Khổng Học Tinh Hoa: Chương 4. Nền Thiên Trị Trung Hoa Thời Cổ

KHỔNG HỌC TINH HOA: CHƯƠNG 4. NỀN THIÊN TRỊ TRUNG HOA THỜI CỔ

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận

PHI LỘ

Như các chương trên đã chứng minh, dân Trung Hoa thời cổ có những ý niệm về Thượng đế y thức như dân Do Thái và quan niệm về Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, tương tự như quan niệm của Cựu Ước.

Văn liệu sử liệu còn chứng minh trong khoảng gần hai nghìn năm (từ Phục Hi 2852 trước CN tới Chu Võ Vương 1122-1115 trước CN) ngoại trừ vài gián đoạn ngắn, dân Trung Hoa đã có một nền Thỉên trị (Théocratie). Gọi là Thiên trị vì dân Trung Hoa đã tin tưởng rằng chính Trời trị dân, còn vua chúa chẳng qua là những phần tử ưu tú được lĩnh mệnh Trời trị dân. Các Ngài được mệnh danh là:

- Thiên tử [1]

- Thiên sứ [2]

Hoặc Thiên dịch [3]

Trong nền Thiên trị, Trời sẽ gián tiếp cai trị chúng dân qua trung gian các vị thánh vương, triết vương [4] tức các vì Thiên tử.

Cho nên Trời cũng đã soi sáng cho các ngài biết đường lối trị dân theo đúng thiên ý nhân tâm, và vật lý, ngõ hầu mang an bình, hòa hợp, thái thịnh lại cho muôn phương.

Kinh Thư chép rằng bí quyết trị dân, toát lược trong Hồng Phạm Cửu Trù, đã được chính Trời ban cho vua Đại Võ khi ngài trị thủy thành công. [5]

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà có Hồng Phạm Cửu Trù. Chính Trời cao đã sắp xếp cho dân con được người hướng dẫn.

Kinh Thư đã nhiều lần xác định điểm ấy.

Thiên Trọng hủy chi cáo viết:

«Than ôi ! Trời sinh ra dân có lòng muốn, không có chủ, thì loạn. Nên Trời sinh ra những bậc thông minh để trị dân. [6]

Võ Vương cũng nói:

«Chỉ có Trời đất là cha mẹ muôn vật. Kẻ thực thông minh làm vua đứng đầu. Vua đứng đầu là cho mẹ dân…» [7]

... «Trời giúp dân dưới, mới dựng nên kẻ làm vua, người làm thày, để họ giúp Thượng Đế vỗ yên bốn phương.» [8]

Trời lại còn muốn cho dân con được hướng dẫn thực sự, trong tình thương yêu, trong sự quí trọng, cho nên đã đòi hỏi người cầm quyền phải có rất nhiều đức tính.

Trong nền Thiên trị, Thiên tử phải thông minh, đức độ, có như vậy mới xứng đáng mệnh Trời. Thiên tử thay Trời trị dân nên phải uy nghi, trang trọng, thông minh, thánh trí. Mỗi động tác của người nhất nhất đều có giá trị tượng trưng hay ích lợi thực sự.

Lúc ở Trung cung thời như sao Bắc thần làm khu nữu cho muôn tinh tú chầu về. [9] Lúc đi tuần thú bốn phương thì như vầng Dương rong ruổi trên hoàn võ theo đúng nhịp điệu tứ thờì mà tới mỗi phương. [10] Cho nên đặt Thiên tử vào ngôi Hoàng cực [11] vì con Trời sẽ thay Trời cai trị chúng dân.

Như trên thượng giới, Trời ngự ở bắc cực trung tâm hoàn võ. [12]

Dưới hạ giới, thiên tử cũng trị vì ở đế đô, trung tâm muôn nước.

Hoàng cực chính là tâm điểm vũ trụ muôn phương, nơi Âm Dương giao thái, điểm hội tụ «duy tinh duy nhất» của tinh hoa nhân loại; nơi thực hiện đại đồng phổ quát; «nhất quán» vũ trụ quần sinh, bao trùm mọi biến thiên, chỉ huy mọi hành động, là tiêu chuẩn lý tưởng cho mọi người y thức trên đồ Dịch, Thái Cực ở Trung điểm là nơi phát sinh, vừa là điểm hội tụ của tất cả mọi biến hóa, mọi hào quải. [13]

Kinh Thư vừa mô tả đời sống và công trình các vị chân thiên tử, vừa dùng mọi phương cách để nhắc nhở: «Thiên tử phải thánh thiện, minh triết cho đáng ngôi Hoàng cực.»

Để chứng minh, chúng ta có thể đan cử thiên «Trọng Hủy chi cáo»:

Trọng Hủy khuyên vua Thành Thang:

«Hãy nâng đỡ người hiền, phù trợ người đức, thỏa mãn người giỏi, trọng kính người trung... Nếu nhà vua ngày một thêm nhân đức, muôn nước sẽ yêu mến. Nếu nhà vua độc đoán, độc tài sẽ bị chính họ ruồng rẫy ! Nhà vua hãy gắng làm rạng đức lớn, hãy treo gương «trung đạo» cho dân. Xin lấy nghĩa trị việc, lấy lễ trị lòng, hãy để lại cho hậu thế một tấm gương xán lạn. Tôi nghe nói: «Kẻ biết tìm thày hay chỉ dẫn, sẽ thống trị; còn kẻ coi mình hơn mọi người sẽ đi đến chỗ suy vong. Thích hỏi han sẽ trở nên cao đại; tự chuyên, tự đắc sẽ trở nên «ti tiểu». Ôi nếu muốn thành công, phải lo từ khởi điểm... Hãy khuyến khích kẻ có lễ nghi, hay lật đổ kẻ hôn bạo! Có trọng đạo Trời, mới giữ được mệnh Trời.» [14]

Tứ Thư, Ngũ Kinh, còn đưa ra những nguyên tắc trị dân rất là đẹp đẽ. Những nguyên tắc ấy đã ghi trong Hồng Phạm Cửu Trù một cuốn sách tương truyền đã được Trời ban cho vua Đại Võ khoảng năm 2278 trước CN để thưởng công trị thủy thành công. [15]

Theo Hồng Phạm, thiên tử trong khi trị dân sẽ tuân theo thiên lý, nương theo vật lý, tâm lý để khai thác vật chất, chuyển hóa nhân tâm, cho vũ trụ nhân quần tiến dần tới chân thiện mỹ. Công cuộc cai trị này sẽ trang trọng như một cuộc hành lễ, và êm đềm như một bài thơ, một khúc nhạc...

Chúng ta sẽ khảo cứu Hồng Phạm một cách tỉ mỉ, một cách cặn kẽ trong những trang sau.

Nhưng nếu chỉ nghiên cứu nguyên Hồng Phạm Cửu Trù, sẽ không làm nổi bật được hết cái hay cái đẹp của nền Thiên trị. Chúng ta phải đặt Hồng Phạm vào khung cảnh Tứ Thư Ngũ Kinh, như đề tài chính ở giữa một họa phẩm mênh mông, như quân vương ngự giữa triều đình rực rỡ, chúng ta mới lĩnh hội được tinh hoa, mới nhận định được mọi vẻ huy hoàng cao đại của Hồng Phạm.

Chúng ta sẽ dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh, điểm tô chảỉ chuốt cho các thiên Hồng Phạm, ta sẽ đem các lời lẽ của Khổng Mạnh làm hoa làm ngọc cài lên các ý tứ của Hồng Phạm; nói cách khác, chúng ta sẽ dùng những lời lẽ của Khổng Mạnh để quảng diễn và bình giải Hồng Phạm.

THIÊN DẪN ĐẦU

ĐẠI CƯƠNG HỒNG PHẠM CỬU TRÙ

Hồng Phạm Cửu Trù là chương trình đại qui mô gồm chín điểm ghi chú những nguyên tắc chính yếu để trị dân.

Tục truyền Trời đã ban Hồng Phạm Cửu Trù cho vua Đại Võ.

«Thư Kinh Bị Chỉ» chia Hồng Phạm làm 3 phần:

Phần nhất: Gồm ba tiết đầu, đề cập tới xuất xứ của Hồng Phạm: Vua đã được Trời ban cho Hồng Phạm. Cơ Tử truyền lại cho Võ Vương nhà Châu.

Phần hai: Tức tiết 4. Trình bày tổng quát chín thiên Hồng Phạm.

Phần ba: Từ tiết 5 đến tiết 40, mô tả rành rẽ chín thiên Hồng Phạm.

Trong chín thiên Hồng Phạm, thì thiên 5 là quan trọng nhất, và là then chốt vì bàn về đức độ toàn thiện đấng quân vương.

4 thiên trước minh định những phương pháp đạt tới đức độ siêu việt ấy.

Còn 4 thiên sau trình bày những cách thế để giữ gìn đức độ siêu việt ấy. [16]

Xưa nay ít người khảo sát Hồng Phạm theo đường lối này, thành thử Hồng Phạm trở nên mơ hồ huyền ảo, như một động phủ chìm ngập trong mây, xa xăm bí ẩn, phảng phất mung lung…

Trái lại, nếu ta dùng Thư Kinh Bị Chỉ làm chiếc chìa thần để mở các khóa then Hồng Phạm, ta sẽ phanh phui được nhiều điều huyền diệu của tiền nhân. [17]

Hồng Phạm Cửu Trù là hiến chương căn bản dạy cách thay Trời trị dân, nên toàn ghi chép những lời huấn thị cho các bậc đế vương.

Nó đi sâu vào gốc rễ thần quyền, thế quyền, nó đưa ra một bí quyết trị dân rất là cao siêu huyền diệu, rập đúng theo guồng máy âm dương của vũ trụ và tiết tấu của trang sao, và có mục đích giúp con người khai thác những khả năng vô tận tiềm ẩn trong lòng mình, và trong lòng vũ trụ. [18]

Võ Vương vì muốn rõ cơ vi về phương pháp trị dân, nên đến phỏng vấn Cơ Tử. [19]

Hồng Phạm viết:

Năm thứ 13, vua tới phỏng vấn Cơ Tử.

Vua nói: «Này, ông Cơ Tử ! Trời luôn ám trợ chúng dân để cho họ được an hòa thái thịnh. Trời còn cộng tác với dân để giúp đỡ phù trì họ trong công cuộc bảo tồn giang sơn. Ta không biết đạo trị dân phải diễn tiến thế nào cho phù hợp với những nguyên lý hằng cửu chi phối nhân loại.» [20]

Cơ Tử tâu: «Tôi nghe xưa chúa Cổn ngăn lấp Hồng Thủy, làm đảo lộn tính chất ngũ hành. Thượng Đế nổi giận, không ban Hồng Phạm Cửu Trù, vì thế các định luật hằng cửu bị hiểu sai trật. Cổn bị đày mà chết. Vua Võ nối tiếp công trình trị thủy. Trời ban cho Ngài Hồng Phạm Cửu Trù cho nên các định luật hằng cửu được áp dụng đúng cách, hợp theo thứ tự diễn biến.»

Cơ Tử bèn lần lượt trình bày chín thiên Hồng Phạm cùng vua Võ...

Chín thiên Hồng Phạm ấy từ 4000 năm nay đã khoác một lớp áo cổ kính, có một dáng điệu xa cách, đạo mạo, có một lối văn tỉnh mật cao siêu, nên khó gây cảm hứng. Nay ta sẽ trình bày lại Hồng Phạm, sẽ lấy Tứ Thư Ngũ Kinh trang điểm lại cho Hồng Phạm, để Hồng Phạm trở nên linh động duyên dáng, có một bộ mặt thế kỷ, một tâm tư thời đại ngõ hầu trao lại cho chúng ta những nguyên tắc chính trị cao đại và hằng cửu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh