Khổng Học Tinh Hoa: Chương 3. Quan Niệm Thiên Tử Trung Hoa Đối Chiếu Với Quan Niệm Thiên Tử Trong Các Quốc Gia Âu Á Cổ Kim

KHỔNG HỌC TINH HOA: CHƯƠNG 3. QUAN NIỆM THIÊN TỬ TRUNG HOA ĐỐI CHIẾU VỚI QUAN NIỆM THIÊN TỬ TRONG CÁC QUỐC GIA ÂU Á CỔ KIM

  1. QUAN NIỆM THIÊN TỬ THEO TRUNG HOA
  2. SỨ MẠNG VÀ THIÊN CHỨC

Thánh nhân lĩnh mệnh Trời trị dân thì được gọi là Thiên tử.

Theo nguyên nghĩa, Thiên tử tức là con Trời, hay nói theo từ ngữ Âu Châu, là con Thiên Chúa.

Thánh thiện phối hợp với Trời, thông minh, duệ trí, xứng đáng là tinh hoa nhân loại, thiên tử sẽ ở ngôi hoàng cực, tâm điểm nhân quần, thay Trời trị dân. Thiên tử là những Người Trời (Homme-Dieu), làm môi giới giữa Trời và người.

Phù hiệu của các vị Thiên tử Trung Hoa là rồng vàng, vì theo Dịch Kinh, rồng tượng trưng cho sự biến hóa vô lường, cho Càn Đạo, cho Thiên Đạo, [1] và theo Hà Đồ, màu vàng là màu của Trung cung, Trung điểm.

Trên phẩm phục nhà vua có thêu mười hai hình gọi là mười hai chương, phân phối như sau:

1- Mặt trời (nhật 日)

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

2- Mặt trăng (nguyệt 月)

3- Những vì sao (tinh thần 星辰)

Nhật, nguyệt, tinh thần lấy ý nghĩa soi sáng. [2]

4- Núi lấy nghĩa vững vàng (sơn 山)

5- Rồng lấy nghĩa biến hóa (long 龍)

6- Chim trĩ lấy nghĩa văn hoa (hoa trùng 華蟲) [3]

[4]

Nửa áo dưới (thường) có thêu:

7- Bình tông di, có mang hình con hổ và con vị (một thử khỉ đuôi dài) tượng trưng cho quyền tế lễ (tông di 宗彞)

8- Rau tảo, lấy nghĩa khiết tịnh, thanh đạm (tảo 藻)

9- Gạo trắng, có nghĩa nuôi nấng (phấn mễ 粉米)

10- Lửa có nghĩa sáng soi và làm cho ấm áp (hỏa 火)

11- Lưỡi rìu chỉ sự quyết đoán, và quyền sửa phạt (phủ 黼)

12- Chữ phất, thành bởi hai chữ kỷ quay lại với nhau, chỉ sự cân nhắc, thận trọng. (phất 黻) [5]

Cũng như Thượng Đế ngự giữa hoàn võ làm khu nữu cho vũ trụ, hoàng đế cũng ngự giữa đất nước để cai trị muôn dân.

Các sơ đồ về tổ chức quốc gia thời Hạ, thời Thương, thời Chu chứng minh điều đó:

[6]

Thiên tử còn có thể sánh được với ngôi sao bắc Thần, vì ở trên trời, Bắc Thần làm khu nữu cho muôn phương. [7]

Thiên tử thay Trời trị dân, làm môi giới giữa Trời và người nên nắm trọn trong tay cả thần quyền, thế quyền. Do đó ta thấy các vị thiên tử có thể phong thánh, phong thần, tế lễ Thượng Đế, v.v… Trung Hoa thời cổ không có hàng giáo sĩ riêng biệt.

Trong bộ Trung Hoa Ký Sự, các vị thừa sai ở Bắc Kinh đã viết như sau: «Hoàng đế lại còn là vị giáo chủ trong nước. Chỉ ngài có quyền công khai dâng lễ tế Trời; từ Phục Hi đến Càn Long, không ai nảy ra ý định tước quyền ấy của vua.

Chúng dân đối với vua, như là con nhỏ đối với cha. Vua là cha chung, truyền lệnh cho dân, như là cho bày con, những điều phải làm. Vua cai trị dân và lo cho dân mọi sự. Nếu cần xin trời đất giáng phúc, thì đã có vua cầu đảo. Tóm lại, những nguyên tắc chính trị và đạo giáo Trung Hoa thực là giản dị: Bổn phận cha đối với con, con đối với cha sao cho phải đạo, đó là nền móng chính trị. Thờ Trời, thờ thần, thờ tổ tiên, đó là nền móng đạo giáo của một dân tộc khi đã chấp nhận một quan niệm thời không hề đổi thay, của một dân tộc trung kiên nhất hoàn cầu.» [8]

Hồng Phạm dành chương 5 để dạy nghệ thuật làm vua, vì số 5 ở Trung cung, tâm điểm, tượng trưng cho Đạo, cho Trời, vì chương 5 Hồng Phạm dạy vua lề lối sống xứng đáng thể hiện Trời, Đạo nơi trần thế. [9]

Thiên tử xứng đáng với tước hiệu và ngôi vị mình, phải nhân đức tuyệt vời.

Muốn là hoàng đế phải có đức độ sánh với Trời.

Khang Hi tự điển ghi chú về chữ Hoàng và chữ Đế như sau:

Hoàng là lớn, là Trời. [10]

Đế là có đức hợp với Trời. [11]

Những vị thánh vương Trung Hoa tin tưởng mình là con Trời, cho nên khi cầu khẩn Trời thì xưng mình là «tiểu tử» là «con nhỏ», còn khi đối thoại với mọi người thì xưng mình là «dư nhất nhân», là «một mình ta». [12]

Lúc nhà vua mất, Lễ Ký gọi là «đăng hà», ý nói lên một nơi xa thẳm như là lên trời [13] và trên bài vị dùng chữ «Đế» nghĩa là được phối hợp với Thượng Đế. [14]

Kinh Thi cũng còn ghi lại niềm tin ấy. Kinh Thi viết:

«Uy danh vang khắp nước non

Trời coi vua Võ là con của Trời

Nước Châu vinh hiển mấy mươi

Ý vua đà muốn, người người hãi vâng

Nhu hoài đến cả chúng thần

Tấm lòng lân mẫn thấm nhuần non sông

Võ Vương đáng mặt Cửu Trùng…» [15]

Đoạn Kinh Thi này làm ta liên tưởng đến một đoạn Thánh Vịnh tương tự:

Trên Sion Chúa đặt ta

Làm vua núi thánh truyền ra luật Ngài

Cùng ta, Chúa phán lời chí thiết:

«Con là Con nay thiệt Cha sinh

Hãy xin gia sản Cha dành

Bốn phương cõi đất quyền hành Cha ban

Con thống trị khắp toàn dân đó

Roi sắt dùng phạt cả thế gian

Con sẽ đập chúng cho tan

Như bình thợ gốm ra ngàn mảnh rơi…» [16]

Tóm lại, thiên tử chẳng những là thay Trời trị dân, mà còn treo cao gương nhân đức cho mọi người soi.

«Đấng thánh nhân ở ngôi cao, đã lập ra được một gương mẫu tuyệt đỉnh về nhân đức, lấy chính bản thân mình, đời sống mình để dạy dỗ thiên hạ, lại dùng lời nói để giáo hóa thiên hạ; lấy đời sống mình dạy dỗ, tức là cho chúng dân trông thấy những hành vi, cử chỉ của mình, lấy lời lẽ dạy dỗ để dân ca tụng ngâm vịnh cho thuộc, cho nhớ. Cả hai phương diện đều cần thiết, không thể bỏ dân nào được.

«Trong thiên hạ chỉ có Lý là hằng cửu, là cao đại, lời minh diễn về Hoàng Cực, tức là thuần chân, thuần lý, vì thế nên gọi là hằng cửu, là cao đại. Lý đó bắt nguồn từ Trời, vì Trời đã đem chân lý ấy ghi tạc vào tâm khảm con người, nên những lời lẽ hợp với chân lý, hợp với lương tâm con người tức là lời giáo huấn của Trời - Trời tức là vị thánh nhân không nói. Thánh nhân tức là Trời biết nói, một là hai, hai là một vậy.» [17]

  1. ĐỨC ĐỘ CÁC VỊ CHÂN THIÊN TỬ TRUNG HOA

Lịch sử Trung Hoa đã ghi chép và đã khen lao đức độ các vị thánh quân, những bậc chân thiên tử.

Hoàng đế được coi là vị thánh nhân. Trong Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, chương Thượng Cổ Thiên Chân Luận có ghi chú như sau:

«Trong khi đúc đỉnh ở Đỉnh Hồ Sơn xong thì Hoàng Đế lên trời giữa ban ngày. Quần thần chôn áo mão ngài ở Kiều Sơn…» [18]

Vua Thành Thang biết «lấy Trời làm lòng mình», nghĩa là hoàn toàn sống phối hợp với ý Trời. [19]

Sử chép vua Nghiêu rất thương dân. Ngài nói: «Thấy một người dân đói, ta thấy như là ta đói; thấy một người dân rét, ta thấy như là ta rét; thấy một người dân bị áp bức, ta thấy như là ta bị áp bức.» [20] Vì thế, dân chúng coi Ngài như cha, và khi Ngài băng hà, trong ba năm trong nước không nghe thấy tiếng âm nhạc. [21]

Vua Đại Võ khen vua Thuấn như sau: «Lời nói phải không còn bị che đậy giấu diếm, đồng nội không còn sót hiền tài. Muôn nước đều yên. Vua cư xử vừa lòng chúng dân, bỏ ý mình theo ý người, không hiếp đáp kẻ bơ vơ, không ruồng rẫy người cùng khốn, chỉ vua Nghiêu là được thế.»

Ích Tắc nói tiếp: «Vâng, đức vua Nghiêu lẫy lừng vang khắp. Ngài là thánh, là thần, gồm văn, gồm võ. Trời cao thương Ngài, trao cho mệnh cả… Ngài gồm thâu bốn bể, làm vua thiên hạ.» [22]

Trong Chiến Quốc Sách có chép: Đời vua Vũ có viên quan tên là Nghi Địch nấu rượu rất ngon. Nghi Địch dâng rượu lên vua. Vua Vũ uống vào, thấy rượu ngon ngọt, phán rằng: «Đời sau ắt có vị vua vì rượu mà mất nước.» Ngài bèn xa lánh Nghi Địch, và tự hậu chẳng hề uống rượu. [23]

Trong một cuộc tuần thú, vua Đại Võ trông thấy một tội nhân, liền xuống xe, han hỏi và khóc ròng. Tả hữu nói: «Tội nhân này trái đạo, đức vua can chi phải khổ đau?» Vua nói: «Thời Nghiêu Thuấn, dân lấy lòng Nghiêu, Thuấn làm lòng mình. Ta nay lên làm vua, bách tính theo ý riêng mình, vì vậy ta khóc. Vạn phương có tội, lỗi tự mình ta…» Một hôm Ngài qua sông Giang, bị con rồng vàng đội thuyền lên. Cả thuyền đều sợ. Nhà vua không thay đổi thần sắc nói: «Ta chịu mệnh Trời, một niềm tận tụy vì dân. Sống chết của ta là do ý Trời, rồng này làm gì được ta.» Thoắt thôi, rồng cúi đầu cúp đuôi lặn mất. [24]

Chu Công nói: «Trung Tông nhà Ân kính sợ mệnh Trời, giữ mình, trị dân cẩn thận, hãi hùng không dám hoang toàng, yên vui. Cho nên vua Trung Tông hưởng nước 75 năm. Tới đời vua Cao Tông, trước vốn khó nhọc ở ngoài cung, làm lụng với dân hèn, cho nên khi lên ngôi, có thời cư tang trong lều, ba năm không nói. Về sau vua cũng ít nói, nhưng khi nói ra là hợp lẽ. Ngài không dám hoang toàng, yên vui. Làm đẹp, làm yên nước Ân, cho nên kẻ nhỏ người lớn không hề khi nào oán trách. Cao Tông trị nước 59 năm. Văn Vương phục sức xoàng xĩnh, chỉ chăm việc trị an và canh nông. Ngài khiêm cung nhu mì, thương yêu, bênh vực dân hèn, làm ơn cho kẻ góa bụa. Từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối, vua không còn có thời giờ rảnh để ăn, mà mê mải lo cho muôn dân được vui hòa. Ngài không dám ham mê chơi săn. Thâu thuế các nước thì chỉ thâu chính đáng. Cho nên vua Văn chịu mệnh khi đã đứng tuổi, mà còn hưởng nước được 50 năm.» [25]

Đức Khổng khen các thánh vương thời cổ như sau: «Cao siêu thay! Thuấn Vũ có thiên hạ mà lòng không dính bén.» [26]

«… Đức nghiệp vua Nghiêu to lớn biết bao! Cao siêu biết bao! Chỉ có Trời là lớn; chỉ có vua Nghiêu sánh được với Trời. Lồng lộng thay! Dân chúng không thể khen tặng cho xiết. Cao siêu thay sự thành công của Ngài ! Lễ nhạc, pháp độ Ngài rõ ràng thay.» [27]

«Vua Văn nhà Châu được hai phần ba thiên hạ theo mình mà vẫn phụng sự nhà Ân. Đức độ ấy có thể gọi là chí cực vậy.» [28]

Đức Khổng nói: «Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được. Trong việc ăn uống ngài giữ đạm bạc, nhưng trong việc cúng tế quỉ thần thì lại trọng hậu. Y phục ngài thường mặc thì xấu, nhưng áo mão Ngài trang sức trong dịp cúng tế thì lại rất đẹp. Cung thất của Ngài thì nhỏ hẹp, nhưng ngòi lạch trong nước thì Ngài tận lực sửa sang. Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được.» [29]

Đọc lịch sử ta thấy các vị thánh vương xưa rất trọng dân, thương dân, cai trị dân một cách dân chủ và bình dị.

Vua Nghiêu cho đặt trống và bản trước triều ca. Hễ ai muốn can gián khuyến cáo nhà vua thì đánh trống xin vào triều kiến, hoặc là viết lời gián nghị lên bảng.[30]

Vua Đại Võ cho treo chuông, trống lớn, khánh, mõ, trống khẩu tại triều đình. Vua truyền viết trên giá chuông trống như sau: «Ai muốn chỉ dẫn quả nhân về đạo lý, xin đánh trống lớn, muốn khuyến cáo về việc nghĩa xin đánh chuông, muốn trình bày công việc xin đánh mõ, muốn khiếu oan xin đánh khánh, muốn thưa kiện xin đánh trống khẩu.»

Vua thường nói: «Các hiền sĩ lận đận ngoài đạo lộ còn khả trợ. Nhưng để họ lận đận trước cửa ta thì không thể được.» Nên nhiều khi nhà vua đang gội đầu, phải bỏ dở, vắt tóc đến hai ba lần, có ngày lại mất cả ăn uống thư thả, để giữ trọn lễ với các hiền sĩ. [31]

Dưới triều nhà Hạ, hằng năm vào tháng đầu xuân, viên chấp lệnh gõ mõ đi khắp nẻo đường, rao rằng:

«Hỡi các quan, các thầy hãy cho nhà vua biết các khuyết điểm của triều chính; hỡi các thợ thuyền hãy cho nhà vua biết các lỗi lầm mà triều chính đã phạm đối với từng nghề nghiệp. Kẻ nào không tuân cứ, sẽ bị phạt theo phép nước.» [32]

Nói chung, các vị thánh vương xưa, tuy ở ngôi cao đứng đầu trăm họ, nhưng không hề dám trễ nải, ăn chơi, trái lại, thường tự nhủ: «Làm vua khó mà làm bầy tôi cũng chẳng dễ.» [33]

Các ngài dùng người hiền thì tôn trọng và không nghi ngờ, gặp kẻ xấu thì xua đuổi không ngần ngại. [34]

Các ngài không dám làm điều trái đạo để cầu lời khen của trăm họ, không dám trái ý trăm họ để thể theo ý riêng mình. [35]

Các ngài ra công học hỏi, tu thân; cố gắng không ngừng để trở nên giỏi giang, nhân đức, ngõ hầu trị dân một cách khôn ngoan sáng suốt. [36]

Các ngài cấp phát tài sản cho dân, vì biết rằng có «hằng sản» [37] thì dân mới có «hằng tâm». [38]

Các ngài khuyến khích chúng dân triệt để khai thác đất đai, để cho dân được no ấm, có đầy đủ tiện nghi và sống một cuộc đời phong phú về vật chất, thuần mỹ về tinh thần, khả dĩ có thể tiến tới được tinh hoa, thánh thiện. [39] Các ngài lấy đức độ mình để cảm hóa dân, coi mình như ngọn gió, và chúng dân như ngọn cỏ; hễ gió thổi thì cỏ lướt theo chiều. [40] Không bao giờ các ngài nghĩ đến sự tàn sát dân, và luôn luôn giữ được đức hiếu sinh, [41] tuy có lập ra hình phạt để sửa trị dân, nhưng trong lòng hằng mong mỏi có ngày vất bỏ được những hình phạt ấy. [42] Các ngài cố giáo hóa dân, mong sao cho dân một ngày một thêm hoàn thiện, có thể đạt tới Trung đạo thông phần vinh quang của thiên tử. [43]

Các vị chân thiên tử xưa trị dân cốt lấy đức độ mình mà cảm hóa dân, và đặc biệt nhất, là các ngài tỏ ra rất là nhân từ khoan hậu.

Đối với dân, thì thương dân và trọng dân, nếu cần sửa phạt thì đắn đo cân nhắc, coi là chuyện bất đắc dĩ. Khi chinh phạt thì chỉ chinh phạt kẻ tàn hung, còn lê dân thì tuyệt đối không sát hại. Khi diệt trừ những bạo chúa xong rồi thì giòng dõi được nhiêu dung, hay, hơn nữa, lại còn được trọng dụng, phong quan tước.

Cao Dao khen Đại Võ: «Đức độ nhà vua thật là toàn vẹn. Ngài giản dị khi tiếp xức với bầy tôi, khoan hồng trong việc cai trị dân chúng. Phạt không tới con, mà thưởng thì thưởng đến con cháu. [44] Tha cho kẻ lầm lẫn, dù họ phạm tội to; bắt tội kẻ cố ý, dù họ phạm tội nhẹ. Tội nghi ngờ thì coi là nhẹ; công nghi ngờ thì coi là lớn. Thà là đắc tội không thi hành luật pháp còn hơn là giết người vô tội. Đức vua cố làm cho dân thấy ngài quí trọng mạng sống của họ, cho nên dân cố tránh tội lệ, để khỏi bị các giới chức của nhà vua trừng trị.» [45]

Trong Kinh Thư có chép rằng: «Vua Thành Thang khi khởi cuộc chinh phạt (chống vua Kiệt), trước hết chiếm đất Cát. Thiên hạ đều tin tưởng ngài. Ngài đương chinh phục miền Đông thì đoàn rợ Di miền Tây phiền trách; tới chừng ngài chinh phục miền Nam thì thì đoàn rợ Địch miền Bắc phiền trách. Nó trách rằng: «Sao ngài chẳng tới sớm nước ta?» Dân chúng khắp thiên hạ mong chờ ngài đến, như lúc trời hạn người ta trông cho thấy mây và mống trời. Đến chừng ngài kéo binh vào xứ họ, họ vẫn tự nhiên chẳng sơ sệt gì cả: Người đi chợ vẫn đi, người đương cày vẫn cày. Ngài giết những vị vua hôn bạo, mà giải cứu cho nhân dân. Bá tánh đều mừng rỡ, dường như được mưa tuôn phải lúc.» [46]

Các vị thánh vương Trung Hoa thực đã có những thái độ đường lối khác hẳn với các vị lãnh đạo, các vị đế vương Do Thái.

Thánh Kinh đã cho ta thấy cách cai trị, cách xử sự của các vị lãnh tụ, các vị đế vương Do Thái thật là bạo tàn cứng rắn, chẳng hề có chút tình thương. Các vị lãnh đạo Do Thái đã trị dân bằng sự khủng bố, bằng những hình phạt, bằng sự giết lát.

Moïse đã tàn sát dân chúng hai lần: một lần ở Sinaï, tiêu diệt 23.000 người, vì tội thờ bò vàng, nhưng trớ trêu thay lại tha cho thủ phạm là Aaron anh mình; [47] chẳng những thế, ít lâu sau còn phong cho Aaron làm thầy cả thượng phẩm… Một lần khác, ở Péor, 24.000 dân lại bị tàn sát, vì tội trai lơ, trăng gió với các con gái dân Moab, với lễ thần Baal. [48]

Deutéronome xác nhận rằng Moïse đã làm cho cả Israel thấy bàn tay quyền phép, và sự kinh hoàng lớn lao… [49]

Khi Josué đưa dân Do Thái vào chiếm xứ Canaan thì đã ra tiêu lệnh phải tận diệt người, vật trong các thành mình sẽ chiếm. [50]

Vua Saül, trong khi tiêu diệt dân Amalec, đã phạm phải lỗi lầm là nhiêu sinh cho vua Agag, nên từ đấy đã bị chúc dữ, đã mất vương quyền trên lý thuyết. [51] Còn Agag rốt cuộc cũng bị Samuel đích thân chém chết. [52] David sau khi đã được Samuel tấn phong và đã trở nên đấng Messie của Do Thái, vì sợ Saül giết, nên đã cùng bộ hạ qui hàng vua dân Philistins là Akish, trong vòng một năm bốn tháng. [53] Trong khoảng thời gian ấy, David thường cùng bộ hạ trở về cướp phá miền Negeb, phía nam Palestine, và tận diệt dân chúng vùng ấy, như dân Geshurites, Girzites, Amalécites, cũng như đã tận diệt dân thành Gat, để hết còn ai tố cáo hành động mình. [54] Khi ngài đã lên ngôi, ngoài những trận tiêu diệt địch quân ngoài chiến địa không kể, ngài còn tận diệt dân thành Rabba, cũng như dân chúng trong các thành trì của dân Ammonites. Sử Do Thái chép: «Còn dân sự trong thành, người đem ra mà cắt xé ra hoặc bằng cưa, hoặc bằng búa sắt, hoặc bằng rìu. David làm như vậy cho các thành của Ammon.» [55]

Sau khi thắng dân Moabites, vua bắt họ nằm cả xuống đất đoạn lấy dây đo; cứ giết hai dây, lại tha một dây. [56]

Khi ngài ở ngôi, trong nước có nạn đói kém ba năm. Ngài nghe lời dân Gabaonites, buộc cho con cháu vua Saül đã gây ra tai ương ấy, vì những tiền khiên của vua Saül, cha ông họ, nên đã giao tất cả con cháu vua Saül là 7 người, cho dân Gabaonites đóng cọc nhọn vào ruột, dựng lên trên một ngọn núi cho đến chết; cho rằng làm vậy, Chúa sẽ nguôi cơn thịnh nộ. [57] Trong vụ này vua chỉ tha cho một mình Meribaal, con jonathan. Nhưng Meribaal chỉ là một phế nhân vì bị què quặt từ bé. [58]

Salomon vừa lên ngôi, liền kiếm cớ giết anh cùng cha khác mẹ với mình là Adonias, người đáng lý ra được thừa kế ngôi vua David, và đại tướng Joab, vị khai quốc công thần dưới triều David, vì đã muốn phò Adonias lên ngôi. [59]

Sử khen vua Salomon khôn ngoan, thông tuệ, giàu sang, phú quí, có tới những 700 vợ hàng vương tước, và 300 cung tần (I, Rois, XI, 1-3). Nhưng thực ra, dân chúng rên siết vì phải phục dịch nặng nề vất vả. Sau khi Salomon thăng hà, dân chúng đến cùng tân vương là Roboam mà tâu rằng: «Thân phụ vua đã làm cho ách chúng tôi nặng nề quá, nhưng bây giờ vua hãy giảm nhẹ sự phục dịch khó nhọc và cái ách nặng mà thân phụ của vua đã gán cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phục dịch vua.» Vua Roboam, sau ba ngày suy nghĩ và vấn kế đình thần, đã trả lời dân như sau: «Cha ta đã khiến ách các ngươi nặng nề; ta sẽ làm cho ách các ngươi nặng nề hơn nữa. Cha ta có sửa phạt các ngươi bằng roi da; ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bò cạp.» [60] Một lời nói vô ý thức ấy đã làm cho mười họ Israel bỏ vua Roboam mà qui thuận Jéroboam thuộc giòng họ khác. [61]

  1. CÔNG TRÌNH CỦA CÁC VỊ THÁNH VƯƠNG TRUNG HOA

Các vị thánh vương Trung Hoa là những người vừa mẫn tiệp, vừa thánh thiện, vừa tài ba xuất chúng, cho nên thường đã lưu lại những công nghiệp vĩ đại.

Phục Hi đã dạy dân săn, câu, chăn nuôi gia súc, lập lễ nghi cưới hỏi, lập văn tự, chế đàn cầm, đàn sắt, vẽ bát quái, đặt nền móng cho Kinh Dịch. [62]

Thần Nông dạy dân canh tác. Vua nghiên cứu thảo mộc để học tính chất. Thần Nông là thủy tổ ngành y dược. Ông lập chợ cho dân buôn bán, phân phối đình thần. [63]

Hoàng Đế tổ chức triều thần để trị dân, lập chức tả hữu sử để ghi chép lịch sử, san định lại văn tự, lập thiên văn đài gọi là Linh đài để quan sát thiên tượng, thời tiết; qui định can chi để tính năm; lập lịch số, toán số, qui định cân lương, cung điện, sáng tác nhạc phẩm Hàm Trì, lập chế độ áo mão, y thường, chế tạo khí giới, dụng cụ, xe thuyền; lập những qui tắc cho công việc xây cất nhà cửa, tế lễ Thượng Đế, và dạy dỗ dân, tổ chức tiền tệ để tiện buôn bán, viết Nội Kinh. Vợ ngài là Luy Tổ dạy dân nuôi tằm.

Ngài ưa tuần thú, tổ chức quân lữ thành doanh vệ, chế trận pháp, làm kỳ hiệu, lập phép tỉnh điền, để qui tụ dân chúng và khai khẩn đất đai, bắt đầu cho vẽ bản đồ các châu quận. [64]

Vua Nghiêu rất chú trọng đến thiên văn lịch số. Vua định vòng năm là 366 ngày. Sai Hi, Hòa trí lịch tượng, lập ghép thêm tháng nhuận, xác định khởi điểm bốn mùa theo vị trí biểu kiến mặt trời. Để trống và bảng trước triều đình cho dân chúng tới khiếu nại. Đi tuần thú tứ phương 12 năm một lần, để kiểm soát phong tục, lịch số, lễ nghi, phẩm phục, nhã nhạc, cốt cho phong tục trong nước đâu đấy được đồng nhất. [65]

Vua Thuấn qui định thống nhất lại hệ thống cân lường, lễ nhạc. Lập chính sách tuần thú năm năm một lần, phân công cho đình thần. Thủa ấy vua Thuấn đã biết phân công cho đình thần mỗi người một nhiệm vụ, thật là rõ rệt. Về chính trị ta thấy vua Thuấn chú trọng đến:

1- Nông nghiệp

2- Sản vật tự nhiên

3- Công chánh

4- Hình pháp

5- Giáo dục

6- Nghi lễ

7- Nhã nhạc

8- Thiên thời, địa lợi

9- Tấu đối (tức là phúc trình tường thuật mọi công việc cho nhà vua được hay biết).

Vua còn lập ra quan Bách quỹ có quyền trông nom, kiểm soát cả 9 bộ nói trên. Tổ chức của vua Thuấn chẳng khác nào tổ chức của nội các ngày nay. [66]

Vua Đại Võ khai sông, đào ngòi, đục núi làm đường, trị hồng thủy, lập thuế khóa, đúc cửu đỉnh, v.v… [67]

Văn Vương, Võ Vương nối tiếp đường lối của Nghiêu, Thuấn để trị dân. Văn Vương khi bị giam ở ngục Dũ Lý đã làm ra Dịch hậu thiên. Võ Vương nhờ Cơ Tử viết ra chương Hồng Phạm đúc kết lại tinh hoa phương pháp thay Trời trị dân. [68]

Công trình các vị thánh vương Trung Hoa nói tóm lại thực là bao la vĩ đại…

  1. TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH NHÂN VÀ THIÊN TỬ THEO QUAN NIỆM TRUNG HOA

Trên nguyên tắc, thiên tử phải:

1/ là một thánh nhân [69] đức hạnh tuyệt vời. [70]

2/ là một triết vương [71] có mắt tinh đời, biết người, biết dùng người. [72]

3/ được mệnh Trời. [73]

4/ được lòng dân. [74]

5/ có trách nhiệm đem lại cho dân chúng hòa bình thái thịnh, dạy dỗ dân, làm gương cho dân, để họ tiến bước trên đường nhân nẻo đức. Như vậy thiên tử có trách nhiệm và quyền hạn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với dân. [75]

Cho nên, dẫu là thánh nhân, dẫu đáng ngôi thiên tử, nếu không được tiến cử với Trời, không được mệnh Trời, thì cũng không được quyền cai trị thiên hạ. [76]

Tuy nhiên, thiên tử hay thánh nhân chỉ khác nhau về nhiệm vụ và địa vị, nhưng trên lý thuyết, không khác nhau về giá trị nội tại. [77] Các ngài trước sau vẫn là những người sống phối hợp với Thượng Đế, là vẻ sáng của Thượng Đế, là hiện thân của Thượng Đế.

Kinh Thi viết:

«Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin.» [78]

Cao Trung Hiến bình đoạn Kinh Thi này như sau:

«Thánh nhân là đạo Trời có hình tướng. Muốn tìm đạo Trời nơi Trời thì ẩn vi khó thấy, tìm đạo Trời nơi thánh nhân thì có thể thấy và bắt chước được. Cho nên Dịch viết: «Thần minh âu cũng ở nơi người nghĩa là thần minh có thể âm thầm khế hợp với người vậy.» [79]

Khổng Tử lúc gian nan nguy khốn mới xưng mình là vẻ sáng của Thượng Đế y thức như Văn Vương xưa.

Khi bị vây ở đất Khuông, Ngài nói: «Văn Vương thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta hay sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì sau khi Văn Vương thăng hà đâu có ban cho ta. Nếu Trời không muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta?» [80]

Tống Nho minh xác: «Thánh nhân và Trời là một.» [81]

Những lời lẽ trên gợi lại cho chúng ta một câu Phúc Âm: «Cha ta và ta là một.» [82]

Diệp Các Lão 葉 閣 老 đời Thanh chủ trương Thiên Chúa đã giáng trần nhiều lần dưới hình hài Nghiêu, Thuấn, Khổng Tử, nhiều vua, và nhiều vị thánh nhân khác. Cho nên cũng giáng trần bên Âu Châu trong hình hài Chúa Jésus… Kết luận là Chúa Jésus đối với Âu Châu thế nào thì Khổng Tử và các văn hào lỗi lạc khác đối với Trung Hoa cũng vậy.

Tiến sĩ Michel còn nói: học thuyết Khổng Tử hoàn bị vì chính là học thuyết của Trời. [83]

III. QUAN NIỀM VỀ THIÊN TỬ TRONG ÍT NHIỀU QUỐC GIA KHÁC VÀ QUA CÁC THỜI ĐẠI

Thực ra, niềm tin tưởng rằng vị thánh quân này, vị thánh nhân kia là hiện thân của Thượng Đế, là Thượng Đế giáng trần, đối với các dân tộc xưa không có gì là lạ cả.

Khảo sát các nền văn hóa cũ ta thấy khắp nơi đều tin tưởng như vậy.

Trong quyển The Golden Bough, nơi chương VII, nhan đề Incarnate human gods «Thần minh giáng phàm», ông James George Frazer đã khảo sát về vấn đề này rất là tường tận kỹ càng.

Ông viết: «Quan niệm Người-Trời hay một nhân vật có quyền phép Trời hay quyền phép siêu nhiên là một quan niệm đặc biệt thời cổ sơ của lịch sử đạo giáo. Thời ấy thần minh và nhân loại còn được coi hầu như đồng loại. Sau này, hố sâu ngăn cách chia rẽ đôi đàng mới một ngày một thêm sâu thẳm.» [84]

Tóm lại, trong khi các đế vương Trung Hoa xưng mình là:

- Thiên tử (con Thiên Chúa, con Trời) [85]

- Thiên sứ (sứ giả của Trời) [86]

- Thiên dịch (tôi tá của Trời) [87]

thì các vị đế vương hay các vị thánh nhân các nước khác trong hoàn võ cũng thường xưng mình, hay thường được xưng tụng là:

- Con Thiên Chúa

- Thiên Chúa

- Đấng Christ, hay Messie

- Đấng Cứu Thế.

Chúng ta sẽ dùng lịch sử cổ kim để chứng minh điều đó.

Trước hết, chúng ta hãy lần giở Thánh Kinh cũ và mới. Tước hiệu «Con Thiên Chúa» đã xuất hiện từ trước thời Hồng Thủy như đã được ghi chép trong chương 6 Sáng Thế Ký. [88]

Ý nghĩa đoạn này chưa được giải thích chính xác. Những con Thiên Chúa đề cập nơi đây, có thể là những thiên thần, những người Trời, hay những người đã được Thần Chúa nhập vào. Nói được vậy, là vì Sáng thế ký, sau khi ghi chép rằng các Con Thiên Chúa bắt đầu yêu và lấy con gái loài người, đã viết tiếp: Yahve nói: «Thần ta sẽ chẳng ở mãi trong loài người, vì loài người chỉ là xác thịt. [89]

Trong Deutéronome, ta thấy chữ «Những Con Trời» dùng đối với chữ «Những Con Người». Và ở đây, «Những Con Trời» được quyền cai trị «Những Con Người», trong những vùng đất đai Thiên Chúa đã chỉ định sẵn. Ở Israel, Jacob là «Con Thiên Chúa được phần gia nghiệp». [90]

Về sau vua David cũng đã được gọi là Con Thiên Chúa, là Thiên tử.

Thánh Vịnh 89 đã ghi rõ điều đó:

«Chúa từng phán trong khi mặc khải

Ánh siêu nhiên, giãi tới tôi hiền

Ta ban dũng sĩ triều thiên

Đặt người lê thứ lên trên ngai vàng

Tìm David trong hàng tôi tá

Lấy dầu thiêng ta đã xức cho

Ta còn vững mạnh hộ phù

Cho người sức mạnh cơ đồ làm nên...

Kẻ gian ác khôn tìm hành hạ,

Kẻ đối phương chằng khá lọc lừa,

Và bao đảng nghịch quân thù,

Vì người, ta sẽ diệt trừ phá tan.

Ta cho tựa lòng nhân, đức tín

Nhờ danh ta nước tiến oai hùng,

Quyền người lan rộng Tây Đông,

Bao la mặt biển, dòng sông rộng dài,

Người sẽ gọi Cha tôi Chúa hỡi,

Thành đá hằng cứu rỗi của tôi,

Và ta con trưởng đặt người

Lên ngôi cao cả các ngôi vương hầu.

Ta sẽ trọn lòng yêu mãi mãi

Lời ước giao giữ tới đời đời,

Cháu con người sẽ truyền ngôi.

Tháng năm cùng với tầng trời dài lâu. [91]

Kế đến, vua Salomon cũng được Chúa chính thửc công nhận là con, qua lời tiên tri Nathan. Chúa phán:

«…Đến khi ngươi (David) mãn phần về cùng tổ phụ ngươi, ta sẽ giữ vững giòng giõi ngươi, một trong các con trai ngươi sẽ được ta cho lên trị vì vững.chắc. Người sẽ xây cho ta một đền thờ, và ta sẽ làm cho ngôi báu người bền vững mãi. Ta sẽ là cha người và người sẽ là con ta. Sự phù hộ ta, ta sẽ chẳng cất khỏi người như ta đã làm đối với những kẻ ở trước ngươi, song ta sẽ lập người đời đời tại trong nhà ta và trong nước, và ngôi báu người sẽ bền vững mãi. [92]

Vua xứ Tyr, lại tiến thêm bước nữa: vua xưng mình là Thiên Chúa ngự tòa Thiên Chúa ở giữa trùng dương. [93]

Đàng khác, chính Thiên Chúa cũng công nhận vua xứ Tyr trước khi trở nên giàu có, oai quyền, kiêu ngạo đó là một gương mẫu cho sự toàn thiện, và đã được coi như một thiên thần Chérubin, được Chúa hết sức thương yêu chiều chuộng.

Chúa nói cùng vua Tyr:

Xưa ngươi là một tấm gương hoàn thiện,

Ngươi khôn ngoan, kiều diễm biết là bao.

Ngươi ở Eden, thượng uyển đấng Tối cao,

Y thường ngươi, được dệt bằng muôn châu ngọc.

Mã não, kim cương, ngọc thanh, hoàng, xích, lục,

Với hoàng kim để làm sáo trống ngươi,

Ta đã sắm, từ khi ngươi vừa mới chào đời.

Ngươi y như một thiên thần giang rộng cánh

Và chính ta, đã đặt ngươi trên núi thánh.

Cho ngươi bước trên toàn là những ngọc châu

Và ngươi từng đã có đời sống thanh tao,

Cho tới ngày ngươi sa vào vòng tội lệ. [94]

Chúa cũng đã gọi Cyrus một vua Ba Tư ngoại đạo [95] là đấng Christ, đấng Messie.

Yahvé phán cùng Cyrus đấng Christ của Ngài: «Ta đã cầm lấy tay hữu người, để hàng phục các dân nước trước mặt người. [96]

Chẳng những thế, tước vị con Thiên Chúa còn được áp dụng cho những người có đời sống thánh thiện hoàn hảo.

Sách Minh Triết viết:

«Kẻ lành tự đắc mình được biết Chúa và tự xưng mình là con Thiên Chúa... Nếu kẻ công chính con Thiên Chúa thật, thì Chúa sẽ giúp họ, Chúa sẽ cứu họ khỏi tay thù địch! Vậy ta hãy sỉ vả quấy nhiễu họ.» [97]

Kinh Thánh cũng chép khi Otniel, Saül, David được thụ phong thì Thần Chúa nhập vào các ngài, [98] và như vậy Chúa ở cùng Saül, [99] cùng David. [100] Những đoạn này làm liên tưởng tới câu Kinh Thi: «Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm.» [101]

Khi Chúa Jésus ra đời, bao nhiêu huy hiệu:

- Thiên tử [102]

- Thiên chúa [103]

- Christ, Messie [104]

- Cứu thế [105]

lại được dùng để xưng tụng Ngài và chính Chúa Jésus cũng rất nhiều lần xưng mình là Con Thiên Chúa. [106]

Tuy nhiên Thánh Jean và Thánh Paul vẫn chủ trương mọi người đều có thể trở nên con Thíên Chúa [107] và hoàn võ chỉ cốt để tạo thành những con Thiên Chúa. [108]

Vì thế ước vọng và vinh dự lớn lao nhất của người Thiên Chúa giáo là trở thành «đấng Christ mới» (Christanus Alter Christus). [109]

Cho nên ngay trong giáo hội Công giáo nhất là máy thế kỷ đầu ta đã thấy có những người xưng mình là con Thiên Chúa, là hiện thân của Thượng Đế.

Ở thế kỷ thứ hai, Montanus người Phrygie xưng mình là hiện thân của Thượng Đế. [110]

Các môn đệ Thánh Columba cũng tôn thờ ngài như là hiện thân của Chúa Ki Tô. [111] Thế kỷ thứ 8, Elipandus ở Toledo, nói về Chúa Ki Tô như là «Chúa giữa các Chúa», ý nói mọi người tin đạo đều là Chúa y như Chúa Jésus vậy. [112]

Thế kỷ XIII, có một giáo phái gọi là «Anh chị em tinh thần tự do» chủ trương: Nhờ sự chiêm ngưỡng miệt mài, ai cũng có thể kết hợp với Chúa một cách tuyệt diệu và nên một với Nguồn gốc vạn vật; và ai đã được nhập vào bản thể hạnh phúc của Chúa, sẽ trở nên phần mình Chúa, nên con Chúa như đấng Christ và sẽ không còn bị mọi luật lệ gian trần và thiên cung chi phối... [113]

Dĩ nhiên những chủ trương trên bị Giáo Hội phi bác và cho là lầm lạc hết.

Khảo sát lịch sử các nước sống ở ngoài ảnh hưởng Thiên Chúa giáo ta cũng vẫn thấy quan điểm tương tự về «thần nhân», về «Người Trời», về «Thiên tử», và đấng «Cứu thế» ở khắp các dân nước.

Khi Pháp còn theo đạo Druidisme thì quốc gia Celte được coi là tiểu vũ trụ mà vị quân vương giáo chủ được coi là Hóa Công suy lòng mình để đem sự hòa bình thượng giới vào trong xã hội loài người. [114]

Thủa xa xưa, các vua xứ Akkad thuộc miền Mésopotamie, vẫn cho mình là đại diện của Trời, là thần minh, là đấng Christ, đấng Messie vì mỗi triều đại mới là một hứa hẹn cho sự bình yên thái thịnh. [115]

Các vua Babylone thời sơ thủy, từ Sargon I tới triều đại Ur hay sau hơn nữa, đều coi mình là thần minh, ngay khi còn sinh thời. [116]

Các vua Ai Cập cũng được thần thánh hóa ngay khi sinh tiền. Và chắc chắn lả các vua Ai Cập coi mình là người Trời.. là con thần Ra. Các ngài cho rằng mình có chủ quyền chẳng những trên nước Ai Cập, mà trên khắp mọi dân nước, trên toàn thế giới... [117]

Ernest Findlay Scott cho rằng:

Chữ đấng «Cứu thế» xưa là một tiếng ngoại giáo thường được áp dụng cho nhiều vị thần minh, hay những người đã được thần thánh hóa.

Nhiều vua xứ Syrie và Ai Cập cũng được mệnh danh «đấng Cứu thế». Có lẽ vì nguồn gốc ngoại giáo như vậy nên thoạt kỳ thủy giáo dân đã tránh không muốn dùng tước hiệu ấy để xưng tụng chúa Jésus, và mãi đến thế kỷ thứ 2, tiếng «đấng Cứu thế» mới trở nên tước hiệu phổ thông để chỉ đấng Christ. [118]

Andrew F. Wall viết trong bộ Tự điển Thần học như sau:

Các dân nước quanh dân Do Thái xưa thường hay thần thánh hóa vua chúa. Chẳng hạn, người Hi Lạp tin rằng thần minh có thể mặc xác phàm, và ngược lại con người có hồn thiêng bất tử giống thần minh. Vì thế họ thần thánh hóa vua chúa rất dễ dàng.

Các vị anh hùng, các bậc cứu quốc, kiến quốc thường được tôn sùng như thần minh ngay khi họ còn sinh thời.

Alexandre được thờ sống trong những quốc gia Á Châu mà õng chinh phục được. [119]

Đối với các vua chúa kế vị Alexandre, thời việc được thờ phụng trở nên quá thông thường. Đó có thể là một kiểu dua nịnh Á Đông mà vua Hérode Agrippa đã mua với một giá rất đắt (Actes 12: 20ff), nhưng cũng có thể là một cử chỉ thành thực, như khi vua Antiochus IV Epiphanus, vị vua ác cảm với Do Thái, và Thiên Chúa Do Thái, đã xưng mình là Chúa Thần Zeus, và trên tiền tệ phát hành, ghi tạc, tuyên xưng mình là Chúa (God). Chủ trương này cũng liên quan mật thiết với truyền thống Ai Cập, một quốc gia coi giòng giõi vua chúa là Thần thánh, ngôi vua được truyền tử, lưu tôn, và giống họ Ptolémée dầu chết sống cũng được thờ phụng công khai.

Từ thời Jules Caesar về sau, thì sự thần thánh hóa vua chúa được qui định cẩn thận, và sự thờ phượng vua chúa được thi hành nguyên ở La Mã không thôi... [120]

Jules Cesar được thờ phụng trong những nơi ông chinh phục được. Vua Auguste khuyến cáo tôn thờ «Thần Jules Caesar» nhưng lại giảm bớt sự tôn thờ đối với mình. Auguste và các vua kế vị đều được thần thánh hóa chính thức lúc băng hà. Các vua như Caligula, Neron, Domitien bắt dân phải thờ phụng mình ngay khi còn sống... [121]

Ông Andrew F. Walls có lẽ muốn giải thích những dữ kiện trên, nên tiếp tục viết đại khái như sau:

Đạo huyền đồng, mật giáo Hi Lạp có mục đích tu luyện cho tâm hồn được hòa đồng với thần minh, và chủ trương tâm hồn cũng cùng một giòng giống với Thần minh. Quan niệm này đã ảnh hưởng tới Philon và cũng đã xâm nhập vào một vài hình thức của Huyền đồng Công giáo. Người ta không còn coi con người là nghĩa tử, dưỡng tử của Thiên Chúa mà chính là thông phần bản thể Thiên Chúa; tu trì là chuyển hóa bản thể chứ không phải là chuyển biến trên bình diện luân lý. [122]

  1. CÁC BIẾN CHUYỂN VỀ QUAN NIỆM THIÊN TỬ THEO GIÒNG THỜI GIAN

Quan niệm Thiên tử có thể coi như là một quan niệm, một khám phá vĩ đại của người xưa. Năm sáu nghìn năm lịch sử còn đó để chứng minh rằng con người đã có những ngưỡng vọng quả là to tát; mà ngưỡng vọng to tát nhất là tin tưởng rằng con người có thề trở nên nhân đức, thông tuệ, vẹn toàn, trở nên Con Thiên Chúa, nên Thiên tử, bước lên ngôi vị Trời, thay Trời trị dân, để cầm cân nảy mực cho muôn dân.

Chức vị ấy mở rộng chờ đón mọi người không dàmh cho riêng ai. Và trong lịch sử đã có những con người siêu việt đăng ngôi Thiên Tử, lên trị vì để đem hạnh phúc cho nhân loại.

Thay vì giới hạn ở Trung Hoa, quan niệm tuy đã có thời kỳ phổ cập khắp thiên hạ.

Đọc cổ sử ta đã thấy tước hiệu ấy được áp dụng cho những đấng quân vương tài đức, hoặc cho những vị thánh nhân.

Nhưng dần dà, theo đà thời gian, tước hiệu Thiên Tử đã mất ý nghĩa thiêng liêng của nó, đã mất hồn thiêng mà chỉ còn lại cái xác, còn lại mũ miện, áo xống, tước vị đã mất thiên tước để trở thành một huy hiệu chính trị trần tục suông. Lúc hưng thịnh nó rực rỡ như vầng nhật nguyệt, chất chứa bao là hứa hẹn thanh bình hạnh phúc cho nhân loại; thời mạt vận, lắm hồi nó lại tăm tối như trời vắng trăng sao, và gieo rắc biết bao hãi hùng, đau thương, tang tóc cho nhân loại.

Nhìn sang phía trời Tây, đã từ ngót hai nghìn năm nay, hai tiếng Thiên Tử đã trở nên một huy hiệu độc đáo, duy nhất, để tặng dữ cho Chúa Ki Tô.

Và từ đấy các vua chúa Âu Châu không còn ai dám xưng mình là Thiên tử nữa. Quan niệm «Vua - Đại diện Trời - Giáo chủ» không còn toàn vẹn nữa, và ta thấy trong vòng hơn một nghìn năm, sau bao thăng trầm, bao tranh chấp hoặc thầm lặng hoặc công khai, quan niệm ấy chuyển hướng dần để đi tới một đối đỉnh là:

«Giáo chủ - đại diện Trời - vua». Chúng ta hãy quay lại cuốn phim lịch sử...

Cách đây ngót hai mươi thế kỷ, Thiên Chúa giáo đã như ngọn nước thủy triều lan tràn khắp Âu Châu, nhất là khi vua Constantin chính thức công nhận đạo Thiên Chúa là quốc giáo (312)…

Khi giáo quyền còn bỡ ngỡ, sự tổ chức chưa có qui mô, thì các vua thượng vị còn có rất nhiều quyền hạn cả đạo lẫn đời.

Tuy không chính thức tuyên xưng là giáo chủ, các vua lúc ấy hành động y thức như vị giáo chủ ngày nay.

Vua Constantin đã triệu tập cộng đồng chung Nicée (325) đoán định về giáo lý, chủ tọa nhiều phiên họp công đồng, truất phế lưu đầy các giám mục có những tư tưởng chống đối với đại đa số. [123] Giám mục Anathase bị cộng đồng Tyr (335) kết án, đã trốn sang Constantinople để minh oan với vua, chứ không sang Rome. [124] Théodore (408-450), và Pulchérie (414-453) cũng có ảnh hưởng sâu rộng đối với các cộng đồng Ephèse (431) và Chalcédoine (453), v.v…

Khảo sát lễ tấn phong các bậc đế vương nước Pháp ta thấy vua cũng được coi là vị đại diện Chúa Ki Tô, là «một Chúa Ki Tô mới», «Chúa Ki Tô thứ hai», làm môi giới giữa Trời và Người. [125]

Charlemagne được thụ phong với tước hiệu là: «đại diện Chúa Giê su» chủ tể nước thượng vị Công giáo». [126] Trong một bức thư gửi Giáo Hoàng, nhà vua xưng mình là «Chúa, là Cha, là Vua, là Thầy cả, là lãnh đạo và hướng đạo cho toàn thể giáo hữu». [127] Ngài chủ trương trị dân là lĩnh trách nhiệm hướng dẫn dân đến sự cứu rỗi hằng cửu. [128] Và khi Giáo Hoàng Léon III lên ngôi, liền gửi cho Ngài bản sao sắc tấn phong, kèm theo chìa khoá mồ Thánh Phêrô với cờ hiệu thành La Mã, tỏ lòng thần phục. [129]

Dần dà giáo hội không cho các vị Hoàng đế xen lấn vào công việc giáo hội nữa. Các nhà thần học chủ trương: Giáo Hoàng và Hoàng đế tượng trưng cho hai nửa mình Thiên Chúa, một bên giữ quyền giáo hóa, giải kết (tha hay buộc tội), một bên giữ quyền cai trị thưởng phạt. Một bên là «Con Người», một bên là «Con Trời». [130]

Càng về sau, khi giáo hội càng lớn mạnh, thì vua chúa càng mất quyền.

Thế kỷ XI, Giáo Hoàng Grégoire VII (1073-1085) tuyên 27 Sắc chỉ (Dictatus Papoe), xác định uy quyền tuyệt đối của Giáo Hoàng:

Sắc chỉ 12: «Giáo Hoàng có quyền truất phế Hoàng đế.»

Sắc chỉ 20: «Không ai được bài bác, chỉ trích một quyết định của Giáo tông.» [131]

Đến thế kỷ XIII, dưới triều đại Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216), Giáo Hoàng thực sự có quyền tuyệt đối. Ngài tuyên xưng mình là «Đại diện Chúa Ki Tô, đại diện Thiên Chúa, Bá chủ Giáo hội và Thế giới» có quyền truất phế vua chúa và mọi sự trên Trời dưới đất, trong hỏa ngục đều thuộc quyền đấng thay mặt Chúa Ki Tô. [132]

Ngài tuyên bố: «Cũng như mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời... quyền Chúa cũng vay mượn nơi quyền Giáo Hoàng sự huy hoàng của tước vị nó.»

«Các vua chúa chỉ có quyền dưới đất, còn các linh mục có quyền cả dưới đất lẫn trên trời. Quyền vua chỉ chi phối thể xác, quyền các linh mục chi phối cả thể xác lẫn tâm hồn.» [133]

Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303) trong sắc lệnh «Unam Sanctam» viết: «Ta tuyên bố, phán quyết, xác định và tuyên cáo: sự thần phục Giáo Hoàng La Mã là điều hoàn toàn thiết yếu cho sự cứu rỗi của mọi người.» [134]

Các nhà thần học như Henri de Suse cũng chủ trương: «Giáo dân chỉ có một đầu là Giáo Hoàng.» [135]

Giáo Hoàng Calixte III (l455-l458) truyền ghi trên đồng tiền kỷ niệm triều đại: «Omnes reges servient ei» (mọi vua chúa tuân phục ngài). [136]

Giáo Hoàng Jules III (1550-1555) truyền ghi trên đồng tiền kỷ niệm triều đại: «Gens et regnum quod non servierit tibi peribit» (Dân tộc, quốc gia nào không tuân phục ngài, sẽ tiêu ma). [137]

Và trên thực tế, ta đã thấy Hoàng đế Henri IV, bị Giáo Hoàng Grégoire VII truất phế, đã lặn lội tới Canossa, chịu nhục nhằn, đóì rét, đứng chầu chực ba ngày trước lâu đài để xin Giáo Hoàng thứ tội.» [138]

Thời Giáo Hoàng Innocent III (1198-l216) vua Jean sans Terre nước Anh cũng bị vạ tuyệt thông (1209). [139] Hoàng đế Frédéric II (1194-1250) bị truất phế, v.v...

Giáo Hoàng Innocent III đã chủ trương lập nền thiên trị do đức Giáo Hoàng đứng đầu và làm bá chủ hoàn cầu… [140]

Thực ra, Giáo Hoàng được coi y như là Thiên Chúa, [141] «vì thế ngài đội mũ miện ba tầng khác nào như vua trên trời, dưới đất, và hỏa ngục». [142]

Thế là:

Quan niệm Thiên tử thay Trời trị dân ở Trung Hoa thời cổ lại sống lại phía trời Âu dưới hình thức thần quyền và đạo giáo. [143]

KẾT LUẬN

Trong công cuộc khảo sát quan niệm Thiên tử Trung Hoa, chúng ta đã tìm tòi học hỏi về vấn đề một cách hết sức sâu rộng, chúng ta đã vượt khỏi biên cương Trung Quốc, chúng ta đã rẽ sóng thời gian đảo mắt nhìn ngót năm nghìn năm lịch sử nhân quần. Đối với một vấn đề quan trọng như vậy, công trình của chúng ta thiết tưởng không có viễn vông, vô lý. Bởi vì có nhìn xa trông rộng, chúng ta mới hiểu rõ vấn đề, chúng ta mới lĩnh hội thấu đảo được rằng xưa nay Trời chẳng xa người vì từ ngàn xưa nơi trần ai tục lụy đầy gian nan mâu thuẫn này, đã có những vị thánh hiền cố công đem thanh bình an lạc từ thiên quốc xuống cho nhân loại.

Chúng ta ghi nhận những sự kiện và biến chuyển lịch sử sau đây:

1/ Từ ngàn xưa, đã có những vị Thánh vương lĩnh mệnh trời trị dân.

Trong khi ở các dân nước khác, các vua chúa tự xưng là Trời, là Người Trời, là Thần minh, ở Trung Hoa sau trước các vị đế vương chỉ xưng mình là Con Trời, lĩnh mệnh Trời trị dân.

2/ Quan niệm Thiên tử ngày một bị trần tục hóa và có thể nói được từ thời Xuân Thu Chiến Quốc về sau không còn một vị vua chúa nào ở Trung Hoa quan niệm được một cách chính xác thiên chức cao cả và sứ mạng thiêng liêng của mình.

3/ Ở Âu Châu, quan niệm Thiên tử, từ khi có Thiên Chúa giáo, đã được thu hẹp lại, và đã được siêu thăng hóa, để áp dụng cho một mình Chúa Ki Tô.

4/ Tuy nhiên quan niệm Thiên tử như là một thánh nhân hay một hiện thân của Thượng Đế vẫn còn được ít nhiều dân tộc không Công giáo, chủ trương (ví dụ như Ấn Độ). [144]

5/ Đã từ lâu dân chúng hết tin tưởng ở các vị vua chúa hay ít ra chủ nghĩa quân quyền mất hết vẻ quyến rũ đối với dân chúng, vì đã có nhiều vua chúa lạm dụng quyền thế áp bức dân lành. Cho nên tước hiệu thiên tử đã rút lui khỏi trần gian để trở thành một huy hiệu hoàn toàn đạo giáo.

Ngày nay, nếu chúng ta chịu suy nghĩ cho sâu xa về phương diện đạo giáo thì hai chữ thiên tử vẫn còn có thể nên như một chìa khóa nhiệm mầu mở cho chúng ta cánh cửa vĩnh cửu thiêng liêng huyền bí.

Thiên tử hiểu theo nghĩa đạo giáo sẽ trở nên một lý tưởng cao đẹp lôi cuốn chúng ta tiến bước mãi trên con đường hoàn thiện để tiến tới tinh hoa, tiến tới cùng cực.

Thiên tử sẽ là cùng điểm của nhân loại.

Hồng phạm nói:

«Hội kỳ hữu cực» «Qui kỳ hữu cực». [145] Phải chăng định mệnh cao sang của nhân loại là đều cùng qui hướng về tâm điểm hoàn thiện, đều hội tụ cả về cực điểm tinh hoa mà xưa vị thiên tử đã là một tượng trưng sống động.

Phải chăng vũ trụ tương lai huy hoàng xán lạn cốt là để đón chờ những vị thiên tử [146] mai sau.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh