Quyền Năng Tư Tưởng: Chương 5

QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG: CHƯƠNG 5

BẢN TÍNH CỦA TRÍ NHỚ

Khi chúng ta được vui thích với đối tượng nào thì tâm lại khởi ý niệm muốn gặp lại đối tượng đó nữa để vui thêm. Hoặc có đối tượng nào làm chúng ta đau khổ mà muốn xa lìa đối tượng ấy thì thể trí cũng tái tạo những hình ảnh đối tượng đó trở lại chúng ta nữa. Vì theo định luật chung, năng lực di chuyển theo chiều hướng ít trở ngại để vật chất thể trí tiện việc chọn lựa theo sở thích với hình thức thường dùng, chờ khi năng lực mới này hoạt động, thì nó tạo lại những sự rung động đã phát khởi từ trước. Khuynh hướng này do Tamas (tịnh chất) là mầm mống của trí nhớ và cũng là chủng tử của Ký ức. Các phân tử vật chất của thể trí kết tụ, rồi phân tán lần lần khi gặp năng lực khác xung kích, tuy nhiên chúng vẫn giữ được khuynh hướng kết tụ với nhau trong một thời gian lâu. Nhưng nếu các phân tử ấy gặp sự kích động giống như lần trước, chúng liền trở về vị trí cũ. Hơn nữa, khi Người hiểu biết rung động theo đường lối riêng biệt thì năng lực rung động ấy vẫn tồn tại trong Người hiểu biết chớ không mất, và sự ham muốn được gần gũi với cảnh vui, xa lánh cảnh buồn được Người hiểu biết phóng năng lực rung động ra ngoại cảnh để kích động sự vui buồn theo nhu cầu của thể trí.

Người hiểu biết thâu nhận và phát xuất được hình ảnh là do hai nguyên nhân:

1- Sự vui thích hấp dẫn tái tạo nên hình ảnh vui thích.

2- Sự đau khổ vì ganh tị cũng tạo ra hình ảnh đau khổ.

Do kinh nghiệm, sự vui và sự buồn hổn hợp lại thành một loạt rung động tạo nên hình ảnh đối tượng, rồi sự vui thích hay đau buồn đồng tái hiện lại, làm ta cảm giác được sự vui hay buồn ấy thêm một lần nữa, nhưng lần sau này không có đối tượng trước mắt. Vì đó chỉ là trí nhớ dưới hình thức đơn giản nhất, là sự rung động sẵn có tự nhiên và đồng bản chất với sự rung động đã gây nên nỗi vui hay buồn, hầu khêu gợi mối thiện cảm hay ác cảm. Ðối với Người hiểu biết, hình ảnh ấy lu mờ, ít rõ ràng, ít sống động hơn những hình ảnh đã tiếp xúc thẳng với ngoại cảnh. Tuy nhiên, sự rung động nặng nề của vật chất giúp nhiều năng lực cho những hình ảnh của ý tưởng và dục vọng, thật ra các rung động đều giống hệt nhau và ký ức chỉ là sự tái tạo trong vật chất trí tuệ những đối tượng do Người hiểu biết trước kia đã cảm nhiễm. Hình ảnh này có thể và đang được tái diễn nhiều lần trong vật chất rất tinh vi, ngoài sự nhận thức của Người hiểu biết riêng biệt, tất cả những hình ảnh tái tạo ấy đều gom lại và làm ra một thành phần nhỏ mọn của ký ức Ðức Thượng Ðế, Chủ tể Vũ trụ. Bất cứ Người hiểu biết nào cũng có thể thâu tiếp các hình ảnh của những hình ảnh ấy miễn là Người hiểu biết có đủ “năng lực rung động” như được kể ở trên. Cũng giống đài phát thanh truyền tin tức trên băng tần 1000 chu kỳ, thì các máy thu thanh còn tốt, bắt đúng tần số đó đều nghe được tin tức của đài. Như thế, năng lực rung động tiềm tàng trong Người hiểu biết có thể hoạt động do một sự rung động tương tự trong những hình ảnh vũ trụ. Hình ảnh ấy được tái tạo đầy đủ chi tiết về hình tướng và âm thanh trong cảnh Akasha tức là cõi Thái hư mà giới Thông Thiên Học thường gọi là Thái hư ký ảnh hay là Tiên thiên ký ảnh, nghĩa là hình ảnh ghi trên không gian.

KÉM TRÍ NHỚ

Nếu muốn hiểu tại sao chúng ta “kém trí nhớ”, chúng ta phải xét qua những quá trình của trí não, vì rất cần thiết cho sự phát sinh trí nhớ. Nhiều sách tâm lý học cho rằng ký ức như là quan năng đặc biệt của trí não. Thật ra sự nhớ dai một hình ảnh trong trí óc không do quan năng đặc biệt nào cả, mà do phẩm chất chung của cái trí. Hễ trí nhu nhược thì mau quên - tỉ như một chất lỏng đổ vào khuôn nào thì nó theo hình thức của khuôn ấy, nhưng khi tách rời khỏi khuôn, chất lỏng không còn ở y như hình thức của khuôn ấy nữa - thể trí nào kém tổ chức thì hợp chất của phân tử ở thể trí rời rạc và tản mác như một vầng mây thưa thớt, như thế trí nhớ sẽ rất kém cỏi. Tuy nhiên, kém trí nhớ là sự thông thường của người đời, không đáng phiền ngại, vì chúng ta hiện nay đang sống trong giai đoạn chưa tiến hóa cao, thì ai nấy cũng đều kém trí nhớ cả.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Khi những năng lực của Jiva hoạt động trong thể trí và có tổ chức trật tự, chúng ta cũng còn thấy cái mà chúng ta gọi là “kém trí nhớ”, nhưng nếu xét kỹ, chúng ta thấy rằng không phải phương diện nào chúng ta cũng đều kém trí nhớ cả. Dĩ nhiên, có vài việc dù ta không mấy để ý, nhưng cũng có thể nhớ được rõ ràng và chắc chắn nữa. Nếu chịu khó xét lại các sự kiện ấy, ta thấy rằng những việc mà ta nhớ dai thảy đều kích động tâm trí của ta nhiều nhất. Tóm lại, phàm những gì làm chúng ta ưa thích hoặc đau khổ thái quá thì càng làm cho chúng ta nhớ dai.

Tôi biết một bà thường phàn nàn về tánh mau quên của bà trong việc học hành. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có nhiều việc bà ta nhớ rất giỏi, như nhớ từ chi tiết một bộ y phục mà bà ta thường trầm trồ. Nhận xét chung, trí nhớ của bà không có gì là kém cỏi, khi bà chủ ý quan sát một điều gì kỹ lưỡng thì trong trí bà phát hiện ra hình ảnh rõ ràng và hình ảnh ấy giữ được một thời gian khá lâu rồi mới tan. Việc này là một bí quyết giúp ích chúng ta hiểu biết về việc “kém trí nhớ”.

Người kém trí nhớ là tại vì họ thiếu chủ ý và quan sát kỹ, người như vậy về sau hay có những tư tưởng lộn xộn. Tư tưởng lộn xộn đó là ấn tượng không rõ rệt do sự quan sát thiếu cẩn thận, chú ý. Trái lại, những tư tưởng minh bạch là những ấn tượng sắc bén do một chủ tâm quan sát cẩn thận và chính xác. Lại nữa, những gì mà ta thích thú và chủ ý nhiều thì thường hay nhớ dai.

Làm cách nào để sửa chữa được việc “kém trí nhớ”?

Mua đá năng lượng:

Trước hết, chúng ta phải ghi những việc gì mau quên và những việc gì hay nhớ để tiện việc phân tách khả năng chung, rồi nghiên cứu tỉ mỉ những điều chúng ta chóng quên, xem xét lại các việc ấy thử coi có đáng nhớ hay không. Nếu thấy chẳng ích lợi bao nhiêu, nhưng lắm khi chúng ta thấy cần chăm lo thì phải tự nhủ: “Tôi muốn chủ ý đến việc này, tôi muốn xem xét việc này cho rành mạch, tôi muốn nghĩ đến việc này một cách chu đáo”. Làm như thế chúng ta cảm thấy trí nhớ của chúng ta ngày càng mở mang thêm. Như đã giải rõ nơi đoạn trước, trí nhớ tùy thuộc sự chú ý cẩn thận, quan sát chín chắn và suy nghĩ kỹ càng. Muốn chú ý cần phải có sự hấp dẫn, nếu thiếu sự hấp dẫn thì phải có ý chí để thay thế yếu tố quan trọng ấy.

Ðây chính là khởi điểm gây nên sự trở ngại mà chúng ta thường thấy. Làm cách nào để ý chí có thể thay thế sự hấp dẫn ? Cái gì làm phát động ý chí ? Hấp dẫn khêu gợi ham muốn, sự ham muốn thúc đẩy con người chạy theo đối tượng hấp dẫn. Nhưng giả sử trong trường hợp không có sự ham muốn thì làm sao ý chí có thể thay thế ham muốn được ? Ý chí là sức mạnh thúc đẩy sự hành động theo đường lối do Lý trí xét đoán kỹ càng và chỉ định chớ không do sự hấp dẫn ở ngoại cảnh. Hành động bị thúc đẩy do sự quyến rủ ở ngoại cảnh - thường gọi là Bản ngã phát huy năng lực - đó là dục vọng (ham muốn), còn hành động do Lý trí Thuần túy hướng dẫn, gọi là ý chí.

Khi nào ngoại cảnh không còn sức quyến rủ nữa thì nội tâm thông suốt. Sự tham cứu sâu rộng của trí thức là nguyên nhân làm cho ý chí được thành tựu, và nhờ sự luyện tập phán đoán là mục tiêu của mọi nỗ lực để đi đến tận thiện. Ðó là điều mà Lý trí chọn làm phương tiện đưa Bản ngã đến chỗ tuyệt mỹ ngõ hầu tạo thành nguyên nhân cho ý chí. Một khi đã quyết định thực hành, sau này dù chúng ta có mỏi mệt hay đau ốm, sự huấn luyện tư tưởng ấy không quên nhắc nhở ta cần phải thận trọng và khích lệ thêm ý chí. Nếu việc gì cũng đắn đo, cân nhắc cẩn thận, thì mọi việc đều trở nên hấp dẫn, nghĩa là khi chúng ta tạo trong trí một hình ảnh có đức tính cao quí và vui tươi để áp dụng vào công việc hữu ích, thì hình ảnh ấy trở nên hấp dẫn. Theo thế thường, người nào ham muốn một vật gì đều ước mong có đủ phương thế để đạt được vật ấy đặng làm của riêng, tuy nhiên nhờ sự cố gắng giữ đúng kỷ luật khắc khe trong sự rèn luyện ý chí, chúng ta có thể thắng được tính ích kỷ này.

Có vài mục đích cao cả đáng cho chúng ta ham muốm để được dẫn dắt đến hạnh phúc viên mãn, vì vậy chúng ta cần phải tận dụng ý chí hoạt động mạnh mẽ hầu đi đến cứu cánh. Việc gì cũng vậy, nhất là trong việc trau giồi năng lực quan sát, sự luyện tập thường xuyên, mỗi ngày một ít, có hiệu quả hơn là cố gắng thật nhiều trong một lúc rồi gián đoạn. Mỗi ngày chúng ta bắt buộc phải tập quan sát tỉ mỉ một vật gì thông thường, tưởng tượng trong trí hình dáng vật đó cho đầy đủ chi tiết, rán sức chủ ý và giữ hình ảnh ấy trong trí một thời gian ngắn như chính mắt ta đã trông thấy. Qua ngày sau, chúng ta cố gắng nhớ lại, tái tạo trong trí hình ảnh vật đó cho thật đúng, đúng nhiều càng tốt, rồi so sánh, xem xét, bổ túc những thiếu sót và sửa chữa chỗ sai lầm.

Nếu mỗi ngày chúng ta dành năm phút để luyện tập quan sát, lần lượt mỗi lần xem xét tỉ mỉ một vật, hình dung vật ấy trong trí, qua ngày sau rán sức nhớ lại hình ảnh vật ấy rồi so sánh với vật trước, nhờ vậy trí óc của chúng ta chóng phát triển và những năng lực quan sát, chủ ý, suy tưởng, định trí cũng tiến triển khả quan. Thật ra chúng ta rèn luyện thể trí để tiến mau lẹ, hầu có đủ tư cách xứng đáng làm tròn nhiệm vụ giúp đời hữu hiệu, hơn là để thể trí phát triển chậm chạp theo định luật tự nhiên.

Không một người nào luyện tập theo phương pháp trên đây mà không thâu thập được kết quả. Hành giả sẽ được hài lòng khi nhận thấy năng lực trí thức của mình ngày càng gia tăng và sự kiểm soát ý chí cũng dễ dàng hơn.

Có nhiều phương pháp nhân tạo tập mở trí bằng cách trình bày sự vật có sắc thái hấp dẫn qua các giác quan, hoặc tom góp các sự vật lại làm thành một hình thức đặng ghi nhớ. Nếu người có năng khiếu về mắt (tức là có trông thấy mới dễ nhớ), nên dùng hình ảnh hoặc viết hay vẽ vời trên bảng những hình thức muốn nhớ, để mắt trông thấy mới nhớ được. Người khác, thính giác trội hơn, thì những âm thanh dễ ghi vào trí não, như khi nghe lọt vào tai một bài học hay những vần thơ, hoặc một bản nhạc du dương thì nhớ rất lẹ. Những người này học bài thường hay đọc to tiếng để cho tai nghe thì mới mau thuộc. Tuy nhiên, phương pháp hay nhất và hợp lý nhất dùng cách rèn luyện thể trí cho có căn bản vững chắc là phương pháp mà chúng tôi đã trình bày nơi đoạn trên.

KÝ ỨC VÀ TIÊN ÐOÁN

Bây giờ chúng ta trở lại với Người hiểu biết kém mở mang của chúng ta.

Khi ký ức vừa hoạt động thì tiên đoán theo liền rất mau lẹ, vì tiên đoán chỉ là trí nhớ được đưa ra trước.

Lạc thú xưa kia chúng ta được hưởng, nay nhớ lại muốn có thú vui ấy để hưởng nữa thì gọi là ký ức, còn khi trí tưởng nghĩ thấy được đối tượng ở ngoại giới và sự vui thích liền theo, thì đó là tiên đoán. Hình ảnh của đối tượng và hình ảnh của vui thích liên lạc với nhau, cả thảy đều trụ vào Người hiểu biết, nếu gia thêm vào sự chiêm niệm yếu tố thời gian quá khứ và tương lai thì sự chiêm niệm này thành ra có hai tên gọi. Ðó là ký ức và tiên đoán:

1- Ký ức là sự chiêm niệm có thêm ý tưởng quá khứ.

2- Tiên đoán là sự chiêm niệm có thêm ý tưởng tương lai.

Có nghiên cứu các sự kiện này, chúng ta mới hiểu được câu châm ngôn sâu sắc của Ðại sư Patanjali, mà các đệ tử theo pháp môn Yoga đều phải chận đứng “sự biến đổi của tư tưởng”. Xét theo quan điểm của Huyền bí học, mỗi lần tiếp xúc với Vô ngã, thì cái trí đều thay đổi. Một phần chất liệu của thể trí được dùng để tạo thành việc bố trí lại hình ảnh ấy, chúng ta có tư tưởng về phương diện “hình thể”. Tương ứng với điều này, sự rung động phát sinh từ chính Người hiểu biết và những sự biến đổi ấy xảy đến trong nó tạo thành tư tưởng về phương diện “sự sống”.

Chúng ta nên nhớ rằng mối liên kết ấy do công việc riêng biệt của Người hiểu biết có phụ thêm vào hình ảnh, và sự bổ túc này biến đổi hình ảnh thành tư tưởng. Những hình ảnh trong thể trí rất giống đặc tính các ấn tượng tạo trên kính ảnh do làn sóng dĩ thái từ bên ngoài quang phổ đến, có tác dụng hóa học trong chất muối bạc biến đổi tính chất làm cho hình ảnh đối tượng hiện lên trên kính ảnh. Thể trí cũng mường tượng như kính ảnh, các chất của thể trí sắp đặt để kiến tạo lại các hình ảnh đối tượng mà nó tiếp xúc được. Khi Người hiểu biết nhận thấy những hình ảnh ấy do những rung động khêu gợi từ tâm thức, chúng liền xem xét các hình ảnh ấy trong chốc lát rồi bắt đầu kiến tạo và sửa đổi những hình ảnh đó bằng những rung động của y phát ra. Theo định luật đã diễn giải ở giai đoạn trước, năng lực thường hướng theo con đường ít trở ngại để Người hiểu biết uốn nắn các hình dáng ấy và sửa đi đổi lại mãi, để tạo thành những hình ảnh của hình ảnh và tàng trữ cho đến khi gặp được yếu tố thời gian làm tái hiện hình ảnh ấy tùy dĩ vãng hay tương lai mà chúng ta gọi là “ký ức” hay “tiên đoán”.

Sau hết, tư tưởng cụ thể chỉ là sự lập lại các kinh nghiệm hằng ngày trong vật chất tinh vi hơn, với sự khác biệt này, Người hiểu biết có thể ngưng hoặc thay đổi sự liên tục các hình ảnh ấy, hoặc lập lại nhanh chậm tùy ý. Y có thể giữ lại bất kỳ một hình ảnh để mơ tưởng hay xem xét lúc nào tùy thích, mặc dù có nhiều việc y đã kinh nghiệm rồi, nhưng lại quên phứt, vì bị lôi cuốn theo bánh xe thời gian vận chuyển không ngừng với một tốc độ không tăng, không giảm. Y cũng có thể làm cho thời gian trôi qua mau hay chậm tùy ý, nhưng chỉ hoạt động trong lãnh vực riêng biệt của y, cũng như Thượng Ðế hoạt động cho thế giới của Ngài. Tuy nhiên, y không tránh khỏi sự liên tục là bản chất của thời gian, nếu y còn bị chướng ngại vật chất ràng buộc, thì không thể hiệp nhất với tâm thức của Thượng Ðế.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh