Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 8. Các Cuộc Điểm Đạo Thứ Nhì Và Thứ Ba

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 8. CÁC CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHÌ VÀ THỨ BA

(QUẢ VỊ TU ĐÀ HÀM(Sakridagamin)và A NA HÀM(Anagami)

BA ĐIỀU CHƯỚNG NGẠI ĐẦU TIÊN

Người thí sinh vượt qua cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, đã vĩnh viễn bước vào đường Đạo thật sự, con đường này đưa đến quả vị Chơn Tiên, tức là giai đoạn cuối cùng đưa y thoát ra khỏi kiếp làm người để bước vào đời sống Siêu Nhân Loại. Nhìn vào con đường này từ bậc dưới thấp, người ta có thể ngạc nhiên mà thấy người thí sinh không bị kiệt sức sau khi đã trải qua những công phu nhọc nhằn đưa y đến cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và cũng không ngã lòng hay chán nản trước những đảnh núi cao vót dựng lên trước mặt y trên con đường Đạo gay go hiểm trở mà y còn phải vượt qua. Nhưng người thí sinh đã hòa mình với sự sống thiêng liêng và sức mạnh của y nay đã tăng lên gấp mười. Đó là nhờ bởi cõi lòng y được tinh khiết, và sự tốt đẹp huy hoàng của một nhân loại lý tưởng, càng ngày càng hiển hiện rõ rệt đối với y có một sự hấp dẫn và một sự cảm hứng dồi dào mà không một thú vui vật chất nào ở trần gian có thể sánh kịp. Cuộc Điểm Đạo thứ nhì kết thúc giai đoạn đầu trên đường Đạo của người thí sinh. Muốn được hai lần Điểm Đạo, y phải dứt bỏ ba điều chướng ngại sau đây:

1.-Sakkayaditthi. tức là ảo tưởng về bản ngã.

2.-Vichikicchehha. tức là sự nghi ngờ.

3.-Silabbataparamasa. tức là sự mê tín.

Chướng ngại thứ nhứt là cái ý thức của bản ngã cho rằng: "Tôi là tôi" nó chỉ là một điều ảo tưởng thuộc về phàm nhơn, và phải được loại trừ ở ngay bước đầu của con đường tiến hóa thật sự. Nhưng dứt bỏ điều chướng ngại đó còn ngụ ý rằng: Người thí sinh phải nhận định rằng cái Chơn tánh của con Người vốn là Một với tất cả, và bởi đó y không thể có những thích thú riêng tư nào trái ngược với những thích thú của những kẻ đồng loại, y chỉ thật sự tiến hóa khi nào y giúp đỡ sự tiến hóa của kẻ khác.

Còn điều chướng ngại thứ hai, thì thiết tưởng cần phải nói rõ vài lời. Những người được hấp thụ văn hóa và tư tưởng của người Âu thường quen thuộc với cái ý nghĩ sai lầm rằng những tín đồ của mọi tôn giáo, đạo giáo hay môn phái, đều phải có một đức tin mù quáng và tuân theo một cách triệt để, không bàn cãi hay biện luận, những tín điều của các tôn giáo đó. Bởi đó, khi họ nghe nói rằng trong khoa Huyền Môn, sự nghi ngờ là một chướng ngại cho sự tiến bộ, thì họ có thể nghĩ rằng trên đường Đạo có lẽ người thí sinh cũng bị bắt buộc phải có một đức tin mù quáng giống như những sự mê tín của thời buổi hiện đại. Đó là một điều lầm lạc rất lớn.

Quả thật sự nghi ngờ về một vài vấn đề là một trở ngại cho sự tiến bộ về tinh thần, nhưng phương thuốc trị sự nhgi ngờ đó không phải là đức tin mù quáng (vì chính điều này cũng là một chướng ngại), mà là một sự quả quyết chắc chắn căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân hay trên sự suy luận bằng lý trí. Khi mộ đứa học trò nghi ngờ sự đúng đắn của bàn toán cửu chương, thì nó không thể nào học giỏi về khoa Đại số; nhưng sự nghi ngờ của nó chỉ có thể được giải quyết một cách mỹ mãn bằng sự hiểu biết, căn cứ trên sự suy luận và thí nghiệm, rằng bàn cửu chương là đúng. Nó tin rằng: hai nhân cho hai là bốn, không phải vì người ta nói với nó như vậy, nhưng vì điều ấy đối với nó đã trở nên một sự thật hiển nhiên. Và đó chính là phương pháp duy nhất để giải quyết sự nghi ngờ theo ý nghĩa của khoa Huyền Môn.

Danh từ Vichikichchha được định nghĩa như là nghi ngờ những giáo lý về Nhân quả và Luân Hồi, và nghi ngờ sự hiệu quả của phương pháp đưa đến mức Toàn Thiện, tức là con đường Chánh Đạo vậy. Nhưng sự hiểu biết những vấn đề này cũng làm cho ta nhận thức một cách rõ ràng rằng cõi thế gian là một trường học thiêng liêng, rằng Thiên Cơ là sự tiến hóa của sự Sống trường tồn bất diệt xuyên qua những hình thể hữu hoại, và Cơ Trời là một cái gì tốt đẹp và huy hoàng vô cùng.

Nhờ dứt bỏ điều chướng ngại thứ nhì, người Đạo Đồ có được sự quả quyết chắc chắn, căn cứ trên sự hiểu biết cá nhân hoặc sự suy luận rằng giáo lý của Huyền Môn về những điểm nói trên là đúng.

Điều chướng ngại thứ ba, sự dị đoan mê tín, được miêu tả như là gồm tất cả mọi sự tin tưởng mù quáng hoặc sai lầm và sự tin tưởng rằng những nghi thức, lễ bái bề ngoài là cần thiết cho sự tu tâm luyện tánh. Người Đạo Đồ thấy rằng tất cả những phương tiện giúp đỡ mà những tôn giáo lớn đưa ra, như là sự cầu nguyện, lễ bái, hành hương, nhịn đói, và bao nhiêu những nghi thức cúng tế khác, đều chỉ là những phương tiện "giúp đỡ" bề ngoài mà thôi, chớ không có gì khác hơn. Người khôn ngoan sẽ áp dụng những phương tiện hoặc nghi thức nào mà y thấy rằng hữu ích, nhưng sẽ không bao giờ tin tưởng rằng những nghi thức bề ngoài đó sẽ đủ sức giúp cho y được giải thoát. Người ấy biết chắc chắn rằng sự giải thoát chỉ có thể đạt tới được do nội tâm, và mặc dầu những phương tiện giúp đỡ bề ngoài có thể là rất hữu ích để phát triển ý chí, Minh Triết và Bác Ái, nhưng chúng không thể thay thế cho sự tự lực công phu cố gắng, nhờ đó người hành giả mới đi đến mục đích. Người dứt bỏ được điều chướng ngại này sẽ nhận thấy rằng không có một hình thức tôn giáo nào là cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng với bất cứ một tôn giáo nào, và thậm chí ở ngoài vòng tôn giáo, người ta cũng có thể tìm thấy con đường Đạo đưa đến mục đích.

Ba điều chướng ngại này đều có liên lạc chặt chẽ với nhau. Khi người ta đã hiểu rõ sự khác biệt giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn, thì người ta có thể hiểu được sự thật về vấn đề Luân Hồi, và giải tán mọi sự nghi ngờ về vấn đề này. Kế đó, sự hiểu biết về tính cách trường tồn bất diệt của linh hồn sẽ làm cho người ta tin tưởng nơi sức mạnh linh hồn của chính mình, và dẹp tan mọi điều dị đoan mê tín.

Mỗi giai đoạn trên đường Đạo đều chia làm bốn thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhứt là Maggo, hay phương tiện, trong khi đó người học Đạo cố gắng loại trừ những chướng ngại. Thời kỳ thứ hai là Phala, hay kết quả, trong khi đó người học Đạo thấy rằng những cố gắng của y càng ngày càng đem lại kết quả. Thời kỳ thứ ba là Bhavagga, hay viên mãn, trong hki đó mọi kết quả đã thành tựu một cách trọn vẹn, người học Đạo có thể thực hiện một cách mỹ mãn công việc thuộc về thời kỳ phát triển hiện tại của y. Thời kỳ thứ tư là Gotrabhu, nghĩa là thời kỳ mà y đạt tới một trạng thái có thể trải qua cuộc Điểm Đạo kế tiếp.

Để trở nên một vị Gotrabhu, người học Đạo tuyệt đối cần phải diệt trừ những chướng ngại thuộc về giai đoạn của y trên đường Đạo. Trước khi một người có thể qua cuộc Điểm Đạo thứ nhì, vị Điểm Đạo do đức Ngọc Đế chọn lựa đòi hỏi những bằng chứng về việc người ấy đã sử dụng cách nào những quyền năng mà y đã thâu thập trong cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và một điều tốt đẹp trong cuộc lễ là khi những người đã từng được người thí sinh giúp đỡ, tiến lên để chứng minh điều đó. Một điều kiện bắt buộc trong cuộc Điểm Đạo này, là người thí sinh phải có phát triển quyền năng hoạt động tự do trong Thể Trí của y, vì cuộc lễ Điểm Đạo thứ nhứt diễn ra trên cõi Trung Giới, còn cuộc lễ Điểm Đạo thứ nhì diễn ra trên cõi Hạ Thiên.

Điều đó có lẽ khó dung hòa với điều người ta nói rằng những cuộc Điểm Đạo thường diễn ra trong một gian phòng hay một khu vườn, nhưng sự thực đúng như vậy. Nếu cuộc Điểm Đạo do đức Di-Lặc-Bồ-Tát làm Chủ Lễ thì cuộc lễ thường được cử hành nơi khu vườn hoặc trong gian phòng lớn của Ngài. Chính Ngài dự cuộc lễ trong Thể Xác của Ngài, và trong nhiều trường hợp đức Bàn Cổ Vaivasvata cũng làm y như vậy, vì Ngài ở gần đó. Tất cả những vị khác có mặt thường đến bằng Thể Vía trong những cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và bằng Thể Trí nếu là cuộc Điểm Đạo thứ nhì. Những đấng Cao Cả tham dự cuộc lễ đặt Tâm Thức của các Ngài một cách dễ dàng vào bất cứ cõi giới nào khi cần thiết, nhưng vì mọi sự vật ở cõi Trần đều có một sự phản ảnh rõ rệt trên các cõi Trung Giới và Thượng Giới, cho nên những sự miêu tả như trên đều là hoàn toàn đúng sự thật.

MỘT CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHÌ

(Chứngquả Tu-Đà-Hàm: Sakridagami)

Chúng tôi được tin cho biết sẽ có một cuộc hội họp lớn của các đấng Chân Sư tại nhà của đức Di-Lặc-Bồ-Tát vào đêm trăng rằm, và thừa dip này, sẽ có một cuộc thâu nhận vài thí sinh vào cuộc Điểm Đạo "Tu-Đà-Hàm" sau khi đó. Chân Sư Morya muốn rằng những vị đỡ đầu cho những thí sinh trẻ tuổi này hãy đến gặp Ngài trước 10 giờ tối.

Tối hôm đó, nhiều huynh đệ từ Ấn Độ đến đã thấy lảng vảng chung quanh, và khi những thí sinh cùng những vị đỡ đầu đến nhà đức Chân Sư Kuthumi, thì họ đi theo sau một cách kín đáo và đợi chờ một cách kính cẩn ở gần nơi đó. Sau khi họ đã đến nhà được một lát, thì đức Chân Sư Morya bước vào. Hai vị Chân Sư liền đến nhà đức Di-Lặc ngay sau đó, còn những vị đệ tử đi theo và đứng ở ngoài vườn trong khi hai vị Chân Sư vào trong nhà.

Khu vườn này ở trên sườn phía Nam dãy Hy-mã-lạp-sơn, nhìn xuống những vùng đồng bằng bao la của sứ Ấn Độ xa tận chân trời. Vườn có bóng rợp che và giáp với một cụm rừng thông ở bên tay mặt. Bên kia cụm rừng về phía Đông có một ngôi nhà bằng đá rất cổ, với một hàng ba rộng và nhiều cột, tức là nhà của đức Bàn Cổ Vaivasvata. Khu vườn của đức Di-Lặc đêm ấy ánh sáng trăng rằm tỏa xuống soi khắp các khóm hoa, và chiếu sáng trên mặt ghế cẩm thạch dưới gốc cây đại thọ, là nơi an tọa thường ngày của đức Di-Lặc, và cũng là nơi Ngài ngồi trong dịp họp đêm nay. Các đấng Chân Sư ngồi chung quanh Ngài theo một vòng bán nguyệt trên chiếc bao lơn đầy cỏ mọc ngay phía dưới chỗ Ngài ngồi.

Đứng trên bao lơn, một bực thấp hơn nữa, là hai vị thí sinh giữa hai đấng Chân Sư giới thiệu họ là Chân Sư Kuthumi và Chân Sư Djwal Kul. Ở phía sau những vị này là những vị đỡ đầu cho người thí sinh trẻ tuổi ỡ cõi hạ giới. Đức Bàn Cổ ngồi hơi lui về phía sau ở bẹn tay mặt đức Di-Lặc-Bồ-Tát, và ở phía trên hai Ngài chiếu diệu hình ảnh Phật Thích-Ca. Trong kiếp cuối cùng của Đức Phật ở thế gian, Ngài đã từng nhận ở hai người thí sinh này "lời nguyện thiêng liêng bất diệt" và bây giờ Ngài ban ân huệ thiêng liêng của Ngài cho họ trong dịp tiến bước lên một quả vị mới. Gần bên Ngài là Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan), vị chủ tể của Năm Cung, và ở chính giữa hai Ngài và hơi ở phía trên một chút, lát nữa sẽ chiếu sáng Ngôi Sao của đấng Điểm Đạo Độc Tôn, tức là đức Ngọc Đế, Chủ tể của Quần Tiên Hội, đễ đáp lại lời thỉnh nguyện của đức Bồ Tát. Đó là cái bối cảnh long trọng và huy hoàng của cuộc lễ Điểm Đạo.

Chân Sư Kuthumi và Chân Sư Djwal kul dắt hai vị thí sinh tiến lên một bước, và đức Bồ Tát hỏi rằng:

-Những người này là ai mà các vị đưa đến đây như vậy?

Chân Sư Kuthumi đáp:

-"Đây là hai sư đệ, sau khi đã dứt bỏ những chướng ngại cách biệt bản ngã, nghi ngờ và dị đoan và đã lập nhiều công quả, nay muốn được chứng quả vị Tu-Đà-Hàm (Sakridagamin). Tôi xin giới thiệu họ như những vị Gotraghu".

Đức Di-Lặc hỏi:

-"Các vị sẽ tiếp tục dìu dắt những sư đệ này trên đường Đạo mà họ sẽ bước vào chăng?"

Chân Sư đáp:

-"Tôi sẽ tiếp tục".

Đức Di-Lặc nói:

-"Luật lệ của chúng ta bắt buộc phải có hai vị Sư Huynh cao cấp bảo đảm cho mỗi thí sinh trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì. Vậy có Sư Huynh nào khác ủng hộ lời thỉnh cầu của họ chăng?"

Chân Sư Djwal kul đáp:

-"Tôi xin bảo đảm".

Đức Di-Lặc quay về phía những người đỡ đầu và nói:

-"Còn các vị, với tư cách là hai Sư Huynh sống ở ngoài thế gian, đã đảm nhiệm coi sóc cho người thí sinh trẻ tuổi. Các vị đã có kinh nghiệm trong chức vụ đỡ đầu. Vậy trong khi thể xác của thí sinh này còn non nớt và trẻ tuổi, các vị có sẵn lòng tiếp tục đỡ đầu cho y và giúp đỡ y trên đường Đạo chăng?"

Hai vị đỡ đầu trả lời:

-"Chúng tôi sẵn lòng".

Đức Di-Lặc hỏi:

-"Các vị đối với y có đủ tình thương để cho công việc đỡ đầu được dễ dàng và tốt đẹp chăng?".

Hai vị đáp:

-"Tình thương của chúng tôi đối với y hiện nay còn sâu đậm hơn là lúc ban đầu. Y rất dễ dạy và ham học hỏi".

Đức Di-Lặc nói với người thí sinh trẻ tuổi:

-"Còn về phần con, con có thương yêu hai vị Sư Huynh này, và tiếp tục chịu sự hướng dẫn của hai vị một cách tuyệt đối chăng?"

Người thí sinh đáp:

-"Con xin vui lòng, vì con thương yêu cả hai Sư Huynh con và biết ơn cả hai vị đã dìu dắt co trên đường Đạo".

Đức Di-Lặc nói với hai thí sinh:

-"Vậy hai con muốn được chứng quả vị Tu-Đà-Hàm phải chăng?"

Hai người đáp:

-"Chúng con muốn như vậy, nếu chúng con có đủ sức".

Đức Bồ Tát nói:

-"Theo luật lệ của Quần tiên Hội từ ngàn xưa, những thí sinh Điểm Đạo phải trả lời các câu hỏi về việc họ đã sử dụng như thế nào những quyền năng ban bố cho họ. Có ai làm chứng về những việc làm của hai thí sinh này kể từ khi họ đứng tại đây lần trước và được thâu nhận vào Quần Tiên Hội? Họ đã làm những gì để truyền bá Đạo lý? Ai là những người đã được họ giúp đỡ?"

Những lời nói nghiêm chỉnh đó vang rền chung quanh như những tiếng kêu gọi. Một đám người làm chứng từ bốn phía tiến lên rất đông, và đứng trong im lặng, họ nhìn hai người thí sinh đứng ở giữa với những cặp mắt trìu mến và biết ơn. Chân Sư Kuthumi nói:

-"Đây là những người từ nhiều xứ và nhiều địa phương khác nhau, đã nhờ hai đệ tử của tôi đem đến cho họ ánh sáng Chân lý, sức mạnh và sự an ủi. Người đệ tử lớn này đã truyền bá giáo lý của tôi cho hằng ngàn người, và đã hoạt động không ngừng để đem ánh sáng cho những kẻ tối tăm; và những người này hiện có mặt nơi đây để làm chứng. Y cũng có viết một quyển sách và nhiều bài vở, và đó là bằng chứng việc làm của y để phụng sự kẻ khác.

Còn người đệ tử nhỏ của tôi,- Chân Sư mỉm cười một cách dịu dàng- hãy còn ở trong một Thể Xác quá trẻ để có thể hoạt động; nhưng y đã có viết một quyển sách nhỏ để truyền bá giáo lý mà tôi đã dạy y; có hằng muôn người coi y như người dìu dắt hướng dẫn họ đến gần chúng ta, và họ cũng đang có mặt tại đây để làm chứng".

Có nhiều giọng hô to: "Chúng tôi làm chứng" và không khí có vẻ như chuyển âm thanh vang rền của hằng bao nhiêu giọng nói cùng một lúc. Đức Bồ Tát mỉm cười một cách rất ngọt ngào không thể tả trong khi Ngài, với tư cách là đấng Cứu Thế, nghe những câu trả lời đáp lại lời kêu gọi của Ngài lúc nãy.

Kế đó, người đỡ đầu thứ nhứt nói: "Tôi xin làm chứng cho người lớn tuổi hơn trong hai người thí sinh này. Trong những thời kỳ khủng hoảng, y đã giữ vững lòng trung kiên đối với đức Thầy và đối với tôi. Y cũng đã tận dụng mọi quyền năng của y để phụng sự kẻ khác một cách bền lòng và vị tha.

Còn đối với người thí sinh trẻ tuổi hơn, tôi xin chứng minh rằng y luôn luôn tìm cách giúp đỡ người khác một cách khéo léo, và ban rải tình thương, nó làm cho sự có mặt của y là một nguồn ân huệ cho người chung quanh. Mọi người đều biết giá trị của quyển sách nhỏ quý vô giá của y".

Người đỡ đầu thứ nhì cũng ủng hộ hai người thí sinh bằng những lời lẽ như sau:

-"Tôi cũng chứng minh thêm cho hai vị thí sinh này. Người lớn tuổi hơn đã từng giúp đỡ tôi trong công việc một cách trung thành, tận tụy và hy sinh. Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng y đã đem đến nguồn cảm hứng và ánh sáng cho cuộc đời của họ.

Còn về người thiếu niên này, tôi xin chứng minh rằng y đã đem đến một nguồn cảm hứng dồi dào về tình thương và lòng sùng tín cho những hội viên ở Adyar và Bénarès, và đem đến một sự thay đổi trong cuộc đời của họ. Tôi cũng có nhận được nhiều thơ từ của những người mộ Đạo, nói rằng họ nhờ đọc quyển sách của y mà có một quan niệm mới về cuộc đời".

Chân Sư Kuthumi kêu gọi trong đám đông những người đã học hỏi và hiểu biết Chân Lý nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của mỗi vị thí sinh này. Nhiều người tiến lên và nhìn nhận sự giúp đỡ mà họ đã thụ lãnh, mỗi người đã nói lên những gì họ cảm thấy trong lòng; và nhiều người nói rằng quyển "Dưới Chân Thầy" đã đem đến cho họ một quan niệm mới về cuộc đời. Những người đã được giúp đỡ, nhưng không thể đến dự cuộc lễ vì họ còn thức giấc và mắc bận công việc ở thế gian, được thay mặt bởi những chiếc hình nộm do Chân Sư tạo ra; và mặc dầu những hình nộm đó không thể nói năng hoặc cử động, nhưng nó có thể chuyển một phần nào cái ảnh hưởng tốt đẹp huy hoàng của cuộc lễ đến cho đương sự. Kế đó, đám đông rút lui dần, trong khi cuộc lễ vẫn tiến hành.

Đức Bồ Tát lúc ấy mới mở lời với các thí sinh, Ngài khen ngợi công quả của họ đã làm, và bày tỏ hy vọng rằng những quyền năng mới từ nay được ban cho họ, sẽ được sử dụng một cách mỹ mãn cũng như trước đây họ đã từng sử dụng những quyền năng đã có. Ngài nói tiếp:

-"Các con đã vĩnh viễn loại trừ ba thứ chướng ngại nó trói buộc người thế gian ở cõi Trần, từ nay các con hãy dùng sự giải thoát của chính mình để làm giảm bớt sự phiền não của chúng sinh do nơi ba thứ chướng ngại đó gây ra. Các con đã kinh nghiệm một cách chắc chắn rằng ý thức về bản ngã là một ảo tưởng. Từ nay các con hãy làm cho sự quả quyết đó thấm nhuần tới các hạ thể, để cho các con sẽ không còn có một hành động hay tư tưởng nào thuộc về bản ngã mà trái lại mọi việc làm đều phải phù hợp với cái đại ngã duy nhất, nó xuyên qua tất cả chúng sinh. Vậy các con có cố gắng thực hiện điều đó hay chăng, cho đến lúc thành công?"

Hai vị thí sinh đáp:

-"Con sẽ cố gắng".

Đức Di-Lặc nói:

-"Các con đã diệt trừ chướng ngại nghi ngờ, các con đã biết chắc chắn rằng sự tiến hóa là một điều có thật, và phương pháp tiến hóa của vạn vật là luôn luôn giáng xuống cõi vật chất, dười sự cai quản của luật thừa trừ. Các con phải sử dụng những quyền năng sẽ ban bố cho các con để giúp cho kẻ khác cũng diệt trừ sự nghi ngờ, để cho họ cũng được chia sớt sự hiểu biết như các con. Vậy các con sẽ dùng những quyền năng đó để giúp đỡ kẻ khác hay chăng?"

Hai người thí sinh đáp:

-"Con sẽ vui lòng làm như vậy".

Đức Di-Lặc nói tiếp:

-"Các con đã vượt qua chướng ngại dị đoan. Các con biết rằng người ta có thể tìm thấy ánh sáng trong bất cứ tôn giáo nào. Các con biết rằng những nghi thức lễ bái không có một chân giá trị nào, và tất cả những gì thực hiện do sự lễ bái nghi thức, đều có thể làm được bằng sự hiểu biết và ý chí. Trên hết, các con đã dứt bỏ sự tin tưởng dị đoan nơi một Thần quyền tàn bạo cầm quyền sinh sát trong Vũ trụ, các con biết rằng tất cả mọi loài đều sinh hoạt trong một tình Bác Ái đại đồng, và chính cái tình Bác Ái bao la đó là cái giáo điều mà các con phải phổ biến khắp trên thế gian. vậy các con có tìm cách phổ biến tình Bác Ái đại đồng để dẹp bớt sự tối tăm u ám trên thế gian chăng?"

Hai người thí sinh đáp:

-"Chúng con xin vâng lời dạy".

Đức Di-Lặc nói tiếp:

-"Các con chớ quên rằng không có sự tối tăm u ám nào khác hơn là sự tối tăm gây nên bởi vô minh và ảo tưởng. Có câu nói rằng: "Mỗi một ân huệ toàn hảo là từ trên ban xuống, do nơi đấng Cha Lành tuyệt đối. Đấng Thiêng Liêng vốn là Ánh Sáng nơi đó không có sự tối tăm, nhưng con người không chịu hướng về Ánh Sáng của Ngài, mà lầm lũi đi trong bóng tối của chính họ, rồi kêu rằng đâu cũng là hắc ám".

Kế đó những thí sinh phải trải qua một vài điều thử thách về công việc trên cõi Thượng Giới. Họ phải quan sát những nhân vật trên cõi Thượng Giới chẳn hạn như những nhân vật sẽ được giao cho họ săn sóc về sau này, và đức Bồ Tát hỏi họ sẽ làm thế nào để giúp đỡ họ trong mỗi trường hợp. Một trường hợp đó là của một người tu sĩ thời Trung Cổ, tuy có lòng sùng Đạo chân thành, nhưng lại có những ý tưởng vô cùng chật hẹp về Thượng Đế, về các Thánh và Giáo hội, và đức Bồ Tát chất vấn họ sẽ làm gì để giúp đỡ người tu sĩ ấy?

Tất cả những gì xảy ra trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì đều diễn ra trên cõi Thượng Giới, và tất cả những nhân vật đều hoạt động trong Thể Trí của họ, chớ không phải trong Thể giả tạo (Mayavirupa) mà họ thường dùng trên cõi Trung Giới.

Sau cuộc thử thách này, và sau khi những thí sinh đã giải đáp những câu hỏi một cách mỹ mãn, họ được đưa đến đức Di-Lặc và quỳ trước mặt Ngài. Ngài đứng dậy, và quay về hướng Shamballa, Ngài hô to:

-"Ôi! Đức Ngọc Đế của Ánh Sáng, Sự Sống và Huy Hoàng, nhân danh Ngài, tôi nên nhận hai vị thí sinh này chăng?"

Khi đó trên đầu Ngài chiếu rạng Ngôi Sao Sáng, biểu hiện sự chấp thuận của Đấng Điểm Đạo Độc tôn, và gương mặt của đức Phật Gautama chiếu sáng rạng ngời, trong khi Ngài đưa tay mặt lên để ban ân huệ. Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan) cũng đứng dậy để ban ân huệ của Ngài, trong khi đức Bồ Tát đặt hai bàn tay của Ngài trên đầu mỗi vị thí sinh, và tất cả đều cúi đầu rạp xuống một cách kính cẩn trước các đấng Cao Cả. Kế đó thảy đều im lặng.

Trong sự im lặng đó, cái Chìa Khóa Hiểu Biết được ban cho các thí sinh. Đức Bồ Tát phóng ra, từ hai thể Hạ Trí và Thượng Trí của Ngài, những tia thần lực, làm kích động những Thể tương đương của hai người thí sinh, và làm cho những mầm đức tánh và quyền năng của họ thình lình được nẩy nở một cách tốt đẹp. Giống như một cái búp non, được ánh sáng Mặt Trời làm nẩy nở thành cái hoa, những Thể hạ Trí và Thượng Trí của họ thình lình biểu lộ những quyền năng tiềm tàng một cách rất tốt đẹp. Xuyên qua những quyền năng nẩy nở đó, trức giác có thể biểu lộ tự do, và quyền năng mới này bắt đầu hoạt động. kế đó đức Di-Lặc nói:

-"Bây giờ các con hãy thâu nhận quyền năng mới mà Ta ban cho các con, và hãy hoàn toàn tin tưởng nơi đó. Các con hãy tập cho các Hạ Thể của các con được vào khuôn khổ trật tự và nhậy cảm để cho quyền năng ấy có thể đi xuyên qua đến bộ óc và hướng dẫn cách xử thế của các con cho khỏi lầm đường lạc lối. Và như thế, nó cũng soi sáng con đường Đạo mà các con sẽ trải qua để chuẩn bị cho các con bước vào cuộc Điểm Đạo thứ ba". Nói xong, Ngài ban ân huệ lần cuối cùng, và Ngôi Sao cùng với những đấng Cao Cả đều biến mất. Tất cả mọi người đều cúi rạp đầu một lần nữa, và cuộc lễ chấm dứt. Các vị Chân Sư đều rời khỏi chỗ ngồi, mỗi vị đều nói một vài lời khả ái và ban ân huệ cho hai người mới được Điểm Đạo. Chân Sư Kuthumi cũng nói ít lời ủy lạo đám đông đến chứng kiến, những người này đã rút lui ra phía sau như đã nói trên, nhưng bây giờ được phép lại gần để giã từ những ngưới lãnh đạo của họ. Hai vị này, nhờ sự hiểu biết mới vừa được ban bố thêm, cũng nói một vài lời khuyên nhủ với đám người kia, và ban ân huệ cho họ trước khi từ giã.

SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

Cuộc Điểm Đạo thứ nhì giúp cho người đệ tử tiếp tục mở Trí một cách mau chóng. Ở giai đoạn này, người đệ tử tập sử dụng cái Thể "Ảo tưởng" (Mayavirupa), tức là một Thể Vía tạm thời tạo ra bởi một người đã hoạt động được bằng Thể Trí của y. Khi một người đi chu du trên cõi Trung Giới, thì y thường dùng Thể Vía; và nếu y cần xuất hiện ở cõi Trần trong khi y đanh hoạt động bằng Thể Vía,thì y phải tạo nên một xác phàm ở ngoài Thể Vía. Phương pháp này đôi khi được áp dụng, tuy rằng nó không được phổ thông, vì nó làm tiêu hao rất nhiều sinh lực. Cũng như thế, nếu người đệ tử đang hoạt động bằng Thể Trí và muốn xuất hiện ở cõi Trung Giới, thì y phải tạo ra một Thể Vía tạm thời, gọi là "Mayavirupa" (Thể ảo tưởng hay giả tạo). Khi y đã làm xong công việc ở cõi Trung Giới, y lại trở về cõi Thượng Giới, thì Thể giả tạo đó tan rã, và những chất thanh khí mà người đệ tử đã thâu hút bằng ý chí của mình để tạo ra Thể ấy, lại trở về nguồn cội của nó là cõi Trung Giới.

Trước khi được Điểm Đạo lần thứ nhứt, người đệ tử hoạt động ban đêm trong lúc ngủ bằng Thể Vía, nhưng khi y đã hoàn toàn làm chủ được Thể Vía của mình, và sử dụng Thể Vía một cách toàn vẹn, thì y mới bắt đầu làm việc bằng Thể Trí. Đến khi Thể này cũng được hoàn toàn kiểm soát, nó là một Thể uyển chuyển hơn Thể Vía rất nhiều, và nó có thể dùng để làm được nhiều việc mà người ta không thể làm ở cõi Trung Giới. Khi người đệ tử đã có cái quyền năng tạo nên một "Thể ảo tưởng" (Mayavirupa), thì y có thể, trong khoảng khắc, đi từ cõi Thượng Giới qua cõi Trung Giới và trở về. Y có thể sử dụng bất cứ lúc nào cái quyền năng rộng lớn và cái giác quan tế nhị hơn ở cõi Thượng Giới, và y chỉ cần tạo một Thể Vía tạm thời khi nào y muốn xuất hiện để tiếp xúc với người ở cõi Trung Giới. Như thế, trước hết y cần phải được Chân Sư chỉ dạy cách tạo nên "Thể ảo tưởng", và sau đó, y có thể tự làm lấy một mình, mặc dấu nó không phải là việc dễ làm.

Trong cuộc Điểm Đạo lần thứ hai, Thể Trí của người đệ tử phát triển và khai mở rất nhiều, nhưng thường phải đến vài năm thì ảnh hưởng của nó mới bắt đầu biểu lộ nơi bộ óc vật chất. Khi đó, thì tự nhiên bộ óc chịu một sự căng thẳng và kích thích rất mạnh, vì nó không thể trong chốc lát hòa hợp với mực độ cần thiết.

GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM

Thời kỳ tu luyện sau cuộc Điểm Đạo lần thứ hai phần nhiều là thời kỳ nguy hiểm nhứt trên đường Đạo, mặc dầu ở bất cứ giai đoạn nào trước khi bước qua cuộc Điểm Đạo thứ năm, người hành giả đều có thể bị vấp ngã, thụt lùi trở lại, hoặc bỏ phí nhiều kiếp, sống cuộc đời vô định không mục đích. Nhưng ở giai đoạn đặc biệt này, nếu người hành giả có sự yếu kém nào trong tâm tánh của mình, thì điều đó sẽ lộ ra ngoài. Một người đã tiến đến một trình độ cao như thế thì đáng lẽ không có thể nào lại thụt lùi trở lại, nhưng sự kinh nghiệm đã cho chúng tôi thấy rằng việc ấy đôi khi cũng có xảy ra. Trong hầu hết tất cả những trường hợp như vậy, sự vấp ngã đều do tánh kiêu căng; nếu người hành giả có một chút ít sự kiêu căng nào, thì y đang đứng trước một nguy cơ có thể bị vấp ngã. Sự kiến thức, trí tuệ mà chúng ta nói đến ở cõi Trần, chỉ là một phản ảnh của sự thật; tuy nhiên, vài người trong chúng ta lại tự hào về điều ấy, tự hào về trí tuệ và sự thấy xa hiểu rộng của mình. Bởi đó khi một người vừa thoáng thấy, dầu là một phần rất nhỏ bé, cái trạng thái trí tuệ tương lai của mình, thì đó là một sự nguy cơ rất lớn, và nếu người ấy bắt đầu đi theo chiều hướng đó, thì y sẽ rất khó mà sửa dổi lại về sau này. Chỉ có một sự đề phòng cẩn mật, và giữ mình chặt chẽ luôn luôn mới có thể giúp cho y vượt qua giai đoạn này một cách thành công, và y phải luôn luôn cố gắng diệt trừ mọi dấu vết của thói kiêu căng, ích kỷ và thành kiến.

Khi chúng ta hiểu rõ những điều này, chúng ta sẽ đột nhiên có sự sáng suốt để hiểu những đoạn trong Thánh Kinh. Giai đoạn nguy hiểm trong đời của vị Đạo Đồ được diễn tả trong Kinh Thánh bằng câu chuyện đức Chúa Christ bị cám dỗ trong chốn hoang địa, "Bốn chục ngày trong bãi sa mạc hoang vu" tưỡng trưng cho thời kỳ mà sự phát triển Thể Trí của người đệ tử trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì, ảnh hưởng đến bộ óc vật chất. Đối với người đệ tử, không phải 40 ngày mà là 40 năm có thể là cần thiết để thực hiện điều đó. Trong đời của đức Jésus, đó là thời kỳ mà bộ óc của Ngài được chuẩn bị cho đấng Christ sử dụng. Kế đó quỷ Sa Tăng tượng trưng cho tánh chất thấp hèn của con người, đến để cám dỗ người Đạo Đồ; trước hết nó thúc dục người đệ tử dùng quyền năng để thỏa mãn những sự nhu cầu của mình: "Nếu ngươi là Con của Chúa Trời, ngươi hãy làm cho những hòn đá này biến thành bánh mì:. Kế đó, đức Chúa bị sự cám dỗ làm cho Ngài muốn nhảy từ nóc đền xuống đất, tức là làm phép lạ để khiếp phục quần chúng. và sau cùng Ngài được chỉ cho thấy tất cả những giang sơn trên cõi thế gian cùng sự huy hoàng của nó, và quỷ Sa tăng nói: "Ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ này, nếu ngươi chịu khuất phục và tôn thờ ta". Nghĩa là Ngài bị cám dỗ dùng quyền năng để thỏa mãn lòng tham vọng của mình. Mỗi sự cám dỗ trên đây đây đều ám chỉ một hình thức khác nhau của thói kiêu căng vậy.

Cũng như cuộc Điểm Đạo thứ nhứt là một sự phục sinh, cuộc điểm Đạo thứ nhì có thể ví như cuộc lễ tiếp nhận thần lực của Ngôi Ba hay của Chúa Thánh Thần. Giai đoạn này Phật Giáo gọi là Tu-Đà-Hàm (Sakridagamin), có nghĩa là người hành giả tiến đến trình độ này chỉ còn cần phải trở lại thế gian có một lần cuối cùng trước khi đắc quả La Hán, tức là Điểm Đạo lần thứ tư. Sau quả vị này, người hành giả không còn đầu thai xuống thế gian nữa. Người Ấn Độ giáo gọi giai đoạn thứ hai này là Kuticchaka, tức là người cất am, có nghĩa là người đã đạt đến chỗ bằng an trong tâm hồn.

Trong giai đoạn này, người hành giả không còn phải diệt trừ điều chướng ngại nào nữa, nhưng nó thường là một thời kỳ tiến triển rất nhiều về trí huệ và tâm linh. Nếu trước đó người hành giả chưa có được những năng khiếu thần thông, thì y sẽ khai mở những năng khiếu đó trong giai đoạn này, vì nếu không có những năng khiếu đó, thì y không thể nào lãnh hội được những kiến thức mới sẽ được ban bố cho y, hoặc làm những công việc cao cả hơn để phụng sự nhân loại mà người Đạo Đồ từ nay đã có cái hân hạnh giúp đỡ. Người ấy phải làm chủ được tâm thức của Thể Vía trong khi tỉnh giấc, và trong giấc ngủ thì cõi Thiên Giới sẽ mở rộng trước mắt y, vì tâm thức của một người trong khi ở ngoài xác thân, luôn luôn ở một mực độ cao hơn là khi y mang gánh nặng của xác phàm.

CUỘC ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ BA

(Chứng quả vị A-Na-Hàm: Anagami)

Khi người thí sinh đã vượt qua bốn giai đoạn phụ của cuộc Điểm Đạo thứ nhì, và một lần nữa lại trở nên một vị Gotrabhu, thì y sẵn sàng được Điểm Đạo lần thứ ba, để trở nên một vị "A-Na-Hàm" (Anagami), có nghĩa là "người không trở lại nữa", vì người ta trông đợi rằng y sẽ được vào cuộc Điểm Đạo kế tiếp trong kiếp này. Danh từ Ấn Độ giáo để chỉ giai đoạn này là Hamsa, có nghĩa là con hạc. Tục truyền rằng con hạc có thể gạn lọc chất sữa với chất nước cũng ví như người hiền giả có thể nhận thức được chân giá trị của sự vật trong cuộc đời phù du giả tạm.

NHỮNG CHƯỚNG NGẠI THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Vị A-Na-Hàm, trong đời sống hoạt động hằng ngày ở thế gian, vẫn thụ hưởng được mọi sự tốt lành nhờ có được những khả năng toàn vẹn để hoạt động ở cõi Thượng Thiên, và khi người rời khỏi xác thân lúc ban đêm trong giấc ngủ, thì người lại bước vào cái tâm thức huyền diệu của cõi Bồ Đề. Trong khi người ở vào trạng thái đó, thì người phải diệt trừ mọi tàn tích của những chướng ngại thứ 4 và thứ 5, gọi là Kamaraga patigha,nghĩa là sự ham thích khoái lạc về nhục thể (mà điển hình là tình yêu xác thịt và vật chất), và thói giận dữ hay thù ghét. Người chí nguyện phải tự giải thoát khỏi sự trói buộc của ngoại vật. Điều này không có nghĩa là y phải dửng dưng bất động trước tánh cách hấp dẫn của sự xinh đẹp mỹ lệ, tinh khiết cũng như bất động thản nhiên trước sự xấu xa, dơ bẩn; và y phải gạt bỏ chúng ra ngoài, trong công việc làm ăn hằng ngày. Điều ấy chỉ có nghĩa là y sẽ không để cho ngoại vật trở thành một yếu tố quyết định trong khi làm việc bổn phận, và y sẽ đương nhiên loại bỏ chúng một cách hoàn toàn khi nào cần thiết.

Về điểm này, chúng ta hãy coi chừng một sự hiểu lầm thường xảy ra. Tình yêu trong sạch và cao thượng của con người không bao giờ phai lạt, không bao giờ giảm sút trên con đường Huyền Môn. Trái lại, nó còn tăng trưởng và nới rộng để bao gồm tất cả mọi loài với một sự nồng nàn mà lúc đầu người ta chỉ dành cho một hay hai người mà thôi. Nhưng trải qua thời gian, người học Đạo sẽ vượt lên trên tất cả những gì liên hệ đến cái phàm nhơn của những người chung quanh y, và như thế y sẽ tránh khỏi tất cả những sự bất công và thiên vị mà tình yêu thường tình hay mắc phải.

Người học Đạo cũng đừng nghĩ rằng khi y nới rộng tình thương đến tất cả mọi loài, y sẽ mất cái tình riêng dành cho những người thân yêu. Sự liên lạc mật thiết khác thường giữa đức Ananda và đức Phật, cũng như giữa Thánh Jean và đấng Christ vẫn được ghi chép để chứng minh rằng: trái lại, tình thân yêu đó càng tăng trưởng hơn lên. Sợi dây nhân duyên giữa một Chân Sư và các đệ tử còn bền chặt hơn nhiều bất cứ một thứ tình nào của thế gian, vì tình thương nảy nở trên đường Đạo là một thứ tình giữa các Chơn Nhơn, chớ không phải chỉ là giữa những phàm nhơn; bởi đó, nó là một thứ tình mãnh liệt và trường cửu, không sợ bị phai mờ hay thay đổi: vì đó là tình yêu toàn vẹn, bất biến.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh