Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 11. Công Việc Của Các Chân Sư

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 11. CÔNG VIỆC CỦA CÁC CHÂN SƯ

Như đã giải thích ở trên, trong sồ những người đắc quả Chơn Tiên (Asekha), chỉ có một số ít còn lại ở thế gian với tư cách nhân viên Quần Tiên Hội, để dìu dắt sự tiến hóa trên quả Địa Cầu theo như Thiên Cơ đã định. Hiện thời có độ 50 hay 60 vị Chơn Tiên đảm nhiệm công việc này; sự hoạt động của các Ngài đã được bà Annie Besant diễn tả như sau trong một quyển sách nhỏ nhan đề "Các Đấng Chơn Sư":

"Các Ngài giúp đỡ bằng đủ mọi cách sự tiến hóa của nhân loại. Từ trên cõi giới cao siêu nhứt, các Ngài ban rải ánh sáng và sinh lực xuống khắp thế gian để cho muôn loài được hưởng thụ, chẳng khác nào như ánh nắng Mặt Trời. Cũng như cõi giới hồng trần nhờ nguồn sinh lức của Thượng Đế do ngôi Mặt Trời ban rải xuống thế gian, thì cõi giới tâm linh cũng nhờ nguồn sinh lực đó do Quần Tiên Hội ban rải ra. Những đấng Chân Sư đảm nhiệm về tôn giáo dùng những tôn giáo ấy làm kho chứa đựng Thần Lực của các Ngài ban xuống để phân phát cho mỗi tín đồ của mỗi tôn giáo.

"Kế đó là công việc vĩ đại về mặt trí tuệ. Từ cõi Thượng Thiên, các đấng Chân Sư phóng ra những hình tư tưởng có thần lực rất mạnh để giúp nguồn cảm hứng cho những bậc thiên tài vĩ nhân trong thiên hạ, những người này sẽ bắt được luồng tư tưởng đó và đưa ra cho thế gian được hưởng thụ những kết quả tốt đẹp. Cũng trên địa hạt này, các Ngài gởi chỉ thị cho những vị đệ tử biết những công việc nào họ phải làm.

"Trên cõi Hạ Thiên, các Ngài phóng ra những hình tư tưởng có ảnh hưởng đến Hạ Trí con người, dìu dắt tư tưởng con người theo những đường hoạt động hữu ích cho thế gian. Các Ngài cũng dạy dỗ những linh hồn đang sống trên cõi Thượng Giới.

"Trên cõi Trung Giới, sự hoạt động của các Ngài gồm có việc giúp đỡ những linh hồn vừa mới từ giã cõi Trần, hướng dẫn và trông nom việc huấn luyện những đệ tử trẻ tuổi, và trợ giúp trong vô số những trường hợp cần được giúp đỡ. Ở cõi phàm trần, các Ngài dò xét những trào lưu và thời cuộc thế giới; sửa đổi và diệt trừ những khuynh hướng bất hảo trong phạm vi mà luật thiên nhiên cho phép; giữ mực quân bình giữa những sức mạnh đối lập thuận và nghịch với sự tiến hóa, tăng cường điều thiện, giảm bớt điều ác. Các Ngài cũng hợp tác với những vị Thiên Thần của các quốc gia, dìu dắt những sức mạnh tâm linh của nhân loại trong khi các Thiên Thần dìu dắt sự tiến hóa về hình thể sắc tướng của muôn loài".

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

KHU VỰC HOẠT ĐỘNG CỦA CHÂN SƯ

Mặc dầu các đấng Chân Sư chỉ gồm có một thiểu số, nhưng các Ngài đã sắp đặt cách nào để cho không một phần tử nào trên toàn cõi thế gian bị bỏ rơi hay quên lãng. Bởi đó, các Ngài phân chia quả địa cầu ra làm nhiều khu vực đặc biệt, đại khái cũng như ở một vài xứ, Hội Thánh chia mỗi xứ làm nhiều giáo khu để cho mỗi người, dầu là họ ở nơi nào, họ cũng thuộc về một trong những giáo khu đặt dưới sự quản trị của Hội Thánh để trông nom về phần tâm linh, và đôi khi cả về những nhu cầu vật chất của họ. Tuy nhiên những khu phận của các đấng Chân Sư không phải là những quận huyện hay tỉnh, mà gồm cả những nước lớn và những lục địa.

Theo sự phân chia hiện thời, một vị Chân Sư cai quản toàn cõi Âu Châu, một vị khác cai quản xứ Ấn Độ,v.v... và như thế toàn thể địa cầu đều được phân ra từng khu vực rộng lớn. Những khu vực đó không có theo những đường ranh giới chánh trị hay địa dư của chúng ta. Trong vùng địa phận của mỗi vị Chân Sư, Ngài chăm nom săn sóc tất cả những cấp đẳng và hình thể tiến hóa, không những của nhân loại mà thôi, mà cũng gồm cõi giới Thiên Thần, những loại Tinh Linh, cầm thú, thảo mộc và kim thạch, những loại tinh hoa chất, cùng những loài khác nữa mà từ trước đến nay chưa từng nghe nói đến bao giờ. Như thế, công việc của các Ngài bề bộn là dường nào.

Ngoài ra sự chăm nom của các đấng Chân Sư, mỗi giống dân hay mỗi quốc gia còn được sự giúp đỡ của mỗi vị Thiên Thần, vị này cũng bảo trợ và dìu dắt sự tiến hóa của mỗi quốc gia.

Có nhiều động lực khác nhau cùng hoạt động để phụng sự đức Thượng Đế trong công việc giúp đỡ sự tiến hóa của nhân loại, và tự nhiên là những động lực đó đều hoạt động theo một chiều hướng, và cùng hợp tác lẫn với nhau.

Chúng ta đừng tưởng lầm mà gán cho những động lực đó cái nguyên nhân đã gây ra những cơn biến cố tai hại ở một vài xứ, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Pháp và cuộc Cách Mạng ở Nga. Những cơn bạo động lưu huyết này hoàn toàn do nơi bản năng thấp hèn và những thú tính của con người không được kềm chế, đã gây ra nên sự phá hoại thay vì xây dựng. Nó chỉ sự nguy hiểm đe dọa công việc của các Chân Sư khi các Ngài bắt đầu thí nghiệm theo đường lối dân chủ. Sự chuyên chế gây nên những tai hại và đau khổ rất lớn; vấn đề khó khăn trong việc loại trừ sự chuyên chế là làm sao thực hiện được điều đó mà không làm mất sự quân bình và trật tự xã hội. Nhưng trái lại, khi thực hiện điều này thì nhiều người không làm chủ được phàm nhơn của mình; họ tự thả trôi theo sự buông lung, hỗn loạn, và như thế họ rất dễ bị ám ảnh và sai khiến bởi những luồng ảnh hưởng hắc ám và tà vây. Đấng Thiên Thần quốc gia cố gắng dìu dắt những tư tưởng và cảm xúc của dân tộc; Ngài chỉ ảnh hưởng đến số đông quần chúng và khi cần, Ngài thúc dục họ làm những hành động ái quốc và anh hùng, cũng như một vị tướng soái thúc dục quân sĩ tiến tới trên bãi chiến trường, nhưng Ngài không hề phung phí sinh mạng hoặc làm ngơ trước sự đau khổ của họ, cũng như vị tướng soái biết thương quân sĩ vậy.

SỰ PHÂN PHỐI THẦN LỰC

Như đã nói trước đây, một phần lớn công việc của Chân Sư được thức hiện trên những cõi giới cao hơn cõi hồng trần, khi các Chân Sư ban rải thần lực riêng của các Ngài, hoặc rút trong kho thần lực vĩ đại thiên nhiên của đấng Nirmanakaya. Do hành động của luật nhân quả mà thế gian được hưởng một phần nào của nguồn thần lực quý báu đó. Dầu cho những người thường mà chuyển hướng cuộc đời mình theo đường lối của Thiên Cơ, bằng cách hướng tư tưởng và hành động của mình vào công việc phụng sự nhân loại, thì những người đó sẽ cộng thêm một ít vào kho thần lực chung, và như thế, họ được hân hạnh cùng chia sớt một phần trong công việc hy sinh vĩ đại. Vì lẽ đó nhân loại tiến hóa như một đơn vị, và sự kỳ diệu của tình huynh đệ đại đồng là giúp cho mọi người có thể tiến bộ gấp mười phần nhiều hơn là nếu họ đứng lẻ loi một mình. Điều này nằm trong chương trình của đấng Thượng Đế, theo đó Ngài đương nhiên cho rằng mọi người sẽ có dự phần trong công việc của Thiên Cơ. Khi hoạch định Thiên Cơ có lẽ Ngài nghĩ rằng: "Khi nhân loại tiến hóa đến một trình độ nào đó, họ sẽ bắt đầu hợp tác một cách thông minh với Ta. Bởi vậy, Ta sẽ sắp đặt sao cho khi họ tiến đến điểm đó, họ sẽ có thể sử dụng nguồn Thần lực của Ta". Như thế, Ngài trông cậy nơi sự cố gắng của mỗi người.

Quần Tiên Hội hợp nhứt với tất cả nhân loại trên những cõi cao, và nhờ bởi cơ quan đó mà một phần của kho Thần lực lớn được phân phối cho nhân loại. Từ cõi Thượng Thiên, các Chân Sư ảnh hưởng đến tất cả mọi linh hồn không bỏ sót một ai, và như thế các Ngài giúp đỡ rất nhiều cho sự khai triển tâm thức của mỗi người. Sự sống bên trong của mỗi người cũng ví như một hột giống cần phải nẩy nở, bởi vì cái nguyên tắc tiến hóa vốn có sẵn trong cái mầm đó. Trong con người, cái mầm đó đã mọc thành cái cây đang vươn mình lên để tìm không khí, và sự tiến bộ mau chóng của Con Người một phần lớn là nhờ bởi cái sức mạnh tâm linh do Quần Tiên Hội ban rải cho y, chẳng khác nào như cái cây được hấp thụ ánh sáng Mặt Trời.Đây là một trong nhiều phương pháp theo đó người đã tiến hóa nhiều giúp đỡ kẻ ít tiến hóa, khi mà họ càng ngày càng biểu lộ được nhiều đức tính thiêng liêng, theo đà tiến hóa tự nhiên.

Mỗi vị Chân Sư đảm nhiệm công việc đặc biệt này ảnh hưởng đến một số rất đông người, thường khi đến hằng triệu người một lúc. Tuy thế, Thần lực của Ngài ban rải có cái tánh chất kỳ diệu này, là nó ảnh hưởng đến mỗi người một cách đầy đủ trọn vẹn chẳng khác nào như y là người duy nhứt được cái diễm phúc đó, và đồng thời nó cũng ảnh hưởng y như vậy đối với mỗi người trong toàn thể.

Đó là một công việc khác hẳn với việc coi sóc một khu phận trên thế giới. Trong công việc đó, Ngài đặc biệt chú ý đến một hạng người phát triển đúng theo đường lối tiến hóa của Ngài, mặc dầu phần nhiều trong số đó không hay biết gì cà về hành động của Ngài. Ngài cũng có nhiều trường hợp đặc biệt cần săn sóc giúp đỡ, và bởi thế, đôi khi Ngài giao một phần công việc của Ngài cho các vị Thiên Thần đảm nhiệm, với rất nhiều tự do hành động trong những giới hạn nhứt định. Về phần họ, những vị Thiên Thần sử dụng các Tinh Linh Ngũ Hành và tạo nên nhiều loại hình tư tưởng. Như thế, công việc của các vị ấy cũng gồm cả một nghành hoạt động rất lớn.

CÁCH SỬ DỤNG LÒNG SÙNG TÍN

Trong quyển "Bí Tích Minh Luận" (The Science of Sacrament), tôi có giải thích bằng cách nào những đấng Cao Cả dùng những buổi nghi lễ của các tôn giáo làm phương tiện để ban rải thần lực của các Ngài cho thế gian, và do đó, khích động sự phát triển tâm linh trong một số rất đông người. Nhưng các Ngài không phải chỉ dùng những cuộc nghi lễ tôn giáo mà thôi, mà các Ngài dùng tất cả mọi cơ hội thuận tiện để ban rải thần lực cho thế gian. Nơi nào có một cuộc hội họp nhiều người cùng chịu ảnh hưởng của lòng sùng tín, tất cả đều cùng trong một lúc nâng cao tư tưởng của họ lên một mực độ thanh cao tốt đẹp, một cuộc hội họp như thế tạo ra cho các Chân Sư một cơ hôi hiếm có mà các Ngài không thể bỏ qua, vì nó tạo nên một sự tập trung mà các Ngài có thể dùng như một đường vận hà để ban rải ân huệ thiêng liêng. Khi mỗi người đều sống rời rạc, lẻ tẻ trong gia đình, họ cũng ví như nhiều đường lộ tẻ, và chỉ nhận được có một ít thần lực đi xuyên qua. Nhưng khi họ cùng đến tề tựu đông đảo trong một cuộc hội họp, thì đó chẳng khác nào như một đường vận hà lớn, xuyên qua đó thần lực của Chân Sư có thể được ban rải một cách dồi dào gấp bội.

Tôi có thấy hằng triệu người đi hành hương ở tại Thánh Địa Bénarès, phần nhiều trong số đó hiển nhiên là những người dốt nát và dị đoan, nhưng cùng trong một lúc họ đều tràn đầy lòng sùng tín và hoàn toàn hướng thiện. Khối tư tưởng sùng tín mộ đạo do một số đông người như thế phóng ra trong không gian là khối vĩ đại không thể đo lường, và các Chân Sư không thể bỏ qua cơ hội đó để ban bố ảnh hưởng của các Ngài. Lẽ tự nhiên là một số đông người vừa nhiệt thành lại vừa thông minh sẽ tạo nên một sức mạnh dồi dào hơn và có thể vang dội lên một cõi giới cao siêu hơn, nhưng chúng ta đừng tưởng lầm rằng khối tư tưởng vĩ đại của một số người dốt nát và cuồng tín tạo nên là không có giá trị gì. Những đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội có một quyền năng kỳ diệu là gạn lọc điều lành với điều ác; nói một cách khác, từ trong một khối lớn tư tưởng bất hảo, các Ngài có thể rút ra một thiểu số sinh lực để dùng vào việc lành.

Người ta thường thấy có khi lòng sùng tín mãnh liệt nhứt lại đi đôi với tư tưởng đố kỵ và chia rẽ. Trong trường hợp đó, Chân Sư sẽ phân loại ra, Ngài dùng lấy cái phần thuộc về lòng sùng tín, và loại bỏ cái phần thuộc về lòng đố kỵ, ganh ghét. Bởi đó, có người tâm địa bất chính có khi lại gặp được những nghiệp quả tốt, tuy người ta không thể chối cãi rằng cái nghiệp tốt đó còn lớn lao hơn nhiều, nếu y không có những thói hư tật xấu kia.

Một thành phố như Bénarès luôn luôn là một trung tâm thần lực vĩ đại, dầu cho ngoài những thời kỳ hành hương hằng năm.Đó là một nơi có nhiều đền đài lăng tẩm và xá lợi của những bậc Thánh Hiền, mà các Chân Sư cũng có thể dùng làm những đường vận hà tốt; điều này cũng áp dụng cho tất cả những nơi đền miếu, chùa chiền ở khắp nơi trên thế giới. Nếu là xá lợi thật, thì nó phát ra một số từ điển mạnh mẽ do sự liên hệ của nó với một bậc Thánh Nhân, và bởi đó nó có thể dùng làm phương tiện chuyển di thần lực để phân phối cho những người đi hành hương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì đó là xá lợi giả, nhưng dầu thật hay giả, cái xá lợi mà chúng ta coi là điều quan trọng, thật ra nó không quan trọng lắm như chúng ta tưởng.

Nếu trong một thời gian lâu dài, người ta đã dùng xá lợi ấy làm cái trung tâm để biểu lộ sự chiêm bái và lòng sùng tín, thì điều đó cũng đủ để cho các Chân Sư dùng nó một cách hữu hiệu như là một xá lợi thật. Dầu sao đó là xá lợi giả mà người ta lầm tưởng là thật đi nữa, điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến sự hữu ích của nó, vì lòng sùng tín được tạo ra chung quanh nó vốn là thật, và chính đó mới là điều quan trọng. Nếu điều này được hiểu rõ, thì nó sẽ giúp sự thông cảm cho những người hẹp hòi nông cạn, thường hay chế nhạo sự dị đoan mê tín của những người nông dân ở Ý, Sicile hay Tây Ban Nha, hoặc khinh rẻ những người lao công Ấn Độ vì họ thờ cúng ở những đền miếu tối tăm, không phải linh thiêng như là họ tưởng. Lẽ tất nhiên, sự thật vẫn tốt đẹp hơn sự sai lầm, nhưng ta nên nhớ rằng đối với những người còn dốt nát, mà muốn cho họ đương nhiên dẹp bỏ sự tín ngưỡng của họ thì đó quả thật là một điều không hay, trừ ra khi nào họ có thể hiểu được những điều cao thượng hơn. Làm như thế không những là lòng sùng tín của họ bị thương tổn mà nó còn khép chặt những đường vận hà hữu ích cho thần lực của Chân Sư.

Ngoài ra, một người nông dân thất học không thể xét đoán được rằng một xá lợi vốn thật hay giả, và thật là một điều bất công nếu lòng sùng tín của họ, mà họ dâng lên với tất cả tấm lòng sùng tín của họ, mà họ dâng lên với tất cả tấm lòng nhiệt thành và hảo ý, lại bị lệ thuộc nơi một sự kiện mà họ không thể hay biết chi cả!

Lòng sùng tín mới là điều đáng kể, và nó luôn luôn được đáp lại. Cái xá lợi chẳng qua chỉ là một trung tâm điểm để cho ta trụ lòng sùng tín vào đó mà thôi, và một trung tâm điểm tưởng tượng cũng vẫn có đủ hiệu lực như bất cứ một trung tâm điểm nào khác.

CÔNG VIỆC CỦA CÁC ĐỆ TỬ

Trước đây, tôi có nói rằng các đệ tử Chân Sư cũng là những người tập sự ở cõi hạ giới, họ được sử dụng như những trạm di chuyển thần lực, và cũng làm nhiều công việc trong mọi nghành hoạt động của nền văn minh nhân loại, tất cả những hoạt động này đều là một phần công việc của Chân Sư trên thế gian. Một phần lớn những công việc này cũng được thực hiện bởi những người thế gian đã từng hấp thụ được những nguồn cảm hứng hoặc tấm gương lành của những vị đệ tử: hoặc bởi những hội hay cơ quan mà các vị đệ tử đã giúp công xây dựng và giúp ảnh hưởng tinh thần. Thật ra, nhân loại sẽ bị thiệt thòi nếu không có những ảnh hưởng này, mặc dầu họ không hề hay biết chi cả về cái nguồn gốc đã tạo nên những ảnh hưởng tốt đẹp đó.

Các Chân Sư không thể bỏ phế những công việc vĩ đại của các Ngài để làm những công việc thấp thỏi hơn và dễ dàng hơn như đã kể trên, vì nếu các Ngài làm như thế, thì toàn thể cơ tiến hóa sẽ bị thiệt hại không ít.

Thí dụ, đôi khi có người hỏi tại sao các Chân Sư không viết sách? Họ quên rằng các Chân Sư đang đảm nhiệm cả một cuộc tiến hóa của nhân loại trên thế gian. Các Ngài không thể bỏ phế công việc lớn lao đó để viết sách nói về một phần nào mà thôi của cái đại cuộc chung. Thật ra, nếu Chân Sư có thời giờ để viết sách và dùng hết năng lực của Ngài vào công việc đó, thì quyển sách ấy chắc là phải hay hơn nhiều bất cứ quyển sách nào của người thế gian. Nhưng nếu ở đời, tất cả mọi việc đều phải để cho những bậc Toàn Năng làm hết, thì chúng ta sẽ không có cơ hội nào để sử dụng những khả năng của mình và đời sống của chúng ta ở thế gian sẽ không có ích lợi gì nữa!

Một ngành hoạt động đã được các đệ tử Chân Sư tổ chức trên một quy mô rộng lớn trong thời gian gần đây, là việc phụng sự một cách thực tế trên cõi Trung Giới, mà tôi đã nói đến trong quyển sách "Những Đấng Cứu Trợ Vô Hình". Phần quan trọng nhứt trong công việc này là giúp đỡ những người vừa mới chết, khi bước qua cõi Trung Giới họ thường bị hoang mang, bỡ ngỡ, lạc loài và có khi đau khổ, nhứt là vì thuở sanh tiền họ đã bị sợ hãi, dọa nạt vì những chuyện quái đản rùng rợn về việc tra tấn kềm kẹp người chết dưới cõi Âm Ty, do những giả thuyết sai lầm của một vài tôn giáo.

Tuy công việc này được nêu ra từ mấy chục năm về trước, nhưng chỉ có trong Hội Thông Thiên Học là nhóm Cứu Trợ Vô Hình được thành lập có tổ chức và bắt tay vào việc. Lúc đầu, nhóm này còn có những người còn sống, quyết định dùng thời giờ của mình trong giấc ngủ của Thể Xác để làm công việc đó; nhưng không bao lâu, họ quy tựu chung quanh họ một số đông những người đã chết nhưng chưa hề nghĩ đến công việc này bao giờ.

Trước đó, những người mới bước qua cõi Trung Giới phần nhiều đều tự xoay sở lấy, trừ phi họ được thân nhân tiếp đón và dìu dắt họ trong cuộc đời mới ở bên kia cửa Tử. Thí dụ, một người mẹ đã chết vẫn còn trông nom những đứa con còn sống, và nếu một thời gian sau, có đứa con nào chết thì người mẹ sẽ giúp đỡ người ấy bằng đủ mọi cách mà bà ấy có thể. Thường thì những người tốt bụng trong số những người đã chết sẽ giúp cho những người khác những điều kinh nghiệm và hiểu biết của họ khi cần phải giúp đỡ. Trong những nền văn minh cổ, mà người ta có tập quán sống chung trong đại gia đình thì ít khi người ta không gặp một thân nhân cần đến sự giúp đỡ ở bên kia cửa Tử. Những kinh sách Ấn Độ thường nói đến tầm quan trọng của sự liên hệ gia đình, và những bổn phận cùng sự liên lạc trong gia đình vẫn còn tiếp tục trong những cõi vô hình sau khi chết. Đại khái, tình trạng ở cõi Trung Giới cũng giống như một xứ không có bệnh viện, trường học, hay công sở chi cả, nơi đó có nhiều người bị đau khổ, và trong những thời kỳ tai biến hay chiến tranh, thì sự đau khổ ấy còn tăng lên rất nhiều.

SỰ CỐ GẮNG CỦA MỖI THẾ KỶ

Phương pháp hoạt động của các Chân Sư để cải tiến nền văn minh nhân loại đã được nêu ra trong những bài diễn thuyết của bà Annie Besant tại Luân Đôn hồi năm 1907, trong đó bà có nói về những biện pháp mà Quần Tiên Hội đã dùng để giúp cho Âu Châu thoát ra khỏi thời kỳ hắc ám của thời Trung Cổ. Bà nói rằng hồi thế kỷ 13, một đấng Cao Cả sống bên Tây Tạng đã công bố một nhựt lịnh của Ngài cho Quần Tiên Hội, định rằng trong khoảng 25 năm cuối cùng của mỗi thế kỷ một cố gắng phải được thực hiện để giúp đỡ sự tiến bộ cho Âu Châu. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rằng từ đó về sau, vào khoảng cuối cùng của mỗi thế kỷ, lại có xảy ra một việc hệ trọng để đem lại một tia ánh sáng mới do Quần Tiên Hội ban bố cho nhân loại. Một học giả Thông Thiên Học là Ông Fritz Kunz đã ghi chép sự kiện này trong bản lược đồ sau đây:

CHỮ VẼ TRANG 50 TRONG SÁCH, COI LẠI.

PHẦN HAI

Trong các cố gắng kể trên thì cố gắng cuối cùng là việc thành lập Hội Thông Thiên Học vào năm 1875. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, các đấng Chân Sư Morya và Kuthumi mới đảm nhiệm trọng trách này, và chọn nhà lãnh đạo cao quý của chúng ta là bà Blavastky để hợp tác với các Ngài ở cõi Trần. Phần nhiều những người đọc sách vở T.T.H. đều biết rõ về giai đoạn bà được chuẩn bị để lãnh sứ mạng cao cả. Sau cùng bà được Quần Tiên Hội gởi sang Mỹ để gặp đại tá Olcotgit, người đồng chí sẽ cùng cộng tác với bà và bổ khuyết những đức tánh mà bà thiếu sót: đó là khả năng tổ chức và quy tựu quần chúng trong một phong trào, mới ở thế gian. Hội Thông Thiên Học lúc đầu được thành lập tại New York, và về sau mới dời trụ sở sang Ấn Độ.

Khi tôi viết quyển sách này, Hội Thông Thiên Học đã hoàn thành vừa đúng 50 năm phụng sự nhân loại, và sự ích lợi mà nó đem đến cho mọi ngành sinh hoạt của con người, thật ra không thể đo lường. Ảnh hưởng tốt đẹp của nó không thể đo lường bằng số hội viên hay chi bộ nhiều ít, mặc dầu điều này cũng là một yếu tố đáng kể, vì Hội bành trướng ảnh hưởng đều khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng trên mỗi lãnh vực hoạt động của xã hội, Hội Thông Thiên Học đều có gây một tiếng chuông đặc biệt, nó vang dội khắp chung quanh chúng ta dưới hình thức những lời nói và việc làm của những nhà chánh trị, nhà bác học, văn hào, nghệ sĩ và nhiều nữa, trong số đó có rất nhiều người có lẽ chưa từng bao giờ nghe nói đến danh từ Thông Thiên Học. Hội Thông Thiên Học đã làm cho người đời chú ý đến sự thật của cõi giới vô hình và quyền năng của tư tưởng. Hội đã nêu ra tình huynh đệ đại đồng, nó không chủ trương rằng mọi người đều phải giống nhau trong sự sinh hoạt hằng ngày, nhưng chủ trương sự khoan dung và thông cảm lẫn nhau giữa những cá nhân hoàn toàn khác biệt nhau về mọi mặt. Trong sự khác biệt đó, mỗi người đều vẫn giữ cái sắc thái riêng biệt của mình, và tất cả đều liên lạc chặt chẽ với nhau do một cái tinh thần bất diệt, là sự tôn trọng tự do của người khác biệt với mình. Hội Thông Thiên Học đã làm cho Tây Phương và Đông Phương hòa hợp với nhau hơn bao giờ hết kể từ trước đến giờ. Nó đem sự công bình sáng suốt trong việc học hỏi so sánh các tôn giáo, và tiết lộ với một sự rõ ràng minh bạch, sự thống nhứt giáo lý và nguồn gốc chung của tất cả những tôn giáo. Ngoài ra, Hội còn đem hằng ngàn người đến gần các đấng Chân Sư để phụng sự các Ngài với tất cả khả năng và lòng thành của họ, nhằm mục đích đem hạnh phúc cho nhân loại trong những thế hệ tương lai.

CÁC GIỐNG DÂN

Trong công việc giúp đỡ thế gian, Quần Tiên Hội không những chỉ lo về hiện tại mà thôi, mà còn nhìn xa về tương lai, và chuẩn bị sự tiến hóa của những giống dân và quốc gia mới, trong đó những đức tánh của một nhân loại tương lai sẽ được phát triển một cách tuần tự và điều hòa. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 13, sự tiến bộ của nhân loại không phải diễn ra trong sự ngẫu nhiên tình cờ. Trái lại, sự thành lập các Giống Dân, với những đặc tính của nó, đặc tính về thể chất, tình cảm và trí tuệ, cũng có trật tự rõ ràng, nhứt định chẳng khác nào như chương trình học tập và thời khắc biểu của những trường đại học tối tân.

Giống Dân Aryen, mặc dầu chưa đến thời kỳ cực thịnh, nó đang ngự trị khắp thế giới hiện nay với cái trí tuệ thông minh kỳ diệu của nó, đã nối tiếp theo sau Giống Dân Atlante, một chủng tộc hiện vẫn còn gồm đa số nhân loại và chiếm một phần lớn đất đai trên quả địa cầu.

ĐỨC CHƯỞNG GIÁO LÂM PHÀM

Về vấn đề này, hiện nay có ba công trình lớn đang được thực hiện. Công trình thứ nhứt là việc chuẩn bị lâm phàm của đức Bồ Tát Chưởng Giáo, Ngài cũng là đấng Christ, đã từng mượn xác của Jésus để nhập thế cách đây hai ngàn năm. Chúng ta không nên lầm lộn việc lâm phàm của Ngài với những hiện tượng xảy ra ở mỗi thế kỷ như đã nói ở trên. Những hiện tượng đó thuộc về Cung 1, phần công việc huyền bí của cung này là dìu dắt sự tiến hóa của các Giống Dân chánh và các Chủng Chi, còn việc làm phàm của đức Chưởng Giáo là một việc lâu lắm mới xảy ra có một lần và thuộc về Cung 2, coi về ngành hoạt động Tôn Giáo và Giáo Dục.

Đức Chưởng Giáo hiện nay sắp xuất hiện dưới thế gian, và chúng ta có thể hy vọng sẽ thấy những sự biểu lộ càng ngày càng tăng của Quyền Năng, Minh Triết và Ý Chí của Ngài.

Điểm Chân lý chánh đại mà Ngài sẽ nhấn mạnh là: những đau khổ của thế gian đều do bởi sự thiếu tình thương và tình huynh đệ giữa loài người. Nếu con người biết thương yêu nhau và đối xử với nhau tình huynh đệ thân hữu, thì mọi điều ác đều tiêu trừ và một hoàng kim thời đại sẽ đến với chúng ta.

CHỦNG CHI (+)[v]THỨ SÁU

Công trình thứ hai là tạo nên hình thể, tình cảm và trí tuệ của Chủng Mỹ và Châu Úc, và ở vài nơi khác trên thế giới. Quyền năng của đức Bàn Cổ hiện đang được sử dụng trên những cõi cao để làm công việc này. Ngài dùng ý chí và trí tuệ để nhồi nắn, sửa đổi hình thể, sắc tướng của những trẻ sơ sinh của thời đại mới. Đồng thời, những nhân viên trẻ tuổi của Quần Tiên Hội hiện đang hoạt động ở thế gian cũng được chỉ thị của các Ngài để giúp đỡ cho những thiếu nhi ấy sự giáo dục và huấn luyện thích nghi với Giống Dân mới.

Công việc này mới chỉ bắt đầu, nhưng sẽ trở nên rất quan trọng trong tương lai. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của vài thế kỷ, Chủng Chi thứ sáu sẽ xuất hiện rõ rệt trên thế gian mới với sự trẻ trung, tốt đẹp và rực rỡ của nó, trong khi thế giới cũ vẫn tiếp tục phát triển Chủng Chi thứ 5 cho đến mức hoàn toàn tuyệt mỹ.

GIỐNG DÂN CHÁNH THỨ SÁU

Công trình thứ ba là việc thành lập Giống Dân thứ 6, Giống dân này sẽ xuất hiện bên xứ California (Hoa Kỳ) vào khoảng độ 700 năm sau. Khi đó, một thiểu số người sẽ thiết lập tại xứ ấy, dưới sự điều khiển của đức Bàn Cổ. Giống Dân thứ 6, tức là đức Chân Sư Morya hiện nay, và cùng hợp tác với Ngài sẽ có đức Chân Sư Kuthumi, tức là vị Bồ Tát của Giống Dân thứ 6, chúng tôi có viết về thiểu số dân tộc này trong quyển “Con người: Từ đâu đến, và sẽ đi về đâu”. Mặc dầu việc này còn đến 700 năm nữa mới thực hiện, nhưng chúng ta biết rằng cuộc chuẩn bị cho công việc đó hiện nay cũng đã bắt đầu và Hội Thông Thiên Học cũng đóng một vai trò quan trọng trong công trình ấy.

Mỗi Chi Bộ của Hội Thông Thiên Học nên khuyến khích hội viên hãy cố gắng áp dụng ở ngoài thế gian những sự hiểu biết về Thông Thiên Học mà họ đã thu thập được… Trong mỗi Chi Bộ, hội viên nên tập lấy đức tánh rộng rãi cởi mở, nhờ đó họ sẽ nhận được một nền giáo dục về tinh thần huynh đệ mà người ta không tìm thấy được ở ngoài thế gian. Phần nhiều những Hội khác ở ngoài đời đều nhằm thực hiện một mục đích nhất định nào đó, nhưng trong Hội Thông Thiên Học chúng ta biết rằng mặc dầu có người thiên về một lý tưởng, và người khác thiên về một lý tưởng khác, nhưng tình huynh đệ trong nhân loại không thể thực hiện bởi sự độc tôn của một lý tưởng duy nhứt nào, dầu đó là Bác Ái, hay Chân Lý, hay Mỹ Lệ,v.v… mà bởi sự hòa hiệp chung của tất cả những lý tưởng đó làm một, nó sẽ đưa con người đến gần chỗ Thiêng Liêng.

Đó tức là cái tinh thần huynh đệ đại đồng mà người Thông Thiên Học sẽ lần lần thu thập được; y sẽ bắt tay hòa hợp với người đồng loại, không phải do sự ép buộc từ bên ngoài, mà do sự thúc đẩy bên trong. Làm một người hội viên Thông Thiên Học tức là được sự huấn luyện của các Chân Sư và nếu người ấy thành công, y sẽ có đủ điều kiện để được đầu thai vào nhóm người tiền phong của Giống Dân này bắt đầu xuất hiện trên thế gian.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh