Sống Để Trao Tặng: Bài Học Về Bạo Lực Và Sự Tức Giận

SỐNG ĐỂ TRAO TẶNG: BÀI HỌC VỀ BẠO LỰC VÀ SỰ TỨC GIẬN

Kết nối trải nghiệm quá khứ và bài học cuộc đời hiện tại Khi hồi tưởng một ký ức đau khổ vì bạo lực, con người thường tìm những hiện tượng tương đồng với quá khứ trong hiện tại. Nhi Lan đã thử tìm kiếm người chồng địa chủ trong số những người quen biết hiện nay.

Khi tiềm thức còn lưu giữ những ký ức hận thù hoặc sợ hãi liên quan đến ai đó, chúng ta có khả năng được gặp kẻ thù trong những lần đầu thai sau để cân bằng nghiệp. Trong mối quan hệ ở kiếp sau, hai người có thể giúp đỡ, thậm chí cứu nhau, vì hoàn cảnh sống mới khiến họ trở nên đồng cảm.

Kẻ thù và nạn nhân kiếp trước có thể tạo nên một cặp đôi không hoàn hảo kiếp sau. Trong cuộc tái ngộ lần đầu ở kiếp sau, người quen cũ thu hút ta bởi một cảm giác thân thuộc, rồi ta yêu người đó say đắm. Mối quan hệ này pha trộn giữa sự cuốn hút và nỗi sợ hãi bí ẩn. Một số trường hợp tình yêu từ cái nhìn đầu tiên của kiếp sau đã hóa giải nghiệp quả kiếp trước. Nhưng rất phổ biến, mối quan hệ này rơi vào dạng “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, bởi vì nền tảng của nó là những phản ứng ẩn sâu trong tiềm thức gắn liền với nỗi sợ hãi và căm ghét của nạn nhân hoặc gắn với sự dằn vặt và xu hướng bạo lực của thủ phạm.

Đối tượng của quá khứ quay lại trong hiện tại vì bài học liên quan đến trải nghiệm bạo lực của cả hai chưa hoàn thành. Vết thương được hàn gắn khi bản chất mối quan hệ giữa hai người chuyển từ xung khắc sang yêu thương. Nếu như chưa được thay thế bởi tình yêu, những tiềm thức sợ hãi, hận thù, tấn công và đau đớn cũng cần phải được điều chỉnh để giảm bớt mức độ tiêu cực.

Cũng như vậy, một sự việc ở tiền kiếp có thể quay trở lại trong hiện kiếp theo một cách nào đó. Những dị tật bẩm sinh trên cơ thể và một số bệnh tật có thể liên quan đến những tai nạn chí tử trong một lần đầu thai trước. Vết chàm thường liên quan đến vết bỏng của tiền kiếp. Những cơn đau rát không nguyên nhân có thể liên quan vết đâm tử thương trong một cuộc sống nào đó. Bệnh dị ứng có thể thường liên quan đến sự bạo ngược với khác biệt của người khác trong các cuộc đời trước.

Những mối liên kết xuyên kiếp qua đối tượng và hiện tượng như thế không xảy ra với Nhi Lan. Dường như chẳng có gì kết nối quá khứ tại Trung Quốc và cuộc đời hiện nay của chị. Cho nên chị không kết nối được bối cảnh tiền kiếp và bài học hiện tại đang đặt ra.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Về đối tượng, Nhi Lan đã không nhận ra được người chồng gia trưởng trong quá khứ của mình trong số các người quen. Có thể, chị không gặp lại người ấy trong cuộc đời này vì hai người đã tự cân bằng được nghiệp lực tạo ra với nhau ngay trong kiếp sống đó. Về hiện tượng, Nhi Lan không mang vết thương hay căn bệnh liên quan đến khổ nạn của kiếp sống tại Trung Quốc đó.

Sự liên hệ tinh tế song phổ biến nhất giữa hiện kiếp và tiền kiếp là tính cách, bởi vì thường tồn tại mô thức phản ứng của thân và tâm được tạo ra trong quá khứ và lặp đi lặp lại trong hiện tại. Đó là trường hợp của Nhi Lan. Khi tiềm thức còn chất chứa nỗi đau và một chương trình phản ứng với bạo lực bằng bạo lực, tức giận sẽ bùng lên mỗi khi gặp sự việc không như ý.

Bệnh nhân mổ tim theo phương pháp mở lồng ngực thường chịu những vết sẹo rất nặng nề. Vết sẹo khiến họ thấy con tim mình vẫn còn đau đớn. Khi sẹo mờ đi, nhịp đập trái tim họ dường như cũng nhẹ nhàng trở lại. Tôi là một bệnh nhân tim, tôi đã từng suýt chết trong thời gian hậu phẫu.

Sau ca mổ, tôi đã sửa cổ áo của rất nhiều chiếc áo yêu thích của mình, để có thể che vết sẹo. Sau vài tháng, tôi lại thích mặc những chiếc áo chưa bị sửa cổ hơn, dù đôi khi vẫn tự hỏi những ánh mắt ái ngại trước vết sẹo của tôi thực sự muốn nói điều gì. Nhưng khôi phục những chiếc áo yêu thích thì đã muộn. Sau khoảng hai năm thì tôi mặc kệ những chiếc cổ áo và cả những ánh mắt. Tôi quên rằng mình đã từng mổ tim. Một lần trông thấy vết mổ của tôi, Nhi Lan kêu lên là vì sao tôi không là sẹo. Tôi trả lời rằng tôi đã chấp nhận vết sẹo ấy lâu rồi.

Sau đó trong một chuyến đi chơi, khi gắng sức đạp xe lên đỉnh núi, tôi thấy tất cả cảnh vật bỗng nhòa đi. Trong giây phút yên lặng lê thê đó, nhịp tim tôi dường như ngừng lại. Rồi tôi cũng lết được về đến nhà. Nằm bất động trên giường, tôi lặng lẽ chờ đợi một cái chết từ từ như tôi đã chờ đợi nó lần đầu tiên trong phòng hậu phẫu. Sau vài ngày, mệt mỏi tan biến dần và tôi lại quên rằng mình từng bị bệnh tim.

Vết sẹo thường xuyên đập vào mắt tôi, nhưng chấp nhận nó chỉ là biểu hiện bề ngoài của việc vượt qua vụ phẫu thuật. Tôi chưa bao giờ thực sự tin tưởng vào sự vận động bình thường bên trong quả tim mình. Khi trái tim lại một lần nữa dường như ngừng đập, tôi đã sống lại cảm giác mất máu sau ca mổ. Về nhận thức, tôi không sợ vết sẹo. Về tiềm thức của tôi vẫn bị ám ảnh bởi lần chết hụt trong phòng hậu phẫu. Cho nên, tôi chưa hoàn toàn vượt qua bệnh tật.

Đó cũng là những gì đang xảy ra với Nhi Lan. Chị đã trải nghiệm lại những khung cảnh quá khứ khốc liệt ở Trung Quốc. Chị cho rằng mình đã rũ sạch quá khứ khi chẳng oán trách ai. Sự thực, tâm chị chưa vượt qua được trải nghiệm này. Nó vẫn còn sợ hãi. Hiện nay, chị dễ rơi vào tình trạng căng thẳng và luôn cho rằng mình là nạn nhân của sự đàn áp trong mối quan hệ gia đình. Chị chưa hiểu được rằng chương trình phản ứng tiêu cực của tâm thức được tạo ra sau những trải nghiệm bạo lực của kiếp sống này vẫn đang vận hành bên trong chị.

Trải nghiệm bạo lực trong quá khứ để lại vết thương trong hiện tại

Kiếp sống tại Trung Quốc của Nhi Lan thật khốc liệt. Máu trả bằng máu, không phải vì sự công bằng. Bà vợ là nạn nhận của ông chồng bạo lực. Bà phản ứng với bạo lực bằng bạo lực. Chịu sự phán xét của một xã hội bạo lực, bà kết thúc cuộc đời trong bạo lực.

Bạo lực nối tiếp bạo lực. Bạo lực sinh ra hận thù. Rồi hận thù lại sinh ra bạo lực. Bà chủ đã không dùng quyền hành tuyệt đối để cai quản gia sản như ông chồng. Nhưng cuối đời, sự bao dung và địa vị không bảo vệ được bà. Trong những người trói bà đưa lên đoạn đầu đài có những gia nô thuộc quyền cai quản của bà, mà đáng lẽ ra họ phải biết ơn và yêu quý bà chủ dễ tính hơn ông chủ gia trưởng cũ.

Tất cả những ai đã từng đầu thai trên Trái đất đều đã trải qua những kinh nghiệm tàn khốc, dù họ đóng vai dân đen hay kẻ cai trị trong những kiếp sống nối tiếp nhau. Đã có không biết bao nhiêu cuộc xung đột tàn khốc giữa những con người trong mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, sắc tộc, dân tộc và tôn giáo. Đã có đủ loại vũ khí chiến tranh, dụng cụ tra tấn, phương thức tấn công được sử dụng.

Lịch sử nhân loại thấm đẫm máu và nước mắt. Hôm nay, nhân loại đã có bước tiến dài so với thời man rợ ngày xưa. Nhưng vẫn đang có rất nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ đang diễn ra trên toàn cầu. Hàng ngày có một số lượng khổng lồ các sự kiện bạo lực xảy ra giữa người và người, được công bố trên truyền hình, phát thanh, báo chí hoặc âm thầm xảy ra.

Hầu như tất cả những người đã từng có cơ hội khám phá quá khứ của mình, qua giấc mơ, qua thiền định, qua chữa trị hàn gắn, qua thôi miên… đều nhớ lại những cảnh bảo lực như chết chóc hoặc thương tật chiến tranh, đàn áp chính trị và tôn giáo, hận thù cá nhân. Những cảnh đời đẫm máu như của Nhi Lan xuất hiện tràn ngập trong các chuyến đi về tiền kiếp, đặc biệt là với các bệnh nhân thực hiện liệu pháp hàn gắn năng lượng theo dòng thời gian.

Mỗi con người đều mang trên thân thể, mà chúng ta tưởng là mới được tạo ra trong bụng mẹ, mà chúng ta tưởng là chỉ có cơ và xương, những vết thương tinh thần từ tiền kiếp. Bạo lực quá khứ luôn để lại vết thương trong hiện tại.

Vết thương bạo lực trong quá khứ có thể biểu hiện ở hiện tại thành một nỗi đau thân thể. Người bị hen suyễn nặng có thể có quá khứ bị ngạt thở, người sợ độ cao có thể có tai nạn thảm khốc trong tiền kiếp do bị ngã, người sợ bóng tối mơ thấy cảnh mình bị giam giữ… Một số người có cảm giác khó chịu ngay từ cái nhìn đầu tiên về một con người hoặc một nơi chốn không lý giải được, vì cùng với con người đó hoặc ở nơi chốn đó, họ đã có một trải nghiệm đớn đau.

Một vết thương rất sâu có thể ẩn tàng hoặc phát ra dữ dội từ năm này sang năm khác, từ đời này qua đời khác, mà không thể chữa trị được bằng kỹ thuật hiện đại. Nhiều máy móc y tế cực kỳ tối tân chỉ tác động được lên thân xác, mà không đi đến những chiều sâu thẳm của tâm. Vết thương này sẽ tái phát, khi những sự vật, sự việc và con người tương đồng với quá khứ xuất hiện.

Các dạng trải nghiệm bạo lực

Theo quan niệm phổ biến của người Việt, việc ai đó bị đau khổ về thể xác hay tinh thần là do họ đang gánh nghiệp hay trả nghiệp do những suy nghĩ, tình cảm và hành động bất thiện của chính mình trong quá khứ. Một số người thậm chí còn nghĩ đơn giản rằng nhân nào thì quả nấy, ví dụ như nếu tôi làm ai gãy chân thì kiếp sau tôi sẽ phải trả nghiệp lại bằng cách để cho người đó làm gãy chân tôi. Nạn nhân được trưởng thành gì về tinh thần nhờ việc sử dụng bạo lực để đối chọi với bạo lực. Nhân quả bị hạ thấp thành luật báo thù luẩn quẩn xuyên từ kiếp này sang kiếp khác, không giúp ích gì cho quá trình tiến hóa của tất cả những người liên quan đến trải nghiệm bạo lực.

Một người có thể mang vết thương rất nặng liên quan đến trải nghiệm bạo lực từ tiền kiếp trong cả ba tình huống: tự mình gây ra bạo lực, là nạn nhân của bạo lực, chứng kiến hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp bởi bạo lực.

Trong dạng thứ nhất là gây ra bạo lực với người khác, con người có thể là thủ phạm trực tiếp thực hiện hành động bạo lực, là người chủ mưu, là người ra lệnh hoặc là người tạo điều kiện. Ý đồ dùng bạo lực để gây hại cho người khác và năng lượng bạo lực trong bản chất hành động là quan trọng hơn hết. Cho nên, người vì yêu thương gia đình mà buộc phải giết hại súc vật thường xuyên như một phương kế sinh nhai sẽ không chịu nghiệp lực nặng nề như người ham mê ăn thịt, tưởng là hiểu quy luật nghiệp quả nên nhờ người khác giết hại con vật, mua con vật đã được giết mổ hay sử dụng đồ nấu sẵn. Ngược lại, một người có thể thực hiện một hành động phản vệ, nhưng hậu quả hành động đó lớn hơn rất nhiều so với chủ ý của họ và cũng lớn hơn rất nhiều so với kết quả của hành động tấn công mà họ phải chịu ví dụ như ngộ sát do tự vệ, và như thế họ lại trở thành thủ phạm.

Với dạng thứ hai, khi là nạn nhân của bạo lực do người khác gây ra, con người có thể quá sợ hãi đến mức tìm cách tránh mọi kích thích có liên quan đến trải nghiệm quá khứ như con người, nơi chốn, vũ khí được sử dụng… hoặc bị kích động khi gặp các kích thích này.

Ở trường hợp thứ ba, khi chứng kiến một cảnh đau thương như là Đức Chúa Jesus bị hành hình, một người có thể cực kỳ đau khổ và ký ức đó hằn sâu trong tâm, chỉ chờ điều kiện nào đó bộc lộ ra thành những đau khổ mới. Người này có tâm lý nạn nhân. Sang chấn tâm lý gây ra một phản ứng có điều kiện trong tiềm thức. Khi gặp lại người bị tai nạn, cảnh tai nạn tương tự, trở lại nơi chốn xảy ra tai nạn... con người có thể rất sợ hãi mà không hiểu rằng tiềm thức đang kích hoạt lại chương trình phản ứng có điều kiện được tạo ra cùng với trải nghiệm khốc liệt lần đầu, dù cái lần đầu đó có thể đã cách đây hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm.

Ngược lại, một người có thể tự cho rằng đau đớn của người khác như tai nạn thảm khốc là do mình gây. Người này có tâm lý thủ phạm. Quá buồn khổ hoặc sợ hãi, họ mất hết sáng suốt. Thậm chí, người coi mình là thủ phạm có thể phải chịu đựng một nỗi đau tương tự hoặc một căn bệnh trên cùng phần thân thể với nạn nhân vì họ vẫn đang tự dằn vặt bản thân mình ở tầm mức sâu thẳm của tiềm thức. Nghĩa là con người có thể bị chịu một quả rất tiêu cực do nhân vô minh chứ không phải do hành động ác trong quá khứ. Đây là trường hợp xảy ra với chính Nhi Lan, mà chỉ được phát hiện ra sau chuyến du hành tâm thức thứ hai của chị.

Trải nghiệm bạo lực gián tiếp

Nhiều người trong số chúng ta hàng ngày thích thú tiếp nhận những tin tức về tai nạn, cướp giật và chiến tranh. Người may mắn đứng ngoài cuộc thường tỏ ra thương hại các nạn nhân. Người có một chút hiểu biết nông cạn về nghiệp quả thì cho rằng mọi trải nghiệm bạo lực là do quả báo. Thực ra, không ai là người ngoài cuộc và không ai không cần cân bằng nghiệp quả liên quan đến bạo lực.

Những con người tràn ngập trong sự thanh bình nội tâm sẽ không có thói quen đọc, nghe và bình phẩm tin tức về bạo lực. Dù không tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các trải nghiệm bạo lực, họ hoàn toàn không phải là người ngoài cuộc thờ ơ. Họ có thể là những bác sỹ hàng ngày đối diện với bệnh tật của người bệnh. Họ có thể là những nhà lãnh đạo kiến tạo nên hòa bình. Họ có thể là giáo viên dạy về giá trị sống và thiền định.

Một con người còn bị kích thích bởi tin tức bạo lực mang theo, trong sâu thẳm ký ức của mình, những vết thương do bạo lực gây ra. Họ phát ra năng lượng nặng nề của lòng thù hận và sự sợ hãi thẳm sâu. Năng lượng đó một cách vô hình đưa họ vào trong các trải nghiệm bạo lực.

Trải nghiệm trực tiếp là tạo ra, phản ứng hay cam chịu bạo hành. Trải nghiệm gián tiếp là rung động với tin tức bạo lực. Cả hai loại trải nghiệm đó đều chứng tỏ họ đang là nạn nhân của bạo hành, không phải trong hiện tại thì cũng là trong quá khứ.

Theo dõi trải nghiệm bạo lực của người khác không giúp ích cho người theo dõi. Nó không tạo ra sự thấu hiểu về bản thân và về bạo lực. Nó chỉ duy trì hoạt động của ký ức đau đớn và chương trình tâm thức gắn liền với các ký ức đó. Theo dõi tin tức bạo lực và bình phẩm về bạo lực chỉ là biểu hiện của sự ám ảnh về bạo lực trong tiềm thức. Những con người này vẫn cần học bài học về sự vô nghĩa của bạo lực, cũng như sự vô nghĩa của những thông tin họ theo dõi.

Hãy để ý xem chúng ta có thích đọc các tin tức đâm chém trên báo, lo lắng trước các cảnh chiến sự trên truyền hình, chơi các trò đối kháng mạnh bạo lực... Hãy để ý xem chúng ta có phản ứng tức giận với thái độ, lời nói, việc làm của người khác.

Thói quen theo dõi tin tức bạo lực thể hiện rằng những viết thương trong tâm vẫn tiếp tục con người bất an. Hãy dừng lại để quan sát chính mình, để hiểu chính mình, để hàn gắn và để yêu thương bản thân.

Con người có thể bình an trong thế giới dường như luôn bất an. Con người cần bình an vì một thế giới bình an.

Tâm bệnh nóng giận

Phản ứng sự nóng giận là một mô thức vận hành thân và tâm mất cân bằng của Nhi Lan. Việc trải nghiệm lại tai nạn trong tiền kiếp ở Trung Quốc là một cơ hội để chị nhận ra sự tồn tại, nguồn gốc và hậu quả của căn bệnh tức giận của mình.

Chấn động quá khứ tạo thành những chương trình hành động, những phản ứng tình cảm và điều kiện tư duy mất cân bằng, ghi nhận âm thầm trong tiềm thức. Trải nghiệm khốc liệt trong kiếp sống ở Trung Quốc đã hằn sâu vào tâm trí Nhi Lan, cải biến các mô thức phản ứng đang có sẵn. Những chương trình tư duy, tình cảm và thể chất sinh ra từ một trải nghiệm bạo lực cũng đang vận hành hoặc ở chế độ chờ kích hoạt trong tiềm thức nhiều người.

Một khi chương trình phản ứng tức giận với bạo lực đã tạo ra rồi thì nó rất dễ bị kích hoạt và hoạt động bừa bãi, do các khái niệm trong bản đồ tâm trí và các chương trình tâm trí là những ma trận chằng chịt liên đới lẫn nhau. Với Nhi Lan, ma trận của chương trình tức giận có thể kết hợp giữa các khái niệm như chồng, nghĩa vụ gia đình, cãi vã, nguy hiểm, bạo lực, tự vệ, Trung Quốc… và sau đó là đến bất kỳ điều gì không như ý trong gia đình.

Tâm rất dễ tạo thói quen, rồi trở nên bất an và nặng trĩu chính bởi thói quen ấy. Tâm dần dần phản ứng với tức giận với các chi tiết không như ý đời thường. Nhi Lan hay tung ra các nhận xét thẳng thừng cho cha mẹ và lớn tiếng ca thán các em, ngay cả khi đó chỉ là một chi tiết vụn vặt. Chị cho rằng mình có lý do để nóng giận, như một món rán quá lửa của mẹ, tiếng đài bật quá to của bố, bàn học bừa bãi của các em,…

Chương trình phản kháng với bạo lực bằng bạo lực ban đầu nay đã trở thành phản ứng tức giận khi gặp sự việc không như ý. Tính nóng giận của Nhi Lan như những con sóng bạc đầu nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác, tựa như một khúc giao hưởng triền miên. Cùng với thời gian, sự bực bội trở nên thường xuyên đến mức mà chị không nhận thức được là mình đang không hài lòng vì một lý do cụ thể nào đó.

Nếu như một chương trình phản ứng của tâm thức được tạo ra lần đầu bởi một sự kiện bạo lực khốc liệt thì khi chương trình ấy đã trở thành một thói quen, bất kỳ sự việc gì không như ý nào cũng có thể kích hoạt nó. Phản ứng của thân và tâm càng này càng nặng trước kích thích càng ngày càng nhẹ, như cơ chế nghiện, mức độ sử dụng chất gây nghiện càng ngày càng tăng lên với thời gian nghiện ngập càng ngày càng dài. Khi đó, con người sẽ chìm trong ham mê, chán ghét và sợ hãi. Tâm họ chao đảo mãnh liệt với mọi kích thích nhỏ bé xung quanh. Cuộc đời họ sẽ cực kỳ đau khổ, vì đau bệnh xuất hiện khắp nơi.

Một chương trình được tiếp năng lượng sẽ trở thành mô chức vận hành căn bản của tâm. Đến lúc các mô thức phản ứng tiêu cực vận hành thường xuyên như những chương trình điều hành của hệ hô hấp hay hệ tiêu hóa, cuộc sống sẽ trở nên rất bất ổn. Con người mắc phải tâm bệnh.

Điều kiện căn bản của chương trình phản ứng tiêu cực là sự phán xét, điều kiện tiếp theo của nó là dục cảm cơ bản như yêu, ghét và lo sợ, điều kiện kế nữa là cảm xúc như tức giận, buồn bã, run rẩy… Bộ điều chỉnh năng lượng và báo động của chương trình là các nỗi đau của tình cảm và thân xác, dẫn đến hành động phản ứng để giải tỏa nỗi đau... Rồi phản ứng lại tạo ra phán xét, phán xét lại tạo ra dục cảm, dục cảm lại tạo ra cảm xúc, cảm xúc lại tạo ra nỗi đau.

Để dừng chương trình thì cần kiểm soát được cách vận hành của nó, nghĩa là cần cắt bỏ hoặc điều chỉnh các điều kiện như phán xét, kiềm chế các dục cảm và cảm xúc.

Khi con người phản ứng với bạo lực dù dưới bất kỳ hình thức nào như ham mê, chán ghét hay sợ hãi; như phủ nhận, sửa chữa hay chống trả thì chương trình tâm thức đã tồn tại sẽ hoạt động mạnh hơn. Mỗi khi chúng ta khó chịu vì việc nhỏ bé như với vết muỗi đốt, với bầu trời xám xịt hay nổi giận một cách “hợp lý hợp tình” như với một hành động bất nhân, chúng ta kích hoạt và làm mạnh thêm chương trình phản ứng tiêu cực của tâm trí mình. Và cứ như thế chúng ta tạo ra một chuỗi các tình cảm đau khổ và bệnh tật trên thân xác. Chúng ta tiếp thêm năng lượng tiêu cực vào bầu không khí đã sẵn có nhiều tức giận của nhân gian. Khi nội tâm bình an, chúng ta hạnh phúc, cũng như có đủ sáng suốt để giảm bớt bạo lực hoặc tối thiểu không cung cấp năng lượng cho sự lan tràn của nó.

Bài học và lớp học về sự kiềm chế nóng giận

Một chương trình phản ứng có kiều kiện mất cân bằng sớm hay muộn sẽ được tâm hồn xác định như một bài học cuộc đời cụ thể mà con người phải vượt qua.

Nhi Lan đã được thấy nỗi đau của chính mình và người thân vì thái độ thức giận, bắt nguồn và nổi bật qua trải nghiệm của cuộc đời tại Trung Quốc. Kiềm chế nóng giận là bài học trong kiếp sống này của chị.

Thói quen phản ứng nóng nảy rất nguy hiểm. Nó châm lửa đốt cháy thân tâm con người, gây xung đột trong các mối quan hệ và phá hủy các kế hoạch hành động chung. Nó biến cuộc đời thành những chuỗi phản ứng khổ đau.

Cuộc đời luôn sắp xếp để người có bài học cuộc đời là sửa chữa một tính cách nào đó rơi vào những hoàn cảnh khiến họ trước hết được bộc lộ hết tính cách đó, sau đó họ cần thừa nhận sự tồn tại của tính cách đó trong con người mình và hậu quả do tính cách đó gây ra để cuối cùng cố gắng khắc phục nó.

Trong gia đình Nhi Lan, bài học về tính cách được lặp lại ở cả cha mẹ và con cái. Các tình huống và các mối quan hệ căng thẳng là thách thức cuộc đời và là lớp học của chị.

Mối quan hệ với những người có chung vấn đề tạo ra một lớp học nghiệp quả. Người có bài học cuộc đời nóng giận không được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thanh bình hay sống giữa thiên nhiên, để hiểu được vẻ đẹp của sự bình yên mà trở nên an tĩnh trong tâm. Người có tính nóng giận cần những mối quan hệ lâu dài với những người có chung tính cách. Nhờ các mối quan hệ này, các chương trình ẩn của tâm trí, nói cách khác những mô thức phản ứng tiêu cực của thân và tâm được bộc lộ.

Cả gia đình Nhi Lan cũng có chung bài học về kiềm chế sự nóng nảy và cùng nhau họ tạo ra lớp học về kiềm chế tức giận. Chồng của Nhi Lan là người nóng giận. Cơn giận của anh như bão biển đột ngột xuất hiện từ một chốn vô hình, rồi để lại những hậu quả hiển nhiên. Con gái lớn của chị cũng rất dễ bực bội. Cảnh tượng khi không kiềm chế được của gia đình thường như thế này: chị quát lớn, tay vung lên; con chị hét lên một âm thanh cao vút không nội dung, hai tay ôm đầu và cúi gục xuống, anh thì phàn nàn, lao đầu vào đam mê cá nhân và cuối cùng bỏ đi.

Con người luôn có xu hướng bóp méo việc ghi nhận các sự kiện khác quan theo theo tình cảm và phản ứng với các sự kiện đó theo đánh giá cá nhân. Người tức giận luôn cho rằng họ tức giận vì người khác, nghĩa là lỗi thuộc về người khác. Họ chỉ phản ứng với cái lỗi đó. Họ cho rằng tính cách của mình là giải pháp thích nghi với hoàn cảnh. Họ tin rằng hoàn cảnh sống hình thành nên con người.

Các chương trình phản ứng tiêu cực của thân và tâm đang điều khiển suy nghĩ, tình cảm và hành động của nhiều con người. Người có chương trình tâm thức này không là nạn nhân mà chính là thủ phạm cho sự đau khổ của chính mình.

Cuộc đời cho ta vô vàn cơ hội để soi mình trong người khác, để thấu hiểu chính mình thay vì phán xét người khác. Với thời gian, một số người bắt đầu nhận ra rằng nhân cách là nguyên nhân thu hút hoàn cảnh sống, thậm chí nguyên nhân đã có từ trước khi con người sinh ra là chương trình phản ứng của tâm.

Đây là bước ghi nhận chân thực sự kiện xảy ra bên ngoài và nhận thức về sự tồn tại của chương trình phản ứng của tâm và thân nằm sâu trong tiềm thức. Sự thừa nhận về việc căn bệnh nóng giận là bước đi đầu tiên trên con đường vượt qua căn bệnh. Nói cách khác, con người bắt đầu có ý thức về bài học của mình.

Nhớ lại trải nghiệm để ghi nhận chương trình tâm thức tiêu cực

Điều đáng mừng là chương trình do con người tạo ra và vận hành thì con người cũng sửa được, vì chúng không thuộc về hệ điều hành sự sống còn của cơ thể như chương trình hô hấp, chương trình tiêu hóa,...

Tất cả vết thương cần được hàn gắn, nếu không nó sẽ âm thầm phá hỏng cuộc sống bình yên. Có thể xóa bỏ tận gốc một chương trình tâm thức tiêu cực thông qua việc ghi nhận khách quan về sự tồn tại của nó.

Ghi nhận sự thực về việc tồn tại của căn bệnh và thấu hiểu nguyên nhân của nó là bước đầu tiên của bất kỳ quá trình chữa trị hàn gắn nào. Mỗi con người cần đối diện với những trải nghiệm đau đớn của hiện tại và cả những ký ức ở rất sâu trong tiềm thức để những vết thương trong thân và tâm của mình được hàn gắn.

Những chuyến đi về quá khứ giúp phát hiện ra những vết thương rất sâu, khi chúng ghi dấu ấn vào tâm thức của con người lần đầu. Những khung cảnh đầu tiên xuất hiện thường là những sự kiện rất tàn khốc, đã xảy ra hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm về trước. Các sự kiện này cần được đối mặt lại một lần nữa với sự thấu hiểu của hiện tại.

Có câu chuyện về một người một ngày quyết định tổ chức tuần hành kêu gọi chống lại các quyết định của chính quyền đang gây ra ô nhiễm môi trường. Đây là một nhà hoạt động vì môi trường lâu năm, nhưng đó là lần đầu tiên ông ấy diễn thuyết trước đám đông. Khi đang nói hùng hồn, ông nhìn thấy một đoàn cảnh sát tiến đến. Bỗng nhiên, ông run sợ và mất tiếng. Sau đó, chữa trị thế nào thì giọng nói của ông cũng chỉ thì thào như gió thoảng. Kết quả là ông không bao giờ diễn thuyết nữa mặc dù ông vẫn là nhà hoạt động vì môi trường. Hóa ra, trong một tiền kiếp tại thời phong kiến, ông đã diễn thuyết kêu gọi chống lại chính quyền và bị quân lính bắt đi xử tử. Chất hùng biện của ngày xưa trỗi dậy khiến trong kiếp này ông lại đứng lên diễn thuyết. Hình ảnh những viên cảnh sát đã đánh thức ký ức đau đớn trong ông. Chương trình tâm thức phản ứng chạy trốn và sợ hãi trước bạo lực được tạo ra từ tai nạn trong quá khứ được kích hoạt. Nó gây ra một căn bệnh ngăn chặn ông lặp lại ứng xử này, với hy vọng ông sẽ tránh được một kết cục thảm khốc như trong quá khứ.

Sau khi biết về cái chết của mình trong quá khứ do diễn thuyết chống chính quyền, người đàn ông đã hoàn toàn khỏi bệnh. Ông biết chắc chắn rằng những viên cảnh sát thời hiện đại không thể xử tử hình ông như những tên lính thời phong kiến. Ông không có gì phải sợ hãi. Một ngày ông hoàn toàn có thể lại diễn thuyết trước đám đông. Chính sự thấu hiểu và thanh thản nội tâm đã giải phóng con người khỏi sự sợ hãi sâu trong tâm, biểu hiện ra bên ngoài là bệnh tật, một cách thần kỳ và vĩnh viễn.

Sự nhớ lại và trải nghiệm lại ở mức độ sâu sắc căn nguyên đã gây ra bệnh tật thường đưa đến một sự thanh thản nội tâm. Người biết kiếp trước mình chết đuối và kiếp này mình vẫn đang sống mạnh khỏe thì hết sợ nước.

Người thấy cảnh tiền kiếp ngạt khói thì hiểu vì sao mình bị hen kinh niên và hết sợ các không gian kín.

Thấu hiểu trải nghiệm để vượt qua bài học

Nhi Lan đã có một cơ hội trải nghiệm lại một sự kiện bạo lực trong tiền kiếp để thấu hiểu nguyên nhân ban đầu tạo ra chương trình phản ứng bạo lực trong thân và tâm chị.

Vết thương chỉ được chữa lành khi con người vượt qua được chấn động của bạo lực trong quá khứ. Tái trải nghiệm bảo lực chỉ dẫn đến sự thấu hiểu khi sự bạo lực được quan sát khách quan, nghĩa là không bị bóp méo bởi cảm xúc và sự phán xét. Nhi Lan cần vượt qua trải nghiệm tiêu cực bằng cách quan sát nó đúng như nó đã xảy ra với tâm an bình.

Dù trải nghiệm bạo lực là ký ức tiền kiếp hay các sự kiện hiện tại, sự kiện cần được ghi nhận trung thực. Con người không phán xét một trải nghiệm là xấu hay tốt, không sợ, không ham mê, không phản ứng và không tiếp tục gây ra bạo lực. Qua việc sự kiện được ghi nhận khách quan, không đau khổ hay sợ hãi, và không kéo theo phản ứng của thân và tâm, con người vượt qua bạo lực. Điều này chỉ làm được khi tâm an bình, tiêu biểu là trong trạng thái nhập định.

Những nguyên tắc thực hành của pháp môn Thiền định Vipassana của đức Thích Ca cũng thể hiện rất sâu sắc nguyên tắc ghi nhận cảm giác mà không phán xét, không phản ứng và giữ tâm bình an. Cảm giác chính là một trải nghiệm. Những thiền sinh Vipassana thực hành đúng nguyên tắc, sẽ dần dần thanh lọc được những chương trình phản ứng của tâm và thân gắn với sợ hãi, ghét bỏ và ham muốn. Các chương trình tâm thức đã được tạo ra lần đầu hoặc cải biến nghiêm trọng qua một trải nghiệm bạo lực cũng sẽ được sửa đổi điều kiện, giảm bớt cường độ và dần dần được loại bỏ kể cả khi thiền sinh không hiểu cách vận hành của tâm thức và cũng không nhớ lại được trải nghiệm.

Tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình

Phản ứng bạo lực và không tha thứ cho bạo lực là bài học của rất nhiều người. Vết thương do bạo lực gây ra từ quá khứ hàng trăm năm trước này vẫn còn hằn sâu trong tiềm thức của Nhi Lan. Đó là lý do chị được trông thấy cảnh gây tai nạn chết người và bị hành hình trong tiền kiếp tại Trung Quốc.

Đôi khi trải nghiệm lại một quá khứ bạo lực là chưa đủ để vượt qua các ám ảnh. Vượt qua bạo lực đòi hỏi sự tha thứ. Tha thứ sẽ xóa bỏ cái chốt “phản xét bản thân”, mà không còn điều kiện “phán xét” ấy thì một chuỗi phản ứng của chương trình tâm thức tiêu cực mà Nhi Lan đã tạo ra từ trải nghiệm bạo lực đầu tiên này sẽ dừng lại.

Đưa chị ra khỏi đoạn đầu đài đúng lúc lưỡi dao của đao phủ vung lên, Sal Rachele hỏi Nhi Lan có cần biến đổi ký ức đi không. Đây là một phần của kỹ thuật tâm linh cho phép con người quay ngược trở về một thời điểm quan trọng nào đó của quá khứ và biến đổi cách thức trải nghiệm như thể sự kiện chưa hề xảy ra hoặc đã xảy ra theo cách khác. Những người làm tâm linh Việt Nam gọi đây là kỹ thuật chữa bệnh tiền kiếp, thay cho thuật ngữ hàn gắn năng lượng theo dòng thời gian (timeline healing).

Nhà ngoại cảm đã nói rằng chị cần tha thứ cho bản thân và cho những người đã gây ra tất cả những bi kịch này. Thấy là mình đã tha thứ rồi, Nhi Lan trả lời là chị không cần Sal Rachele giúp đỡ. Cho rằng tiền kiếp đó hoàn toàn không ám ảnh chị dù nó thật dữ dội, tâm trí chị lặng lẽ chuyển sang một cảnh sống khác.

Bà chủ Nhi Lan đã chịu trách nhiệm trước cái chết của ông chồng gia trưởng, dù đó chỉ là một tai nạn vô ý gây ra do sự nóng giận trong giây phút bị đàn áp. Hai người đã tự tạo nghiệp quả và tự cân bằng phần nào được nghiệp quả với nhau ngay trong kiếp sống đó bằng tính mạng của cả hai. Việc còn lại là mỗi người cần tự tha thứ cho chính mình.

Chị hiểu phần trách nhiệm của mình. Chị hiểu hoàn cảnh thời đó. Nhi Lan đã tha thứ những người đã tham gia vào bi kịch cuộc đời chị. Chị thấy rất thoải mái. Chị nghĩ thế là đủ.

Sự thật về bản thân là điều nằm trong sâu thẳm trong bản chất tinh thần của con người, không phải là điều mỗi người tự nghĩ về mình, càng không phải là điều người khác nghĩ về họ. Bằng kinh nghiệm về sự mâu thuẫn giữa tiềm thức và nhận thức của cùng một con người, tôi nghĩ rằng chị vẫn chưa tha thứ cho bản thân. Nói cách khác chương trình tâm trí gây ra bởi sự kiện gây chết người này vẫn âm thầm điều khiển cuộc sống của Nhi Lan.

Phản ứng tức thời từ chối được giúp đỡ với trải nghiệm bạo lực để chuyển sang cảnh sống khác của chị là biểu hiện của sự sợ hãi, thông qua thái độ phủ nhận và hành động chạy trốn, thay vì thái độ ghi nhận và hành động quan sát khách quan mà Nhi Lan cần phải có.

Một chương trình tâm trí chỉ được làm sạch một cách vững bền bởi chính chủ nhân của nó. Nhi Lan cần tự khắc phục tính cách nóng nảy, nói cách khác là thanh lọc chương trình phản ứng tiêu cực này khỏi tâm. Nếu một nhà ngoại cảm dù tài giỏi đến đâu thanh lọc năng lượng tâm trí giúp cho Nhi Lan, chị sẽ cài đặt lại chương trình này khi tiếp tục có những phản ứng nóng giận với một sự kiện không như ý.

Sự tái trải nghiệm quá khứ của Nhi Lan chưa đủ sâu và sự thấu hiểu của chị cũng chưa triệt để. Không ai là người có lỗi. Nhi Lan, người chồng gia trưởng, những người hầu, những người lính và cả xã hội lúc đó. Bởi vì không quan trọng là ai đã tạo ra bạo lực, ai đã chịu đựng bạo lực, ai đã dính líu đến bạo lực, bạo lực luôn bắt nguồn từ những cái tâm bất an, bạo lực luôn luôn là sự yếu đuối vô nghĩa.

Nhi Lan mới chỉ tập trung đến đối tượng và sự kiện đã xảy ra, mà chưa quan tâm đến bản chất của bài học và thái độ chị cần phải có với bạo lực, sự tức giận và sự sợ hãi. Tức giận và sợ hãi là phản ứng vô nghĩa trước một sự vô nghĩa. Đó là chân lý của nhân loại, không phải chỉ là kinh nghiệm của một hai người hay bài học một hai cuộc đời cá biệt.

Tuy nhiên, quy luật phổ quát chỉ có thể được thấu hiểu thông qua trải nghiệm cá nhân. Có những lúc trải nghiệm cuốn ta đi, cho đến lúc ta đủ trưởng thành để nhìn lại. Sự trưởng thành thể hiện ở khả năng kết nối được quá khứ và hiện tại xoay quanh một bài học cuộc đời.

Chiến tranh và hận thù là bài học nghiệp quả của cả nhân loại. Sự khác nhau là cách vượt qua bạo lực của mỗi con người. Nhiều con người với trái tim tràn đầy tình yêu hôm nay đã chân thành kể về những quá khứ bạo lực mà họ là thủ phạm hoặc là nạn nhân, như là sự cân bằng cho sai lầm của chính mình trong quá khứ. Nhờ trải nghiệm qua bạo lực, họ hiểu về lòng dùng cảm, sự tha thứ và tình yêu.

Cuối cùng, bỏ qua bạo lực để tìm lại tình yêu là con đường mà ai cũng sẽ đi qua. Tha thứ chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, dù giai đoạn chuyển tiếp có tính chất quyết định với rất nhiều người, trong đó có Nhi Lan. Tha thứ cho chính mình là bước đi quyết định để đi đến sự bình an nội tâm. Trong bình an, con người sẽ tìm lại tình yêu dành cho chính mình và vạn vật.

Nhi Lan cần tha thứ cho chính mình.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh