Đứa Trẻ Nổi Loạn Osho: Cuộc Hội Ngộ Đầu Tiên Với Cái Chết

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN OSHO: CUỘC HỘI NGỘ ĐẦU TIÊN VỚI CÁI CHẾT

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về cái chết không phải là một cuộc đối mặt đơn giản. Nó phức tạp trên nhiều phương diện. Người đàn ông mà tôi yêu thương đang chết. Tôi đã biết ông như là cha tôi. Ông đã nuôi nấng tôi và cho tôi sự tự do tuyệt đối; không có sự cấm đoán nào, không có sự đè nén nào, và không có điều răn, điều luật nào.

Tình yêu cộng thêm tự do - nếu bạn có cả hai, thì bạn là một vị vua hay vị nữ hoàng. Đó là vương quốc đích thực của Thượng đế - tình yêu cộng thêm tự do. Tình yêu cho bạn những gốc rễ ăn sâu vào trong đất, và tự do cho bạn đôi cánh.

Nana cho tôi cả hai. Ông cho tôi tình yêu, nhiều hơn là ông từng cho mẹ tôi hay thậm chí bà tôi. Nana cho tôi tự do, đó là món quà to lớn nhất,

Cái chết của Nana là cuộc đối mặt đầu tiên của tôi với cái chết. Vâng, và hơn thế nữa, đó là một cuộc đối mặt với thứ gì đó không thể chết, chỉ đang trôi bồng bềnh bên trên nó, thoát ra khỏi cơ thể. Cuộc đối mặt đó quyết định toàn bộ dòng đời của tôi. Nó cho tôi hướng đi, hay đúng hơn, một chiều kích, mà trước đó tôi chưa hề biết tới.

Tôi đã nghe nói về cái chết của những người khác nhưng mà chỉ mới nghe thôi. Tôi chưa thấy và dẫu cho tôi đã thấy thì chúng cũng không có ý nghĩa gì lắm với tôi. Trừ khi bạn yêu một ai đó và rồi người ấy chết; nếu không thì bạn không thể thực sự đối mặt với sự chết. Hãy gạch chân điều đó:

Cái chết chỉ có thể được đối mặt trong cái chết của một người thân yêu.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Khi tình yêu cộng với cái chết vây quanh bạn, sẽ có một sự chuyển hóa, một chuyển biến bao la gần giống như cảm giác khi một hữu thể mới được ra đời trong bạn. Bạn không bao giờ như cũ được nữa. Nhưng người ta không yêu thương và bởi vì họ không yêu thương, họ không thể trải nghiệm cái chết trong cái cách mà tôi trải nghiệm.

Không có tình yêu, cái chết không cho bạn những chìa khóa dẫn vào hiện hữu. Với tình yêu, nó trao cho bạn những chìa khóa dẫn vào tất cả những gì hiện hữu.

Có lẽ đó là một cơn đột quỵ, lúc ấy chúng tôi không cách nào biết nguyên do ông đột nhiên gục ngã, chúng tôi chỉ vội vàng đặt ông trong một chiếc xe bò, Bhoora ngồi phía trước điểu khiển những con bò, tôi và bà ngôi bên cạnh ông trong thùng xe phía sau. Tôi nắm chặt tay ông và cảm nhận cái chết đang đến thật từ từ, chậm rãi. Chiếc xe bò lăn bánh trên con đường mòn xấu xí tiến về hướng thị trấn của cha mẹ tôi bởi vì nơi ấy có bệnh viện, trong làng thì không. Trong làng thậm chí không có lấy một bác sĩ hay dược sĩ.

Sự chia ly có cái chất thơ riêng của nó, người ta chỉ cần học cái ngôn ngữ của nó, sống trong chiều sâu của nó và rồi trong đáy của nỗi buồn, người ta sẽ thấy xuất hiện một niềm vui.

Tôi im lặng nắm tay ông, tôi nói: “Nana, ông có muốn trăn trối gì trước khi ra đi không? Ông có lời nào muốn dặn con không? Ông có gì đó trao cho con để khiến con nhớ ông mãi mãi?

Ông rút chiếc nhẫn trên tay ra và trao cho tôi. Chiếc nhẫn đó là vật linh thiêng của ông, ông không bao giờ cho phép ai chạm vào nó. Nó chứa một bức tượng Mahavira nhỏ - vị thần linh thiêng nhất của Jaina giáo. Với những giọt lệ trong mắt, ông nói: “Ta không có cái gì khác để cho con, bởi lẽ tất cả những gì ta có thể cho con thì đều có thể bị tước mất khỏi con, như cách mà ta cũng bị tước mất. Ta chỉ có thể cho con tình yêu mà ta dành cho kẻ đã biết chính mình. Ta không có gì khác để tặng con.”

Tôi nói: “Nana ơi, ông đã cho con món quà quý giá nhất.”

Ông nhẹ mở mắt ra và nói: “Đó là cái gì thế ?”

Tôi cười và nói: “Ông đã quên rồi sao? Ông đã cho con tình yêu của ông và ông cho con tự do nữa. Con nghĩ rằng không có đứa trẻ nào có được sự tự do như thế - như ông đã cho con. Con cần gì thêm nữa? Ông có thể cho con cái gì hơn nữa? Con biết ơn ông rất nhiều. Ông có thể ra đi một cách bình an.”

Lời cuối của ông là: “Đừng lo lắng bởi vì ta không hề chết”. Tất cả chúng tôi chờ để xem ông có định nói gì khác nữa không, nhưng đó là tất cả.

Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với cái chết, và đó là một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ. Nó không xấu như nó thường xảy ra ít nhiều đối với hầu hết mọi đứa trẻ khắp thế giới. May thay, tôi được ở cùng người ông đang hấp hối của mình trong nhiều giờ, và ông chết một cách chậm rãi, tôi có thể cảm thấy cái chết đang xảy ra cho ông, nó tới từ từ và tôi đã thấy nó, tôi thấy sự tĩnh mịch vĩ đại của nó.

Tôi vẫn còn nhớ sự im lặng đó. Cái xe bò đang đi băng qua một lòng sông cạn. Tôi không nói bất cứ lời nào bởi vì tôi không muốn quấy động sự yên lặng đó. Nani cũng không nói một lời. Thời gian trôi qua thật chậm trong sự tĩnh lặng sâu thẳm. Bhoora chốc chốc lại hỏi “Chuyện gì thế? Sao mọi người lại yên lặng như vậy?” Tôi trấn an ông ấy rằng “Không gì cả” rồi tôi quay sang Nani: “Nani, bà hãy nói gì đi.”

Bạn có tin được không, Nani hát một bài hát. Đó là bài hát của hai người khi gặp nhau lần đầu. Đó cũng là cách tôi học được rằng cái chết nên là một niềm vui. Nó lên được chúc lành.

Nani nắm lấy tay tôi, tôi nắm tay ông ngoại, cái đầu của ông tôi tựa vào lòng tôi. Tôi giữ một trên ngực ông và khi tôi cảm thấy rằng ông không còn thở nữa, tôi nói với bà tôi: “Con rất tiếc, Nani, nhưng có vẻ như ông không còn nữa.”

Bà nói: “Điều đó hoàn toàn tốt thôi. Con không cần phải lo lắng. Ông đã sống đủ, không cần phải hỏi xin thêm.’’ Bà cũng bảo tôi: “Hãy ghi nhớ, bởi vì có những khoảnh khắc không được phép quên: đừng bao giờ hỏi xin thêm sự sống khi cái chết đến. Những gì đang hiện hữu, cũng đủ lắm rồi.”

Tôi cũng may mắn là Nani của tôi cùng hiện diện. Nếu không có bà, có lẽ tôi đã bỏ mất vẻ đẹp của cái chết, bởi vì tình yêu và cái chết thì quá đơn giản. Bà yêu thương tôi. Bà rải tình yêu như mưa lên tôi, và cái chết thì ở đó, xảy ra một cách chậm rãi. Một cái xe bò - giờ đây, tôi vẫn còn nghe văng vẳng âm thanh của nó - tiếng lạch cạch của những bánh xe lăn trên những hòn đá, Bhoora đánh xe liên tục quát to lên với những con bò đực, âm thanh của tiếng roi quất vào chúng. Những âm thanh đó vẫn như còn văng vẳng đâu đây. Nó đã ăn rễ quá sâu trong trải nghiệm của tôi, đến nỗi, tôi nghĩ rằng, ngay cả cái chết của tôi cũng không thể xóa nhòa nó được. Ngay cả trong khi đang hấp hối, chắc hẳn tôi sẽ vẫn có thể nghe lại âm thanh của cái xe bò đó. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được bệnh viện trong thị trấn của cha mẹ tôi, nhưng đã trễ.

Sau cái chết của ông ngoại, Bhoora bị sốc. Trên đường đi chúng tôi đã nói dối Bhoora rằng ông vẫn sống nhưng khi tới nơi, nhìn thấy thân xác của ông ngoại, đỡ xác ông từ trên xe ngựa xuống, Bhoora mới biết chuyện gì đã xảy ra. Ông ấy nhắm đôi mắt của mình lại và không bao giờ mở nó ra một lần nữa.

Câu cuối cùng của ông ấy là: “Tôi không thể nhìn thấy ông chủ của mình chết được”

Ông ấy nhắm mắt lại và chỉ sống thêm vài giờ sau đó trong cơn hôn mê. Đó là một mối quan hệ kì lạ giữa chủ và tớ ngày ấy. Tôi đã cố thuyết phục các bác sĩ cứu ông nhưng không thể.

Nhiều năm sau đó khi tôi sống ở Bombay, con trai của Bhoora đã đến đưa tôi chìa khóa của toàn bộ ngôi nhà, đất đai, vườn tược của ông ngoại vì ông đã giao phó cho họ toàn bộ chìa khóa trước đây. Cậu ấy nói rằng đã đợi rất lâu chờ mọi người quay lại nhưng không có ai quay lại cả nên cậu tìm đến để giao trả lại cho tôi mọi thứ. Tôi trao lại cho câu ấy toàn bộ chìa khóa và nói: “Mọi thứ bây giờ thuộc về cậu. Mọi thứ. Tôi xin lỗi vì đã không biết về việc này sớm hơn và để cậu phải đợi lâu thế; nhưng không ai trong chúng tôi muốn quay trở lại ngôi làng đó nữa vì nó sẽ gây đau đớn rất nhiều.”

Sau cái chết của ông ngoại; tôi cũng đã bị chết đi - xét theo cách nào đó. Tôi không ăn gì trong ba ngày liên tiếp; không uống thâm chí cả nước, bởi vì tôi cảm giác mình là một kẻ phản bội nếu minh ăn và uống trong khi ông - người thân yêu của tôi - đã chết. Tôi yêu ông rất nhiều và ông cũng vậy. Đến nỗi suốt những năm đầu đời ông không cho phép tôi về nhà thăm gia đình. Ông nói “Khi ta chết rồi, chỉ khi đó con có thể về đó.” Tôi đã sống toàn bộ thơ ấu với sự hiện diện của ông; tình yêu của ông.

Ông mất; tôi thậm chí không muốn sống thêm nữa, dù chỉ là một đứa trẻ. Tôi không ra khỏi giường; tôi nằm đó chờ để chết cùng ông nhưng cái chết không tới theo cách vật lý, mà là tâm thức. Tôi nhận ra cái chết theo nghĩa nào đó mông lung; là không thế. Nó chỉ là một dạng cảm giác.

Không chỉ mình tôi đau buồn về cái chết của ông.

Nana đi rồi; Nani đau đớn nhiều đến mức bà muốn quyên sinh luôn cùng ông. Bà muốn ở với ông trên dàn hỏa thiêu và đi cùng ông mãi mãi.

Bà nói: “Ông ấy đi rồi; tôi sống còn ý nghĩa gì nữa đây?”

Mọi người cố mọi cách để ngăn cản bà nhưng đó dường như là một nhiệm vụ quá khó khăn, bà vẫn muốn đi cùng ông, không phải vì đó là hủ tục cổ xưa của người Ấn để chứng tỏ tình yêu của người vợ dành cho người chồng, nhưng bà muốn chết theo ông thật sự vì tình yêu. Tôi đã chứng kiến hàng ngàn cặp đôi yêu nhau nhưng chưa từng có hai người nào yêu nhau như cách của ông bà tôi.

Vậy nên tất cả mọi người trong nhà đều cố gắng hết sức để thuyết phục bà đừng nghĩ đến chuyện quyên sinh, nhưng bà nói: “Tôi còn sống để làm gì? Còn ý nghĩa gì đây? Tôi không thể quay lại ngôi làng cũ của chúng tôi được nữa vì tôi đã sống cùng ông ấy trong căn nhà đó cả đời tôi, sáu mươi năm rồi và giờ ông ấy không còn nữa, làm sao tôi có thể sống tiếp ở đó được? Hình ảnh của ông ấy khắp nơi trong nhà. Sáu mươi năm rồi tôi chưa từng ăn trước khi ông ấy ăn, cũng chưa từng để ai khác nấu ăn cho ông ấy. Ông ấy yêu đồ ăn tôi nấu và tôi thì yêu việc nấu ăn cho ông ấy. Chỉ cần nhìn thấy ông ấy vui là tôi cũng vui. Giờ ông ấy đi rồi làm sao tôi có thể ăn được nữa, thậm chí nghĩ về việc nấu ăn thôi cũng là không thể, vì giờ tôi sẽ nấu cho ai?”

Đó lại cũng là một hủ tục khác ở Ấn Độ rằng làm sao bạn có thể ăn nếu người bạn yêu thương chưa được ăn? Thế nên trong suốt mười đến mười hai ngày bà ngoại tôi không ăn gì cả. Thật là hai nhiệm vụ khó khăn: đầu tiên là ngăn bà đến giàn hỏa thiêu, sau đó là thuyết phục bà ăn chút gì đó.

Cuối cùng cả gia đình gọi tôi lại và nói: “Chỉ mình con mới có thể thuyết phục được bà, vì con đã sống bên bà cả 7 năm.”

Và thế là tôi được giao nhiệm vụ đi thuyết phục bà, chỉ bằng một câu nói, tôi đã thành công. Tôi không thuyết phục bà nhưng ngược lại, tôi để nghị bà đi đến cái chết, với tôi đi cùng.

Tôi đến trước mặt bà và nói: “Nani, bà cứ luôn miệng nói rằng bà sẽ sống vì ai đây khi ông đã chết? Nghĩa là bà không muốn sống vì con sao? Chỉ cần nói với con rằng bà không muốn sống vì con, thì con sẽ đi bảo với cả nhà rằng chúng ta sẽ đến giàn hỏa thiêu, con và bà, chúng ta đi cùng nhau”.

Bà nói: “Con nói cái gì?”

Tôi nói: “Nếu bà cũng muốn chết thì con cũng sống ở đây làm gì? Để làm gì chứ? Sẽ tốt hơn nếu cả hai chúng ta cùng chết?

Bà nói: “Đừng nói điều vô lý như vậy. Chưa ai từng nghe việc một đứa bé, mới chỉ bảy tuổi, lại muốn chết. Ta muốn chết không phải vì muốn con đi cùng nhưng vì người ta yêu đã chết rồi?

Tôi nói: “Chồng của bà đã chết, ông ngoại của con cũng chết và giờ đến bà ngoại của con cũng đang định tìm đến cái chết. Nhiêu đó lý do là đủ cho con rồi. Hơn nữa, mọi ngày con đang sống cũng chính là con đang trên đường đến với cái chết, thế thì chết sớm một chút cũng không vấn đề gì, sẽ không cần đợi quá lâu nữa. Làm cho nó xong nhanh luôn đi?

Bà nói: “Ta vẫn biết con là một đứa trẻ tinh quái nhưng vẫn không thể ngờ được con lại dám mang cái chết ra để thuyết phục ta như vậy?

Tôi nói: Vậy thì bà hãy ngừng việc quấy rầy cả nhà bằng cái chết của bà đi, nếu không thì con sẽ cùng đi với bà, bất kể tới giàn hỏa thiêu hay là đâu, con nhất định sẽ đi cùng bà.”

Và Nani tôi đồng ý sẽ không đi đến giàn hỏa thiêu nữa, bà sẽ sống vì tôi.

Bà lưu lại trong thành phố của cha tôi, nhưng bà là một phụ nữ rất độc lập. Bà không thích cái đại gia đình dính kết với nhau: những em trai của cha tôi, những người vợ của họ, con cái của họ - nó là một cái hội chợ khổng lồ.

Bà nói: “Đây không phải là nơi dành cho ta. Ta đã sống suốt đời với chồng ta trong im lặng. Con chỉ ở đó trong 7 năm, nếu không có con chúng ta thậm chí còn không trò chuyện, bởi vì không còn gì để nói, chúng ta đã nói với nhau về mọi sự nên khi không còn gì để nói chúng ta chỉ đơn giản ngồi im lặng”. Bà nói: “Làm sao để mà im lặng trong cái mớ lộn xộn này? Ta muốn sống một mình.”

Vậy nên họ tìm cho bà một ngôi nhà nhỏ nhìn ra sông, nơi mà bà có thể tìm thấy sự tương đồng nào đó với nơi mà bà đã sống với ông ngoại. Trong thị trấn này, chúng tôi không có hồ, nhưng chúng tôi có một con sông đẹp.

Bà không muốn sống cùng ai trong gia đinh, trừ tôi. Và tôi cũng vậy.

Mẹ tôi mong muốn tôi ở với bà vì trong suốt bảy năm đầu đời tôi đã không ở cùng bà chút nào nhưng tôi thì không muốn, tôi nói với bà: “Con sẽ quay trở lại ngôi làng của ông bà ngoại; một mình, con sẽ đến được đó vì xe bò đã sẵn sàng, con vẫn còn nhớ đường. Kiểu gì con cũng sẽ đến được đó. Và con quen biết những người trong làng, họ sẽ giúp đỡ một đứa trẻ sống tốt. Họ sẽ chỉ cần giúp con một vài năm, con sẽ trả cho họ nhiều nhất trong khả năng con có thể. Nhưng con không thể sống trong nhà này được. Đây không phải một cái nhà, đây là một cái chợ thì đúng hơn.”

Nơi đó quả thực giống cái hội chợ hơn một căn nhà: mọi người liên tục làm ồn với đủ thứ chuyện vặt vãnh, không ai có một chút không gian trống nào, trẻ con khắp mọi nơi, không có chút yên tĩnh nào cả. Và đó là nơi có đủ tất cả các loại người, đủ mọi loại anh em họ hàng sống cùng nhau - tổng số người trong nhà không bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm, nó cứ tăng lên mãi.

Tôi đơn giản từ chối sống trong căn nhà ấy. Tôi nói “Nếu con nhất thiết phải ở lại đây thì không còn cách nào khác, con sẽ sống cùng Nani. Vì chỉ có Nani mới có thể hiểu con và cho con không chỉ tình yêu mà cả tự do nữa.”

Suốt những ngày sau đó tôi cứ đi rong vòng quanh thị trấn làm một ngàn lẻ một thứ và ban đêm, tôi luôn ở lại nhà Nani. Nhiều lần bà nói: “Cha mẹ con có thể cảm thấy khó chịu. Chúng ta mang con đi khỏi họ cả 7 năm rồi và trả con lại với sự tinh khôi nguyên vẹn như khi mang con đi. Vậy mà họ lại không thể tha thứ và cho rằng chúng ta làm hư con. Họ không nói ra nhưng ta cảm thấy sự tức giận của họ. Và đó là chuyện 7 năm qua rồi, họ đành phải chấp nhận. Nhưng giờ khi con trở lại, con vẫn tiếp tục đến đây mọi đêm. Họ sẽ nghĩ rằng ta đang tiếp tục làm hư con. Họ có thể sẽ nói ‘ông già đã ra đi, nhưng bà già thì vẫn còn đây và tiếp tục lấy nó khỏi chúng ta, tiếp tục làm hư thằng nhỏ’.

Tôi nói với bà: “Nhưng nếu con không đến, bà có thực sự ngủ được không? Bà chuẩn bị cho ai cái giường thứ hai mọi đêm trước khi con đến? Bởi vì con không nói với bà rằng ngày mai con sẽ đến. Chuyện về ngày mai, ngay từ đầu, con đã không chắc chắn, bởi vì ai biết cái gì sẽ xảy ra ngày mai? Tại sao bà lại chuẩn bị cái giường thứ hai? Và không chỉ cái giường thứ hai…”

Tôi có một thói quen cố hữu mà bắt nguồn từ ông ngoại, đó là tôi luôn cần ăn kẹo trước khi đi ngủ; nếu không có kẹo tôi sẽ không thể ngủ được. Do vậy, bà không chỉ chuẩn bị cái giường của tôi, mà bà có thói quen đi ra ngoài mua thứ kẹo mà tôi thích và đặt chúng ngay bên cạnh giường để tôi có thể ăn - ngay cả giữa đêm.

Tôi hỏi bà: “Bà giữ những cái kẹo này cho ai? Bà không ăn chúng, từ khi Nana mất bà không hề động tới kẹo.” Nana tôi ưa thích kẹo. Thật ra, có vẻ như ông đã truyền cái tật này cho tôi; ông cũng có thói quen ăn trước khi đi ngủ. Điều đó không xảy ra trong bất cứ gia đình Jaina nào. Người Jaina không ăn vào ban đêm; họ thậm chí không uống nước hay sữa, hay bất cứ cái gì. Nhưng ông sống trong một ngôi làng nơi mà ông là người Jaina duy nhất, nên không có vấn đế gì. Có lẽ, từ ông mà tôi có thói quen đó; hẳn là ông ăn và gọi tôi ăn cùng với ông. Hẳn tôi đã ăn chúng cùng với ông và dần dần nó trở nên một thói quen cố hữu.

Cho nên, tôi không thể ngủ ở nhà vì hai lý do. Một, là vì những cái kẹo đó - bởi vì tại chỗ mẹ tôi, kẹo là điều không thể: có quá nhiều trẻ con, đến nỗi, nếu cho phép một đứa, thì mọi đứa khác sẽ xin và bạn sẽ cần một cửa hàng mới đủ chia cho chúng. Và dù sao đi nữa, điều đó đi ngược lại đạo Jaina, thậm chí, bạn cũng không được phép hỏi xin. Cho nên ở nhà thì không có kẹo, tôi có thể không cần nhà, nhưng tôi cần kẹo để ngủ.

Thứ hai, tôi cảm thấy “Nani hẳn phải đang cảm thấy cô độc mà ở trong ngôi nhà của cha mình không thể được ở một mình, quá nhiều người, nó luôn là một nơi họp chợ. Không ai sẽ cảm thấy thiếu mình nếu mình không có mặt ở đây.” Không ai từng cảm thấy thiếu vắng tôi; họ đơn giản chắc chắn rằng, tôi đang ngủ tại nhà Nani tôi, cho nên, cũng chẳng có vấn đề gì.

Do vậy, ngay cả sau 7 năm đầu đời ấy, tôi cũng không ở dưới ảnh hưởng của cha mẹ tôi nhiều. Thật tình cờ, ngay từ đầu tôi đã độc lập, làm đúng hay sai không phải là điều quan trọng lắm, nhưng làm một cách độc lập, tự mình - điều ấy trở thành phong cách sống của tôi sau này, về mọi sự.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh