Quyền Năng Tư Tưởng: Chương 9

QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG: CHƯƠNG 9

TĂNG CƯỜNG QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG

Bây giờ chúng ta có thể nghiên cứu về giá trị thực tập của quyền năng tư tưởng, vì có học mà không hành thì cũng như không học. Châm ngôn có câu: “Cứu cánh của Minh triết là chấm dứt đau khổ”. Chúng ta phải học hỏi để phát triển quyền năng tư tưởng, và khi quyền năng khai mở, chúng ta sẽ dùng quyền năng ấy giúp đỡ những người xung quanh, những kẻ đang sống và những kẻ mà người đời gọi là chết, ngõ hầu thúc giục nhân loại cùng chúng ta đồng tiến.

Nhờ chuyên cần luyện tập thường xuyên, không gián đoạn, mà quyền năng tư tưởng được tăng trưởng, như do thường tập thể dục, các bắp thịt được nở nang, và cũng nhờ năng rèn luyện tinh thần mà trí thức mở mang vậy.

Theo định luật của đời sống, thì sự tăng trưởng do luyện tập đều đặn và bền bỉ mà ra. Sự sống là Bản ngã của chúng ta, luôn luôn tìm cách biểu hiện đầy đủ ở ngoại cảnh bằng hình thể chứa đựng nó. Sự sống khêu gợi sự luyện tập và ảnh hưởng đến hình thể làm cho hình thể chóng phát triển và tiêm nhiễm vào hình thể nhiều chất liệu mới để được luôn luôn bành trướng từng phần. Nhờ tập luyện, các sớ thịt giãn ra, nhựa sống tràn vào, các tế bào sinh sản thêm nhiều lần cho bắp thịt nở nang. Khi chúng ta tưởng nghĩ thì cái trí rung động, những chất liệu mới thâm nhập vào thể trí, chất mới này kiến tạo bên trong thể của chúng ta làm cho nó càng ngày càng trưởng thành do cách cấu tạo rất phức tạp và cực kỳ tinh diệu. Thể trí càng được trau giồi thì càng chóng tăng trưởng dù cho tư tưởng được thu nhận tốt đẹp hay xấu xa. Tổng số tư tưởng nhiều hay ít gọi là lượng, xác định sự tăng trưởng của thể trí, còn tính chất tư tưởng tốt hay xấu gọi là phẩm, xác định loại chất liệu dùng cho sự tăng trưởng ấy.

Ngoài ra, người hay suy nghĩ thì những tế bào trong khối óc tăng thêm nhiều chất xám. Do nhiều cuộc xét nghiệm tử thi, các nhà giải phẩu tìm thấy khối óc của các đại tư tưởng gia chẳng những lớn mà còn nặng hơn khối óc của người nông phu rất nhiều, vả lại, óc của những nhà tư tưởng ấy có rất nhiều nếp gấp ( gọi là não hồi). Ðiều này làm phát triển diện tích chất xám và cũng là khí cụ của tư tưởng ở hồng trần, nhờ đó mà tư tưởng hoạt động trực tiếp không cần trung gian.

Nhờ năng luyện tập, thể trí và khối óc đều tăng trưởng. Kẻ nào muốn trau giồi trí thức, mở mang tinh thần, phải nhắm đến việc tham thiền mỗi ngày và chăm lo cải thiện năng lực trí tuệ. Không cần phải nói thêm rằng quyền năng cố hữu của Người hiểu biết phát triển được nhanh chóng là nhờ sự luyện tập thường xuyên và trên các khí thể năng lực cũng tăng cường. Phải tập luyện đúng theo phương pháp thì mới có kết quả mỹ mãn. Người mới rèn luyện tinh thần nên chọn một quyển sách hay, hợp với vấn đề của chính mình, sách ấy phải do một người tài đức trước tác, nội dung chứa đựng những tư tưởng lành mạnh và mới mẻ. Hành giả hãy đọc chậm rãi một câu văn hay một đoạn trong sách ấy, rồi ngừng lại, suy nghĩ, nghiền ngẫm điều mình đã đọc. Hãy cố tập cho được tánh tốt này, là suy nghĩ phải gấp đôi thời gian đọc, nghĩa là đọc năm phút, phải suy nghĩ mười phút. Mục đích của việc học hỏi này là cốt yếu làm tăng cường khả năng tư tưởng, chớ không phải chỉ thu thập các ý tưởng phong phú. Nếu có thể được, hành giả nên dành riêng mỗi ngày nửa giờ trong việc luyện tập. Tuy nhiên, hãy khởi đầu bằng cách tập mỗi lần mười lăm phút, vì lúc ban sơ nếu hành giả chủ ý lâu dài thì cảm thấy mệt mỏi.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Người nào theo phương pháp trên đây luyện tập hằng ngày cho đều, chỉ trong vài tháng sẽ thấy sức mạnh tinh thần phát triển rõ rệt và cảm thấy có thể điều khiển các vấn đề sinh hoạt hằng ngày một cách đặc biệt dễ dàng và kết quả khả quan hơn. Tạo hóa trả công mỗi người rất sòng phẳng và vô tư, không sơ suất một tơ hào. Kẻ nào muốn khai mở trí tuệ thì phải nổ lực luyện tập tư tưởng cho tương xứng với sự thọ hưởng đặc ân ấy.

Như chúng tôi trình bày có hai tác động:

1- Năng lực của Tâm thức bị quyến rủ ra ngoại cảnh.

2- Nhờ hình tướng năng lực của Tâm thức mới biểu thị, và đừng khi nào quên điểm thứ nhất.

Nhiều người nhìn nhận giá trị của tư tưởng xác định cảm nhiễm đến khối óc, nhưng lại quên rằng nguồn gốc của mọi tư tưởng vô sinh, là Chơn ngã trường tồn bất diệt, vì vậy, con người chỉ có thể sử dụng những gì mà họ có. Tất cả những quyền năng đều có bên trong con người, song chúng ta cần phải khai thác quyền năng tiềm tàng ấy thì mới có thể dùng được, vì Chơn ngã thiêng liêng là nguồn gốc của chúng sinh và trạng thái của Chơn ngã vốn ở trong mỗi người, luôn luôn tìm cơ hội thuận tiện để biểu lộ đầy đủ hơn. Quyền năng trong mỗi chúng ta bất sinh, bất diệt, trường tồn, chỉ hình tướng do tâm tạo mới biến đổi và hư hoại, nhưng mà sự sống vốn là của Chơn ngã và quyền năng của nó vô bờ bến. Quyền năng ấy trong mỗi chúng ta cũng mạnh bằng quyền năng sáng tạo vũ trụ. Quyền năng này là thiên lực chớ không phải nhân lực, nó là một phần sự sống của Thượng Ðế và không khi nào lìa khỏi Ngài.

Nếu hành giả nhận thức được điều này và nhớ rằng sự khó khăn không do năng lực khiếm khuyết, mà do nơi khí cụ không thích ứng thì hành giả phải cố gắng công phu và phải hi vọng để tiến tới sự thành công.

Hành giả cảm thấy cái tinh túy của bản tính là sự hiểu biết, tùy nghiệp quả mà hiển lộ hoặc nhiều hoặc ít trong kiếp luân hồi. Dĩ nhiên, cái “nhân” (tư tưởng) của chúng ta tạo ra từ kiếp trước đã hạn chế sự hiển lộ này, nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể dùng năng lực đã có trong tiền kiếp, để sửa đổi cái “quả” cho tốt lành hơn, hầu nó trở thành hữu dụng trong kiếp này. Thật ra, ảnh hưởng sâu sắc của cuộc sống có thể từ từ uốn nắn và sửa đổi các hình tướng trở nên mềm dẽo theo khuôn mẫu mới.

Trước hết hành giả nên ghi nhớ rằng: muốn tiến vững chắc thì yếu tố cần thiết là phải thực tập đều đặn mỗi ngày, nếu quên sót một ngày - ít ra trong giai đoạn phát triển đầu tiên - hành giả phải cố gắng ba hay bốn ngày liên tiếp mới lấy lại được sự thăng bằng. Chừng nào sự tham thiền trở thành thói quen thì việc luyện tập đều đặn mới không cần thiết cho lắm, nhưng khi chưa thành thói quen xác định thì sự tham thiền đều đặn là việc rất quan trọng, vì nếu tham thiền không đều thì những thói quen cũ đã để tư tưởng thả rong sẽ trở lại, chất thể trí sẽ tái lập hình thức cũ, rồi chúng ta phải tập luyện nữa để lấy lại thói quen đã gián đoạn. Như vậy, mỗi ngày chúng ta rán dành riêng năm phút để tham thiền cho đều còn hơn là mỗi lần tham thiền nửa giờ mà ngày tập ngày nghỉ.

LO - LÀM SAO CHO HẾT LO.

Ngạn ngữ có câu: “Lo mau già”. Mà thật vậy, con người mảng lo mà già sớm, chớ nào phải tại làm việc nhiều mà chóng già đâu. Làm việc chẳng những không hại mà còn rèn luyện trí não cho mạnh thêm, miễn là đừng làm việc gì quá sức. Kẻ nào cứ mãi lo nghĩ thì thật là tai hại, về sau người ấy có tính hay gắt gỏng, thần kinh yếu đuối, không thể suy nghĩ lâu được.

Thế nào gọi rằng “lo”?

Ðó là bận tâm lập đi lập lại một ý nghĩ, rồi e ngại, áy náy, bâng khuâng, so hơn tính thiệt, nhiều khi mất ăn mất ngủ mà không đi đến kết quả nào ngoài sự sửa đổi chút đỉnh, nên đâm ra u sầu phiền muộn. Vì vậy, trí não bị ám ảnh, nó tái tạo liên tục những hình tư tưởng, cưỡng ép tâm thức cảm nhiễm, chớ không phải do tâm thức tạo tác. Khi các bắp thịt của chúng ta quá mệt mỏi thì tự nhiên nó cử động và co giãn mãi, mặc dù chúng ta muốn nó nằm yên. Cũng như vậy, khi trí óc chúng ta mệt mỏi thái quá thì sự rung động của trí óc mệt mỏi lập lại và không ngớt rung động, đến đỗi chúng ta không tài nào bắt buộc nó dừng lại và yên lặng cho được.

Như chúng ta đã thấy, khi có một tác động nào hướng về tác động cũ thì tự nó tác động lấy nó như máy móc tự động. Thí dụ có người lo nghĩ về một việc gì, họ rán sức tính toán hơn thiệt để làm sao cho có lợi, nhưng công việc không thành, họ bất mãn và ngừng suy nghĩ, song cứ mong mỏi tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu, nhưng họ lại lo sợ thảm bại nữa. Sự lo sợ thất bại đặt để họ trong tình trạng tấn thối lưỡng nan, làm cho họ lo lắng quá đổi, năng lực kiệt quệ, mất thăng bằng, rồi thể trí và cân não bị dục vọng thúc đẩy mãnh liệt, làm lung lạc tinh thần. Họ mất định hướng, đầu óc bứt rứt xao xuyến. Những hình ảnh do trí óc của họ tạo ra rồi họ lại gạt bỏ đi vẫn cứ lập đi lập lại, ám ảnh họ, bắt họ phải nghĩ ngợi nhớ tới mãi. Sự mệt mỏi gia tăng, càng làm cho họ gắt gỏng thêm, và càng gắt gỏng thì càng mệt mỏi thêm nhiều hơn nữa. Theo định luật chung, hễ có động thì có phản động, phản động rồi thì động, và cứ tiếp tục như vậy mãi trong vòng lẩn quẩn. Như thế, kẻ nào suy nghĩ mà lo âu phiền muộn, thì kẻ ấy trở thành nô lệ cho các thể của họ và tinh thần sẽ bị khủng bố điên đảo luôn.

Trí óc ví như bộ máy tự động, có khuynh hướng lập lại sự rung động đã tạo ra trước, vì thế mà chúng ta có thể lợi dụng việc này để điều chỉnh sự rung động lập lại vô ích của tư tưởng u buồn. Khi có một dòng tư tưởng tạo thành đường vận hà - là hình dạng tư tưởng - thì những dòng tư tưởng mới sau này có khuynh hướng đi theo đường lối cũ. Như một ý nghĩ nào làm chúng ta đau buồn, thì sự đau buồn đó ám ảnh làm cho chúng ta đau buồn trở lại. Cũng như một ý nghĩ tốt làm chúng ta vui vẻ, thì ý nghĩ hấp dẫn tốt đẹp đó cũng trở lại làm chúng ta vui vẻ nữa.

Cảnh lo sợ tiêu biểu cho sự gì sẽ xảy ra khi sự ức đoán trở thành sự thật, như thế nó tạo trong trí một đường vận hà làm thành một cái khuôn cho tư tưởng và vạch một đường lằn trong cân não. Khi trí óc vừa rảnh rang thì chúng có khuynh hướng lập lại hình thức cũ và dồn những năng lực chưa dùng xuôi theo chiều con đường đã vạch sẵn.

Có lẽ, phương pháp hiệu nghiệm nhất để diệt trừ mối “lo” là chôn vùi nó thật sâu cho mất tích, rồi quên hẳn nó đi, đồng thời thay thế cái gì khác có tính cách đối lập (như chú tâm làm một việc gì hữu ích mà mình ưa thích). Do thế, chúng ta rèn luyện tư tưởng chín chắn, bền bỉ và có chừng mực. Những người lo lắng ưu sầu, mỗi buổi sáng, nhớ cố gắng dành riêng ba hay bốn phút để suy gẫm một vài tư tưởng cao thượng và khích lệ như sau: “Chơn ngã thì An lạc và tôi An lạc, Chơn ngã thì Dũng cảm và tôi là Chơn ngã”. Hãy tưởng nghĩ sâu xa tận đáy lòng rằng Ðấng Cha lành cao cả và tôi là một, là cái duy nhất trường tồn không thay đổi, không sợ hãi, không vướng víu chướng ngại, thân tâm thanh tịnh. Vả lại, tôi không phải là xác thân hữu hoại, thường bị ưu phiền dày vò, cắn rứt, rúc rỉa hao mòn, yếu lần rồi tan rã. Thật ra, tôi là Chơn ngã trường tồn, còn xác thân là y phục của Chơn ngã, mặc vào cổi ra. Suy tư nghiền ngẫm như thế, người lo rầu tự nhiên sẽ vui lên, đời tràn đầy nhựa sống và cảm thấy thân tâm yên tịnh trong bầu không khí mát mẻ êm đềm.

Ngày qua ngày, cứ suy tư mãi như thế, tư tưởng sẽ ăn sâu vào trí não, rồi đến lúc tâm trì không bận rộn, thì tư tưởng “Tôi An lạc và Dũng cảm” tự nhiên phát hiện ra giữa cuộc đời huyên náo, năng lực của thể trí cuồn cuộn chảy tràn như nước lũ, nhận chìm gánh “lo” trong dĩ vãng.

Một phương pháp khác nữa, là tập thành thói quen tham thiền về Diệu Luật - luật huyền diệu có công năng sửa đổi con người theo nếp sống an phận vừa lòng. Hành giả tham thiền về Diệu Luật sẽ thấy tất cả mọi hoàn cảnh phát sinh đều do Ðịnh luật chớ không có cái gì ngẩu nhiên cả. Bất cứ việc chi xảy đến cho chúng ta đều do Luật Trời chỉ định, mặc dù bề ngoài chúng ta thấy như có bàn tay xa lạ đưa đến việc này việc nọ cho chúng ta. Không một tai họa nào bỗng nhiên giáng xuống đầu chúng ta mà không do chúng ta tự triệu nó đến hoặc do hành vi tiền kiếp của chúng ta. Không một kẻ nào hãm hại chúng ta được, nếu không phải Thiên Luật mượn tay kẻ ấy để thanh toán món nợ chúng ta thiếu.

Dù trong trường hợp mà chúng ta biết trước sẽ có buồn bực âu lo sắp sửa dày vò tâm hồn chúng ta, thì chúng ta cũng phải bình tĩnh suy xét và thản nhiên chấp nhận. Tất cả mọi đau khổ xảy đến cho chúng ta đều do Luật Trời, nếu ta hiểu biết và cam tâm nhận lãnh, dù vết thương lòng có trầm trọng thế mấy cũng chóng lành. Vả lại chúng ta có thể chịu đựng sự đau khổ ấy dễ dàng hơn nếu chúng ta nhớ rằng sở dĩ Luật Trời thúc giục chúng ta trả cho dứt nghiệp quả là vì muốn phóng thích chúng ta sớm. Cũng như người thiếu nợ bị giam thân, nếu muốn sớm được tự do thì phải mau mau trả cho dứt nợ. Hơn nữa, dù có điều gì làm chúng ta đau khổ, thì sự đau khổ ấy là con đường đưa chúng ta đến hạnh phúc. Mọi nỗi thống khổ, bất cứ từ đâu tới, đều đưa chúng ta đến hạnh phúc viên mãn và phá tan xiềng xích trói buộc chúng ta vào bánh xe sinh tử luân hồi, luôn luôn chuyển động không ngừng.

Khi những tư tưởng thanh tao ấy trở nên quen thuộc thì tự nhiên ta hết lo âu vì chiếc áo giáp vững chắc của sự an lạc đã chấm dứt móng vuốt lo lắng rồi.

SUY TƯỞNG VÀ NGƯNG SUY TƯỞNG

Công phu luyện tập suy tưởng và ngưng suy tưởng đem lại cho chúng ta một sức mạnh phi thường. Trong lúc suy tưởng, chúng ta phải tập trung trí não, cố gắng dùng toàn lực để suy tư. Nhưng khi suy tư xong, chúng ta đừng nghĩ ngợi gì đến việc ấy nữa, phải quên hẳn nó đi, đừng cho nó lảng vảng gần trí của chúng ta, phải lánh xa nó như tàu thuyền tránh đá ngầm vậy. Ðừng khi nào để cho guồng máy chạy không, vì như vậy chẳng những vô ích mà còn làm cho các bộ phận máy móc mau mòn. Cũng như khi chúng ta suy tưởng xong rồi, nếu ta còn để bộ máy vô giá của trí tuệ suy nghĩ vẩn vơ, chẳng những không ích lợi mà còn làm cho trí óc chậm lụt và bạc nhược. Chúng ta hãy luyện tâm ngưng suy tưởng, tức là tập cái trí yên lặng, đừng nghĩ gì hết. Giữ được tâm ngưng suy tưởng là có được một bảo vật vô giá. Nếu như tay chân mệt mỏi, chúng ta nằm nghỉ xả gân cốt, thì mau phục hồi sức khỏe. Trí của chúng ta cũng vậy, nếu có mệt mỏi thì đừng suy tư nữa, hãy để nó nghỉ ngơi thảnh thơi thì trí óc sẽ tươi tắn ngay. Suy nghĩ liên tục là rung động liên tục, và rung động liên tục là lãng phí liên tục, là tự mình làm cho mình mệt mỏi không ngớt. Những kẻ hay mệt mỏi, đau yếu và già trước tuổi, thường là những kẻ hoang phí năng lực vô lối. Trái lại, người biết giữ tâm ngưng suy tưởng, không suy nghĩ vu vơ, thì tâm trí cường tráng và sống lâu.

Thật ra, “ngưng suy tưởng” nói dễ nhưng làm khó, có lẽ trăm ngàn lần khó hơn suy tư. Vì vậy, lúc ban đầu, mỗi lần ta tập luyện, nên để trí trống không chừng một hai phút mà thôi, chờ đến khi nào trở thành thói quen rồi ta sẽ tăng thêm thời gian, vì phải cố công lắm chúng ta mới có thể giữ được trí yên tịnh.

Người sơ cơ, sau khi tham thiền một vấn đề gì, lúc xả thiền, đừng tưởng nghĩ đến việc gì hết, nếu có ý nghĩ nào lảng vảng trong trí, phải lập tức gạt bỏ liền. Phải cương quyết tống khứ nó đi, đừng để nó bén mảng quấy nhiễu; nếu cần, hãy nghĩ đến sự trống không, như trong bước đầu, hành giả chỉ cố gắng giữ tâm yên lặng và thấy toàn một màu đen tối mà thôi. Nếu hành giả trì chí theo phương pháp trên đây thì tâm trí ngày càng trở nên sáng suốt và cảm giác an lạc sẽ khuyến khích hành giả học tập kiên trì thêm. Ðừng quên rằng chận đứng tư tưởng khi nó hướng về ngoại cảnh là điều kiện giúp cho nó hoạt động ở trên những cõi cao hơn. Khi tâm yên tĩnh, nếu những hình ảnh chấp nối của hành động trong quá khứ không còn tái hiện nữa, thì tâm thức mới có thể loại bỏ cái xác thân ở cõi trần và tự do hoạt động trong cõi riêng của tâm thức. Kẻ nào mong mỏi thực hiện bước đầu tiên này trong kiếp hiện tại, thì phải biết giữ tâm ngưng suy tưởng, vì ở cõi trần chỉ có kẻ nào làm chủ được sự “biến đổi của tư tưởng” thì kẻ ấy mới giải thoát và tiến đến cõi trên.

Một phương pháp nữa để giữ cho thân trí được yên ổn là thay đổi tư tưởng - cách này dễ làm hơn giữ tâm ngưng suy tưởng rất nhiều. Kẻ nào tưởng nghĩ bền bỉ, song chỉ biết suy nghĩ theo một việc đã quen thuộc mà thôi, thì nên tạo một việc khác hẳn với công việc quen làm, để có thể xoay tâm trí vào công việc mới mẻ ấy mà nghĩ ngợi.

Ông Willam Ewart Gladstone (1809 - 1898) khi trở về già thì tư tưởng của ông lại càng mới mẻ trẻ trung phi thường. Một phần lớn là nhờ kết quả của sự hoạt động trí thức trong đời sống ở nhiều môn học khác biệt. Ông là một chính trị lỗi lạc, hoạt động rất hăng hái. Tuy nhiên, trong lúc rảnh rỗi, ông hằng để tâm nghiên cứu về thần học và trau giồi ngoại ngữ Hi lạp. Thật ra, về cổ ngữ Hi lạp của ông thì tôi không đủ năng lực để nói vì tôi không rành môn này, song kiến thức của ông về thần học thì không sâu sắc lắm, dĩ nhiên những lý đoán về thần học của ông để lại cho đời không được phong phú mấy. Tuy vậy, nhờ sự học hỏi, nghiên cứu thần học và tiếng Hi lạp mà ông giữ được trí óc cường tráng cho đến ngày ông nhắm mắt. Trái lại, ông Charles Darwin (1809 - 1882) khi trở về già, hối tiếc rằng ngoài ngành chuyên môn, ông không chịu nghiên cứu học hỏi thêm những vấn đề khác mà ông ưa thích, vì thế mà một phần khả năng của ông trở nên thoái hóa vì không dùng đến. Văn chương và mỹ thuật đối với ông không hấp dẫn gì cả, ông nhận thức rõ rệt rằng ông đã tự khép mình vào khuôn khổ chật hẹp để riêng lo nghiên cứu theo chiều hướng của một môn học mà thôi.

Vì thế, mỗi người trong chúng ta, thỉnh thoảng cần phải thay đổi ý nghĩ và công việc làm. Nếu ta chỉ nghĩ mãi về một công việc, lâu ngày thành lệ, thì trí óc ta chậm lụt, không thể suy nghĩ việc khác được và ta sẽ thành người hủ lậu. Cũng như nhà văn chuyên nghiệp, cứ theo một chiều hướng quen thuộc, lâu ngày đầu óc mệt mỏi, văn cùn, ý cạn, ngọn bút trở thành lạc hậu.

Ðiều quan trọng đặc biệt là có nhiều người cả đời mảng lo sống thực tế và chỉ biết làm một công việc hợp với khả năng mình. Họ không chịu hoạt động để học hỏi thêm một vài môn khác như mỹ thuật, khoa học hay văn chương là những môn có thể giúp họ giải trí lành mạnh và thanh nhã hơn. Bởi vậy, làm người, nhất là các bạn trẻ, cần phải nghiên cứu học hỏi như thế trong khi bộ óc còn cường tráng và hoạt động hăng hái, đừng chần chờ, đừng đợi đến sức cùn lực tận rồi hối tiếc thì đã muộn. Khi trở về già, các bạn sẽ thấy sự học hỏi thêm đem lại cho bạn những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào, làm bạn nổi bật lên và chói sáng trong những năm tàn. Nếu bạn biết giữ gìn trí não trẻ trung bằng cách thay đổi công việc làm để cho trí óc được nghỉ ngơi, thì hình dáng dẽo dang sẽ giữ gìn được lâu dài.

BÍ QUYẾT LÀM CHO TRÍ YÊN TỊNH

Trong bài học vừa rồi, có một đoạn chỉ dẫn về phương pháp làm cho trí an tịnh. Nhưng điều kiện quan trọng trước hết là phải nhận định sáng suốt và hiểu biết địa vị của chúng ta trong vũ trụ.

Chúng ta là một phần tử trong Sự Sống vĩ đại duy nhất, không có sự thất bại và cũng không khi nào Sinh lực bị hao tổn. Sự Sống vĩ đại duy nhất này “đặt để vạn vật trong trật tự một cách dũng mãnh và yêu thương”, đưa các thế giới đến mục tiêu đã định sẵn. Nếu quan niệm rằng đời sống nhỏ bé của chúng ta là một cái Ta riêng biệt, độc lập, đang tranh đấu với vô số cái Ta khác cũng riêng biệt và độc lập, thì quả thật là một ảo tưởng rất bi đát. Khi nào chúng ta còn quan niệm thế giới và cuộc đời như thế đó, thì sự an tịnh đối với chúng ta còn xa vời lắm, không thể nào với tới tháp cao vòi vọi ấy được. Khi chúng ta cảm thấy và hiểu biết rằng tất cả chúng sinh là một, thì tâm hồn chúng ta sẽ được an tĩnh đời đời.

Tất cả nỗi sầu muộn khốn khổ tạo ra đều do sự suy tưởng về chính mình như những đơn vị riêng biệt, rồi trí óc chúng ta quay cuồng và chỉ tưởng nghĩ đến quyền lợi riêng, mục đích riêng, vui riêng, buồn riêng của ta mà thôi. Những người ích kỷ như vậy sống một đời sống rất thấp thỏi, họ là người bất mãn nhiều nhất, họ luôn luôn tìm cách này thế kia để chiếm đoạt tài sản cho nhiều và chồng chất những của cải vô ích đó trong tâm hồn.

Một số người khác thì tự nâng cao đời sống cá nhân mình và chỉ biết lo tiến bộ một mình. Họ là người tốt, đứng đắn, nhưng lúc nào cũng lo lắng và không hài lòng. Họ suy xét, đắn đo mãi rồi tự hỏi : chẳng biết năm rồi tôi có tiến bộ không ? Năm nay tôi có hiểu biết nhiều hơn năm ngoái không ? Họ luôn luôn lo ngại sự tiến bộ của họ chưa được vững chắc, họ chỉ biết nghĩ đến sự lợi ích riêng cho bản thân của họ mà thôi.

Kẻ nào chỉ lo nghĩ để thỏa mãn riêng cho mình, dù cho sự thỏa mãn ấy có tính cách cao thượng chăng nữa thì kẻ ấy cũng không tìm thấy sự an tĩnh. Sự an tĩnh chỉ đạt được khi nào hết chấp ngã phân biệt tức là chúng ta từ bỏ cái Ta riêng biệt và trở về với Bản ngã Duy nhất, là cái Một, là Chơn ngã. Chơn ngã biểu hiện trong mọi giai đoạn tiến hóa, giai đoạn của chúng ta hiện thời và cũng y như các thế hệ của những người khác.

Trong khi kẻ chí nguyện còn bị những dục vọng thấp hèn ràng buộc và lôi cuốn thì sự ham muốn tiến bộ về tinh thần vẫn còn giá trị, song y cần phải nỗ lực giải thoát khỏi ách dục vọng đam mê để tiến triển về tâm linh. Nếu ta còn chấp ngã phân biệt thì không thể hưởng được hạnh phúc. Chỉ khi nào dứt bỏ chấp ngã và xem Ðại ngã như đối tượng của tình thương mà ta đang sống trong cõi này thì chúng ta mới đạt được hạnh phúc. Ngay trong đời sống hằng ngày, người nào không ích kỷ thì người đó hạnh phúc nhất. Người không ích kỷ thường là người quên mình, lo giúp đời, người ấy chỉ biết lo cho người khác hưởng hạnh phúc. Trái lại, những kẻ bất mãn là những kẻ luôn luôn lo tìm hạnh phúc riêng cho mình.

Ta là Chơn ngã, vì vậy ta phải xem những cái vui cái khổ của kẻ khác cũng là cái vui cái khổ của chính ta vậy. Muốn cảm thấy được điều này chúng ta phải học cách sống làm sao cho toàn thể vũ trụ được chia sớt sự sống đang luân chuyển qua chúng ta, như thế mới học được Bí quyết của sự An tĩnh. “Sự An tĩnh đạt được thì mọi dục vọng đang ở trong người chảy cuồn cuộn như dòng sông tuôn ra biển cả tràn trề nước, nhưng biển cả vẫn thản nhiên, không biết đến ham muốn” . Con người càng nhiều dục vọng thì càng khao khát hạnh phúc, nghĩa là càng vô phúc khốn khổ. Bí quyết của sự An tĩnh là hiểu biết mình là Chơn ngã và sự suy tư “Chơn ngã là Tôi, Tôi là Chơn ngã”, giúp thân tâm chúng ta an lạc, chấm dứt phiền não, không còn lo ngại gì cả.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh