Quyền Năng Tư Tưởng: Chương 2

QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG: CHƯƠNG 2

KẺ SÁNG TẠO ẢO TƯỞNG

“Có thản nhiên trước cảnh vật đã nhìn thấy thì môn sinh mới khám phá được Chủ tể của Giác quan, là kẻ Sáng tạo Tư tưởng và làm phát hiện ảo tưởng.

Cái Trí là kẻ phá hoại lớn nhất của Thực Tại”.

Ðó là đoạn văn mà Bà H.B.Blavatsky trích dịch trong quyển Kim Huấn Thư, một áng văn kiệt tác và cũng là món quà quí giá của tác giả đã lưu truyền cho hậu thế.

Thật ra không còn từ nào khác dùng để diễn tả ý nghĩa cái Trí cho rốt ráo bằng câu: “Cái Trí là kẻ sinh ra ảo tưởng”.

Cái Trí không phải là Bản ngã hiểu biết, vì vậy chúng ta cần phải luôn luôn thận trọng để phân biệt cho rõ rệt. Có nhiều sự lầm lẫn chẳng những gây sự khó khăn mà còn làm cho học giả rối trí thêm là tại có lắm người không chịu để ý đến sự khác biệt giữa Bản ngả hiểu biết và cái Trí là quan năng dùng để tiếp nhận sự hiểu biết. Nhận lầm cái Trí là Bản ngã hiểu biết thì chẳng khác nào ta lầm tưởng cái đục của ông thợ chạm là ông thợ chạm.

Mỗi Bản ngã đều có hai cái Trí căn bản, nói đúng hơn, là hai thể Trí: Một thể Trí cấu tạo bằng lớp vật chất tinh vi gọi là Thượng Trí và manas , Trí trừu tượng; và một thể Trí khác nữa làm bằng vật chất rất thô sơ gọi là Hạ Trí và manas , Trí cụ thể. Cái Trí tự nó phản chiếu trong vật chất nguyên tử của trạng thái Bản ngã tiêu biểu cho sự Hiểu biết. Cái Trí này thường hay hạn chế Jiva, vì vậy khi lý trí tâm thức gia tăng chừng nào thì càng làm trở ngại Jiva nhiều thêm chừng nấy theo đủ mọi cách. Giả như một người nào làm công việc gì mà bị bắt buộc phải mang bao tay dày cộm thì cảm thấy đôi tay bị bó rọ, gây trở ngại mọi hoạt động. Trong khi sờ mó vật gì, đôi bàn tay của y mất hết xúc giác, chẳng còn khéo tay và lanh lẹ như trước, y không thể nhặt món gì nhỏ bé, chỉ cầm được những vật to lớn một cách vụng về. Cũng như vậy, khi Bản ngã mang thêm Hạ trí, các quan năng của Bản ngã đều bị kếm chế, không tự do phát huy khả năng được.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Trong đoạn tới, chúng tôi sẽ giải thích thêm về “Cái Trí cụ thể” tức là hạ trí hợp với manas.

“Trí” là kết quả do ý niệm của kiếp trước và hằng bị ý niệm trong kiếp này thay đổi luôn. Có một điều chắc chắn không thay đổi là, bất cứ khả năng nào, dù mạnh dù yếu, thảy đều do nghiệp quả của những hành vi trong tiền kiếp.

Cái trí của chúng ta đã tạo nên kết quả thì không thể sửa đổi được liền trong nhất thời, mà phải sửa đổi lần lần, chúng ta không thể dùng ý chí cương quyết mà vượt qua được, cũng không thể ném nó qua một bên, mà cũng không thể cấp tốc loại trừ những bất hảo của kết quả. Trí nào thì quả nấy. Trí là thành phần của Vô ngã tạo ra để chúng ta trọn quyền sử dụng, và cũng nhờ Vô ngã, chúng ta mới hiểu biết, phân biệt được.

Do kết quả của kiếp trước nên ngày nay chúng ta mới có những ý niệm trong trí. Mỗi cái trí đều có cách thức rung động riêng và rung động không ngừng, tạo thành bức tranh sống động thay đổi liên tục. Mỗi ấn tượng hoạt động từ ngoại cảnh do nhãn cầu thu nhận và khối rung động đang có sẵn, sửa đổi khối rung động mới đến, đồng thời cũng bị khối rung động mới đến biến đổi nữa. Vì vậy, thành quả không do nơi sự phỏng tạo chính xác của khối rung động mới, mà do sự phối hợp giữa các rung động mới và các rung động đã có sẵn.

Thêm một thí dụ về ánh sáng: nếu chúng ta đặt một tấm kính màu đỏ trước mắt, rồi nhìn vào một cảnh vật có màu xanh lục, thì cảnh vật đó trở thành đen. Những rung động làm cho chúng ta cảm thấy sắc đỏ bị sự rung động của màu xanh lục ngăn lại, vì thế chúng ta thấy lầm cảnh vật màu xanh lục là màu đen. Cũng như vậy, nếu chúng ta nhìn vào cảnh vật có màu xanh da trời với kính màu vàng, thì cảnh vật đó cũng trở nên đen. Thành thử khi có hai màu sắc khác nữa, gọi là màu trung gian, ấn tượng này làm chúng ta có cảm giác như cảnh vật đổi màu, khác hẳn màu mà chúng ta đã thấy bằng mắt thường. Nhưng dầu chúng ta có thấy được bằng mắt thường, thì cũng chỉ thấy hơi khác hơn, vì khi mắt thu cảnh vật, tự nó sửa đổi sự rung động ấy với tốc độ mau lẹ quá sức tưởng tượng. Cái trí bị ảnh hưởng do sự trung gian giữa kính màu và cảnh vật, và đã làm cho cảnh vật ấy thay đổi màu sắc. Bản ngã không ý thức được ảnh hưởng của cái trí, cũng như một người chưa hề có cơ hội thấy, cũng không ý thức được cảnh vật thay đổi màu sắc, ngoại trừ sự nhìn thấy xuyên qua kính có màu xanh hay đỏ.

Khi chúng ta nói: “Cái Trí là kẻ sinh ra ảo tưởng”, theo ý nghĩa thông thường là cái trí có thể cho chúng ta biết hình ảnh sai lệch do sự phối hợp của cái trí với ngoại cảnh. Thật ra câu trên đây còn có ý nghĩa khác cao siêu và sâu sắc hơn nhiều. Câu “Cái Trí là kẻ sinh ra ảo tưởng” có dụng ý chỉ cho chúng ta hiểu biết hình ảnh sai lệch đó là hình bóng ở ngoại cảnh chớ không phải là hình ảnh thật, nó chỉ là hình bóng của cái bóng do trí ta tạo ra. Bấy nhiêu đây cũng đủ cho chúng ta nhận thức về ảo ảnh do bản tính sáng tạo.

****

Nếu chúng ta hiểu biết thực trạng của thế giới, quan niệm của chúng ta sẽ thay đổi hẳn, vì từ nhỏ đến khôn lớn, chúng ta chỉ quen tánh hiểu biết thế giới bằng sự rung động sửa đổi của thể trí trong phạm vi sắc tướng. Ðiều này không phải không thể nhận thức được, mặc dù những người nhận thức được toàn là những người đã làm chủ được tư tưởng và tiến hóa cao. Nếu tâm không vọng động thì sự rung động của thể trí cũng ngưng hoạt động, cảnh vật bị tiếp xúc tạo ra một hình ảnh giống như cảnh thật, sự rung động về phẩm và lượng đều tương đương, không rung động với rung động của kẻ bàng quan. Hoặc giả tâm thức tự phóng ra ngoài và làm sống động cảnh vật khách quan để nó có thể trực tiếp cảm nhận những sự rung động. Có hai trường hợp để chúng ta nhận thức được thật sự của hình tướng.

1- Ý niệm trong cảnh giới thực tại mà sắc tướng tiêu biểu trạng thái hữu hình có thể hiểu biết được bằng tâm thức hoạt động trong Thượng trí mà không bị cái Trí cụ thể hay những thể thấp khác làm trở ngại.

2- Sự thật cho chúng ta biết rằng các sự vật đều do ấn tượng của chúng ta, chớ tự ta không thể biết được thực thể của sự vật - ngoại trừ trường hợp trên - đó là điều quan trọng khi chúng ta áp dụng chơn lý này vào đời sống thực tế.

Chơn lý dạy chúng ta phải khiêm tốn, thận trọng và lắng tai nghe những ý tưởng mới. Chúng ta cần phải diệt trừ tánh hay quả quyết rằng tất cả những gì chúng ta thấy đều đúng cả. Chúng ta hãy tập xét đoán chúng ta trước, rồi sẽ xét kẻ khác.

Sau đây là một thí dụ để làm sáng tỏ vấn đề:

Tôi gặp một người có cách thức rung động có thể bổ túc cho sự rung động của tôi. Khi gặp nhau, chúng tôi không thích vì không hạp nhau. Giữa chúng tôi, không thấy có điều chi khác biệt, nhưng cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên không hiểu tại sao ông A nào đó khen người mà chúng tôi chê dốt là thông minh, bởi vì chúng tôi chê bai lẫn nhau, người này nói người kia đần độn, người kia nói người này ngu ngốc. Song le, nếu tôi tự hiểu biết mình một chút, ắt không còn thắc mắc nữa. Thay vì tưởng nghĩ người ấy đần độn, tôi tự hỏi: Phải chăng tôi có điều chi sơ sót nên không thể đáp ứng sự rung động của người ấy ? Cả hai chúng tôi đều rung động, song nếu tôi không nhận thức được quan niệm và sự hoạt động của người ấy, là vì tại tôi không đáp ứng lại sự rung động của y. Tại sao tôi xét đoán người ấy ? Là bởi vì tôi không hiểu người ấy trước khi tôi tự sửa đổi cho đầy đủ để có khả năng tiếp nhận y.

Chúng ta không thể sửa đổi kẻ khác, nhưng ít ra chúng ta có thể tự sửa đổi ta, là cố gắng không ngừng để làm phát triển khả năng cảm ứng của chúng ta. Chúng ta phải trở thành ánh sáng trong suốt, hiển lộ trong các màu sắc, chẳng những không làm cho màu sắc hoen ố, mà làm cho màu sắc nổi bật và tươi thắm thêm. Chúng ta có thể đo khoảng cách giữa chúng ta và ánh sáng trắng trong suốt bằng cách dùng năng lực của chúng ta để đáp ứng lại các đặc tính khác nhau.

HẠ TRÍ VÀ MANAS (MẠT NA THỨC)

Bây giờ chúng ta có thể xem xét cách cấu tạo thể trí hay Trí cụ thể là quan năng của tâm thức theo trạng thái Người hiểu biết hầu tìm hiểu sự cấu tạo này ra sao, và bằng cách nào chúng ta đã đào tạo cái trí trong dĩ vãng và tìm biện pháp sửa đổi nó trong hiện tại.

Xét về phương diện sự sống thì tinh thần là manas. Manas là trạng thái nhận thức của Bản ngã phản chiếu trong vật chất nguyên tử của cõi thứ ba gọi là Cõi Trí.

Xét về phương diện sắc tướng (hình dạng) thì manas có hai trạng thái riêng, mỗi trạng thái hoạt động theo điều kiện khác nhau do nơi tâm thức sử dụng manas ở Cõi Trí. Hai trạng thái này do hợp chất của vật chất ở cõi trí bị thu hút vào chung quanh trung tâm rung động thuộc nguyên tử của cõi trí. Vật chất này tùy theo bản tính và cách dùng của tâm thức gọi là “chất liệu trí tuệ” hay “chất liệu tư tưởng”. Vật chất ấy tạo thành một vùng rộng lớn trong vũ trụ, thâm nhập vào chất thanh khí ở cõi Trung giới và chất Hồng trần ở thế gian. Các vật chất ấy tràn ngập trong bảy cảnh giống như trạng thái vật chất ở hồng trần. Những chất này rất nhạy cảm đối với sự rung động của trạng thái Bản ngã là sự hiểu biết, và trạng thái này ấn định cho nó đặc tính riêng.

Trạng thái thứ nhất - cao hơn hết của cái trí - là Thượng trí (Nhân thể). Thượng trí gồm có vật chất từ cảnh thứ năm và thứ sáu của cõi Trí, tương ứng những chất dĩ thái tinh vi hơn hết ở cõi Trần. Trong giai đoạn tiến hóa hiện tại thể Thượng trí này ở đa số có đôi chút phát triển, vì Thượng trí không dùng để suy luận những sự việc ở cõi Trần. Vậy ngay bây giờ, chúng ta nên tạm gác vấn đề Thượng trí qua một bên. Tóm lại, Thượng trí là quan năng của Trí trừu tượng.

Trạng thái thứ nhì, là thể trí, cũng gọi là Hạ trí. Nó gồm chất tư tưởng của bốn cảnh thấp hơn hết ở cõi trí, tương ứng với chất dĩ thái thấp nhất ở cõi Trần trong trạng thái chất hơi, chất lỏng và chất đặc. Nó có thể gọi là thể trí dày đặc. Thể này chia làm bảy loại căn bản lớn, mỗi loại gồm nhiều hình thức và tùy trình độ phát triển khác nhau, nhưng tất cả đều tiến hóa theo định luật chung. Hiểu biết và áp dụng được những định luật này, tức là ta đem sự tiến hóa chậm chạp của thiên nhiên để đổi lấy sự tiến hóa mau lẹ do khiếu thông của người tự quyết định. Ðó là điểm quan trọng của sự khảo cứu về thể trí.

RÈN LUYỆN VÀ NÂNG CAO THỂ TRÍ

Ðiều chúng ta cần phải hiểu là do phương pháp nào mà tâm thức rèn luyện được thể trí, vì trong đời sống hằng ngày hằng giờ, chúng ta đều có cơ hội áp dụng phương pháp ấy cho mục đích cao thượng. Dù trong khi thức hay ngủ, chúng ta vẫn luôn luôn đào luyện thể trí của chúng ta. Khi tâm thức rung động, thì nó cảm nhiễm chất thượng thanh khí hay chất tư tưởng ở chung quanh, một ý nghĩ vừa thoáng qua, cũng đủ cho nó thu hút vài phân tử của chất tư tưởng, rồi phóng ra ngoài vài phân tử khác. Về phần thể xác do Bản ngã mượn dùng tạm ở cõi trần cũng do sự rung động, nhưng đừng quên rằng yếu tính của tâm thức luôn luôn nhìn nhận chính nó là Vô ngã. Ðó là vì tâm thức bao gồm hai chiều hướng tương phản nhau, cho nên khi thì tâm thức chấp nhận “Tôi là thế này”, khi lại phủ nhận “Tôi không phải là thế này”. Do đó tâm thức vận chuyển trong vật chất tạo thành sự hút vào rồi đẩy ra mà chúng ta gọi là rung động. Khi vật chất chung quanh bị tâm thức rung động, vật chất ấy liền truyền sự rung động đó ra để cảm nhiễm tâm thức khác.

Thế thì các vật chất, dù tinh khiết hay thô sơ, đều tùy thuộc tính chất rung động do tâm thức phát sinh. Các tư tưởng trong sạch và thanh cao gồm những rung động mau lẹ, chỉ cảm nhiễm các chất tinh vi của thể trí, còn những chất thô trược thì không cảm nhiễm, vì không rung động đồng nhịp với chất tinh vi được. Khi một ý tưởng cao đẹp rung động, các chất thô trược đều bị loại ra ngoài, đồng thời thay thế những chất tinh khiết vào để rèn luyện thể trí trong sạch. Trái lại, những tư tưởng xấu xa, đê hèn rất dễ thu hút các chất thô trược vào thể trí hạ tiện, đồng thời xua đuổi các chất tinh khiết ra ngoài.

Ðặc tính rung động của tâm thức là luôn luôn sa thải chất cũ rồi đem chất mới thay vào để rèn luyện thể trí. Vì thế, mỗi hành động hay ý niệm vừa phát khởi đều gây nên hậu quả; như khi xưa chúng ta có những hành vi hay tư tưởng lành dữ thế nào thì ngày nay những hành vi hay tư tưởng đó đáp ứng lại cho chúng ta y như thế.

Nếu thể trí của chúng ta cấu tạo bằng chất tinh khiết thì ý tưởng xấu xa đê hèn không cảm ứng thể trí của chúng ta, nhược bằng, thể trí của chúng ta cấu tạo bằng chất thô trược, thì chất đó dễ cảm nhiễm những ý tưởng thoảng qua thấp hèn, mà không thể cảm nhiễm những ý tưởng tốt lành được.

Khi chúng ta tiếp xúc với một vị đạo hạnh có tư tưởng thanh cao, những rung động tư tưởng của vị ấy có năng lực khêu gợi nhịp rung động trong thể trí của chúng ta gia tăng tốc độ để có thể cảm ứng sự rung động tư tưởng của vị đó. Sự rung động này có công năng bài tiết lần lần những chất ô trược trong thể trí để sự rung động tư tưởng của chúng ta tăng thêm đến mức độ cao. Những lợi ích mà chúng ta nhận lãnh của các vị đạo đức phần lớn là do nơi ý tưởng của chúng ta đã có từ suy nghĩ đã qua. Sở dĩ ngày nay chúng ta có mối thông cảm với các vị ấy là do nghiệp quả quá khứ.

Chúng ta không thể tư tưởng dùm người này hay người kia, song ta chỉ có thể suy nghĩ những tư tưởng của chính ta mà thôi. Như vậy, ta tạo ra sự rung động tương ứng trong chất tư tưởng ở chung quanh chúng ta, sự rung động này có khả năng làm phát khởi những rung động đồng tính trong thể trí để tiêm nhiễm tâm thức của chúng ta.

Tuy nhiên, không phải mỗi lần ở ngoại cảnh phát sinh rung động thì chúng ta cảm biết và hiểu liền được. Sự kiện này thường giống như sức nóng mặt trời và nước mưa thấm vào đất cát có ảnh hưởng đến hạt giống vùi dưới lớp đất. Ðầu tiên, không thể biết được sự rung động cảm ứng đến hạt giống, nhưng chắc chắn đã có sự sống rung động yếu ớt ở bên trong hạt giống. Sự rung chuyển này ngày càng trở nên mạnh cho đến khi mầm mống đủ sức phát triển làm hạt giống nứt mộng, đâm chồi và mọc rễ. Về phương diện tâm linh cũng như vậy, từ bên trong tâm thức, trước khi cảm ứng, đã có sự rung chuyển yếu ớt do sự tiếp xúc với ngoại cảnh. Trong khi chúng ta chưa có thể hiểu nổi một vị có tư tưởng cao siêu thì tiềm thức của chúng ta đã cảm ứng được phần nào rồi. Vì thế, khi chúng ta xa lìa ảnh hưởng của Ðấng Cao Cả, là chúng ta đã nhận được một ít sự phong phú của đời sống tâm linh nhiều hơn khi trước, để các chủng tử tư tưởng của chúng ta nảy nở mau lẹ và cũng để cho tinh thần chúng ta được tiến hóa dễ dàng hơn.

Bởi vậy, trong việc rèn luyện trí não, không những do hoàn cảnh bên ngoài mà còn phải tùy thuộc sự hoạt động từ trong tâm thức nữa. Nếu muốn thể trí được mạnh mẽ, minh mẫn, tích cực để có thể lãnh hội những tư tưởng cao siêu, chúng ta phải nỗ lực học tập, suy tư cho đúng đắn, vì chính ta mới là kẻ rèn luyện và uốn nắn trí não của ta mà thôi.

Nhiều người nghĩ rằng hễ đọc nhiều sách là có thể rèn luyện được trí não, sự thật không phải như vậy. Chỉ có tư tưởng mới rèn luyện được trí não mà thôi. Chúng ta phải xem sự đọc sách như một công việc sưu tầm tài liệu để cung cấp cho tư tưởng, như thế sự đọc sách mới hữu ích. Người ta có thể đọc nhiều sách, song trí não phát triển chỉ tương đương với tất cả sự suy nghĩ mà họ đã dùng trong việc đọc. Nếu độc giả không thu nhặt được một vài ý tưởng hay để trao dồi trí não mình thì giá trị về sự hiểu biết của kẻ ấy rất nông cạn và mau phai lạt.

Lord Bacon nói: Ðọc thì no trí. Ðiều này rất đúng về phương diện tinh thần, cũng như về mặt vật chất người ta nói: Ăn thì no bụng. Nếu thức ăn không hạp, khó tiêu hóa, thì ích lợi gì cho xác thân. Về tinh thần cũng vậy, nếu dồn ép sự đọc sách cho đầy trí óc mà không chịu để tâm suy nghĩ, không đồng hóa được với những gì đã đọc thì ích lợi gì cho trí não. Ý tưởng chồng chất đầy đầu óc, nhưng không tiêu thụ nổi, thì chẳng những trí não không mở mang, mà còn suy giảm là khác nữa. Như kẻ ăn nhiều mà không tiêu thì mang thêm bệnh vì bội thực.

Muốn tinh thần sáng suốt, trí não mở mang, chúng ta phải đọc ít mà suy nghĩ nhiều. Nếu thật lòng chúng ta muốn rèn luyện tinh thần, chúng ta phải dành riêng mỗi ngày một giờ để nghiên cứu một quyển sách nào đứng đắn và cao hơn trình độ ta hiểu biết một chút. Chúng ta đọc chừng năm phút, nhưng phải suy nghĩ mười phút, và nên tiếp tục như vậy trong một tiếng đồng hồ. Theo thế thường nhiều người hay đọc lia lịa trong một giờ rồi dẹp sách qua một chỗ, đợi tới ngày sau lấy sách ra đọc tiếp. Như vậy, phần nhiều quan năng tư tưởng của người ấy tiến rất chậm.

Một điểm đặc biệt nhất là có nhiều người nhận thấy trí não các hội viên của phong trào Thông Thiên Học mỗi năm đều mở mang thêm. Ðiều này chứng tỏ một phần lớn các hội viên đó đã được giảng giải minh bạch về bản chất của tư tưởng. Nhờ vậy hội viên bắt đầu hiểu lần lần, rồi áp dụng một vài phương pháp đã lãnh hội để rèn luyện thể trí thay vì để cho thể trí phát triển chậm chạp theo quá trình của định luật tự nhiên. Muốn mau tiến, độc giả phải cố gắng dành riêng ít nhất năm phút để đọc và mười phút suy nghĩ để tìm hiểu những điều mình đã đọc và đừng bỏ qua một ngày nào không đọc sách.

Lúc ban đầu độc giả cảm thấy sự cố gắng rất buồn chán và mệt nhọc, lại nữa sẽ khám phá ra năng lực suy nghĩ của mình cũng yếu ớt.

Ðó là bước đầu và cũng thường thấy rất ít người có thể cầm trí suy tưởng lâu mà không gián đoạn được. Kẻ nào không thể suy nghĩ mà tưởng mình có thể suy nghĩ thì kẻ ấy tiến rất chậm. Thà mình yếu mà tự biết mình yếu, còn hơn là mình yếu mà cứ tưởng mình mạnh.

Sau khi cố gắng đeo đuổi khá lâu về một ý tưởng khó khăn, sau cùng không thể chú ý được nữa, độc giả cảm thấy nóng bức, rối loạn, đầu óc mệt nhọc. Công việc này giống như khi ta rán sức tập luyện các bắp thịt trong một lúc lâu, thì ta cảm thấy thân thể bải hoải và mệt mỏi vậy.

Nhờ công phu luyện tập bền bỉ và đều đặn - nhưng đừng khi nào quá độ - thì sức mạnh tư tưởng phát triển y như sức lực của các bắp thịt. Một khi sức mạnh tư tưởng phát triển, ta càng dễ kiểm soát tư tưởng và sử dụng nó trong những mục đích chơn chánh.

Người không biết tư tưởng, thể trí như mất định hướng và vô tổ chức. Nếu không biết tập trung tư tưởng - nghĩa là không biết chủ định sức mạnh tư tưởng vào một điểm đã chọn - thì ta không thể thi thố được chút nào về quyền năng tư tưởng cả.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

TỦ SÁCH TINH HOA:

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh