Chân Sư Và Thánh Đạo: Chương 2. Thể Xác Của Các Chân Sư

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO: CHƯƠNG 2. THỂ XÁC CỦA CÁC CHÂN SƯ

HÌNH DÁNG CỦA CÁC NGÀI

Những người học Đạo thường có một quan niệm mập mờ và không rõ ràng về các Đấng Chân Sư. Có lẽ chúng tôi sẽ giúp họ nhận định rằng đời sống của các Ngài là tự nhiên như thế nào, và các Ngài có hình dáng về thể chất ra sao, bằng cách nói vài lời về đời sống hằng ngày và hình dáng bề ngoài của một vài vị Chân Sư. Vị Chân Sư không có một đặc tính nào về thể chất để có thể phân biệt Ngài với đời thường, nhưng Ngài luôn luôn có cái diện mạo oai nghiêm, quý phái, hùng dũng, thánh thiện và im lặng, và ai đã gặp Ngài thì không khỏi nhận ra rằng họ đã đứng trước một người phi thường. Ngài là một người hùng yên lặng; Ngài chỉ nói khi nào có một mục đích nhất định hoặc để khuyến khích, giúp đỡ hay ngăn ngừa. Tuy nhiên, Ngài có hảo ý một cách lạ lùng, và có tinh thần hài hước rất dồi dào, một sự hài hước có thiện cảm luôn luôn, không bao giờ chạm lòng người khác, mà luôn luôn để làm nhẹ bớt những sự khó khăn của đời sống hằng ngày. Đức Chân Sư Morya có lần nói rằng người ta không thể tiến trẹn đường đạo nếu không có một tinh thần hài hước, và tôi quả có nhận thấy rằng tất cả các vị Chân Sư mà tôi đã gặp đều có đức tính đó.

Phần nhiều các vị Chân Sư đều có cái hình dáng bề ngoài tốt đẹp; xác thân của các Ngài được hoàn toàn về đủ mọi phương diện, vì các Ngài sinh hoạt hoàn toàn đúng phép dưỡng sinh, và các Ngài không bao giờ lo lắng ưu phiền về bất cứ một việc gì. Tất cả các nghiệp quả xấu của các Ngài đã dứt tuyệt từ lâu; thể xác của các Ngài là cái thể hiện rõ ràng của Chơn Nhơn, trong phạm vi giới hạn của cõi Hồng trần. Bởi đó, không những cái thể xác hiện thời của Chơn Sư thường rất phong nhã tuấn tú, mà cho đến bất cứ cái thể xác mới nào mà Ngài có thể khoác lấy trong một kiếp lai sinh, đều có thể sẽ giống hệt như xác thân cũ, ngoại trừ một vài sự khác biệt về chủng tộc và gia đình, vì không có gì làm thay đổi cái thể xác đó. Khi vì một lẽ gì mà Chơn Sư quyết định dùng một thể xác mới, thì nhờ sự giải thoát khỏi mọi điều trói buộc của nghiệp quả, mà các Ngài có trọn quyền tự do chọn lựa một thể xác thuận lợi nhứt cho công việc mà Ngài sẽ phải làm. Bởi lẽ đó, quốc tịch của cái xác thân mới mà Ngài khoác lấy trong một thời gian nhất định, không phải là điều tối quan trọng.

Muốn biết rõ một người nào có phải là Chân Sư hay không, cần phải quan sát cái thể Thượng Trí của người ấy vì sự tiến hóa của người biểu lộ bằng một Thượng Trí nảy nở rất lớn với những màu sắc đặc biệt sắp thành nhiều vòng tròn cùng một trung tâm như đã phác họa trong bức hình vẽ cái thể Thượng Trí của một vị La Hán, ở trong quyển sách “Con người, hữu hình và vô hình”.

MỘT THUNG LŨNG Ở TÂY TẠNG

Có một vùng thung lũng ở Tây Tạng, hiện nay có ba vị Chân Sư đang sống ở đó là Chân Sư Morya, Chân Sư Kuthumi và Chân Sư Djwal Kul.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Hai vị Chân Sư Morya và Kuthumi thì ở trong hai ngôi nhà ở hai bên thung lũng đối diện với nhau, ở những triền núi hai bên đều có rừng thông bao phủ, và có một khe suối chảy. Có những con đường mòn đưa từ hai ngôi nhà này xuống tận đáy thung lũng, và gặp nhau ở nơi cuối cùng, tại đó có một nhịp cầu nhỏ bắc ngang qua khe suối. Gần chiếc cầu này có một con đường hầm nhỏ hẹp đưa đến một hệ thống những động phủ rộng lớn ở dưới mặt đất, chứa đựng một viện cổ tàng huyền bí dưới sự chăm nom của đức Chân Sư Kuthumi, nhân danh Quần Tiên Hội.

Viện Cổ Tàng này chứa đựng nhiều tài liệu rất dồi dào phong phú, dường như là để ghi lại dấu tích toàn thể lịch trình tiến hóa của con người. Người ta thấy có những hình thể, coi tự nhiên như hồi còn sống, của mỗi loại mỗi kiểu người đã từng sống trên quả Địa Cầu, từ những giống người Lémurins to lớn có những khớp xương rời rạc lỏng lẻo đến những giống người lùn, di tích cuối cùng của những giống dân còn cổ lổ hơn và cách xa với nhân loại ngày nay nhiều hơn nữa. Những kiểu hình nổi diễn tả những sự biến đổi kế tiếp nhau của lớp vỏ địa cầu và đặc biệt nhất là hình dáng tổng quát của lớp vỏ địa cầu này trước và sau mỗi kỳ thiên tai lớn đã gây nên những sự biến đổi đó. Những bản đồ to lớn ghi dấu những cuộc di chuyển của những giống dân trên địa cầu và chỉ rõ những quãng đường dài bao xa mà họ đã vượt qua từ những địa điểm xuất phát.

Những bản đồ khác ghi chép ảnh hưởng của các tôn giáo trên thế gian, chỉ rõ nơi nào mỗi tôn giáo đó được thực hành một cách nguyên thủy thuần túy, và nơi nào nó bị lẫn lộn với những tàn tích của những tôn giáo khác.

Những pho tượng lớn bằng hình người ghi dấu hình thể của một vài bực lãnh tụ và đạo sư của những giống dân cổ đã biệt tích từ lâu; và nhiều di vật liên hệ đến những trào lưu tiến hóa quan trọng của nền văn minh nhân loại được giữ gìn lại cho hậu thế xem xét. Người ta cũng thấy có những bản thảo bút tự nguyên văn rất cổ xưa và quý vô giá, thí dụ như một bản bút tự của chính đức Phật viết khi Ngài còn là Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta, và một bản khác của đấng Christ viết lúc thiếu thời khi Ngài sinh ở xứ Palestine. Tại đây cũng được giữ gìn bản nguyên văn vô giá của bộ Thiên Thơ (The Book of Dzyan), mà bà Blavatsky đã miêu tả trong đoạn mở đầu bộ sách “Giáo lý Nhiệm mầu” (Doctrine Secrète). Tại đây cũng có những sách viết bằng những văn tự lạ lùng, thuộc về những thế giới khác chúng ta. Cũng có những di tích các hình thể động vật và thảo mộc, một vài thứ rất xưa, đào lên từ dưới đất, còn phần lớn hoàn toàn khác lạ đối với khoa học hiện nay. Những kiểu mẫu của một vài thành phố cổ xưa thuộc về một thời quá khứ xa xăm đã bị lãng quên trong ký ức loài người cũng được trưng bày tại đây để dùng cho sự học hỏi của các vị Đệ tử.

Tất cả những pho tượng và kiểu mẫu đều đượm màu sắc tự nhiên giống như thật; và tất cả đều đặt chung một chỗ tại đây một cách hữu ý, để cho hậu thế thấy rõ những giai đoạn tuần tự trước sau của lịch trình tiến hóa của nhân loại chứ không phải chỉ trình bày có những mẫu rời rạc, bất toàn, như ở các viện Bảo tàng của thế gian. Tại đó, người ta cũng thấy những kiểu mẫu của tất cả mọi thứ máy móc cơ khí, sản phẩm của những nền văn minh khác nhau, cùng là những hình ảnh rất dối dào phong phú cho ta thấy những loại pháp môn phù thủy thông dụng ở những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

Trong dãy hành lang đưa đến những gian phòng rộng rãi đó, được gìn giữ những hình nộm sống của những vị đệ tử còn đang ở trong thời kỳ dự bị của hai vị Chân Sư Morya và Kuthumi. Những hình nộm đó được sắp hàng như những pho tượng chung quanh những vách tường và tiêu biểu cho những vị đệ tử nói trên một cách rất đúng đắn.

Tuy nhiên, người ta không nhìn thấy được những hình nộm đó bằng cặp mắt phàm trần, vì thứ vật chất thấp thỏi nhất để tạo nên những hình nộm đó là chất dĩ thái.

Gần chiếc cầu, cũng có một ngôi chùa nhỏ với kiểu nóc nhọn giống như chùa Miến Điện, nơi đó vài người dân làng đến đốt hương tụng niệm và dưng hoa quả cúng Phật.

Một con đường gồ ghề khúc khuỷu đưa xuống tận thung lũng bên cạnh giòng suối. Từ hai ngôi nhà của các Chân Sư, người ta có thể nhìn thấy lẫn nhau; cả hai đều ở trên đối cao hơn chiếc cầu, nhưng cì chỗ đó giòng suối uốn quanh nên từ trên cầu, người ta thấy hai nhà đều khuất. Nếu ta theo con đường mòn ấy lên tận thung lũng qua khỏi nhà đức Chân Sư Kuthumi, nó sẽ đưa ta đến một ghềnh đá cao nhô lên, qua khỏi chỗ đó giòng suối lại uốn quanh và không thấy nhà Chân Sư nữa. Cách xa chỗ ấy một đoạn đường, thung lũng trổ ra một vùng cao nguyên trên đó có một cái hồ mà tục truyền rằng bà Blavatsky thường tắm ở đó, và bà thấy rằng nước hồ rất lạnh lẽo. Thung lũng được che khuất và hướng về phía nam, và mặc dầu vùng chung quanh mùa đông tuyết phủ, tôi không nhớ rõ thấy có nhà nào ở gần bên nhà của các Chân Sư. Những nhà này được xây bằng đá một cách rất dày và chắc chắn.

NHÀ CỦA CHÂN SƯ KUTHUMI

Ngôi nhà của đức Chân Sư Kuthumi chia làm hai phần do một đường hành lang ở giữa. Khi bước vào đường hành lang này, cửa đầu tiên bên tay mặt đưa đến gian phòng chính. Chân Sư thường hay ngồi tại đây.Gian phòng này rất rộng và cao, chiếm trọn mặt tiền. Đằng sau gian phòng này, có hai buồng khác gần vuông dứt, một buồng Ngài dùng làm thư phòng, và buồng kia làm buồng ngủ.

Những gian phòng đó chiếm trọn một bên dãy hành lang, hình như để dùng làm tư thất của Chân Sư, có một hàng ba rộng rãi bao chung quanh. Phần bên kia của ngôi nhà, ở bên trái dãy hành lang từ cửa bước vào, hình như chia làm nhiều buồng nhỏ hơn và nhiều văn phòng. Chúng tôi không có dịp quan sát tỉ mỉ những buồng này, nhưng chúng tôi nhận thấy từ buồng ngủ đi qua bên này hành lang có một cái buồng tắm.

Gian phòng lớn có nhiều cửa sổ ở cả mặt tiền và mặt hậu, dưới các cửa sổ có để một chiếc ghế dài. Có một lò sưởi lớn ở giữa vách tường đối diện với các cửa sổ mặt tiền. Lò sưởi đặt nơi đó để có thể sưởi ấm tất cả ba buồng. và có một nóc che bằng sắt cán mỏng kiểu lạ, mà người ta nói rằng kiểu độc nhất ở Tây Tạng. Gần bên có chiếc ghế bành của Ngài, làm bằng gỗ chạm rất xưa, chỗ ngồi êm ái khỏi cần dùng nệm lót. Trong phòng có đặt bàn và trường kỷ, phần nhiều không có chỗ dựa, và ở một góc có đặt một cây dương cầm của Chân Sư, trần nhà cao chừng 7 thước, kèo và cột chạm trỗ rất đẹp. Buồng ngủ trang hoàng rất giản dị. Có một chiếc giường treo như cái võng giữa hai cây đà bằng gỗ chạm, gắn chặt trong vách, một cây đà chạm hình đầu sư tử, một cây chạm đầu voi. Lúc không dùng đến thì giường xếp lại vào vách tường.

Thư phòng là một gian buồng xinh xắn, chứa đựng hằng ngàn quyển sách. Trên vách có những chiếc kệ rất cao, đựng sách viết bằng nhiều thứ chữ, trong số đó có những tác phẩm cận đại Âu Châu và ở trên cao có những kệ đựng những bộ sách cổ viết bằng tay. Chân Sư là một nhà ngôn ngữ học uyên bác, không những Ngài là một học giả Anh ngữ, Ngài còn biết tiếng Pháp và tiếng Đức một cách tường tận. Thư phòng còn có một cái máy đánh chữ, do một vị đệ tử tặng cho đức Chân Sư.

Về gia quyến của Chân Sư thì tôi chỉ biết rất ít. Trong nhà có một người đàn bà, hiển nhiên là một vị Đệ tử, mà Ngài gọi bằng chị. Tôi không biết bà ấy có phải là chị ruột Ngài hay không; hoặc bà có thể là một chị em họ hay một cháu gái. Bà ấy có vẻ già hơn Ngài nhiều, nhưng không phải vì thế mà sự liên hệ gia đình nói trên không có được, vì từ lâu Ngài có vẻ như không thay đổi về tuổi tác và hình dáng bề ngoài. Bà ấy có hơi giống Ngài đôi chút, và một đôi khi bà cũng góp mặt khi có những cuộc hội họp tại nhà, mặc dầu công việc chính của bà hình như là coi về việc quản gia và trông nom người làm. Trong số những người giúp việc nhà, có hai vợ chồng một người lão bộc ở với Chân Sư từ lâu. Họ không biết gì về sự cao cả của vị chủ nhân họ, nhưng họ coi Ngài như một người chủ rất khoan dung và khả ái, và lẽ tự nhiên là họ được rất nhiều ân huệ trong khi phụng sự Ngài.

NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHÂN SƯ

Đức Chân Sư có một khu vườn riêng biệt của Ngài, Ngài cũng có một sở ruộng đất và mướn lao công để trồng trọt. Gần nhà có những bụi cây trổ bông và những khóm hoa mọc tự do, cùng với những bụi hoa rừng. Xuyên qua vườn, có một giòng suối nhỏ, và một ghềnh thác với một nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang khe suối...

Đức Chân Sư thường hay ngồi tại đây khi Ngài ban tư tưởng lành và ân huệ cho những người chung quanh. Nhìn thoảng qua thì hình như lúc đó Ngài chỉ ngồi ngắm cảnh, nghe chim hót hoặc nghe nước suối chảy dưới khe. Cũng có đôi khi Ngài ngồi yên trên chiếc ghế bành và khi những người chung quanh Ngài thấy Ngài như thế, họ biết rằng Ngài cần sự yên tĩnh và không nên quấy rầy; họ không biết rõ Ngài đang làm gì, nhưng định chừng rằng Ngài đang nhập định.Sự kiện rằng người phương Đông hiểu và kính trọng sự thiền định có thể là một trong những lý do vì sao các Chân Sư thích sống ở Đông phương hơn là ở Tây phương.

Như thế chúng ta thấy Chân Sư ngồi im lặng gần như suốt ngày và nhập định. Nhưng trong khi Ngài hình như vô vi bất động như thế, sự thật Ngài luôn luôn hoạt động không ngừng ở cõi trên; Ngài sử dụng những sức mạnh thiên nhiên và ban rải ảnh hưởng cùng ân huệ cho hắng ngàn linh hồn cùng một lúc, ví các Chân Sư là những vị bận rộn nhất trên đời. Tuy nhiên, Chân Sư cũng làm nhiều công việc thuộc về thế gian; Ngài có soạn ít nhiều nhạc phẩm và viết nhiều văn thư cùng bài vở với nhiều mục đích khác nhau. Ngài cũng chú trọng đến sự tiến bộ của khoa học vật lý, mặc dầu đó là một ngành hoạt động đặc biệt của một trong những vị Chân Sư khác.

Thỉnh thoảng, Chân Sư Kuthumi cưỡi một con ngựa lớn, và khi các Ngài làm việc chung với nhau, Ngài cùng đi với Chân Sư Morya, vị này luôn luôn cưỡi một con ngựa bạch tuyệt đẹp. Ngài thường viếng thăm một vài tu viện, và có khi Ngài cưỡi ngựa lên một truông núi để viếng một đạo viện hẻo lánh ở trên núi cao. Cưỡi ngựa trong khi đi làm công việc hằng ngày hình như là môn thể dục chính của Ngài, nhưng có khi Ngài cũng đi bộ với Chân Sư Djwal Kul, vị này sống trong một cái trại nhỏ mà Ngài tự xây cất lấy, ở gần thung lũng đưa đến vùng cao nguyên.

Đôi khi, Chân Sư đánh đàn dương cầm đặt tại gian phòng lớn trong nhà Ngài. Cây đàn này Ngài đặt làm ở Tây Tạng dưới sự trông nom của Ngài, với tấm bảng nhận nút giống như kiểu đàn bẹn Tây phương, và Ngài có thể chơi mọi bản nhạc phương Tây. Cây đàn nầy không giống như mọi cây đàn khác, vì nó có hai mặt, và người ta có thể chơi đàn hoặc từ phòng khách, hoặc từ thư phòng. Những bản nhận nút có thể dùng chung một lượt hoặc dùng riêng biệt.

Bằng phương pháp truyền từ điển, Ngài làm cho cây đàn nầy giao tiếp với các vị Thiên Thần âm nhạc (Gandharvas) để cho khi nào đánh đàn, thì có sự hop85 tác của những vị Thiên Thần đó. Bắng cách đó, Ngài có được một sự phối hợp âm thanh rất huyền diệu khác hẳn âm nhạc của trần gian.

Khúc ca của Thiên Thần luôn luôn vẫn vang rền trong Vũ Trụ. Nó vẫn luôn luôn văng vẳng bên tai người thế gian, nhưng họ không muốn nghe thấy âm thanh kỳ diệu đó. Nó là tiếng sóng gầm dưới biển, tiếng gió than thở trên nhành cây, tiếng suối chảy trong khe núi, âm nhạc của giòng sông và thác đổ, cùng với bao nhiêu những âm thanh khác hợp thành khúc ca hùng mạnh của Thiên Nhiên. Đó chỉ là dư âm trên cõi thế tục, của một âm thanh huyền diệu hơn, tức là khúc ca của Thiên Thần.

Trong quyển "Ánh sáng trên đường Đạo" có viết:

"Chỉ có những đoạn rời rạc của khúc ca Huyền diệu lọt vào tai ngươi trong khi ngươi còn là thế tục. Nhưng nếu ngươi lắng nghe, ngươi hãy nhớ kỹ để không cho mất một âm thanh nào, và cố gắng tìm hiểu ở đó ý nghĩa của sự huyền diệu nó bao phủ chung quanh ngươi. Trải qua dòng thời gian, ngươi sẽ không cần có thầy. Vì cũng như con người có giọng nói, thì Vũ Trụ mà y sống trong đó cũng có âm thanh. Sự sống vốn có âm thanh và không bao giờ im lặng. Âm thanh đó không phải là một tiếng khóc than, như ngươi có thể tưởng; nó là một tiếng ca thần diệu. Ngươi hãy biết rằng ngươi là một phần tử của sự hòa hiệp chung; và ngươi hãy học tuân theo những định luật của sự điều hòa trong vạn vật."

mỗi buổi sớm mai, có một số người- không hẳn là đệ tử, mà là những kẻ theo Ngài- đến nhà của Chân Sư, ngồi ngoài hàng ba và ngoài ngõ. Đôi khi Ngài dạy họ một vài điều, trong một bài thuyết pháp ngắn; nhưng thường khi Ngài tiếp tục công việc của Ngài và không chú ý đến họ ngoài ra ban cho họ một nụ cười thân thiện, mà họ cũng bằng lòng nhận một cách vui vẻ. Hiển nhiên là họ đến để được ngồi trong vòng hào quang của Ngài và chiêm ngưỡng Ngài. Đôi khi, Ngài dùng cơm trước mặt họ, ngồi ngoài hàng ba cùng với những người dân Tay Tạng và những người khác ngồi dưới đất ở chung quanh Ngài; nhưng thường khi Ngài dùng bữa một mình trong phòng riêng. Có thể rắng Ngài chỉ dùng bữa ăn ngọ theo luật Nhà Chùa, vì tôi không nhớ có thấy Ngài dùng cơm chiều bao giờ. Cũng có thể rằng Ngài không cần ăn mỗi ngày. Khi Ngài muốn dùng bữa, thì Ngài dặn người nhà làm những thức ăn mà Ngài thích, chớ không ăn đúng giờ. Tôi có thấy Ngài dùng những chiếc bánh nhỏ và tròn, màu nâu và ngọt; bánh nầy làm bằng bột mì, đường và bơ, và là thứ bánh thường dùng trong nhà, do bà chị của Ngài làm. Ngài cũng dùng cơm với cari, thứ cari nầy nấu lỏng như súp. Ngài dùng một cái muỗng bằng vàng kiểu lạ và rất đẹp, cán muỗng có chạm hình con voi. Đó là một bửu vật gia truyền, rất cổ và rất quý. Ngài thường mặc y phục trắng, nhưng tôi không thấy Ngài đội mũ trên đầu bao giờ, ngoại trừ những dịp rất hiếm có, khi Ngài mặc áo vàng của phái Gelugpa và đội một cái mão cao, giống như chiếc mão sắt của người La Mã thời xưa. Còn Chân Sư Morya thường hay bịt khăn.

NHỮNG NHÀ KHÁC

Nhà của đức Chân Sư Morya ở phía bên kia thung lũng nhưng ở chỗ đất thấp hơn, ở kế cận ngôi chùa nhỏ và cửa vào những động đá.Nhà nấy có một lối kiến trúc hoàn toàn khác hẳn, có hai từng, mặt tiền day ra đường lộ có hàng ba và cửa kiếng. Sự sinh hoạt hằng ngày của Ngài cũng tương tự như cách sinh hoạt của đức Chân Sư Kuthumi.

Nếu chúng ta noi theo đường lộ bên trái giòng suối, và đi lên cao lần lần dọc theo bờ thung lũng, chúng ta đi ngang qua biệt thự và công viên của Chân Sư Kathumi ở bên tay mặt; và lên cao hơn nữa, ta thấy cùng một bên đường lộ có một cái chòi nhỏ của Chân Sư Djwal Kul tự Ngài dựng lên hồi thời kỳ Ngài còn là đệ tử, để có chỗ ở và học Đạo gần bên sư phụ Ngài. Trong chòi có treo một bức họa do một vị đệ tử người Anh của đức Chân Sư Kuthumi vẽ lại một quang cảnh hội họp trong gian phòng lớn tại nhà Chân Sư Kuthumi, trong đó có nhiều vị Chân Sư và đệ tử tham dự. Bức họa nầy được vẽ để kỷ niệm một buổi hội họp đặc biệt thú vị và có kết quả rực rỡ tại nhà Chân Sư.

CÁC CHÂN SƯ THUỘC CUNG SỐ I

Nói về hình dáng bề ngoài của các vị Chân Sư, thì tùy theo mỗi vị thuộc cung nào, mà xác thân của các Ngài cũng chịu ảnh hưởng phần nào của cung đó. Cung số 1 có đặc điểm trội nhất là Uy Quyền, và những người thuộc về cung nầy là những vị Vua Chúa, những nhà lãnh đạo, những nhà cai trị và chỉ huy, trước hết của thế giới tâm linh, và sau nữa của cõi giới hồng trần. Bất cứ người nào có đến một mực độ phi thường cái khả năng lãnh đạo người khác và hướng dẫn họ một cách khéo léo theo con đường của mình chọn thì chắc là người ấy thuộc về cung số 1.

Đó là những đặc tính của Đức Bàn Cổ Vaivasvata, đấng Cao Cả dìu dắt Giống Dân thứ 5. Ngài cao lớn hơn tất cả các đấng Chân Sư và có thân hình cân đối hoàn toàn. Ngài là Người kiểu mẫu của Giống Dân thứ 5, và mỗi người của Giống Dân nầy đều là con cháu của Ngài. Đức Bàn Cổ có một gương mặt rất oai nghiêm, biểu lộ một uy quyền lớn, mũi cao, cặp mắt màu nâu, một chòm râu đầy đặn và tướng mạo hùng dũng như tướng sư tử. Bà Annie Besant tả hình dạng Ngài như sau: Ngài cao lớn và hùng vĩ như một vị Vua, cặp mắt ting anh như mắt phụng, rạng ngời ánh sáng như màu hoàng kim. Hiện nay, Ngài ở trên dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn, cách nhà của Đức Bồ Tát Di Lặc không xa.

Cùng một phong độ giống như thế là đức Chân Sư Morya. Ngài sẽ là vị kế nghiệp đức Bàn Cổ Vaivasvata sau này và là vị Bàn Cổ tương lai của Giống Dân thứ 6. Ngài vốn là một vị Vua xứ Rajputana bên Ấn Độ. Ngài có một chòm râu đen chẻ ra làm hai phần, tóc Ngài mầu sậm gần như đen, xõa xuống tận vai, cặp mắt đen và sáng, đầy vẻ oai nghi. Ngài có oai phuông của một vị tướng soái. Ngài nói từng câu vắn như ra lệnh, như Ngài vẫn quen được thiên hạ tuân lệnh một cách mau chóng. Ngài có cái tác phong uy nghi lẫm liệt, tỏa ra chung quanh Ngài một cái sức mạnh và uy quyền làm cho người ta phải cung kính rất mực.

Bà Blavatsky thường hay thuật chuyện bà gặp đức Chân Sư Morya tại công viên Hyde ở Luân Đôn, hồi năm 1851, khi Ngài đến đó cùng với những ông Hoàng Ấn Độ để dự cuộc Triển Lãm Quốc Tế lần đầu tiên. Một chuyện lạ, là hồi đó, tuy mới là một đứa trẽ có 4 tuổi, tôi cũng thấy Ngài, nhưng không hề biết chi cả. Tôi còn nhớ được cha tôi dắt đi xem một cuộc biểu diễn đồ sộ huy hoàng, trong đó có một đoàn kỵ mã Ấn Độ mặc sắc phục rực rỡ. Đoàn kỵ mã oai nghi hùng dũng, cưỡi những con ngựa rất đẹp; lẽ tự nhiên tôi nhìn xem mê man, và cho rằng đoàn kỵ mã ấy là một đoàn biểu diễn đẹp nhất trong cuộc Hội Chợ huy hoàng đó. Trong khi tôi vừa nhìn đoàn kỵ mã đi qua, vừa nắm lấy bàn tay cha tôi, thì một người cao lớn trong sồ những vị anh hùng cưỡi ngựa đó nhìn tôi với cặp mắt đen láy và sáng ngời. Cái nhìn đó làm cho tôi vừa sợ hãi, nhưng đồng thời cũng vừa làm cho tôi cảm thấy một nguồn hạnh phúc tràn ngập không thể tả. Đoàn kỵ mã đi qua, tôi không thấy Người nữa, nhưng hình ảnh cái nhìn như chớp nhoáng đó luôn luôn trở lại với trí nhớ còn non nớt của tôi.

Tự nhiên, hồi đó tôi không biết Ngài là ai, và có lẽ tôi không bao giờ có thể nhận ra Ngài, nếu Ngài không nhắc lại việc đó với tôi nhiều năm về sau. Một ngày nọ nhân lúc nói chuyện trước mặt Ngài về những thuở ban đầu của Hội Thông Thiên Học, tôi tình cờ nói rằng lần đầu tiên tôi có cái diễm phúc được gặp Ngài trong thể xác, là trong dịp Ngài đến viếng bà Blavatsky ở Adyar, để giúp thêm sức và đưa cho bà một vài chỉ thị.Lúc ấy Ngài đang nói chuyện với vài vị Chân Sư khác, bèn day lại bên tôi một cách đột ngột và nói: "Không, đó không phải là lần đầu tiên. Con có nhớ chăng khi còn là một đứa trẻ nhỏ, con có xem đoàn kỵ mã Ấn cưỡi ngựa đi qua vườn Hyde Park, và lúc đó chính Ta đã để ý đến con?" Tôi sực nhớ ra ngay, và nói: "Bạch Sư Phụ, Người kỵ mã ấy là Sư Phụ hay sao? Lẽ ra con phải biết ngay từ khi đó," Tôi không nhắc đến việc này khi kể lại nhựng việc gặp gỡ Chân Sư trong xác phàm của Ngài vì hối đó tôi không biết rằng người kỵ mã ấy chính là đức Sư Phụ, và cũng bởi vì lời chứng minh của một đứa trẻ con có thể là không có giá trị bao nhiêu.

Một nhân vật khác cũng có cái phong độ đế vương là đức Bàn Cổ Chakshusha, vị Bàn Cổ của Giống Dân thứ 4. Ngài là người Trung Hoa, thuộc giai cấp rất quý phái. Ngài có lưỡng quyền cao như người Mông Cổ, và gương mặt có vẻ như một pho tượng tạc bằng ngà. Ngài thường mặc áo dài thêu chỉ vàng óng ánh rất đẹp. Theo lệ thường, chúng tôi không có tiếp xúc với Ngài trong công việc hằng ngày, trừ khi nào chúng tôi có dịp săn sóc một vị Đệ Tử thuộc về Giống Dân của Ngài.

CÁC CHÂN SƯ THUỘC CUNG THỨ 2

Đức Di-Lặc-Bồ-Tát (Maitreya), vị Chưởng Giáo của thế gian, và vị phụ tá chính của Ngài là đức Chân Sư Kuthumi có một đặc điểm trội nhất là toàn thân các Ngài tỏa ra một lòng Bác Ái vô biên bao trùm tất cả muôn loài. Hiện thời, Đức Di-Lặc-Bồ-Tát có cái xác thân thuộc về chủng tộc Celte, nhưng khi Ngài lâm phàm để dạy dỗ nhân loại trong tương lai gần đây như Ngài đã định, thì Ngài sẽ dùng một xác thân đã chuẩn bị sẵn của một trong các vị đệ tử của Ngài. Gương mặt Ngài có một vẻ đẹp phi thường, đầy nghị lực nhưng cũng không kém nét hòa nhã, tóc Ngài màu vàng đỏ xõa xuống vai; chòm râu dài như người trong bức tranh cổ. Cặp mắt Ngài màu tím rất đẹp, giống như hai cái bông nhỏ, sáng như sao, trong như mặt hồ phẳng lặng với một niềm an tịnh trường cửu. Nụ cười của Ngài thật hiền lành khôn tả; toàn thân Ngài tỏa ra một hào quang sáng chói, chiếu diệu một ánh sáng màu hồng rất đẹp, mà các đấng Cao Cả biểu hiện lóng bác ái vẫn thường có.

Ngài thường ngồi trên gian phòng chính của nhà Ngài trên dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn, có nhiều cửa sổ trổ ra vườn và dưới chân núi là miền đồng bằng bao la của xứ Ấn Độ. Ngài mặc áo dài trắng có nẹp vàng, thường dạo chơi trong vườn buổi chiều gió mát, giữa những khóm hoa tỏa ra trong không khí một mùi hương thơm dịu.

Ngài có cái cốt cách phi thường không thể tả, vì toàn thân Ngài toát ra một lòng bác ái bao la đem nguồn an ủi cho hằng triệu chúng sinh. Giọng nói của Ngài thốt ra những giáo lý đem lại sự bình yên cho cả Thiên Thần và

thế gian, và tình thương của Ngài sẽ được ban rải cùng khắp tất cả những nơi tối tăm đau khổ.

Mong rằng chúng ta hãy chuẩn bị để đón rước Ngài khi Ngài lâm phàm và để phụng sự Ngài với tấm lòng trung kiên và thành kính.

Đức Chân Sư Kuthumi hiện thân là một người Bà la Môn xứ Cachemire, nước da trắng như người Âu. Ngài cũng có mớ tóc xõa xuống vai, đôi mắt Ngài màu xanh, đầy vẻ an lạc và tình bác ái. Râu tóc Ngài màu nâu chiếu ánh vàng dưới ánh mặt trời. Gương mặt Ngài thật khó tả, thường hay đổi sắc thái khi Ngài mỉm cười; mũi thẳng, mắt lớn và xanh biếc. Cũng như đức Chưởng Giáo, Ngài là một nhà đạo sư và pháp sĩ, văn hiền thế kỷ trong tương lai, sẽ thừa kế đức Bồ Tát ở ngôi vị tối cao của Ngài. Ngài sẽ đảm nhiệm chức vụ đức Chưởng Giáo của thế gian, và trở nên vị Bồ Tát của Giống Dân thứ 6.

NHỮNG CHÂN SƯ THUỘC CÁC CUNG KHÁC

Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan) thuộc về Cung của nhà Chánh trị, nhà Tổ chức, mặc dầu Ngài cũng có nhiều đức tính của bậc quân nhân. Ngài có cái xác thân của người Ấn Độ, cao và hơi gầy, với nét mặt như tượng tạc trong đá, nhẵn nhụi không để râu. Gương mặt cứng rắn, cằm vuông, đầy nghị lực, cặp mắt sắc xảo như thấu rõ mọi sự. Ngài nói một cách vắn tắt như vị tướng quân ra lệnh. Ngài thường mặc áo dài theo kiểu Ấn Độ và bịt khăn trắng.

Đức Chân Sư Bá Tước St. Germain có nhiều điểm giống đức Văn Minh Đại Đế. Mặc dầu vóc mình Ngài không cao lớn , Ngài có tác phong của một vị quân nhân. Ngài có cái lễ độ và uy nghi của một vị lãnh chúa của thế kỷ 18; người ta nhận ngay ra rằng Ngài thuộc về một gia đình quý phái rất cổ xưa. Ngài có đôi mắt lớn màu nâu, chứa đầy vẻ dịu dàng hài hước, với ít nhiều nét uy quyền; và cái tác phong oai nghi của Ngài bắt buộc người ta phải vâng lời. Gương mặt Ngài nước da hơi sậm như màu trái ô liu; vừng tóc màu nâu của Ngài chia làm hai phần từ vầng trán trải ngược ra phía sau, bộ râu ngắn và dụm lại dưới cằm. Ngài thường mặc một bộ đồng phục màu sậm, buộc dâ vàng, và điều này làm nổi bật sự oai vệ sẵn có của Ngài. Ngài thường ở lại một tòa lâu đài cổ ở vùng Đông Âu, thuộc sở hữu của gia đình Ngài từ nhiều thế kỷ.

Đức Chân Sư Sérapis thân hình cao, nước da trắng. Ngài sinh trưởng ở xứ Hy Lạp, mặc dầu công việc của Ngài thuộc về địa phận xứ Ai Cập. Gương mặt Ngài rất nhã nhặn và có vẻ khắc khổ.

Đức Chân Sư Vénitien có lẽ là vị khôi ngô tuấn tú nhất tất cà các Đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội. Ngài có vóc vạc rất cao, một chòm râu dài và tóc ánh vàng như của đức Bàn Cổ, cặp mắt xanh. Mặc dầu Ngài sinh trưởng ở thành phố Venise gia đình Ngài có giòng máu gothique trong huyết quản.

Đức Chân Sư Hilarion là người Hy Lạp. Ngài có một vừng trán thấp và rộng, giống như pho tượng Hermès của Praxitèles. Ngài cũng rất khôi ngô, và có vẻ trẻ hơn phần nhiều các vị Chân Sư khác.

Đức Chân Sư Jésus hiện nay có cái xác thân người Syrie. Ngài có nước da sậm, đôi mắt đen và râu đen của người Ả Rập, thường mặc áo rộng và bịt khăn trắng. Ngài là Đức Thầy của những người sùng tín, đặc điểm của Ngài là sự thanh khiết và sùng tín vô biên, không hề có sự gì làm chướng ngại. Ngài sống trong bộ lạc Druises ở núi Liban.

Có hai vị Chân Sư mà chúng tôi được gặp, hơi khác về hình dáng bề ngoài với những đấng Cao cả khác. Một trong hai vị ấy là đức Chân Sư Agastya, có nhiệm vụ coi sóc về phần tiến hóa tinh thần của xứ Ấn Độ. Đại Tá Olcott có viết về Ngài nhiều lần; Ngài chính là vị Chân Sư đã được mệnh danh là Jupiter trong quyển sách: “Con người, từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” Ngài có hình dáng thấp hơn phần nhiều các vị Chân Sư khác trong Quần Tiên Hội, và là vị duy nhất, mà tôi nhận thấy tóc đã điểm bạc. Ngài có vẻ quắc thước, và đi đứng mau lẹ, mau mắn như một quân nhân. Ngài là một địa chủ có nhiều đất ruộng; trong một dịp khi tôi và Đại Đức T.Subba Rao đến viếng Ngài, tôi thấy Ngài nhiều lần bàn tính công việc với những kẻ bộ hạ, hình như là những tá điền, đến phúc trình công việc và nhận chỉ thị của Ngài. Còn vị thứ hai là Chân Sư Djwal Kul, Ngài vẫn còn mang cái xác phàm cũ trong đó Ngài đạt quả vị Chơn Tiên (Asekha) cách đây không bao lâu. Ngài có gương mặt của người Tây Tạng, với lưỡng quyền cao, và đã có những nét biểu lộ sự già nua.

Đôi khi một vị Chơn Tiên muốn có một xác thân để dùng tạm thời giữa cảnh náo nhiệt của thế gian vì một mục đích đặc biệt. Đó sẽ là trường hợp khi đức Chưởng Giáo lâm phàm, và chúng tôi được cho biết rằng khi đó nhiều vị Chân Sư khác có thể xuất hiện để làm những vị Phụ tá, trợ giúp Ngài trong công việc giúp đỡ nhân loại.

Phần nhiều những vị Chân Sư đó sẽ noi theo gương của đức Chưởng Giáo và sẽ dùng tạm xác thân của những vị Đệ Tử, và như thế, một số những xác thân đó cần phải được chuẩn bị sẵn cho các Ngài sử dụng. Đôi khi các sinh viên Huyền Môn đặt câu hỏi rằng vì các Chân Sư đã có mang xác phàm, thì tại sao các Ngài lại còn cần dùng những xác phàm khác trong dịp này.

NHỮNG THỂ XÁC KIỆN TOÀN

Những đấng Cao Cả sau khi đạt quả vị Chơn Tiên, chọn lựa con đường ở lại thế gian để trức tiếp giúp đỡ sự tiến hóa của Nhân loại, nhận thấy cần giữ lại xác phàm để tiện lợi cho công việc của các Ngài. Để cho thích ứng với mục đích phụng sự của Chân Sư, những xác phàm đó phải là một loại đặc biệt khác thường. Không những chúng phải tuyệt đối lành mạnh về sức khỏe, mà còn phải hoàn toàn biểu lộ chơn nhơn trên một mực tối đa mà nó có thể biểu lộ dưới thế gian.

Sự cấu tạo một xác thân như thế không phải là chuyện dễ dàng. Khi linh hồn của một người thường chuyển tiếp đầu thai vào cái xác thân mới của một hài nhi, thì y nhận thấy xác thân này chịu ảnh hưởng của một vong linh giả tạo do nghiệp quả của y gây ra. Vong linh đó bận rộn tạo nên cái hình hài của xác thân sẽ sinh ra trên thế gian, và sau khi sinh ra, nó còn tiếp tục sự nhồi nắn hình hài đó cho đến khi xác thân đứa trẻ được 6 hay 7 tuổi. Trong thời kỳ đó, linh hồn lần lần tiếp xúc chặt chẽ hơn với những thể mới của nó, tức là những thể Trí, thể Vía và thể Xác, và trở nên quen thuộc với những Thể này. Nhưng trong nhiều trường hợp, linh hồn không có ảnh hưởng bao nhiêu đối với những Thể mới, trước khi cái vong inh giả tạo rút lui. Linh hồn tự nhiên là có liên lạc với Thể Xác, nhưng thường chỉ chú ý rất ít đến Thể Xác đó, và chớ đến khi nào Thể Xác này đến thời kỳ khả dĩ đáp lại những cố gắng của nó.

Trường hợp của một vị Chơn Tiên thì khác hẳn. Vì một đấng Chơn Tiên không còn phải trả nghiệp quả xấu, nên không có vong linh giả tạo nào hoạt động: Chơn nhơn tức Linh Hồn của Ngài tự lãnh phần trách nhiệm coi sóc sự phát triển của Thể Xác ngay từ lúc đầu, và chỉ bị hạn chế bởi huyết thống di truyền của Thể Xác ấy mà thôi. Điều này giúp cho việc cấu tạo nên một Thể Xác tinh anh và tế nhị hơn nhiều, nhưng cũng gây thêm sự khó khăn cho Chơn nhơn và làm tiêu hao rất nhiều thời giờ và nghị lực của nó trong nhiều năm. Vì lẽ đó, và cũng vì những lý do khác nữa, mà một vị Chơn Tiên không muốn tái diễn cái công trình khó nhọc này ngoài sự tối cần thiết, và bởi đó ngài làm cho Thể Xác của Ngài kéo dài sự sống của nó càng lâu càng hay. Những Thể Xác của chúng ta trở nên già nua và chết đi vì nhiều lý do khác nhau, như sự yếu đuối di truyền từ cha mẹ, bệnh tật , tai nạn,sự vô tiết độ, sự ưu phiền và làm việc quá sức. Nhưng trong trường hợp của một vị Chơn Tiên thì những nguyên nhân kể trên đều hoàn toàn không có, và ta nên nhớ rằng Thể Xác của Ngài có sức hoạt động và sức chịu đựng dẻo dai nhiều hơn bội phần của người thường.

Xét vì Thể Xác của các vị Chơn Tiên có những đặc tính như đã kể trên, nên các Ngài thường có thể duy trì Thể Xác ấy và sống lâu ơn người thường rất nhiều. Vì lẽ đó, xác phàm của các Ngài thường có một tuổi tác lớn hơn rất nhiều mặc dầu hình dáng bề ngoài xem có vẻ trẻ trung, lâu già. Thí dụ như đức Chân Sư Morya có cái hình dáng của một người vào độ 35 đến 40 tuổi: nhưng theo những chuyện mà các vị đệ tử thuật lại về cuộc đời của các Ngài, thì tuổi Ngài có lẽ lớn hơn gấp bốn hay năm lần như thế, và chính bà Blavatsky đã nói rằng khi bà thấy Ngài lần đầu tiên hồi bà còn nhỏ, thì Ngài vẫn có cái dung mạo giống y hệt như bây giờ.

Đức Chân Sư Kuthumi cũng có vẻ đồng một lứa tuổi với bạn Ngài là Chân Sư Morya: nhưng người ta nói rằng Ngài có thi lấy một bằng cấp Đại Học ở Âu Châu vào khoảng giữa thế kỷ trước, như vậy chắc chắn là Ngài đã hơn một trăm tuổi. Hiện thời chúng ta không thể biết các Ngài có thể kéo dài sự sống của xác phàm đến một giai đoạn tuổi là bao nhiêu, mặc dầu có những bằng chứng chỉ rằng các Ngài có thể sống lâu hơn gấp đôi số tuổi trung bình 70 của một kiếp người.

Một Thể Xác được cấu tạo bằng cách đó để dùng làm công việc của cõi trên, tất nhiên là rất nhạy cảm, và bởi lẽ đó, nó cần được săn sóc cẩn thận chu đáo nếu muốn cho nó luôn luôn khỏe mạnh. Thể Xác ấy có thể hư hoại như xác phàm của chúng ta, nếu nó phải chịu bao nhiêu va chạm phũ phàng, và những sự rung động nặng nề xấu xa của thế gian. Bởi lẽ đó, các đấng Cao Cả thường hay sống cuộc đời ẩn dật, và ít khi xuất hiện nơi chốn phiền ba náo nhiệt của đời sống hằng ngày. Nếu các Ngài xuất hiện trong những Thể Xác như thế giữa sự tọc mạch hiếu kỳ và những cảm xúc mãnh liệt của người đời, là những điều rất có thể xảy ra khi đức Chưởng Giáo lâm phàm, thì chắc chắn là những thể xác đó sẽ bị tàn tạ rất mau chóng, và cũng vì bởi chúng rất vô cùng nhạy cảm, nên có thể chịu nhiều sự đau đớn vô ích.

MƯỢN THỂ XÁC

Bằng cách mượn tạm Thể Xác của một vị đệ tử, đức Chân Sư tránh được những điều bất tiện kể trên, và đồng thời giúp thêm một cái đà rất mạnh cho sự tiến hóa của vị Đệ tử. Ngài chỉ dùng thể xác ấy khi cần dùng, hoặc để thuyết pháp, hoặc để ban một nguồn ân huệ đặc biệt; và khi Ngài đã làm xong điều Ngài muốn, thì Ngài rời khỏi thể xác ấy. Khi đó thì vị đệ tử nhập trở lại vào thể xác của mình, và Chân Sư cũng nhập vào Thể Xác của Ngài để tiếp tục công việc giúp đỡ thế gian. Bằng cách đó, công việc thường nhựt của Ngài sẽ không bị ảnh hưởng bao nhiêu; tuy nhiên, luôn luôn Ngài có sẵn dưới tay một thể xác mà Ngài có thể tạm dùng để hợp tác khi cần, trong công việc của đức Chưởng Giáo trên thế gian.

Chúng ta có thể tưởng tượng điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngưới Đệ tử, khi vị này được cái vinh dự lớn lao là đưa thể xác của mình cho Chân Sư dùng tạm. Một cơ hội to tát như thế thật là một sự giúp đỡ cho người Đệ tử chớ không phải một điều bất lợi; và trong khi thể xác của y được sử dụng, vị Đệ tử có cái diễm phúc được thấm nhuần luồng từ điển thiêng liêng của đức Chân Sư. Y phải túc trực sẵn sàng một bên để trở về cái xác phàm của mình sau khi Chân Sư đã dùng xong.

Phương pháp mượn tạm một thể xác thích nghi luôn luôn được các Chân Sư áp dụng khi các Ngài thấy cần xuất hiện dưới thế gian trong tình trạng hiện thời. Đức Phật Thích Ca đã dùng phương pháp ấy khi Ngài xuất thế để đạt quả vị Phật, và đức Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) cũng vậy, khi Ngài đến viếng xứ Palestine cách đây 2000 năm. Một trường hợp ngoại lệ duy nhất mà tôi được biết là khi một vị Bố Tát kế nghiệp chức vụ một đức Chưởng Giáo sau khi vị này đã thành Phật, thì trong dịp xuất hiện lần đầu tiên dưới thế gian với chức vụ đó, Ngài đầu thai và sinh ra như một đứa hài nhi, theo phương pháp thai sinh thông thường. Đó chính là trường hợp của vị đương kim Bồ Tát, khi Ngài chuyển kiếp làm Shri Krishna ở vùng đồng bằng Ấn Độ, và được người Ấn tôn thờ với một lòng sùng tín mãnh liệt vô song trên thế gian.

Người ta không nên lầm lộn việc dùng tạm thể xác của một vị đệ tử với việc sử dụng vĩnh viễn một thể xác được chuẩn bị sẵn cho một nhân vật tiến hóa cao. Các vị đệ tử của bà Blavatsky, nhà sáng lập Hội Thông Thiên Học chúng ta, tin rằng sau khi bà từ trần, bà liền nhập vào thể xác của một người khác vừa bỏ trống. Tôi không được biết rõ cái thể xác đó có được chuẩn bị cho bà dùng hay không, nhưng có những trường hợp khác nó được chuẩn bị sẵn. Trong những trường hợp này, luôn luôn có ít nhiều sự khó khăn là làm sao cho thể xác hòa hợp thích ứng với nhu cầu và tánh chất của người sử dụng nó; và rất có thể sự hòa hợp đó không bao giờ được hoàn toàn. Linh hồn sắp sửa trở xuống thế gian được chọn lựa trong hai điều; một là: dành rất nhiều thời giờ và công lao để trông nom sự cấu tạo một thể xác mới, thể xác này sẽ là một sự biểu lộ hoàn toàn con người thật của y ở cõi hồng trần; và hai là: tránh được tất cả sự phiền phức đó bằng cách nhập vào thể xác có sẵn của một người khác. Phương pháp này sẽ giúp cho y có được một thể xác khá tốt để dùng vào mọi mục đích thông thường, nhưng nó sẽ không bao giờ thi hành một cách hoàn toàn đủ mọi phương diện những điều mà y mong muốn. Trong mọi trường hợp, một vị Đệ tử tự nhiên ước muốn có cái hân hạnh giao thể xác của mình cho Chân Sư dùng tạm, nhưng thật ra ít có những thể xác được hoàn toàn tinh khiết để được sử dụng như thế.

Một câu hỏi thường được nêu ra, là tại sao một vị Chân Sư, mà công việc hầu như hoàn toàn thuộc về các cõi trên, lại cần dùng một thể xác phàm trần? Việc này thật ra không phải là việc của chúng ta can dự vào, nhưng nếu bàn về điều này không phải là phạm thượng và bất kính, thì có nhiều lý do được đưa ra. Đức Chân Sư phí nhiều thì giờ của Ngài để ban rải những nguồn ân huệ cho thế gian. Mặc dầu những nguồn ân huệ này thường được phát ra từ cõi Thượng Thiên hay từ cõi trên nữa, đôi khi Ngài cũng rải những nguồn thần lực thuộc về chất dĩ thái hồng trần. Bởi đó, viêc sử dụng một xác phàm tất nhiên là một điều tiện lợi. Phần nhiều các Chân Sư mà tôi đã thấy ở cõi phàm trần đều có vài đệ tử hoặc thinh văn cùng sống chung, hoặc ở gần các Ngài; do đó việc sở hữu một xác phàm có thể là một điều hữu ích cho các Chân Sư dùng để tiếp xúc với họ. Dầu sao, ta có thể tin chắc rằng khi một vị Chân Sư quyết định dùng một thể xác hồng trần thì hẳn là Ngài có một lý do chánh đáng. Chúng tôi cũng được hiểu biết ít nhiều về những phương pháp làm việc của các Ngài để có thể quả quyết rằng các Ngài làm tất cả mọi việc với mục đích thu hoạch kết quả tối đa, bằng những phương tiện làm tiêu hao sinh lực một cách tối thiểu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh