Quyền Năng Tư Tưởng: Chương 4

QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG: CHƯƠNG 4

NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG

Ngoại trừ giới tâm lý học, không mấy người chịu để tâm tìm hiểu vấn đề do nguồn gốc nào có tư tưởng, hay tư tưởng từ đâu đến ? Vừa xuống cõi trần chúng ta phải mang theo nhiều ý niệm đã có sẵn. Những ý niệm mà chúng ta phải mang theo khi vừa mở mắt chào đời gọi là “Tiên thiên quan niệm”. Ðó là những nghiệp quả cô đúc hay rút ngắn lại do những tư tưởng, hành vi, kinh nghiệm của chúng ta tạo ra từ kiếp trước và phải mang theo trong kiếp này. Hiện nay, chúng ta đang hưởng hay đang trả những nghiệp quả tiền khiên ấy.

Các tâm lý gia không thể quan sát trực tiếp mà hiểu được nguồn gốc tư tưởng. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn ấy có thể hiểu được chút ít trong khi quan sát một em bé. Như lúc sơ sinh, xác thân hài nhi phải trải qua một thời kỳ phát triển vật chất mau lẹ trong khi còn là một bào thai, cũng như thể trí mới phải vượt qua mau chóng những giai đoạn tiến triển lâu dài của tiền kiếp. Thật ra, “thể trí” không khi nào giống “tư tưởng”, dù khi nghiên cứu chính thể trí mới, chúng ta cũng chưa tìm được “nguồn gốc tư tưởng”. Ðiều ấy có lẽ đúng hơn nếu chúng ta xét thấy rất ít người có thể nghiên cứu trực tiếp về thể trí song họ có thể gián tiếp quan sát hành vi tạo tác của xác thân bằng trí óc và thần kinh hệ. “Tư tưởng” khác biệt thể trí và xác thân, vì tư tưởng thuộc về tâm thức và sự sống, còn thể trí và xác thân thì thuộc về hình thể và vật chất, cả thảy đều là khí thể trung gian, những phương tiện để dùng tạm nơi cõi trần.

Nơi Chương Hai, chúng tôi có giải thích sự khác biệt giữa Bản ngã và cái Trí, vậy học giả nên nhớ kỹ sự khác biệt này: Bản ngã thì hiểu biết còn cái Trí là cơ năng dùng tiếp nhận sự hiểu biết - và cũng đã định nghĩa: trí thức là thể trí và manas phối hợp lại.

Vả lại, chúng ta còn có thể nghiên cứu những ảnh hưởng của tư tưởng trên các thể mới, để suy luận cho tương hợp với khái niệm liên quan về nguồn gốc tư tưởng khi Bản ngã tiếp xúc lần đầu tiên với Vô ngã Vũ trụ. Sự quan sát này giúp chúng ta căn cứ theo lý đương nhiên “Thiên Ðịa tương đồng”. Vạn vật trên cõi trần đều là phản ảnh và khi nghiên cứu những phản ảnh, chúng ta có thể hiểu biết được các nguyên nhân tạo thành vạn vật.

Quan sát kỹ một đứa trẻ, ta thấy rằng cảm giác có trước trí khôn tức là những nỗi cảm kích vui và khổ, nhưng đầu tiên là khổ, nghĩa là những cảm giác mơ hồ có trước sự nhận biết xác thực. Trong lúc thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, sự sống bào thai nhờ sinh lực người mẹ truyền sang, nhưng vừa lọt lòng mẹ, hài nhi không thể nhờ sinh lực của người mẹ nữa. Sự sống của hài nhi lìa sinh lực người mẹ chưa được thay thế liền. Tuy nhiên, khi thiếu sinh lực, tự nhiên nó thấy cần thiết và khi cảm thấy cần là thấy khổ. Khi nhu cầu của đứa trẻ được thỏa mãn, thì nó vui vẻ và trở lại trạng thái vô ý thức. Lần lần sự nghe thấy gợi cảm giác đứa trẻ, song vẫn chưa có dấu gì là hiểu biết. Trẻ thơ bắt đầu mở trí khôn hiểu biết là khi nó thấy và nghe được tiếng nói của người mẹ hoặc nhũ mẫu có liên quan đến sự ân cần cho nó bú đầy đủ khi nó khát sữa. Nhờ vậy, mới có sự liên lạc trong trí nhớ hoặc do trí nhớ của ít nhiều cảm giác phát khởi cùng chung một cảnh vật bên ngoài, ngoại cảnh này khác hẳn cảm giác, nhưng được xem như nguyên nhân phát khởi cảm giác. Tư tưởng là sự nhận thức mối liên quan giữa nhiều cảm giác và là cái một, cái duy nhất nối chúng với nhau. Ðó là sự biểu lộ đầu tiên của trí khôn và cũng là tư tưởng trước nhất - từ chuyên môn gọi là “tri giác”. Trong đoạn trên, chúng tôi đã có nói: cốt yếu của tri giác là thiết lập mối liên kết giữa Jiva ( đơn nhất của tâm thức) với đối tượng. Bởi vậy, nơi nào có mối liên kết là có tư tưởng, tức là có sự hiểu biết.

Ðiều này dễ kiểm soát và có thể dùng làm thí dụ tổng quát để chứng minh nguồn gốc tư tưởng trong một Bản ngã riêng biệt, gọi là Biệt ngã. Ðó là bộ ba Bản ngã bị một lớp vật chất rất tinh vi bao bọc trong một Bản ngã (cá thể), khác hẳn với Chơn ngã. Trong Biệt ngã này, cảm giác có trước tư tưởng. Sự chủ ý của Bản ngã được khêu gợi khi có một ấn tượng kích thích và nó đáp ứng bằng một cảm giác. Một đứa bé thấy thiếu sinh lực như khát sữa, có cảm giác phải khóc để đòi hỏi chớ không biết suy nghĩ, nhưng khi được no nê thì nó nín khóc. Và cứ như thế mãi cho tới khi đứa trẻ bắt đầu tập tễnh tiếp xúc với ngoại cảnh một cách lờ mờ, rồi lần lần do cảm xúc bên ngoài, đứa trẻ có xu hướng theo ngoại cảnh. Nhờ dinh dưỡng đầy đủ đứa trẻ khỏe mạnh và chóng lớn, nó bắt đầu suy nghĩ đến cảnh tượng làm cho nó có cảm giác - mặc dù rất yếu ớt. Sự sửa đổi không ngừng trong thể trí của đứa trẻ kích thích Bản ngã nó tiến lần đến trình độ hiểu biết để có thể rung động đồng nhịp. Ðứa trẻ cảm biết cần phải bồng ẵm và thích được vuốt ve mơn trớn. Khi thấy có người tới gần nó, mắt và miệng của nó cảm giác lẫn lộn một lượt. Nó có ba đặc tính cố hữu liên kết với nhau: nhu cầu, tiếp xúc và thỏa mãn. Sự liên kết này tạo thành ý tưởng. Nếu Bản ngã không cảm ứng động tác nào cả thì không có tư tưởng vì chính Bản ngã nhận thức chớ không ai khác.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Tri giác này làm cho đứa trẻ biết ham muốn, có ý thức hơn, sự đòi hỏi trước kia do bản năng thúc đẩy không ý định, bây giờ trở thành sự ham muốn hướng về một việc gì có chủ định - như muốn uống sữa. Tuy nhiên, sự nhận thức ấy cần phải sửa đổi, vì Bản ngã hiểu biết liên kết ba đặc tính nhưng đã đến lúc một trong ba đặc tính ấy là nhu cầu phải được tách riêng ra. Ðiều này rất có ý nghĩa là khi đứa bé thấy người nào cho nó bú thì nó biết đòi. Ðó là nó tiến đến giai đoạn đầu, vì Bản ngã hiểu biết khêu gợi cho nó nhận được hình ảnh người đến gần nó. Dù đứa bé không khát sữa nhưng khi trông thấy mẹ nó, thì nó khóc lên để đòi vú mẹ, về sau, trẻ lớn khôn thì không còn khóc để đòi vú nữa, trái lại, nó thích gần gũi và trìu mến mẹ nó nhiều hơn. Sự trìu mến của trẻ con đối với người mẹ trở thành một kích động mới cho tư tưởng.

MỐI LIÊN QUAN GIỮA CẢM GIÁC VÀ TƯ TƯỞNG

Nhiều sách tâm lý học Ðông và Tây phương xác nhận rằng tất cả tư tưởng đều căn cứ nơi cảm giác, một số lớn các cảm giác được súc tích nhưng không tạo được tư tưởng.

Bà H. P. Blavatsky viết: “Như chúng ta đã biết tư tưởng có thể phân tích bằng những trạng thái của tâm thức thay đổi tùy theo thời gian tính, cường độ, sự phức tạp, v.v... nhưng chung qui tất cả đều căn cứ trên cảm giác”. Vài tâm lý gia đi xa hơn, cho rằng chẳng những cảm giác là nguyên liệu dùng kiến tạo tư tưởng mà còn tạo nên tư tưởng nữa, như vậy có nghĩa không chấp nhận có Người suy tưởng và cũng phủ nhận Bản ngã hiểu biết. Phái đối lập cực đoan thì xem tư tưởng như kết quả do ý niệm của bản thân phát khởi từ nội tâm, chớ không do ngoại cảnh, còn cảm giác là nguyên liệu để Bản ngã sử dụng theo đặc tính tự nhiên, chớ Bản ngã không do hành động theo điều kiện nào cả.

Một đàng cho rằng tư tưởng do cảm giác phát sinh, đàng khác bảo rằng tư tưởng do Bản ngã sáng tạo. Theo kiến giải của hai đàng thì đàng nào cũng chỉ chứa đựng một phần chân lý, còn đúng chân lý, lại ở giữa hai quan điểm đó. Cần phải khêu gợi Bản ngã để cảm giác nương theo đó mà hành động ở ngoại cảnh, và nếu tư tưởng đầu tiên phát khởi là do hậu quả của cảm giác thúc đẩy thì cần phải có cảm giác từ trước, nhưng nếu Bản ngã không có khả năng cố hữu liên kết sự vật lại với nhau và nếu Bản ngã không có tính hiểu biết phân biệt, dù cảm giác luôn luôn trụ vào Bản ngã, thì cũng không phát sinh một tư tưởng nào cả. Vậy khi nói tư tưởng phát nguồn từ cảm giác thì chỉ đúng phân nửa chân lý. Thật ra phải tạo cho cảm giác một cơ cấu vững chắc thiết lập mối liên quan giữa cảm giác với cảm giác, giữa cảm giác với Bản ngã, và liên kết chặt chẽ giữa cảm giác và Bản ngã với ngoại cảnh. Cũng như Người tưởng nghĩ là cha, cảm giác là mẹ, còn tư tưởng là con vậy.

Nếu tư tưởng phát nguồn từ cảm giác, mà sở dĩ những cảm giác ấy phát sinh là do sự tiếp xúc với ngoại cảnh và điều tối quan trọng là khi cảm giác phát khởi, các đặc tính và sự bành trướng của cảm giác phải được xem xét cho xác đáng. Phận sự đầu tiên của Người hiểu biết là quan sát, nếu không có gì để quan sát thì nó luôn luôn bất động, nhưng khi đối tượng phát hiện, Bản ngã tiếp xúc đối tượng với tư cách Người hiểu biết thì nó chủ ý xem xét phân biệt. Sở dĩ có sự quan sát đúng là do tư tưởng của Bản ngã hiểu biết tập trung một số lớn quan sát tương tự ấy lại. Nếu Bản ngã hiểu biết quan sát không đúng, và nếu có sự sai lầm giữa chủ thể hiểu biết và đối tượng để hiểu biết thì sau này những hành động sai lầm ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu sự sai lầm khác nữa, vô phương sửa đổi, trừ phi bắt đầu làm lại tất cả.

Giờ đây, chúng ta hãy xem xét cái then chốt của cảm giác và tri giác trong một trường hợp đặc biệt. Giả sử bàn tay ta va chạm nhẹ vào vật gì, ta có cảm giác bị đụng chạm. Sự nhận biết sự vật bằng xúc giác đã tạo ra cảm giác một ý tưởng. Khi ta cảm thấy bị đụng nhẹ, là ta chỉ cảm giác suông mà thôi. Nhưng nếu khi ta thấy đối tượng mà sinh ra tình cảm, thì tri giác là một tư tưởng. Còn về phần Người hiểu biết, nơi đây tri giác có nghĩa là ta nhìn nhận hiện đang có một mối liên quan giữa ta với đối tượng, và đối tượng tạo cho ta một cảm giác. Tuy nhiên, không phải tất cả sự kiện này xảy ra đều như thế cả. Bởi lẽ, ngoài ra ta còn nhận thấy nhiều cảm giác về màu sắc, hình dáng, êm dịu, ấm áp, kết cấu. Những cảm giác đó, ta nhận thấy với tư cách Người hiểu biết, do sự trợ giúp của các kỷ niệm và ấn tượng mà ta đã ghi nhận từ trước - nghĩa là ta so sánh sự vật cũ với sự vật mới mà ta cảm xúc - thì ta mới phân định được tính chất của đối tượng.

Việc hiểu biết sự vật này đem lại cho ta một tình cảm đã chứa sẵn mầm mống tư tưởng. Theo ngôn ngữ siêu hình: Khi nhận thức được Vô ngã như là nguyên nhân của vài cảm giác trong Bản ngã, thì ta bắt đầu hiểu biết. Cảm giác một mình là cảm giác suông, điều này thường xảy ra, không đủ sức làm cho ta nhận thức được Vô ngã, mà chỉ khêu gợi sự vui buồn trong Bản ngã, là sự nở rộng hay co thắt lại trong tâm hồn.

Nếu người nào chỉ biết cảm giác suông thì không tiến hóa cao được. Khi chúng ta thấy đối tượng mà sinh tình cảm, đó là ta hiểu biết được đối tượng mang lại cho ta sự vui hay sự buồn, là ta bắt đầu mở trí khôn. Mối liên kết chặt chẽ có ý thức giữa Bản ngã và Vô ngã là nền tảng cho mọi tiến hóa sau này, và một phần lớn sự tiến hóa ấy làm cho mối liên kết của Người hiểu biết ngày càng trở nên rõ ràng và chắc chắn thêm. Khi tâm thức vọng động, Người hiểu biết liền tiếp xúc với ngoại cảnh thấy đối tượng sinh ra tình cảm vui hay khổ, rồi ngoảnh lại thế gian mà nói: “Ðối tượng ấy làm tôi vui, đối tượng ấy làm tôi khổ.”

Cần phải có nhiều kinh nghiệm về cảm giác trước, rồi sau này Bản ngã mới đáp ứng lại với ngoại cảnh. Do lòng ước ao muốn hưởng lạc thú lập lại làm Bản ngã phải lần dò trong tối tăm để tìm cho được thú vui. Và đấy là một thí dụ rất hay về sự kiện đã kể trên để chứng minh không có sự việc nào gọi là cảm giác thuần túy hay tư tưởng thuần túy, bởi vì “sự mong mỏi thú vui được tái diễn” hàm súc ý nghĩa rằng hình ảnh lạc thú vẫn luôn luôn còn tiêm nhiễm trong tâm thức, dù cho hình ảnh ấy có yếu ớt chăng nữa, thì đó cũng là công việc của ý niệm thuộc phạm vi tư tưởng. Phải mất một thời gian lâu, Bản ngã mới tỉnh thức được phân nửa song còn buông trôi từ sự vật này đến sự vật khác, rồi ngẩu nhiên va chạm nhằm Vô ngã chớ không do tâm thức hướng dẫn, Bản ngã cảm biết vui khổ, nhưng không rõ tại sao vui và tại sao khổ. Sau khi trải qua một thời gian lâu trong tình trạng như vậy, Bản ngã mới nhận thức được sự vui khổ và từ đây bắt đầu thiết lập mối liên kết giữa Người hiểu biết và Vật được biết.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh