái đồng hồ hoặc máy radio để tìm hiểu cách hoạt động của nó. Tương tự vậy, nếu bạn có những khó khăn trở ngại trong thiền và không hiểu tại sao, thì cũng nên suy xét tìm hiểu từng phần của thân-tâm mình. Đừng lo, bởi vì cách đó cho bạn cơ hội để bạn tìm hiểu cách hoạt động của thân tâm mình. Khi tìm hiểu như vậy bạn mới nhìn thấy cái cơ chế nhân-quả vận hành trong thân và tâm của con người.

Nhưng nhớ rằng: chúng ta cần có sự bình an và tĩnh tại để có thể đạt tới những sự hiểu biết thực sự. Một ví dụ xưa về con nòng nọc ở trong hồ: nếu được sinh ra trong nước và ở suốt đời trong nước, thì có thể nó không hiểu được nước thực sự là gì. Chỉ khi nào nó lớn thành con ếch và lên bờ thì nó mới có thể hiểu được nước thực sự là gì. Tương tự vậy, chỉ khi nào mọi thứ biến mất khi tâm đang ở trạng thái thiền định thâm sâu thì ta mới thực sự hiểu chúng thực sự là gì. Đó ban đầu là sự tĩnh-tại của tâm, rồi tiếp theo là sự biến-mất của mọi thứ, và rồi làm khởi sinh trí-biết của tâm. Đúng thực thì, một trong những chữ đồng nghĩa với Niết-bàn là sự chấm- dứt—đó là sự lắng dịu tất cả các hành tạo tác (saṅkhāra), sự chấm dứt mọi thứ. Sabbasaṅkhārasamatha—sự lắng dịu tất cả các hành—là một khái niệm tuyệt vời để người tu nhắm tới đó. Niết- bàn có nghĩa là như vầy—sự làm định tâm (samatha), sự làm lắng dịu, sự làm tĩnh lặng, sự lắng xuống và sự lắng dịu của tất cả các hành tạo tác (saṅkhāra). Trong trường hợp này, chữ saṅkhāra có nghĩa là những tạo tác được tạo bởi những hành động của thân, lời nói, và tâm ý—đó chính là những thứ bạn trải nghiệm, chính là những nghiệp quả của những nghiệp trong quá khứ. Nhưng, chữ saṅkhāra cũng có nghĩa là toàn bộ tiến trình của các nhân tạo nghiệp (kamma)— đó chính là những hành động cố ý của thân, lời nói, và tâm ý. Do vậy, chữ saṅkhāra bao hàm cả nghĩa thụ-động và nghĩa chủ-động.

Một khi bạn đã hiểu được tình cảnh hiện tại của ta là được tạo ra bởi những nhân trong quá khứ, thì bạn có thể “làm việc” với hệ thống nhân-quả đó để mang lại sự bình an, sự tĩnh tại, sự giải thoát, sự tự do tự tại, và sự giác ngộ. Để làm lắng dịu các saṅkhāra thụ động, bạn phải làm lắng dịu những lắng dịu những saṅkhāra chủ động—bởi những hành thụ động được tạo ra bởi những hành chủ động. Điều này có nghĩa là làm lắng dịu cái ý chí [ý hành]—đó là toàn bộ cái tiến trình điều khiển và làm—và dùng trí tuệ hiểu biết để để yên cho giây-phút-hiện-tại diễn ra và ta sống hòa bình với giây-phút-hiện-tại. Bạn mở rộng cửa trái tim cho giây phút-hiện tại, cho dù nó là gì—bạn luôn biết hài lòng, không đòi hỏi gì (không khó chịu, bắt lỗi, sinh sự gì gì) với tự nhiên; ta biết dễ chịu, biết dễ dàng được thỏa mãn, và biết hạnh phúc vui lòng với sự ở-đây ngay trong thời hiện-tại. Thiệt ra đó không phải là việc khó làm nếu bạn biết nhìn vào nó một cách hữu-lý rằng: dù có nói gì đi nữa, giây phút-hiện tại là ngay-ở-đây, ta đâu thay đổi gì nó được; và do ta chẳng thể làm gì được, tốt hơn ta nên chấp nhận nó (sống trong nó, an trú trong nó).

Làm Lắng Dịu Ý Chí (Ý Hành), và Làm Giảm Thiểu Cảm Nhận về Cái Ta

Nếu ta kháng cự với giây phút-hiện tại là ta đang làm sai—là ta đang khích trương cái ý chí và càng làm nó mạnh bạo hơn. Ý chí càng mạnh nghĩa là cái ‘ta’ càng mạnh và cảm nhận về cái ‘ta’ càng mạnh hơn. Nhưng nếu ý chí được giảm nhẹ thì cái ‘ta’ được giảm nhẹ; khi ý chí được loại bỏ thì cái ‘ta’ cũng sẽ được lắng dịu và phần lớn cái ‘ta’ sẽ biến mất. Sự biến mất cái cảm-nhận về cái ‘ta’ được gọi là sự vô-ngã (anattā). Cảm nhận về cái ‘ta’ là (i) cái ‘ta’ trong liên hệ đối đãi với những người khác xung quanh – đó là cái ‘ta’ bên ngoài—và, (ii) nghiêm trọng hơn, là cái ‘ta’ bên trong – đó chính là cái “cảm-nhận về cái ‘ta’” đó, tức là cái chúng ta vẫn luôn nghĩ là một cái ‘con người’ đang thực sự có ở bên trong chúng ta. Nhưng trong thực-tại thì không phải vậy: (cảm nhận đó là sai lầm, vì không thực sự có một cái ‘con người’ hay ‘bản ngã’ cố định nào đang thực có bên trong chúng ta cả). Theo ý nghĩa rốt ráo của sự thật thì không phải vậy. (Không có cái gì cố-định để chúng ta bám vào đó và gọi đó là cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ cố định). Tất cả những móc chúng ta treo cái mũ ‘cái ta’ lên đó bây giờ đều bị gỡ bỏ hoàn toàn. Đây là cách Đức Phật giải thích để mọi người hiểu về “sự lắng-dịu tất cả các hành” (sabba-saṅkhāra-samatha) nghĩa là gì, là sự làm biến mất cái ‘ta’ và ‘ý hành’—điều này có làm khiếp sợ mọi người (theo kinh MN 26.19). (Ai cũng thấy lo sợ khi mình bị mất cái ‘ta’, thấy sợ hãi khi nghe mình thực sự không có cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ cố định nào cả).

Để nhìn thấy cảm giác cái ‘ta’ (ngã chấp, ngã kiến) biến mất là một cuộc đấu tranh cam go trong những năm đầu của đời sống xuất gia! Bởi điều đó hoàn toàn đi ngược lại thế gian, nơi mà mọi người luôn thực sự tìm kiếm một danh tánh rõ ràng và nhất quán bằng những đặc điểm như tên, tuổi, ngày sinh, lý lịch, bằng cấp, chức vị, giới tính, và kỹ năng. Người đời làm việc vất vả cả đời để lấy lòng người khác và để tạo ra một cái ‘ta’ danh tánh được chấp nhận trên đời—để được nhận dạng và chấp nhận bởi xã hội, bạn bè, cha mẹ, thầy cô, và đồng loại. Để ai cũng biết rõ mình là ai. Ai cũng có cảm nhận mình theo một danh tánh cố định. Nhưng giờ lại nghe Phật nói tháo gỡ tất cả những bộ phận và đặc điểm của cái ‘con người danh tánh’ đó ra. Nghe thật phũ phàng. Nghe giống như trước giờ cả đời ta được chăm sóc, ăn uống, học tập, làm việc và cố làm mọi thứ trên đời để có được một danh tánh cái “Ông A” được nhận dạng bởi xã hội thế gian…chỉ là công cốc, và vô nghĩa, và uổng phí thời gian. Thực vậy, khi tôi nhìn lại quãng thời gian lớn lên và dùi mài học tập từ nhỏ cho tới đại học Cambridge để cố thi đậu qua các kỳ thi để có được chứng chỉ, bằng cấp, để được công nhận, và để tạo nên một danh tính. Giờ nghĩ lại tất cả chỉ là công cốc và uổng phí. Chắc hẳn rất nhiều các bạn cũng đã làm như tôi. Và giờ chúng ta đang cố làm ngược lại, giờ chúng ta lại cố tu để được biến-mất, nhưng gặp quá nhiều khó khăn và trở ngại, bởi do và bởi do chúng ta đã bỏ phí mấy chục năm để tạo tác quá nhiều nghiệp xấu trên con đường xây dựng một danh tánh lỏng lẻo, không thực, và vô thường đó… Giờ muốn biến-mất chúng ta phải đối diện với vô số những nghiệp xấu đó.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Nhưng nhớ rằng chúng ta không thể biến-mất bằng những hành động ý chí, không phải chỉ cần nói hay thắp nhang quyết chí thệ nguyện: “Tôi thề sẽ không tái sinh hiện hữu nữa; đây sẽ là kiếp cuối cùng của tôi ở đây” là ta có thể biến-mất và giải thoát được đâu. Bởi chính cái ý-chí là cái bày vẽ ra cái ‘ta’, nên cứ làm theo ý chí thì sẽ mãi mãi còn cái cảm nhận cái ‘ta’ chứ không giải thoát nỗi. Cho dù ý chí ý nguyện đó là ý chí muốn “không còn tái sinh hiện hữu” trong thế gian sinh tử này nữa, đó là ý tốt—Nhưng thực thụ thì ý chí đó chỉ là loại dục-vọng không muốn hiện hữu (tức không muốn còn hiện hữu và bị tái sinh nữa) mà thôi – dục vọng đó mãi mãi duy trì cái cảm-nhận về một cái ‘ta’; (bởi dục vọng là tham muốn cho/vì cái ‘ta’ mà). Cũng giống như mọi ý chí khác, "dục vọng không còn tái sinh hiện hữu" là một loại ý hành tạo tác (saṅkhāra), và tất cả mọi ý hành đó càng tạo thêm vô số nhân tạo tác ra vô số thứ nghiệp trong tương lai. Nếu đi theo đường lối của ý chí thì chúng ta chẳng bao giờ có thể chấm dứt được tái sinh; (đơn giản bởi ý chí là dạng tham dục, và còn dục vọng là còn tái sinh, còn dục vọng là do còn cái ‘ta’ ảo tưởng đó – bởi dục vọng là tham muốn cho cái ‘ta’ mà). Chỉ có cách duy nhất có thể làm được là đi theo con đường thiền tập. Bằng cách tu tập, thực hành và làm cho sự thiền của mình được thâm sâu, từng bước từng bước, thì cái cảm-nhận cái ‘ta’ đó, tức cái ‘ngã’ của bạn, mới bắt đầu phai biến.

Thiền thực sự là nền tảng căn-bản của con đường đạo Phật, cho nên những phần khác như Giới Hạnh (sīla) và thậm chí Trí Tuệ (panna) có thể được coi là những yếu tố phụ trợ. Định (samādhi) là trung tâm, bởi vì khi bạn học được cách làm lắng lặn cái tâm, bạn cũng dần dần học được cách biến-mất, cách để phai-biến cái ‘ta’. Dĩ nhiên, ngay từ đầu rất khó phai biến—bạn muốn “hiện hữu”, muốn cái ‘ta’ tồn tại, bởi vì đó là mục đích duy nhất trong muôn vàn kiếp sống. Vì lẽ đó nên đời sống xuất gia tu hành đã được thiết lập (và tăng đoàn, chùa chiền, tu viện…đã được sáng lập ra) để cho chúng ta có thể biến-mất; nó giúp ta hướng hẳn theo hướng biến- mất đó. Bạn chỉ là một tu sĩ giữa hàng hàng người tu ở đó, hoặc tu sau nhiều năm tháng rốt cuộc cũng mới chỉ kịp là một sa-di. Ở đó tất cả mọi người tu đều mặc y áo giống nhau, và trông đồng dạng giống nhau. Ngay cả khách viếng chùa thường xuyên cũng không biết bạn tên gì. Bạn có biết tên mình là gì không? Tên bạn là “Năm Uẩn”, hoặc là “sáu giác quan”; tên bạn là vô thường, là khổ, là vô ngã. Nếu bạn đã hiểu biết như vậy, thì bạn cũng biết đi theo hướng biến-mất là hướng đi đúng đắn, là hướng chánh đạo. Khi bạn nhìn thấy một chút ít ‘ta’ biến mất, thì bạn càng được bình an thêm một chút, được tự do hơn, và vui sướng hơn. Đó là niềm vui và hạnh phúc, niềm hỷ-lạc—cái cảm giác tự-do và cái sự-thật thâm thúy đó—đó là những củ cà rốt (phần thưởng) khích lệ bạn tiếp tục đi sâu hơn về hướng “làm lắng dịu tất cả các hành tạo tác”. Ngay cả khi bạn chỉ mới làm lắng dịu chúng được chút ít, bạn vẫn cảm thấy rõ mình đang đi trên con đường đúng đắn.

Làm Lắng Dịu Mọi Thứ, để Chúng Biến Mất

Tôi đã được hỏi về ý nghĩa của chữ saddhā: niềm tin và sự tự tin. Nghĩa thực hành của saddhā là: niềm tin vào sự chấm-dứt tất cả các hành tạo tác (saṅkhāra), niềm tin vào sự ngừng-diệt, niềm tin vào niết-bàn. Không phải đó chỉ là niềm tin dồn vào Tam Bảo [Phật, Pháp, Tăng]—mà đó là niềm tin vào cái chỗ ba Bảo đó chỉ tới. Niềm tin đích thực là niềm tin có sự ngừng diệt và sự chấm dứt khổ đau, và niềm tin rằng những điều đó là có thể làm được. (Đó là niềm tin vào Diệu Đế thứ ba của Phật). Nếu bạn có niềm tin về khả năng làm lắng dịu tất cả các hành tạo tác, thì khả năng đó là có thực. Nhưng làm sao bạn có được loại niềm tin đó? Như vầy: niềm tin đó sẽ khởi sinh sau khi bạn có thể làm lắng dịu một chút ít các hành, tức sau khi bạn đạt tới một mức độ thiền sâu và tĩnh lặng. Lúc đó các hành (saṅkhāra) sẽ lắng lặn xuống tới một mức chúng không có mặt ở đó nữa. Khi bạn làm lắng dịu toàn bộ cái gì là bạn làm lắng dịu nó hoàn toàn đến mức nó biến mất luôn.

Tôi lấy ví dụ ngay thân tôi. Giờ tôi càng già, nhiều lúc ngồi thân tôi đau nhức và mũi thì ngứa ngáy. Nhưng khi tôi ngồi thiền, những cảm giác đó bắt đầu biến mất. Sau một lúc, toàn thân biến mất, và đó là một sự giải thoát sâu sắc. Nhiều năm trước, có người trong khóa thiền của tôi có bàn tay biến mất—tức cô ấy không còn cảm giác hai bàn tay nữa! Lành thay! Những hành (saṅkhāra) đã được làm lắng lặn. Cô ấy ngạc nhiên nhưng dẹp bỏ sợ hãi; khi tôi hỏi cô cảm thấy sao, cô ấy nói cảm giác thật đẹp và giải thoát.

Khi những có loại hạnh phúc và bình an (an lạc) đó khởi sinh, bạn có được niềm tin vào con đường làm lắng dịu mọi thứ buông bỏ chúng. Rồi sau khi bạn đã bước vào con đường tu tập, bạn học cách làm lắng dịu thêm các hành tạo tác. Tại sao bộ phận này hay bộ phận kia của thân biến mất? Nó biến mất bởi vì bạn không còn can dự vào nó, không cố thay đổi nó hay cố làm nó dễ chịu; bạn chỉ để mặc nó một cách hoàn toàn, để yên nó và không can dự gì tới nó. Cố làm điều gì chỉ giống như cố gắng cầm giữ một ly nước để nước đứng yên. Dù bạn có cố giữ cho nước đứng yên trong ly, nước vẫn không đứng yên tuyệt đối. Chỉ khi nào bạn đặt ly nước xuống—chỉ khi bạn dẹp bỏ cái ý chí kiểm soát đó—thì nước sẽ tự nó lắng yên và tĩnh tại. Trong thiền, khi mọi thứ được tĩnh tại thì chúng tự biến mất. Chúng ta biết rằng khi chúng ta làm lắng dịu phần chủ-động của các hành (saṅkhāra)—tức làm lắng dịu cái sự-làm, ý-chí, sự-chọn, sự-tạo—thì kết quả là các hành thụ- động sẽ biến mất. Toàn bộ con đường đạo trở thành một nghệ-thuật của sự biến-mất dần dần.

Làm Lắng Dịu Thời Gian

Thời gian là kẻ dày vò không ngưng nghỉ của nhân loại. Ai cũng bị chi phối và lo lắng bởi thời gian. Còn mấy ngày nữa mới hết khóa tu này? Chương sách này dài, đọc bao lâu nữa mới hết vậy ta? Khi nào tôi có thể đứng dậy đi vệ sinh? Khi nào tôi có thể đi ngủ? Tôi được ngủ mấy tiếng một đêm? Chờ tới khi nào mới có trà để uống? Tất cả mọi lo lắng về thời gian luôn ‘hành hạ’ mọi người. Bạn cần phải làm lắng lặn thời gian.

Chính ý chí (ý hành) và dục vọng (tham, sân) tạo ra tương lai, và chính ý chí xấu (ác ý, ý hành bất thiện) tạo ra quá khứ. Khi chúng ta buông bỏ ý chí, thời gian bắt đầu biến mất, và đó là một trải nghiệm đẹp đẽ. Ta có được trí biết quan trọng về sự vô thời gian: chúng ta đã đang thiền tập, nhưng chúng ta không biết đã bao lâu. Chúng ta hoàn toàn tỉnh thức, nhưng thời gian là vô nghĩa đối với chúng ta. Chúng ta ngồi thiền hai, ba, hay năm giờ cũng không khác nhau. Chỉ biết có duy nhất một thời khác, và đó chỉ là thời khắc hiện tại bây-giờ. Tất cả chỉ có vậy. Bởi chúng ta đã làm lắng dịu các saṅkhāra chủ-động [các hoạt động của ý chí], như vậy chúng ta cũng làm lắng lặn thời gian. Khi thời gian đã lắng lặn, chúng ta có thể thiền hai hay ba giờ liên tục không mấy khó khăn. Điều cũng đúng vậy ngay cả khi sự thiền của bạn vẫn còn trong giai đoạn chưa thật thâm sâu. Và sự làm lắng dịu thời gian là một trải nghiệm sâu sắc được đền đáp bằng một phần thưởng lớn: sự tự do, hạnh phúc, và niềm chân phúc.

Làm Lắng Dịu Ý Nghĩ

Trước khi làm lắng dịu thời gian, chúng ta cần làm lắng dịu cái tâm luôn suy nghĩ và lăng xăng. Để làm điều này, chúng ta cần có một loại ý chí tinh-tế: đó là ý chí không-làm-gì. Chính ý chí thiết lập một người canh gác ngay cổng cái tâm. Giống như người bảo vệ ở một nơi cơ quan, ông nói: “Có mấy thứ rắc rối đó; không cho chúng vào”. Kiểu kiềm chế này, tối thiểu lúc đầu, là một loại sức mạnh ý chí, một dạng kiểm soát. Đó là nỗ lực có ý thức để khống chế cái tâm, để ngăn chặn những thói tính bất thiện của nó. Chúng ta vẽ một đường ranh đỏ và đặt ông gác gian ngay đó, không cho kẻ xấu bước qua. Chúng ta như những người làm vườn, sau khi trồng những cây hoa trái đẹp, chúng ta rào bọc lại để bảo vệ nó không bị côn trùng, ăn trộm tới phá. Tất cả việc ta cần làm là thiết lập sự phòng hộ với ý định rõ ràng. Rồi, tâm được tĩnh tại, sự phòng hộ vẫn duy trì bảo vệ cho sự tĩnh tại đó, coi trọng nó, chăm sóc nó, và phát triển nó. Theo cách này, những giây phút tĩnh-tại, chính là sự bình an không có suy nghĩ, sẽ kéo dài hơn và lâu hơn.

Thứ gì đó sẽ mất đi khi bạn ngừng suy nghĩ, và thứ đó là cái ‘ta’. Người ta hay đo lường bản thân mình bằng trí thông minh và khả năng suy nghĩ rõ ràng và khả năng lý sự một cách thuyết phục. Nhưng họ chỉ thực sự đang ném qua ném lại những kiểu suy nghĩ [cách nghĩ, lối nghĩ] của nhau mà thôi, giống như hai đấu sĩ su-mô vật nhau trong cái vòng tròn của những khái niệm [quan niệm, quan điểm] của nhau mà thôi. Nhưng sự chiến thắng thực sự không phải do ai phải nghe ai hay ai lấn áp ai – chiến thắng đích thực có từ sự làm lắng lặn mọi thứ. Bạn làm tĩnh lặng cái tâm tới mức những khái niệm không còn có mặt hay khởi sinh nữa. Bạn có được sự im lặng—bạn thanh bình và tự do.

Ngay cả khi bạn không thể làm lắng lặn suy nghĩ được quá lâu—thậm chí chỉ làm được vài giây—bạn cũng nên nhận biết trạng thái trong vài giây đó cảm giác thế nào. Nếu bạn chịu suy xét tìm hiểu về nó, bạn sẽ nhận ra nó rất đẹp đẽ…dù đó chỉ là vài giây thanh bình. Rồi bạn bắt đầu thấy rằng mỗi lần bạn có một suy nghĩ là bạn bị quấy, bị phiền. Giống như cưới phải một tên bạo chúa, lúc nào hắn cũng hành hạ bạn; hoặc giống như làm việc ở chỗ có ông chủ luôn la lối chửi bới, thậm chí sỉ nhục bạn. Thật là đẹp đẽ khi những thứ ‘hành hạ quấy nhiễu’ đó đã bị tắt bặt. Bạn thấy khoái sướng trong cái tâm yên lặng, và càng gia tăng niềm tin và sự tự tin.

Ban đầu có thể bạn hơi sợ sệt khi thấy mình dường như đang biến-mất. Bởi có sự suy nghĩ nghĩ suy (tư duy) mới làm cho ta cảm giác mình đang chủ động sống [kiểu như ‘Tôi tư duy là tôi tồn tại’]; giờ không có sự suy nghĩ nên làm bạn cảm giác hụt hẫng, giống như khi lấy hai tay ra khỏi tay lái xe đạp đang chạy vậy. Bạn thấy sợ không biết làm sao để giữ thăng bằng khi sự suy nghĩ không có mặt để chỉ bạn làm gì. Nhưng sau một chốc, bạn thấy cũng không sao nếu không suy nghĩ hay kiểm soát gì; bạn thấy tự do, và thấy thực sự thích buông-bỏ và biến-mất hơn. Thực thụ, nó cảm giác rất tốt lành. Hơn nữa, đó là lúc bạn đang có được những trí-biết đầu tiên nhìn thấy sự vô-ngã (anattā), sự phai biến, và sự ngừng diệt.

Làm Lắng Dịu Sự Biến Đổi Đa Dạng Của Các Giác Quan

Khi bạn muốn tu tập sâu hơn nữa, bước tiếp theo là tập trung. Tại sao chúng ta phải quan sát hơi thở? Tại sao chúng ta không dừng lại và chỉ cần an trú chỗ (giai đoạn) “giây phút-hiện tại im lặng” và buông bỏ ngay tại đó? Tại vì do sự biến đổi đa dạng của sáu giác quan và những đối tượng của chúng, nên ta luôn luôn bị khích động bị kích thích bởi những trải nghiệm giác quan. Để làm chúng lắng xuống, đầu tiên ta cần phải tập trung, chuyển gộp sáu giác quan trở thành chỉ còn hai giác quan: giác quan tiếp xúc (ở dạng hơi thở) và giác quan tâm. Cuối cùng ta buông bỏ luôn hơi thở và dồn sự tập trung qua tâm. Sự tập trung vào tâm là một trong những khám phá tuyệt vời của Đức Phật, bởi vì đó là phần chủ-yếu của con đường để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi (saṃsāra). Cái tâm được tập trung là một nấc thang mới để leo lên trên cái thang tĩnh-tại.

Đó là sự chú tâm phi lời nói. Vào lúc ban đầu của sự chú tâm phi lời nói, vấn đề khó khăn là tâm vẫn còn chuyển động. Điều này là do tâm vẫn còn bất an, còn chạy tìm khoái lạc chỗ này chỗ nọ. Tâm luôn nghĩ tới trải nghiệm tiếp theo sẽ hay ho hơn hoặc có ích hơn. Đây là do thiếu sự biết hài lòng, nên cứ tham muốn nữa và nữa cứ thúc đẩy đời sống của con người, khiến họ cứ muốn học thêm, đọc thêm, coi thêm TV và phim ảnh, khiến họ cứ liên tục chạy, bơi, và trôi giạt trong thế giới. Họ đang tìm kiếm những gì? Nếu biết nhìn một cách kỹ càng bạn sẽ thấy cho dù chúng ta có đi tới đâu thì mọi thứ mọi sự về bản chất vẫn như vậy. Cây cối cũng có bản chất sống như vậy, con người đâu đâu cũng bản chất sống như vậy. Tại sao lại cố tới coi Vạn Lý Trường Thành? Về thực chất nó đâu quan trọng—tường chỉ là tường. Hoặc bỏ công sức và tiền để được lên đỉnh Tháp Eiffel. Vì tầm nhìn trên cao ư, tầm nhìn cũng chỉ là tầm nhìn thôi. Tại sao mọi người cứ muốn làm những việc như vậy? Thường thì chỉ là họ muốn làm thêm những việc thường tình—và muốn mỗi lần làm thêm những việc như vậy cho họ một cảm giác thêm mới mình là ai. (Tôi là người mới đi tham quan thành cổ Trung Hoa về đây; tôi là người mới đi Châu Âu tuyệt đẹp về đây, tôi đã lên tới đỉnh tháp Effel ở Pháp đó: tôi là vậy đó, không phải cái tôi hôm qua hay năm trước đâu nhé! Tôi giờ là người sành điệu hiểu biết đấy nhé!). Chúng ta chạy tìm kiếm danh tánh của mình nên cứ luôn luôn làm tiếp và làm tiếp việc này việc nọ, nghĩ tiếp làm tiếp cách này cách nọ.

Như một lời ẩn dụ xưa đã nói: cuộc đời như một chuyến đi và sự thiền là dừng chuyến đi đó lại. Bằng cách dừng lại và ngồi xuống đâu đó và chú tâm vào hơi thở, thì bạn có thể vượt qua những thói tính (tập khí) của tâm luôn muốn đi nữa, đi nữa, làm nữa và nữa. Nếu ta thực thụ đang quán sát hơi-thở, thì ta đâu còn cảm giác những phần khác của thân. Ta đâu biết chân, tay, bụng…đang lạnh hay nóng, ta đâu thấy mình bị nhức ở chân hay đau ở đầu gối—ta đâu còn cảm giác được những thứ đó. Ta đang hoàn toàn chú tâm vào hơi-thở vào và ra, nên ta không còn ý thức về bất cứ thứ gì khác. Ta bỏ qua được sự biến-đổi đa-dạng của giác quan tâm—ta đã làm lắng lặn sự chuyển động của (giác quan) tâm vốn luôn luôn liên tục chạy theo với năm giác quan kia (của thân). Nói cụ thể đúng hơn, ta đã làm lắng lặn hết bốn trong năm giác quan kia, đó là: nhìn, nghe, ngửi, và nếm. Ta cũng đã làm lắng lặn phần lớn cái giác quan chạm xúc; giờ chỉ còn lại chỗ tiếp xúc hơi-thở, và bây giờ ta đang nỗ lực tu để làm tĩnh lặng và lắng lặn nó luôn.

Nếu còn cái tâm kiểm soát và nắm giữ thì không thể nào làm thành công cái tiến trình tu tập “làm lắng dịu mọi thứ” cho được. Bản thân tôi đã thử làm như vậy, và không được. Nếu ta nắm giữ (hay điều khiển) hơi-thở, thì ta không thể duy trì sự thiền—ta sẽ bị căng thẳng và mất đi niềm thú vị của việc “làm lắng dịu” hơi-thở. Nhưng nếu ta biết tu đúng đắn, ta biết hiền từ tử tế với hơi-thở—thì ta đang thả (buông bỏ) cho tiến trình tự nó xảy ra một cách tự nhiên. Ta làm lắng lặn những nhân làm cho tất cả mọi thứ bên ngoài nhảy vào tâm; làm tất cả chúng lắng lặn hết cho tới khi chỉ còn lại hơi-thở.

Khi chúng ta chỉ ngồi quán sát hơi-thở đi vào đi ra, có điều gì đó sẽ xảy đến trong trạng thái tâm—nó cảm giác tốt lành; nó cảm giác bình an. Nếu ta tiếp tục quán sát hơi-thở, niềm vui hoan-hỷ sẽ khởi sinh. Tôi gọi chỗ này là “giai đoạn hơi thở đẹp”. Nó thật đẹp, hân hoan, và hạnh phúc bởi ta đang được tự do khỏi đống khổ đau. Loại trải nghiệm này chính là tiềm-năng sản sinh ra trí tuệ hiểu biết, và do vậy ta nên biết khai thác hết tiềm-năng đó để có được những giá trị đáng quý hơn nữa.

Tại sao chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi chỉ ngồi quan sát hơi-thở, trong khi người khác thích đá banh, đọc báo, hoặc đi du lịch ở Bắc Kinh hay ở Pháp thì họ mới thấy hạnh phúc? Sao mọi người cứ lo tính lo nghĩ ai sẽ thắng Thế Vận Hội Olympic hoặc Cúp Vô địch Thế giới? Họ cứ lo suy lo nghĩ về những quan hệ trong khắp gia đình và ngoài xã hội, họ cứ suy tính về ái tình, tiền bạc, về sự phải làm này và nọ. Còn chúng ta chỉ có hơi-thở, nhưng ta lại thấy hạnh phúc hơn họ rất rất nhiều. Vì sao? Bởi vì khi ta làm lắng dịu mọi thứ, là ta đang dẹp bỏ đi những lo toan rắc rối khó khăn phiền não ở trong đời. Tất cả chỉ cần có là hơi-thở—và là hơi- thở-đẹp ngay ở đó. Ta chẳng còn gì để làm ngoài việc chú tâm vào hơi-thở và thả yên cho nó lắng lặn hơn nữa, hơn nữa, và hơn nữa.

Khi chúng ta tự do khỏi những gánh nặng, thì niềm hạnh phúc sẽ khởi sinh; khi toàn bộ đống khổ chấm dứt, ta cảm thấy một sự bình an thật đẹp, (lý chỗ này cũng dễ hiểu). Khi mỗi lần ta làm lắng lặn tất cả các hành tạo tác (saṅkhāra), ta mỗi lần ta có nhiều thêmsự bình an, sự tự do, sự hạnh phúc, và cảm nhận giải thoát lớn hơn. Mỗi lần, từng bước, từng chút, tốt hơn, đẹp hơn… Ta nhận ra: “Ồ, té ra tất cả con đường đạo Phật chỉ là buông-bỏ, để diệt bỏ khổ đau, để có được hạnh phúc và được tự do giải thoát”. Về mặt kỹ thuật, chúng ta không cố nhắm vào chỗ/đích niềm hạnh phúc đó, mà nhắm vào con đường “làm lắng dịu các hành tạo tác”, bởi chúng ta biết chỉ có liên tục làm như vậy mới dẫn dắt chúng ta đi sâu hơn, và sâu hơn nữa, tới những cái đích hạnh phúc đó. Về mặt thực hành tu tập, ta cứ liên tục và tiếp tục buông-bỏ các hành tạo tác (saṅkhāra)—càng buông bỏ càng tốt, càng buông bỏ càng thêm giải thoát. Chẳng hạn, tới giai đoạn này đã là quá đẹp và vui sướng; nhưng hãy tiếp tục tu như vậy để coi nó vui sướng hơn và đẹp đẽ hơn ra sao…tới mức nào nữa. Hãy tin lời tôi, nó sẽ tiếp tục tới những là niềm vui sướng vô vàn khôn thể nào tả được—hơn tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng.

Cái Tâm Chiếu Sáng

Khi hơi thở lắng lặn, cuối cùng ta buông bỏ nó, và lúc đó một hình ảnh đẹp xuất hiện trong tâm—tạm gọi là tâm ảnh, là một nimitta theo tiếng Pali. Nimitta là gì? Thực ra nó chẳng là gì, nó là cái tâm đang chiếu sáng—mà trong cách kinh gọi là “pabhassara citta” (như kinh AN 1:49–52). Chữ pabhassara: chiếu sáng, sáng tỏ. Hiện tượng đó là khi tâm [giác quan tâm] được giải thoát khỏi năm giác quan kia, giống như mặt trăng đang thoát ra khỏi đám mây mù tối vậy. Chúng ta nói “giải thoát khỏi, thoát ra khỏi” ở đây có nghĩa là gì? Có nghĩa là mây mù không còn đó, rằng năm giác quan đã được làm lắng lặn tới mức chúng đã biến mất, và tất cả chỉ còn lại duy nhất cái tâm. Nên ta không còn cảm giác về thân nữa— ngay cả hơi-thở cũng không còn. Để đạt tới giai đoạn này không phải nhờ chúng ta kiểm soát và chăm lo các giác quan, mà nhờ chúng ta đã làm-ngơ với chúng và chỉ lo quan sát hơi-thở. Chúng ta chỉ quan sát phần đẹp đẽ của hơi-thở, và việc đó giúp làm hơi-thở lắng dịu luôn. Chúng ta để yên cho cả tiến trình tự nó diễn ra. Rồi sau đó (hơi-thở cũng nhẹ nhàng biến mất) chỉ lại duy nhất cái tâm—citta.

Nimitta khởi sinh trong trạng thái này không chỉ tuyệt vời đẹp và hạnh phúc, mà nó còn sản sinh những trí-tuệ quan trọng soi rọi chiếu sáng vào con đường “làm lắng dịu” cái gì ở đó cho đến khi cái đó biến mất luôn. Nói lại chỗ ví dụ về con nòng nọc: chỉ tới lúc này khi thân năm giác quan đã được làm lắng lặn hoàn toàn thì ta mới biết chúng thực sự là gì. Chỉ tới lúc này chúng ta mới có được hiểu-biết đích thực về cái Phật đã nói. Chúng ta cũng hiểu được lý do tại sao nhiều người lại cho rằng chữ “pabhassara citta” [cái tâm chiếu sáng] có nghĩa là cái ‘tâm gốc’, là ‘bản thể cốt lõi của tất cả chúng sinh’, là ‘Thượng Đế’, hoặc là ‘tâm thức vũ trụ’… Chắc có lẽ chỉ bởi vì nimitta là một thứ đẹp-lạ-thường. Nhưng khi bạn đạt được trí tuệ nhờ sự trải nghiệm liên tục nhiều lần một tâm ảnh nimitta và bạn đã hiểu biết nó hoàn toàn, thì bạn sẽ nhận ra rằng: thật sai lầm nếu cho rằng cái tâm chiếu sáng đó là một thứ siêu năng hay một thực tại tối cao gì gì đó như nhiều người đã nghĩ. Sự chiếu sáng đơn giản chỉ là bộ mặt của cái tâm khi năm giác quan thân đã được làm lắng lặn hoàn toàn.

Các Jhana (Tầng Thiền Định): Hành Vi Biến Mất Tuyệt Vời

Tất cả những gì còn lại trong giai đoạn này chỉ là tâm, do vậy bước tiếp theo là tiếp tục “làm lắng lặn” luôn cái tâm. Tiếp tục thiền định (samatha) làm tĩnh lặng mọi thứ, và coi ta có thể tiếp tục buông-bỏ bao nhiêu nữa. Khi người tu buông bỏ được luôn tâm ảnh nimitta—tức không kiểm soát nó—thì người tu sẽ tiến vào các jhāna (tầng thiền định). Đó là những trạng thái hạnh phúc kỳ diệu. Một tầng thiền định là kết quả của việc “làm lắng lặn” rất rất sâu mọi thứ—thân, hơi thở, tâm, và, quan trọng nhất: ý chí. Ý chí không thể hoạt động trong trạng thái tầng thiền định jhāna; nó đã hoàn toàn ngừng bặt. Bởi ý chí đã ngừng bặt nên bạn không còn cho nó ăn nữa, nên nó cũng bắt đầu héo tàn và chết. Cũng giống như khi bạn ngưng không cho người người ăn—họ sẽ đói, ốm đi, yếu đi, và cuối cùng chết đi.

Nếu bạn thực hành trạng thái tầng thiền định một cách đều đặn, bạn sẽ từ từ chuyển cấp từ tầng thiền định sắc giới (rupa) thứ nhất lên thứ hai, thứ ba và thứ tư; rồi sau đó tu tiến lên các tầng chứng đắc vô sắc (arupa), và cuối cùng là ngừng diệt (nirodha) tất cả mọi cảm giác và nhận thức (diệt thọ tưởng). Vì ý chí không còn chỉ đạo cái tâm nữa, nên nó bắt đầu mất đi động lực của nó từ quá khứ. Động lực ý chí từ quá khứ chính là trở ngại đã cản trở bạn tiến sâu vào tầng thiền định; giờ nó đã mất đi động lực của nó. Giống như khi bạn cắt nguồn xăng của chiếc xe, khi hết xăng nó chạy chậm và chậm lại và cuối cũng ngừng lại hẳn. Khi bạn tu tiến vào các tầng thiền định, thì càng có nhiều thứ phai biến mất. Những tầng thiền định jhāna là hành vi biến-mất tuyệt chiêu nhất của tâm. Khi/nếu bạn hiểu thấy được điều này, nó thực sự là một cú đấm- mạnh vào cái sự ngu tối vô minh của chúng ta từ vô thủy tới giờ. Khi bạn nhìn thấy tâm đang biến mất, bạn biết ra rằng tâm cũng chỉ là một thứ hành tạo tác (saṅkhāra)– chứ tâm thức không phải là thứ gì do một thượng đế hay một bản ngã nào tạo ra nó—Tâm (tâm, tâm thức, tiến trình tâm thức) được tạo ra bởi muôn vàn vô lượng những sự-làm và ý chí, những hành động, lời nói và tâm ý (tức nghiệp) trong vô số vô lượng kiếp. (Về dạng, tâm thức là một tiến trình nhân-quả liên tục, dạng như một dòng chảy, chứ không phải một thực thể cố định như ‘linh hồn’ hay ‘bản ngã’ như người ta vẫn tưởng). Và bây giờ chúng ta đang “làm lắng dịu” tâm, “làm lắng dịu” cái dòng chảy đó, một cách dần-dần cho đến khi nó phai biến mất đi. Vì vậy, hãy tu tập để tiến vào tầng thiền định (jhāna) và tu tập nữa để hướng về phía sự ngừng-diệt (nirodha) cho đến khi cái tâm, cái dòng chảy đó, ngừng bặt luôn. Đó được gọi là “sự làm lắng lặn tất cả các hành tạo tác” (sabbasaṅkhārasamatha) như trong kinh đã nói. Khi người tu đạt tới đó, không còn lại thứ gì— không có tâm thức vũ trụ (đại ngã), không có thượng đế, không còn trải nghiệm, không còn nhận thức (diệt tưởng), không còn cảm giác (diệt thọ), không thực tại tột cùng. Không có gì hết, ngay cả cái sự (khái niệm) “không-có-gì” cũng không còn. Khi một người tu hiểu- thấy được trạng thái đó là hiểu thấy cách Niết-bàn đang xảy đến với người tu, và hiểu thấy vì sao Niết-bàn là hạnh phúc một cách kỳ diệu siêu thường.

Những trí tuệ thâm sâu tuyệt vời của Đức Phật là có được từ việc thiền tập tới các tầng thiền định (jhāna) và nhìn thấy mọi thứ phai biến đi. Nhưng tu tập để đạt tới những trạng thái định sâu (samādhi) ngay giai đoạn đầu là phần tu khó khăn nhất; bởi vì khi bạn “làm lắng lặn” ý chí chẳng khác nào bạn đang tự biến mất hay tự làm mình biến mất. Vì lý do này, phải làm sao cho không còn khái niệm cái ‘ta’ trong tâm. Cách rất hữu dụng là thực hành các phương tiện thiện khéo, ví dụ như tu tập nhận thức vô-ngã (anattā- saññā). Trong kinh điển nói rất rõ ràng không có một cái gì cố định có thể được cho là một cái ‘ta’ hay cái ‘ngã’ nào hết; đó là căn bản triết lý đạo Phật. Cũng vậy, trên các tạp chí khoa học những nhà tâm lý học cũng nói chúng ta không có bản ngã nào hết; ‘ngã’ hay linh hồn’ chỉ là do chúng ta dựng lên. Vì vậy, bạn phải nhất quyết nhất quán tránh bỏ cái quan niệm cái ‘ta’ đó, và từ từ sau đó bạn sẽ có thể dẹp bỏ cái ý-chí ý-hành trong tiến trình thiền tập. Càng tu tập và hiểu thấu lẽ thực vô-ngã, ta càng dễ được tĩnh tại, và nhờ đó tiến trình “làm lắng dịu các hành” sẽ càng tự động xảy ra dễ dàng hơn. Đúng thực là vậy. Bởi vậy những bậc A-la-hán nhập vào tầng thiền định jhāna một cách rất dễ dàng; và thậm chí những bậc Bất Lai cũng nhập định sâu không một chút khó khăn hay trở ngại nào.

Làm Lắng Lặn Tất Cả Các Hành, và Chấm Dứt Mọi Sự Khổ

Vậy là từng chút từng bước ta “làm lắng dịu” cái tâm, và trong từng bước đó ta giảm bớt nhiều sự khổ. Hễ còn các hành tạo tác (saṅkhāra) thì còn khổ (dukkha). Như trong các kinh Phật đã nói: “Tất cả các hành đều là khổ” (như kinh AN 3:136). Tôi không biết các bạn đang cảm thấy sao, chứ tôi biết rõ đó là khổ. Ngay cả bạn đang thấy hứng thú với điều mình đang đọc chỗ này: đó cũng là sự khổ. Mọi thứ đều là khổ. Nếu bạn có thể “làm lắng lặn” mọi thứ thì tất cả mọi sự khổ sẽ phai biến. Khi chúng dần phai biến và biến mất, bạn sẽ dần có thêm cả niềm tin và trí tuệ.

Không phải khi mới bước vào tu ta có nhiều niềm tin và có ít trí tuệ, rồi sau khi tu tập nhiều ta lại có một đống trí tuệ và ít niềm tin. Sau khi tu tập đúng đắn, cả hai thứ đều tăng trưởng cùng nhau. Khi bạn có niềm tin và sự tự tin, trí tuệ trí biết sẽ tích lũy, và khi trí tuệ tăng trưởng, niềm tin càng tăng trưởng theo đó. Khi nào bạn đạt tới giác ngộ, niềm tin đó sẽ là bất lay chuyển.

Nhưng nhiều người thậm chí không có chút niềm tin nào, bởi phần lớn họ đều đang có “bụi trong mắt” như cách Phật đã nói trong kinh (như kinh MN 26.21). Điều này đặc biệt quá đúng trong thời đại chúng ta khi mọi người đều đang đắm chìm và thích thú trong những thứ tiện nghi vật chất. Thật rất khó họ có thể hiểu được ý nghĩa của chữ “sabbasaṅkhārasamatha”: làm lắng lặn tất cả các hành, làm lắng lặn ý chí và làm lắn lặn tất cả mọi thứ được tạo ra bởi ý chí—đó là làm lặn mất cái vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra). Thật khó cho họ có thể hiểu được cái mục-tiêu đó là đáng-làm và đáng-tu-tập đến dường nào. Nhưng đối với những người đã làm lắng dịu được nhiều thứ, những người chỉ còn “ít bụi trong mắt”, thì họ có thể nhìn thấy đây là con đường duy-nhất để đi tới sự giải thoát sinh tử, niềm hạnh phúc và tự do thực sự. Nếu ai không ở trên con đường này có nghĩa họ phải nếm trải sự bận bịu, sự lo lắng, sự mệt mỏi, sự thất vọng, sự khó khổ và rắc rối liên tục và liên tục— không phải trong một kiếp này mà trong nhiều kiếp khác, trong vô số kiếp khác, trong nhiều đại tỷ kiếp thời gian phía trước. Phật đã nói nước mắt bạn đã khóc trong bao kiếp là nhiều hơn nước trong tất cả đại dương (kinh SN 15:3). Phật đã nói bạn đã từng sống và chết trong vô số kiếp, số bộ xương chết nếu chất đống sẽ nhiều như núi (kinh SN 15:10). Máu bạn đã chảy vì bị cắt đầu cát cổ trong bao kiếp qua có thể nhiều hơn nước trong các đại dương (kinh SN 15:13). Những điều đó có thể mang tới cho bạn một cảm giác từ-bỏ (nibbidā)—đó sự kinh tởm và khiếp sợ đối với vòng luân hồi sinh tử bất tận đầy khổ đau.

May thay, có một lối thoát ra khỏi cái vòng sinh tử đáng khiếp sợ đó. Khi tu, bạn tiến bước từng chút từng bước trên con đường đạo, và niềm tự tin tăng lên. Hãy luôn nhớ, tất cả chỉ là việc “làm lắng lặn mọi thứ”, làm cho mọi thứ lắng lặn. Hãy thiết lập một sự phòng hộ ở ngay mỗi giai đoạn thiền tập. Đừng có đùa giỡn cho rằng buông-bỏ có nghĩa là cứ bỏ mặc cho mọi thứ mộng tưởng động vọng tung hoành thoải mái, hoặc chỉ cần đi ngủ vùi ngủ quên là buông bỏ mọi thứ. Sự không-làm (vô tác) cũng là một dạng kiêng cữ, một dạng phòng hộ, bảo vệ, canh gác, cảnh giác. Một người gác cổng phải có mặt ngay ở đó, chỉ cần đứng ở đó và không-làm-gì cũng có thể ngăn chặn những khách quậy, kẻ lạ và những khách không mời. Tất cả bạn cần có là sự chánh-niệm— mạnh mẽ, khôn khéo, ngăn phòng, cảnh giác và chăm chú—và như vậy những trạng thái tâm không lành không thiện sẽ không có cơ hội phát sinh. Cùng lúc, từng chút từng bước, niềm tin và trí tuệ sẽ tăng lên, và cảm nhận bình an và tự do cũng tăng lên. Bạn sẽ hiểu ra con đường đạo này và những sự thiền thâm sâu này chính là đường dẫn tới niết-bàn.

Không có chuyện thiền tuệ minh sát không cần có thiền định (jhāna). Cũng không có chuyện thiền định (jhāna) lại không có trí tuệ. Bởi vì chỉ có một con đường duy nhất là con đường Tám Phần (Bát Chi Thánh Đạo). Bởi vì chỉ có sự “buông-bỏ”, sự “làm lắng lặn” các hành tạo tác (saṅkhāra) và sự “trải-nghiệm” những kết quả [tức các tầng thiền định (jhāna)]. Khi bạn trải nghiệm các tầng thiền định nhiều lần, nhiều lần nữa, thì cuối cùng bạn sẽ có thể “làm lắng lặn” những hành tạo tác cuối cùng, và trong tiến trình đó bạn cũng dẹp bỏ sạch sẽ cái cảm nhận sai lầm trước giờ về cái ‘ta’, và từ bỏ luôn cái vòng luân hồi sinh tử chết chóc. Bạn diệt bỏ tất cả mọi sự khổ và nhắm tới niết-bàn. Đó là cách diễn ra của tiến trình tu tập đúng đắn, đó là cách trí tuệ thâm sâu có được từ sự “làm lắng lặn cái tâm”. Đó là việc chúng ta cần làm, và đó là tất cả những gì đạo Phật đã nói tới.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh