Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 4. Thời Kỳ Dự Bị

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 4. THỜI KỲ DỰ BỊ

CHIẾC HÌNH NỘM

Chính ở trong hàng ngũ những sinh viên sốt sắng và hoạt động, thuộc loại chúng tôi vừa kể trên, mà có nhiều khi Chân Sư chọn lựa đệ tử của Ngài. Nhưng trước khi thâu nhận đệ tử một cách vĩnh viễn, Ngài có những biện pháp cẩn phòng đặc biệt để biết chắc rằng đó thật là những vị đệ tử mà Ngài có thể tiếp xúc một cách mật thiết. Đó là mục đích của giai đoạn gọi là dự bị (Probation). Khi Chân Sư xét đoán một người nào có thể làm đệ tử tương lai, Ngài thường khiến một vị đệ tử cao cấp đã có liên lạc chặt chẽ với Ngài, hãy dắt người thí sinh đến với Ngài bằng cái Thể Vía của y. Trong bước đầu tiên này, thường không có sự lễ nghi nào phiền phức. Chân Sư chỉ cho vài lời khuyên bảo, cho người thí sinh biết họ có triển vọng như thế nào, và với lòng ưu ái mà Ngài vẫn thường có, Ngài có thể tìm những lý do để khen ngợi thí sinh về công việc mà y đã làm.

Khi đó Ngài tạo nên một hình ảnh cái hào quang của người thí sinh; nói một cách khác, Ngài dùng chất thanh khí trong các cõi Thượng Giới, Trung Giới và chất Dĩ Thái hồng trần để tạo nên một chiếc hình nộm đúng theo khuôn mẫu các Thể Thượng Trí, Hạ Trí, Thể Vía và Thể Phách của người thí sinh, và giữ cái hình nộm đó ở gần bên Ngài để có thể quan sát từng kỳ hạn. Chiếc hình nộm đó được nối liền với đương sự bằng từ điển, để cho mọi sự thay đổi tư tưởng hay tình cảm của người này đều biểu lộ rõ rệt trên hình nộm bằng sự rung động từ khí. Bởi đó, chỉ nhìn váo cái hình nộm, Chân Sư có thể thấy ngay rằng từ khi Ngài nhìn vào đó lần cuối cùng, đến nay đã có những sự thay đổi nào trong các Thể của người thí sinh. Thí dụ như Ngài thấy rằng thí sinh đã mất sự bình tĩnh của tâm hồn, hoặc đã có những tư tưởng tham dục, hoặc bị cơn phiền muộn lo âu dày vò, hoặc ngã lòng rũng chí, hay bị những sự khủng hoảng tương tự như thế. Chỉ khi nào Ngài nhận thấy rằng trong một thời kỳ khá lâu, không có một sự biến động quan trọng nào diễn ra trong các Thể của người thí sinh, do cái hình nộm làm tiêu biểu, thì Chân Sư mới để cho người ấy được tiếp xúc mật thiết hơn với Ngài.

Khi người thí sinh được thâu nhận, thì y được hợp nhứt với Chân Sư một cách mật thiết hơn là người ta có thể tưởng tượng. Chừng đó Chân Sư hòa lẫn hào quang của người đệ tử với hào quang của Ngài, để nhờ đó thần lực của Ngài có thể ảnh hưởng thường xuyên đến người đệ tử mà không cần có sự chú ý đặc biệt của Ngài. Nhưng một sự liên lạc mật thiết như thế không thể hành động theo một chiều mà thôi: nếu người đệ tử có những sự rung động phản ứng đến Chân Sư có thể làm xáo trộn các Thể Vía và Thể Trí của Ngài thì sự hóa hợp nói trên không thể thực hiện được. Trong trường hợp đó, người thí sinh phải đợi cho đến khi nào y loại trừ được những sự rung động đó. Ngời đệ tử dự bị không phải đương nhiên là tốt lành hơn những người khác không được vào hàng dự bị. Y chỉ có khả năng hơn dưới những khía cạnh nào đó trong công việc của Chân Sư, và cần phải được đặt dưới sự thử thách của thời gian. Thật vậy, có nhiều người đầy lòng hứng khởi và quá sốt sắng trong việc phụng sự, lúc đầu dường như có nhiều hứa hẹn trong tương lai, nhưng sau một thời gian, họ mệt mỏi, chán nản và rút lui. Người thí sinh phải chiến thắng mọi sự yếu ớt về tình cảm mà y có thể có, và tiếp tục bền chí phụng sự cho đến khi y có đầy đủ đức tánh yên tịnh và tinh khiết. Sau một thời kỳ lâu dài, khi nào thấy rằng không có một sự xáo trộn quan trọng nào trong chiếc hình nộm của y, thì Chân Sư có thể nhận định rằng đó là lúc mà Ngài có thể đem người đệ tử đến gần Ngài hơn.

Ta không nên tưởng rằng cái hình nộm đó chỉ ghi nhận những thói xấu hay những sự xáo trộn trong tâm hồn của đương sự mà thôi, nó phản ảnh toàn thể cái trạng thái tâm thức trong Thể Vía và Thể Trí của người thí sinh. Do đó, nó cũng ghi nhận những sự thiện cảm và vui vẻ, và chiếu diệu sự bình an cùng sự tốt lành khắp cõi thế gian. Ta không nên quên rằng một tấm lòng tốt thụ động cũng chưa đủ, mà sự tốt lành tích cực cũng cần thiết cho sự tiến bộ. Không làm điều gì ác, đó đã là nhiều lắm; nhưng ta nên nhớ kinh sách chép rằng đức Chúa ngày xưa "đi đến đâu, Ngài cũng gieo rắc điều lành đến đó".

Khi người đệ tử dự bị làm một điều thiện phi thường thì ngay tức khắc Chân Sư chú ý đến y nhiều hơn, và nếu cần, Ngài có thể gởi đến cho y một luồng tư tưởng khích lệ, hoặc đưa đến cho y một công việc để xem y làm việc đó như thế nào. Tuy thế, Ngài thường giao sự thử thách đó cho một vị đệ tử cao niên hơn xem xét. Người ta nghĩ rằng chúng tôi đưa đến cho người thí sinh những cơ hội để hành động. Đó tức là đảm nhận lấy một trọng trách, vì nếu người thí sinh biết nhận lấy cơ hội phụng sự, thì rất tốt; còn nếu y bỏ lỡ dịp, thì đó sẽ là một điểm xấu cho y. Chúng tôi thường muốn đưa đến nhiều cơ hội cho các thí sinh, nhưng chúng tôi hằng do dự vì mặc dầu họ có thể nhờ đó mà được điểm tốt; nhưng nếu họ bỏ lỡ cơ hội, thì công việc của họ về sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi đó, sợi dây liên lạc giữa đệ tử với Chân Sư có cái tác dụng là nhờ nó thỉnh thoảng đức Thầy có thể quan sát và sử dụng người đệ tử.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Theo lệ thường, các Chân Sư không dùng những cách thử thách quá đặc biệt hay khó khăn. Khi một người được cho vào hàng dự bị, thì người ta để cho y theo đuổi sự sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Sự phản ứng của y đối với những cơn thử thách và những vấn đề phức tạp của đời sống hằng ngày (điều này được phản chiếu do chiếc hình nộm của y) sẽ chứng minh một cách đầy đủ về tánh tình và sự tiến bộ của y đến mức nào. Do sự quan sát đó, khi Chân Sư kết luận rằng thí sinh có đủ điều kiện, thì Ngài đem y lại gần Ngài và thâu nhận y. Đôi khi một vài tuần lễ cũng đủ đưa đến quyết định đó, có những trường hợp khác, thời kỳ dự bị kéo dài đến nhiều năm.

NHỮNG ĐỆ TỬ DỰ BỊ TRẺ TUỔI

Vì tánh cách đặc biệt của thời buổi hiện tại, có nhiều thanh niên trẻ tuổi đã được vào hàng đệ tử dự bị trong vòng những năm vừa qua. Điều nầy làm cho những bậc phụ huynh của họ, cũng như một số hội viên cao niên của Hội Thông Thiên Học lấy làm ngạc nhiên, vì mặc dầu họ đã hy sinh và phụng sự một cách chân thành suốt hai mươi năm, hoặc có khi đến ba bốn mươi năm, họ vẫn không được kêu gọi, trong khi đó có những thanh thiếu niên lại được chọn. Viêc ấy có thể được giải đáp một cách dễ dàng.

Vì lẽ các huynh đã phụng sự suốt thời gian nêu trên để tự dọn mình và tạo nên nghiệp tốt, và chính vì lẽ các huynh là những hội viên tốt và kỳ cựu của Hội Thông Thiên Học, nên các huynh đã hấp dẫn một vài linh hồn tiến hóa cao trong nhiều kiếp đã qua, và trong kiếp này, những linh hồn đó đầu thai vào làm con của các huynh. Như vậy chư huynh không nên ngạc nhiên nếu đôi khi chư huynh thấy rằng những người làm con cái của chư huynh ở cõi phàm trần, lại là những người tiến hóa nhiều hơn chư huynh trên những cõi giới cao hơn. Chư huynh không nên ngạc nhiên nếu một vị thanh niên hay thiếu nữ, con cái của chư huynh, được có sự liên lạc mật thiết với Chân Sư, điều mà chư huynh chưa hề dám nghĩ đến cho phận mình, mặc dầu đã có nhiều năm thiền định suy tư và phụng sự khó nhọc. Rất có thể con cái của chư huynh có khả năng vượt lên trên sư huynh rất xa, nhưng chính vì lẽ đó, mà sự nuôi dưỡng và giáo dục nó được giao phó cho sư huynh đảm nhiệm, vì chư huynh đã học hỏi và phụng sự nhiều năm trên Đường Đạo.

Trong thời kỳ học Đạo, chư huynh đã biết thế nào là làm những bậc phụ huynh lý tưởng, tức là những người cha mẹ cần thiết cho cái xác thân của một linh hồn tiến hóa.

Như thế, thay vì băn khoăn hay ngạc nhiên, chư huynh nên lấy làm vinh hạnh và vui mừng mà được ơn trên nhìn nhận như là xứng đáng để dìu dắt cuộc đời của những người sau này sẽ có mặt trong hàng những đấng Cứu Thế.

Có lẽ chư huynh sẽ tự hỏi làm sao mà những thanh thiếu niên đó có thể nhận thức được sự vinh hạnh cao cả, sự lộng lẫy huy hoàng của những gì xảy đến cho họ. Ta không nên quên rằng chính cái Chơn Nhơn (hay Linh Hồn) được điểm Đạo, chính cái linh hồn được thâu nhận làm đệ tử. Quả thật Chơn Nhơn phải kiểm soát và chế ngự các hạ Thể đến một mực độ làm biểu lộ rất nhiều những đặc tính của nó, để cho ít nhất chúng sẽ không làm chướng ngại trong công việc phụng sự. Chính Linh Hồn sẽ phải làm công việc phụng sự đó và sẽ tiến bộ, và chư huynh không biết được nó đã thực hiện được bao nhiêu công trình và tiến bộ trong những kiếp đã qua. Nhiều linh hồn xuống đầu thai trong thời buổi hiện tại là những linh hồn tiến hóa rất cao; thành phần nhóm Đệ tử phụ tá đức Chưởng Giáo khi Ngài lâm phàm, sẽ gồm toàn những linh hồn đó. Những vị nào làm Đệ tử sớm trong kiếp này có thể đã làm đệ tử nhiều năm trong một kiếp quá khứ. Cái vinh hạnh lớn nhứt cho những người chưởng niên như chúng ta, là được có sự liên lạc với những vị đệ tử trẻ tuổi, vì nhờ đó chúng ta có thể xúc tiến công việc của Chân Sư trên thế gian bằng cách huấn luyện những vị trẻ tuổi ấy để cho họ biết phụng sự một cách hoàn hảo.

Trong quyển "Khía cạnh huyền bí của Sự Vật", đoạn nói về cách đối xử với trẻ con, tôi có trình bày rất dài về cách giáo dục trẻ con để cho chúng có thể duy trì những đức tánh tốt mà chúng đã đem lại từ những kiếp quá khứ, và phát triển trọn vẹn những điểm tốt lành của chúng, thường hay bị phá hoại bởi những người lớn không hiểu biết. Trong đoạn đó, tôi có nói về những hậu quả tai hại của sự sợ hãi do sự tàn nhẫn và độc ác gây nên. Về vấn đề này, tôi xin kể thêm sau đây một chuyện kinh nghiệm nó chỉ cho ta thấy những kết quả vô cùng thảm khốc của sự độc ác đối với trẻ con. Những người làm cha mẹ có con đến tuổi đi học nên cẩn thận và thăm dò kỹ lưỡng trước khi giao phó các em cho một thầy giáo hay nhà trường, để tránh mọi sự tàn nhẫn gây ra cho các em mà họ có trách nhiệm chăm nom săn sóc.

HẬU QUẢ CỦA SỰ TÀN NHẪN ĐỐI VỚI TRẺ CON

Cách đây ít lâu, tôi có chú ý đặc biệt đến một trường hợp khá sôi nổi về những tai họa mà sự tàn nhẫn có thể gây nên. Thuở ấy tôi có cái hân hạnh rất lớn được dự vào cuộc Điểm Đạo của một hội viên trẻ tuổi; vị chủ tọa cuộc lễ Điểm Đạo lúc ấy là đức Di-Lặc-Bồ-Tát. Trong cuộc lễ, theo lệ thường, người thí sinh phải trả lời nhiều câu hỏi về phương pháp hiệu quả nhứt để giúp đỡ trong những trường hợp khó khăn hay bất thường. Ngoài ra, còn có thêm một câu hỏi đặc biệt về việc y có bằng lòng tha thứ và giúp đỡ một người kia hay không, vì người này đã từng đối xử tàn nhẫn và độc ác với y hồi y còn nhỏ.

Vị Chủ lễ tạo nên một chiếc hình nộm bằng hào quang của người đệ tử, với những điểm ánh sáng nhỏ màu sắc rất thanh bai đẹp đẽ khi thì hiện rõ trên mặt hào quang, khi thì lặng xuống mất dạng, và Ngài nói: "Những điểm sáng này là những mầm đức tánh cao thượng quý báu nhất của con người, chỉ có thể phát triển trong một bầu không khí thương yêu đậm đà và tinh khiết nhứt, không có một mảy may sợ hãi hay đố kỵ. Người nào có thể phát triển và tăng cường những đức tánh đó một cách đầy đủ hoàn toàn, có thể đạt đến quả vị Chơn Tiên trong kiếp này. Đó là cái quả vị mà chúng ta đã hy vọng cho con, để cho khi thành một vị Chơn Tiên con có thể cùng hợp tác với Ta khi Ta lâm phàm; nhưng những kẻ có trách nhiệm săn sóc con lại để cho con rơi vào tay của một người hoàn toàn không xứng đáng. Đây là cái hào quang của con trước khi con bị đối xử một cách tàn nhẫn. bây giờ ta hãy thử xem sự tàn nhẫn độc ác của người kia đã làm cho con trở nên như thế nào!"

Khi đó, cái hào quang thay đổi, vặn vẹo một cách rất xấu xa, và khi nó trở lại bình thường như cũ, thì tất cả những điểm sáng màu sắc tốt đẹp đều biến mất, thay vào đó là vô số những vết thẹo nhỏ. Đức Bồ Tát giải thích rằng cái hậu quả tai hại đó không thể nào xóa bỏ được trong kiếp này, và Ngài nói: "Tuy thế, con cũng sẽ phụ trách với Ta khi Ta xuống trần, và ta hy vọng rằng trong kiếp này con sẽ đạt quả vị La Hán, nhưng còn cái quả vị cuối cùng thì con phải chờ đợi ít lâu nữa. Theo ý Ta tưởng, không có cái tội ác nào lớn hơn là ngăn chận sự tiến hóa của một linh hồn, như trong trường hợp này".

Khi người thí sinh nhìn thấy cái hào quang của y vặn vẹo và teo lại, và thấy rằng tất cả những triển vọng tốt đẹp của y bị hủy hoại một cách đau thương do bởi sự tàn ác của người kia, thì trong một lúc y nhớ lại cái cảm giác mà y đã có từ lúc nhỏ: sự đau khổ của một đứa trẻ lìa xa gia đình, sự sợ hãi lo âu vô bờ bến, cái cảm giác bị đàn áp một cách trắng trợn mà không sao thoát khỏi, sự bất lực hoàn toàn dưới cái ách thống trị của một kẻ tàn nhẫn, độc ác, bất công, một hoàn cảnh tuyệt vọng, không ai che chở, không thể kêu thấu tới Trời. Trong khi đó, tôi nhìn thấy rõ những cảm giác này trong tư tưởng của thí sinh, tôi mới hiểu rõ cái thảm trạng của y lúc thiếu thời, và hiểu lý do vì sao những hậu quả tai hại kia có ảnh hưởng sâu rộng như thế.

Không phải chỉ khi nào một linh hồn gần đắc quả Chơn Tiên, thì sự tàn nhẫn độc ác kia mới ngăn chận sự tiến hóa của y. Tất cả những đức tánh cao thượng, mới mẻ, mà giống dân Aryan sẽ biểu lộ trong thời đại này, đều hiện ra trong hào quang con người như những mầm non chiếu ánh sáng với màu sắc thanh bai tốt đẹp tương tự, mặc dầu ở một trình độ thấp hơn thí dụ kể trên. Trong hằng ngàn trường hợp, những mầm đức tánh đó bị dày xéo tàn nhẫn do sự độc ác của người làm cha mẹ hay thầy giáo, hoặc do sự hiếp đáp tàn nhẫn của những đứa trẻ lớn hơn trong một trường học nội trú, làm cho nhiều kẻ tốt lành bị ngưng trệ không tiến lên được trong nhiều kiếp, còn những kẻ thủ phạm đã hành hạ họ thì bị sa đọa và đầu thai vào những giống dân thấp kém hơn. Có nhiều linh hồn đầu thai xuống trần hiện nay, mặc dầu hãy còn cách rất xa trình độ Điểm Đạo, nhưng họ phát triển mau chóng, và cần biểu lộ thêm nhiều đức tánh mới mẻ hơn nữa, cho nên sự tàn nhẫn cũng có ảnh hưởng tai hại đối với sự tiến hóa của họ.

Trước khi xảy ra trường hợp kể trên, tôi chưa có nghe nói rằng kiếp sống cuối cùng ở thế gian của một vị đắc quả Chơn Tiên phải có những hoàn cảnh chung quanh hoàn toàn thuận tiện trong lúc còn nhỏ; nhưng khi mới nghe, thì ta thấy ngay rằng điều đó rất hợp lý. Có lẽ đó là một lý do vì sao ít có người đắc quả Chơn Tiên trong những thể xác người Âu, vì về điểm này, người Âu Châu hãy còn kém xa những dân tộc khác trên thế giới. Dầu sao, người ta cũng thấy rõ rằng cái thói quen tàn nhẫn độc ác chỉ có thể gây nên những điều hậu quả tai hại mà thôi. Bởi đó, những hội viên chúng ta nên cố gắng làm cách nào để diệt trừ thói độc ác, và như tôi đã nói ở trên, hãy vô cùng cẩn thận để cho không có một đứa trẻ con nào mà họ có trách nhiệm chăm nom săn sóc, phải chịu những điều tệ hại do sự độc ác gây nên.

BẬC THẦY CỦA NHÂN LOẠI

Đức Di-Lặc-Bồ-Tát thường được gọi là vị Tôn Sư của Chư Thiên Và của Nhân Loại. Nói một cách khác, trong cõi giới tâm linh, Ngài là đấng Chưởng Giáo, coi sóc về phần Tôn giáo và giáo dục cho thế gian. Không những trong các giai đoạn lịch sử, mà khi nào xét ra đúng lúc, Ngài hoặc tự mình chuyển kiếp xuống trần, hoặc sai một vị đệ tử xuống thế để trình bày Chân lý dưới một phương tiện mới, mà ta thường gọi là để "thiết lập một tôn giáo mới" ở thế gian. Ngoài ra, Ngài còn luôn luôn coi sóc tất cả các tôn giáo; tất cả những gì mới mẻ và tốt đẹp thuộc về bất cứ một tôn giáo nào, dầu là mới hay cũ, đều là do ân huệ của Ngài ban xuống.

Chúng ta biết rất ít về những phương pháp mà Ngài đã dùng để dạy dỗ nhân loại trên thế gian. Có nhiều cách giáo hóa không dùng đến văn tự, và chính là sự cố gắng thường xuyên và hằng ngày của Ngài làm nâng cao những quan niệm trí thức của hằng triệu sanh linh, gồm cả Thiên Thần và người.

Cánh tay mặt của Ngài trong công việc vĩ đại đó là Chân Sư Kuthumi, vị đệ tử và kế nghiệp cho Ngài sau này, cũng như đức Chân Sư Morya là vị phụ tá kế nghiệp cho đức Bàn Cổ Vaivasvata. Vì đức Chân Sư Kuthumi là vị Thầy lý tưởng nên chúng tôi phải trình cho Ngài những vị đệ tử dự bị hoặc được chánh thức thâu nhận khi còn trẻ tuổi. Có thể về sau này họ sẽ phụng sự các Chân Sư khác trong những công việc khác, nhưng trong tất cả, hoặc hầu hết mọi trường hợp, họ bắt buộc phải trài qua thời kỳ sơ cơ dưới sự dìu dắt của Chân Sư Kuthumi.

Một phần công việc làm của tôi từ nhiều năm nay là dìu dắt vào đường Đạo mọi vị đệ tử trẻ tuổi mà Chân Sư thấy có nhiều triển vọng. Ngài giao họ cho tôi tiếp xúc ở cõi trần và thường cho tôi chỉ thị về cách dạy dỗ họ cùng là về những đức tánh mà họ cần phát triển. Lẽ tự nhiên, với sự minh triết vô biên, Ngài đối sử với những vị trẻ tuổi đó không hẳn giống như đối với những vị cao niên hơn. Tôi xin thuật lại dưới đây câu chuyện thâu nhận ba người thí sinh trẻ tuổi vào hàng đệ tử dự bị.

VÀO HÀNG DỰ BỊ

Chúng tôi gặp Chân Sư Kuthumi ngồi dưới hàng ba nhà Ngài và khi tôi trình diện với Ngài những người thí sinh trẻ tuổi, thì Ngài đưa tay ra cho họ. Người thứ nhứt trong nhóm quỳ một gối xuống đất, hôn bàn tay đức Thầy và kể từ khi đó, y vẫn quỳ luôn và nép vào đầu gối của đức Thầy. hai người kia nhìn vào đức Thầy, và đặt hết linh hồn của họ vào cái nhìn đó. Đức Thầy mỉm cười và nói:

"Ta tiếp các con với một sự vui đặc biệt. Tất cả các con đều đã hợp tác với Ta trong quá khứ. Ta hy vọng rằng các con cũng sẽ làm như vậy trong kiếp này. Ta cần dùng các con trong hàng ngũ của Ta trước khi đức Chưởng Giáo lâm phàm, vì thế nên Ta chăm sóc các con khi còn nhỏ. Các con hãy nhớ rằng công việc mà các con muốn gánh vác là điều tốt đẹp huy hoàng nhứt trong tất cả mọi công việc; nhưng nó không phải dễ, vì các con còn phải hoàn toàn chế ngự những Thể của các con. Các con phải tự quên mình trọn vẹn, chỉ sống trong hạnh phúc của kẻ khác và cho công việc phụng sự mà chúng ta cần phải làm."

Rồi Ngài đưa tay nựng dưới cằm của người thí sinh đang quỳ và nói với một nụ cười rất đẹp: "các con có làm được như vậy không?"

Tất cả đều trả lời rằng họ sẽ cố gắng. Rồi đó đức Thầy ban cho mỗi người thí sinh vài lời khuyên bảo quý báu và hỏi riêng từng người: "Con có muốn làm việc phụng sự thế gian với sự hướng dẫn của ta chăng?" Mỗi người đều đáp rằng: "Con muốn".

kế đó, Ngài đem người thứ nhứt lại gần, người này lại quỳ như trước, Ngài đặt hai bàn tay trên đầu y và nói:

-"kể từ lúc này, Ta nhận con làm đệ tử dự bị, và hy vọng rằng chẳng bao lâu Ta với con sẽ có sự liên lạc mật thiết hơn. Vậy ta ban ân huệ cho con để con có thể chuyển ân huệ cho kẻ khác".

Trong khi Ngài nói, thì hào quang của người thiếu niên nở lớn thêm gấp bội, những màu sắc của lòng bác ái và sùng tín chói sáng với rất nhiều sinh khí. Thiếu niên ấy nói:

"Bạch Sư Phụ, xin Ngài hãy làm cho con trở nên tốt lành, và xứng đáng để phụng sự Ngài".

Nhưng Đức Thầy mỉm cười:

-"Chỉ có con mới làm được điều đó, nhưng sự giúp đỡ và ân huệ của Ta sẽ luôn luôn đến với con".

Rồi đó Ngài đem hai người thiếu niên kia lại gần và làm cuộc lễ giản dị đó cho riêng mỗi người. Những hào quang của họ nở lớn thêm, trở nên vững chắc hơn và đều đặn hơn trong khi họ đáp lại lời dạy của Chân Sư bằng sự phản ứng tốt đẹp trong tâm hồn.

Sau đó, đức Thầy đứng dậy và nói với những thí sinh:

-"Bây giờ, các con hãy theo Ta và xem Ta làm cái này.

Chúng tôi tập hợp lại và cùng nhau đi xuống con đường mòn đưa đến chiếc cầu bắc qua giòng suối. Chân Sư đưa chúng tôi xuống hầm và chỉ cho các người thiếu niên thấy những hình nộm của tất cả những đệ tử dự bị, rồi Ngài nói:

-Bây giờ, Ta sẽ làm hình nộm của các con.

Ngài tạo ra những hình nộm ấy ngay trước mắt họ, và họ tỏ ra rất chú ý. Một người trong bọn bèn nói với một giọng kính cẩn và sợ hãi: "Con giống như vậy sao?"

Trong một hình nộm, có một tia sáng màu đỏ; Đức Thầy bèn nhìn vào đương sự và hỏi: "cái gì đó vậy?"

Người thiếu niên đáp: "Con không biết"; nhưng tôi nghĩ rằng y đã đoán được rồi, vì đó là kết quả của một sự cảm xúc căng thẳng trong đêm vừa qua. Đức Thầy chỉ cho ba người đệ tử mới thấy những màu sắc và sự thay đổi trong các hào quang; dạy cho họ biết ý nghĩa của mỗi thứ và thứ nào Ngài muốn họ phải thay đổi. Ngài cho họ biết rằng Ngài sẽ nhìn vào những hình nộm của họ mỗi ngày để xem họ tiến bộ như thế nào, và Ngài hy vọng sẽ thấy họ thay đổi cách nào để cho những hình nộm ấy có những màu sắc đẹp đẽ dễ coi.

Kế đó, Ngài ban cho họ một ân huệ cuối cùng.

*

Trong trường hợp những thí sinh dự bị là những người lớn tuổi hơn, thì phần nhiều họ phải tự tìm lấy công việc phụng sự thích hợp nhứt với họ; còn đối với những thí sinh trẻ tuổi thì có khi Chân Sư đưa đến cho họ một công việc nhất định và xem y làm công việc ấy như thế nào. Đôi khi Ngài cũng chiếu cố gởi đến cho họ những lời khích lệ và dạy bảo đặc biệt.

Để giúp đỡ những thí sinh trẻ tuổi khác muốn bước chân lên đường Đạo, chúng tôi xin trích ra dưới đây một vài đoạn trong những bức thông điệp dạy bảo của Chân Sư.

LỜI DẠY BẢO CỦA CHÂN SƯ

TRƯỜNG HỢP A.-

"Ta biết rằng mục đích duy nhứt của đời con là phụng sự Hội Quần Tiên. Tuy nhiên, con chớ quên rằng trước mặt con còn có nhiều nấc thang cao hơn mà con phải vượt qua, và sự tiến bộ trên đường Đạo đòi hỏi một sự thức tỉnh và cảnh giác luôn luôn không ngừng. Không những con phải luôn luôn sẵn sàng phụng sự, mà con còn phải tìm ra những cơ hội, hoặc tạo nên những cơ hội để phụng sự trong những công việc nhỏ, để cho con sẽ không bỏ lỡ những cơ hội lớn lao hơn khi nó xảy đến.

"Con chớ có một lúc nào quên sự liên hệ của con với đường Đạo nhiệm mầu; đối với con, nó phải là một nguồn cảm hứng luôn luôn sẵn sàng một bên, không những để làm tấm khiên chống lại những tư tưởng vô ích nó lởn vởn ở chung quanh chúng ta, mà còn là một sự kích thích thường xuyên cho sự hoạt động tâm linh. Những điều vô ích và nhỏ mọn của đời sống hằng ngày phải là những điều "không thể được" đối với con, mặc dầu nó không phải là quá tầm hiểu biết và thông cảm của chúng ta. Sự an lạc tuyệt vời của quả vị Chân Tiên tuy chưa đến với con, nhưng con nên nhớ rằng con vẫn là MỘT với những đấng Cao Cả hiện đang sống cuộc đời siêu việt đó. Con là người đem gieo rắc ánh sáng của Ngài cho thế gian, và bởi đó con cũng phải là những ngôi mặt trời sáng lạn ban rải tình bác ái và nguồn vui ở cõi trần. Thế gian có thể không hiểu biết, không thông cảm, nhưng bổn phận của con là phải làm những việc phi thường.

"Con chớ có nghỉ ngơi và tự mãn với những thành tích đã có hiện thời; con còn phải đạt tới nhiều bậc cao hơn nữa. Con chớ quên phát triển phần trí huệ, nhưng đồng thời cũng phải tăng trưởng thêm các đức tính thiện cảm, ưu ái, và khoan dung. Mỗi người phải biết rằng người khác có những quan điểm khác hẳn với chúng ta và cũng cần được chú ý như của ta. Mọi lời nói nặng nề hay thô bỉ, mọi khuynh hướng hay cãi lý, đôi co đều phải được loại trừ một cách tuyệt đối. Người nào hay có tánh đó, phải đè nén nó ngay khi nó vừa muốn dậy lên; y phải nói ít và luôn luôn nói một cách thanh bai và có lễ độ.

Con chớ khi nào mở miệng nói mà không nghĩ trước rằng điều con muốn nói có dễ thương và hữu lý hay không. Người nào cố gắng tập lấy lòng bác ái, sẽ thoát khỏi nhiều điều lầm lạc. Lòng bác ái là đức tính tối thượng, không có nó thì những đức tính khác chẳng qua chỉ là "tưới nước trên bãi sa mạc".

"Những tư tưởng và dục tình xấu xa phải được hoàn toàn dứt bỏ; con phải chiến thắng chúng nó cho đến khi nào nó không còn trở lại với con được nữa. Những cơn nóng giận làm xao động biển tâm thức yên lặng của Hội Quần Tiên. Sự kiêu căng phải được loại bỏ, vì nó là một chướng ngại lớn cho sự tiến bộ. Con cần phải có một sự hoàn toàn tế nhị trong tư tưởng và lời nói; đó là cái hương vị của sự khôn khéo bặt thiệp nó không bao giờ làm đụng chạm hay mất lòng kẻ khác. Những điều đó tuy khó thực hiện, nhưng nếu con muốn, con sẽ đạt được.

"Công việc phụng sự nhất định, chớ không phải sự vui chơi, phải là mục đích của con. Con hãy nghĩ tới, không phải điều gì con muốn làm, mà những điều gì con có thể làm để giúp đỡ người khác; con hãy tự quên mình và chú ý đến kẻ khác. Một vị đệ tử phải tốt lành, sốt sắng và hay giúp đỡ, không phải chỉ một đôi khi, nhưng bất cứ lúc nào cũng vậy. Con hãy nhớ rằng giờ phút nào mà con không dùng để phụng sự hoặc để dọn mình cho công việc phụng sự, đều là thời gian lãng phí đối với chúng ta.

Khi nào con tự xét thấy có những thói xấu hẳn hòi, con hãy có can đảm tự sửa chữa một cách cương quyết. Với sự kiên nhẫn, con sẽ thành công, ví đó là một vấn đề ý chí. Con chớ bỏ lỡ những cơ hội và những lời khuyên bảo tốt; con hãy trở nên một kẻ có đầy năng lực. Ta luôn luôn sẵn sàng để giúp đỡ con; nhưng Ta không thể làm công việc thế cho con; sự cố gắng phải do tự con mà ra. Con hãy làm mọi việc hằng ngày cho được chu đáo và sống một cuộc đời hoàn toàn trung kiên với lý tưởng phụng sự".

*

TRƯỜNG-HỢP B.-

"Cho tới nay con đã sử dụng đứng đắn nhưng Ta muốn cho con làm hay hơn thế nữa. Ta đã thử thách con bằng cách đưa đến cho con những cơ hội giúp đỡ, và cho đến nay, con đã thi hành đúng đắn. Từ nay Ta sẽ đưa đến cho con nhiều cơ hội quan trọng hơn, và sự tiến bộ của con sẽ tùy nơi cách mà con nhìn nhận và sử dụng những cơ hội đó. Con hãy nhớ rằng phần thưởng cho một công việc hoàn thành mỹ mãn, là cái cơ hội đưa đến nhiều công việc hơn nữa, và sự trung thành trong những công việc nhỏ sẽ đưa đến những cơ hội phụng sự lớn lao quan trọng hơn.Ta hy cọng có thể đem con đến gần Ta hơn một ngày gần đây, để cho con có thể giúp đỡ những kẻ đồng loại cùng đi trên đường Đạo đưa đến Chân Sư. Con hãy biết ơn bề trên đã cho con có một khả năng thương yêu rộng lớn, biết gieo rắc ánh sáng trên thế gian, ban rải điều lành và làm việc thiện một cách dồi dào không tiếc thân. Điều đó rất tốt, nhưng con hãy coi chừng trong cái bông hoa bác ái đó có ẩn một đốm nhỏ kiêu căng, cũng như trong một cái bông có một đốm đen nó sẽ lớn lần lần làm hư cả cái bông. Một vị Chân Sư có nói rằng: "Con hãy khiêm tốn nếu con muốn đạt được sự Minh Triết; và khi con đã đạt được sự Minh Triết ấy rồi thì con lại càng phải khiêm tốn hơn nữa". Con hãy nuôi lấy đức tánh khiêm nhượng đó cho đến khi nào nó hoàn toàn thấm nhuần khắp cả mọi thớ thịt trong người của con.

"Khi con cố gắng tiến đến sự hợp nhất, thì chưa phải là đủ để hấp dẫn kẻ khác lại với mình và bao trùm họ với cái hào quang của con làm cho họ hợp nhất với con. Làm được điều đó tất nhiên đã là nhiều lắm, tuy nhiên con còn phải tiến xa hơn nữa. Con hãy tự đặt mình ở vị trí của họ, đi sâu vào tận đáy lòng của họ và thông cảm với họ. Làm điều đó không phải với sự tọc mạch, vì quả tim của một huynh đệ là một chỗ vừa kín đáo vừa thiêng liêng, không nên bươi móc hoặc đem ra phê bình. Trái lại, con hãy cố gắng tìm hiểu, thông cảm, và cứu giúp. Chỉ trích kẻ khác theo cái quan điểm riêng của mình là một điều rất dễ, nhưng hiểu biết và thương yêu họ mới là khó hơn, và đó chính là phương tiện duy nhất để đem họ lại gần mình. Ta muốn cho con tiến bộ mau chóng để Ta có thể dùng con trong công việc phụng sự, và để giúp con mau thực hiện điều đó, Ta ban ân huệ cho con".

Trường hợp C.-

"Này hiền nữ, con đã làm được điều lành bằng cách gieo ảnh hưởng chung quanh con để giáo hóa những phần tử thấp kém hơn và giúp đỡ một linh hồn trong sạch trên đường đến Chân Sư... Đó là một ngôi sao sáng sẽ chiều diệu luôn luôn trên chiếc mão danh vọng của con. Con hãy tiếp tục và nhìn xem còn những ngôi sao sáng nào mà con có thể gắn thêm trên chiếc mão của con. Công việc làm tốt lành của con đã làm cho Ta có thể đem con lại gần Ta sớm hơn. Không có phương pháp tiến hóa nào mau chóng và chắc chắn hơn là gặp một người bạn ngày xưa, vì hai người cùng làm việc chung với nhau sẽ có hiệu quả nhiều hơn là nếu họ phân chia đôi ngã để cùng làm một việc và phung phí cũng bấy nhiêu sinh lực. Con đã khởi đầu một cách đúng phép, vậy con hãy tiếp tục tiến bước theo đường lốivạch sẵn với một lòng quả cảm và tin tưởng.

Trường hợp D.-

"Con hãy nhận lời đón mừng Ta, vì con là người đệ tử mới nhất trong nhóm. Không phải là một điều dễ dàng mà tự quên mình một cách tuyệt đối và hoàn toàn hiến dâng cho việc phụng sự thế gian, nhưng điều mà ta phải làm là sống cách nào để trở nên một nguồn ân huệ cho kẻ khác, và làm công việc phụng sự được giao phó cho ta. Bắt đầu làm việc lành trên bước đường tiến hóa của mình là hay lắm, nhưng hãy còn nhiều việc phải làm. Con hãy đè nén sự giận hờn khi nó vừa dậy lên trong lòng con, và hãy sẵn sàng đón nhận những lời khuyên và những bài học. Con hãy vun trồng đức khiêm tốn, hy sinh bản thân mình và hãy có một lòng sốt sắng nồng nhiệt để phụng sự. Bằng cách đó, con sẽ trở nên một khí cụ tốt trong tay của Đức Thầy, một chiến sĩ trong đạo binh của đấng Cứu Thế. Để giúp con thực hiện điều đó, bây giờ Ta nhận con làm đệ tử dự bị".

Nhiều người có thể lấy làm ngạc nhiên về tánh cách vô cùng giản dị của những lời khuyên bảo kể trên. Thậm chí họ có thể coi nó như không đáng kể, không đủ để hướng dẫn và giúp đỡ kẻ khác trong cái xã hội vô cùng phức tạp của nền văn minh hiện tại. Nhưng nghĩ như thế tức là quên rằng chính cái tinh hoa trong đời người đệ tử là phải dẹp qua một bên tất cả những sự phức tạp đó, và theo lời của Chân Sư, thì "ta phải từ bỏ cái thế giới của chúng ta để bước vào cái thế giới của Ngài". Như thế, người ta bước vào một thế giới của tư tưởng, mà sự sinh hoạt rất giản dị và theo một đường lối rõ rệt, trong đó điều lành và điều dữ đều được quy định phân minh, và trước mặt chúng ta mở ra những đường lối rõ ràng và minh bạch. Người đệ tử phải sống một cuộc đời giản dị, chính cái giản dị thật sự đó mới làm cho ta có thể tiến bộ về tâm linh. Chúng ta đã làm cho đời sống của ta trở nên một cuộc đời xáo trộn và vô định, đầy dẫy những sự lầm lẫn, một cơn bão tố gồm có những ngọn gió thổi ngược nhau trong đó kẻ yếu bị lụn bại và ngã quỵ. Người đệ tử Chân Sư phải mạnh dạn và tốt lành, y phải tự điều khiển cuộc đời của mình và làm cho nó được giản dị, với một sự giản dị thiêng liêng. y phải có trí lực quét sạch mọi sự xáo trộn, lầm lẫn do con người tạo ra, và y phải đi thẳng như mũi tên đến ngay mục đích của mình.

Chúng ta không thể bước vào cõi thiên đường, trừ phi chúng ta thức tỉnh và trở lại ngây thơ như trẻ con".

Và ta nên nhớ rằng cảnh Thiên đường đó, chính là Hội Quần Tiên gồm cả các đấng Chân Tiên, Đại Thánh.

Theo những đoạn trích lục kể trên, người ta thấy cái lý tưởng mà Chân Sư đặt cho các vị đệ tử, nó cao cả là dường nào. Có lẽ đối với một vài đệ tử, cái lý tưởng đó dường như là một sự "khuyên bảo tối hậu", nói một cách khác, nó là một cái lý tưởng hay một mục đích không phải để đạt được một cách trọn vẹn ngay bây giờ, nhưng mà họ phải luôn luôn cố gắng để đi đến. Tuy rằng tất cả những thí sinh đều nhằm một lý tưởng cao cả, nhưng không một ai có thể đạt được mục đích một cách trọn vẹn, vì nếu họ đạt được, thì họ đã không cần phải đầu thai để sống kiếp sống dưới trần. Tất cả chúng ta đều hãy còn cách rất xa cái đích toàn thiện, nhưng những người thiếu niên được đến gần Chân Sư đều có một cơ hội rất tốt đẹp, vì họ còn trẻ và dễ uốn nắn, bởi đó họ loại trừ thói hư tật xấu dễ dàng hơn là những người lớn tuổi. Nếu họ có thể tập lấy thói quen lúc nào cũng có một quan điểm chính đáng, hành động với những lý do chánh đáng, và suốt đời có một thái độ chính đáng, thì chắc chắn là họ sẽ lần lần tiến đến cái lý tưởng của Chân Sư. Nếu người đệ tử dự bị có thể nhìn thấy, trong cơn thức tỉnh ở cõi Hạ giới, những chiếc hình nộm mà Chân Sư đã tạo nên, thì y sẽ hiểu rõ ràng hơn tánh cách quan trọng của điều mà lúc thường y cho là những chi tiết phụ thuộc.

TÁNH NÓNG NẢY

Tánh nóng nảy là một chướng ngại thông thường. Như tôi đã giải thích ở trên, đó là một điều thường xảy ra trong cái thế hệ văn minh hiện tại, do nơi thần kinh hệ bị quá căng thẳng. Phần đông, chúng ta sống giữa những tiếng động ồn ào; tiếng động làm rung chuyển thần kinh hệ và gây nên sự bực dọc, khó chịu.

Nhiều người sau khi họ đến những nơi phố phường đông đúc, chợ búa ồn ào của thành phố lớn, lúc về nhà họ cảm thấy mệt mỏi, tinh thần dã dượi. Đó là một điều bất lợi mà tất cả những người nhậy cảm đều biết. Sự mệt mỏi chán nản đó cũng do nhiều yếu tố khác gây nên, nhưng phần chính là do tiếng động và cũng do áp lực của nhiều Thể Vía rung động với nhiều nhịp độ khác nhau, những Thể Vía này đều bị xáo trộn và kích thích do những cớ lặt vặt không đâu. Trong tình trạng đó, khó mà tránh được sự bực dọc, nóng nảy, nhứt là người đệ tử có những Thể thanh bai và nhạy cảm hơn người thường.

Sự nóng nảy đó tự nhiên là chỉ phớt qua bề ngoài, nó không có bề sâu. Tuy thế, nếu có thể được, ta nên tránh một cơn nóng nảy dầu rằng chỉ thoáng qua bên ngoài bởi vì những hậu quả của nó sẽ còn tồn tại rất lâu hơn là ta tưởng. Cũng như trong một cơn bão tố, trước hết gió làm biển động, sóng nổi ba đào, nhưng sóng biển vẫn còn tồn tại rất lâu sau khi cơn gió dứt hẳn. Đó là ảnh hưởng của gió lớn trên mặt nước, mà nước là một chất khá nặng trọc, còn chất của Thể Vía thì vô cùng tế nhị hơn chất nước, cho nên những rung động gây nên trong Thể Vía làm cho chất ấy dậy lên một cách sâu xa hơn nhiều, và tạo nên một hậu quả lâu dài hơn. Một cảm xúc khó chịu, bực dọc, tuy nhẹ và thoáng qua chỉ trong độ mười phút là quên mất, có thể gây nên trong Thể Vía một ảnh hưởng kéo dài 48 giờ và những sự rung động của nó chỉ trở lại bình thường sau một thời gian rất lâu.

Khi ta nhận thấy mình có tánh xấu đó, ta có thể diệt trừ nó, không phải bằng cách chú ý đến nó, mà bằng cách cố gắng tạo nên một đức tánh tương phản lại. Một phương pháp giản dị là dùng tư tưởng mạnh mẽ để chống lại nó, nhưng phương này chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng dữ dội của những tiềm thức của Thể Vía và Thể Trí. Bởi đó ta nên tập lấy tánh hay chú trọng đến kẻ khác, căn cứ trên tình thương của ta đối với họ. Một người giàu tình thương và lòng ưu ái đối với kẻ khác không khi nào có những lời nói hay tư tưởng đầy sự nóng nảy đối với họ. nếu y hiểu rõ điều này, y cũng sẽ gặt hái một kết quả tốt tương tự, mà không gây nên phản ứng của các Thể.

TÁNH ÍCH KỶ

Tánh ích kỷ có nhiều hình thức khác nhau, có thể làm chậm trễ sự tiến bộ của người đệ tử. Tánh lười biếng là một trong những hình thức đó. Tôi có thấy một người mê đọc sách đến nỗi y không chịu rời quyển sách ấy kịp thời để giữ cho đúng hẹn. Một người khác viết chữ rất tháu, không cần biết rằng điều đó làm cho những người đọc chữ của y bị mỏi mắt và khó chịu.

Những sự cẩu thả đó làm cho đương sự bị kém nhạy cảm hơn đối với những ảnh hưởng thanh cao, gây ra cho kẻ khác sự rối rắm và phiền não, làm mất đức tánh tự chủ và khả năng hành động. Những đức tánh này, cùng với sự đúng đắn, đều rất cần thiết cho công việc phụng sự. Ít người có cái khả năng hành động nói trên: khi một công việc nhứt định được giao phó cho họ, họ không thi hành cho được trọn vẹn và viện đủ lý lẽ đẻ bào chữa cho sự cẩu thả của mình. Hoặc nếu người ta hỏi họ về một tài liệu nào đó, họ không biết phải tìm ở đâu. Về điểm này, có nhiều người sử xự khác nhau; có người chỉ trả lời vắn tắt: "Tôi không biết"; trong khi đó một người khác trả lời rằng: "Tôi không biết, nhưng tôi sẽ đi tìm", và người này trở lại với cái tài liệu mong muốn. Một người định bắt tay vào việc, nhưng trở lại và nói rằng y không thể làm được việc đó, có người lại cố gắng và bền chí cho đến khi y thành công.

Trong mọi công việc hữu ích, trong những trường hợp có lẽ không quan trọng về mặt vật chất, nhưng có giá trị rất lớn về phương diện tâm linh, người thí sinh phải luôn luôn nghĩ đến sự lợi ích mà công việc ấy sẽ đem lại cho kẻ khác và cái cơ hội để phụng sự Chân Sư, chớ không nghĩ đến cái nghiệp tốt do công việc ấy đưa đến cho mình, vì điều này cũng là một hình thức rất tế nhị của thói vị kỷ. Chúng ta hãy nhớ đấng Christ có nói rằng: "Bất cứ điều gì mà người ta đã làm để giúp đỡ một kẻ hèn mọn nhất, thì điều đó chính người đã làm cho Ta vậy".

Những hình thức tế nhị khác của thói ích kỷ thuộc cùng loại kễ trên cụng được biểu lộ nơi sự ngã lòng, tánh ghen tuông và sự tranh dành quyền lợi. Một vị Chân Sư có nói rằng: "Con hãy nghĩ ít hơn đến quyền lợi, và nghĩ nhiều hơn đến bổn phận của con".

Có những trường hợp mà người thí sinh phải giao dịch với thế giới bên ngoài, và cần phải bày tỏ một cách lịch sự những gì mà y cần dùng, nhưng đối với những bạn đồng môn của y, thì không thể có vấn đề quyền lợi, mà chỉ có những cơ hội. thường thường, khi một người gặp một điều gì trái ý, thì y biểu lộ sự bực dọc, ham gây gỗ; có thể y không đến nỗi đi đến sự thù ghét, nhưng dù sao trên Thể Vía của y cũng hiện ra một ánh màu đục, nó cũng ảnh hưởng đến Thể Trí của y.

SỰ ÂU LO

Những sự xáo trộn tương tự thường được gây ra trong Thể Trí, và có những hậu quả tai hại không kém. Nếu một người có sự lo âu phiền muộn về một vấn đề gì, và đảo đi đảo lại vấn đề ấy trong trí mà không đi đến một kết cuộc nào, thì y tạo nên một cơn bão tố trong Thể Trí của y. Vì những làn sóng rung động ở mức độ đó vô cùng tế nhị, nên danh từ "bão tố" chỉ diễn tả được một phần sự thật mà thôi. Ta có thể tưởng tượng cái hậu quả gây ra như là một vết lở loét ở trong Thể Trí, một vết thương do sự cọ sát gây nên. Đôi khi chúng ta gặp những người hay đôi co, họ luôn luôn cãi cọ về bất cứ vấn đề gì, và họ thích cãi vã đến nỗi họ không cần biết họ đứng về khía cạnh nào của vấn đề. Một ngưới như thế có một Thể Trí luôn luôn sôi động, và sự sôi động đó, khi nó gặp một sự khiêu khích rất nhẹ, cũng đủ nổ bùng ra bất cứ lúc nào và gây ra một vết thương lở loét. Một người như thế không có hy vọng tiến hóa trên đường Huyền Môn, trừ phi y tự sửa đổi bằng cách đem sự thăng bằng và hợp lý vào cuộc đời của y.

Một điều hay cho chúng ta là những tình cảm tốt lành tồn tại lâu hơn là những dục vọng xấu xa, vì chúng biểu lộ ở phần thanh bai tốt đẹp của Thể Vía. Hậu quả của tình thương đậm đà hay lòng sùng tín mạnh mẽ tồn tại nơi Thể Vía rất lâu sau khi người ta đã quên mất cái trường hợp nào đã tạo ra nó. Cũng có thể có hai loại rung động mạnh mẽ cùng xảy ra một lúc trong Thể Vía, thí dụ như tình thương và sự giận hờn, mặc dầu trường hợp này hơi bất thường. Trong cơn giận dữ, người ta không thể có một tình thương đậm đà, trừ phi cơn nóng giận đó là một sự bất bình chánh đáng. Trong trường hợp đó, những hậu quả của hai loại tình cảm này sẽ cùng đi đôi với nhau, một loại ở vào mực độ cao hơn loại kia rất nhiều, và vì thế nên nó tồn tại lâu hơn.

SỰ VUI CƯỜI

Những bạn thanh niên nam nữ nhìn đời qua khía cạnh vui tươi, thường hay nô đùa; họ muốn đọc và nghe những chuyện hài hước, và cười đùa vui vẻ; đó cũng là sự tự nhiên chánh đáng, và không có hại. Nếu người ta có thể nhìn thấy những rung động do sự vui vẻ cười đùa gây nên, họ sẽ thấy rằng Thể Vía của đương sự hơi xao động, giống như sự rung rinh của lá gan trong khi người ta cưỡi ngựa. Điều đó là tốt và vô hại. Còn những chuyện thiếu lâm thô tục do những kẻ có tâm địa xấu kể lại, thì có những hậu quả vô cùng xấu xa. Những chuyện đó gây nên những hình tư tưỡng rất gớm ghiếc, nó bàm lấy Thể Vía trong một thời gian rất lâu, và hấp dẫn mọi thứ vong linh thấp thỏi xấu xa lại gần. Những thí sinh muốn gần Chân Sư phải hoàn toàn dứt bỏ sự thô bỉ đó cũng như tất cả những gì xấu xa thô kệch, và những thí sinh trẻ tuổi phải luôn luôn coi chừng đừng để rơi vào cái tình trạng vô trách nhiệm và dại dột.

Có vài bạn trẻ thỉnh thoảng hay cười ngả ngớn; họ phải bỏ điều ấy với bất cứ giá nào, vì nó gây một ảnh hưởng rất xấu trên Thể Vía. Nó dệt chung quanh Thể Vía một hệ thống đường chằng chịt màu xám đục coi rất xấu xa, và tạo nên một lớp dày đặc ngăn trở những ảnh hưởng tốt từ cõi trên. Bởi đó những thanh niên nên giữ gìn đừng để cho phạm vào tật xấu này. Các bạn hãy vui vẻ và sung sướng một cách tự nhiên, Chân Sư muốn thấy các bạn vui vẻ vì nó làm cho bước tiến của các bạn được dễ dàng, nhưng hãy coi chừng đừng để cho sự vui của các bạn nhuộm một màu thô bỉ hay ô trược bất cứ về loại nào. Không nên cười to quá, và cũng đừng cười ngả ngớn một cách bất lịch sự.

Trong vấn đề này cũng như mọi vấn đề khác, có một đường ranh giới rõ rệt phân biệt những việc gì vô hại với những việc gì có hại. Phương pháp chắc chắn nhứt để biết rõ trong vấn đề này, là nhận định xem sự vui cười của ta có vượt quá mức thanh bai và tế nhị không? Nếu có nghĩa là nếu trong sự vui đùa của ta có ít nhiều sự thô bỉ, làm mất tánh cách thanh bai của nó, thì chúng ta đã bước vào vòng nguy hiểm. Nói về khía cạnh siêu hình của sự phân biệt đó, là khi nào Chân Nhân hoàn toàn kiểm soát được Thể Vía của ta, thì tốt: còn khi nào nó để cho Thể Vía buông lung, làm cho sự cười đùa trở nên trống rỗng và vô ý nghĩa, thì nó chẳng khác nào như ngựa lỏng dây cương chạy quàng xiên, không lề lối. Một Thể Vía buông lung như thế dễ bị làm mồi cho mọi ảnh hưởng thoáng qua, dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng và dục vọng xấu xa thấp hèn. Sự vui đùa của ta cũng phải được giữ gìn cho tinh khiết, không bị ô nhiễm bởi sự khoái trá độc ác trước sự đau khổ của người khác. Nếu ta thấy một người bị cơn tai nạn đau khổ, ta chớ nên đứng yên mà cười một cách vô vị về cái khía cạnh hài hước của sự tai nạn, mà phải chạy tới nơi lập tức để giúp đỡ và an ủi. Tình thương và lòng sốt sắng giúp đỡ phải luôn luôn là những đức tánh trội nhất của chúng ta.

NHỮNG LỜI NÓI VÔ ÍCH

Người có Thần Nhãn nhìn thấy hậu quả của những dục vọng thấp hèn trên các Thể thanh của con người, liền hiểu tại sao ta cần phải chế ngự những dục vọng đó và tánh cách quan trọng của nó là như thế nào. Nhưng vì phần đông chúng ta không thấy được cái hậu quả đó, chúng ta rất dễ quên và hay cẩu thả. Những lời nói bâng quơ, không suy nghĩ, cũng gây nên một hậu quả tương tự. Đức Chúa Christ có nói rằng với mỗi lời nói vô vị mà con người thốt ra, y phải trả lời về cái tội đó vào Ngày Phán xét cuối cùng. Điều này có vẻ quá nghiêm khắc, và nếu quan niệm về Ngày Phán xét của phái chính thống là đúng, thì đó là một sự bất công và độc ác. Ngài không phải nói rằng mỗi lời nói vô vị sẽ kết tội một người vào Hỏa Ngục đời đời, vì điều này không bao giờ có. Nhưng chúng ta biết rằng mỗi lời nói và tư tưởng đều có tạo nên nghiệp quả, và khi những điều vô ích và dại dột được lặp đi lặp lại nhiều lần, thì nó tạo nên chung quanh ta một bầu không khí làm cho ta bị ngăn cách với những ảnh hưởng tốt từ cõi trên. Muốn tránh điều đó, thì cần phải luôn luôn giữ gìn. Muốn cho một người luôn luôn giữ mình một cách chặt chẽ không lúc nào quên, có lẽ là một cái lý tưởng quá sức của con người, nhưng dầu sao những người đệ tử đều là những người đang cố gắng để trở nên những bậc Siêu Nhân. Nếu người đệ tử có thể sống cuộc đời đạo hạnh hoàn toàn, thì y đã trở nên một vị Chân Sư. Hiện thời y chưa đạt tới quả vị đó, nhưng nếu y luôn luôn nhớ đến cái lý tưởng của mình, thì y có thể tiến đến gần mục đích hơn. Mỗi lời nói vô ích mà người đệ tử thốt ra sẽ ảnh hưởng đến sự liên quan của y đối với đức Thầy. Bởi đó, y phải coi chừng và giữ gìn lời nói một cách vô cùng thận trọng.

TÁNH HẤP TẤP VÀ KHOE KHOANG

Người thí sinh cần phải tránh sự lăng xăng hấp tấp và sự khoa trương bản ngã của mình. Có nhiều kẻ phụng sự sốt sắng và chân thành làm cho những cố gắng của mình bị hư hỏng và trở nên vô hiệu quả, chỉ vì họ có thói xấu đó. Người ấy tạo nên chung quanh mình một cái hào quan grung động lộn xộn đến nỗi không có một tư tưởng hay tình cảm nào đi xuyên qua mà không bị xiêu vẹo, và như thế những tư tưởng tốt lành của họ cũng bị mất cả hiệu lực. Ta hãy làm mọi việc một cách đúng đắn, nhưng với sự trầm tĩnh tuyệt đối, không hấp tấp hay khoe khoang.

Một điểm khác mà người học Đạo cần biết là trong khoa Huyền Môn, những lời nói của chúng tôi đều có một ý nghĩa rất đúng đắn.

Khi người ta đưa ra một luật lệ cấm không ai được nói xấu hay chỉ trích, mà chỉ nói những lời nhân từ đối với kẻ khác, thì ta phải theo luật lệ một cách đúng sát từ chữ, chớ không phải muốn hiểu cách nào cũng được tùy theo ý mình. Điều lệ trên không có nghĩa là chúng ta phải giảm bớt một ít những lời nói chỉ trích hay không được tốt lành mà ta thốt ra hằng ngày, mà có nghĩa là chúng ta phải dứt bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn những lời nói như thế.

Chúng ta đã nghe quen tai những lời chỉ giáo về luân lý, mà không ai có vẻ muốn thực hành một cách nghiêm trang, nên ta có thói quen tưởng rằng chỉ chấp nhận suông, hoặc thỉnh thoảng làm theo những lời chỉ giáo một cách sơ sài là đủ, và đó là tất cả những gì tôn giáo bắt buộc ta phải làm. Chúng ta phải hoàn toàn dứt bỏ cái thái độ đó và hiểu rằng cần phải vâng lời tuyệt đối và sát nghĩa từng chữ những lời giáo huấn của Chân Sư, hoặc của một vị đệ tử cao cấp của Ngài.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ TẬP ĐOÀN

Sự có mặt của một vị cao đồ của Chân Sư thường là một sự giúp đỡ rất lớn cho người thí sinh dự bị hoặc đã được thâu nhận.

Ở Ấn Độ thời cổ, khi một vị tôn sư chọn đệ tử, người thường quy tựu họ lại thành một nhóm và đem họ theo mỗi khi người đi đến bất cứ nơi nào. Thỉnh thoảng, người dạy họ một vài điều, nhưng thường thì họ không nhận được lời giáo huấn nào cả. Tuy nhiên, họ cũng tiến bộ rất mau bởi vì họ được hào quang của Tôn Sư luôn luôn bao phủ và thấm nhuần lấy họ thay vì bị bao vây chung quanh bởi những ảnh hưởng của trần gian. Vị Tôn Sư cũng giúp đỡ họ trong việc đào luyện tánh tình, và luôn luôn xem xét họ một cách tỉ mỉ. Những đấng Chân Sư của chúng ta không thể áp dụng phương pháp đó trên thế qian, nhưng đôi khi các Ngài cũng sắp đặt để cho những vị đệ tử cao niên thay mặt các Ngài có thể quy tụ chung quanh họ một nhóm thí sinh trẻ tuổi, và săn sóc họ từng người, cũng như một người làm vườn săn sóc những cây kiểng, ban rải cho họ ngày đêm những ảnh hưởng cần thiết để làm thức động một vài đức tánh, hay tăng cường những điểm yếu kém. Vị cao đồ của Chân Sư ít khi nhận chỉ thị trực tiếp về công việc đó, mặc dầu một đôi khi Chân Sư có thể đưa ra vài ý kiến hoặc lời phê bình.

Việc tựu họp thành nhóm cũng có thể giúp cho sự tiến bộ của những thí sinh. Họ cùng chia sớt và chịu ảnh hưởng của những lý tưởng cao thượng, điều đó làm phát triển mau chóng những đức tánh tốt lành. Theo Luật Nhân Quả, người có chí nguyện sẽ được dắt dẫn đến gần một vị tiến hóa hơn y trên đường Đạo và được giúp đỡ rất nhiều tùy theo khả năng tiếp nhận của y. Theo lệ thường, Chân Sư không có trực tiếp nâng đỡ một người nào trừ phi y đã có tiếp xúc với một vị đệ tử cao cấp của Ngài để dìu dắt và giúp đỡ y. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, và mỗi vị Chân Sư đều có phương pháp riêng để đối xử với những đệ tử của Ngài. bà Annie Besant có kể một trường hợp mà Chân Sư thường hay gởi đệ tử đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, để cho họ có thể tự cường bằng cách tự mình phát triển lấy những khả năng của mình với một sự giúp đỡ tối thiểu từ bên ngoài. Mỗi đệ tử đều được giáo huấn theo một phương pháp thích hợp nhứt cho họ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh