Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 10. Những Cuộc Điểm Đạo Cao Hơn

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 10. NHỮNG CUỘC ĐIỂM ĐẠO CAO HƠN

THẾ NÀO LÀ MỘT VỊ LA HÁN?

Trên đường Đạo, trải qua các cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, thứ nhì và thứ ba, người thí sinh tuần tự phát triển tâm thức Bồ Đề. Đến cuộc Điểm Đạo thứ tư thì người thí sinh nhập cõi Niết Bàn, và từ đó về sau. Người cố gắng vượt lên lần thứ năm cảnh giới thấp nhất của cõi ấy, là nơi tự tại của Chơn Nhơn. Cuộc Điểm Đạo này ở vào khoảng giữa con đường Thánh Đạo, theo truyền thuyết cho rằng con người phải trải qua một thời gian trung bình là bảy kiếp từ cuộc Điểm Đạo thứ nhứt đến cuộc Điểm Đạo thứ tư, và bảy kiếp giữa hai cuộc Điểm Đạo thứ tư và thứ năm. Tuy nhiên, những con số kể trên có thể tăng hay giảm, và trong phần nhiều trường hợp, thời kỳ phải trải qua không phải là dài lắm vì những kiếp đầu thai của người Đạo Đồ (1)[iv] thường là nối tiếp nhau một cách liên tục chớ không có cách khoảng bởi những giai đoạn nghỉ ngơi trên cõi Thiên giới. Người Đạo Đồ(1) đã vượt qua cuộc Điểm Đạo thứ tư, danh từ Phật Giáo gọi là La Hán (Arhat), có nghĩa là một vị Đại Đức, hay Toàn thiện. Những kinh sách Đông phương đều có trình bày nhiều lời hay ý đẹp ca tụng các vị này, chứng tỏ rằng cổ nhân đã từng biết rõ về trình độ tiến hóa cao siêu của các Ngài vậy, Người Ấn Độ Giáo gọi các Ngài là Parahamsa (Đại Thiên nga), cao hơn quả vị hamsa (A-na-hàm) một bực.

QUẢ VỊ LA HÁN(ARHAT)THEO KHOA BIỂU TƯỢNG

THIÊN CHÚA GIÁO

Trong khoa biểu tượng Thiên Chúa Giáo, cuộc Điểm Đạo thứ tư được diễn tả bằng sự thương khó ở Vườn Ô Liu, Đóng đinh trên Thập Tự Giá và Phục Sinh của Đấng Christ.

Vì lẽ cần phải bắt đầu bằng những giai đoạn tiên khởi, biểu tượng này sẽ được toàn hảo hơn nếu người ta lưu ý đến những sự việc mà tục truyền rằng đã xảy ra trong Tuần Thánh. Việc đầu tiên là việc Đấng Christ phục sinh cho Thánh Lazare, và điều này luôn luôn được kỷ niệm vào ngày thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật "Lễ Lá" (Rameaux), mặc dầu theo Thánh Kinh thì nó xảy ra một hay hai tuần lễ trước đó. Ngày Chúa Nhật thì xảy ra việc đáo nhập thành Jerusalem một cách tưng bừng rực rỡ. Ngày thứ hai và thứ ba, Đấng Christ giảng đạo nhiều lần ở Thánh Đường. Ngày thứ tu Ngài bị Judas phản bội. Ngày thứ năm là ngày thành lập Thánh Thể (Eucharistie) và đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu, diễn ra những phiên xử trước Pilate và Hérode. Ngày thứ sáu Tuần Thánh là ngày đóng đinh trên Thập Tự Giá. Ngày thứ bảy, giảng đạo cho những linh hồn trong đề lao; đến nửa đêm thứ bảy rạng ngày Chúa Nhật, Đấng Christ phục sinh từ nấm mồ của Ngài, và vĩnh viễn nhập Thánh.

Tất cả những chi tiết kể trên về cuộc đời của Đấng Christ có liên hệ đến những sự việc thật sự xảy ra trong cuộc Điểm Đạo lần thứ tư. Đấng Christ đã làm một việc phi thường và bất hủ khi Ngài phục sinh cho Thánh Lazare vào ngày thứ bảy. Chính một phần lớn do hậu quả của việc ấy mà sau đó không bao lâu Ngài được hưởng cái vinh diệu duy nhất ở trần gian, vì dân chúng đều đến rất đông khi họ nghe nói về việc Ngài làm cho người chết sống lại. Họ chờ đợi Ngài, và khi Ngài, từ nhà đi ra để đi đến Jerusalem, họ tiếp đón Ngài với sự hoan hô nồng nhiệt và trọng đãi Ngài như một bực Thánh. Họ hộ tống Ngài một cách hăng say đến Jerusalem, và trong lúc đó tự nhiên là Ngài thừa cơ hội để dạy dỗ họ và thuyết pháp nơi Thánh Đường nhiều lần, tại đây dân chúng tề tựu rất đông để chiêm ngưỡng và nghe Ngài giảng Đạo. Điều này là một biểu tượng để chỉ thực trạng của quả vị La Hán. Người Đạo Đồ đắc quả vị này được thiên hạ chú ý, và thu hoạch được ít nhiều danh vọng. Kế đó, luôn luôn có một kẻ phản bội xuất hiện để hãm hại y và xuyên tạc những điều y đã nói và làm. Điều này dường như một ác quả; như Ruysbroek đã nói:

"Đôi khi những kẻ bất hạnh đó thiếu thốn hẳn những vật tốt lành của thế gian, không có bạn bè thân quyến, và bị bỏ rơi bởi tất cả mọi người. Sự thánh thiện của họ bị nghi ngờ và xuyên tạc. Người đời lên án tất cả những công trình của họ đã làm. Họ bị người chung quanh ruồng bỏ và khinh khi; và đôi khi họ lại mắc phải những bịnh tật nọ kia".

Kế đó họ bị một trận mưa phỉ báng và nguyền rủa rơi lên đầu họ, và sau cùng, họ bị thế gian ruồng bỏ. sau đó, diễn ra cảnh tượng trong vườn Getsemane, khi đó Đấng Christ cảm thấy Ngài bị thiên hạ hoàn toàn bỏ rơi. Kế đó, Ngài bị người đời chế diễu và đóng đinh trên Thập Tự Giá. Sau cùng, từ trên Thập Tự Giá, Ngài kêu to: "Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa lìa bỏ con?"

Bà Lbavatsky chủ trương một giả thuyết, mà bà đã trình bày trong bộ sách "Giáo lý nhiệm mầu", giả thuyết ấy cho rằng ý nghĩa thực sự của câu trên, chính là: "Chúa ơi, Chúa đã làm rạng danh Con là dường nào!". Tôi không biết trong hai câu trên, câu nào là đúng hơn, nhưng cả hai đều bao hàm một điều chân lý chính đại. Một trong những khía cạnh của cuộc Điểm Đạo thứ tư là người Đạo Đồ sẽ bị hoàn toàn cô lập một mình. Trước tiên y phải đứng độc lập một mình trên cõi thế gian; tất cả những bạn bè thân thuộc của y, do một sự hiểu lầm nào đó, đều quay lại chống báng y. Về sau, mọi sự đều được giải quyết ổn thỏa, nhưng trong một lúc, người Đạo Đồ bị cô lập và có cái cảm giác rằng tất cả mọi người thế gian đều chống lại y.

Có lẽ đó không phải là một sự thử thách lớn lao, nhưng có một khía cạnh ẩn dấu khác của vấn đề này, vì người Đạo Đồ còn phải kinh nghiệm trong một lúc cái trạng thái gọi là "Avichi" (Sách Tàu dịch là Ngục A Tỳ) có nghĩa là trạng thái vô âm ba, không có sự rung động. Trạng thái A Tỳ (Avichi) không phải là một nơi địa ngục như người ta lầm tưởng, mà là một trạng thái khi người Đạo Đồ đứng cô lập một mình trong không gian và cảm thấy mình bị cắt đứt mọi liên lạc với sự sống bên ngoài, thậm chí đến sự sống của Thượng Đế. Điều này chắc chắn là một kinh nghiệm khủng khiếp rùng rợn nhất có thể xảy đến cho bất cứ một người nào. Người ta đã nói rằng cái trạng thái đó chỉ diễn ra có một lúc, nhưng đối với người nào đã trải qua cái kinh nghiệm thảm khốc đó thì nó dường như một thế hệ dài vô tận, vì ở mức độ của nó không có thới gain và không gian. Sự thử thách kinh khủng rùng rợn đó, theo tôi tưởng, có hai mục đích: Trước nhất, để cho người Đạo Đồ có thể hoàn toàn thông cảm với những người bị lọt vào trạng thái A Tỳ do nghiệp quả của họ gây nên. Mục đích thứ hai là để cho người Đạo Đồ tập đứng hoàn toàn cô lập, cách biệt khỏi mọi sự vật thuộc về ngoại cảnh. Với trạng thái đó, y cảm biết chắc chắn rằng y là Một với Thượng Đế, và sự rùng rợn và khủng khiếp do bởi cái cảm giác bị ngăn cách với Ngài gây ra, chỉ là một sự ảo tưởng và một sự cám dỗ. Có nhiều người bị thất bại trước sự thử thách kinh khủng này, đã phải thối lui và bắt đầu tu luyện trở lại để vượt qua cuộc Điểm Đạo đó. Nhưng đối với người Đạo Đồ có đủ bản lĩnh để vượt qua cơn thử thách dễ sợ này, thì nó là một kinh nghiệm vô cùng huyền diệu. Nếu câu "Chúa ơi! Sao Chúa lìa bỏ Con" có thể áp dụng trong khi người Đạo Đồ đang lâm cơn thử thách thì câu: "Chúa ơi! Chúa đã làm rạng danh cho Con dường nào!"cũng có thể biểu lộ cảm giác của người Đạo Đồ sau khi đã vượt qua cơn thử thách và đã thành công.

Cuộc Điểm Đạo lần thứ tư khác hẳn với tất cả những cuộc Điểm Đạo khác ở chỗ nó có một khía cạnh lạ lùng bao gồm cả hai phương diện đau khổ và thành công. Trong ba cuộc Điểm Đạo đầu tiên, mỗi cuộc Điểm Đạo đều được Biểu tượng Thiên Chúa Giáo tượng trưng bằng một sự việc rõ rệt, sự Giáng sinh (Naissance) sự Rửa Tội (Baptême) và sự Biến hình (Transfiguration). Để diễn tả cuộc Điểm Đạo thứ tư, người ta phải dùng nhiều sự việc khác nhau. Việc đóng đinh trên Thập Tự Giá và tất cả những sự thương khó của nó, được dùng để diễn tả một phương diện của cuộc Điểm Đạo này, còn sự Phục sinh với sự thành công chiến thắng cái Chết biểu hiện cho phương diện kia. Ở giai đoạn này luôn luôn có sự đau khổ về cả ba phương diện: thể chất, tình cảm và tinh thần. Luôn luôn có sự lên án của thế gian, và dường như có sự thất bại. Luôn có sự thành công rực rỡ trên những cõi giới thanh cao hơn; tuy nhiên, điều này thế gian không hề biết. Những sự đau khổ kỳ lạ luôn luôn đi kèm với cuộc Điểm Đạo này để thanh toán tất cả mọi nghiệp quả còn sót lại, nó có thể làm ngăn trở bước tiến của người Đạo Đồ. Sự kiên nhẫn và an vui trong khi người Đạo Đồ chịu đựng những sự đau khổ đó, có giá trị rất lớn trong việc rèn luyện tâm tánh của y. Nó cũng giúp cho sự định đoạt xem y sẽ được hữu ích đến mức độ nào trong công việc phụng sự mà y sẽ phải làm trong tương lai.

Việc đóng đinh trên Thập Tự Giá và việc Phục Sinh, biểu tượng của cuộc Điểm Đạo thứ tư được diễn tả trong một phương châm cổ như sau:

"Khi đó, người Đạo Đồ bị trói trên Thập Tự Giá bằng gỗ, y sẽ chết, y sẽ bị đem chôn và sẽ xuống cảnh Âm Ty. Ngày thứ ba, y sẽ sống dậy và Phục Sinh trở lại".

Người Đạo Đồ của xứ Ai Cập thời cổ nằm mê thiếp đi trong cái quan tài suốt ba ngày ba đêm liền. Qua một phần của ngày thứ tư, y được đỡ dậy, trong khi y vẫn còn mê man và được chở đến chỗ thoáng khí ở góc phía Đông của Kim Tự Tháp hoặc của nơi đền phủ, để cho ánh sáng Mặt Trời mọc chiếu vào gương mặt y và đánh thức y tỉnh dậy sau giấc ngủ dài triền miên đó.

Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng: "Không Thập Tự Giá, không có Vương Miện", ý nói con người nếu không giáng xuống cõi vật chất, không bị trói buộc vào cuộc đời vật chất, thì không thể nào Phục Sinh và đạt được cái Vương Miện (cái mão) của đài vinh quang. Trái lại, nhờ sự hạn chế trong cọi vật chất và nhờ đau khổ rèn luyện, mà y đạt được sự thành công. Chúng ta không thể miêu tả sự Phục Sinh đó; mọi thứ ngôn ngữ, văn tự mà chúng ta dùng để diễn tả điều ấy rốt cuộc chỉ làm hoen ố sự huy hoàng lộng lẫy của nó và trở nên hầu như một sự xúc phạm. Nhưng người ta có thể nói như thế này: người Đạo Đồ đã hoàn toàn chiến thắng tất cả những điều phiền não, đau khổ, thử thách, chướng ngại và cám dỗ, và đạt tới sự vinh quang trường cửu muôn đời vì y đã chiến thắng các điều đó bằng trí tuệ và sức mạnh của nội tâm.

NIẾT BÀN (NIRVANA)

Kể từ nay, vị La Hán đã khai mở được tâm thức của cõi Bồ Đề trong khi người vẫn hoạt động trong xác thân, và khi người rời khỏi Thể Xác trong giấc ngủ hay trong cơn đại định thì người lập tức bước vào cái vinh quang khôn tả của cõi Niết Bàn. Trong cuộc Điểm Đạo thứ tư, vị La Hán phải có ít nhất một vài kinh nghiệm về tâm thức cõi Niết Bàn, cũng như trong cuộc Điểm Đạo thứ nhất, người Đạo Đồ phải có một ít kinh nghiệm về tâm thức cõi Bồ Đề, và từ nay y phải cố gắng luôn luôn hằng ngày để từ từ tiến lên tận cõi Niết Bàn. Đó là một công việc vô cùng khó khăn nhưng lần lần Người sẽ nhận thấy tự mình có thể vượt lên tận cái cõi giới vô cùng huyền diệu đó.

Việc nhập Niết Bàn làm cho người hành giả hoàn toàn bỡ ngỡ lạ lùng. Cái cảm giác đầu tiên của y là ở đó có một sự sống vô cùng linh động, dầu cho người đã quen thuộc với cõi giới Bồ Đề cũng phải ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên này người Đạo Đồ đã từng trải qua, mặc dầu là ít hơn, mỗi khi mà lần đầu y vượt từ cõi này lên một cõi khác. Khi chúng ta vượt cõi hồng trần qua cõi Trung Giới trong sự hoàn toàn thức tỉnh, chúng ta thấy sự sinh hoạt ở cõi này dồi dào phong phú hơn thập bội những gì mà chúng ta đã biết từ trước đến giờ, đến nỗi chúng ta phải thốt lên rằng: "Tôi tưởng tôi biết đời là gì, nhưng té ra tôi chưa từng biết gì hết!". Khi chúng ta bước qua cõi Trung Giới, chúng ta càng ngạc nhiên gấp đôi, vì cõi Trung Giới tuy là mới lạ, nhưng nó chẳng ra gì so với cõi Hạ Thiên. Khi chúng ta bước qua cõi Thượng Thiên, chúng ta cũng lại ngạc nhiên như vậy nữa. Mỗi bước vượt bực, chúng ta lại cảm thấy sự ngạc nhiên càng tăng lên bội phần, và không có sự chuẩn bị nào trước có thể ngăn cản sự ngạc nhiên đó, vì mỗi cõi cao hơn đem đến cho chúng ta một sự huy hoàng rực rỡ quá sức tưởng tượng, và đời sống ở những cõi thanh cao đó là một sự hạnh phúc cực lạc mà ngôn ngữ của thế gian không sao tả nổi.

Các nhà học giả Âu Châu khảo cứu về văn hóa Đông Phương đã dịch chữ Nirvana là "tịch diệt", vì chính danh từ đó có nghĩa là "dập tắt" cũng như ngọn đèn cầy bị cơn gió thổi tắt vậy. Thật không có gì trái với chân lý hơn nữa, trừ phi nó có nghĩa là sự tịch diệt của con người phàm ở cõi thế gian, vì trong trạng thái đó, người ta không còn là một người phàm nữa, mà là Thượng Đế trong con người, một vị Thần Linh trong số những vị Thần Linh khác.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng vũ trụ tràn đầy một nguồn ánh sáng vô biên, sống động, và luân chuyển như mực nước thủy triều lên cao, một biển đại dương đầy ánh sáng, ánh sáng này có một mục đích của nó, nhưng hốn nhiên không có sự áp lực hay căng thẳng. Trước tiên, chúng ta chỉ cảm thấy một sự thoải mái nhẹ nhàng, và không thấy gì khác hơn và mãnh lực thậm thâm vi diệu của ánh sáng. Nhưng lần lần, chúng ta nhận thấy rằng dầu cho trong cái ánh sáng rực rỡ đó, cũng có những điểm chói sáng hơn nữa, chẳng khác nào những trung tâm điểm phát nguyên một thứ đặc tính mới để cho ánh sáng kia có thể cảm xúc được ở cõi Hạ Giới, và nếu không có đặc tính đó thì những chúng sinh ở các cõi này không thể nào cảm biết được sự mầu nhiệm của ánh sáng. Khi đó, lần lần chúng ta hiểu rằng những ngôi Mặt Trời phụ thuộc đó là những đấng Cao Cả, những đấng Tinh Quân, những đấng đại Thiên Thần, những vị Nam Tào Bắc Đẩu, những vị Phật, Chúa, và các Chân Sư, và nhiều đấng khác nữa mà chúng ta không biết tên, nhưng chính nhờ các đấng ấy mà ánh sáng và nguồn sống được ban rải xuống các cõi hạ Giới. Lần lần, khi chúng ta trở nên quen thuộc với cái sự thật huyền diệu đó, chúng ta bắt đầu nhận định rằng chúng ta hợp Nhứt với các Ngài, mặc dầu chúng ta còn thấp kém hơn các Ngài một trời một vực. Chúng ta cũng sẽ nhận định rằng chúng ta là một phân tử của cái Duy Nhất nó biểu hiện trong các Ngài và ở khắp chốn trong không gian; rằng chính chúng ta cũng là những trung tâm ở cõi Hạ Giới để nhờ đó ánh sáng và sinh lực được ban xuống và phân phát ra cho những kẻ còn kém hơn chúng ta rất xa.

Sự huy hoàng lộng lẫy của cõi Niết bàn tự nhiên là vượt khỏi tầm hiểu biết của người thế gian. Không có thứ ngôn ngữ văn tự nào của trần gian có thể diễn tả sự kinh nghiệm của cõi Niết Bàn, vì tất cả những gì mà cái trí của ta hiểu biết và lãnh hội được đã biến mất từ lâu trước khi chúng ta đạt tới cõi giới đó.

Người nào đã có một lần nhận thức được sự Hợp Nhứt Huyền Diệu của cõi Niết Bàn sẽ không bao giờ quên điều ấy, và không thể nào còn giống y như trước. Dầu cho y trầm mình sâu đến bao nhiêu trong các Hạ Thể để giúp đỡ và cứu rỗi kẻ khác, dầu cho y có bị trói buộc chặt chẽ đến đâu trong cõi vật chất, y cũng không thể nào quên được rằng chính mắt của y đã nhìn thấy đức Ngọc Đế trong sự Mỹ lệ của Ngài, rằng chính y đã lọt vào cái thế giới cực lạc xa xăm. Cõi giới này tuy rất xa xăm nhưng cũng rất gần, và luôn luôn lúc nào cũng ở trong người chúng ta nếu chúng ta có thể nhìn thấy nó, bởi vì muốn đạt tới cõi Niết Bàn, chúng ta không cần phải đi đến chốn nào xa xôi trong không gian, chỉ cần khai mở tâm thức của ta để đón nhận sự huy hoàng của nó. Đức Phật xưa kia đã nói: "Ngươi chớ than khóc, cầu khẩn, mà hãy mở mắt ra để nhìn thấy, vì ánh sáng vốn ở chung quanh các ngươi, một ánh sáng huyền diệu thay, tốt đẹp thay, đẹp hơn tất cả những gì mà con người đã từng mơ ước, cầu xin, và nó là thứ ánh sáng trường cửu và bất diệt"

Nhà tiên tri Isaie có nói đến "Cái xứ xa xăm đó", nhưng thật ra, đây là một câu dịch sai nghĩa. Isaie không có nói đến cái xứ xa xăm nào đó, mà nói đến "cái xứ rộng bao la",câu này diễn tả một ý kiến khác hẳn và có một tính cách rất mỹ lệ. Nó chỉ nhà tiên tri đã bước vào những cõi giới thanh cao, và trong tư tưởng đó, Ngài so sánh sự lộng lẫy huy hoàng của các cõi Trời đầy những ánh sao rực rỡ, với chốn trần gian chật hẹp u tối của chúng ta. Đó chính là cái hình ảnh so sánh đời sống con người ở thế gian với cái đời sống thanh cao siêu việt ở cõi trên: Một mặt, con người tập tễnh bước lần mò trên những con đường quanh co, u ám; so với một đời sống huy hoàng, có định hướng, với một sự nhận thức rõ ràng rằng ý chí Thiêng Liêng của Tạo Hóa truyền sự sống và hoạt động xuyên qua ý chí của người trần gian.

CÔNG VIỆC CỦA VỊ LA HÁN

Vị La Hán còn phải thực hiện cái công việc vĩ đại là tiến lên những đỉnh cao tột trong cõi giới cao siêu huyền diệu nhất của đời người. Muốn thực hiện điều này, vị La Hán phải loại trừ năm điều cuối cùng, trong tất cả mười điều chướng ngại lớn. Đó là:

6)Ruparaga- ưa thích có sắc tướng đẹp đẽ, hoặc ham muốn sự sống có hình hài, sắc tướng, gồm cả sự sống ở cọi Thiên Giới.

7)Arupraga- ham muốn sống trong cảnh vô sắc tướng.

8)Mano- sự kiêu căng.

9)Uddhachchha- sự vọng động, dễ bị động tâm vì ngoại cảnh.

10)Avidya- sự vô minh.

Hai điều chướng ngại thứ sáu và thứ bảy bao gồm cả ý nghĩa hấp dẫn (raga) và xô đẩy (Dwesha). Sự loại trừ hai chướng ngại này đòi hỏi một đức tánh bền bỉ, kiên cố để cho không có một điều gì ở cõi sắc giới hay cõi vô sắc giới có thể làm cho người Đạo Đồ bị hấp dẫn dầu chỉ trong chốc lát; hoặc có thể làm cho y ghét bỏ trốn tránh vì tính chất xấu xa của nó, nếu ở nơi đó y có công việc phải làm để giúp đỡ chúng sinh.

Trong khi điều chướng ngại thứ tám bị loại trừ, người Đạo Đồ quên lửng những công quả vĩ đại lớn lao của mình, và không thể nào còn có sự kiêu căng, vì từ nay y đã luôn luôn được thấm nhuần ánh sáng Chân lý và không còn tự so sánh mình với những kẻ kém hèn hơn mình nữa. Kế đó, y đạt được sự an vui tự tại hoàn toàn, mà không một điều gì ở ngoại giới có thể lay chuyển hay làm cho y bị vọng động. Nhờ đó, y đạt tới sự thông suốt, hiểu biết hết tất cả mọi lẽ, và trở nên một bậc Toàn Trí trong dãy hành tinh của chúng ta.

CUỘC ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ NĂM, QUẢ VỊ CHƠN TIÊN(ASEKHA)

Trong giai đoạn kế tiếp, người Đạo Đồ sẽ đạt tới quả vị cuối cùng làm cho Người trở nên một bậc Siêu Nhân. Danh Từ Phật Giáo gọi đó là quả vị Chơn Tiên (Asekha),vì từ nay Người không còn phải học hỏi điều gì nữa, và đã trải qua tất cả mọi kinh nghiệm của đời sống con người ở dưới trần. Người Ấn Độ Giáo gọi Người là Jivanmukta, một bậc đã giải thoát, một đấng hoàn toàn tự do, tự do không phải là do một sự cách biệt với chúng sinh, mà bởi vì ý chí của Ngài đã hỗn hợp làm một với ý chí của Vũ Trụ, của đấng Dộc nhứt vô nhị trong hoàn vũ. Ngài đã vĩnh viễn nhập Niết Bàn, dầu trong khi thức tỉnh, nếu Ngài muốn giữ Xác Phàm để ở lại thế gian; và khi rời khỏi Xác Phàm, Ngài còn vượt lên cao hơn, đến tận cõi Đại Niết Bàn, cõi này không những ngoài vòng nghị luận của con người, mà trí phàm của chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi.

Đức Phật có nói: "Các ngươi đừng có dùng lời nói mà diễn tả Vô Biên, cũng đừng dùng sợi dây tư tưởng mà đo lường cái Diệu Huyền. Người nào hỏi là lầm, kẻ trả lời cũng lầm. Các ngươi đừng nói gì cả".

Trong khoa biểu tượng Thiên Chúa Giáo, quả vị Chơn Tiên được tượng trưng bằng sự Thăng Thiên (Ascension) và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống (Descente) vì vị Chơn Tiên đã thăng lên mực độ cao hơn Nhân Loại, thoát khỏi vòng thế tục, mặc dầu nếu Ngài muốn, cũng như Đấng Christ đã làm, Ngài có thể trở lại thế gian để dạy dỗ và giúp đỡ nhân loại. Khi Ngài Thăng Thiên, Ngài hợp nhứt với Chúa Thánh Thần, và việc đầu tiên mà Ngài làm với cái quyền năng mới của Ngài, là ban rải nó cho các vị đệ tử, cũng như Đấng Christ, tưới những ngọn lửa đỏ trên đầu các người theo Ngài trong cuộc Lễ Ngũ Tuần (Pentecôte).

Nhờ sự hợp nhất đó mà vị Chơn Tiên (Asekha) có thể thâu nhận đệ tử. Vị La Hán (Arhat) mặc dầu có thể dạy, giáo hóa nhân loại, nhưng vẫn phải trực thuộc và thi hành Mệnh lệnh của một vị Chơn Tiên trên cõi thế gian. Vị La Hán không thâu nhận đệ tử, bởi vì Ngài chưa có sự liên lạc đặc biệt với Ngôi Ba (Chúa Thánh Thần) như đã nói ở trên.

CÁC QUẢ VỊ CAO HƠN

Trên vị Chơn Tiên, còn có quả vị Đế Quân (Chohan) những quả vị cao hơn nữa. Cái thanh tiến hóa còn nhiều nấc cao tột bậc hơn nữa, mà ít người trong chúng ta có thể đạt tới. Khi chúng ta hỏi các đấng Cao cả ở bậc trên chúng ta và biết nhiều hơn chúng ta rất xa, thì các Ngài cũng chỉ có thể nói rằng những nấc thang tiến hóa cao tột đó cũng ở ngoài tầm nhận xét của các Ngài. Các Ngài biết về những nấc thang đó nhiều hơn chúng ta rất xa, nhưng cái thang tiến hóa còn lên cao hơn nữa, đến tận những đỉnh cao thâm thâm diệu diệu mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, và không ai biết được chỗ rốt ráo cùng tột của nó.

Mặc dầu không ai có thể thấy chổ cùng tột của nấc thang tiến hóa, và công việc của những đấng Cao Cả ở những cấp đẳng cao trong Quần Tiên Hội hầu như không thể hiểu nổi, tuy nhiên sự hiện diện và công việc của các Ngài quả thật có một cách thật sự và nhứt định, cũng như mọi sự vẫn có ở thế gian. Hơn nữa, sự nhận xét của chúng tôi về những đấng Cao Cả là một điều chắc chắn, không có một chút điểm nghi ngờ. Mặc dầu tôi biết rất ít về cái phần cao siêu trong công việc của Ngài, trong nhiều năm qua tôi đã từng thấy Đức Di-Lặc-Bồ-Tát làm công việc đó luôn luôn, hầu như mỗi ngày; và tôi đã từng rất nhiều lần chiêm ngưỡng đức Ngọc Đế trong sự hiện diện nhiệm mầu và khó hiểu của Ngài, cho nên đối với tôi, các Ngài là những đấng quả có thật sự cũng như bất cứ người nào tôi biết, và tôi cũng biết một phần nào về sứ mạng của các Ngài ở thế gian.

Tôi biết rằng những điều tôi có thể nói về các Ngài là những sự thật chắc chắn, tuy nhiên tôi không thể giải thích và cũng không hiểu biết được bao nhiêu về công việc của các Ngài. Tôi đã thấy những vị Đại Đế Quân (Dhyan Chohan), các đấng Tinh Quân (Planetary Spirits) và những vị Thiên Sứ của những Thái Dương Hệ khác, và tôi biết chắc chắn về sự hiện diện của các Ngài nhưng tôi không biết gì cả về những công việc làm của các Ngài. Chính tôi đã thấy sự Biểu Lộ của đức Thái Dương Thượng Đế giữa những đấng Cao Cả phụ tá của Ngài, và sự thấy của tôi chẳng qua chỉ là một phần trong muôn triệu về cái đức Cao Cả vô biên và khôn tả mà các đấng ấy nhìn thấy ở Ngài. Cũng như trong chuyện Bhagavad Gita, Arjuna đã nhìn thấy ảnh đức Thượng Đế, tôi đã thấy như vậy không một mảy may nghi ngờ. và tôi muốn chứng minh một cách cụ thể rằng những điều đó có thật. Tôi biết rằng khi tôi viết những chuyện này, tôi có thể bị sự chế nhạo của người đời. Có người sẽ hỏi: "Ông là ai, mà dám nói những chuyện đó?". Nhưng tôi đã thấy, và tôi sẽ hèn nhát nếu tôi không chịu chứng minh sự thật.

Tôi đã nhiều lần tuyên bố, bằng lời nói và sách vở, rằng tôi không muốn thấy một người nào dùng những điều tôi nói để làm căn cứ cho đức tin của y nơi Giáo Lý Thông Thiên Học. Tôi nghĩ rằng mọi người nên tự mình học hỏi giáo lý Thông Thiên Học và tự tìm ra những kết luận để áp dụng cho đời mình. Cái lý do chính của y để chấp nhận một học thuyết phải là lý do kinh nghiệm bản thân, hay là bởi vì y nhận thấy rằng học thuyết đó là hợp lý nhứt. Nhưng điều đó không thay đổi sự kiện là tôi có những bằng chứng để đưa ra cho những người nào muốn biết, những bằng chứng mà tôi đã trình bày trong bài này và những quyển sách khác. Trong thế kỷ 20 này những người viết sách về Thông Thiên Học như chúng tôi có thể áp dụng lời nói sau này của Thánh Jean tửng đua ra gần 2000 năm nay:

"Những gì có từ lúc nguyên thủy, những gì mà tôi đã nghe thấy tận mắt, xem xét và sờ mó tận tay, đó chính là những gì mà chúng tôi tuyên bố cho các anh.

"Chúng tôi là người đã từng thấy, chúng tôi xin chứng minh những điều đó, sự chứng minh đó có được người thế gian chấp nhận hay không, điều đó không quan hệ bao nhiêu.

"Người nào đã cảm giác được cái Tinh Thần Thiêng Liêng của đấng Chí Tôn, không thể lầm lẫn, nghi ngờ, hoặc phủ nhận nó. Ôi! Thế gian, ví như các người có đồng thinh phủ nhận nó. Ôi! Thế gian, ví như các người có đồng thinh phủ nhận Ngài, ta thà từ bỏ thế gian, và giữ vững đức tin của ta!"

BẢY CON ĐƯỜNG SIÊU NHÂN LOẠI

Ngay sau khi con người đã vượt qua cuộc Điểm Đạo thứ năm và đắc quả vị Chơn Tiên (Asekha), thì Thánh Đạo chia làm bảy con Đường lớn để cho vị Chơn Tiên chọn lựa một. Về vấn đề này, tôi xin chú thích những gì tôi đã viết trong quyển: "Con người; từ đâu đến và sẽ đi về đâu":

"Sau khi đã trải qua giai đoạn tiến hóa của nhân loại, và đứng trước ngưỡng cửa của đời sống Siêu Phàm, như một vị Thần Tiên đã giải thoát, thì vị Chơn Tiên sẽ chọn lựa một trong bảy đường sau đây:

1)Ngài có thể bước vào trạng thái Toàn Tri và Toàn Lực của cảnh Niết Bàn, với những hoạt động ngoài tầm hiểu biết của chúng ta rất xa, để trở nên đấng Cao Cả chuyển kiếp xuống trần trong một bầu thế giới tương lai (tiến Phạn gọi là Dharmakaya).

2)Ngài có thể bước vào một "Thời Kỳ Tâm Linh" ở cõi Niết Bàn; câu này có nhiều ý nghĩa huyền bí (tiếng Phạn gọi là: Sambhogakaya).

3)Ngài có thể trở nên một vị Thủ Kho Thần Lực mà các vị Thiên Sứ của Thượng Đế dùng để làm công việc của các Ngài (tiếng Phạn gọi là: Nirmanakaya).

Ngài có thể ở lại thế gian để giúp đỡ Nhân Loại, với tư cách là một nhân viên của các Cấp Đẳng Thiên Đình, gọi chung là Quần Tiên Hội.

5)Ngài có thể chuyển qua một dãy Hành Tinh kế tiếp, để trợ giúp cho công việc tạo tác mọi hình thể sinh vật trên đó.

6)Ngài có thể bước vào con đường Tiến Hóa của các hàng Thiên Thần.

7)Ngài có thể gia nhập vào bộ Tham Mưu của Đức Thượng Đế, với tư cách một vị Thiên Sứ, để được Ngài sử dụng ở bất cứ nơi nào trong Thái Dương Hệ. Cũng như một viên Đại Tướng có một bộ Tham mưu, để mang những huấn lệnh của người đến khắp mọi nơi trên bãi chiến trường, thì những vị Thiên Sứ của đức Thượng Đế cũng vậy, các Ngài thừa hành mạng lệnh của đức Thượng Đế và làm công việc của Ngài trong toàn thể cơ cấu của Thái Dương hệ. Con Đường này được coi như là Con Đường rất khó, có lẽ là sự hy sinh lớn nhất của một vị Chơn Tiên, và bởi đó nó cũng là một điều vinh diệu rất lớn. Một vị Thiên Sứ không mang Thể Xác hồng trần: Ngài dùng Ý Chí (Kriya Shakti) tạo ra một Thể Xác bằng chất khí của bầu thế giới mà Ngài được gởi đến. Bộ Tham Mưu gồm có những đấng Cao Cả thuộc nhiều cấp bậc khác nhau từ cấp bậc Chơn Tiên trở lên.

Vị "Dharmakaya) rút lui vào Chơn Thần (Monade), và bỏ luôn cả hột lư tánh nguyên tử Niết bàn của Ngài.

Vị (Sambhogakaya" còn giữ lại hột nguyên tử Niết Bàn và tự biểu lộ như một đấng Cao Cả có đủ Ba Ngôi.

Vị (Nirmanakaya) giữ lại Thể Thượng Trí và những hột lưu tánh nguyên tử mà Ngài mang theo suốt trôn thời hỳ tiến hóa của Ngài, để cho bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể tạo nên chung quanh những nguyên tử đó những Thể Trí, Thể Vía và Thể Xác khi Ngài muốn. Ngài vẫn luôn luôn giữ liên lạc với bầu thế giới cũ của Ngài, để cho Ngài có thể cung cấp kho Thần Lực do đó ân huệ Thiêng Liêng được ban xuống cho bầu thế giới đó. Trong quyển "Tiếng nói của Im lặng" có nói rằng vị Nirmanakaya là một bức thành đồng ngăn giữ cho thế gian khỏi bị thêm nhiều sự lầm than đau khổ nữa. Đối với những người không hiểu cái ý nghĩa thâm sâu của câu này, thì nó dường như ám chỉ rằng sự đau khổ đến với thế gian từ bên ngoài, và những đấng Cao Cả đó xua đuổi chúng vẹt đi nơi khác. Nhưng sự thật không phải như vậy, vì tất cà những đau khổ ở thế gian là do con người tạo ra. Mỗi người là một vị quan Tòa của chính mình, tự gieo lấy điều thưởng phạt cho mình; nhưng bổn phận của vị Nirmanakaya là dự trữ một kho Thần Lực để giúp đỡ nhân loại. Các Ngài luôn luôn tạo ra nguồn Thần Lực này, các Ngài không giữ lấy một phần nào cho riêng mình, mà dành trọn hết cả cho Quần Tiên Hội sử dụng để nâng đỡ bớt nghiệp quả nặng nề của trần gian.

Như thế, trong sồ những vị đắc quả Chơn Tiên, chỉ có một số ít còn ở lại thế gian với tư cách nhân viên Quần Tiên Hội. Vì những vị này và những công việc của các Ngài có một tầm quan trọng rất lớn, nên những chương sau đây sẽ dành trọn cho vấn đề này.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh