Đối Thoại Với Thượng Đế Quyển 2: Chương 9
Đối Thoại Với Thượng Đế Quyển 2: Chương 9 Đối Thoại Với Thượng Đế Quyển 2: Chương 9

ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ QUYỂN 2: CHƯƠNG 9

Được rồi, con sẵn sàng đi tiếp rồi. Ngài đã hứa sẽ nói về một số phương diện lớn hơn của cuộc sống trên Trái Đất, và ngay từ những nhận định của ngài về Hoa Kỳ, con muốn nói thêm về tất cả chuyện này.

Tốt thôi. Ta muốn Cuốn 2 nói về một số vấn đề lớn hơn đối với hành tinh của các con. Và không có vấn đề nào lớn hơn việc giáo dục con cái các con.

Chúng con làm việc này không tốt lắm, phải không… Qua cách ngài đặt vấn đề con có thể đoán ra như thế.

Ồ, dĩ nhiên mọi thứ đều tương đối. Về điều con nói các con đang cố gắng làm, thì không, các con đang không làm tốt lắm.

Mọi thứ Ta nói ở đây, mọi thứ Ta đề cập trong cuộc trao đổi này từ đó tới giờ, và đã đi đến chỗ được đặt trong tài liệu này, phải được đặt trong bối cảnh đó. Ta không có xét đoán về các sự “đúng” “sai” “tốt” hay “xấu”. Ta chỉ đưa ra các quan sát về tính hiệu quả của các con trong tương quan với cái con nói rằng các con đang cố gắng làm.

Con hiểu điều đó.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Ta biết con nói rằng con hiểu, nhưng sẽ tới lúc - thậm chí trước khi cuộc đối thoại này kết thúc, con sẽ trách Ta là người hay xét đoán.

Con sẽ không bao giờ trách ngài về điều đó. Con biết khá hơn rồi.

“Biết khá hơn” không ngăn cản được loài người gọi Ta là Thiên Chúa hay xét đoán trong quá khứ.

Ồ, nó sẽ chặn con lại.

Mua đá năng lượng:

Để rồi xem.

Ngài muốn nói về giáo dục.

Đúng vậy. Ta quan sát thấy rằng hầu hết các con đã hiểu lầm ý nghĩa, mục đích và chức năng của giáo dục, chưa nói tới quá trình để làm được tốt nhất việc đó.

Đó là một khẳng định to tát quá. Con cần được giúp đỡ để hiểu nó.

Hầu hết nhân loại đã quyết định rằng ý nghĩa và mục đích và chức năng của giáo dục là truyền thụ tri thức; rằng giáo dục một người là cho họ kiến thức

  • nói chung, kiến thức tích lũy của gia đình, bộ lạc, xã hội, quốc gia, và cả thế giới.

Nhưng giáo dục liên hệ rất ít tới kiến thức.

Ồ? Ngài lừa con.

Rõ ràng mà.

Thế thì giáo dục liên quan tới cái gì?

Sự khôn ngoan. Khôn ngoan à? Đúng rồi.

Được rồi, con chịu thua đấy. Có gì khác nhau đâu nào?

Khôn ngoan là kiến thức được áp dụng.

Vậy là chúng con không được chờ đợi là tìm cách trao cho con cái chúng con tri thức. Chúng con được chờ đợi tìm cách trao cho con mình sự khôn ngoan.

Trước hết, đừng có “cố gắng làm điều gì.” Làm đi. Thứ hai, đừng bỏ qua tri thức vì thiên về sự khôn ngoan. Việc ấy sẽ rất nguy hiểm. Mặt khác, đừng bỏ qua sự khôn ngoan vì thiên về tri thức. Điều ấy cũng rất nguy hiểm. Nó sẽ giết chết giáo dục. Trên hành tinh của các con, nó đang giết chết nó.

Chúng con đang bỏ qua sự khôn ngoan để thiên về tri thức ư?

Trong hầu như mọi trường hợp, đúng vậy.

Chúng con làm điều ấy như thế nào?

Các con đang dạy cho con cái mình phải nghĩ cái gì, thay vì nghĩ như thế nào.

Xin vui lòng giải thích thêm.

Chắc chắn rồi. Khi con cho con cái con tri thức, con đang nói với chúng phải nghĩ gì. Tức là, con đang bảo chúng những gì chúng được cho là nên biết, những gì con muốn chúng hiểu là đúng.

Khi con cho con cái mình sự khôn ngoan, con không bảo chúng cái gì nên biết, hay cái gì đúng, nhưng thay vào đó, làm thế nào để tiếp cận sự thật của chính bản thân chúng.

Nhưng không có tri thức thì không thể có sự khôn ngoan.

Ta đồng ý. Đó là lý do tại sao Ta đã nói, con không thể bỏ qua tri thức vì khôn ngoan được. Một lượng tri thức nhất định phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều đó là hiển nhiên. Nhưng càng ít tri thức càng tốt. Càng ít, càng tốt.

Hãy để trẻ em tự chúng khám phá. Hãy biết điều này: Tri thức sẽ mất đi.

Sự khôn ngoan thì không bao giờ bị quên cả.

Vậy là các trường học nên dạy càng ít càng tốt?

Các trường học của các con nên thay đổi điểm nhấn đi. Ngay lúc này đây họ tập trung cao độ vào tri thức, và rất ít chú ý đến sự khôn ngoan. Các lớp học về suy nghĩ phê bình, giải quyết vấn đề, và logic học bị nhiều phụ huynh xem như một mối đe dọa. Họ muốn loại các môn ấy khỏi chương trình. Có thể họ làm như thế, nếu họ muốn bảo vệ lối sống của họ. Vì những đứa trẻ được phép phát triển cách suy nghĩ phê bình của riêng chúng hầu như sẽ từ bỏ các giáo điều, chuẩn mực và toàn bộ lối sống của cha mẹ mình.

Để bảo vệ lối sống của các con, các con đã xây dựng một hệ thống giáo dục dựa trên sự phát triển ký ức của trẻ, chứ không phải khả năng. Trẻ em được dạy cho ghi nhớ các sự kiện và hư cấu - những hư cấu mà mỗi xã hội đã xây dựng về chính nó - thay vì cho chúng khả năng khám phá và tạo ra sự thật của chính chúng.

Các chương trình kêu gọi trẻ em phát triển khả năng và kỹ năng thay vì ký ức bị chế giễu bởi những người cho rằng họ biết trẻ em cần học những gì. Nhưng cái mà các con đang dạy con mình đã đưa thế giới của các con hướng đến sự ngu dốt, chứ không phải đi xa khỏi nó.

Trường học chỗ chúng con không dạy những điều hư cấu, họ chỉ dạy các sự kiện.

Bây giờ con đang tự lừa dối mình, cũng như lừa dối con cái của con.

Chúng con nói dối con mình sao?

Dĩ nhiên là thế rồi. Hãy cầm đại một cuốn sách lịch sử và xem. Lịch sử của các con được viết bởi những người muốn con cái họ nhìn thế giới từ một quan điểm nào đó. Mọi cố gắng triển khai các trình thuật lịch sử với một góc nhìn rộng hơn về các sự kiện đều bị chế giễu, và được gọi là “phong trào xét lại.” Con sẽ không nói thật về quá khứ của con cho con cái mình, kẻo chúng thấy được con thực sự là như thế nào. Hầu hết lịch sử đều được viết từ quan điểm của phân khúc xã hội mà con gọi là đàn ông đạo Tin lành người Anglo Saxon da trắng. Khi phụ nữ, người da đen, hoặc những người thuộc nhóm thiểu số khác nói: “Hượm, xem nào. Đây không phải là điều đã xảy ra. Con đã loại ra ở đây một phần khổng lồ, con khúm núm, hò la và đòi buộc những người theo chủ nghĩa xét lại phải thôi không được tìm cách thay đổi sách giáo khoa nữa. Con không muốn con cái con biết được nó đã thực sự xảy ra như thế nào. Con muốn chúng biết con đã biện minh cho điều đã xảy ra như thế nào, từ quan điểm của con. Có cần Ta đưa thí dụ không?

Vâng, xin mời.

Ở Hoa Kỳ, con không dạy cho con cái mình mọi thứ phải biết về quyết định của quốc gia khi ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật, giết hoặc làm bị thương hàng trăm ngàn người. Thay vào đó, con cho chúng các sự kiện như con thấy - và như con muốn chúng nhìn.

Khi có người tìm cách quân bình quan điểm này với quan điểm của người khác, trong trường hợp này là người Nhật, con la hét, giận dữ, con huênh hoang, con say sưa lảm nhảm và nhảy choi choi, đòi các trường học không được ngay cả nghĩ đến việc trình bày những dữ kiện như thế trong phần ôn lại lịch sử của biến cố quan trọng này. Như vậy, con không dạy lịch sử gì cả, mà là chính trị.

Lịch sử được cho là trình thuật chính xác, và đầy đủ về cái thực sự đã xảy ra. Chính trị không bao giờ là cái thực sự đã xảy ra. Chính trị luôn là một quan điểm về cái đã xảy ra.

Lịch sử khai mở, chính trị biện minh. Lịch sử mở toang ra, nói ra tất cả. Chính trị che đậy; chỉ nói một chiều. Chính trị gia ghét lịch sử viết thật. Và lịch sử, khi viết thật, cũng không nói tốt lắm về chính trị đâu.

Nhưng các con đang khoác cho mình bộ quần áo mới của hoàng đế, vì con cái các con rồi sẽ nhìn xuyên qua các con. Trẻ em được dạy cho biết suy nghĩ có phê bình sẽ nhìn vào lịch sử của các con và nói: “Trời ạ, cha mẹ con và những người lớn đã tự lừa dối mình.” Các con không thể chịu nổi điều này, thế là các con đánh trống lảng. Các con không muốn con cái mình có được các dữ kiện căn bản nhất.

Con nghĩ ngài đang phóng đại ở đây. Con nghĩ ngài đã đưa lập luận này đi quá xa rồi.

Thiệt không? Hầu như mọi người trong xã hội các con thậm chí còn không muốn con cái mình biết những sự kiện cơ bản nhất của cuộc sống nữa. Người ta giận điên lên khi trường học chỉ bắt đầu dạy cho trẻ em về cơ thể con người hoạt động như thế nào. Lúc này con không cho là nên nói cho chúng biết AIDS lan truyền thế nào, hoặc làm sao để ngăn chặn không cho nó lây lan. Dĩ nhiên, trừ phi con nói với chúng từ một quan điểm nào đó về cách phòng tránh AIDS. Thế rồi mọi chuyện đều ổn. Nhưng còn đơn giản cho chúng biết sự kiện, và để cho chúng tự quyết định cho mình thì sao? Không đời nào, khi con còn sống.

Trẻ em chưa sẵn sàng để tự quyết định những chuyện đó cho mình.

Chúng phải được hướng dẫn đàng hoàng.

Con có nhìn vào thế giới của con gần đây không?

Thế thì sao nào?

Đó là cách con hướng dẫn con cái mình trong quá khứ đấy.

Không phải, đó là cách chúng con đã hướng dẫn sai chúng. Nếu thế giới ở trong hình thù mục ruỗng ngày hôm nay, và xét nhiều mặt, nó là như thế - thì không phải vì chúng con đã cố dạy cho con cái chúng con những giá trị cũ, nhưng vì chúng con đã cho phép chúng được dạy dỗ tất cả những thứ “mới lạ” này!

Con thực sự tin vào điều đó, phải không?

Ngài nói đúng đấy, con thực sự tin như thế! Nếu chúng con giới hạn con cái vào lối học đọc chép cũ thay vì nhồi nhét cho chúng tất cả các thứ rác rưởi “suy nghĩ phê bình” này, chúng con ngày nay đã tốt đẹp hơn nhiều. Nếu chúng con giữ cái gọi là “giáo dục giới tính” ra ngoài các lớp học và trong nhà nơi nó thuộc về, chúng con sẽ không nhìn thấy đám thiếu niên ngày nay có con, và các bà mẹ độc thân tuổi 17 đang nộp đơn xin phúc lợi, và một thế giới chạy như điên. Nếu chúng con buộc đám trẻ sống theo các tiêu chuẩn đạo đức của chúng con, thay vì buông mặc cho chúng sáng

tạo cái của chúng nó, chúng con đã không biến quốc gia một thời mạnh mẽ, sống động của chúng con thành một sự bắt chước đáng thương cái hình thù trước kia của nó rồi.

Ta hiểu rồi.

Và thêm một điều nữa. Ngài đừng đứng đó mà nói với con về chuyện chúng con được cho là bất chợt nhìn thấy mình “sai” về điều đã làm ở Hiroshima và Nagasaki. Nhờ Trời, chúng con đã chấm dứt chiến tranh. Chúng con đã cứu hàng ngàn mạng sống. Ở cả hai phía. Đó là giá của chiến tranh. Không ai thích quyết định, nhưng rồi quyết định đã được đưa ra.

Ta hiểu.

Vâng, ngài thấy đấy. Ngài giống như tất cả đám cộng sản tự do kia. Ngài muốn chúng con sửa lại lịch sử, hoàn toàn. Ngài muốn chúng con sửa lại chính mình tất tần tật. Khi đó những người tự do như ngài cuối cùng có thể có được con đường của mình; chiếm lấy thế giới; tạo ra các xã hội mười năm của chúng con; phân phối lại của cải. Trao quyền cho nhân dân, và tất cả cái đám tào lao ấy. Ngoại trừ một điều là không thấy chúng con ở đâu nữa. Điều chúng con cần là một sự quay về quá khứ; về với những giá trị của tiền nhân. Đó là điều chúng con cần!

Bây giờ làm được chưa?

Rồi, con đã làm rồi. Con làm thế nào?

Rất tốt. Điều đó thực sự tốt đấy.

Ừm, khi ngài diễn thuyết trên đài độ vài năm thì điều đó xảy đến dễ

thôi.

Đó là điều những người trên hành tinh này nghĩ, phải vậy không?

Ngài có thể chắc chắn điều đó. Và không chỉ ở Mỹ đâu. Con muốn nói là ngài có thể đổi tên quốc gia, và đổi tên cuộc chiến tranh; thêm vào bất cứ hành động xâm phạm quân sự bởi một nước nào đó vào một thời gian nào đó trong lịch sử. Không thành vấn đề. Mọi người đều nghĩ họ đúng. Mọi người đều biết người khác là sai. Hãy quên Hiroshima đi. Thay vào Berlin chẳng hạn. Hoặc Bosnia.

Mọi người cũng biết các giá trị cũ là những giá trị có tác dụng. Mọi người biết thế giới đang đi xuống hỏa ngục. Không chỉ ở Mỹ. Khắp mọi

nơi. Có một lời kêu gọi trở về với những giá trị cũ, và trở về với chủ nghĩa quốc gia, khắp nơi trên hành tinh này.

Ta biết là có chuyện đó.

Và điều con làm ở đây là cố gắng làm rõ cái cảm xúc ấy, mối quan tâm ấy, sự tức giận ấy.

Con làm rất tốt. Con sắp thuyết phục được Ta rồi đấy.

Thiệt không? Ngài nói gì với những người thực sự nghĩ như thế?

Ta nói rằng, các con có thực sự nghĩ rằng mọi sự đều tốt hơn hồi 30 năm trước, 40 năm trước, 50 năm trước không? Ta nói rằng ký ức thường có cái nhìn kém lắm. Con nhớ cái tốt của nó chứ không nhớ cái tồi tệ của nó. Điều đó tự nhiên, bình thường. Nhưng đừng để bị lừa gạt. Hãy suy nghĩ có phê bình, và đừng chỉ ghi nhớ điều người khác muốn con nghĩ.

Trở lại thí dụ của chúng ta, con có thực sự hình dung rằng quả tuyệt đối cần thiết phải thả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima không? Các sử gia Hoa Kỳ nói gì về rất nhiều báo cáo bởi những người tự cho là biết nhiều hơn về điều đã thực sự xảy ra, rằng Đế quốc Nhật đã bí mật bày tỏ cho Hoa Kỳ ý muốn chấm dứt chiến tranh trước khi bom được thả xuống? Ý định báo thù vụ Trân Châu cảng đóng vai trò bao nhiêu trong quyết định đánh bom? Và nếu con chấp nhận rằng ném bom Hiroshima là cần thiết, thì sao lại cần ném quả bom thứ hai?

Dĩ nhiên, có thể là trình thuật của riêng con về tất cả chuyện này là chính xác. Có thể là quan điểm người Mỹ về tất cả chuyện này là điều đã thực sự xảy ra. Đó không phải là điểm tranh luận. Điểm chính ở đây là hệ thống giáo dục của các con không cho phép suy nghĩ một cách có phê bình về những điều này - hoặc rất nhiều vấn đề khác nữa cũng vậy .

Con có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra cho một nghiên cứu xã hội hoặc giáo viên lịch sử ở Iowa, nếu họ hỏi những câu hỏi trên trong lớp học, mời gọi và khuyến khích học sinh xem xét và khai phá các vấn đề theo chiều sâu và rút ra kết luận cho chính họ không?

Đó mới là điểm mấu chốt! Các con không muốn những người trẻ rút ra kết luận của chính chúng. Các con muốn chúng đi đến cùng một kết luận mà con đã rút ra. Như thế, con làm cho chúng lặp lại những sai lầm mà kết luận của con đã đưa con đến.

Nhưng còn về những lời khẳng định của rất nhiều người về các giá trị cũ và sự tan rã của xã hội ngày nay thì sao? Về sự gia tăng khó tin các cuộc sinh nở ở tuổi vị thành niên, hay các bà mẹ sống bằng phúc lợi, hoặc thế giới chúng con đang chạy loạn lên thì sao?

Thế giới các con đang chạy điên cuồng. Về điều này, Ta sẽ đồng ý. Nhưng thế giới các con không chạy như điên vì những gì các con đã cho phép trường học dạy cho con cái các con. Nó chạy vì những gì con không cho phép họ dạy.

Các con không cho phép trường học dạy rằng tình yêu là tất cả những gì có đó. Các con không cho phép trường học nói về một tình yêu vô điều kiện.

Quỷ sứ thật, chúng con thậm chí còn không cho phép các tôn giáo nói về điều đó nữa mà.

Đúng vậy. Và các con sẽ không cho phép con cái mình được dạy cách thưởng thức chính mình và thân xác mình, tính con người của chúng và bản ngã tính dục kỳ diệu của chúng. Và các con sẽ không cho phép con cái mình biết rằng, trên hết mọi sự, chúng là những hữu thể tinh thần cư ngụ trong một thân xác. Các con cũng không đối xử với con mình như là những tinh thần nhập thể.

Trong những xã hội mà tính dục được đề cập một cách cởi mở, thoải mái đàm luận, vui vẻ giải thích và cảm nghiệm, hầu như không có tội ác về tình dục, chỉ có một số rất ít vụ sinh sản xảy ra khi không mong muốn, và không hề có những việc sinh nở “bất hợp pháp” hay không mong muốn. Trong những xã hội tiến hóa cao, mọi cuộc sinh nở đều là hồng phúc, và mọi bà mẹ và trẻ em đều có phúc lợi chăm sóc. Quả thật, xã hội nên không còn đường nào khác.

Trong những xã hội mà lịch sử bị bẻ cong theo quan điểm của những kẻ mạnh nhất và quyền lực nhất, các sai lầm của quá khứ được thừa nhận công khai và không bao giờ lặp lại, và một lần là đủ cho các hành vi có tính tự phá hủy một cách lộ liễu.

Trong những xã hội mà suy nghĩ có phê bình và giải quyết vấn đề và các kỹ năng sống được dạy, thay vì các dữ kiện được ghi nhớ, thậm chí cái được gọi là những hành vi “có thể biện minh được” của quá khứ cũng được đem ra xem xét tỉ mỉ. Không có gì được chấp nhận ở giá trị bên ngoài.

Điều ấy hoạt động như thế nào? Chúng ta sẽ lấy thí dụ từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một hệ thống trường học dạy các kỹ năng sống, thay vì các dữ kiện thuần túy, sẽ tiếp cận bi kịch lịch sử tại Hiroshima như thế nào?

Các giáo viên của con sẽ mô tả với lớp học chính xác điều đã xảy ra ở đó. Họ sẽ đưa vào tất cả mọi dữ kiện - tất cả nhé - đưa đến biến cố đó. Họ sẽ tìm kiếm các quan điểm của các sử gia từ chứng nhân của cả hai phía, nhận thức rằng có hơn một quan điểm về tất cả mọi thứ. Khi ấy họ sẽ không đòi lớp học phải ghi nhớ các dữ kiện của vấn đề. Thay vào đó, họ sẽ thách thức lớp học. Họ sẽ nói: “Bây giờ, các em đã nghe tất cả về biến cố này. Các em biết được tất cả những gì xảy ra trước đó, và những gì đã xảy ra sau đó. Chúng tôi đã cho các em thật nhiều ‘kiến thức’ về biến cố này trong khả năng của chúng tôi. Bây giờ, từ ‘kiến thức’ này, các em có được sự khôn ngoan như thế nào? Nếu các em được chọn để giải quyết vấn đề phải đối diện vào lúc ấy, vấn đề đã được giải quyết bằng cách thả bom, thì các em giải quyết ra sao? Các em có thể đưa ra cách giải quyết tốt hơn không?”

Ồ, chắc chắn rồi. Dễ mà. Ai cũng có thể đi đến câu trả lời kiểu đó - cùng với lợi ích của tri thức muộn. Ai cũng có thể liếc qua vai mình và nói: “Gặp mình thì mình sẽ làm khác đi.”

Thế sao con không làm?

Xin lỗi?

Ta nói rằng vậy tại sao con không làm? Tại sao con không nhìn qua vai mình, học từ quá khứ, và làm khác đi? Tai sẽ nói cho con biết tại sao. Bởi vì cho phép con cái con nhìn vào quá khứ của con và phân tích nó một cách có phê bình - quả thật, yêu cầu chúng làm như thế như một phần của việc giáo dục, sẽ đưa đến nguy cơ là chúng bất đồng với cách xử lý mọi việc của con.

Dĩ nhiên là chúng sẽ không đồng ý. Con sẽ không cho phép quá nhiều bất đồng ý kiến về nó trong lớp họ. Vì vậy chúng phải đem xuống đường phố. Vẫy các tấm biển. Đốt áo ngực và cờ. Làm bất cứ cái gì chúng có thể làm để thu hút sự chú ý của các con, để các con nhìn thấy. Những người trẻ của các con đang hét vào mặt các con: “Phải có một cách tốt hơn!” nhưng các con không nghe chúng. Các con không muốn nghe chúng. Và chắc chắn các con không muốn khuyến khích chúng trong lớp học bắt đầu suy nghĩ có phê bình về những dữ kiện các con truyền cho chúng.

Các con nói với chúng: Cứ nghe đi. Đừng đến đây mà bảo chúng tao rằng chúng tao làm sai. Cứ tiếp thu cái chúng tao đang làm đúng.

Đó là cách giáo dục con cái của các con. Đó là cái mà các con đang gọi là giáo dục.

Nhưng Có những người muốn nói rằng chính những người trẻ và những ý tưởng điên rồ, lập dị, tự do của chúng đã đưa đất nước này và thế giới này đi tới chỗ thất bại. Đã đưa nó vào hỏa ngục. Đã đẩy nó tới bờ lãng quên. Đã phá hủy nền văn hóa định hướng theo các giá trị của chúng ta, và thay thế nó bằng một thứ đạo đức làm-bất-cứ-điều-gì-bạn-muốn, bất cứ điều gì “cảm thấy tốt,” nó đe dọa chấm dứt chính lối sống của chúng ta.

Những người trẻ đang phá hủy lối sống của các con. Những người trẻ đã luôn luôn làm điều đó. Công việc của các con là khuyến khích điều ấy, chứ không phải can ngăn.

Không phải những người trẻ của các con đang phá hủy các khu rừng nhiệt đới đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con đang hủy hoại tầng ozone đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con đang bóc lột người nghèo trong những công xưởng mướt mồ hôi trên khắp thế giới đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con đang đánh thuế các con gần chết, rồi dùng tiền ấy cho chiến tranh và các máy móc chiến tranh đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con làm ngơ trước những vấn đề của người yếu đuối và bị chà đạp, để hàng trăm người chết đói mỗi ngày trên hành tinh có dư thừa để nuôi sống mọi người đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại.

Không phải những người trẻ của các con dấn thân vào các nền chính trị lừa dối và thao túng đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con bị dồn nén về tính dục, xấu hổ và bối rối về thân xác chúng và chuyển nỗi xấu hổ và bối rối này cho con cái chúng đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại. Không phải những người trẻ của các con dựng lên một hệ thống giá trị nói rằng “sức mạnh là lẽ phải” và một thế giới giải quyết các vấn đề bằng bạo lực đâu. Chúng đang đòi các con dừng việc ấy lại.

Ôi chà, chúng không đòi các con… chúng đang năn nỉ các con đấy.

Nhưng chính những người trẻ là những người bạo lực! Những người trẻ tham gia băng nhóm và giết chóc nhau! Những người trẻ miệt thị pháp luật và trật tự - mọi thứ trật tự. Những người trẻ đang làm chúng con phát điên!

Khi những tiếng kêu la van nài của những người trẻ đòi thay đổi thế giới không được nghe và không bao giờ được chú ý tới, khi chúng thấy rằng sự nghiệp của chúng bị mất đi - rằng dù thế nào đi nữa thì các con vẫn sẽ có được nó theo cách của các con - những người trẻ, những người không ngớ ngẩn, sẽ làm điều ít tốt hơn. Nếu chúng không đánh được con, chúng sẽ vào bè với con.

Những người trẻ các con đã tham gia với các con trong các hành vi của con. Nếu chúng bạo lực, ấy là vì các con bạo lực. Nếu chúng duy vật, ấy là vì các con duy vật. Nếu chúng hành động điên rồi, ấy là vì các con đang hành động điên rồ. Nếu chúng sử dụng tình dục theo kiểu lợi dụng, vô trách nhiệm, đáng hổ thẹn, ấy là vì chúng thấy các con cũng đang làm như thế.

Sự khác nhau duy nhất giữa những người trẻ và người già là những người trẻ làm điều chúng làm một cách công khai.Những người già che giấu hành vi của họ. Những người già nghĩ rằng người trẻ không thể thấy được.

Nhưng chúng nó nhìn thấy hết. Không có gì bị che khuất với chúng cả. Chúng thấy được sự giả hình của người già, và chúng tuyệt vọng tìm cách thay đổi điều đó. Nhưng sau khi cố gắng và thất bại, chúng thấy không còn chọn lựa nào khác ngoài bắt chước nó. Trong chuyện này, chúng đã sai, nhưng chúng chưa bao giờ được dạy khác đi cả. Chúng đã không được phép phân tích có phê bình những điều người lớn đang làm. Chúng chỉ được phép ghi nhớ mà thôi.

Điều gì con ghi nhớ, điều đó con tưởng niệm.

Vậy thì chúng con nên dạy dỗ đám trẻ thế nào?

Trước hết, hãy đối xử với chúng như những tinh thần nhập thể trong thân xác. Đó không phải một điều dễ làm đối với một tinh thần đâu; không phải một điều dễ quen với một tinh thần. Nó rất là hạn chế, gò bó. Vì thế đứa trẻ sẽ kêu khóc khi thình lình bị giới hạn như thế. Hãy lắng nghe tiếng khóc. Và dành cho con cái các con thật nhiều cảm giác “không giới hạn” trong khả năng của con.

Kế tiếp, hãy giới thiệu cho chúng thế giới mà con đã tạo ra với sự dịu dàng và trìu mến. Hãy thật cẩn thận - tức là, hãy cẩn thận về những gì con đặt vào các đơn vị bộ nhớ của chúng. Trẻ em ghi nhớ mọi thứ chúng nhìn thấy, mọi thứ chúng cảm nghiệm. Tại sao các con phát vào mông đứa trẻ vào lúc chúng ra khỏi lòng mẹ? Các con có thực sự cho rằng đây là cách duy nhết để các máy móc trong chúng khởi động? Tại sao các con tách đứa trẻ ra khỏi mẹ chúng chỉ vài phút sau khi bị tách khỏi hình thù sự sống duy nhất mà nó biết được trong tất cả hiện sinh hiện tại của nó? Việc cân đo đánh vỗ không chờ được chỉ một phút để đứa bé sơ sinh cảm nghiệm được sự an toàn và thoải mái của cái đã cho nó sự sống sao?

Tại sao các con cho phép trẻ em ngay từ đầu đã được xem những hình ảnh bạo lực? Ai bảo con rằng điều đó tốt cho con cái con? Và tại sao con lại che giấu những hình ảnh yêu thương?

Tại sao các con dạy con cái mình biết xấu hổ và bối rối về chính thân thể và các chức năng của chúng bằng cách che giấu cơ thể chính các con, và bảo chúng thậm chí không được tự sờ mó mình chỉ để tìm khoái lạc? Các con gửi đến chúng thông điệp gì về khoái lạc? Bài học gì về thân xác?

Tại sao các con đặt con cái vào những trường học mà ở đó, sự ganh đua được cho phép và khuyến khích, nơi mà “tốt nhất” và học cái “tốt nhất” được khen thưởng, nơi mà thành tích được xếp hạng, và đi bằng bước chân mình hiếm khi được chấp nhận? Con cái các con hiểu thế nào về điều này?

Tại sao các con không dạy con cái mình về chuyển động và âm nhạc, niềm vui của nghệ thuật và bí ẩn của các chuyện cổ tích, sự kỳ diệu của cuộc sống? Tại sao các con không phát huy cái được tự nhiên tìm thấy nơi đứa trẻ, thay vì tìm cách đặt vào nó cái không tự nhiên?

Và tại sao các con không cho phép những người trẻ học logic và suy nghĩ có phê bình và giải quyết vấn đề và sáng tạo, sử dụng các công cụ nơi trực giác của chính chúng và hiểu biết trong sâu thẳm nhất của chúng, thay vì các quy tắc và các hệ thống giúp ghi nhớ, và các kết luận của một xã hội đã tự chứng tỏ là hoàn toàn không thể tiến hóa bằng những phương pháp ấy, nhưng tiếp tục sử dụng chúng?

Cuối cùng, hãy dạy cho chúng các khái niệm, đừng dạy các chủ đề.

Hãy vạch ra một chương trình giảng dạy mới, và xây dựng nó xoay quanh ba Khái niệm Cốt Lõi: Ý Thức - Trung Thực - Trách Nhiệm

Hãy dạy các con cái các con các khái niệm này ngay từ khi còn bé. Hãy để chúng xuyên suốt chương trình giảng dạy cho tới ngày cuối cùng. Hãy đặt toàn bộ mô hình giáo dục của con trên chúng. Hãy đưa ra mọi hướng dẫn từ trong chúng.

Con không hiểu điều đó nghĩa là gì.

Có nghĩa là mọi thứ con dạy sẽ đến từ những khái niệm ấy.

Ngài có thể cắt nghĩa điều đó không? Chúng con nên dạy kiểu đọc chép như thế nào?

Ngay từ những sách vỡ lòng đầu tiên cho tới những độc giả phức tạp hơn, mọi câu chuyện và chủ đề phải xoay quanh các khái niệm cốt lõi. Tức là, đó sẽ là những câu chuyện về ý thức, những câu chuyện về tính trung thực, những câu chuyện về tinh thần trách nhiệm. Con cái các con sẽ được giới thiệu với các khái niệm, bơm vào trong các khái niệm, chìm ngập trong các khái niệm.

Tương tự, các bài tập viết sẽ xoay quanh các Khái niệm Cốt lõi ấy, và những khái niệm khác là những bài kèm theo chúng khi đứa trẻ lớn lên trong khả năng tự bộc lộ về mình.

Ngay cả các kỹ năng tính toán cũng sẽ được dạy trong khung này. Số học và toán học không phải là những cái trừu tượng, nhưng là những công cụ cơ bản nhất trong vũ trụ dành cho cuộc sống. Việc giảng dạy các kỹ năng tính toán ấy sẽ được cụ thể hóa trong kinh nghiệm sống rộng lớn hơn theo một cách thức nhằm thu hút sự chú ý tới, và đặt trọng tâm ở các Khái Niệm Cốt Lõi và các phát sinh của chúng.

Những “phát sinh” ấy là gì?

Sử dụng một cụm từ mà giới truyền thông các con đã phổ biến, chúng là những sản phẩm phụ. Toàn bộ mô hình giáo dục có thể đặt trên các sản phẩm phụ ấy, thay cho các môn học trong chương trình hiện tại, là những môn về cơ bản chỉ dạy các sự kiện.

Thí dụ?

Ồ, hãy sử dụng sự tưởng tượng của chúng ta. Con thử kể ra vài khái niệm con coi là quan trọng trong đời sống xem nào?

Ừm… à… để con xem nào… trung thực, như ngài đã nói đấy.

Được, tiếp đi. Đó là một Khái Niệm Cốt Lõi.

Ừm… công bằng. Với con đó cũng là một khái niệm quan trọng.

Tốt. Còn nữa không?

Đối xử tử tế với người khác. Đó là một. Con không biết đưa nó thành một khái niệm như thế nào.

Tiếp tục đi. Cứ để tư tưởng tiếp tục nảy sinh đi.

Hòa thuận. Khoan dung. Không làm tổn thương người khác. Đối xử bình đẳng. Đó là tất cả những điều con mong là có thể dạy cho con mình.

Tốt lắm! Rất xuất sắc!. Tiếp tục nào.

Ừm… tự tin. Đó là một điều tốt. Và ừm… chờ đã, chờ đã… có một cái sắp ra. Ừ… đúng rồi, đó là: bước đi trong sự tự trọng. Con nghĩ con sẽ gọi nó là như thế: bước đi trong sự tự trọng. Con không biết đưa nó vào một khái niệm tốt hơn như thế nào, nhưng nó phải liên hệ tới cách sống của bản thân, và cách tôn trọng người khác, và con đường những người khác đang đi.

Đây là một điều tốt. Tất cả đều là điều tốt. Con vừa viết chúng ra. Và còn nhiều khái niệm khác như thế, mà các con cái con phải hiểu sâu sắc nếu chúng muốn tiến hóa và trưởng thành nên những con người hoàn hảo. Nhưng con không dạy những điều ấy trong trường học. Đó là những điều quan trọng nhất trong đời sống, những điều chúng ta đang nói tới, nhưng các con không dạy chúng trong trường. Các con không dạy thế nào là trung thực. Các con không dạy thế nào là chịu trách nhiệm. Các con không dạy thế nào là ý thức về cảm xúc của người khác, và tôn trọng con đường của người khác là như thế nào.

Con bảo rằng cha mẹ phải là người dạy dỗ các điều ấy. Nhưng cha mẹ chỉ có thể truyền đạt những gì đã được truyền đạt lại cho họ. Và tội của cha đã được truyền đến con. Thế là các con đang dạy ở nhà mình cùng một thứ mà cha mẹ các con dạy các con ở nhà họ.

Vậy thì sao? Có gì sai nào?

Như Ta đã lặp đi lặp lại ở đây, hãy nhìn vào thế giới gần đây đi.

Ngài cứ mang chúng con lại chỗ đó. Ngài cứ mang chúng con lại chỗ đó. Nhưng tất cả chuyện đó không phải lỗi của chúng con. Chúng con không thể bị khiển trách vì hiện trạng phần còn lại của thế giới được.

Đây không phải là vấn đề trách móc, mà là vấn đề chọn lựa. Và nếu con không chịu trách nhiệm cho các chọn lựa mà nhân loại đã chọn, và tiếp tục chọn, thì ai chịu đây?

Ồ, chúng con không thể gồng mình chịu trách nhiệm về tất cả chuyện đó được!

Ta bảo con điều này: Trừ phi các con muốn chịu trách nhiệm về tất cả chuyện đó, các con không thể thay đổi chút nào chuyện đó được.

Các con không thể cứ nói họ đã làm chuyện đó, và họ đang làm chuyện đó, và chỉ nếu họ muốn sửa sai! Hãy nhớ dòng chữ kỳ diệu từ nhân vật hoạt họa của Walt Kelly, Pogo, và đừng bao giờ quên nhé:

“Chúng con đã gặp kẻ thù, và họ là chúng con”.

Chúng con đang lặp lại cùng những sai lầm cả hàng trăm năm, phải không…

Hàng ngàn năm, con ạ. Các con đang lặp lại những sai lầm hàng ngàn năm rồi. Nhân loại đã không tiến hóa nhiều trong những bản năng cơ bản nhất so với thời kỳ hang động đâu. Nhưng mọi nỗ lực thay đổi đều gặp phải sự khinh bỉ. Mọi thách thức nhìn vào các giá trị của con, thậm chí có thể phải tái cấu trúc chúng, đều được đón nhận với sự sợ hãi, rồi giận dữ. Bây giờ thì đến một ý tưởng đến từ Ta là thực sự dạy các khái niệm cao cấp trong trường học. Ồ, con trai, bây giờ chúng ta thực đang dọ bước trên băng mỏng.

Dù sao thì trong các xã hội tiến hóa cao, đó chính là điều đã được thực hiện.

Nhưng vấn đề là, không phải mọi người ai cũng đồng ý về những khái niệm này, về ý nghĩa thực của chúng. Đó là lý do tại sao chúng con không thể dạy chúng trong trường học. Các bậc phụ huynh thờ ơ khi anh tìm cách đưa những điều ấy vào chương trình giảng dạy. Họ nói anh đang dạy “các giá trị,” và trường học không có chỗ cho việc dạy như vậy.

Họ sai rồi! Một lần nữa, dựa trên điều con nói như một chủng tộc loài người, con đang tìm cách làm là xây dựng một thế giới tốt hơn, họ sai rồi. Trường học chính là nơi để dạy như thế. Chính là vì trường học được tách khỏi các thành kiến của cha mẹ. Chính là vì trường học được tách rời khỏi các ý niệm có trước của cha mẹ. Các con đã thấy hậu quả để lại trên hành tinh các con từ việc truyền lại các giá trị từ cha mẹ xuống con cái rồi. Hành tinh các con là một mớ hỗn độn.

Các con không hiểu được các khái niệm cơ bản nhất về các xã hội văn minh.

Các con không biết làm sao để giải quyết mâu thuẫn mà không dùng bạo lực.

Các con không biết làm thế nào để sống mà không sợ hãi.

Các con không biết làm sao để hành động không vì tư lợi. Các con không biết làm sao để yêu thương vô điều kiện.

Đấy là những hiểu biết cơ bản - rất cơ bản, và các con thậm chí còn chưa bắt đầu để có được hiểu biết trọn vẹn về chúng, còn áp dụng chúng thì càng ít hơn nữa… sau hàng ngàn hàng ngàn năm rồi.

Có cách nào thoát ra khỏi cái hỗn loạn này không?

Có! Chính là nơi trường học. Chính trong trường học của con cái các con! Niềm hy vọng của các con là ở thế hệ sau, và sau nữa! Nhưng các con phải thôi đừng nhấn chìm chúng trong những lối đi của quá khứ nữa. Những con đường ấy đã không có tác dụng. Chúng đã không đưa các con đến nơi các con nói mình muốn đi. Nhưng nếu các con không cẩn thận, các con sẽ đi đến đúng nơi mà các con đã hướng tới. Vậy nên, dừng lại đi! Hãy quay đầu lại! Hãy ngồi lại với nhau và hồi tâm suy nghĩ. Hãy tạo ra một phiên bản vĩ đại nhất về nhãn quan vĩ đại nhất con từng có được về chính các con như một chủng tộc nhân loại. Thế rồi, hãy lấy những giá trị và khái niệm nền tảng cho nhãn quan ấy và dạy cho chúng trong trường học.

  • Tại sao lại không có những môn học như…
  • Tìm hiểu về quyền lực
  • Giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình
  • Những yếu tố của những mối quan hệ yêu thương
  • Cá nhân và Sáng tạo Bản ngã
  • Thân xác, Trí óc và Tinh thần: Vai trò của chúng
  • Dấn thân sáng tạo
  • Yêu mến bản thân, Yêu mến người khác
  • Bày tỏ tính dục trong niềm vui
  • Công bằng
  • Khoan dung
  • Đa dạng và Tương đồng
  • Đạo đức kinh tế
  • Lương tâm sáng tạo và Sức mạnh của Trí óc
  • Ý thức và Tỉnh thức
  • Trung thực và Trách Nhiệm
  • Minh bạch và Trong sáng
  • Khoa học và Linh đạo

Phần lớn điều này hiện đang được dạy rồi. Chúng con gọi nó là Khoa học Xã hội.

Ta không nói về một khóa học kéo dài 2 ngày trong cả một học kỳ. Ta đang nói về những môn học riêng rẽ về mỗi chủ đề này. Ta đang nói về một cuộc hiệu chỉnh toàn bộ chương trình giảng dạy nơi trường học của các con. Ta đang nói về một chương trình giảng dạy dựa trên các giá trị. Các con hiện đang dạy một chương trình phần lớn dựa trên sự kiện.

Ta đang nói về việc tập trung sự chú ý của con cái các con thật nhiều vào hiểu được các giá trị cốt lõi và các cấu trúc lý thuyết mà hệ thống giá trị của chúng có thể được xây dựng quanh đó, cũng như hệ thống của các con hiện đang dựa trên ngày tháng, sự kiện và các con số thống kê.

Trong các xã hội đã tiến hóa cao trong thiên hà các con và trong vũ trụ của các con (những xã hội ấy Ta sẽ nói tới cụ thể hơn trong Cuốn 3), các khái niệm để sống được dạy cho con cái ngay từ rất sớm. Cái mà các con gọi là “sự kiện,” được những xã hội ấy coi là kém quan trọng, được dạy muộn hơn.

Trên hành tinh các con, các con đã tạo ra một xã hội trong đó chú bé Johnnie đã học biết đọc trước khi ra khỏi nhà trẻ, nhưng vẫn chưa học làm thế nào để thôi không cắn anh nó nữa. Và Susie làm toán nhân rất đúng, sử dụng các thẻ bài và nhớ như vẹt, ở những lớp rất sớm, nhưng không được học rằng không có gì đáng xấu hổ hay bối rối về thân thể nó cả.

Ngay bây giờ, các trường học của các con chủ yếu tồn tại để cho câu trả lời. Sẽ lợi ích hơn nhiều nếu chức năng chủ yếu của trường học là hỏi các câu hỏi. Thế nào là trung thực, là có trách nhiệm, hoặc “chơi đẹp”? Đâu là hàm ý trong đó? Cũng vậy, 2+2=4 có nghĩa gì? Điều đó ngụ ý gì? Các xã hội tiến hóa cao cấp khuyến khích mọi học sinh khám phá và tạo ra những câu trả lời ấy cho chính mình.

Nhưng… nhưng, điều đó sẽ dẫn tới hỗn loạn!

Ngược hẳn với tình trạng không hỗn loạn mà con đang sống đời sống của con…

Okay, okay… vậy nó sẽ đưa tới hỗn loạn hơn.

Ta không đề nghị trường học các con đừng bao giờ chia sẻ với các con cái các con bất cứ điều gì các con đã học hoặc đã quyết định về những điều ấy. Hoàn toàn ngược lại. Trường học phục vụ các học sinh khi nó chia sẻ với những người trẻ những gì người già đã học và khám phá được, quyết định và chọn trong quá khứ. Học sinh khi đó có thể quan sát xem tất cả những điều ấy đã hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, trong trường học chỗ các con, các con trình bày các dữ liệu ấy cho học sinh như là Cái Đúng Rồi, trong khi dữ liệu nên được trình bày đơn giản chỉ là thế thôi: dữ liệu.

Dữ Liệu Quá Khứ không nên là cơ sở cho Sự Thật Hiện Tại. Dữ liệu từ một thời gian hay kinh nghiệm trước đây nên luôn và chỉ là cơ sở cho những câu hỏi mới. Kho tàng luôn nên nằm trong câu hỏi, không nên nằm trong câu trả lời. Và các câu hỏi nên luôn luôn như nhau. Với dữ liệu quá khứ mà chúng tôi vừa trình bày cho các em, các em đồng ý hay không? Các em nghĩ sao? Luôn luôn đây là câu hỏi chốt. Luôn luôn đây là điểm trọng tâm. Các em nghĩ gì? Các em nghĩ gì? Các em nghĩ gì?

Rõ ràng trẻ em sẽ mang vào câu hỏi này các giá trị của cha mẹ chúng. Các phụ huynh sẽ tiếp tục có một vai trò quan trọng - rõ ràng là vai trò chủ yếu

  • trong việc tạo ra hệ thống giá trị của đứa trẻ. Ý định và mục tiêu của nhà trường từ lớp vỡ lòng cho tới kết thúc chương trình chính thức phải là cổ vũ con cái khai phá những giá trị ấy, và học sử dụng chúng như thế nào, áp dụng chúng, làm cho chúng hoạt động - và thậm chí đặt câu hỏi về chúng. Vì các bậc cha mẹ không muốn con cái đặt câu hỏi về các giá trị của họ không phải là những phụ huynh yêu thương con cái mình, nhưng là yêu chính họ thông qua con cái họ.

Con ước - ồ, con ước ao biết chừng nào - rằng có những trường học như trường mà ngài mô tả!

Có một số trường đang tìm cách áp dụng mô hình này đấy.

Có à?

Có. Hãy đọc những bài viết của một người tên là Rudolp Steiner. Hãy nghiên cứu các phương pháp của Trường Waldorf, nơi ông ta đã phát triển.

Ô, dĩ nhiên con biết về các trường này. Có phải là một trường về thương mại?

Đây là một nhận xét.

Vì ngài biết mà, con rất quen với Wardorf Schools.

Dĩ nhiên là Ta biết. Mọi thứ trong đời con đã phục vụ con, mang con tới phút giây này. Ta không chỉ bắt đầu nói chuyện với con từ bắt đầu cuốn sách này. Ta đã nói với con bao nhiêu năm rồi, qua tất cả mọi gặp gỡ và kinh nghiệm của con.

Ngài nói rằng Waldorf School là trường tốt nhất phải không?

Không. Ta chỉ nói đó là một mô hình hữu hiệu, xét theo nơi mà xét như chủng tộc nhân loại, các con nói muốn đi tới; xét điều con tuyên bố muốn làm; xét điều con nói muốn là. Ta nói đó là một thí dụ - một trong nhiều nơi Ta có thể kể đến, dù trên hành tinh của con và trong xã hội của con chúng là hiếm hoi về chuyện làm thế nào giáo dục có thể được hoàn thành theo cách tập trung vào “khôn ngoan” hơn là chỉ “tri thức.”

Vâng, đó là một mô hình mà con rất đồng ý. Có nhiều sự khác nhau giữa một trường Waldorf và các trường khác. Để con lấy một thí dụ. Đơn giản thôi, nhưng sẽ giúp minh họa tốt lắm.

Trong Waldorf School, giáo viên đi với các em suốt mọi trình độ từ vỡ lòng và tiểu học. Trong suốt những năm đó, các em học với cùng một giáo viên, thay vì chuyển người này sang người khác. Các bạn có thể tưởng tượng được sự gắn bó hình thành ở đây chứ? Các bạn có thể thấy được giá trị của nó không?

Giáo viên sẽ biết đứa trẻ như thể nó là con mình. Đứa trẻ tiến tới một mức độ tin tưởng và yêu mến giáo viên, điều đó mở ra những cánh cửa mà nhiều trường học theo kiểu truyền thống không bao giờ dám mơ tới. Vào cuối những năm ấy, giáo viên sẽ quay trở lại lớp đầu tiên, lại bắt đầu với một nhóm học sinh khác và đi với chúng qua suốt những năm của chương trình. Một giáo viên làm việc trọn thời gian cho Waldorf có thể chỉ làm việc với bốn hoặc năm nhóm trẻ trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Nhưng họ có một ý nghĩa lớn đối với các trẻ em, vượt quá những gì có thể mang lại trong bối cảnh trường học truyền thống.

Mô hình giáo dục này nhìn nhận và tuyên bố rằng mối quan hệ giữa loài người, sự gắn bó và tình thương yêu được chia sẻ trong một chương trình giảng dạy như thế cũng là điều quan trọng như bất kỳ dữ liệu nào giáo viên có thể truyền đạt cho các em. Trường học như thế giống như là lên lớp tại nhà, ngoài sân nhà rồi.

Đúng, đó là một mô hình tốt.

Còn có những mô hình nào tốt nữa không?

Còn chứ. Các con đang có một số tiến bộ trên hành tinh của mình về mặt giáo dục, nhưng còn rất chậm. Thậm chí nỗ lực nhằm đặt vào trường học một chương trình giảng dạy định hướng theo mục tiêu, tập trung vào phát triển kỹ năng cũng gặp phải sức cản khổng lồ. Người ta nhìn thấy nó đầy đe dọa và không hiệu quả. Họ muốn các trẻ em học các dữ kiện. Tuy vậy, vẫn có một số đột phá. Nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm. Và đó chỉ là một lĩnh vực trong kinh nghiệm con người có thể sử dụng một cuộc đại tu nào đó, xét theo điều con nói như những con người rằng con đang tìm cách trở thành.

Vâng, Con hình dung vũ đài chính trị cũng có thể sử dụng những thay đổi nào đó.

Chắc chắn rồi.

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=OV07DFRs2hc

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh