Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 7. Cuộc Điểm Đạo Thứ Nhứt

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 7. CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHỨT

(CHỨNG QUẢ TU ĐÀ HƯỜN: Sotapatti)

ĐẤNG ĐIỂM ĐẠO ĐỘC TÔN

Nói đến sự Điểm Đạo, nhiều người cho rằng đó là một cấp bực mà họ phải đạt tới trên đường tu hành. Họ tưởng tượng rằng người được Điểm Đạo là một người đã tiến hóa rất cao và đã trở nên một nhân vật siêu đẳng, khác hẳn người thường. Quan niệm đó tuy là đúng, nhưng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu chúng ta thử xét vấn đề theo một quan điểm cao siêu hơn. Tánh cách quan trọng của sự Điểm Đạo không phải là nơi ở việc đề cao một người, mà ở chỗ từ nay người ấy đã vĩnh viễn trở nên một phần tử của một Cơ quan vĩ đại, một Hội các Thánh, nói theo danh từ siêu việt của Thiên Chúa Giáo, dấu rằng ít có người đã chú ý đến ý nghĩa thật sự của những danh từ đó. Ý nghĩa huyền diệu của cuộc Điểm Đạo vào Quần Tiên Hội sẽ được hiểu rõ hơn sau khi chúng ta đã xem xét sự tổ chức của Quần Tiên Hội và công việc của các Chân Sư, mà chúng tôi sẽ giải bày trong những chương sau.

Người thí sinh, kể từ nay, đã trở nên khác hơn một người thường, bởi vì y là một phần tử của một sức mạnh kinh khủng. Trên mỗi hành tinh, đấng Thái Dương Thượng Đế đều có một vị đại diện của Ngài, hành động cũng như một vị Phó Vương. Trên quả địa cầu của chúng ta, thì cái danh hiệu dành cho vị Đại diện đó là "đức Ngọc Đế". Chính Ngài là vị Trưởng Thượng của nhóm Quần Tiên Hội; cơ quan này không phải chỉ là một tổ chức huyền bí mà mỗi vị đều có những trách vụ riêng, nó cũng là một sự hợp nhất vĩ đại, một khí cụ hoàn toàn uyển chuyển trong tay đức Ngọc Đế, một khí giới rất lợi hại mà Ngài có thể sử dụng. Có một Thiên Cơ huyền diệu và vô cùng mầu nhiệm, theo đó đấng Độc Tôn sau khi đã tự phân tán ra thành thiên hình vạn trạng trong thế gian, nay đang ở vào thời kỳ hợp nhứt trở lại làm một. Không phải là một đơn vị nào trong cái Cơ cấu toàn diện sẽ mất đi một phần nào quyền năng của nó, nhưng mỗi đơn vị sẽ thêm vào Cơ cấu đó một cái gì lớn lao hơn gấp ngàn lần; từ nay nó là một phần của Thượng Đế, một phần Thể Xác của Ngài mang, khí giới của Ngài dùng, chiếc đờn của Ngài khảy, khí cụ của Ngài dùng làm công việc.

Trên thế gian, chỉ có một đấng cầm quyền Điểm Đạo. Tuy nhiên, trong những cuộc Điểm Đạo thứ nhứt và thứ nhì, Ngài có thể phái một vị Chân Sư thay mặt cho Ngài để chủ tọa cuộc lễ, nhưng vị chủ lễ này phải hợp nhứt với Thượng Đế và kêu gọi đến Ngài vào giờ phút quan trọng mà quả vị mới được ban cho người đệ tử. Cuộc Điểm Đạo thứ nhứt là một cơ hội huy hoàng và đáng ghi nhớ trong đời sống tâm linh của người đệ tử. Đức Chân Sư Kuthumi đã giải thích như thế khi Ngài thâu nhận một vị đệ tử, Ngài nói với vị này như sau:

"-Nay con đã đạt được mục đích đầu tiên của những hoài bão của con, từ giờ phút này, Ta khuyên hãy chú ý đến những điều kiện khắc khổ hơn nhiều và cần thiết để vượt qua giai đoạn kế tiếp. Điều mà con sẽ chuẩn bị, sự "Nhập Lưu", mà Thiên Chúa Giáo gọi là sự "Cứu Rỗi", là cái đích rốt ráo của một loạt những kiếp sống của con ở dưới cõi trần, cái kết quả thành tựu của bảy trăm kiếp. Trong cái dĩ vãng xa xăm, có lúc con đã thoát kiếp thú để bước qua giai đoạn làm người. Trong tương lai, mà ta hy vọng sẽ đến một ngày gần đây, con sẽ thoát khỏi kiếp làm người bằng cái cửa quả vị Chơn Tiên để trở nên một bực Siêu Nhân. Ở khoảng giữa hai điểm cực đoan đó, không có giai đoạn nào quan trọng hơn giai đoạn Điểm Đạo, và bây giờ con phải đặt hết tư tưởng vào đó. Không những nó là nó là một sự bảo đảm chắc chắn cho con từ rày về sau, mà nó còn thâu nhận con vào Quần Tiên Hội hằng có đời đời để giúp đỡ nhân loại.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Bởi đó, con hãy tưởng tượng rằng muốn nắm lấy một cơ hội phi thường như thế, cần phải có một sự chuẩn bị cẩn thận chu đáo là dường nào. Ta muốn cho con hãy luôn luôn ghi nhớ trong trí sự tốt đẹp huy hoàng của một cơ hội như thế, để cho con có thể sống theo kịp những lý tưởng cao siêu của nó. Thể xác của con hãy còn trẻ đối với một sự cố gắng vĩ đại như vậy, nhưng con có một cơ hội hiếm có và tốt đẹp vô cùng. Ta muốn cho con hãy nắm lấy cơ hội đó một cách trọn vẹn".

NGƯỜI TÂN ĐẠO ĐỒ (*)

ĐỐI VỚI QUẦN TIÊN HỘI

Khi một linh hồn được Điểm Đạo, nó trở nên một phần tử của một tổ chức chặt chẽ nhứt trên thế gian; từ nay, nó đã hợp nhứt với cái biển tâm thức rộng lớn của Quần Tiên Hội. Trong một thời gian khá lâu, người Tân Đạo Đồ (người mới được Điểm Đạo) sẽ không thể hiểu tất cả tầm quan trọng của sự hợp nhứt đó. Người ấy phải đi sâu vào những thánh điện trước khi y có thể nhận định rằng sự liên quan đó chặt chẽ là dường nào, và tâm thức của đức Ngọc Đế rộng lớn là dường nào, mà tất cả các đấng Chân Sư đều ít nhiều cùng chia sớt với Ngài. Sự hợp nhứt đó là một điều mà chúng ta không thể hiểu nổi và diễn tả được ở cõi trần; nó thật siêu hình và tế nhị ngoài khả năng diễn tả của lời nói và văn tự. Tuy nhiên, nó vẫn có thật, và khi ta bắt đầu hiểu nó rồi, thì mọi sự đều là giả tạm hết cả.

Chúng ta đã thấy bằng cách nào người đệ tử chánh thức có thể đặt tin tưởng của y bên cạnh tư tưởng của Chân Sư. Bây giờ thì người Tân Đạo đồ có thể đặt tư tưởng của y bên cạnh tư tưởng của Quần Tiên Hội, và thu thập lấy một phần nào của cái tâm thức vĩ đại đó tùy theo cái khả năng tiếp nhận của y. Khi y càng thu thập nó về mình, thì y lại càng có thể thâu nhận thêm nhiều hơn, và tâm thức của y sẽ mở rộng để cho những tư tưởng chật hẹp không thể nào còn có được đối với y. Và cũng như người đệ tử chánh thức phải coi chừng đừng gây sự xáo trộn trong những Hạ Thể của Chân Sư, để khỏi gây ảnh hưởng không tốt đến công việc của Ngài, thì người Đạo đồ cũng phải giữ gìn đừng khi nào gieo một sự gì bất điều hòa vào trong biển Tâm Thức vĩ đại của Quần Tiên Hội nó hành động như một đại thể.

Người ấy phải nhớ rằng toàn thể Quần Tiên Hội không phải làm cùng một công việc giống như của các Chân Sư. Nhiều vị trong các Ngài có những việc khác, đòi hỏi một sự chú ý hoàn toàn và một sự im lặng tuyệt đối. Nếu trong những người tân Đạo Đồ, thỉnh thoảng có vị nào quên mất cái hoài bảo cao xa của mình, và gây những sự xáo trộn cho Quần Tiên Hội thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến công việc của những đấng Cao Cả. Những Chân Sư của chúng ta có thể bỏ qua việc ấy, và một đôi khi cũng sẵn lòng chịu đựng một vài sự phiền nhiễu như thế vì các Ngài nghĩ đến cái tương lai, khi người tân Đạo Đồ sẽ thật sự biết sử dụng những quyền năng của mình vào những công việc lớn. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng những đấng Cao Cả khác, không có nhiệm vụ huấn luyện đệ tử, có thể nói: "Công việc của Chúng Ta bị làm xáo trộn, vậy những người hãy còn non nớt đó tốt hơn là hãy đứng ở ngoài!" Các Ngài sẽ nói rằng không có gì mất đi đâu, rằng ở ngoài cũng có thể tiến bộ được và các vị đệ tử có thể tiếp tục sửa mình cho được tốt đẹp hơn, tinh tiến hơn và khôn ngoan hơn trước khi được Điểm Đạo.

Sự mở rộng tâm thức của người tân Đạo Đồ là một điều huyền diệu đến nỗi người ta có thể diễn tả sự thay đổi đó như là một cuộc phục sinh. Người ấy bắt đầu sống một cuộc đời mới "như một đứa trẻ nhỏ", cuộc đời của đấng Christ; và đấng Christ, tức là tâm thức trực giác hay tâm thức Bồ Đề xuất hiện tự trong tâm của y. Người ấy từ nay cũng có quyền năng ban rải ân huệ của Quần Tiên Hội, ân huệ này là một thần lực mạnh mẽ phi thường, mà y có thể ban rải hay gởi đến cho bất cứ người nào mà y thấy rằng xứng đáng và hữu ích. Nguồn thần lực của Quần Tiên Hội sẽ đi xuyên qua y nhiều ít tùy theo khả năng thu nhận của y. Y có trọn quyền sử dụng thần lực và có hoàn toàn trách nhiệm điều khiển thần lực ấy vì bất cứ mục đích nào do y chọn lựa. Trong cuộc lễ Điểm Đạo, ân huệ mà vị Chủ Lễ ban cho người đệ tử, có nghĩa như vầy; "Ta ban ân huệ cho con; Ta ban rải thần lực cho con. Về phần con hãy luôn luôn ban sự thiện chí cho kẻ khác".

Người tân Đạo Đồ càng có nhiều đức tin chừng nào thì luồng thần lực đi xuyên qua y càng lớn chừng nấy. nếu y cảm thấy do dự, hoặc không dám lãnh trách nhiệm để cho một số thần lực mạnh mẽ đi xuyên qua y, y sẽ không thể dùng cái quyền năng huyền diệu đó đến mực tột độ. Còn nếu y có Đức Tin, hoàn toàn tin tưởng nơi Chân Sư của y và Quần Tiên Hội, và hoàn toàn chắc chắn rằng bởi vì y đã hợp nhứt với các Ngài nên tất cả mọi sự y đều có thể làm được, thì y sẽ đi khắp thế gian như một vị Thiên Thần gieo rắc ánh sáng chân lý, niềm vui tươi và ân huệ ở bất cứ nơi nào y đi đến.

Tâm thức của Quần Tiên Hội là một điều huyền diệu khôn tả. Nó giống như một biển đại dương yên lặng, sáng láng, và hợp nhứt một cách tuyệt diệu đến nỗi một gợn sóng nhỏ nhứt trong biển tâm thức đó tức khắc lan rộng cùng khắp nơi trong chớp nhoáng đến chỗ tận cùng. Tuy nhiên đối với mỗi nhân viên Quần Tiên Hội, thì nó hình như là một tâm thức riêng biệt cá nhân, tuy rằng nó có bao hàm một mãnh lực, một sức mạnh và một sự minh triết, mà không một tâm thức riêng của một người nào có thể có được.

Cũng như các vị đệ tử hợp nhứt với Chân Sư, thì Quần Tiên Hội cũng hợp nhứt làm một với Đấng Ngọc Đế. Những nhân viên Quần Tiên Hội có thể tự do tranh luận với nhau về mọi vấn đề, nhưng giữa họ có một sự hợp nhứt chặt chẽ cũng như là những khía cạnh khác nhau của một vấn đề đều hiện ra trước một người mà thôi. Bởi đó, tâm thức của Quần Tiên Hội luôn luôn bao la và yên lặng mà không có gì lay chuyển được. Tuy nhiên trong sự tranh luận mỗi đề nghị đều được hoan nghinh: người ta có cảm giác như toàn thể Quần Tiên Hội đều trông đợi với một sự thích thú lớn lao nhứt, sự góp phần của mỗi nhân viên vào việc cứu xét vấn đề đang thảo luận. Ở thế gian không có gì có thể so sánh cái tâm thức đó. Đạt tới nó, tức là tiếp xúc với một cái gì mới mẻ và lạ lùng, nhưng vô cùng huyền diệu và siêu việt một cách khôn tả, một cái gì nó không thể dẫn chứng hay so sánh được, nhưng nó tự hiện ra như thuộc về một cõi giới huyền bí và cao siêu hơn nhiều.

Tuy rằng những nhân viên Quần Tiên Hội đều hỗn hợp một cách lạ lùng với các tâm thức đó, nhưng họ cũng vẫn giữ cái sắc thái riêng biệt của mỗi người, bởi vì sự đồng ý của mỗi vị đều là cần thiết trong mọi quyết định quan trọng. Quyền uy của đức Ngọc Đế thật là tuyệt đối; tuy nhiên chung quanh Ngài lúc nào cũng có một Hội Đồng các Tiên Thánh, và Ngài sẵn sàng xem xét mọi khía cạnh của một vấn đề mà bất cứ lúc nào một nhân viên của Hội đồng cũng có thể trình lên cho Ngài xem xét. Nhưng cái Chánh phủ huyền bí đó hoàn toàn khác hẳn mọi thể chế đại nghị của thế gian; những vị đó uy quyền đối với kẻ khác đều không do một đảng phái nào bầu cử hay chỉ định, các Ngài sở dĩ có cái hiện tại là do các Ngài tự lực đạt tới bằng sự phát triển tâm linh và bằng sự Minh Triết siêu đẳng. Không một vị nào hoài nghi điều gì về một quyết định của thượng cấp, bởi vì Ngài biết rằng vị thượng cấp đó quả thật cao hơn mình, vì vị này có một tầm nhỡn quang rộng lớn hơn và một khả năng quyết định bao quát hơn. Đối với các bậc Siêu Nhân đó, không thể có vấn đề bị bắt buộc suy nghĩ hay hành động theo một chiều. Tuy nhiên, các Ngài có một đức tin hoàn toàn nơi Tổ chức vĩ đại của các Ngài đến nỗi không bao giờ các Ngài có thể khác biệt nhau.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP THẤT BẠI

Trong một tổ chức như thế, chắc chắn là không thể có một sự thất bại hay một sự rối rắm nào xảy ra. Tuy nhiên, vì bẩm tánh con người vốn yếu ớt, và bởi vì không phải tất cả các nhân viên Quần Tiên Hội đều là những bậc Siêu nhân nên thỉnh thoảng cũng có xảy ra một vài trường hợp thất bại mặc dầu rất hiếm. Trong quyển "Ánh sáng trên đường đạo" có nói rằng: "Có những người vừa bước đến gần cửa Đạo, đã thụt lùi trở lại vì không đảm đương nổi trách nhiệm quá nặng nề, và không thể tiến tới nữa". Chỉ có quả vị Chơn Tiên (Asekha) mới bảo đảm cho chúng ta một sự an toàn tuyệt đối. Vị cầm quyền Điểm Đạo nói với người thí sinh rằng từ nay y đã "nhập lưu" cho nên y đã vĩnh viễn được an toàn. Nhưng mặc dầu là như thế, y cũng vẫn còn có thể trì hoãn sự tiến bộ của y trong một thời gian rất lâu, nếu y vấp ngã trước những sự cám dỗ nó hãy còn lởn vởn trên bước đường của y đi qua. Được vĩnh viễn an toàn thường có nghĩa là được bảo đảm chắc chắn rằng mình sẽ vượt qua cùng với luồng Sóng Sinh Hoạt hiện thời, nghĩa là không bị bỏ sót lại vào ngày "Phán xét cuối cùng" ở vào khoảng giữa cuộc Tuần Hoàn thứ năm, khi mà đấng Christ hạ giáng xuống cõi vật chất quyết định rằng những linh hồn nào sẽ bị bỏ sót lại, và những linh hồn nào sẽ tiếp tục tiến hóa đến mức cuối cùng của Dãy Hành Tinh hiện tại. Không có ai bị sa đọa đời đời kiếp kiếp. Như đấng Christ đã nói, sự ngưng trệ đó chỉ diễn ra trong một thời kỳ rất lâu. Có những linh hồn không thể tiếp tục tới nữa trong chu kỳ hiện tại, nhưng họ sẽ tiếp tục trong chu kỳ kế tiếp, cũng như một đứa trẻ học dốt không thể thi đậu vào kỳ thi cuối năm, sẽ học khá hơn trong năm tới và thậm chí có thể đứng đầu trong lớp trong khóa học tới.

Khi việc đáng buồn đó xảy ra, khi mà trong số các vị được Điểm Đạo có một người bị thất bại, thì một gợn sóng đau thương làm rung động khắp cả biển Tâm thức của Quần Tiên Hội, bởi vì sự chia ly của một vị ra khỏi toàn thể chẳng khác nào như một cuộc giải phẫu, nó xé rách sợi dây liên lạc mật thiết nối liền tất cả làm một. Tuy nhiên, vị Đạo đồ đi lạc đường không phải là bị ly khai một cách vĩnh viễn, vì sợi dây liên lạc với Quần Tiên Hội không thể bị cắt đứt, mặc dầu chúng không biết gì cả về những sự thử thách, gian truân và đau khổ mà y phải trải qua trước khi được phối hiệp trở lại với toàn thể.

"Tiếng nói của Im Lặng" vẫn ngự trong lòng y, và mặc dầu y hoàn toàn rời khỏi con đường Đạo, nhưng một ngày kia tiếng nói đó sẽ vang dội trở lại và chế ngự được y, và ly khai những dục vọng với những đức tánh thiêng liêng của y. Khi đó, với sự đau khổ và những tiếng kêu tuyệt vọng của phàm ngã bị bỏ rơi, y sẽ trở lại.

Những nghi thức Điểm Đạo tuy vẫn không thay đổi trải qua các thời đại, nhưng vẫn có một sự co giãn tùy nghi. Những lời đàm thoại giữa đấng Điểm Đạo với người thí sinh luôn luôn giống nhau về đoạn đầu, như hầu hết trong mọi trường hợp, có một phần thứ nhì gồm những lời răn dạy cá nhân của Ngài ban cho người thí sinh.

Phần này được gọi là phần riêng tư của cuộc đàm thoại. Tôi cũng thấy những trường hợp mà Ngài tạo ra một hình ảnh của kẻ thù lớn nhứt của người thí sinh, và hỏi y sẽ đối xử với người thù đó như thế nào, để biết xem y có sẵn lòng hoàn toàn tha thứ cho người đó và giúp đỡ người đó không, nếu một cơ hội giúp đỡ như thế đến với y. Trong vài trường hợp, Ngài cũng hỏi người thí sinh về những công việc mà y đã làm, và đôi khi những người đã từng được y giúp đỡ cũng được mời đến để làm chứng...

Dưới đây là bài tường thuật một cuộc lễ Điểm Đạo.

MỘT CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHỨT

(CHỨNG QUẢ TU ĐÀ HƯỜN: Solapatti)

Vì năm đó (1915) lễ Wesak nhằm buổi sớm mai ngày 29 tháng 5 dương lịch, nên đêm 27 được chọn để cử hành lễ Điểm Đạo cho một thí sinh, và chúng tôi được lệnh sẵn sàng. Trong dịp này, đức Di-Lặc-Bồ-Tát là đấng Điểm Đạo và bởi đó, cuộc lễ diễn ra trong khu vườn của nhà Ngài. Khi đức Chân Sư Morya hay Chân Sư Kuthumi hành lễ, thì cuộc lễ thường diễn ra nơi ngôi đền cổ trong động đá, mà cửa vào ở gần chiếc cầu bắc ngang qua sông gần nhà của Ngài ở. Nhiều vị Chơn Tiên hội họp đông đủ, tất cả những vị mà chúng tôi biết tên đều có mặt. Khu vườn đêm hôm ấy rất thanh lịch, những bụi hoa sơn lựu (rhoddendron) đều trổ bông màu đỏ sậm và không khí trong vườn thơm ngát mùi hương của những khóm hoa hường nở sớm.

Đức Di-Lặc-Bồ-Tát ngồi trên chiếc ghế cẩm thạch ở dưới gốc cây cổ thụ trước nhà Ngài. Các vị Chân Sư ngồi theo hình bán nguyệt ở hai bên tả hữu, trên một sân thượng đầy cỏ, trên những chiếc ghế dành sẵn cho các Ngài. Đức Bàn Cổ Vaisasvata và đức Văn Minh Đại Đế cũng ngồi trên ghế cẩm thạch ở bên cạnh đức Bồ Tát.

Người thí sinh, cùng với vị Chân Sư giới thiệu y, đứng ở bậc dưới sân thượng, ngay dưới chân đức Bồ Tát. Ở phía sau, còn có những vị đệ tử khác, hoặc đã, hoặc chưa được Điểm Đạo, và vài người hiếu kỳ có cái hân hạnh được phép chứng kiến cuộc lễ, mặc dầu có đôi khi một tấm màn ánh sáng che khuất không cho họ thấy những hành động của những đấng Cao Cả. Người thí sinh, theo lệ, được mặc áo dài bằng vải trắng, còn các Chân Sư phần nhiều mặc y phục bằng lụa trắng có thêu ren vàng chung quanh.

Một nhóm rất đông các vị Thiên Thần bay lượn trên không, làm cho không khí tràn đầy một loại nhạc êm dịu; nhạc này, bằng một cách lạ lùng và huyền bí, hình như làm cho toàn thể người thí sinh cũng tiết ra một âm điệu phức tạp khó tả, biểu lộ những đức tánh và khả năng tiềm tàng của y. Loại âm nhạc đó vẫn tiếp tục suốt buổi lễ, làm nổi bật một cách tế nhị mọi lời nói thốt ra và làm bối cảnh cho mọi câu chuyện, cũng như tiếng suối chảy nhẹ nhàng ở xa xa làm bối cảnh thiên nhiên cho tiếng chim hát trên cành, nhưng cũng vang lừng đến một mực hùng vĩ ở một vài giai đoạn của cuộc lễ. Âm nhạc đó làm cho không khí vang rền những âm ba, và làm cho giọng của người nói trở nên phong phú thêm lên. Trong mỗi trường hợp, âm nhạc đó căn cứ trên cái bản chất đặc biệt của người thí sinh, biến đổi âm điệu và biểu lộ những đặc tính hiện tại và tương lai của y, bằng một cách mà người thế gian như chúng ta không thể hiểu.

Người thí sinh đứng ở chính giữa khung cảnh như đã nói ở trên, đứng hai bên là hai vị Chân Sư đề nghị và ủng hộ y vào Quần Tiên Hội. Đức Thầy của y là Chân Sư Kuthumi dắt y tới trước còn Chân Sư Jésus là vị ủng hộ. Đức Di-Lặc-Bồ-Tát vừa mỉm cười vừa thốt ra câu hỏi mở đầu cuộc lễ:

-"Quý vị dắt ai đến trước mặt Ta đó?"

Đức Thầy đáp lại như thường lệ:

-"Đây là một thí sinh được nhận vào Quần Tiên Hội"

Kế đó đến câu hỏi:

-"Đạo huynh có bảo đảm rằng y xứng đáng được nhận hay không?"

Và câu đáp như thường lệ:

-"Tôi bảo đảm".

-"Đạo huynh có sẵn lòng dìu dắt y trên đường Đạo mà y muốn gia nhập hay không?"

Và Đức Thầy đáp: "Tôi sẵn lòng".

-"Luật lệ của chúng ta bắt buộc phải có hai vị Chân Sư đứng bảo đảm cho mỗi thí sinh. Vậy có Đạo huynh nào khác sẵn sàng ủng hộ sự thỉnh cầu của y hay không?"

Khi đó, vị ủng hộ mới lên tiếng trả lời:

-"Tôi sẵn sàng ủng hộ".

Đức Bồ Tát hỏi:

-"Chư huynh có bằng chứng rằng nếu y được ban thêm quyền năng, y sẽ dùng những quyền năng ấy để phụng sự thiên cơ hay không?"

Và đức Thầy Kuthumi trả lời:

-"Trong kiếp này đời sống của thí sinh tuy ngắn ngủi nhưng y đã lập nhiều công quả, và bắt đầu làm công việc của chúng ta trên thế gian. Trong kiếp sống của y ở Hy Lạp y cũng đã hoạt động nhiều để phổ biến nền Triết Học của tôi, và cải thiện xứ sở của y"

Chân Sư Jésus nói thêm:

-"Trải qua hai kiếp sống, y đã công nhận làm công việc của tôi, sửa đổi những điều tệ đoan và nêu cao một lý tưởng cao thượng trong cuộc đời của y với tư cách một nhà lãnh đạo. Trong một kiếp khác làm một tu sĩ, y đã truyền bá giáo lý đề cao những đức tánh trong sạch, bác ái và vị tha. Vì những lý do đó, nên bây giờ tôi bằng lòng ủng hộ y.

Kế đó, đức Bồ Tát mỉm cười nhìn thí sinh, và nói:

-"Thí sinh này là người trẻ tuổi nhứt được trình diện để xin được nhận vào Quần Tiên Hội. Có một nhân viên nào của Quần Tiên Hội còn đang ở thế gian sẵn sàng nhân danh chúng ta để giúp đỡ và chỉ dạy cho y chăng?"

Sirius từ trước đến giờ vẫn đứng chung với nhóm đệ tử ở phía sau, bèn bước tới trước và nói:

-"Bạch Bồ Tát, tùy khả năng của con, và ngày nào con còn ở gần bên y, con sẽ vui lòng giúp đỡ y bất cứ việc gì mà con có thể".

Đức Bồ Tát nói:

-"Con có dành cho thí sinh này một tình huynh đệ chân thành và con luôn luôn sẵn sàng dìu dắt y chăng?"

Sirius đáp: "Con vui lòng".

Đức Bồ Tát khi ấy mới hỏi thí sinh lần đầu tiên và một cách trực tiếp:

-"Về phần con, con có thương yêu sư huynh của con chăng, để cho con sẽ được y giúp đỡ khi cần?"

Người thanh niên đáp lại:

-"Con sẽ thương yêu sư huynh con với tất cả tấm lòng, vì nếu không có sư huynh, thì ngày nay con không thể gặp cơ hội này".

Đức Bồ Tát nghiêng đầu một cách trang trọng, và các Chân Sư dắt người thí sinh bước tới để cho y đứng ngay trước mặt Ngài. Ngài nhìn thẳng vào người thí sinh và nói:

-"Con có muốn gia nhập Hội Quần Tiên hằng có đời đời hay chăng?"

Người thiếu niên đáp:

-"Bạch Bồ Tát, con xin gia nhập nếu Ngài thấy rằng con có đủ điều kiện, mặc dầu xác thân con hãy còn quá trẻ".

Đấng Điểm Đạo hỏi:

-"Con có biết mục đích của Quần Tiên Hội chăng?"

Người thí sinh đáp rằng mục đích của Quần Tiên Hội là thi hành ý muốn của Thượng Đế bằng cách thực hiện Thiên Cơ và đó tức là Cơ Tiến Hóa.

Đức Bồ Tát nói:

-"Con có cam kết rằng kể từ ngày nay trở đi, con sẽ hiến dâng tất cả cuộc đời và tất cả sức lực của con cho công việc phụng sự chăng? Con có tuyệt đối quên mình vì hạnh phúc của nhân loại, hoàn toàn sống một cuộc đời bác ái, như lòng bác ái của Thượng Đế ban rải khắp muôn loài?"

Người thiếu niên đáp:

-"Con sẽ cố gắng làm như thế với tất cả khả năng của con, và với sự giúp đỡ của Sư Phụ con".

-"Con có hứa sẽ giữ bí mật những điều mà con được lịnh phải giữ kín chăng?"

Người thí sinh đáp: "Con xin hứa"

Kế đó, những câu hỏi thông thường về mọi hình thức sinh hoạt cùng công việc ở cõi Trung Giới được đưa ra cho người thí sinh. Nhiều vật thuộc cõi Trung Giới được đưa cho y xem, và y phải nói với đấng Điểm Đạo biết đó là vật gì? Y phải phân biệt những Thể Vía của người sống và của người chết, sự khác biệt giữa một người với hình tư tưởng của một người, và một vị Chân Sư thật với một vị Chân Sư giả tạo giống y như thật. Kế đó, đấng Diểm Đạo chỉ cho y nhiều trường hợp thuộc cõi Trung Giới, và hỏi y sẽ giúp đỡ mỗi trường hợp bằng cách nào? Người thí sinh trả lời tùy theo sự hiểu biết của y. Sau cùng, Ngài mỉm cười và nói rằng Ngài rất hài lòng về những câu trả lời đó.

Khi đó, đấng Diểm Đạo thốt ra một bài diễn văn, lời lẽ nghiêm trang và thanh tú, phần đầu luôn luôn giống nhau, nhưng phần cuối thì có thêm một đoạn nhắn nhủ riêng mỗi thí sinh tùy trường hợp. Bài diễn văn đó giải thích công việc của Quần Tiên Hội trên thế gian, và trách nhiệm giao phó cho mỗi nhân viên, vì mỗi người phải chia sớt một phần gánh nặng đau khổ của thế gian. Mỗi người phải sẵn sàng giúp đỡ bằng công việc làm và bằng sự góp ý kiến. Chỉ có một Hội Quần Tiên, hành động dưới một Định Luật và một vị Chủ Tể, và mỗi vị Đạo Đồ đều có cái vinh hạnh đem sự hiểu biết và khả năng của mình để góp phần cho Quần Tiên Hội sử dụng, hầu có xúc tiến công việc giúp đỡ sự tiến hóa của nhân loại. . Mặc dầu đức Ngọc Đế có quyền hành tuyệt đối, nhưng không có một quyết định quan trọng nào mà không có sự đồng ý của chí đến người nhân viên trẻ tuổi nhứt của Quần Tiên Hội. Mỗi vị là một đại diện của Quần Tiên Hội ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà y đi đến, và mỗi người đều cam kết hiến mình cho Quần Tiên Hội sử dụng, đi đến bất cứ nơi nào mà y được gởi đi và phụng sự bằng mọi phương tiện cần thiết. Những nhân viên trẻ tuổi tự nhiên là sẽ vâng lời những vị Trưởng Thượng của họ, nhưng họ có thể giúp đỡ bằng sự hiểu biết riêng của mình, và có thể đề nghị bất cứ điều gì mà họ cho là hữu ích.

Mỗi vị Đạo đồ sống ngoài thế gian phải nhớ rằng y là một trung tâm do đó thần lực của đức Ngọc Đế có thể được gởi đi xuyên qua để giúp đỡ những kẻ cần giúp đỡ, và các đấng Chân Sư có thể dùng y bất cứ lúc nào như một đường vận hà để chuyển di ân huệ của các Ngài. Bởi đó, mỗi vị Đạo đồ trẻ tuổi phải luôn luôn sẵn sàng để được sử dụng bất cứ lúc nào, vì y không thể biết trước ngày giờ nào y được cần dùng đến. Đời sống của vị Đạo đồ phải là một cuộc đời hoàn toàn hiến dâng cho kẻ khác. Y phải để ý xem chừng luôn luôn để nắm lấy tất cả mọi cơ hội phụng sự, và lấy việc phụng sự đó làm một nguồn vui lớn nhứt của mình. Y phải nhớ rằng danh dự của Quần Tiên Hội là ở trong tay của y, và y phải giữ gìn cẩn thận đừng để cho bất cứ một lời nói hay hành động nào của y có thể làm bôi nhọ hoặc làm giảm giá trị Quần Tiên Hội trong con mắt của người đời. Y đừng tưởng rằng bởi vì y đã nhập lưu, nên mọi sự thử thách và cố gắng sẽ chấm dứt đối với y. Trái lại, y còn phải thực hành những cố gắng lớn lao hơn nữa, nhưng y sẽ có một sức mạnh tinh thần lớn lao hơn để theo đuổi những cố gắng đó, y sẽ có một quyền năng rộng lớn hơn trước rất nhiều, nhưng đồng thời trách nhiệm của y cũng sẽ nặng nề hơn. Y phải nhớ rằng không phải với cái tư cách cá nhân mà y đã thực hiện được một bước tiến nó nâng y lên cao hơn những kẻ đồng loại. Trái lại, y nên vui mừng bởi vì nhân loại, do nơi y, đã tiến thêm được một ít, đã tự giải thoát khỏi những sự kiềm tỏa của nó trong cái phạm vi nhỏ hẹp đó. Ân huệ của Quần Tiên Hội luôn luôn đến với y, nhưng nó sẽ đến với y nhiều hay ít tùy theo cái mực độ mà y ban rải nó ra cho kẻ khác, và đó là Luật bất di dịch từ muôn đời.

Đó là đại ý phần đầu của bài diễn văn, thường không thay đổi. Còn về phần sau là phần nhắn nhủ riêng từng thí sinh, thì đấng Điểm Đạo nói thêm như sau:

-"Thể xác của con còn quá trẻ trung để có thể mang lấy cái trách nhiệm nặng nề của một cuộc Điểm Đạo. Tuy nhiên chính sự trẻ trung đó đem đến cho con một cơ hội tốt đẹp như bất cứ một diễm phúc nào của người đời hằng ao ước. Nó là kết quả tốt lành của những tiền kiếp hy sinh của con, vậy con hãy giữ sao cho trong kiếp này con tỏ ra xứng đáng với cái diễm phúc đó. Chúng Ta tin tưởng rằng trong khi quyết định thâu nhận một người còn trẻ tuổi như con, chúng Ta đã chọn lựa một cách khôn ngoan. Con hãy luôn luôn ghi nhớ sự hợp nhứt tuyệt đối giữa tất cả chúng ta là những nhân viên của một Quần Tiên Hội duy nhứt, để không bao giờ con làm cho nó bị thương tổn. Nhờ bắt đầu sớm, con có thể tiến rất xa trong kiếp này. Đường Đạo tuy gay go hiểm trở, nhưng con sẽ có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua. Con hãy tập lấy sự Minh Triết, tập chủ trị lấy các Hạ Thể, mở mang những đức tánh sốt sắng, cương quyết và nhìn thấy xa. Hãy nhớ rằng Ta trông đợi nơi con để làm một người phụ tá tin cẩn của Ta khi Ta lâm phàm để truyền Đạo dưới thế gian. Nhờ giàu lòng bác ái mà con đã đạt tới quả vị hiện tại. Con hãy nuôi lòng bác ái đó cho tăng trưởng và mạnh mẽ thêm lên, và nó sẽ nâng đỡ con đi đến mục đích".

kế đó, đức Bồ Tát day lại các Chân Sư và nói:

-"Tôi nhận thấy thí sinh này đủ điều kiện. Vậy tất cả quý vị có mặt hôm nay có đồng ý thâu nhận y vào Quần Tiên Hội chăng?"

Tất cả các vị đều trả lời: "Chúng tôi đồng ý".

Đấng Điểm Đạo bèn đứng dậy, day mặt về hướng Shamballa và hô to:

-"Nhân danh Ngài, đức Ngọc Đế hằng có đời đời, tôi có được phép thâu nhận vị thí sinh này chăng?"

Đáp lại lời cầu xin của đấng Điểm Đạo, Ngôi Sao chớp sáng lòe trên đầu Ngài để biểu lộ sự chuẩn y của đức Ngọc Đế. Tất cả cử tọa đều cúi đầu rạp xuống, trong khi đó âm nhạc Thiên Thần nổi lên một cách hùng dũng như một bài hành khúc tuyệt diệu. Giữa lúc ấy, hai vị Chân Sư dắt người thí sinh tiến lên, để cho y quỳ xuống trước mặt đấng Điểm Đạo, đại diện đức Ngọc Đế là đấng Duy Nhứt cầm quyền thâu nhận vào Quần Tiên Hội. Một đường ánh sáng chói lòa, như một tia chớp nhoáng, đi từ Ngôi Sao đến quả tim đấng Điểm Đạo, và từ Ngài đến quả tim người thí sinh. Dưới ảnh hưởng của luồng từ điển thần diệu đó, Ngôi Sao Bạc của Tâm Thức, tượng trưng điểm Chơn Thần của người thí sinh, nở lớn và chói sáng ngời cho đến khi nó tràn đầy Thể Thượng Trí của y, và trong một lúc, Chơn Thần hỗn hợp làm một với Chơn Nhơn, cũng như chúng sẽ hợp nhất vĩnh viễn khi con người đắc quả vị Chơn Tiên. Đức Bồ Tát đặt hai bàn tay Ngài lên đầu thí sinh, và gọi đích tên y, Ngài nói:

-"Nhân danh đấng Điểm Đạo Duy Nhất mà Ngôi Sao chiếu sáng trên đầu chúng ta, Ta nhận con vào Quần Tiên Hội hằng có đời đời. Con hãy cố gắng để trở thành một nhân viên xứng đáng và hữu ích của Quần Tiên Hội. Từ nay con đã được vĩnh viễn an toàn; con đã nhập lưu và xuôi giòng tiến bước. Ta chúc con sớm đạt tới bến Giác!"

Khúc nhạc Thiên Thần lại trổi dậy trong một biển âm thanh ngọt ngào du dương, dường như làm tràn đầy không khí với một sức mạnh và niềm vui mừng khôn tả. Đấng Điểm Đạo cùng hai vị Chân Sư đở đầu và người thí sinh đều được bao phủ trong những màu sắc tốt đẹp vô cùng. Những luồng ân huệ của đức Bàn Cổ, đức Văn Minh Đại Đế, và sau cùng của đức Phật Thích Ca Như Lai được ban xuống cho người thí sinh: từ nay lại có thêm một người con của nhân loại đã bước vào cửa Đạo. Ngôi Sao Bạc dường như nở lớn và bao trùm đấng Điểm Đạo cùng với người tân Đạo đồ trong một vòng ánh sáng huy hoàng. Và khi hai vị cùng bước ra khỏi vòng ánh sáng huy hoàng đó, thì y phục của người thí sinh không còn bằng vải nữa, mà bằng lụa trắng, giống như của những vị Đạo đồ khác đã được Điểm Đạo.

Khi đấng Điểm Đạo làm cho Thể Thượng Trí của Ngài chiếu sáng, và Thể Thượng Trí của vị tân Đạo Đồ cũng chiếu sáng đáp lại, thì đó là một cảnh tượng tốt đẹp vô cùng. Ánh sáng màu lục và màu vàng chiếu diệu, và điểm Chơn Thần, lúc bình thường chỉ là một điểm ánh sáng nhỏ ở bên trong hột lưu tánh nguyên tử của Thể Thượng Trí, khi đó chói sáng rực rỡ.Trong dịp đó, điểm Chơn Thần hỗn hợp với một mảnh của nó là Chơn Nhơn, và chính nó đã lập những lời nguyện. Ảnh hưởng trên Thể Vía cũng là một điều rất lý thú. Nó làm cho Thể Vía rung động nhịp nhàng, mà vẫn không mất sự thăng bằng, và từ nay nó có thể cảm giác một cách tế nhị hơn trước rất nhiều, tuy vẫn còn dưới sự kiểm soát của đương sự. Đấng Điểm Đạo tạo nên sự nhịp nhàng đó bằng cách làm cho Thể Vía của người thí sinh rung động theo cùng một nhịp với Thể Vía của Ngài, và đồng thời làm cho nó được vững vàng kiên cố hơn, để cho nó khỏi bị dễ lay chuyển hay giao động, mà trái lại có một khả năng rung động mãnh liệt hơn trước.

Khi đã làm xong tất cả những điều đó, đấng Điểm Đạo mới ban cái Chìa Khóa Hiểu Biết cho người Tân Đạo Đồ, và dạy cho y biết làm thế nào để nhìn nhận một cách đúng đắn bằng nhãn quang siêu phàm bất cứ một nhân viên nào của Quần Tiên Hội mà y chưa được quen biết. Ngài truyền lịnh cho một vài vị cao đồ của Chân Sư hãy trông nom săn sóc người Tân Đạo Đồ trong việc luyện Kim Thân, hay là Thể Bồ Đề, càng sớm càng hay. Đến đây, cuộc lễ chấm dứt và những vị Chân Sư hội họp tại đó đều ban ân huệ cho người tân Đạo Đồ. Khi đó, đến lượt người tân Đạo Đồ ban ân huệ của Quần Tiên Hội cho thế gian, và đó là lần đầu tiên mà y sử dụng cái quyền năng mới và mạnh mẽ được giao phó cho y. Luồng ân huệ đó được ban xuống cho thế gian giúp thêm một sự sống mới cho mọi loài, mỗi sinh vật đều được ban thêm một ít sức mạnh, một ít mỹ lệ. Tất cả đều bày tỏ vẻ khoan khoái và biết ơn. Khi một người con của nhân loại gia nhập vào Quần Tiên Hội, thì tất cả mọi vật trong Thiên nhiên đều vui mừng, vì lại có thêm được một sức mạnh tăng cường hàng ngũ của những bậc Chí Thiện, để sau cùng sẽ giúp đỡ họ giải thoát khỏi vòng đau khổ. Sự sống trên thế gian là một Sự Sống Duy Nhất, và khi một đơn vị nào của toàn thể thực hiện được một sự tiến bộ rõ rệt, thì tất cả mọi loài trong Thiên nhiên đều chia sớt sự thành công đó, dầu là những loài mà chúng ta thường gọi một cách sai lầm là vô tri giác.

Khi cuộc lễ chấm dứt, các Chân Sư ban lời khen tặng cho vị tân Đạo Đồ và Ngôi Sao Sáng biến mất.

Qua đêm sau, tôi được lịnh trình diện người tân Đạo Đồ cho đức Ngọc Đế. Tự nhiên, đây là một cái danh dự rất phi thường, và không gồm trong những nghi thức của cuộc Điểm Đạo thứ nhứt. Nó chỉ thường đi kèm theo cuộc Điểm Đạo lần thứ 3 mà thôi. Chúng tôi đến Shamballa vào giờ đã định và được tiếp kiến tại nơi đại điện như thường lệ.Chúng tôi thấy đức Ngọc Đế đương ngồi nói chuyện với đức Phật Thích Ca và đức Di-Lặc-Bồ-Tát. Đức Di-lặc trình diện người tân Đạo Đồ cho đức Ngọc Đế, như là "một người em nhỏ nhất, một Ngôi Sao Bác Ái luôn luôn chói rạng", và đức Ngọc Đế (Sanat Kumara) mỉm cười một cách dịu dàng khi người thiếu niên quỳ dưới chân Ngài. Người tân Đạo Đồ chắp tay vái chào theo kiểu Đông Phương, đức Ngọc Đế đưa bàn tay mặt của Ngài ra, nắm lấy cả hai bàn tay của y và nói:"Con đã cố gắng rất nhều và Ta rất hài lòng về con. Ta đã gọi con đến đây để nói cho con biết như thế. Con hãy tiếp tục và hãy cố gắng hơn nữa, vì Ta trông cậy rằng con sẽ đóng một vai trò lớn lao trong tương lai của Giống Dân mới sau này. Ngôi Sao của Ta chói sáng trên đầu con vài giờ trước đây. Con hãy nhờ rằng nó sẽ luôn luôn lơ lửng trên đầu con, mặc dầu con không trông thấy nó; và ở nơi nào nó chói rạng, thì nơi đó sẽ có ân huệ, sự tinh khiết và sự bằng an".

Khi đó, đức Phật đặt bàn tay của Ngài trên đầu người tân Đạo Đồ, và nói:

"Ta cũng ban cho con ân huệ và lời khen của Ta, vì Ta nghĩ rằng sự tiến bộ mau chóng của con bây giờ sẽ mở màn cho một tương lai sáng lạn về sau. Trong cái tương lai đó, Ta sẽ đón nhận con như một vị Đạo hữu của Huyền Môn Chánh Đạo, ngàn đời ban rải Ánh Sáng Đạo mầu cho các bầu thế giới".

Ba vị Độc Giác Phật (Kumaras) đứng phía sau cũng mỉm cười với người thiếu niên trong khi y quỳ và không nói một lời nào nhưng chiếu diệu lòng bác ái và tôn sùng. Đức Ngọc Đế đưa bàn tay của Ngài để ban ân huệ trong khi chúng tôi cúi lạy rạp xuống đất, và chúng tôi lui bước.

THỜI GIAN CỦA MỘT CUỘC LỄ ĐIỂM ĐẠO

Một cuộc lễ Điểm Đạo diễn ra trong một thời gian bao lâu, tùy từng trường hợp, mà một yếu tố trong những yếu tố khác là số vốn kiến thức của người thí sinh.Có những cuộc lễ kéo dài đến ba ngày và ba đêm, nhưng thường thì ngắn hơn nhiều. Một trong những cuộc lễ Điểm Đạo mà tôi đã chứng kiến đã kéo dài suốt hai đêm và một ngày. Những cuộc lễ khác tập trung chỉ trong một đêm, một phần lớn những nghi thức thông thường được gác lại một bên để rồi sau đó sẽ được thi hành do những vị đệ tử cao cấp nhứt của các Chân Sư. Vài cuộc Điểm Đạo thời cổ kéo dài thời giờ như thế là bởi vì người thí sinh phải được thụ huấn về công việc làm ở cõi Trung Giới. Y cũng phải thực hiện một vài kinh nghiệm của Thể Kim Thân (Bồ Đề) vì sự phát triển của Thể này rất cần thiết cho cuộc Điểm Đạo, nếu không thì người thí sinh sẽ không thể hiểu được một vài điều giáo huấn thuộc về cõi Bồ Đề. Phần nhiều những hành giả trong giới Thông Thiên Học đã có làm công việc ở cõi Trung Giới và nhờ đó đã biết được nhiều chi tiết về cõi này. Một phần lớn những chi tiết đó được giải thích trong cuộc lễ Điểm Đạo, nếu người thí sinh chưa biết gì cả. Còn nếu đấng Điểm Đạo biết rằng người thí sinh đã có phát triển ít nhiều Thể Kim Thân của y, thì những vị đệ tử cao niên hơn thường được giao phó trách nhiệm giúp cho người thí sinh trải qua tất cả những kinh nghiệm về loại đó, hoặc trong đêm sau, hoặc khi nào có dịp thuận tiện.

Cuộc lễ Điểm Đạo này kéo dài ít hơn sáu giờ đồng hồ, nhưng trước và sau cuộc lễ còn có một ít thời giờ dành cho người thí sinh. Các Chân Sư luôn luôn khen ngợi người thí sinh sau khi cuộc lễ chấm dứt, mỗi vị đều nói với y một vài lời khả ái. Các Ngài cũng thừa dịp những cuộc hội họp như thế để đưa một vài huấn lịnh cho các đệ tử. Sự thâu nhận một thí sinh mới vào Quần Tiên Hội là một sự thành công cho tất cả, và mỗi khi có thêm một linh hồn được vĩnh viễn an toàn như thế, là một dịp vui vẻ rất lớn, nhứt là cho những nhân viên còn trẻ tuổi.

ĐỊA VỊ "CON CỦA ĐỨC THẦY"

Chúng tôi đã nói về sự liên lạc mật thiết giữa Chân Sư và người đệ tử được thâu nhận. Sự thân mật đó mỗi lúc càng tăng thêm nhiều và đến khi người đệ tử tiến đến gần cửa Điểm Đạo thì Chân Sư xét thấy cần thiết lập giữa Ngài với người đệ tử một sự hợp nhứt chặt chẽ hơn nữa. Khi ấy, người đệ tử trở nên "Con của đức Thầy", và sự liên lạc giữa Thầy và trò mật thiết đến nỗi không những Thể Hạ Trí, mà Chơn Nhơn trong Thể Thượng Trí của người đệ tử, cũng được bao phủ bởi Thể Thượng Trí của Chân sư, và như thế Ngài không còn có thể tạo nên một tấm màn để ngăn cách giữa Ngài với người đệ tử, như đã nói ở đoạn trước.

Trong quyển "Ánh Sáng trên đường Đạo" có đoạn diễn tả trạng thái hợp nhứt sâu xa đó như sau: "Ta cho con sự bằng an của Ta, câu này Chân Sư chỉ có thể nói với những đệ tử thân yêu giống như Ngài".Như thế, những vị đệ tử có cái đặc ân quý vộ giá là có thể chuyển sự bằng an cho kẻ khác một cách trọn vẹn. Mỗi vị đệ tử chánh thức của Chân Sư đều có quyền và có bổn phận ban ân huệ nhân danh Ngài, và mỗi khi y dùng cái quyền năng đó một cách đúng đắn, thì một luồng ân huệ tốt đẹp của Chân Sư chắc chắn sẽ ủng hộ sự cố gắng của y. Khi người đệ tử bước vào nhà ai, y phải ban ân huệ đặc biệt trong trí y như sau: "Cầu xin ân huệ của Chân Sư được ban rải khắp ngôi nhà này, và cả những người sống ở trong đó". Nhưng, chỉ có một vị "Con của đức Thầy" mới có thể gây cho người khác cái cảm giác về sự hiện diện của y, bằng một sự an tịnh không thể tả. Chỉ có vị "Con của đức Thầy" mới được nhìn nhận là một nhân viên của Quần Tiên Hội, và như tôi đã nói, điều này đưa đến cho y cái quyền năng ban bố một ân huệ lớn lao hơn nữa, mặc dầu cả hai thứ ân huệ đều có sự công dụng riêng trong mỗi lãnh vực đặc biệt của nó.

Tôi có nhớ đã gởi tặng cả hai thứ ân huệ đó, trong những trường hợp khác nhau, cho một vị Thiên Thần rất lớn mà tôi có hân hạnh được biết rõ. Một ngày nọ, tôi ngồi trên một chiếc tàu chạy ngang qua địa phận của Ngài. Tôi gởi cho Ngài, như một sự chào hỏi, một luồng ân huệ của Sư Phụ tôi. Thật là một cảnh tượng tốt đẹp mà thấy Ngài nhận luồng ân huệ đó. Ngài nghiêng mình rất sâu và tỏ vẻ cám ơn bằng cách phát ra một luống ánh sáng êm dịu tượng trưng cho sự thánh thiện và lòng sùng tín mạnh mẽ. Một ngày khác, trong một dịp tương tự như thế, tôi gởi cho Ngài một luồng ân huệ của Quần Tiên Hội. Trong khoảng khắc, tất cả vòng hào quang của vị Đại Thiên Thần đó đều rung động mãnh liệt và chói rạng màu sắc rực rỡ để đáp lại, đồng thời làm sáng rực toàn cõi địa phận của Ngài.

Sự phản ứng đó giống như của một người lính tập thình lình đứng nghiêm, hoặc hơn nữa, dường như tất cả mọi sự không những trong vị Thiên Thần mà trong hằng muôn ngàn sinh linh phụ thuộc làm việc dưới sự chỉ huy của Ngài đều được tăng gia sinh lực lên gấp bội phần. Tất cả cảnh vật thiên nhiên đều phản ứng một cách mau chóng. Đó là bởi vì Sư Phụ của tôi, dẫu rằng được sự kính mến của vị Thiên Thần đó, vẫn không phải là Sư Phụ của Ngài; còn đức Ngọc Đế của Quần Tiên Hội cũng là đức Ngọc Đế chung của tôi và của Ngài, bởi vì đức Ngọc Đế là đấng Duy Nhứt, mà uy quyền bao trùm toàn thể quả địa cầu của chúng ta.

TRÌNH ĐỘ ĐIỂM ĐẠO

Vấn đề muốn biết xem một người đã gần đến mức sẵn sàng được Điểm Đạo hay chưa, gồm có ba điều kiện tùy thuộc lẫn nhau. Điều thứ nhứt là y phải có đủ những đức tánh cần thiết, như đã nêu trong quyển "Dưới Chân Thầy". Điều này ngụ ý rằng y phải mở tất cả những đức tánh đến một mực tối thiểu, và một vài đức tánh trong số đó phải được phát triển nhiều. Để có một ý niệm rõ rệt về vấn đề này, chúng ta hãy lấy thí dụ ở cách chấm bài trong những kỳ thi lớn. Những vị giám khảo chấm thi đã định trước rằng không một thí sinh nào được chấm đậu nếu y không có một sồ điểm tối thiểu cho mỗi môn học. Số điểm tối thiểu này thường rất thấp, thí dụ là 25 phần trăm. Thí sinh nào không đủ 25 phần trăm số điểm trong bất cứ môn nào, sẽ bị chấm rớt. Tuy nhiên, một thí sinh chỉ có vừa đủ 25 phần trăm số điểm cho tất cả những môn học, cũng không được chấm đậu, vì ngoài ra số điểm tối thiểu định riêng cho mỗi môn học, người ta còn phải đặt ra một số điểm tối thiểu cộng chung cho tất cả, thí dụ là 40 phần trăm. Bởi vậy, một thí sinh chỉ có 25 phần trăm hay 30 phần trăm số điểm trong một hay hai môn học, phải làm sao cho số điểm vượt trội hơn rất nhiều trong những môn khác, để khi cộng chung tất cả lại những môn học, y sẽ có đủ số điểm trung bình cần thiết.

Đó cũng là phương pháp áp dụng trong khoa Huyền Môn. Người thí sinh muốn được Điểm Đạo phải mở mang tất cả mọi đức tánh đến một mực độ trung bình, nhưng đồng thời y phải phát triển một vài đức tánh đến một mực thật đầy đủ và mỹ mãn. Một thí sinh không thể được chấm nếu y hoàn toàn thiếu hẳn tánh phân biện. Nhưng nếu y chỉ có đức tánh này một cách thiếu sót, còn cách rất xa mực độ trung bình, thì một vòng Bác Ái rộng lớn, chan chứa tình thương đối với mọi vật, sẽ có thể bù trừ cho sự thiếu sót nói trên. Điều thứ hai, là linh hồn phải huấn luyện những hạ thể của nó như thế nào để có thể sử dụng chúng một cách hoàn toàn tùy theo ý muốn. Y phải thực hiện điều mà giáo lý Thông Thiên Học gọi là sự hợp nhứt của Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Điều thứ ba, là y phải có đủ sức mạnh để chịu đựng sự công phu khó nhọc, nó sẽ ảnh hưởng chí đến Thể Xác của y.

Còn nói về trình độ tiến hóa mà y sẽ đạt tới do cuộc Điểm Đạo, thì đây là một điều rất co giãn và không có một tiêu chuẩn nhất định. Thật là một điều sai lầm mà tưởng rằng tất cả những vị được Điểm Đạo đều có một trình độ phát triển bằng nhau, cũng như người ta đừng tưởng rằng tất cả những người có bằng cấp Cử Nhân đều có một kiến thức đồng đều nhau.

Một thí sinh có thể phát triển nhiều đức tánh cần thiết đến một mực độ vô cùng mỹ mãn, vượt khỏi số điểm tối thiểu rất xa, nhưng lại bị sút kém đến một mực quan trọng và thấp hơn mực tối thiểu về một đức tánh nào đó. Trong trường hợp đó, tự nhiên là y cần phải đợi cho đến khi y có đủ số điểm tối thiểu về đức tánh còn thiếu sót, và trong khi ấy thì tự nhiên là y sẽ phát triển những đức tánh khác nhiều hơn nữa.

Bởi đó, chúng ta thấy tuy rằng có một trình độ nhứt định cần thiết cho sự Điểm Đạo, nhưng cũng có vài thí sinh đã vượt khỏi cái trình độ đó rất xa về một vài phương diện. Chúng ta cũng thấy rằng có thể có nhiều sự khác biệt nhau rất xa về thời gian ở khoãng giữa các cuộc Điểm Đạo. Một người vừa mới được Điểm Đạo lần thứ nhứt, có thể đã phát triển được rất nhiều đức tánh cần thiết cho cuộc Điểm Đạo thứ nhì, bởi đó, thời gian cách khoảng giữa hai cuộc Điểm Đạo rất ngắn.

Trái lại, một thí sinh chỉ có vừa đủ mọi điều kiện để qua khỏi cuộc Điểm Đạo thư nhứt, sẽ phải tuần tự phát triển tất cả mọi đức tánh và khả năng cần thiết cho cuộc Điểm Đạo thứ nhì, bởi đó, thời gian chuẩn bị sẽ lâu dài hơn.

CƠ HỘI HIỆN TẠI

Hiện thời, chúng ta đã bước vào một thời kỳ của lịch sử thế giới mà sự phát triển ở tất cả mọi trình độ tiến hóa đều có thể rất mau chóng, bởi vì việc đức Chưởng Giáo sắp lâm phàm tạo nên một trào lưu tư tưởng mạnh mẽ vô cùng về các vấn đề tâm linh, tất cả đều hướng về mục đích tiến bộ tinh thần, cho nên bất cứ người nào có một cố gắng công phu theo chiều hướng đó đều nhận thấy rằng họ đi thuận giòng và tiến rất mau. Điều này không phải chỉ là giòng tư tưởng và cảm xúc của con người; thật vậy, tư tưởng của con người chỉ là một phần rất nhỏ của cái trào lưu đó, bởi vì những người biết rõ về việc đức Chưởng Giáo lâm phàm chỉ là một số ít. Điều đáng kể nhứt là cái giòng tư tưởng và cảm xúc vô cùng mạnh mẽ của hằng hà sa số những vị đại Thiên Thần, những vị này biết rõ Thiên Cơ và cố gắng bằng mọi cách để trợ giúp Cơ Tiến Hóa.

Tuy nhiên, sự tiến bộ mau chóng như thế là một việc hao tốn rất nhiều công phu khó nhọc, một điều mà những người học Đạo ít khi biết rõ. Người sinh viên khoa Huyền Môn nhắm mục đích tiến mau lẹ nên nhớ rằng một trong những điều kiện cần thiết là sức khỏe về thể chất. Người ấy muốn thực hiện gấp rút trong một kiếp, một cái kết quả tiến bộ mà trong những trường hợp thông thường phải kéo dài đến trên hai mươi kiếp hoặc nhiều hơn nữa; và vì sự cố gắng công phu trong cả hai trường hợp này đều bằng nhau, lẽ tất nhiên là y phải tăng gia cố gắng công phu gấp bội nếu y muốn thành công.

Trong một khoa thi ở thế gian, người học trò có thể thâu ngắn thời kỳ học tập thường dành cho một lớp học để chuẩn bị đi thi. Nhưng y chỉ có thể làm như vậy bằng cách làm việc quá sức, nghĩa là bắt buộc bộ óc, sự chú ý, nhãn quang và sức chịu đựng của y làm việc gia bội. Ai cũng biết rằng làm việc quá sức như vậy sẽ rất tai hại cho sức khỏe của y là dường nào. Người học Đạo cố gắng để hối thúc sự tiến hóa tâm linh của mình cũng ở vào tình trạng tương tự như vậy. Điều này có thể thực hiện được, và có người đã thực hiện được. Đó là một điều rất tốt đẹp, để cho y công phu cố gắng làm cho được, nhưng luôn luôn với sự dè dặt này, là y phải cẩn thận đừng làm quá sức mình, nếu không, thì rốt cuộc y sẽ làm trở ngại thay vì thăng tiến sự phát triển của mình. Có một sức khỏe tốt khi mới bắt đầu công phu tu luyện cũng chưa đủ, mà cần phải giữ gìn nó cho được bền bỉ đến lúc cuối cùng. Sự tiến bộ chỉ là một phương tiện đưa đến mục đích, và chúng ta tu luyện bản thân không phải là để trở nên một nhân vật cao cả và khôn ngoan, mà để cho chúng ta có sự hiểu biết và khả năng hầu phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhứt. Chúng ta đừng quên rằng khoa Huyền Môn luôn luôn chủ trương những hành động hợp lý.

NHỮNG THIẾU NIÊN ĐƯỢC ĐIỂM ĐẠO

Từ trước đến giờ, trừ những trường hợp rất hiếm có, người đệ tử chỉ được Điểm Đạo sau khi xác thân của họ đã đến tuổi trung niên và sau khi họ đã tỏ ra bằng nhựng hoạt động của họ ở thế gian, rằng họ cam kết hiến dâng cuộc đời cho công việc phụng sự Thiên Cơ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một vài linh hồn đã có cái vinh dự được Điểm Đạo mặc dầu thể xác của họ hãy còn trẻ. Khi đức Chưởng Giáo lâm phàm, Ngài có thể sử dụng bất cứ một người nào ở thế gian tùy theo khả năng của y; nhưng một vị đệ tử chánh thức của Chân Sư sẽ hữu ích cho Ngài trên nhiều phương diện hơn là người của thế gian; và càng hữu ích hơn gấp bội phần là vị đệ tử đã bước qua cửa Điểm Đạo, và đã kết những dây nhân duyên nối liền tất cả những nhân viên của Quần Tiên Hội. Chính Linh Hồn, mới là được Điểm Đạo, còn tuổi tác của cá xác thân mà nó khoác lấy trong một thời gian nhất định không phải là điều quan trọng.

Trong tất cả những trường hợp khi những vị thanh thiếu niên được Điểm Đạo, thì những nhân viên cao niên của Quần Tiên Hội sống ở gần họ hoặc tiếp xúc với họ ở thế gian bằng thể xác phàm trần, đều lãnh nhiệm vụ giúp đỡ và dìu dắt họ. Điều này rất cần thiết, vì cái trách nhiệm lớn lao mà cuộc Điểm Đạo đem đến cho người đệ tử cùng với sự mở rộng tâm thức và tăng gia quyền năng.

Một hành động sai lầm hay một bước vấp ngã của một vị đệ tử được Điểm Đạo sẽ mang đến những nghiệp quả nặng nề hơn là những hành động tương tự của một người chưa gia nhập vào Quần Tiên Hội. Bởi đó, thiết tưởng nên nêu ra dưới đây một vài chỉ thị cho những thanh thiếu niên đó.

Mỗi người đều nên nhớ rằng y được Điểm Đạo bởi vì trong những tiền kiếp của y, hoặc trong kiếp này, y đã giúp đỡ thế gian đến một mực độ khả quan, và người ta hy vọng rằng y sẽ tiếp tục con đường phụng sự đó để trở nên một kinh vận hà rộng lớn hơn cho thần lực của Thượng Đế. Chính bởi vì y có khả năng trở nên hữu ích nhiều hơn cho nhân loại, mà y được Điểm Đạo, và trong cuộc lễ y cam kết hiến dâng cuộc đời để phụng sự và ban hạnh phúc, ân huệ cho kẻ khác cũng như đức Thượng Đế vẫn luôn luôn ban rải lòng Bác Ái vô biên của Ngài cho thế gian. Bởi đó, y nên giữ lời cam kết đó luôn luôn từng giờ từng phút và tất cả mọi sự đều phải lệ thuộc vào đó. Nghiệp quả của y trong những tiền kiếp đưa đến cho y những tánh chất và đặc điểm riêng tư khác nhau; y phải luôn luôn giữ gìn kẻo những điều này làm cho y nghĩ đến hạnh phúc riêng mình thay vì nghĩ đến hạnh phúc của toàn thể nhân loại.

Trước khi y có thể bắt tay vào công việc phụng sự, người Đạo Đồ trẻ tuổi thường phải tự chuẩn bị bằng một sự học vấn thông thường ở những trường Trung Học hoặc Đại Học. Trong trường hợp này, y sẽ bị lôi cuốn trong những ngành hoạt động của thế gian và những thú vui ích kỷ. Cuộc đời đem đến cho y nhiều sự cám dỗ, và nhiều cơ hội làm cho y quên mất lời cam kết đối với Hội Quần Tiên. Trải qua tất cả những cơ hội này, y phải có một thái độ rõ ràng nhất định, rằng y đã giao tất cả vận mạng của mình cho những mục đích của Quần Tiên Hội. Trong mọi cuộc sinh hoạt của y ở thế gian, trong bất cứ một dịp nào dù là học tập, chơi bời hay giải trí, y phải nhất định nuôi trong trí một tư tưởng này: "Điều mà tôi sắp làm đây có làm cho tôi được hữu dụng hơn trong công việc của đức Thầy, hoặc trở nên một khí cụ hữu hiệu hơn để ban rải tình thương và hạnh phúc cho nhân loại chăng?"

Y phải luôn luôn nhớ rằng Quần Tiên Hội có quyền ưu tiên đối với công việc phụng sự của y, và y đừng bao giờ tự đặt mình ở một hoàn cảnh nào khiến cho y không thể thi hành nhiệm vụ đối với cơ quan ấy. Không phải là y nhứt định phải sống cuộc đời của một người ẩn sĩ, nhưng trong khi y sống cuộc đời ở ngoài xã hội nó giúp cho y cái cơ hội tiến hóa mà y cần dùng, y phải luôn luôn coi chừng xem cuộc đời ấy có làm cho y trở nên một khí cụ hữu hiệu hơn hay không cho công việc phụng sự Thiên Cơ. Từ đó trở đi, bất cứ một kinh nghiệm nào xảy đến cho y, dầu là vô hại hay tốt lành đến đâu, mà không thể làm cho y trở nên một đường vận hà tốt đẹp hơn cho thần lực của đức Thượng Đế, hoặc đưa đến cho y một cơ hội phụng sự, thì đó cũng chỉ là vô giá trị, và làm mất thời giờ. Y phải cố gắng nắm lấy mọi cơ hội phụng sự mà y nhìn thấy và học hỏi những điều gì có thể giúp cho y được hữu ích hơn.

Khi người đệ tử được Điểm Đạo và trở nên một nhân viên của Quần Tiên Hội, y cũng trở nên một huynh đệ của tất cả mọi người, với một ý nghĩa rộng lớn hơn và đặc biệt hơn trước. Điều này không có nghĩa là y phải chỉ huy cuộc đời của họ, và dìu dắt họ bằng sự chỉ trích phê bình. Vai trò của y ở thế gian không phải là nhà phê bình mà là khuyến khích, nhưng nếu y thấy cần phải đưa ra một đề nghị nào, y phải đưa ra một cách rất cẩn thận và có lễ độ. Thế gian không thấy được những đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội, vì vậy họ sẽ xét đoán cơ quan này qua những người đệ tử còn trẻ tuổi mà họ có thể tiếp xúc. Đó chính là ý nghĩa của câu nói trong bài diễn từ đọc trong cuộc lễ Điểm Đạo, nói rằng người tân Đạo Đồ nắm danh dự của Quần Tiên Hội trong tay của y.

Bổn phận của người tân Đạo Đồ là ban rải ân huệ và lòng Bác Ái, để cho bất cứ chỗ nào mà y đi đến đều được vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn vì sự hiện diện của y. Bởi đó y phải luôn luôn chuyển hướng ra ngoài. Từ nay về sau, sự xét đoán của thế gian về những hành động của y như thế nào không phải là điều quan trọng mà chỉ có sự xét đoán của Quần Tiên Hội mới là điều quan trọng mà thôi. Dầu y có được thế gian trọng vọng hay là chê bai, điều đó không sao cả, nếu ở tất cả mọi trường hợp xử thế, y vẫn luôn luôn trung thành với những lý tưởng của y. Một vài đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội có thể muốn sử dụng y bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào, và đôi khi y không hay biết chi về việc ấy, nhưng y không thể được sử dụng nếu vào lúc mà Bề Trên cần dùng đến y, thì các Ngài lại thấy y đang băn khoăn thắc mắc về những việc ích kỷ riêng tư của mình chớ không đưa tư tưởng ra ngoài để nghĩ đến việc giúp đỡ thế gian.

Điều cần thiết nhứt cho y là lập hạnh bằng cách nào để cho khi Chân Sư nhìn vào y, thì Ngài sẽ thấy y đang nghĩ đến hạnh phúc của nhân loại, chớ không lo nghĩ rằng cuộc đời thế gian đem đến cho y hạnh phúc hay đau khổ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh