Ta Là Cái Đó: Chương 50. Hãy Thản Nhiên Với Đau Khổ Và Lạc Thú

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 50. HÃY THẢN NHIÊN VỚI ĐAU KHỔ VÀ LẠC THÚ

Hỏi: Tôi là một người Pháp sinh ra và sống ở Pháp, tôi thực hành Yoga trong khoảng mười năm nay.

Maharaj: Sau mười năm thực hành ông có đến gần hơn với mục đích của ông?

H: Gần hơn một chút, có thể là như thế. Đây là một công việc khó khăn, chắc ông cũng biết.

M: Cái Ta thì kề cận và con đường đưa đến nó thật dễ dàng.

Tất cả những gì ông cần làm là đừng làm gì cả.

H: Nhưng tôi lại thấy sự tu tập thật khó khăn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Sự tu tập của ông là chỉ hiện hữu. Sự làm tự xảy ra. Chỉ chú ý. Đâu là sự khó khăn để nhớ rằng ông hiện hữu? Ông luôn luôn hiện hữu.

H: Ý thức hiện hữu luôn luôn có đó - chẳng có gì nghi hoặc. Nhưng phạm trù của sự chú ý thường bị tràn ngập bởi đủ loại tướng trạng tâm lý - cảm xúc, hình ảnh và ý tưởng. Ý thức hiện hữu thuần túy thường xuyên bị nhiễu loạn xâm chiếm.

M: Ông loại trừ những thứ không cần thiết ra khỏi tâm như thế nào? Ông có những phương cách, phương tiện nào để thanh tẩy tâm?

H: Tận căn bản, con người luôn luôn sợ hãi. Con người sợ chính mình nhất. Tôi có cảm tưởng mình như một kẻ đang ôm một quả bom có thể phát nổ vào bất cứ lúc nào. Hắn không thể tháo gỡ ngòi nổ của quả bom và cũng không thể quẳng nó đi. Hắn vô cùng sợ hãi, và cuống cuồng tìm kiếm một giải pháp mà hắn không thể tìm ra. Đối với tôi giải thoát có nghĩa là loại bỏ được quả bom này. Tôi không biết nhiều về quả bom. Tôi chỉ biết rằng nó xuất hiện từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ sợ hãi và cuống cuồng chống lại việc nó không được yêu. Đứa trẻ khao khát tình yêu, và vì không được đáp lại, nó sợ hãi và giận dữ. Có khi tôi cảm thấy muốn giết người, hay tự sát. Ước muốn này mãnh liệt đến nỗi tôi luôn luôn sợ hãi, nhưng không biết làm sao thoát khỏi nó.

Mua đá năng lượng:

Như ông thấy, có một sự khác biệt giữa một cái tâm Ấn giáo và một cái tâm Âu châu. Cái tâm Ấn giáo tương đối đơn giản. Người Âu châu là một sinh vật phức tạp hơn nhiều. Người Ấn giáo có bản chất hài hòa hơn. Người Ấn không hiểu được trăn trở của người Âu châu, và sự theo đuổi miệt mài những gì mà họ nghĩ cần phải thực hiện, và mở rộng kiến thức tổng quát của họ.

M: Khả năng lý luận của người Âu châu tài giỏi đến độ họ có thể lý luận chính mình ra khỏi tất cả mọi lý luận! Thái độ tự khẳng định của họ là do họ hoàn toàn tùy thuộc vào luận lý.

H: Tư duy, lý luận là trạng thái bình thường của tâm. Tâm không thể ngưng làm việc.

M: Đó là một trạng thái có tính cách thói quen, nhưng không nhất thiết phải là một trạng thái bình thường. Một trạng thái bình thường thì không thể đau đớn, còn thói quen sai lầm thường đưa đến những đau đớn kinh niên.

H: Nếu nó không phải là trạng thái tự nhiên, hay bình thường của tâm, vậy làm sao chấm dứt nó? Phải có một phương cách để làm cho tâm tĩnh lặng. Không biết bao nhiêu lần tôi tự bảo mình: đủ rồi, làm ơn chấm dứt, lải nhải những câu như thế này là đủ rồi! Nhưng tâm tôi không dừng lại. Tôi cảm thấy có thể làm cho tâm dừng lại một lúc, nhưng không được lâu. Ngay cả những người được gọi là “tâm linh” cũng dùng những xảo thuật để làm cho tâm tĩnh lặng. Họ lập đi lập lại các công thức, họ hát, cầu nguyện, thở mạnh hay nhẹ, lắc, quay, tập trung, thiền, chạy theo những trạng thái xuất thần, tu tập công hạnh - họ làm việc không ngừng để ngừng làm việc, ngừng theo đuổi, ngừng chuyển động. Nếu những gì họ làm không mang tính bi kịch, thì cũng khôi hài.

M: Tâm tồn tại trong hai trạng thái: Như nước và như mật. Nước rất dễ bị giao động, chỉ cần một xáo trộn nhỏ; còn mật trở nên bất động rất nhanh dù có bị khuấy động đến đâu.

H: Do bản chất của nó, tâm không bao giờ an. Nó có thể được làm cho an, nhưng tự nó thì không an.

M: Có thể là bệnh sốt kinh niên làm cho ông luôn luôn run rẩy. Chính tham ái và lo sợ làm cho tâm ông bất an. Không còn các cảm xúc tiêu cực thì tâm an.

H: Ông không thể bảo vệ trẻ con khỏi những cảm xúc tiêu cực. Ngay khi được sinh ra nó đã học được sự đau khổ và sợ hãi. Cái đói là một ông thầy tàn nhẫn, dạy nó bài học về sự tùy thuộc và thù ghét. Đứa trẻ yêu mẹ nó vì bà cho nó ăn, và ghét mẹ nó vì bà chậm trễ làm thức ăn cho nó. Cái tâm vô thức của chúng ta đầy những xung đột, và những xung đột đó tràn vào ý thức. Chúng ta sống trên một núi lửa, chúng ta luôn luôn đối diện với nguy hiểm. Tôi đồng ý rằng sự thân cận với những người có tâm an lạc sẽ đem lại những ảnh hưởng dễ chịu, nhưng ngay khi xa họ thì những phiền trược cũ lại tái phát. Đây là lý do vì sao tôi đến Ấn Độ thường kỳ để được thân cận với Đạo sư của tôi.

M: Ông nghĩ là ông đến và đi, trải qua nhiều trạng thái và tướng trạng khác nhau. Ta thấy sự vật như chúng là: những sự kiện thoáng qua phô diễn trước Ta trong một chuỗi các diễn tiến di chuyển nhanh chóng; chúng có được hiện hữu là do Ta, nhưng chắc chắn chúng không phải là Ta hay của Ta. Ta không phải là một trong số các hiện tượng, mà cũng không hề bị chi phối bởi một hiện tượng nào. Ta bất tùy thuộc một cách hồn nhiên và hoàn toàn đến nỗi tâm ông - một cái tâm đã quen với đối kháng và từ chối - không thể nắm bắt được. Ta muốn nói một cách bộc bạch rằng: Ta không cần đối kháng, hay phủ nhận, vì rõ ràng là Ta không thể là cái đối nghịch hay sự phủ nhận của bất cứ cái gì. Ta ở ngoài tất cả, trong một cảnh giới hoàn toàn khác biệt. Đừng tìm Ta trong sự đồng hóa với, hay đối nghịch với một cái gì đó. Ta ở chỗ không hề có tham ái hay lo sợ. Còn kinh nghiệm của ông thế nào? Ông cũng cảm thấy mình hoàn toàn xa lìa với tất cả những cái vô thường?

H: Có, thỉnh thoảng. Nhưng ngay lập tức một cảm giác nguy hiểm ập đến, tôi cảm thấy bị cô lập, ở ngoài mọi quan hệ với tha nhân. Ông thấy đấy, đây là sự khác biệt trong cơ cấu tâm lý của chúng ta. Với người Ấn, cảm xúc theo sau suy nghĩ. Cho người Ấn một ý tưởng thì cảm xúc của họ khởi sinh. Với người Tây phương thì ngược lại, hãy cho họ một cảm xúc, họ sẽ tạo nên một ý tưởng. Những ý tưởng của ông rất hấp dẫn về phương diện tri thức, nhưng về mặt cảm xúc thì tôi không đáp ứng được.

M: Hãy đặt tri thức sang một bên. Đừng sử dụng nó trong những vấn đề như thế này.

H: Một sự chỉ giáo mà tôi không thực hiện được thì có ích gì? Những gì ông nói đều là ý tưởng, và ông muốn tôi phản ứng một cách xúc cảm với những ý tưởng, vì nếu không có xúc cảm thì không thể có hành động.

M: Vì sao ông lại nói đến hành động? Có bao giờ ông hành động? Có một năng lực không biết được và năng lực đó hành động nhưng ông tưởng rằng ông hành động. Ông chỉ quan sát những gì đang xảy ra, mà không thể ảnh hưởng đến chúng bằng bất cứ cách nào.

H: Tại sao trong tôi có sự chống đối quyết liệt để chấp nhận rằng tôi không thể làm gì cả?

M: Nhưng ông làm được gì? Ông như một bệnh nhân được bác sĩ gây mê để thực hiện một cuộc giải phẫu. Khi tỉnh lại và nhận ra cuộc giải phẫu hoàn tất, liệu ông có thể bảo rằng ông vừa làm một cái gì đó?

H: Nhưng tôi là người lựa chọn sự giải phẫu.

M: Chắc chắn không phải ông. Một bên là căn bệnh của ông và một bên là áp lực của bác sĩ và gia đình ông buộc ông quyết định. Ông không có sự lựa chọn nào cả, mà chỉ có ảo tưởng về một sự lựa chọn.

H: Nhưng tôi cảm thấy mình không đến nỗi vô tư lực như ông cho rằng tôi có vẻ như thế. Tôi cảm thấy mình có thể làm bất cứ gì mà tôi có thể nghĩ được, chỉ có điều là tôi không biết cách làm. Cái tôi thiếu không phải là năng lực, mà là sự hiểu biết.

M: Không biết được phương tiện thì cũng tệ hại như không có năng lực! Nhưng hãy tạm gác lại đề tài này; xét cho cùng điều chúng ta cảm thấy vô tư lực thì chẳng có gì quan trọng, miễn là chúng ta thấy rõ rằng hiện nay chúng ta vô tư lực.

Năm nay 74 tuổi, nhưng Ta vẫn cảm thấy là một đứa trẻ thơ. Ta nhận thấy rõ ràng Ta vẫn là một đứa trẻ bất kể mọi đổi thay. Tôn sư đã bảo: Đứa trẻ thơ đó, bây giờ vẫn là ông, là cái Ta thật của chính ông - Swarupa. Hãy trở về với trạng thái hiện hữu thuần túy đó, khi cái “Ta là” vẫn còn trong sự tinh khiết của nó, chưa bị nhiễm ô bởi những cái “Ta là thế này,” “Ta là thế nọ.” Phiền trược của ông là những nhận diện sai lầm về chính ông, hãy buông bỏ tất cả chúng. Tôn sư bảo Ta: “Hãy tin Ta. Ta cho ông biết ông là siêu phàm. Hãy xem đó là chân lý tuyệt đối. Cái vui của ông cũng siêu phàm, và sự đau khổ của ông cũng siêu phàm. Tất cả đều từ Thượng đế mà ra. Luôn luôn nhớ điều đó. Ông là Thượng đế, chỉ ý chí của ông mới được thực hiện.” Ta hoàn toàn tin tưởng Tôn sư và chẳng bao lâu nhận ra lời ngài nói là chơn thật và chính xác một cách mầu nhiệm làm sao. Ta không tự điều kiện hóa tâm bằng cách nghĩ: “Ta là Thượng đế, Ta mầu nhiệm, Ta siêu việt.” Ta chỉ làm theo sự chỉ dạy của Tôn sư là đặt sự chú ý của tâm vào sự hiện hữu thuần túy “Ta là,” và an trú trong đó. Ta vẫn thường ngồi hàng giờ, chỉ với cái “Ta hiện hữu” trong tâm mà không có gì khác xen vào, chẳng bao lâu an lạc và một tình yêu trùm khắp trở thành trạng thái bình thường của Ta. Trong đó tất cả - chính Ta, Tôn sư, cuộc đời mà Ta sống, thế giới quanh Ta - đều tan biến. Chỉ còn an lạc và sự im lặng không đáy.

H: Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thật ra không phải thế. Có những lúc một trạng thái tuyệt vời của sự an lạc bừng nở trong tôi, tôi quan sát và tự nhủ: nó đến thật dễ dàng làm sao, nó có vẻ vô cùng thân mật làm sao, nó thật trọn vẹn là của tôi. Việc gì phải khó nhọc tìm kiếm một trạng thái kề cận đến như thế trong tay? Lần này, chắc chắn nó đến để ở lại. Nhưng chẳng bao lâu nó hoàn toàn tan biến và để lại trong tôi sự thắc mắc - liệu đó là hương vị của thực tại hay lại là một cơn mất trí. Nếu là thực tại thì tại sao nó ra đi? Có lẽ là cần phải có một kinh nghiệm độc nhất nào đó để chuyển tôi vĩnh viễn sang trạng thái mới, và cho đến khi cái kinh nghiệm có tính cách quyết định đó xảy ra thì trò chơi trốn tìm này vẫn còn tiếp tục.

M: Mong đợi một cái gì độc nhất và gây ấn tượng sâu sắc, một sự bùng nổ kỳ diệu nào đó, chỉ là một chướng ngại và trì hoãn sự giác ngộ chính mình của ông. Ông không cần phải mong đợi một sự bùng nổ, vì nó đã xảy ra - ngay vào lúc ông chào đời, ngay khi ông nhận ra chính ông hiện-hữu-biết-cảm-thọ. Ông chỉ phạm một sai lầm duy nhất: Ông cho cái bên trong ông là bên ngoài, còn cái bên ngoài thì ông lại cho là bên trong ông. Tâm và các cảm thọ đều là bên ngoài, nhưng ông lại cho chúng là thân thiết. Ông tin thế giới là khách quan, trong khi nó hoàn toàn chỉ là một phóng ảnh của tâm ông. Đó là sự nhầm lẫn căn bản, và không một vụ bùng nổ mới nào có thể cải sửa được. Ông phải tư duy chính ông ra khỏi sự lầm lẫn đó. Ngoài ra không còn cách nào khác.

H: Làm sao tôi có thể tư duy chính tôi ra khỏi sự lầm lẫn khi ý nghĩ của tôi đến và đi một cách tùy tiện. Chúng không ngớt lải nhải làm cho tôi phân tâm và tổn sức.

M: Quan sát các ý nghĩ của ông giống như ông quan sát sự lưu thông trên đường phố. Người ta đến và đi, ông cứ việc ghi nhận nhưng đừng phản ứng. Lúc đầu thì không dễ, nhưng chỉ cần thực hành một thời gian ông sẽ nhận ra rằng tâm ông có thể hành hoạt trên nhiều giai tầng khác nhau cùng một lúc, và ông có thể biết rõ tất cả. Chỉ khi nào ông quan tâm nhất định đến một giai tầng thì bấy giờ sự chú ý của ông mới vướng mắc trong đó, và ông không còn biết gì về những giai tầng khác. Mặc dù vậy công việc ở những giai tầng bị mất đi sự chú ý của ông vẫn tiếp tục tiến hành, bên ngoài phạm trù ý thức. Đừng đánh vật với ký ức và ý nghĩ của ông mà tìm cách duy trì trong phạm trù chú ý của ông những câu hỏi khác, quan trọng hơn, như “Ta là ai?” “Ta đã ngẫu nhiên được sinh ra như thế nào?” “Cái vũ trụ quanh Ta này từ đâu đến?” “Cái gì thật và cái gì vô thường?” Ký ức sẽ không còn bám víu dai dẳng nếu ông không còn quan tâm đến nó; chính sự xúc cảm dây dưa làm cho sự ràng buộc giai dẳng. Ông luôn luôn đuổi theo lạc thú và tránh né đau khổ, luôn luôn tìm kiếm an lạc. Ông không thấy rằng chính sự đi tìm hạnh phúc làm cho ông khổ sở? Thử cách khác: thản nhiên với đau khổ và lạc thú, không van xin mà cũng không từ chối, dồn tất cả chú ý của ông vào giai tầng mà trong đó cái “Ta là” hiện hữu phi thời. Chẳng bao lâu ông sẽ nhận ra rằng an lạc và hạnh phúc ở ngay trong bản tánh của ông, chính sự tìm kiếm chúng qua những kênh luồng nào đó mới gây ra phiền nhiễu. Tránh phiền nhiễu, thế là đủ. Không cần phải tìm kiếm, ông không cần phải tìm cái ông đã có. Ông chính là Thượng đế, là Thực tại Tối thượng. Để khởi sự, hãy tin Ta, tin vị Đạo sư. Lòng tin giúp ông thực hiện bước đầu tiên - và sau đó chính kinh nghiệm sẽ biện minh cho sự tin tưởng của ông. Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc đời, sự tin tưởng ban đầu là thiết yếu, nếu không có nó thì chẳng làm được gì nhiều. Mọi công cuộc kinh doanh đều là hành vi tin tưởng. Ngay cả bánh mì ông ăn, ông ăn với sự tin tưởng. Bằng cách nhớ những gì Ta bảo thì ông sẽ đạt được bất cứ gì. Một lần nữa Ta nhắc lại: Ông là thực tại trùm khắp tất cả và siêu vượt tất cả. Hãy hành xử một cách tương xứng: suy nghĩ, cảm họ và hành động một cách hài hòa với toàn thể, chẳng bao lâu ông sẽ chứng nghiệm những gì Ta nói. Chẳng cố gắng nào là cần thiết. Chỉ cần tin tưởng và hành động trên sự tin tưởng. Nên hiểu rằng Ta chẳng mong cầu điều gì nơi ông. Chính vì sự lợi lạc của chính ông mà Ta nói, vì trên tất cả ông yêu quý chính ông, ông muốn ông an ổn và hạnh phúc. Đừng xấu hổ vì điều đó, đừng chối bỏ điều đó. Yêu quý chính mình là điều tự nhiên và tốt đẹp. Chỉ có điều ông phải biết chính xác cái ông yêu quý. Cái ông yêu quý không phải là thân xác, mà là Sự sống - nhận thức, cảm thọ, tư duy, hành động, yêu, phấn đấu, sáng tạo. Sự sống mà ông yêu chính ông, là tất cả. Hãy nhận ra nó trong sự toàn vẹn của nó, ngoài tất cả phân chia và hữu hạn; tất cả ước muốn của ông sẽ hòa nhập trong đó, vì cái lớn hơn dung chứa cái nhỏ hơn. Vì thế, hãy tìm ra chính ông, vì tìm ra ông tức là tìm ra tất cả.

Mọi người đều vui mừng vì hiện hữu, nhưng chẳng mấy ai biết được sự viên mãn của nó. Ông sẽ biết được điều đó bằng cách an trú trong tâm với cái “Ta hiện hữu”, “Ta biết,” “Ta yêu” với quyết tâm đạt đến ý nghĩa thâm sâu nhất của những từ ngữ này.

H: Liệu tôi có thể nghĩ “Ta là Thượng đế?”

M: Đừng đồng hóa ông với một ý nghĩ. Nếu ông muốn nói Thượng đế là Cái Không Biết, thì chỉ cần nói: “Ta không biết Ta là cái gì.” Nếu ông biết Thượng đế như ông biết cái Ta của ông, thì ông không cần phải nói điều đó. Tốt nhất vẫn là nhận thức “Ta hiện hữu.” Hãy kiên trì ở với nó. Kiên trì ở đây chính là trí tuệ, đừng nghĩ đến thất bại. Trong cuộc kinh doanh này không hề có thất bại.

H: Nhưng ý nghĩ của tôi không để tôi làm chuyện đó.

M: Đừng để ý. Đừng xua đuổi chúng. Đừng làm gì với chúng, cứ mặc kệ chúng, dù chúng là bất cứ gì. Chính sự xua đuổi của ông tạo cho chúng sự sống. Chỉ cần đừng quan tâm. Hãy nhìn xuyên suốt. Luôn luôn ghi nhớ: “Bất cứ gì xảy ra - xảy ra vì Ta hiện hữu. Tất cả chỉ để nhắc nhở rằng ông hiện hữu. Hãy tận dụng thực tế: muốn kinh nghiệm thì ông phải hiện hữu. Ông không cần phải ngừng suy nghĩ. Mà chỉ cần ngừng quan tâm. Chính sự không quan tâm giải thoát ông. Đừng bám giữ, thế là đủ. Thế giới được làm bằng những chiếc vòng. Tất cả những cái móc là của ông. Hãy duỗi những cái móc của ông thẳng ra thì không gì có thể cầm giữ được ông. Hãy từ bỏ mọi sự lệ thuộc thì không còn gì nữa để từ bỏ. Hãy từ bỏ tập quán chiếm hữu, thói quen tìm cầu kết quả, vì tự do của vũ trụ là của ông. Đừng cố gắng.

H: Sống là cố gắng. Có rất nhiều điều phải làm.

M: Cái gì cần làm thì cứ làm. Đừng cưỡng lại. Sự quân bình của ông phải năng động, dựa vào sự thực hiện những điều đúng, từ lúc này sang lúc khác. Đừng làm một đứa trẻ không muốn trưởng thành. Những cử chỉ và điệu bộ rặp khuôn sẽ chẳng giúp gì ông. Trông cậy hoàn toàn vào sự trong sáng của ý nghĩ, sự trong sạch của động cơ thúc đẩy, và sự chính trực của hành động. Ông không thể nào đi sai đường. Hãy vượt ra ngoài và để lại tất cả phía sau.

H: Nhưng liệu có gì có thể tồn tại mãi mãi?

M: Ông muốn một cái gì đó giống như trạng thái xuất thần suốt ngày đêm. Những trạng thái xuất thần đến rồi đi một cách cần thiết, vì bộ óc con người không thể chịu đựng căng thẳng trong một thời gian dài. Một trạng thái xuất thần kéo dài sẽ đốt cháy não bộ, trừ khi trạng thái đó cực kỳ thanh tịnh và vi tế. Trong thiên nhiên, không có gì đứng yên, mọi thứ đều rung động, xuất hiện và biến mất. Trái tim, hơi thở, sự tiêu hóa, ngủ và thức, sinh và tử - tất cả đều đến và đi như những đợt sóng. Các thái cực thay phiên nhau một cách nhịp nhàng, định kỳ và hài hòa là một quy luật tất yếu. Nổi loạn chống lại mô thức của sự sống là vô ích. Nếu ông muốn tìm cái bất biến, hãy vượt ra ngoài kinh nghiệm. Khi Ta bảo: “Luôn luôn nhớ cái “Ta hiện hữu” thì điều này có nghĩa là: trở lại với nó nhiều lần.” Không một ý nghĩ đặc thù nào có thể là trạng thái tự nhiên của tâm, mà chỉ có sự im lặng. Không phải ý tưởng về sự im lặng, mà chính sự im lặng. Khi tâm ở trong trạng thái tự nhiên, nó trở lại với sự im lặng một cách tự sinh khởi sau mỗi kinh nghiệm, hay đúng hơn là mọi kinh nghiệm đều xảy ra trước một hậu cảnh im lặng.

Những gì ông vừa học được ở đây đã trở thành chủng tử. Ông có thể quên đi, hiển nhiên là như thế. Nhưng chủng tử đó vẫn sống, và vào đúng thời vụ nó sẽ đâm chồi, mọc lên và đơm hoa kết trái.

Tất cả sẽ tự xảy ra. Ông không cần làm gì cả, chỉ đừng ngăn trở nó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh