Khổng Học Tinh Hoa: Chương 2. Quan Niệm Về Thánh Nhân Theo Thư Tịch Nho Giáo

KHỔNG HỌC TINH HOA: CHƯƠNG 2. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO THƯ TỊCH NHO GIÁO

Sau khi khảo sát quan niệm về Trời, về Thượng Đế ở Trung Hoa, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu ba vấn đề hết sức quan trọng mà xưa nay đã bị quên lãng, hay đã được đề cập tới một cách phớt qua. Đó là các quan niệm về:

- thánh nhân

- Thiên tử

- Nền Thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thấu triệt mấy vấn đề chính yếu này, chúng ta sẽ biết lòng dạ các tiên hiền, tiên thánh khi các Ngài ra công trước tác, giáo hóa; ta sẽ phanh phui những mối manh chính yếu trong giải đồng nối kết Trời người, chúng ta sẽ am tường cách tổ chức giáo hóa và chính trị người xưa, biết những phương pháp giản dị nhưng hữu hiệu, có thể mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.

Vậy trước hết, chúng ta hãy cùng nhau giở những trang sử sách cũ, tìm cho ra chân dung, chân tướng của các vị thánh nhân qua các thời đại…

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

  1. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO TỨ THƯ NGŨ KINH

Trong cuộc đối thoại với Hạo Sinh Bất Hại, Mạnh Tử đã định nghĩa và định vị trí của thánh nhân như sau:

Hạo Sinh Bất Hại, người nước Tề, hỏi Mạnh Tử: «Nhạc Chính Tử là người thế nào?» Mạnh Tử đáp: «Là người thiện và tín.» Hạo Sinh Bất Hại hỏi tiếp: «Sao gọi là Thiện? Sao gọi là Tín?» Mạnh Tử giải: «Người mà hành vi nhân phẩm đáng yêu, đáng kính, gọi là Thiện. Người làm thiện theo lương tâm và bản tính không cưỡng ép và không giả trá gọi là Tín. Người mà lòng thiện đầy đủ phát lộ ra khắp thân thể và mỗi cử động đều hợp vý lành, gọi là Mỹ. Người có mỹ đức đầy đủ và làm nên sự nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình chói lói trên đời, gọi là Đại. Đã là bực đại nhân, lại đứng ra hoằng hóa cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay về nẻo thiện, gọi là Thánh. Đã là bực thánh cảm hóa cho đời, thế mà sở hành và trí tuệ mình chẳng ai ức đạc nổi, biến hóa vô tận, thông với trời đất, gọi là Thần… Trong sáu bực đó, Nhạc Chính Tử dự vào hai bực thấp, còn bốn bực kia thì ngoài sức người vậy.» [1]

Theo định nghĩa của Mạnh Tử thì thánh nhân thực là hi hữu, ngàn năm một thủa.

Hữu Nhược nói:

Mua đá năng lượng:

«… Người năm bảy đấng,

Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,

Phượng hoàng vẫn loại chim muông,

Thái Sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò,

Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,

Thánh với phàm một phách thế nhân,

Nhưng thánh phàm, muôn phân, ngàn biệt,

Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần…»[2]

Thánh nhân bạt thiệp, siêu quần, vì các Ngài là những người thông minh duệ trí, nhân đức tuyệt vời [3] noi gương Trời mà hành sự, [4] sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế. [5]

Dịch Kinh viết: «Thánh nhân đức độ sánh với trời đất, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…» [6]

Trung Dung đề cập tới thánh nhân nhiều lần nhất, với những lời lẽ đẹp đẽ nhất. Dưới đây, xin trích dẫn một trong nhiều đoạn.

Trung Dung viết:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.

Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.

Y như có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng.

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.

Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,

Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.

Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là “cùng trời phối ngẫu”.»

(Trung Dung, chương 31)

  1. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO CHU HI

Trong tập Chu Hi học án của linh mục Stanislas Le Gall, dòng Tên, [7] có một đoạn bình luận về thánh nhân như sau:

«Trên mẫu người quân tử còn có thánh nhân, kiệt tác của Tạo Hóa, tinh hoa của nhân loại.

«Xét về phương diện bản thể, phương diện «thiên địa chi tâm», thì thánh nhân cũng như mọi người, đều thụ hưởng như nhau. Nhưng điểm làm cho thánh nhân khác biệt chính là tại «khí chất chi tính» ở nơi thánh nhân tinh toàn, thuần túy, y như hạt kim cương trong suốt, mặc tình cho ánh sáng rọi thấu qua.

Chu Hi nói: «Con người là tinh hoa của ngũ hành, nhưng thánh nhân là tinh hoa của tinh hoa đó…»

«Trong những thế kỷ tiếp giáp với thời kỳ nguyên thủy, khi hoàn võ còn măng sữa, mới mẻ, khi khí chất hãy còn tinh khiết, thì dĩ nhiên có thánh nhân sinh; đó là thời kỳ hoàng kim, có những thánh nhân, minh triết trị dân, làm cho họ sung sướng. Hứa Dung Trai cho rằng đầu mỗi kỷ nguyên vũ trụ, lại có một vị thánh nhân như Phục Hi. [8] Vũ trụ càng già càng cỗi, vật chất càng ô trọc, thì thánh nhân lại càng trở nên hiếm thấy, và hoàn võ lại dần dà quay trở về trạng thái hỗn mang nguyên thủy.

«Dưới đây là những vị thánh nhân đã được công nhận:

1- Phục Hi (2852-2737)

2- Thần Nông (2737-2697)

3- Hoàng Đế (2697-2597)

4- Nghiêu (2357-2255)

5- Thuấn (2255-2205)

6- Vũ (2205-2197)

7- Thành Thang (1766-1753)

8- Y Doãn (? -1713)

9- Tỉ Can (? - 1222)

10- Văn Vương (1232-1135)

11- Vũ Vương (1196-1116)

12- Châu Công (? -1105)

13- Liễu Hạ Huệ (khoảng 600)

14- Khổng Tử (551-479) [9]

Vị thánh sau cùng lại là vị thánh được suy tôn, sùng thượng nhiều nhất: đó là đức Khổng. Tử Cống nói trong quyển V, tiết 6, Luận Ngữ: «Thực Trời đã ban nhiều ân trạch nhiều tài năng cho đức Khổng; Ngài chính là vị Thánh…»

«Thánh nhân chính là mẫu người lý tưởng trong nhân loại, chính là tinh hoa của nhân loại, chính là người đã thể hiện được sự toàn thiện. Sự toàn thiện ấy cũng được gọi là «Thành», là «Chí Thành», «chí thiện», vì thế mà Rémusat đã dịch «thành” là «toàn thiện»; Intorcetta đã dịch là hoàn thiện, tinh tuyền; Legge cũng dịch là tinh tuyền không pha phách tà ngụy.

«Chu Hi cũng định nghĩa «thành» là chân thực, không còn chút chi man muội, lỗi lầm. [10]

«Thánh nhân như vậy có một đời sống hoàn toàn phù hợp với thiên lý. Cũng có thể nói thánh nhân được mệnh danh là «thành», chính là vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản nhiên, với thiên lý, và vì vậy đã phối hợp được với trời đất, đã sánh được với trời đất.

«Chu Liêm Khê cho rằng chữ «thành» đồng nghĩa với chữ Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có, nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính bản thiện của mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự; ý chí người hướng về chân, thiện, mỹ, không chút khó khăn và sống trong đường nhân nẻo đức, trong trãt tự và bổn phận, không chút chi vất vả.

«Nhiều người thường nghĩ «thánh nhân sinh nhi tri chi» và cho là thánh nhân có khối óc thông minh quán triệt, bao quát mọi sự, mọi điều; «thánh nhân cũng thông minh khôn lường như thần minh»… Nhưng Chu Hi cho rằng thánh nhân chỉ thông suốt được những nguyên lý đại cương, và dễ dàng suy ra những áp dụng cụ thể, hữu ích cho mọi người. [11]

«Đó cũng là ý kiến của Doãn Ngạn Minh 尹 彥 明 (1200), một nhà bình giải Luận Ngữ. Ông nói: «Tuy là bậc thánh nhân, thông minh thiên phú, và sinh nhi tri chi, đức Khổng thường nhắc đi nhắc lại rằng Ngài ham học, hiếu học. Ta đừng tưởng đó là Ngài nói nhún nhường, để khuyến khích các đệ tử theo gương mà cố gắng. Không, Ngài chỉ biết những chân lý hằng cửu, còn những áp dụng cụ thể, đặc thù, ví như những chi tiết về lễ nghi hay nhã nhạc, những chuyện xưa tích cũ, những biến cố lịch sử cổ kim, thời đức Khổng cũng phải học mới biết. Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề nan giải, khó khăn, Ngài liền thấu triệt dễ dàng, có những quyết định sáng suốt, những phán đoán xác đáng, minh triết, vì Ngài thông minh tinh tế rất mực.» Chu Hi cho rằng thánh nhân có một khối óc hoàn toàn trong sáng, hàm tàng vạn lý, vừa thoạt mới cảm xúc, liền thông suốt ngay… [12]

«Các bậc chí thánh đều tiên tri, tiên đoán được sự suy thịnh của các triều đại. Các Ngài biết trước những điều hay, dở xảy tới cho đất nước bằng cách quan sát các hiện tượng thiên nhiên, nhân tình, thế thái, hay bằng phương pháp bốc phệ, thi, qui.»

«Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi huyền diệu.

«Thánh nhân lại còn là những người có đức hạnh siêu việt, theo đúng Trung Dung, Trung Đạo; xử sự luôn theo chính lý. Mạnh Tử nói: «Các quan năng thì Trời ban cho mọi người, nhưng chỉ có thánh nhân tận dụng được quan năng mình, vì các Ngài sống hoàn toàn hợp với chân lý, hợp với lương tri, lương năng… [13]

Bình đoạn này Trình Tử cũng cho rằng thánh nhân theo đúng thiên lý, thiên đạo vì vậy đã tận dụng được quan năng mình. Phàm nhân tuy là có đạo lý trong mình, nhưng họ nào có biết, có hay; hiền nhân quân tử, tuy biết và theo, nhưng không hoàn toàn triệt để; duy có thánh nhân là giữ vẹn đạo lý, cho nên mới sử dụng quan năng được đúng mức.

«Thánh nhân vì không bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ để soi đường dẫn lối cho kẻ khác…»

«Ở nơi thánh nhân, mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn tiếng nói, ngay đến sự ngơi nghỉ yên lặng, cũng là những bài học hữu ích cho các bậc chính nhân quân tử. Những kẻ phàm phu tục tử nếu không được cải hóa, thời chỉ tại họ đã thâm căn cố đế trong tính hư nết xấu, và lòng họ đã hư hỏng. Còn thánh nhân luôn luôn có thể soi sáng nhân trí và cải hóa nhân tâm. [14]

«Ảnh hưởng của thánh nhân thực là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: «Cũng y như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hóa, thì biết được thiên lý biến dịch ở khắp nơi mà chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu; sự toàn thiện, tinh tuyền sẵn chứa nơi người. Và Chu Hi kết luận bằng những lời hết sức hào hứng như sau: «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» [15]

«Dịch Kinh từ lâu vẫn coi con người toàn thiện là có đức độ sánh với Trời. Dịch Kinh viết: «Đức độ người ngang với đức độ trời đất, người sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…»

«Tử Tư, trong bộ Trung Dung, cũng nương theo ý Dịch Kinh, chủ trương thánh nhân có thể chuyển hóa chúng nhân bằng gương mẫu và bằng lời giáo hóa, khiến chúng dân có thể tiến hóa đến cùng cực tinh hoa. Như vậy thánh nhân đã giúp đất trời trong công cuộc sinh thành muôn vật, và cùng đất trời hợp thành bộ ba. Thánh nhân sánh vai với Trời, kết hợp với Trời …» [16]

Những lời bình luận trên về thánh nhân rất là xác đáng. Nó đúng với quan niệm truyền thống Nho giáo. Theo Kinh Thư, thiên Khang Cáo, vua Thành Vương khi phong cho chú là Ông hoàng Khang làm Vệ hầu, đã khuyên Ông Khang phải cố gắng sao cho đức độ «cao vút tới Trời» (Hoằng vu Thiên).

Ông Khế bình ba chữ «Hoằng vu Thiên» như sau: «Người ta ai cũng có tính Trời. Tính Trời đó ở trong họ như lửa vừa nhen nhóm, như suối vừa tung tỏa. Con người chỉ phải khuếch sung tính Trời đó mà thôi.» [17]

Vũ Chính bình rằng: «Phải khuếch sung đức hạnh để được hợp nhất với Trời.» [18]

  1. THUYẾT THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ VÀ THIÊN NHÂN HỢP NHẤT TRONG NHO GIÁO

Cho nên thánh nhân là người «kế thiên lập cực», [19] thay Trời chỉ vẽ cho nhân loại đâu là cực điểm tiến hóa, soi đường dẫn lối cho mọi người tiến tới Trung đạo, tiến tới tinh hoa của nhân loại.

Quan niệm về thánh nhân của dân tộc Trung Hoa đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng muốn tiến tới Trời, tiến tới tinh hoa của nhân loại, phải thông minh duệ trí, sống cuộc đời nhân đức thánh thiện, phối hợp với Trời.

Nhưng muốn sống phối hợp với Trời, phải biết Trời ra sao, Trời ở đâu. Đó là cả một vấn đề! Nho gia cho rằng Trời chính là bản thể nhân loại. [20] Cho nên muốn tìm Trời phải tìm ngay trong đáy lòng mình, vì thế mà Trung Dung đã có một câu rất là táo bạo:

«Biết người trước phải biết Trời,

Biết Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?» [21]

Đọc bộ Thư Kinh Đại Toàn, ta thấy người xưa bàn về tâm pháp của các đấng thánh vương như sau:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

«Đó là tâm pháp Nghiêu truyền cho Thuấn. «Kiến trung», cố đạt tới Trung Dung, tới tinh hoa nhân loại (Thang), «Kiến cực», cố đạt tới tuyệt đỉnh tinh hoa hoàn thiện (Vũ). Đó là tâ pháp của các đời Thương Thang, Chu Vũ. Sự toàn thiện đó hoặc gọi là Đức, là Nhân, là Kính, là Thành, lời tuy khác nhưng ý là một; nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏ nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn. Nói đến Trời thì nghiêm chỉnh lòng lại, là Trời tự hiện; nói đến dân, thì cố cẩn thận tâm tư, dân sẽ được nhờ. Lễ nhạc, giáo hóa cốt là để phát huy tâm hồn. Điển chương văn vật là sự biểu dương phát lộ của tâm hồn. Suy lòng mình ra thì có thể làm cho nhà yên nước trị; thiên hạ bình. Sức mạnh của tâm hồn thực là kỳ diệu vậy.» [22]

Cho nên thánh nhân giảng dạy không phải là truyền đạo của mình, mà chính là truyền lòng mình; không phải là truyền lòng mình cho người, mà chính là truyền lòng người cho người, [23] bởi vì trong lòng mỗi người đã sẵn có lòng Trời rồi vậy. [24]

Mạnh Tử viết:

«Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.» [25]

Mạnh Tử cũng viết:

«Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn, hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được khi mình đang vui...» [26]

Cho nên muốn tìm đạo Trời phải tìm nơi đáy lòng. Chu Hi viết trong phụ chú chương 1 Trung Dung như sau:

«Những học giả muốn tìm đạo ấy

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [27]

Trong bộ Cận Tư Lục, Chu Hi lại chủ trương: nếu khai phá được hết chướng ngại vật, thấy được bản tính mình, sẽ đạt tới thiên đạo, và sẽ trở nên một với thánh nhân. [28]

Vương Dương Minh viết:

Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Lương tri mới thực chính thầy ta.[29]

Theo vi ý Kinh Thi, Kinh Thư, ta có thể hiểu truyền thống chính yếu của Nho giáo như sau: Trời sinh ra con người, đã ghi tạc vào lòng con người những khuôn phép thánh thiện tuyệt hảo, để làm di luân, qui tắc hằng cửu cho con người theo. [30] Con người chỉ cần nhận ra bản tâm, bản tính của mình sẽ thấy định mệnh cao sang của mình… chỉ cần sống hoàn toàn theo tiếng gọi lương tâm, nghĩa là gạt bỏ hết mọi tư dục, tư tà, sống cuộc đời công chính cao đại, hoàn toàn theo đúng Thiên lý, Thiên đạo, tức là lên tới mức độ thánh thiện tuyệt vời, thế là đạt tới Trung điểm, Trung đạo, thế là theo đúng mệnh Trời.

Mạnh Tử nói rằng: «Bực đại nhân vẫn giữ được cái tâm tốt lành của con đỏ.» [31]

Như vậy thánh nhân chỉ là những người giữ được bản tâm, bản tính, những người giữ được «xích tử chi tâm»; còn phàm phu tục tử chính là những người sống cuộc đời phóng túng chạy theo vật dục bên ngoài, để mất bản tâm, bản tính mình, có thế thôi.

Thánh nhân và người thường giống nhau ở chỗ cùng có một bản tâm, bản tính, mà khác nhau ở chỗ giữ được và đánh mất nó mà thôi.

Mạnh Tử viết:

«Cho nên phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một loại…

«Tâm tính của người ta giống nhau ở chỗ nào? Tức là ai nấy đều công nhận chỗ hợp lý, hợp nghĩa vậy. (Lý là những lẽ đương nhiên của bản tính, nghĩa là sự thi hành những lẽ đương nhiên ấy). Thánh nhân chẳng qua là những người trước ta đã tỉnh ngộ, và bày tỏ ý nghĩa mà chúng ta nhìn nhận đó…» [32]

Nếu chúng ta trở nên xấu xa, đánh mất bản tâm, bản tính, thì lỗi tại chúng ta chứ đâu phải lỗi nơi bản tâm, bản tính?

Mạnh Tử viết:

«Cây cối trên núi Ngưu Sơn (phía đông nam nước Tề) ngày xưa vẫn tốt tươi. Nhưng vì ở về chỗ giáp mối với một nước lớn, cho nên thường bị búa rìu bửa đốn. Như vậy có thể nào giữ được vẻ tốt tươi được chăng?»

«Nhưng nhờ có sức mạnh nhựa lưu thông ngày đêm, lại được nước sương tẩm nhuận, cho nên mới đâm chồi nảy mộng. Rồi thì bò, chiên kéo nhau từng đoàn đến ăn phá. Vì vậy mà cảnh núi ấy trở nên trơ trụi. Hiện nay thấy nó trơ trụi, ai ai cũng ngỡ rằng núi ấy chưa từng sản xuất tài mộc. Như thế há nên đổ lỗi cho bản tính của núi sao?»

«Cái bản tính tồn tại nơi người cũng thế. Người ta há chẳng có những nỗi lòng nhân nghĩa sao. Nhưng vì họ (mê sa theo các sở dục) mà buông mất tấm lòng lương thiện của họ đi, cũng như cảnh núi trở nên trơ trụi vì cây cối đều bị búa rìu bửa đốn hết vậy.»

«Mỗi ngày họ cứ sát phạt tấm lòng lương thiện của họ mãi thì lòng dạ của họ có thể nào mà tốt đẹp như xưa chăng?»

«… Cho nên nếu khéo bồi dưỡng thì vật nào cũng sinh nảy thêm ra, còn như chẳng chịu bồi dưỡng, thì vật nào cũng phải tiêu mòn.»

«Đức Khổng có nói rằng: Giữ thì còn, bỏ thì mất. Nó ra vào không chừng, không ai biết nó ở đâu. Đó là đức Khổng nói về những nỗi lòng lương thiện của con người vậy.» [33]

«… Nhân là lương tâm con người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm mình mà chẳng biết tìm nó lại, thật đáng thương hại thay! Mỗi khi con gà, con chó họ chạy lạc, thì họ biết đi kiếm mà đem về. Nhưng tới chừng cái lương tâm họ thất lạc thì họ chẳng biết cách tìm nó trở lại. Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi: Tìm lại lương tâm thất lạc của mình.» [34]

Trương Hoành Cừ chủ trương: «người theo đạo Nho sẽ từ chỗ toàn thiến tiến tới chỗ minh triết hoàn toàn. Cho nên «thiên nhân hợp nhất» là tuyệt đỉnh của sự học vấn và như vậy con người có thể thành Thánh…» [35]

Tống Nho luận về «Thiên tính tại nhân tâm» hay «thánh nhân kết hợp làm một với Trời» thật là rõ ràng. Dưới đây xin đan cử thêm một vài chứng cứ:

Diệp Lục Đồng chủ trương: «Thiên tính nơi con người cũng như tính nước nơi băng; nước và băng tuy lưu thông hay ngưng kết có khác nhau, nhưng cũng chỉ là một vật; sự hấp thụ ánh sáng nhiều ít có khác nhau, chiếu sáng mờ tỏ có khác nhau, nhưng tinh chất hấp thụ và chiếu diệu ánh sáng chỉ có một.» Cao Trung Hiến bình rằng: «Lấy nước ví Trời, lấy băng ví người, lấy sự lưu thông ngưng đọng để ví sự sống chết; lấy sự hấp thụ ánh sáng để ví sự khác nhau về bẩm chất; lấy sự thâu quang, chiếu quang để ví tính trước sau chẳng có hai.» [36]

Tôn Chung Nguyên viết: «Trời và Thần chỉ là một, Thánh với Trời cũng chẳng là hai.» [37]

Trương Tải dạy học trò rằng: «Đã học tất phải nên như thánh nhân rồi mới được thôi. Đòi biết người mà chẳng biết Trời, chỉ cầu làm hiền nhân mà chẳng cầu làm thánh nhân, đó là tệ hại của các học giả từ thời Tần, Hán đến nay.» [38]

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện thời, đã viết như sau: trong tạp chí Trung Quốc Nhất Chu và trong bộ Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử của ông trước tác như sau:

«Trung Quốc tự thời Đường, Ngu (Nghiêu, Thuấn) tới nay đều có chủ trương Trời người có thể kết hợp… Kính Trời cốt là để yêu người. Yêu người cốt là để kính Trời. Các thánh triết lịch đại chỉ cốt làm sáng tỏ lẽ “Trời người hợp nhất”.» [39]

Trong bài khảo luận của ông về Chu Dịch, ông cũng viết: «Sách Dịch thật mênh mông bao quát, nhưng đại khái là cốt xiển minh lẽ “Thiên nhân hợp nhất”.» [40]

Thực ra, ngay ở thời nhà Thanh, khi mà nền văn học, đạo học nước Trung Hoa đã suy vi, những quan niệm trên vẫn còn phổ thông trong giới học giả. Các giáo sĩ Âu Châu cũng đã nhận xét thấy trào lưu này, khi các ngài mới du nhập vào Trung Quốc hồi thế kỷ 16.

Cha Ricci viết:

«Trào lưu tư tưởng mà nhiều người theo hiện nay, theo tôi, có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống triết). quan niệm ấy là: thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, người vật, cỏ cây, tứ tượng điều họp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Thiên Chúa …

Đó là điều mà chúng ta cố gắng phi bác, chẳng những bằng lý luận mà còn bằng uy thế của tiền nhân Trung Hoa, vì các vị ấy đã giảng dạy một học thuyết khác.» [41]

Nhưng tiền nhân Trung Hoa, như các chứng cứ Kinh Thi, Kinh Thư, Luận Ngữ, Mạnh Tử trích dẫn trên cho thấy, trước sau đều có một chủ trương, một tín ngưỡng y thức như nhau và y thức như các bậc đại hiền triết thời Tống!

Theo Mạnh Tử thì dẫu là vị thánh ở Đông Di hay là vị thánh ở Tây Di, dẫu là xa nhau nghìn dặm, hay là cách nhau nghìn năm, thì tôn chỉ lề lối cũng y thức như nhau, như hai mảnh tre ở một phù tiết. Đường lối thánh trước thánh sau chỉ là một … [42]

Để rộng đường khảo sát, so sánh, tôi xin trưng ra đây quan điểm về vấn đề, của một vài vị thánh nhân Thiên Chúa giáo.

Theo thánh Augustin, thì lương tâm là nơi tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi huyền nhiệm của lòng người, nơi là tâm hồn nhận chân được sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng mình. [43]

Trong một bài giảng thuyết, ngài nói: «Cũng một nhẽ ấy, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, vẫn là Ngôi hai… mà đồng thời cũng làm cho các thiên thần sung mãn, hoàn toàn ở khắp mọi nơi, hoàn toàn hiện diện trong hoàn võ, hoàn toàn ở trong các tổ phụ, hoàn toàn ở trong các đấng tiên tri, hoàn toàn ở trong mọi đấng thánh, hoàn toàn ở trong lòng đấng Trinh nữ…» [44]

Nơi khác ngài than thở: «Lạy Chúa, trong Chúa, con sẽ có sự chắc chắn, vững vàng, và bản thể rốt ráo của con.» [45]

Thánh Paolo nhìn nhận rằng ngay những người ngoại giáo cũng tuân theo những giới luật của Thiên Chúa đã ghi tạc trong tâm khảm họ. [46]

Thánh Paolo cũng là vị thánh Công giáo đầu tiên sống với niềm tin say say là có Thiên Chúa hiện diện trong tâm khảm ngài.

Thánh Paolo viết: «Thiên Chúa là đấng đã truyền cho ánh sáng bừng lên trong tăm tối, chính cũng đã bừng sáng lên trong lòng chúng ta.» [47]

Nơi khác ngài viết: «Anh em hãy ngợi khen và hãy mang Thiên Chúa trong thể xác anh em.» [48]

Đời sống của ngài hoàn toàn phối hợp với Thiên Chúa, vì thế ngài mới dám viết cho những người xứ Galates: «Tôi sống chẳng phải tôi sống nữa, mà là Chúa sống trong tôi.» [49]

Gần đây quan điểm «thiên địa vạn vật nhất thể» và chủ trương «con người có thể tiến hóa tới cùng cực tinh hoa», «có thể phối hợp với Thượng Đế» của Kinh Dịch và của thánh hiền Trung Hoa lại được cha Teilhard de Chardin công khai chủ trương bên phía trời Âu, và được các giới văn học khắp nơi tán đồng và sùng thượng. Phải chăng đó là điềm báo hiệu cho một cuộc Đông Tây gặp gỡ, kim cổ giao duyên trong một tương lai gần gũi? [50]

Tóm lại đối với hiền thánh Trung Hoa: Đạo Trời vốn đã ẩn áo ở đáy lòng nhân loại.

Sự toàn thiện toàn mỹ cũng vốn đã nằm sẵn trong đáy thẳm lòng sâu con người.

Thánh nhân là những người thông minh duệ trí, nhận ra được căn bản hoàn thiện nơi đáy lòng mình, sống hờp với thiên lý, thiên đạo, hợp nhất với Trời. Cực điểm ấy tức là cùng đích đã đặt ra cho nhân loại: Chưa đi đến mức hoàn thiện ấy, dĩ nhiên là nhân loại còn phải tiến hóa mãi. Đại Học vì thế mới đặt lằn mức cho mọi người dừng chân: lằn mức ấy là sự chí thành chí thiện (Chỉ ư chí thiện. Đại Học chương 1).

Cực điểm ấy cũng chính là Trung điểm, Trung đạo, là Trung Dung.

Đạo thánh nhân cao siêu toàn mỹ, vì thế mới được Trung Dung khen tặng chẳng tiếc lời. Trung Dung (chương 27) viết:

«Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi chi tiết,

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho.

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả,

Nên quân tử dốc một lòng một dạ.

Trọng tính Trời, quyết gắn bó học hành,

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh.

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới không làm điều trái nghịch.

Nước có đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên: lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.»

  1. PHƯƠNG PHÁP TU LUYỆN ĐỂ TRỞ NÊN HIỀN THÁNH

Như vậy cùng đích của nhân loại đã được xác định rõ ràng: con người sinh ra đời, cốt là để «thực hiện» Thượng Đế ngay từ khi còn ở trần gian này; cốt là để sống một cuộc đời thánh thiện phối hợp với Thượng Đế. Đại Học gọi thế là «dừng chân lại ở nơi toàn thiện tuyệt đối» (chỉ ư chí thiện); Trung Dung gọi thế là «phối thiên» (kết hợp với Trời) (Trung Dung chương 31). Lão Tử cũng chủ trương rằng: «Lý tưởng cao siêu nhất của người xưa là sống phối hợp với Trời.» [51] Gần đây, nhà đại hiền triết Ramakrishna mà dân Ấn Độ coi là một vị thánh sống, một hiện thân của Thượng Đế, đã nói: «uổng thay cho những kẻ đã được diễm phúc sinh ra làm người mà không thực hiện nổi được Thiên Chúa trong đời mình! Họ sinh ra như thế thực là uổng phí, vô ích!» [52]

Vì thế các Nho gia cự phách và chân chính đã khinh thường mũ áo, công danh, coi rẻ bạc vàng, phú quí, [53] suốt đời cố gắng học hỏi suy tư, cải thiện mình, [54] ngõ hầu trở nên một hiền nhân quân tử, nên một vị thánh nhân, sống hoàn toàn thuận theo thiên lý, phối hợp với Trời …

Mạnh Tử viết: «Người quân tử trọn đời hằng có điều lo, mà không khi nào có điều sợ. Như cần phải lo thì lo thế này: «Vua Thuấn cũng là người, mình cũng là người. Vua Thuấn đã làm gương mẫu cho thiên hạ, roi truyền cho các đời sau. Còn mình đây chẳng hơn gì một kẻ làng mạc quê mùa.» Đó là điều mình nên lo sợ vậy. Đã lo, thì phải làm sao? Thưa phải làm như vua Thuấn vậy thôi. Còn như sợ thì người quân tử chẳng hề. Việc trái đức nhân mình không làm; việc trái lễ phép mình chẳng động. Như có một buổi, xảy ra điều đáng sợ, người quân tử cũng không lấy làm sợ đó.» [55]

Sở nguyện của Mạnh Tử là theo đòi đức Khổng mà thôi. [56]

Vương Dương Minh lập chí cũng chẳng kém.

Đào Trinh Nhất viết: «Người thường nói “biết con không ai bằng cha”, nhưng ở đây Long Sơn Công dù tài giỏi học đỗ tới trạng nguyên mặc lòng, thật không biết lập chí của cậu ấm con cụ.

«Cậu (khi ấy Vương Dương Minh mới 12, 13 tuổi) muốn học tới bậc gì cao hơn trạng nguyên, tể tướng, tôn hơn đế vương nữa kia. Học sao tới chỗ có ích cho muôn dân, cho nghìn đời, chứ cầu lấy béo nhà sướng thân, hiển hách một đời có sá kể gì. Xưa nay lắm kẻ chẳng học chữ nào cũng đi tới đó.»

«Cậu định học đến bậc thánh nhân!»

«Có lần nghe thầy đồ giảng sách rồi cậu bé Dương Minh hỏi:

- Thưa thầy, ở đời làm việc gì cao hơn hết?

- Chỉ có việc đi học thi đỗ thôi. Thầy học trả lời.

- Thi đỗ không phải là việc cao nhất đâu. Duy có việc học làm thánh hiền là cao hơn tất cả …» [57]

Mà muốn nên thánh hiền, tất nhiên phải biết quí trọng, biết tài bồi thiên tính, biết rèn luyện, biết khuếch sung nhân tâm.

Công Tôn Đô Tử thưa với Mạnh Tử: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người thành ra đại nhân, có kẻ hóa ra tiểu nhân?» Mạnh Tử đáp rằng: «Ai noi theo cái đại thể của mình thì làm bực đại nhân, ai noi theo cái tiểu thể của mình thì làm tiểu nhân.»

Công Tôn Đô Tử hỏi tiếp rằng: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người noi theo đại thể, có kẻ noi theo tiểu thể?» Mạnh Tử đáp rằng: «Lỗ tai là cơ quan để nghe, con mắt là là cơ quan để thấy, người ta có thể dùng chúng mà suy tư, chúng nó lại còn bị vật ngoài mê hoặc nữa. Vật trong và vật ngoài giao tiếp nhau, do đó mà những căn cơ ở người, bị các cảnh trần lôi cuốn; lỗ tai mê theo âm thanh, con mắt mê theo sắc đẹp, lỗ mũi mê theo mùi thơm, cái miệng mê theo món ngon, tay chân mình mẩy mê theo vật mịn.

«Chỉ có tâm là cơ quan để tư tưởng mà thôi. Hễ biết tư tưởng thì rõ thông chân lý; mà chẳng xét nét thì chẳng biết được chính tà.

«Các cơ quan ấy, từ những cái nhỏ là lỗ tai, con mắt, lỗ mũi, cái miệng, thân thể, tay chân, cho đến cái lớn là tâm chí đều do nơi Trời ban tất cả. Nếu trước mình đã định đặt xong cái đại thể, bồi dưỡng tâm chí, thì những cái tiểu thể như tai, mắt, v.v…chẳng chiếm đoạt quyền hành được. Nhờ đó mình thành ra bậc đại nhân vậy.» [58]

Sau khi biết mục phiêu của đời mình, sau khi đã biết mình sẽ phải rèn luyện cái gì, phải đặt trọng tâm công tác vào đâu, bấy giờ ta mới để hết tâm trí suy tư, học hỏi [59] để mở mang trí tuệ, rèn luyện cho tâm hồn ngày một thêm sắt son, sáng láng; cẩn thận giữ gìn cho mọi tâm tư, ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ của mình, sự giao tiếp đối đãi của mình đối với mọi người lúc nào cũng hợp nghĩa lý, lúc nào cũng quang minh chính đại, không ai có thể chê trách mình được.

Trung Dung (chương 20) viết:

«Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao.

Muốn lên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

Trí-nhân-dũng tu thân là lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người.

Trị người, hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa.»

Tu thân chẳng qua là cùng lý, trí tri, [60] hàm dưỡng tính tình, [61] chuyên tâm chú ý khử trừ nhân dục, hoàn toàn thuận theo thiên lý. [62]

Mạnh Tử nói rằng: «cách bồi dưỡng lương tâm hay hơn hết là nên bớt dần những điều ham muốn. Những người nào bớt được những điều ham muốn của mình, có thể chẳng bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm. Kẻ nào tham dục nhiều, có thể bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm.» [63]

Theo Thượng Thái, Thiên lý và nhân dục là hai lẽ tương đối, người ta có một phần nhân dục tức là diệt mất một phần thiên lý, có một phần thiên lý tức là thắng được một phần nhân dục. Khi người ta đã trừ bỏ được tất cả những dục vọng ở trong lòng thì phần còn lại tức là thiên lý. Bởi vậy, đối với Thượng Thái, kẻ học đạo muốn được giác ngộ, không cần phải tìm những điều xa xôi hư phiếm, chỉ biết «khắc kỷ phục lễ» để giữ toàn thiên lý là đủ. [64]

Học đạo phải biết tuần tự nhi tiến.

Trình Y Xuyên cho rằng học đạo cũng phải tuần tự trước sau, có gần, có xa, có thấp, có cao, có dễ, có khó, không thể nhất đán mà lĩnh hội được đạo thể. Người mới bắt đầu học đạo, đã muốn được «mặc thức tâm thông ngay», cũng chẳng khác gì kẻ muốn đứng trên đỉnh núi nhưng không leo núi, muốn ở bên kia sông mà chẳng vượt sông; chỉ là chuyện hão huyền, không thể nào thực hiện được … [65] Thế tức là kẻ sĩ thời mong nên giống hiền nhân, hiền nhân mong nên giống thánh nhân, thánh nhân mong nên giống Trời.

Đàng khác, công cuộc tu trì rất cần có sự kiên gan, bền chí. Đức Khổng nói: «Tỉ như đắp đất cho thành núi, chỉ còn một giỏ nữa là xong, nhưng mình lại thôi, đó là tại mình bỏ vậy.» [66]

Đời sống của những người chính nhân quân tử đang tiến bước trên con đường hoàn thiện phải là một bài kinh nguyện trường thiên, [67] sống cuộc đời đạo hạnh mẫu mực khả dĩ có thể treo gương cho mọi người.

Trung Dung (chương 29) viết:

«Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,

Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.

Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người xa ngưỡng vọng, người gần không ngán.»

Tất cả các công trình tu luyện trên đây tuy rất là quan trọng nhưng chưa có thể gọi được là đi đến Trung điểm, cực điểm, chưa gọi được là đạt tới tinh hoa nhân loại. Muốn vào tới Trung cung, Trung điểm, vào tới Trung Dung, còn phải biết nhận ra nguồn gốc và định mệnh cao sang của mình, còn cần phải rũ bỏ tất cả cái mình nhỏ nhoi hèn mọn, mà mặc lấy đại thể, đại đồng. [68] Lúc ấy tâm thần sẽ khinh khoát, quên mọi biên cương, bờ cõi, giới hạn, quên hết mọi tiểu tiết đặc thù, thung dung sống trong toàn thể vô biên. Luận Ngữ cho rằng bậc thánh nhân rốt ráo sẽ không còn bị nội giới hay ngoại cảnh chi phối, thung dung tự tại, không còn tình ý riêng tư, không còn cái mình nhỏ nhoi ti tiện. [69]

Thế tức là tuyệt hết niềm tây, hoàn toàn quên mình, để phối hợp với Thượng Đế. Đạo Lão gọi thế là «Tâm tử thần hoạt», «lòng chết để thần sống». [70] Đó là trạng thái vô ngã, vô kỷ, bỏ mình, bỏ mọi sự, mà các nhà huyền học mọi đạo giáo đều đề cập tới. [71]

  1. KẾT LUẬN

Để toát lược và kết thúc thiên này tưởng không gì hơn là dùng những lời lẽ của Trung Dung (chương 20):

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.

Thung dung trung đạo tháng ngày,

Ấy là vị Thánh từ ngày lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co...

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

Đã định học chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi.

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh;

Người làm mười lượt đã thành,

Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.»

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh